Hành vi cho vay lãi nặng có thể bị xử phạt hành chính hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Chuyên viên pháp lý Thư Viện Nhà Đất
Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Cho vay với lãi suất bao nhiêu thì được xác định là cho vay lãi nặng? Hành vi cho vay với lãi suất cao có thể bị xử phạt hành chính hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự? Tài sản thu được từ tội phạm cho vay nặng lãi được xử lý như thế nào?

Nội dung chính

    Cho vay với lãi suất bao nhiêu thì được xác định là cho vay lãi nặng?

    Căn cứ Điều 2 Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP quy định như sau:

    Về một số từ ngữ

    1. “Cho vay lãi nặng” là trường hợp bên cho vay cho bên vay vay tiền với mức lãi suất gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự.

    Trường hợp cho vay bằng tài sản khác (không phải là tiền) thì khi giải quyết phải quy đổi giá trị tài sản đó thành tiền tại thời điểm chuyển giao tài sản vay.

    2. “Thu lợi bất chính” là số tiền lãi vượt quá mức lãi suất vay cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự và các khoản thu trái pháp luật khác của người vay.

    Trường hợp thu lợi bất chính là tài sản khác (không phải là tiền) thì phải được quy đổi thành tiền tại thời điểm chuyển giao tài sản vay.

    Căn cứ Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định lãi suất:

    Lãi suất

    1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

    Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

    Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

    2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.

    Theo đó, mức lãi suất cho vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Tuy nhiên, nếu cho vay với mức lãi suất gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất thì được xác định là cho vay lãi nặng, tương đương 100%/năm.

    Hành vi cho vay lãi nặng có thể bị xử phạt hành chính hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự? (Hình từ Internet)

    Hành vi cho vay với lãi suất cao có thể bị xử phạt hành chính hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

    Căn cứ Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định lãi suất:

    Lãi suất

    1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

    Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

    Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

    2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.

    Căn cứ điểm đ khoản 4 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định vi phạm các quy định về quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự:

    Vi phạm các quy định về quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự

    ...

    4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

    ...

    đ) Không đăng ký ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự mà cho vay tiền có cầm cố tài sản hoặc không cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự;

    ...

    Căn cứ Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bởi điểm i khoản 2 Điều 2 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự:

    Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

    1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

    2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

    3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

    Theo đó, hành vi cho vay với lãi suất cao có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào tính chất, mức độ và hành vi vi phạm. Cụ thể:

    Về xử phạt vi phạm hành chính: Nếu có hành vi không đăng ký ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự mà cho vay tiền có cầm cố tài sản hoặc không cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 thì sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

    Về truy cứu trách nhiệm hình sự: Người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Người phạm tội có thể bị phạt tù đến 03 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

    Tài sản thu được từ tội phạm cho vay nặng lãi được xử lý như thế nào?

    Căn cứ Điều 5 Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP quy định xử lý vật, tiền liên quan trực tiếp đến tội phạm hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự như sau:

    Xử lý vật, tiền liên quan trực tiếp đến tội phạm

    1. Tịch thu sung quỹ nhà nước đối với:

    a) Khoản tiền, tài sản khác người phạm tội dùng để cho vay;

    b) Tiền lãi tương ứng mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự mà người phạm tội đã thu của người vay.

    c) Tiền, tài sản khác mà người phạm tội có thêm được từ việc sử dụng tiền lãi và các khoản thu bất hợp pháp khác.

    2. Trả lại cho người vay tiền thu lợi bất chính mà người phạm tội thực tế đã thu, trừ trường hợp người vay sử dụng tiền vay vào mục đích bất hợp pháp (như đánh bạc, mua bán trái phép chất ma túy, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ...) thì khoản tiền thu lợi bất chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước.

    Theo đó, tài sản thu được từ hoạt động cho vay nặng lãi thì bị xử lý như sau:

    (1) Tịch thu sung quỹ nhà nước đối với các tài sản sau:

    - Khoản tiền, tài sản khác người phạm tội dùng để cho vay;

    - Tiền lãi tương ứng mức lãi suất cao nhất theo quy định mà người phạm tội đã thu của người vay.

    - Tiền, tài sản khác mà người phạm tội có thêm được từ việc sử dụng tiền lãi và các khoản thu bất hợp pháp khác.

    - Số tiền người vay sử dụng vào mục đích bất hợp pháp (như đánh bạc, mua bán trái phép chất ma túy, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ...)

    (2) Trả lại cho người vay tiền thu lợi bất chính mà người phạm tội thực tế đã thu.

    Trân trọng!

    947
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ