Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Hợp đồng chìa khóa trao tay là gì? Hợp đồng chìa khóa trao tay có hiệu lực pháp lý khi nào?

Hợp đồng chìa khóa trao tay là gì? Hợp đồng chìa khóa trao tay có hiệu lực pháp lý khi nào?

Nội dung chính

    Hợp đồng chìa khóa trao tay là gì?

    Theo điểm h khoản 1 Điều 3 Nghị định 37/2015/NĐ-CP hướng dẫn về hợp đồng xây dựng quy định như sau:

    Các loại hợp đồng xây dựng
    1. Theo tính chất, nội dung công việc hợp đồng xây dựng có các loại sau:
    ...
    h) Hợp đồng chìa khóa trao tay là hợp đồng xây dựng để thực hiện toàn bộ các công việc lập dự án, thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình của một dự án đầu tư xây dựng;
    ...

    Theo quy định hợp đồng chìa khóa trao tay là hợp đồng xây dựng để thực hiện toàn bộ các công việc lập dự án, thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình của một dự án đầu tư xây dựng.

    Hợp đồng chìa khóa trao tay là gì? (Hình từ internet)

    Nội dung và khối lượng công việc của hợp đồng chìa khóa trao tay được quy định như thế nào?

    Căn cứ theo điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị định 35/2017/NĐ-CP thì nội dung và khối lượng công việc của hợp đồng chìa khóa trao tay là việc lập dự án đầu tư xây dựng; thiết kế; cung cấp thiết bị và thi công xây dựng công trình; đào tạo và hướng dẫn vận hành, bảo dưỡng, bảo trì, sửa chữa; chuyển giao công nghệ; vận hành thử không tải và có tải; bàn giao công trình sẵn sàng đi vào hoạt động cho bên giao thầu và những công việc khác theo đúng dự án được phê duyệt.

    Lưu ý: Các bên tham gia hợp đồng phải thỏa thuận cụ thể về các trường hợp được điều chỉnh khối lượng, phạm vi và trình tự, thủ tục điều chỉnh khối lượng. Trong trường hợp đối với những khối lượng phát sinh nằm ngoài phạm vi hợp đồng đã ký mà chưa có quy định về đơn giá hoặc phương pháp xác định đơn giá trong hợp đồng, các bên tham gia hợp đồng phải thỏa thuận, thống nhất đơn giá hoặc nguyên tắc, phương pháp xác định giá để thực hiện khối lượng công việc này trước khi thực hiện. (Khoản 2 Điều 12 Nghị định 35/2017/NĐ-CP và Điều 37 Nghị định 35/2017/NĐ-CP).

    Hợp đồng chìa khóa trao tay có hiệu lực pháp lý khi nào?

    Theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 37/2015/NĐ-CP quy định về hiệu lực và tính pháp lý của hợp đồng khảo sát xây dựng như sau:

    Hiệu lực và tính pháp lý của hợp đồng xây dựng
    1. Hợp đồng xây dựng có hiệu lực pháp lý khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
    a) Người tham gia ký kết có đầy đủ năng lực hành vi dân sự;
    b) Đáp ứng các nguyên tắc ký kết hợp đồng quy định tại Điều 4 Nghị định này;
    c) Hình thức hợp đồng bằng văn bản và được ký kết bởi người đại diện đúng thẩm quyền theo pháp luật của các bên tham gia hợp đồng. Trường hợp một bên tham gia hợp đồng là tổ chức thì bên đó phải ký tên, đóng dấu theo quy định của pháp luật.
    2. Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng xây dựng là thời điểm ký kết hợp đồng (đóng dấu nếu có) hoặc thời điểm cụ thể khác do các bên thỏa thuận trong hợp đồng xây dựng và bên giao thầu đã nhận được bảo đảm thực hiện hợp đồng của bên nhận thầu (đối với hợp đồng có quy định về bảo đảm thực hiện hợp đồng).
    3. Tính pháp lý của hợp đồng xây dựng:
    a) Hợp đồng xây dựng có hiệu lực là cơ sở pháp lý cao nhất mà bên giao thầu, bên nhận thầu và các bên liên quan có nghĩa vụ thực hiện;
    b) Hợp đồng xây dựng có hiệu lực là cơ sở pháp lý cao nhất để giải quyết tranh chấp giữa các bên. Các tranh chấp chưa được các bên thỏa thuận trong hợp đồng sẽ được giải quyết trên cơ sở các quy định của pháp luật có liên quan;
    c) Các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan kiểm soát, cấp phát, cho vay vốn, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và các cơ quan có liên quan khác phải căn cứ vào nội dung hợp đồng xây dựng có hiệu lực pháp lý để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định, không được xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia hợp đồng.

    Căn cứ trên quy định hợp đồng chìa khóa trao tay có hiệu lực pháp lý khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

    - Người tham gia ký kết có đầy đủ năng lực hành vi dân sự;

    - Đáp ứng các nguyên tắc ký kết hợp đồng quy định tại Điều 4 Nghị định 37/2015/NĐ-CP (được bổ sung bởi khoản 3 Điều 1 Nghị định 50/2021/NĐ-CP);

    - Hình thức hợp đồng bằng văn bản và được ký kết bởi người đại diện đúng thẩm quyền theo pháp luật của các bên tham gia hợp đồng. Trường hợp một bên tham gia hợp đồng là tổ chức thì bên đó phải ký tên, đóng dấu theo quy định của pháp luật.

    Lưu ý: Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng chìa khóa trao tay là thời điểm ký kết hợp đồng (đóng dấu nếu có) hoặc thời điểm cụ thể khác do các bên thỏa thuận trong hợp đồng xây dựng và bên giao thầu đã nhận được bảo đảm thực hiện hợp đồng của bên nhận thầu (đối với hợp đồng có quy định về bảo đảm thực hiện hợp đồng).

    11