Bản trích lục bản đồ địa chính có được xem là giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất khi khai nhận di sản thừa kế không?

Bản đồ địa chính là gì? Trích lục bản đồ địa chính là gì? Bản trích lục bản đồ địa chính có được xem là giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất khi khai nhận di sản thừa kế không?

Nội dung chính

    Bản đồ địa chính là gì? Trích lục bản đồ địa chính là gì?

    Bản đồ địa chính là tài liệu, hình thức chứa đựng thông tin về địa chính rất quan trọng. Định nghĩa bản đồ địa chính được quy định rõ tại khoản 1 Điều 3 Luật Đất đai 2024 theo đó, bản đồ địa chính là bản đồ thể hiện các thửa đất và các đối tượng địa lý có liên quan, lập theo đơn vị hành chính cấp xã hoặc theo đơn vị hành chính cấp huyện nơi không thành lập đơn vị hành chính cấp xã, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận.

    Bản đồ địa chính được lập với các tỷ lệ khác nhau gồm: Bản đồ tỷ lệ 1:200, bản đồ tỷ lệ 1:500, bản đồ tỷ lệ 1:1000, bản đồ tỷ lệ 1:2000, bản đồ tỷ lệ 1:5000 và Bản đồ tỷ lệ  1:10000.

    Bản đồ địa chính được sử dụng trong công tác quản lý nhà nước về đất đai và được thể hiện qua một số nội dung như sau:

    - Thống kê, kiểm kê đất đai theo từng đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn.

    - Xác lập, ghi nhận thông tin quyền sử dụng đất đối với từng thửa đất.

    - Là căn cứ giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực thi các nội dung quản lý đất đai hoặc nội dung có liên quan như: Xác định nghĩa vụ tài chính, tranh chấp đất đai,…

    - Cung cấp thông tin và là cơ sở pháp lý cho các hoạt động có liên quan đến đất đai như: Thừa kế, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, hoạt động kinh doanh bất động sản,…

    Mặc dù pháp luật đất đai không quy định hay giải thích thế nào là trích lục bản đồ địa chính nhưng căn cứ Phụ lục số 13 ban hành kèm theo Thông tư 25/2014/TT-BTNMT có thể hiểu trích lục bản đồ địa chính là hình thức cung cấp, xác thực thông tin thửa đất với các nội dung như: Số thứ tự thửa đất; tờ bản đồ số; diện tích; mục đích sử dụng đất; tên người sử dụng đất và địa chỉ thường trú; các thay đổi của thửa đất so với giấy tờ pháp lý về quyền sử dụng đất; bản vẽ thửa đất gồm thông tin về sơ đồ thửa đất và chiều dài cạnh thửa.

    Bản trích lục bản đồ địa chính có được xem là giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất khi khai nhận di sản thừa kế không? (Hình từ Internet)

    Bản trích lục bản đồ địa chính có được xem là giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất khi khai nhận di sản thừa kế không?

    Căn cứ tại khoản 2 Điều 57 Luật Công Chứng 2014 quy định trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó.

    Trường hợp thừa kế theo pháp luật, thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế. Trường hợp thừa kế theo di chúc, trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có bản sao di chúc.

    Theo đó để khai nhận di sản phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó.

    Đồng thời như đã đề cập phía trên thì trích lục bản đồ địa chính chứa những thông tin về thửa đất, gồm:

    - Số thứ tự thửa đất, tờ bản đồ, địa chỉ thửa đất;

    - Diện tích thửa đất;

    - Mục đích sử dụng đất;

    - Tên người sử dụng đất và địa chỉ thường trú;

    - Các thay đổi của thửa đất so với giấy tờ pháp lý về quyền sử dụng đất;

    - Bản vẽ thửa đất gồm: Sơ đồ thửa đất, chiều dài cạnh thửa.

    Theo đó có thể hiểu trích lục bản đồ địa chính là nhằm xác thực thông tin thửa đất chứ không phải là một văn bản pháp lý để chứng minh quyền sử dụng đất mà chỉ là cơ sở cung cấp các thông tin, đặc điểm về một thửa đất hoặc một khu vực đất nhất định.

    Do đó khi thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế cần cung cấp giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất (như Sổ đỏ, Sổ hồng). Trích lục bản đồ địa chính chỉ là tài liệu bổ sung, không có giá trị pháp lý thay thế quyền sử dụng đất.

    Nội dung của bản đồ địa chính bao gồm những gì?

    Căn cứ khoản 1 Điều 8 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT nội dung chính thể hiện trên bản đồ địa chính gồm:

    - Khung bản đồ.

    - Điểm khống chế tọa độ, điểm địa chính, độ cao quốc gia các hạng, điểm khống chế ảnh ngoại nghiệp, điểm khống chế đo vẽ có chôn mốc ổn định.

    - Mốc địa giới hành chính, đường địa giới hành chính các cấp.

    - Mốc giới quy hoạch; chỉ giới hành lang bảo vệ an toàn các công trình công cộng như giao thông, đê điều, thủy lợi, hệ thống dẫn điện và các công trình công cộng khác.

    - Ranh giới thửa đất, loại đất, số thứ tự và diện tích thửa đất.

    - Nhà ở, công trình xây dựng khác không phải là nhà ở.

    - Các đối tượng chiếm đất không tạo thành thửa đất như: Đường giao thông, công trình thủy lợi, đê điều, suối, sông, kênh, rạch và các yếu tố chiếm đất khác theo tuyến.

    - Địa vật (các vật thể tự nhiên hoặc nhân tạo), công trình có giá trị về lịch sử, văn hóa, xã hội và ý nghĩa định hướng cao.

    - Dáng đất hoặc điểm ghi chú độ cao.

    - Ghi chú thuyết minh.

    262