Chia di sản thừa kế khi người thừa kế chết cùng thời điểm với người để lại di sản được quy định như thế nào?

Ông A kết hôn với bà B và có 3 người con là C, D, E. C có vợ là M và có 2 con là X, Y. Năm 2006, ông A sống chung với bà Q có con chung là P. Năm 2015, ông A và C cùng chết trong 1 tai nạn giao thông. Trước khi chết, ông A lập di chúc để lại toàn bộ tài sản cho B, C, D, E. Chia di sản của ông A.

Nội dung chính

    Chia di sản thừa kế khi người thừa kế chết cùng thời điểm với người để lại di sản được quy định như thế nào?

    Ông A để lại di chúc nên di sản của ông A được chia theo di chúc cho những người được ông A chỉ định. Tuy nhiên, do C đã chết cùng thời điểm với ông A nên theo Ðiều 641 Bộ luật Dân sự về việc thừa kế của những người có quyền thừa kế di sản của nhau mà chết cùng thời điểm thì C không được hưởng di sản theo di chúc của ông A. (Trong trường hợp những người có quyền thừa kế di sản của nhau đều chết cùng thời điểm hoặc được coi là chết cùng thời điểm do không thể xác định được người nào chết trước (sau đây gọi là chết cùng thời điểm) thì họ không được thừa kế di sản của nhau và di sản của mỗi người do người thừa kế của người đó hưởng, trừ trường hợp thừa kế thế vị theo quy định tại Ðiều 677 của Bộ luật này).

    Như vậy, di chúc của ông A không có hiệu lực pháp luật một phần do có “có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức này không có hiệu lực pháp luật” (theo khoản 2 Điều 667 Bộ luật Dân sự về hiệu lực pháp luật của di chúc).

    Phần di chúc có nội dung ông A chỉ định cho C được hưởng di sản sẽ không có hiệu lực. Do đó, phần di sản do ông A để lại mà lẽ ra C được hưởng theo di chúc nếu còn sống sẽ được chia thừa kế theo pháp luật (điểm a khoản 2 Điều 675 Bộ luật Dân sự). Những người thừa kế theo pháp luật của ông A được xác định theo Điều 676 Bộ luật Dân sự theo thứ tự:

    - Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

    - Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

    - Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

    Vậy, có thể chia di sản của ông A như sau:

    - Chia theo di chúc: B, D và E được hưởng di sản của ông A theo di chúc.

    Ngoài ra, nếu P (con chung của A và bà Q) là người chưa thành niên hoặc đã thành niên mà không có khả năng lao động thì: Mặc dù A không cho P được hưởng theo di chúc nhưng P thuộc diện người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc theo Điều 669 Bộ luật Dân sự. Do đó, P được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật.

    - Chia theo pháp luật: Phần di sản mà A dự định chia cho C theo di chúc sẽ được chia theo pháp luật cho:

    + B với tư cách là vợ của A;

    + D, E, P với tư cách là con đẻ của A;

    + X, Y với tư cách là người thừa kế thế vị. Theo quy định tại Điều 677 Bộ luật Dân sự về thừa kế thế vị: Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống. Do C chết cùng thời điểm với bố đẻ là A nên con của C là X, Y sẽ được hưởng phần di sản mà C được hưởng nếu còn sống.

    40