Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Có được ký hợp đồng đặt cọc nhà đất đang thế chấp không? Hợp đồng đặt cọc mua bán nhà đất đang thế chấp cần công chứng không?

Có được ký hợp đồng đặt cọc khi nhà đất đang thế chấp không? Hợp đồng đặt cọc mua bán nhà đất đang thế chấp có cần công chứng theo Luật Đất đai 2024 không?

Nội dung chính

    Hợp đồng đặt cọc là gì?

    Theo khoản 1 Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015, đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.

    Như vậy, hợp đồng đặt cọc là một hợp đồng lập ra để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ dân sự của các bên và ràng buộc các bên thực hiện một giao dịch dân sự khác có liên quan.

    Có được ký hợp đồng đặt cọc nhà đất đang thế chấp không?

    Việc ký hợp đồng đặt cọc nhà đất đang thế chấp là hoàn toàn hợp pháp. Vì đối tượng của hợp đồng đặt cọc là tiền cọc chứ không phải bất động sản. Và hợp đồng đặt cọc quy định nghĩa vụ của các bên trong tương lai, vì vậy hợp đồng đặt cọc là hợp đồng độc lập, nếu bất động sản đang thế chấp tại ngân hàng thì bên bán và bên mua vẫn có thể ký kết hợp đồng đặt cọc.

    Căn cứ khoản 8 Điều 320 Bộ luật Dân sự 2015 quy định nghĩa vụ của bên thế chấp như sau:

    Nghĩa vụ của bên thế chấp
    Không được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 321 của Bộ luật này.

    Đồng thời theo quy định tại khoản 5 Điều 321 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

    Quyền của bên thế chấp

    ...

    5. Được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nếu được bên nhận thế chấp đồng ý hoặc theo quy định của luật.

    Như vậy, khi tài sản là đất đang thế chấp tại Ngân hàng thì bên thế chấp vẫn có quyền được chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp nếu được bên nhận thế chấp đồng ý. Việc ký hợp đồng đặt cọc nhà đất đang thế chấp là hợp pháp.

    Có được ký hợp đồng đặt cọc nhà đất đang thế chấp không? Hợp đồng đặt cọc mua bán nhà đất đang thế chấp cần công chứng không? (Hình ảnh từ internet)

    Hợp đồng đặt cọc mua bán nhà đất đang thế chấp cần công chứng không?

    Theo quy định của pháp luật, hợp đồng đặt cọc là một trong những loại văn bản không bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 27 Luật Đất đai 2024 thì việc công chứng, chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất như sau:

    Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất
    ...
    3. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:
    a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;
    b) Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; hợp đồng chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên;...

    Theo đó, chỉ đối với trường hợp hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì mới cần công chứng, chứng thực hợp đồng.

    Và căn cứ theo Điều 164 Luật Nhà ở 2023 quy định về công chứng, chứng thực hợp đồng về nhà ở như sau:

    Công chứng, chứng thực hợp đồng và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng về nhà ở
    1. Trường hợp mua bán, thuê mua, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở thì phải thực hiện công chứng hoặc chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
    Đối với giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm hoàn thành việc công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực.
    2. Trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết; mua bán, thuê mua nhà ở thuộc tài sản công; mua bán, thuê mua nhà ở mà một bên là tổ chức, bao gồm: nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; thuê, mượn, ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.
    Đối với giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là do các bên thỏa thuận; trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm ký kết hợp đồng.
    3. Văn bản thừa kế nhà ở được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự.
    4. Việc công chứng hợp đồng về nhà ở được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng; việc chứng thực hợp đồng về nhà ở được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có nhà ở.

    Ngoài ra, theo Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định rõ về các giao dịch mà theo quy định của pháp luật phải công chứng chứng thực và đăng ký, thì đây được xem là điều kiện bắt buộc về mặt hình thức để xem xét về hiệu lực của hợp đồng.

    Ngoài ra, theo Điều 459 Bộ luật Dân sự 2015,các loại hợp đồng phải công chứng bao gồm: Hợp đồng tặng cho bất động sản; hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất; hợp đồng chuyển nhượng, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; văn bản thừa kế quyền sử dụng đất.

    Theo đó thì, hợp đồng đặt cọc mua bán nhà đất đang thế chấp không bắt buộc phải tiến hành công chứng. Do đó, việc công chứng hay không công chứng hợp đồng đặt cọc không ảnh hưởng đến giá trị pháp lý của hợp đồng. Tuy nhiên, để bảo đảm tính pháp lý cũng như phòng ngừa trường hợp tranh chấp xảy ra, nên thực hiện việc công chứng giao dịch này. 

    9