07:55 - 10/10/2024

Chế độ thai sản từ 1/7/2025 theo Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có gì mới đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc?

Từ 1/7/2025, chế độ thai sản theo Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có những đổi mới gì đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc?

Nội dung chính

    Bổ sung trường hợp được hưởng chế độ thai sản từ 1/7/2025

    Căn cứ khoản 3 Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 về đối tượng và điều kiện hưởng chế độ thai sản quy định như sau:

    Đối tượng và điều kiện hưởng chế độ thai sản
    ...
    3. Đối tượng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thuộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng liền kề trước khi sinh con.
    ...

    Theo quy định mới, bổ sung trường hợp lao động nữ mang thai hộ đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thuộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng liền kề trước khi sinh con mới được hưởng chế độ thai sản.

    Căn cứ khoản 5 Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 về đối tượng và điều kiện hưởng chế độ thai sản quy định như sau:

    Đối tượng và điều kiện hưởng chế độ thai sản
    ...
    5. Đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng liền kề trước khi sinh con đối với trường hợp phải nghỉ việc để điều trị vô sinh.

    Đồng thời, bổ sung trường hợp lao động nữ sinh con đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng liền kề trước khi sinh con đối với trường hợp phải nghỉ việc để điều trị vô sinh.

    Chế độ thai sản từ 1/7/2025 theo Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có gì mới đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc?

    Chế độ thai sản từ 1/7/2025 theo Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có gì mới đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc? (Hình từ Internet)

    Được tăng số ngày nghỉ việc để đi khám thai

    Căn cứ Điều 51 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 về thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi khám thai quy định như sau:

    Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi khám thai
    1. Lao động nữ mang thai được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản để đi khám thai tối đa 05 lần, mỗi lần không quá 02 ngày.
    2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi khám thai được tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ hằng tuần.

    Theo đó, từ 1/7/2025 ao động nữ mang thai được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản để đi khám thai tối đa 05 lần, mỗi lần không quá 02 ngày thay vì được nghỉ việc để đi khám thai mỗi lần 01 ngày như hiện nay quy định tại Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

    Và thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi khám thai được tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ hằng tuần.

    Theo quy định hiện hành, lao động nữ được nghỉ việc mỗi lần 2 ngày chỉ được áp dụng khi ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường.

    Mọi trường hợp phá thai của lao động nữ đều được hưởng chế độ thai sản

    Căn cứ khoản 1 Điều 52 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 về thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sảy thai, phá thai, thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ, thai ngoài tử cung quy định như sau:

    Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sảy thai, phá thai, thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ, thai ngoài tử cung
    1. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sảy thai, phá thai, thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ, thai ngoài tử cung do người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thuộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ định nhưng tối đa theo quy định sau đây:
    a) 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi;
    b) 20 ngày nếu thai từ đủ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi;
    c) 40 ngày nếu thai từ đủ 13 tuần tuổi đến dưới 22 tuần tuổi;
    d) 50 ngày nếu thai từ đủ 22 tuần tuổi trở lên.
    ...

    Như vậy, sẽ áp dụng chế độ thai sản cho mọi trường hợp phá thai bao gồm phá thai bệnh lý và phá thai ngoài ý muốn do người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thuộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ định nhưng tối đa theo quy định sau:

    - 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi;

    - 20 ngày nếu thai từ đủ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi;

    - 40 ngày nếu thai từ đủ 13 tuần tuổi đến dưới 22 tuần tuổi;

    - 50 ngày nếu thai từ đủ 22 tuần tuổi trở lên.

    Theo quy định hiện hành, chỉ có trường hợp phá thai bệnh lý mới được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

    Luật Bảo hiểm xã hội số 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025

    Chuyên viên pháp lý Nguyễn Xuân An Giang
    47
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ