Chuyển quyền sử dụng đất là gì? Tại sao không gọi là “mua bán đất” mà là “chuyển quyền sử dụng đất”?
Nội dung chính
Chuyển quyền sử dụng đất là gì?
Căn cứ vào khoản 12 Điều 3 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
…
12. Chuyển quyền sử dụng đất là việc chuyển giao quyền sử dụng đất từ người này sang người khác thông qua hình thức chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Như vậy, chuyển quyền sử dụng đất là việc chuyển giao quyền sử dụng đất thông qua hình thức như chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất từ người này qua người khác.
Chuyển quyền sử dụng đất là gì? Tại sao không gọi là “mua bán đất” mà là “chuyển quyền sử dụng đất”? (Hình ảnh từ Internet)
Tại sao không gọi là “mua bán đất” mà là “chuyển quyền sử dụng đất”?
Căn cứ vào Điều 53 Hiến pháp 2013 quy định như sau:
Điều 53.
Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Như vậy, theo Hiến pháp 2013 quy định thì đất đai là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Cũng như căn cứ vào Điều 2 Luật Đất đai 2024 quy định về đối tượng áp dụng như sau:
Đối tượng áp dụng
1. Cơ quan nhà nước thực hiện quyền hạn và trách nhiệm đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, thực hiện nhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước về đất đai.
2. Người sử dụng đất.
3. Các đối tượng khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất đai.
Theo quy định trên thì cơ quan nhà nước là đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai. Còn các đối tượng như người sử dụng đất, các đối tượng khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất đai thì chỉ có quyền sử dụng chứ không có quyền sở hữu.
Như vậy, người dân chỉ có quyền sử dụng đất chứ không có quyền sở hữu. Do vậy, người dân chỉ có quyền chuyển quyền sử dụng đất, mà không được thực hiện giao kết mua bán đối với đất.
Ngoài ra, căn cứ vào Điều 430 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
Hợp đồng mua bán tài sản
Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán.
Hợp đồng mua bán nhà ở, mua bán nhà để sử dụng vào mục đích khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật nhà ở và luật khác có liên quan.
Như vậy, theo quy định trên hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên. Trong đó, bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán. Tuy nhiên, đất đai không phải là tài sản được sở hữu, mà chỉ được chiếm hữu và sử dụng. Do đó, có nhiều trường hợp đang sử dụng đất nhưng vẫn có thể bị Nhà nước thu hồi hoặc cho vào diện quy hoạch. Do vậy, do được Nhà nước trao quyền sử dụng đất nên người dân chỉ có thể giao kết hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất, chứ không thể thực hiện giao kết hợp đồng mua bán đất.
Chính vì tất cả những điều trên mà luật hay các giấy tờ mang tính pháp lý đều sử dụng cụm từ “chuyển quyền sử dụng đất” chứ không phải cụm từ “mua bán đất”. Bởi vì cụm từ “mua bán đất” là không đúng với quy định của Hiến pháp và luật. Mặc dù trong cuộc sống mọi người rất hay dùng từ “mua bán đất”, bởi vì cụm từ đó dễ hiểu, dễ hình dung. Thế nhưng trong các tài liệu, hay giấy tờ pháp lý thì không được sử dụng cụm từ này mà phải dùng từ “chuyển quyền sử dụng đất” để đúng với quy định của Hiến pháp và luật.
Có các hình thức chuyển quyền sử dụng đất nào?
Cũng theo quy định tại khoản 12 Điều 3 Luật Đất đai 2024 thì chuyển quyền sử dụng đất là việc chuyển giao quyền sử dụng đất từ người này sang người khác thông qua hình thức chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Vậy có các hình thức chuyển quyền sử dụng đất sau đây:
- Chuyển đổi
- Chuyển nhượng
- Thừa kế
- Tặng cho quyền sử dụng đất
- Góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Việc quy định các hình thức chuyển quyền sử dụng đất nhằm đảm bảo tính minh bạch và công bằng, các hình thức chuyển nhượng được quy định cụ thể sẽ giúp ngăn chặn các hành vi lạm dụng, gian lận trong giao dịch đất đai. Từ đó, tạo ra một khung pháp lý rõ ràng, đảm bảo các giao dịch chuyển nhượng được thực hiện một cách minh bạch và hợp pháp, bảo vệ quyền lợi của cả người chuyển nhượng và người nhận chuyển nhượng, giảm thiểu rủi ro và tranh chấp và đảm bảo sự phát triển bền vững của nền kinh tế.