Các trường hợp hủy bỏ việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trong tố tụng hình sự được quy định thế nào?
Nội dung chính
Các trường hợp hủy bỏ việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trong tố tụng hình sự được quy định thế nào?
Các trường hợp hủy bỏ việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trong tố tụng hình sự được quy định tại Điều 228 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Theo đó:
Viện trưởng Viện kiểm sát đã phê chuẩn quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải kịp thời hủy bỏ quyết định đó khi thuộc một trong các trường hợp:
- Có đề nghị bằng văn bản của Thủ trưởng Cơ quan điều tra có thẩm quyền;
- Có vi phạm trong quá trình áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt;
- Không cần thiết tiếp tục áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.
Biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt lần đầu tiên được quy định và là một trong những điểm mới nhất của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 so với Bộ luật tố tụng hình sự 2003. Trên thực tế, những biện pháp điều tra đặc biệt vẫn được áp dụng trong quá trình điều tra, tuy nhiên những chứng cứ thu được từ những biện pháp này sẽ không được hợp pháp hóa. Chế định về các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt được quy định đã hợp pháp hóa quá trình này, đồng thời cũng quy định chi tiết, rõ ràng về phạm vi áp dụng những nghiệp vụ trinh sát chuyên nghiệp của ngành công an.
Điểm đặc trưng cơ bản của biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt là yếu tố bí mật bao gồm bí mật về phương pháp tiến hành, bí mật về đối tượng áp dụng, bí mật về các thông tin, tài liệu không liên quan… nhưng lại được công khai về chứng cứ phục vụ công tác khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Đây cũng là điểm khác biệt cơ bản giữa biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt với biện pháp điều tra tố tụng thông thường hay biện pháp điều tra trinh sát.
Đối tượng áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt có thể là con người như cá nhân, đối tượng nghi thực hiện tội phạm hoặc ổ nhóm tội phạm, hoặc cũng có thể là địa điểm nơi có thể xảy ra tội phạm, tồn tại những tin tức, tài liệu, dấu vết cần theo dõi, tìm kiếm thu thập trong quá trình giải quyết vụ án.
Các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt được tiến hành trên cơ sở ứng dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật về lĩnh vực âm thanh, hình ảnh, điện tử viễn thông, trình độ của chuyên viên công nghệ thông tin… bí mật thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến đối tượng bị áp dụng nhằm phục vụ công tác điều tra, khám phá tội phạm. Sau khi khởi tố vụ án, trong quá trình điều tra, người có thẩm quyền có thể quyết định áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt bao gồm: Ghi âm, ghi hình bí mật; Nghe điện thoại bí mật; Thu thập bí mật dữ liệu điện tử.
Thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt là khoảng thời gian tối đa mà pháp luật cho phép để tiến hành biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Theo đó, những biện pháp này chỉ được tiến hành ở gian đoạn điều tra, sau khi khởi tố vụ án, để tránh việc lạm dụng hay áp dụng quá lâu ảnh hưởng tới đời tư của cá nhân.
Như vậy, trong quá trình áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, Thủ trưởng Cơ quan điều tra đã ra quyết định áp dụng phải thường xuyên kiểm tra chặt chẽ việc áp dụng biện pháp điều tra Tố tụng đặc biệt. Trong trường hợp không cần thiết phải áp dụng hay có vi phạm trong việc thi hành biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt thì có văn bản đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hủy bỏ biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Đối với những vụ án mà Cơ quan điều tra cấp huyện, Cơ quan điều tra quân sự khu vực thụ lý áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt khi muốn hủy bỏ phải có văn bản đề nghị Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Cơ quan Điều tra quân sự cấp quân khu để Cơ quan Điều tra cấp tỉnh, Cơ quan Điều tra quân sự cấp quân khu đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp hủy bỏ.