07:00 - 20/11/2024

Chủ phương tiện và nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ có trách nhiệm thu phí đường bộ năm 2025?

Chủ phương tiện và nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ có trách nhiệm thu phí đường bộ năm 2025? Trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước như thế nào?

Nội dung chính

    Chủ phương tiện giao thông đường bộ có trách nhiệm gì trong hoạt động thu phí đường bộ năm 2025?

    Ngày 14 tháng 11 năm 2024 Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư 34/2024/TT-BGTVT quy định về hoạt động trạm thu phí đường bộ.

    Theo đó, tại Điều 16 Thông tư 34/2024/TT-BGTVT quy định như sau:

    Trách nhiệm của chủ phương tiện giao thông đường bộ
    Thực hiện trách nhiệm của chủ phương tiện giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật về thanh toán điện tử giao thông đường bộ, pháp luật về thu phí sử dụng đường cao tốc.

    Như vậy, chủ phương tiện giao thông đường bộ có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan đến thanh toán điện tử giao thông đường bộ và thu phí sử dụng đường cao tốc.

    Chủ phương tiện và nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ có trách nhiệm thu phí đường bộ năm 2025? (Ảnh từ Internet)Chủ phương tiện và nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ có trách nhiệm thu phí đường bộ năm 2025? (Ảnh từ Internet)

    Trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ năm 2025 là gì?

    Tại Điều 19 Thông tư 34/2024/TT-BGTVT có quy định về trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ năm 2025 như sau:

    (1) Thực hiện các nghĩa vụ theo quy định pháp luật về thanh toán điện tử giao thông đường bộ, thu phí sử dụng đường cao tốc và các quy định tại Điều 19 tại Thông tư 34/2024/TT-BGTVT.

    (2) Sao lưu và lưu trữ dữ liệu thu phí theo yêu cầu của các quy định liên quan để phục vụ công tác giám sát và hậu kiểm.

    (3) Đảm bảo chỉ số KPI của hệ thống thu phí điện tử không dừng đáp ứng yêu cầu tối thiểu của cơ quan có thẩm quyền, theo hợp đồng dịch vụ với đơn vị quản lý thu.

    (4) Thực hiện quyết định tạm dừng hoặc dừng thu theo chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền.

    (5) Không để xảy ra các hành vi gian lận hoặc can thiệp trái phép vào hệ thống thu phí, bao gồm:

    - Gian lận tiền thu phí hoặc thông đồng trong hoạt động thu phí.

    - Can thiệp vào hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử, báo cáo sai doanh thu.

    - Sử dụng phương thức hoặc công nghệ không đúng để truyền dữ liệu gây sai lệch về lưu lượng và doanh thu tại trạm thu phí.

    - Sử dụng sai mục đích đối với tiền trong tài khoản thu phí.

    (6) Tuân thủ quy định về mở và sử dụng tài khoản thu phí theo yêu cầu của pháp luật.

    (7) Cung cấp chứng từ thu phí đúng đối tượng và mức thu theo quy định, không gây cản trở cho những trường hợp không phải trả phí.

    (8) Thực hiện kiểm toán doanh thu và tiền thu phí hàng năm theo quy định của pháp luật và hợp đồng dịch vụ thu.

    (9) Giám sát và kiểm tra hoạt động thu tiền để đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật và hợp đồng.

    (10) Hoàn tiền thu phí cho đơn vị quản lý thu sau khi trừ đi chi phí dịch vụ theo hợp đồng.

    (11) Phát hành hóa đơn giá trị gia tăng đối với doanh thu dịch vụ thu phí theo hình thức điện tử không dừng, tuân thủ quy định thuế.

    (12) Đảm bảo đối soát chính xác giữa lưu lượng phương tiện thực tế và số liệu thu phí, đồng thời chuyển tiền phí vào tài khoản ngân sách của đơn vị quản lý thu đúng hạn.

    (13) Có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho đơn vị quản lý thu trong trường hợp tạm dừng thu hoặc dừng thu do lỗi của nhà cung cấp dịch vụ thanh toán.

    Trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trong hoạt động thu phí đường bộ là gì?

    Theo quy định tại Điều 20 Thông tư 34/2024/TT-BGTVT quy định như sau:

    Trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước
    1. Cục Đường bộ Việt Nam là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động trạm thu phí trên quốc lộ, đường cao tốc do Bộ Giao thông vận tải quản lý.
    2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động trạm thu phí trên đường địa phương và các loại đường thuộc trách nhiệm quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
    3. Chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, thanh tra, kiểm tra hoạt động trạm thu phí.

    Theo đó, cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm tổ chức và giám sát hoạt động các trạm thu phí.

    Cục Đường bộ Việt Nam thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các trạm thu phí trên quốc lộ và đường cao tốc thuộc Bộ Giao thông vận tải.

    Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đảm nhận việc quản lý trạm thu phí trên các tuyến đường địa phương và những đường thuộc thẩm quyền của cấp tỉnh.

    Ngoài ra, các cơ quan này cũng có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra việc thực hiện hoạt động thu phí tại các trạm.

    Thông tư 34/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.

    Chuyên viên pháp lý Trần Thị Mộng Nhi
    72
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ