Có được nhận lại tiền đã đặt cọc khi không thực hiện hợp đồng không?
Nội dung chính
Được nhận lại được tiền đã đặt cọc khi không thực hiện hợp đồng?
Tôi muốn mua mảnh đất giá 1 tỷ 5. Đã ký hợp đồng đặt cọc trước 40 triệu để mua mảnh đất này. Tuy nhiên bây giờ tôi mới thấy mảnh đất không rõ ràng nên không muốn mua nữa, cho tôi hỏi như vậy tôi có lấy lại tiền cọc đã chuyển khoản trước hay không? Tôi cảm ơn.
Trả lời: Tại Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về đặt cọc như sau:
- Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
- Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Như vậy bạn là bên đặt cọc nếu từ chối việc giao kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì số tiền 40 triệu đã đặt cọc sẽ thuộc về bên nhận đặt cọc, bạn không được nhận lại số tiền này bạn nhé. Tuy nhiên, nếu 2 bên có thỏa thuận khác thì sẽ thực hiện theo thỏa thuận đó.
Có được nhận lại tiền đã đặt cọc khi không thực hiện hợp đồng không?(Hình ảnh Internet)
Cá nhân muốn thuê lập trình viên thì nên ký hợp đồng gì?
Mọi người cho em hỏi là em thuê một bạn lập trình theo hình thức freelancer để bạn viết app cho startup của bên em. Nhưng CEO của bên em hiện giờ chưa muốn lập công ty mà muốn kí hợp đồng với bạn ấy theo hình thức giữa cá nhân với cá nhân. Em không biết là bên em nên kí loại hợp đồng nào với bạn ấy ạ?
Trả lời: Điều 513 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.
Và theo Điều 513 Bộ luật Dân sự 2015 thì: Đối tượng của hợp đồng dịch vụ là công việc có thể thực hiện được, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Như vậy, nếu muốn thuê một bạn lập trình theo hình thức freelancer để bạn viết app cho startup chưa thành lập công ty thì các bên có thể ký hợp đồng dịch vụ. Các bên có thể thỏa thuận về công việc có thể thực hiện được, miễn là công việc đó không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Tham khảo thêm vấn đề này từ Điều 513 đến Điều 521 Bộ luật Dân sự 2015.
Thời điểm chịu rủi ro trong hợp đồng mua bán xe
Tôi có mua một chiêc xe và hãng phải thực hiện việc giao xe đến nhà cho tôi. Khi xe được giao đến trong quá trình đưa xe xuống khỏi xe vận chuyển bị bị vỡ một bên đèn tôi có yêu cầu hãng làm lại cho tôi tuy nhiên phía hãng bảo không chịu trách nhiệm từ khi giao xe cho khách. Tôi đã ký hợp đồng mua xe và trả tiền đầy đủ nhưng vẫn chưa làm thủ tục đăng ký giấy tờ xe vậy cho tôi hỏi ai phải chịu trách nhiệm trong trường hợp này?
Trả lời: Căn cứ theo Khoản 2 Điều 441 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thời điểm chịu rủi ro quy định như sau:
"Đối với hợp đồng mua bán tài sản mà pháp luật quy định tài sản đó phải đăng ký quyền sở hữu thì bên bán chịu rủi ro cho đến khi hoàn thành thủ tục đăng ký, bên mua chịu rủi ro kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký, trừ trường hợp có thỏa thuận khác."
Theo quy định trên và trong tình huống của bạn vẫn chưa tiến hành thủ tục đăng ký quyền sở hữu với cơ quan có thẩm quyền do đó về nguyên tắc phía hãng xe vẫn phải chịu rủi ro trong trường hợp này.
Tuy nhiên, cần lưu ý trong hợp đồng mua bán xe mà bạn đã ký với phía hãng nếu trong đó có thỏa thuận về việc bạn chịu rủi ro từ khi bên bán giao xe cho bạn như phía hãng đã nói thì bạn phải rủi ro đã được chuyển cho bạn thì với trường hợp này phía hãng không có trách nhiệm sửa chửa cho bạn.