Cá nhân lấn chiếm đất khu xử lý chất thải do cơ quan Nhà nước đã quản lý có phải chịu trách nhiệm hình sự không?

Đất khu xử lý chất thải có thuộc sự quản lý của cơ quan Nhà nước không? Cá nhân lấn chiếm đất khu xử lý chất thải do cơ quan Nhà nước đã quản lý bị xử phạt hành chính như thế nào? Cá nhân có hành vi lấn chiếm đất khu xử lý chất thải do cơ quan Nhà nước đã quản lý có phải chịu trách nhiệm hình sự?

Nội dung chính

    Đất khu xử lý chất thải có thuộc sự quản lý của cơ quan Nhà nước không?

    Căn cứ theo điểm e khoản 6 Điều 5 Nghị định 102/2024/NĐ-CP thì đất khu xử lý chất thải là loại đất sử dụng vào mục đích công cộng thuộc nhóm đất phi nông nghiệp, được sử dụng với mục đích xây dựng trạm trung chuyển chất thải; bãi chôn lấp rác; khu liên hợp xử lý, khu xử lý, cơ sở xử lý chất thải, chất thải nguy hại kể cả nhà làm việc, nhà kho, cơ sở sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng công trình xử lý chất thải và các công trình, hạng mục công trình khác phục vụ cho việc xử lý chất thải.

    Theo điểm a khoản 1 Điều 217 Luật Đất đai 2024 thì đất sử dụng vào mục đích công cộng là đất do cơ quan của Nhà nước quản lý, trong đó đất sử dụng vào mục đích công cộng có thể chưa giao, chưa cho thuê hoặc đã được giao đất để quản lý.

    Như vậy, đất khu xử lý chất thải thuộc loại đất sử dụng vào mục đích công cộng và nằm trong sự quản lý của cơ quan Nhà nước.

    Cá nhân lấn chiếm đất khu xử lý chất thải do cơ quan Nhà nước đã quản lý có phải chịu trách nhiệm hình sự không?

    Cá nhân lấn chiếm đất khu xử lý chất thải do cơ quan Nhà nước đã quản lý có phải chịu trách nhiệm hình sự không?(Hình Internet)

    Cá nhân lấn chiếm đất khu xử lý chất thải do cơ quan Nhà nước đã quản lý bị xử phạt hành chính như thế nào?

    Căn cứ theo khoản 9 và khoản 31 Điều 3 Luật Đất đai 2024 thì lấn đất và chiếm đất được định nghĩa như sau:

    - Lấn đất: Là việc người sử dụng đất chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất sử dụng mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc không được người sử dụng hợp pháp diện tích đất bị lấn đó cho phép.

    - Chiếm đất: Là việc sử dụng đất do Nhà nước đã quản lý mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc sử dụng đất của người sử dụng đất hợp pháp khác mà chưa được người đó cho phép.

    Theo khoản 1 Điều 11 Luật Đất đai 2024 thì hành vi lấn đất, chiếm đất là hành vi bị nghiêm cấm. Vì vậy, cá nhân lấn chiếm đất khu xử lý chất thải do cơ quan Nhà nước quản lý sẽ bị xử phạt đối với hành vi lấn chiếm đất.

    Theo đó, căn cứ tại khoản 1, khoản 6 và điểm a, điểm c khoản 8 Điều 13 Nghị định 123/2024/NĐ-CP thì cá nhân có hành vi lấn đất, chiếm đất do cơ quan Nhà nước quản lý sẽ bị xử phạt như sau:

    (1) Đối với đất khu xử lý chất thải thuộc địa giới hành chính của xã thì xử phạt như sau:

    - Đối với diện tích dưới 200m2 thì phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng

    - Đối với diện tích từ 200m2 đến dưới 500m2 thì phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng

    - Đối với diện tích từ 500m2 đến dưới 1000m2 thì phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng

    - Đối với diện tích từ 1000m2 đến dưới 5000m2 thì phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng

    - Đối với diện tích từ 5000m2 đến dưới 1ha thì phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng

    - Đối với diện tích từ 1ha đến dưới 2ha thì phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng

    - Đối với diện tích trên 2ha thì phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng

    (2) Đối với đất khu xử lý chất thải thuộc địa giới hành chính của phường, thị trấn thì mức xử phạt sẽ gấp đôi mức xử phạt đối với hành vi lấn đất, chiếm đất khu xử lý chất thải thuộc địa giới hành chính của xã. Tối đa không quá 500.000.000 đồng đối với cá nhân.

    (3) Khi lấn đất, chiếm đất khu xử lý chất thải do cơ quan Nhà nước quản lý sẽ phải thực hiện các biện pháp khắc phục như:

    - Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm;

    - Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

    Như vậy, khi cá nhân có hành vi lấn chiếm đất khu xử lý chất thải do cơ quan Nhà nước quản lý sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đến 400 triệu đồng. Tùy theo diện tích và địa giới hành chính mà mức phạt tiền sẽ khác nhau, tuy nhiên việc xử phạt đối với cá nhân sẽ không vượt quá mức phạt tiền 500 triệu đồng. Ngoài ra, cá nhân vi phạm phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

    Cá nhân có hành vi lấn chiếm đất khu xử lý chất thải do cơ quan Nhà nước đã quản lý có phải chịu trách nhiệm hình sự?

    Theo như phân tích tại khoản 1, khoản 6 và điểm a, điểm c khoản 8 Điều 13 Nghị định 123/2024/NĐ-CP thì cá nhân có hành vi lấn chiếm đất khu xử lý chất thải do cơ quan Nhà nước quản lý sẽ bị phạt tiền đến 400 triệu đồng, phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

    Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 228 Bộ luật Hình sự 2015 thì cá nhân có hành vi lấn chiếm đất đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi lấn chiếm đất hoặc đã bị kết án về tội lấn chiếm đất, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

    Vì vậy, khi cá nhân có hành vi lấn chiếm đất khu xử lý chất thải do cơ quan Nhà nước đã quản lý đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án về tội lấn chiếm đất, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì phải chịu trách nhiệm hình sự, bị phạt tiền lên đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

    Đồng thời tại khoản 2 và khoản 3 Điều 228 Bộ luật Hình sự 2015 thì hành vi phạm tội có tổ chức, phạm tội từ 2 lần trở lên hoặc phạm tội tái phạm nguy hiểm sẽ bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

    Như vậy, cá nhân có hành vi lấn chiếm đất khu xử lý chất thải do cơ quan Nhà nước quản lý đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội lấn chiếm đất, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm có thể bị phạt tiền lên đến 2 tỷ đồng hoặc phạt tù lên đến 7 năm.

    19