09:49 - 29/11/2024

Bộ Công thương yêu cầu các công ty sản xuất hàng hóa phục vụ Tết sớm có kế hoạch sản xuất, kinh doanh

Bộ Công thương yêu cầu các công ty sản xuất hàng hóa phục vụ Tết sớm có kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Có các biện pháp bình ổn giá nào?

Nội dung chính

    Bộ Công thương yêu cầu các công ty sản xuất hàng hóa phục vụ Tết sớm có kế hoạch sản xuất, kinh doanh

    Vừa qua, Bộ Công thương đã ban hành Chỉ thị 12/CT-BCT năm 2024 về việc thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

    Theo đó, để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, đồng thời làm tiền đề để thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô năm 2025 của Chính phủ, Bộ Công Thương đề nghị các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty sớm có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, các phương án cung ứng hàng hóa và xử lý các biến động bất thường của thị trường, đồng thời nghiêm túc thực hiện các công việc sau:

    (1) Đối với các đơn vị sản xuất (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Cổ phần Bia Rượu - Nước giải khát Hà Nội, Tổng Công ty cổ phần Bia Rượu - Nước giải khát Sài Gòn, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam...):

    - Chủ động có kế hoạch sản xuất, cung ứng hàng hóa phục vụ Tết; dự trữ vật tư, nguyên, nhiên vật liệu một cách hợp lý, tiết giảm chi phí, ưu tiên sử dụng nguyên liệu trong nước đã sản xuất được, nhằm duy trì sản xuất ổn định để bảo đảm lượng cung ứng hàng hóa cho thị trường với giá hợp lý, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, có thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu; thực hiện nghiêm túc quy định về dự trữ lưu thông, dự trữ quốc gia để cung ứng đủ, kịp thời nguồn hàng cho thị trường khi cần thiết.

    - Các đơn vị sản xuất hàng phục vụ tiêu dùng Tết có kế hoạch phù hợp để hạn chế tối đa việc dừng sản xuất trong dịp gần Tết gây tâm lý bất ổn cho thị trường; giám sát chặt chẽ việc bán hàng trong hệ thống phân phối nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu hàng, sốt giá giả tạo do các nhà phân phối, đại lý đầu cơ hàng, nâng giá.

    (2) Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam:

    Chủ động lập phương thức trực vận hành cung cấp điện và phối hợp với Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia huy động các nguồn điện trong hệ thống điện quốc gia để bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất, tiêu dùng trong dịp Tết.

    (3) Đối với Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia (NSMO):

    Lập phương án huy động các nguồn điện và vận hành hệ thống điện quốc gia để đảm bảo cung ứng đủ điện trong dịp Tết.

    (4) Đối với các đơn vị có hoạt động kinh doanh thương mại (Tổng công ty Thương mại Sài Gòn, Tổng công ty Thương mại Hà Nội, Liên hiệp hợp tác xã thương mại Thành phố Hồ Chí Minh...):

    Tích cực tham gia các Chương trình bình ổn thị trường tại địa phương, các hoạt động trong chương trình kích cầu tiêu dùng theo Chỉ thị 29/CT-TTg năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ, các chương trình kết nối cung cầu, hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản thực phẩm an toàn; đẩy mạnh việc mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa, nhất là các khu vực nông thôn, hải đảo nhằm cung ứng tốt hàng hóa bình ổn nói chung và hàng Việt nói riêng cho người dân; tích cực tham gia các Chương trình hỗ trợ cho người dân diện chính sách, người dân ở các vùng bị thiệt hại do thiên tai.

    (5) Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện dự trữ lưu thông theo quy định, thực hiện nghiêm túc tổng nguồn xăng dầu tối thiểu đã được phân giao, có kế hoạch đảm bảo nguồn cung xăng dầu ổn định phục vụ sản xuất, tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp dịp cuối năm và trước, trong, sau Tết Nguyên đán, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh; tăng cường kiểm soát chất lượng, giá bán, đo lường trong hệ thống phân phối, tránh gian lận trong kinh doanh xăng dầu; thực hiện nghiêm túc các quy định về thời gian bán hàng tại các điểm bán lẻ xăng dầu và bảo đảm công tác an toàn phòng chống cháy nổ.

    Các doanh nghiệp sản xuất xăng dầu trong nước bảo đảm duy trì sản xuất ổn định, cung cấp xăng dầu cho thị trường theo kế hoạch và hợp đồng đã ký với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

    Bộ Công thương yêu cầu các công ty sản xuất hàng hóa phục vụ Tết sớm có kế hoạch sản xuất, kinh doanh?

    Bộ Công thương yêu cầu các công ty sản xuất hàng hóa phục vụ Tết sớm có kế hoạch sản xuất, kinh doanh? (Hình từ Internet)

    Có các biện pháp bình ổn giá nào?

    Khoản 1 Điều 19 Luật Giá 2023 quy định:

    Các biện pháp bình ổn giá
    1. Các biện pháp bình ổn giá bao gồm:
    a) Điều hòa cung cầu bao gồm: điều hòa sản xuất hàng hóa trong nước, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; điều hòa hàng hóa giữa các vùng, các địa phương trong nước thông qua việc tổ chức lưu thông hàng hóa; mua vào hoặc bán ra hàng dự trữ quốc gia, hàng dự trữ lưu thông;
    b) Các biện pháp về tài chính, tiền tệ phù hợp với quy định của pháp luật;
    c) Định giá cụ thể, giá tối đa, giá tối thiểu hoặc khung giá phù hợp với tính chất của từng loại hàng hóa, dịch vụ; việc định giá hàng hóa, dịch vụ được thực hiện theo các nguyên tắc, căn cứ, phương pháp quy định tại Mục 2 Chương này;
    d) Áp dụng biện pháp hỗ trợ về giá phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
    đ) Sử dụng quỹ bình ổn giá trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ đã được lập quỹ bình ổn giá.

    Quỹ bình ổn giá là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước, được trích lập từ giá hàng hóa, dịch vụ và các nguồn tài chính hợp pháp khác và chỉ được sử dụng cho mục đích bình ổn giá. Chính phủ quyết định việc lập quỹ bình ổn giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá; quy định về quản lý, trích lập, chi sử dụng quỹ bình ổn giá và chịu trách nhiệm bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng quỹ.

    ...

    Như vậy, có 05 biện pháp bình ổn giá như trên.

    13