Có bắt buộc phải chuyển đổi từ Sổ đỏ, Sổ hồng sang Sổ hồng mẫu mới để chuyển nhượng quyền sử dụng đất?

Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Ngọc Huyền
Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Cách phân biệt Sổ đỏ và Sổ hồng qua các thời kỳ ra sao? Có bắt buộc phải chuyển đổi từ Sổ đỏ, Sổ hồng sang Sổ hồng mẫu mới để chuyển nhượng quyền sử dụng đất?

Nội dung chính

    Cách phân biệt Sổ đỏ và Sổ hồng qua các thời kỳ ra sao?

    Trong hệ thống pháp luật đất đai từ trước tới nay đều không có quy định về “Sổ đỏ”, “Sổ hồng”. “Sổ đỏ” và “Sổ hồng” là cách gọi thông thường của người dân về các loại giấy chứng nhận liên quan đến quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất thông qua màu sắc bên ngoài của giấy chứng nhận.

    Cách phân biệt Sổ đỏ và Sổ hồng qua các thời kỳ như sau:

    (1) Sổ đỏ là tên gọi của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo điểm a khoản 1 Điều 2 Quyết định 08/2006/QĐ-BTNMT (đã hết hiệu lực) vì bìa của loại Giấy chứng nhận này có màu đỏ. Theo Thông tư 346/1998/TT-TCĐC (đã hết hiệu lực), Sổ đỏ được cấp cho các loại đất bao gồm đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất mặt nước nuôi trồng thuỷ sản, đất làm muối, đất ở thuộc khu vực nông thôn, đất chuyên dùng các loại. Các thửa đất có công trình nhưng không phải là nhà ở, thửa đất ở chưa có nhà hoặc nhà tạm thuộc nội thành phố, nội thị xã, thị trấn.

    Hiện nay, có 2 loại Sổ đỏ là sổ đỏ chỉ có quyền sử dụng đất và sổ đỏ có cả quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất do được cập nhật.

    (2) Sổ hồng cũ là tên gọi của Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, có trang bìa màu hồng, nội dung ghi nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, khu vực đô thị, áp dụng với nhà ở, đất ở đô thị, được quy định cụ thể tại Nghị định 60-CP năm 1994 (đã hết hiệu lực).

    (3) Sổ hồng mới là tên gọi của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Nghị định 88/2009/NĐ-CP (đã hết hiệu lực). Nghị định này đã thống nhất 1 loại mẫu giấy chứng nhận để cấp cho người dân với tên gọi là “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”. Mẫu giấy giấy chứng nhận này có màu hồng cánh sen, áp dụng thống nhất trên toàn quốc từ ngày 10/12/2009.

    Theo quy định hiện nay tại khoản 1 Điều 44 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT, Phôi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng mới) được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2024.

    (4) Sổ hồng mẫu mới là tên gọi của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, được quy định tại Điều 29 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT, có màu hồng cánh sen.

    Bắt đầu từ 01/01/2025, người dân khi thực hiện các thủ tục cấp mới, cấp lại, cấp đổi các loại sổ tại (1), (2) và (3) sẽ được cấp mẫu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (Sổ hồng mẫu mới).

    Có bắt buộc phải chuyển đổi từ Sổ đỏ, Sổ hồng sang Sổ hồng mẫu mới để chuyển nhượng quyền sử dụng đất?

    Có bắt buộc phải chuyển đổi từ Sổ đỏ, Sổ hồng sang Sổ hồng mẫu mới để chuyển nhượng quyền sử dụng đất? (Hình từ Internet)

    Có bắt buộc phải chuyển đổi từ sổ đỏ, sổ hồng sang sổ hồng mẫu mới để chuyển nhượng quyền sử dụng đất?

    Theo quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật Đất đai 2024, người sử dụng đất được quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

    (1) Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ) hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (Sổ hồng cũ) hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Sổ hồng mới) hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (Sổ hồng mẫu mới).

    (2) Đất không có tranh chấp hoặc tranh chấp đã được giải quyết bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bản án, quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phán quyết của Trọng tài đã có hiệu lực pháp luật;

    (3) Quyền sử dụng đất không bị kê biên, áp dụng biện pháp khác để bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự;

    (4) Trong thời hạn sử dụng đất;

    (5) Quyền sử dụng đất không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.

    Dựa trên các quy định hiện hành, người sử dụng đất khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện tại các mục (2), (3), (4), và (5), đồng thời sở hữu một trong các loại giấy chứng nhận như Sổ đỏ, Sổ hồng cũ, Sổ hồng mới, hoặc Sổ hồng mẫu mới, đều có quyền thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Pháp luật không yêu cầu bắt buộc phải sở hữu Sổ hồng mẫu mới mới được phép chuyển nhượng. Vì vậy, người sử dụng đất không cần phải đổi từ Sổ đỏ, Sổ hồng trước đây sang Sổ hồng mẫu mới để đảm bảo quyền chuyển nhượng hợp pháp.

    Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 3 Điều 256 Luật Đất đai 2024, các loại Sổ đỏ, Sổ hồng đã được cấp theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật về xây dựng trước ngày Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị pháp lý và không phải cấp đổi sang Sổ hồng mẫu mới, trường hợp có nhu cầu thì được cấp đổi sang Sổ hồng mẫu mới theo quy định của Luật Đất đai 2024.

    Thủ tục xin cấp đổi từ sổ đỏ, sổ hồng sang sổ hồng mẫu mới được thực hiện như thế nào?

    Theo như phân tích ở nội dung trước thì trường hợp người sử dụng đất có nhu cầu thì được cấp đổi từ Sổ đỏ, Sổ hồng sang Sổ hồng mẫu mới theo quy định của Luật Đất đai 2024.

    Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 38 Nghị định 101/2024/NĐ-CP, người sử dụng đất có nhu cầu đổi Sổ đỏ, Sổ hồng đã cấp trước ngày 01/8/2024 sang Sổ hồng mẫu mới thì thực hiện thủ tục cấp đổi Giấy chứng nhận đã cấp.

    Thủ tục cấp cấp đổi Giấy chứng nhận đã cấp được thực hiện theo khoản 2 và khoản 3 Điều 38 Nghị định 101/2024/NĐ-CP như sau:

    Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

    Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục cấp đổi Giấy chứng nhận đã cấp bao gồm:

    + Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 11/ĐK ban hành kèm theo Nghị định 101/2024/NĐ-CP;

    + Giấy chứng nhận đã cấp (Sổ đỏ hoặc Sổ hồng).

    Bước 2: Nộp hồ sơ

    Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp hồ sơ tới một trong các cơ quan sau

    (1) Bộ phận Một cửa theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã;

    (2) Văn phòng đăng ký đất đai;

    (3) Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.

    Bước 3: Nhận hồ sơ

    Cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất.

    Trường hợp cơ quan tiếp nhận hồ sơ là Bộ phận Một cửa theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã thì chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai.

    Bước 4: Giải quyết hồ sơ

    Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện:

    (1) Gửi Phiếu chuyển thông tin để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai theo Mẫu số 12/ĐK ban hành kèm theo Nghị định 101/2024/NĐ-CP đến cơ quan thuế để xác định và thông báo nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính;

    (2) Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; cấp Sổ hồng mẫu mới; trao Sổ hồng mẫu mới hoặc gửi cơ quan tiếp nhận hồ sơ để trao cho người được cấp.

    62
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ