Các gói thầu thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội lựa chọn nhà thầu để thực hiện bằng nguồn nào?
Nội dung chính
Lựa chọn nhà thầu để thực hiện các gói thầu thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 7 Nghị quyết 201/2025/QH15 quy định như sau:
Điều 7. Thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội
[...]
3. Trường hợp công trình xây dựng nhà ở xã hội thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được đề xuất áp dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố, phù hợp với quy hoạch đô thị và nông thôn, đáp ứng yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thì được miễn giấy phép xây dựng.
4. Việc lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng để thực hiện các gói thầu thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, công trình xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn vốn đầu tư công, nguồn tài chính công đoàn, vốn của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp và doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
[...]
Như vậy, việc lựa chọn nhà thầu để thực hiện các gói thầu thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được thực hiện bằng các nguồn sau:
- Nguồn vốn đầu tư công
- Nguồn tài chính công đoàn
- Vốn của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020
- Vốn của doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ
Áp dụng hình thức “chỉ định thầu rút gọn” theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Các gói thầu thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội lựa chọn nhà thầu để thực hiện bằng nguồn nào? (Hình từ Internet)
Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội có được hưởng ưu đãi đầu tư không?
Căn cứ điểm d khoản 2 Điều 15 Luật Đầu tư 2020 quy định như sau:
Điều 15. Hình thức và đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư
[...]
2. Đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư bao gồm:
a) Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật này;
b) Dự án đầu tư tại địa bàn ưu đãi đầu tư quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật này;
c) Dự án đầu tư có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời có một trong các tiêu chí sau: có tổng doanh thu tối thiểu đạt 10.000 tỷ đồng mỗi năm trong thời gian chậm nhất sau 03 năm kể từ năm có doanh thu hoặc sử dụng trên 3.000 lao động;
d) Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên; dự án đầu tư sử dụng lao động là người khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật;
[...]
Như vậy, dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được hưởng ưu đãi đầu tư.
Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội sử dụng vốn đầu tư công được xác định như thế nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 7 Nghị định 100/2024/NĐ-CP quy định như sau:
Điều 7. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở
1. Đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công, nguồn tài chính công đoàn thì việc xác định chủ đầu tư dự án được áp dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Luật Xây dựng và pháp luật về đầu tư công.
2. Đối với dự án sử dụng nguồn vốn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 113 của Luật Nhà ở thì việc xác định chủ đầu tư dự án được áp dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 7 của Luật Xây dựng.
3. Đối với dự án không sử dụng vốn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này và không thuộc trường hợp chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trực tiếp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thì việc lựa chọn chủ đầu tư thực hiện thông qua một trong các hình thức dưới đây:
a) Chấp thuận nhà đầu tư theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 84 của Luật Nhà ở;
b) Đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 84 của Luật Nhà ở;
c) Chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư làm chủ đầu tư dự án theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 84 của Luật Nhà ở.
[...]
Dẫn chiếu đến khoản 3 Điều 7 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 quy định như sau:
Điều 7. Chủ đầu tư
[...]
3. Căn cứ điều kiện cụ thể của dự án sử dụng vốn đầu tư công, người quyết định đầu tư giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành hoặc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực làm chủ đầu tư. Trường hợp không có Ban quản lý dự án hoặc có Ban quản lý dự án nhưng không đủ điều kiện thực hiện thì người quyết định đầu tư giao cơ quan, tổ chức có kinh nghiệm, năng lực quản lý làm chủ đầu tư.
Như vậy, việc xác định chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội sử dụng vốn đầu tư công được căn cứ vào điều kiện cụ thể của dự án sử dụng vốn đầu tư công, người quyết định đầu tư giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành hoặc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực làm chủ đầu tư.
Trường hợp không có Ban quản lý dự án hoặc có Ban quản lý dự án nhưng không đủ điều kiện thực hiện thì người quyết định đầu tư giao cơ quan, tổ chức có kinh nghiệm, năng lực quản lý làm chủ đầu tư.