Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Chồng bị mất năng lực hành vi dân sự, vợ có được đại diện chồng thực hiện thủ tục xin cấp lại sổ đỏ?

Sổ đỏ bị mất, chồng bị mất năng lực hành vi dân sự, vợ có được đại diện chồng thực hiện thủ tục xin cấp lại sổ đỏ hay không?

Nội dung chính

    Người mất năng lực hành vi dân sự là gì?

    Căn cứ khoản Điều 22 Bộ luật Dân sự năm 2015, mất năng lực hành vi dân sự được quy định như sau:

    Mất năng lực hành vi dân sự
    1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

    Như vậy, người mất năng lực hành vi dân sự là người bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không nhận thức, làm chủ được hành vi, theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

    Chồng bị mất năng lực hành vi dân sự, vợ có được đại diện chồng thực hiện thủ tục xin cấp lại Sổ Đỏ? (Hình Internet)

    Thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự được thực hiện như thế nào?

    Thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự được thực hiện theo quy định từ Điều 376 đến Điều 379 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 như sau:

    (1) Quyền yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự

    Người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan, tổ chức hữu quan có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự.

    (2) Chuẩn bị xét đơn yêu cầu

    Trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, theo đề nghị của người yêu cầu, Tòa án có thể trưng cầu giám định pháp y tâm thần đối với người bị yêu cầu tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự. Trong trường hợp này, khi nhận được kết luận giám định, Tòa án phải ra quyết định mở phiên họp để xét đơn yêu cầu.

    (3) Quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự

    - Trường hợp chấp nhận đơn yêu cầu thì Tòa án ra quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự.

    - Trong quyết định tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, Tòa án phải xác định người đại diện theo pháp luật của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và phạm vi đại diện.

    Như vậy, khi chồng rơi vào trường hợp bị mất năng lực hành vi dân sự, thì vợ phải làm đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố một người bị mất năng lực hành vi dân sự. Trường hợp này, người vợ có thể kèm theo chứng cứ để chứng minh chồng không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình. Thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự được thực hiện như trên.

    Người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự là ai?

    Căn cứ khoản 2 Điều 48, Điều 53 Bộ luật Dân sự năm 2015, quy định người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự là những đối tượng sau:

    (1) Trường hợp người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ lựa chọn người giám hộ cho mình thì khi họ ở tình trạng mất năng lực hành vi dân sự, cần được giám hộ thì cá nhân, pháp nhân được lựa chọn là người giám hộ nếu người này đồng ý. Việc lựa chọn người giám hộ phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực.

    (2) Trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng là người mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.

    (3) Trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo có đủ điều kiện làm người giám hộ là người giám hộ.

    (4) Trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.

    Như vậy, nếu trước khi bị mất năng lực hành vi dân sự chồng không lựa chọn người giám hộ cho mình hoặc lựa chọn vợ làm người giám hộ thì khi chồng bị mất năng lực hành vi dân sự, vợ là người giám hộ của chồng.

    Chồng bị mất năng lực hành vi dân sự, vợ có được đại diện chồng thực hiện thủ tục xin cấp lại sổ đỏ do bị mất?

    Căn cứ Điều 58 Bộ luật Dân sự 2015, quyền của người giám hộ được quy định như sau:

    Quyền của người giám hộ
    1. Người giám hộ của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự có các quyền sau đây:
    a) Sử dụng tài sản của người được giám hộ để chăm sóc, chi dùng cho những nhu cầu thiết yếu của người được giám hộ;
    b) Được thanh toán các chi phí hợp lý cho việc quản lý tài sản của người được giám hộ;
    c) Đại diện cho người được giám hộ trong việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự và thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.

    Như vậy, nếu chồng được Tòa án tuyên là người mất năng lực hành vi dân sự thì người giám hộ của chồng là người vợ sẽ có các quyền của người giám hộ, trong đó có quyền được đại diện thực hiện thủ tục xin cấp lại Sổ Đỏ cho chồng nếu việc thực hiện thủ tục cấp lại sổ đỏ này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chồng.

    Trình tự, thủ tục cấp lại Sổ Đỏ đã cấp do bị mất được thực hiện như thế nào?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 39 Nghị định 101/2024/NĐ-CP, trình tự, thủ tục cấp lại Sổ Đỏ đã cấp do bị mất được thực hiện như sau:

    (1) Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 11/ĐK ban hành kèm theo Nghị định này đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 101/2024/NĐ-CP.

    Trường hợp cơ quan tiếp nhận hồ sơ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 21 Nghị định 101/2024/NĐ-CP thì chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai.

    (2) Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các công việc sau:

    - Kiểm tra thông tin về Sổ Đỏ đã cấp mà người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất khai báo bị mất trong hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai;

    - Trường hợp phát hiện thửa đất, tài sản gắn liền với đất được cấp Sổ Đỏ đã được chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc đang thế chấp tại các tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế khác hoặc cá nhân theo quy định của pháp luật thì thông báo, trả lại hồ sơ cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất;

    - Trường hợp không thuộc quy định tại điểm b khoản này thì Văn phòng đăng ký đất đai chuyển thông tin đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất để thực hiện nội dung quy định tại khoản 3 Điều 39 Nghị định 101/2024/NĐ-CP đối với hộ gia đình, cá nhân; thực hiện đăng tin 03 lần trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương trong thời gian 15 ngày về việc mất Sổ Đỏ đã cấp đối với tổ chức, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, chi phí đăng tin do người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất chi trả;

    - Thực hiện việc hủy Sổ Đỏ đã cấp; cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai sau khi đã thực hiện các nội dung quy định tại khoản 3 Điều 39 Nghị định 101/2024/NĐ-CP; cấp lại Sổ Đỏ quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho người được cấp.

    Trường hợp Sổ Đỏ đã cấp chưa sử dụng bản đồ địa chính hoặc trích đo bản đồ địa chính thửa đất thì thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 37 Nghị định 101/2024/NĐ-CP.

    (3) Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:

    - Niêm yết công khai về việc mất Sổ Đỏ đã cấp tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và điểm dân cư nơi có đất trong thời gian 15 ngày; đồng thời tiếp nhận phản ánh trong thời gian niêm yết công khai về việc mất Sổ Đỏ đã cấp;

    - Trong thời hạn không quá 05 ngày kể từ ngày kết thúc thời gian niêm yết, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm lập biên bản kết thúc niêm yết và gửi đến Văn phòng đăng ký đất đai.

    (4) Trường hợp Trang bổ sung của Sổ Đỏ đã cấp theo quy định của pháp luật đất đai trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành bị mất thì người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 11/ĐK ban hành kèm theo Nghị định này và bản gốc Sổ Đỏ đã cấp. Văn phòng đăng ký đất đai kiểm tra thông tin của Trang bổ sung trong hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; thực hiện cấp lại Sổ Đỏ quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất với các thông tin cập nhật của Sổ Đỏ đã cấp và thông tin trên Trang bổ sung.

    3