Chính thức có Nghị định 19 2025 về thủ tục đầu tư đặc biệt
Nội dung chính
Chính thức có Nghị định 19 2025 về thủ tục đầu tư đặc biệt
Ngày 10/02/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định 19/2025/NĐ-CP về việc quy định chi tiết Luật Đầu tư về thủ tục đầu tư đặc biệt (còn gọi là Nghị định 19 về thủ tục đầu tư đặc biệt), có hiệu lực thi hành từ ngày 10/02/2025.
Trong đó, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 19/2025/NĐ-CP thì Nghị định 19 2025 về thủ tục đầu tư đặc biệt có phạm vi điều chỉnh như sau:
(1) Nghị định 19 2025 về thủ tục đầu tư đặc biệt quy định chi tiết về thủ tục đầu tư đặc biệt quy định tại Điều 36a của Luật Đầu tư, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 8 Điều 2 Luật số 57/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu;
(2) Những nội dung liên quan đến hoạt động đầu tư không được quy định tại Điều 36a của Luật Đầu tư và Nghị định này thì thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư, Nghị định 31/2021/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Đồng thời, theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 19/2025/NĐ-CP thì Nghị định 19 2025 về thủ tục đầu tư đặc biệt được áp dụng đối với nhà đầu tư, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân liên quan đến thủ tục đầu tư đặc biệt.
Tải về Nghị định 19 2025 về thủ tục đầu tư đặc biệt
Chính thức có Nghị định 19 2025 về thủ tục đầu tư đặc biệt (Hình từ Internet)
Nhà nước có những chính sách gì về đầu tư kinh doanh?
Căn cứ quy định tại Điều 5 Luật Đầu tư 2020 thì Nhà nước có những chính sách về đầu tư kinh doanh như sau:
(1) Nhà đầu tư có quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà Luật Đầu tư 2020 không cấm. Đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì nhà đầu tư phải đáp ứng các điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật.
(2) Nhà đầu tư được tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về hoạt động đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư 2020 và quy định khác của pháp luật có liên quan; được tiếp cận, sử dụng các nguồn vốn tín dụng, quỹ hỗ trợ, sử dụng đất đai và tài nguyên khác theo quy định của pháp luật.
(3) Nhà đầu tư bị đình chỉ, ngừng, chấm dứt hoạt động đầu tư kinh doanh nếu hoạt động này gây phương hại hoặc có nguy cơ gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia.
(4) Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu về tài sản, vốn đầu tư, thu nhập và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của nhà đầu tư.
(5) Nhà nước đối xử bình đẳng giữa các nhà đầu tư; có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, phát triển bền vững các ngành kinh tế.
(6) Nhà nước tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về đầu tư mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Việc giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh được thực hiện như thế nào?
Căn cứ Điều 4 Luật Đầu tư 2020 quy định:
Giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh
1. Tranh chấp liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam được giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải. Trường hợp không thương lượng, hòa giải được thì tranh chấp được giải quyết tại Trọng tài hoặc Tòa án theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này.
2. Tranh chấp giữa các nhà đầu tư trong nước, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài hoặc giữa nhà đầu tư trong nước, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài với cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam được giải quyết thông qua Trọng tài Việt Nam hoặc Tòa án Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
3. Tranh chấp giữa các nhà đầu tư trong đó có ít nhất một bên là nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 23 của Luật này được giải quyết thông qua một trong những cơ quan, tổ chức sau đây:
a) Tòa án Việt Nam;
b) Trọng tài Việt Nam;
c) Trọng tài nước ngoài;
d) Trọng tài quốc tế;
đ) Trọng tài do các bên tranh chấp thỏa thuận thành lập.
4. Tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam được giải quyết thông qua Trọng tài Việt Nam hoặc Tòa án Việt Nam, trừ trường hợp có thỏa thuận khác theo hợp đồng hoặc điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Như vậy, việc giải quyết tranh chấp trong đầu tư kinh doanh được thực hiện theo quy định trên.