Bên thuê nhà trọ phải thông báo trước bao lâu khi đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà trọ? Sinh viên thuê nhà trọ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trong trường hợp nào?

Bên thuê nhà trọ phải thông báo trước bao lâu khi đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà trọ?

Nội dung chính

    Bên thuê nhà trọ phải thông báo trước bao lâu khi đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà trọ?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 172 Luật Nhà ở 2023 về đơn phương chấm dứt hợp đồng thực hiện hợp đồng thuê nhà ở:

    Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở
    ...
    4. Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở phải thông báo bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác theo thỏa thuận trong hợp đồng cho bên kia biết trước ít nhất 30 ngày, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác; trường hợp vi phạm quy định tại khoản này mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

    Theo quy định trên, một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở nếu như thực hiện thông báo bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác theo thỏa thuận trong hợp đồng cho bên kia biết trước ít nhất 30 ngày và bồi thường cho mọi thiệt hại gây ra do không thực hiện thông báo, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

    Như vậy, bên thuê trọ có nghĩa vụ phải thực hiện thông báo trước ít nhất 30 ngày trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà trọ.

    Bên thuê nhà trọ phải thông báo trước bao lâu khi đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà trọ? (Hình từ Internet)

    Sinh viên thuê nhà trọ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trong trường hợp nào?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 172 Luật Nhà ở 2023 về đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở như sau:

    Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở
    1. Trong thời hạn thuê nhà ở theo thỏa thuận trong hợp đồng, bên cho thuê không được đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở và thu hồi nhà ở đang cho thuê, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
    ....
    3. Bên thuê nhà ở có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
    a) Bên cho thuê nhà ở không sửa chữa nhà ở khi có hư hỏng nặng;
    b) Bên cho thuê nhà ở tăng giá thuê nhà ở bất hợp lý hoặc tăng giá thuê mà không thông báo cho bên thuê nhà ở biết trước theo thỏa thuận trong hợp đồng;
    c) Khi quyền sử dụng nhà ở bị hạn chế do lợi ích của người thứ ba.

    Theo quy định trên, sinh viên thuê nhà trọ không được đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở trừ khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

    - Bên cho thuê nhà trọ không sửa chữa nhà ở khi có hư hỏng nặng;

    - Bên cho thuê nhà trọ tăng giá thuê nhà ở bất hợp lý hoặc tăng giá thuê mà không thông báo cho bên thuê nhà ở biết trước theo thỏa thuận trong hợp đồng;

    - Khi quyền sử dụng nhà trọ bị hạn chế do lợi ích của người thứ ba.

    Sinh viên chấm dứt hợp đồng thuê nhà trọ trước hạn, chủ nhà trọ có phải trả lại tiền cọc thuê nhà hay không?

    Căn cứ theo Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 quy định cụ thể về đặt cọc như sau:

    Đặt cọc
    1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
    2. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

    Việc đặt cọc nhằm mục đích đảm bảo việc giao kết hợp đồng hoặc thực hiện hợp đồng giữa bên đặt cọc với bên nhận cọc. Trường hợp bên đặt cọc từ chối giao kết hoặc không thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận cọc.

    Như vậy, chủ nhà trọ có phải trả tiền cọc thuê nhà trọ khi sinh viên chấm dứt hợp đồng thuê nhà trước hạn hay không phải trả tiền cọc thuê nhà trọ căn cứ vào thỏa thuận trước đó trong hợp đồng thuê nhà mà các bên đã ký để xác định.

    Hợp đồng thuê nhà trọ phải có những nội dung gì?

    Căn cứ theo Điều 163 Luật Nhà ở 2023 quy định hợp đồng thuê nhà trọ phải có những nội dung sau:

    - Họ và tên của cá nhân, tên của tổ chức và địa chỉ của các bên;

    - Mô tả đặc điểm của nhà ở giao dịch và đặc điểm của thửa đất ở gắn với nhà ở đó;

    - Giá thuê nhà trọ nếu hợp đồng có thỏa thuận về giá; trường hợp mua bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở mà Nhà nước có quy định về giá thì các bên phải thực hiện theo quy định đó;

    - Thời hạn và phương thức thanh toán tiền nếu là trường hợp mua bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở;

    - Thời gian giao nhận nhà ở; thời hạn cho thuê;

    - Quyền và nghĩa vụ của các bên, phải ghi rõ quyền và nghĩa vụ của các bên về việc sửa chữa hư hỏng của nhà ở trong quá trình thuê mua;

    - Cam kết của các bên;

    - Thỏa thuận khác;

    - Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng;

    - Ngày, tháng, năm ký kết hợp đồng;

    - Chữ ký và ghi rõ họ, tên của các bên, nếu là tổ chức thì phải đóng dấu (nếu có) và ghi rõ chức vụ của người ký.

     

    Chuyên viên pháp lý Vũ Trí Nhân
    102
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ