Chi tiết trình tự, thủ tục khởi kiện vụ án tranh chấp thừa kế đất đai 2025

Chi tiết trình tự, thủ tục khởi kiện vụ án tranh chấp thừa kế đất đai 2025? Tranh chấp thừa kế đất đai có bắt buộc phải hòa giải tại UBND cấp xã không?

Nội dung chính

Chi tiết trình tự, thủ tục khởi kiện vụ án tranh chấp thừa kế đất đai 2025

Dưới đây là trình tự, thủ tục khởi kiện vụ án tranh chấp thừa kế đất đai 2025:

Bước 1: Nộp đơn khởi kiện

(1) Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện:

Căn cứ theo quy định tại Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, người khởi kiện chuẩn bị 01 bộ hồ sơ, gồm:

- Đơn khởi kiện

- Giấy tờ tùy thân (Chứng minh thư nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu).

- Tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm.

Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm.

Người khởi kiện bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.

Lưu ý:

Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, theo đó, đơn khởi kiện phải có các nội dung chính sau đây:

- Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;

- Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;

- Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người khởi kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).

Trường hợp các bên thỏa thuận địa chỉ để Tòa án liên hệ thì ghi rõ địa chỉ đó;

- Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có);

- Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người bị kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện;

- Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).

Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

- Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

- Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);

- Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.

>> File word Đơn khởi kiện tại đây

(2) Nộp đơn khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền:

Căn cứ theo khoản 1 Điều 190 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, theo đó, người khởi kiện gửi đơn khởi kiện theo một trong các phương thức sau:

- Nộp trực tiếp tại Tòa án (phổ biến nhất).

- Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính.

- Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

Bước 2: Tòa án tiếp nhận và thụ lý vụ án

Căn cứ theo Điều 195 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015:

- Sau khi tiếp nhận đơn khởi kiện, Thẩm phán sẽ tạm tính số tiền tạm ứng án phí, lập giấy báo và giao cho người khởi kiện. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận giấy báo, người khởi kiện phải đến Cơ quan thi hành án dân sự (theo thông tin trong giấy báo) để nộp khoản tiền này. Sau khi hoàn tất, người khởi kiện phải nộp lại biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án.

- Khi đã nhận được biên lai, Thẩm phán sẽ tiến hành thụ lý vụ án và ghi vào sổ thụ lý.

- Trường hợp người khởi kiện thuộc diện được miễn án phí và đủ điều kiện theo quy định, Tòa án sẽ thụ lý vụ án ngay sau khi tiếp nhận đơn khởi kiện, không cần chờ nộp tạm ứng án phí.

Bước 3: Chuẩn bị xét xử

Căn cứ theo Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015

Thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm không quá 04 tháng, vụ án phức tạp được gia hạn không quá 02 tháng.

Bước 4: Xét xử sơ thẩm

Bước 5: Thi hành án (nếu không có kháng cáo, kháng nghị)

Bước 6: Xét xử phúc thẩm (nếu có kháng cáo, kháng nghị).

Trên đây là Chi tiết trình tự, thủ tục khởi kiện vụ án tranh chấp thừa kế đất đai 2025

Chi tiết trình tự, thủ tục khởi kiện vụ án tranh chấp thừa kế đất đai 2025

Chi tiết trình tự, thủ tục khởi kiện vụ án tranh chấp thừa kế đất đai 2025 (Hình từ Internet)

Tranh chấp thừa kế đất đai có bắt buộc phải hòa giải tại UBND cấp xã không?

Căn cứ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 235 Luật Đất đai 2024:

Điều 235. Hòa giải tranh chấp đất đai
1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải, hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở, hòa giải theo quy định của pháp luật về hòa giải thương mại hoặc cơ chế hòa giải khác theo quy định của pháp luật.
2. Trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai quy định tại Điều 236 của Luật này, các bên tranh chấp phải thực hiện hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp. Việc hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp được thực hiện như sau:
a) Sau khi nhận được đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để thực hiện hòa giải tranh chấp đất đai;
b) Thành phần Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai bao gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã là Chủ tịch Hội đồng, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, công chức làm công tác địa chính, người sinh sống lâu năm biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất tranh chấp (nếu có). Tùy từng trường hợp cụ thể, có thể mời đại diện tổ chức, cá nhân khác tham gia Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai;
...

Như vậy, trường hợp xảy ra tranh chấp đất đai, Nhà nước khuyến khích các bên tự thương lượng, hòa giải tại cơ sở.

Nếu hòa giải không thành, các bên bắt buộc phải tiến hành thủ tục hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp trước khi khởi kiện ra Tòa án.

Lưu ý:

Tuy nhiên, người dân cần lưu ý rằng tranh chấp thừa kế đất đai (hay còn gọi là tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất) không bắt buộc phải hòa giải tại UBND cấp xã, vì loại tranh chấp này không được xem là tranh chấp đất đai theo quy định pháp luật, mà chỉ là tranh chấp liên quan đến đất đai.

Hiện nay, tranh chấp về thừa kế đất đai xảy ra khá phổ biến, thường là giữa những người thuộc hàng thừa kế với nhau, hoặc giữa người không có quyền thừa kế nhưng cho rằng mình có quyền hưởng một phần di sản.

Chính vì vậy, nhiều người vẫn nhầm lẫn rằng đây là tranh chấp đất đai theo đúng nghĩa pháp lý và gửi đơn yêu cầu hòa giải tại UBND cấp xã – trong khi pháp luật không bắt buộc phải thực hiện bước này đối với tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất.

Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP:

Điều 3. Về chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
...
2. Đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai năm 2013 thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Đối với tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như: tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,... thì thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp không phải là điều kiện khởi kiện vụ án.
...

Tóm lại, tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất không thuộc nhóm tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật, nên trong trường hợp này, các bên có quyền khởi kiện trực tiếp tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền mà không cần thực hiện thủ tục hòa giải tại UBND cấp xã.

Mức án phí dân sự sơ thẩm tranh chấp thừa kế đất đai hiện nay 2025 bao nhiêu?

Căn cứ theo Danh mục Án phí, lệ phí ban hành kèm theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14:

STT

Giá trị tài sản tranh chấp

Mức thu

1

Từ 6.000.000 đồng trở xuống

300.000 đồng

2

Từ trên 6.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng

5% giá trị tài sản có tranh chấp

3

Từ trên 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng

20.000. 000 đồng + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng

4

Từ trên 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng

36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 800.000.000 đồng

5

Từ trên 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng

72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 2.000.000.000 đồng

6

Từ trên 4.000.000.000 đồng

112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4.000.000.000 đồng.

 

Chuyên viên pháp lý Nguyễn Hoàng Nam
saved-content
unsaved-content
74