Áp dụng hệ thống quản lý giao thông thông minh đường bộ từ năm 2025?
Nội dung chính
Áp dụng hệ thống quản lý giao thông thông minh đường bộ từ năm 2025?
Theo Điều 40 Luật Đường bộ 2024 thì Giao thông thông minh là việc ứng dụng các công nghệ điện tử, thông tin, truyền thông, khoa học quản lý mới, hiện đại nhằm tối ưu hiệu suất quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường bộ; bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn, hiệu quả, kịp thời, tiện lợi và thân thiện với môi trường.
Hệ thống quản lý giao thông thông minh được thiết lập để tích hợp, lưu trữ, phân tích dữ liệu phục vụ quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ; hỗ trợ hoạt động vận tải, thanh toán điện tử giao thông; cung cấp các dịch vụ giao thông thông minh, được kết nối, chia sẻ dữ liệu với trung tâm chỉ huy giao thông và cơ quan, tổ chức có liên quan.
Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều 40 Luật Đường bộ 2024 .
Quy định chung về hệ thống quản lý giao thông thông minh đường bộ như thế nào?
Căn cứ Điều 64 Nghị định 165/2024/NĐ-CP quy định như sau:
Quy định chung về hệ thống quản lý giao thông thông minh
1. Hệ thống quản lý giao thông thông minh cung cấp các dịch vụ giao thông thông minh sau:
a) Quản lý, giám sát, điều hành giao thông đường bộ;
b) Thanh toán điện tử giao thông đường bộ;
c) Quản lý phương tiện vận tải;
d) Cung cấp thông tin giao thông.
2. Hệ thống quản lý giao thông thông minh bao gồm các cấu thành sau:
a) Hệ thống quản lý, điều hành giao thông đường cao tốc;
b) Hệ thống thanh toán điện tử giao thông;
c) Hệ thống quản lý, điều hành giao thông đô thị, bao gồm: hệ thống đèn tín hiệu giao thông đường bộ; hệ thống camera trên tuyến giao thông trong đô thị;
d) Hệ thống quản lý phương tiện vận tải, bao gồm: hệ thống quản lý dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe; công trình kiểm soát tải trọng xe; hệ thống thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát tải trọng xe cơ giới;
đ) Hệ thống giám sát bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông đường bộ;
e) Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu đường bộ;
g) Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
3. Các hệ thống: hệ thống đèn tín hiệu giao thông đường bộ; hệ thống camera trên tuyến đường bộ, nút giao thông đường bộ; hệ thống quản lý dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe; hệ thống thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát tải trọng xe cơ giới; hệ thống giám sát bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông đường bộ; hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ được thực hiện theo các quy định tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
4. Hệ thống thanh toán điện tử giao thông được thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 119/2024/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2024 của Chính phủ quy định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ.
5. Công trình kiểm soát tải trọng xe được thực hiện theo khoản 4, khoản 5 Điều 39 Luật Đường bộ.
6. Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu đường bộ được thực hiện theo các quy định tại Nghị định này.
Như vậy, Hệ thống quản lý giao thông thông minh đường bộ bao gồm các dịch vụ như giám sát, điều hành giao thông, thanh toán điện tử, quản lý phương tiện vận tải, và cung cấp thông tin giao thông.
Hệ thống này bao gồm nhiều cấu thành như quản lý giao thông cao tốc, đô thị, hệ thống đèn tín hiệu, camera, kiểm soát tải trọng xe, và các hệ thống giám sát an ninh, trật tự, an toàn giao thông, được thực hiện theo các quy định pháp luật hiện hành.
Áp dụng hệ thống quản lý giao thông thông minh đường bộ từ năm 2025? (hình từ internet)
Nguồn tài chính và nguồn thu từ đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ?
Căn cứ Điều 42 Luật Đường bộ 2024, nguồn tài chính để đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ và nguồn thu từ kết cấu hạ tầng đường bộ bao gồm:
(1) Nguồn tài chính để đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về đầu tư, pháp luật về đầu tư công, pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và quy định khác của pháp luật có liên quan.
(2) Nguồn thu từ kết cấu hạ tầng đường bộ nộp ngân sách nhà nước bao gồm:
- Phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện đối với xe ô tô.
- Phí sử dụng đường cao tốc thu đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác.
- Nguồn thu của Nhà nước liên quan đến khai thác, sử dụng kết cấu hạ tầng đường bộ, nguồn thu từ khai thác, sử dụng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung với đường bộ và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
(3) Nguồn thu từ dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án đầu tư, xây dựng đường bộ để kinh doanh; hợp đồng nhượng quyền kinh doanh - quản lý, khai thác đường bộ cao tốc là tài sản công được thực hiện theo quy định của pháp luật về giá và quy định khác của pháp luật có liên quan.