Ai là người chủ trì hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam?
Nội dung chính
Ai là người chủ trì hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam?
Với vai trò là phái viên của Quốc tế Cộng sản và có toàn quyền quyết định các vấn đề liên quan đến phong trào cách mạng tại Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã tổ chức hội nghị với đại diện của Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng nhằm thảo luận về việc hợp nhất thành một tổ chức duy nhất.
Hội nghị diễn ra từ ngày 6/1 đến đầu tháng 2/1930 tại Hồng Kông (Trung Quốc) dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc. Sau khi trao đổi và thảo luận, hội nghị đã thống nhất sáp nhập hai tổ chức cộng sản thành một, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tại hội nghị, các văn kiện quan trọng được thông qua bao gồm: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng. Đây chính là những văn kiện mang tính nền tảng, tạo cơ sở cho đường lối và phương hướng hoạt động của Đảng trong giai đoạn sau.
Hội nghị cũng đề ra chủ trương thành lập các tổ chức quần chúng như Công hội, Nông hội, Hội Phản đế, trong đó Công hội và Nông hội dành cho giai cấp công nhân và nông dân không đủ điều kiện gia nhập Đảng, còn Hội Phản đế tập hợp tầng lớp trí thức tiểu tư sản có tinh thần yêu nước.
Đến ngày 24/2/1930, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn chính thức sáp nhập vào Đảng Cộng sản Việt Nam, hoàn tất quá trình thống nhất ba tổ chức cộng sản thành một đảng duy nhất. Tháng 9/1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III, Đảng quyết định lấy ngày 3/2 hàng năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng.
Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử cách mạng nước ta. Đây là kết quả tất yếu của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng cách mạng Hồ Chí Minh với phong trào công nhân và phong trào yêu nước trong những năm 20 của thế kỷ XX.
Đến tháng 10/1930, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương lâm thời được tổ chức tại Hồng Kông do đồng chí Trần Phú chủ trì. Tại hội nghị, Đảng quyết định đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương và thông qua Luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú soạn thảo. Ban Chấp hành Trung ương chính thức được bầu gồm 7 đồng chí, trong đó Trần Phú giữ chức Tổng Bí thư.
Hội nghị Trung ương tháng 10/1930 có ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trên các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức, đặc biệt là đối với phong trào cách mạng 1930 - 1931.
Như vậy, người chủ trì hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh).
Ai là người chủ trì hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam? (Ảnh từ Internet)
Những truyền thống vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam là gì?
Căn cứ tại tiểu mục 1 Mục III Đề cương ban hành kèm theo Hướng dẫn 175-HD/BTGTW năm 2024 như sau:
Những truyền thống vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam được quy định là: Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta xây dựng nên nhiều truyền thống quý báu, thể hiện bản chất tốt đẹp.
- Đó là truyền thống trung thành vô hạn với lợi ích của dân tộc và giai cấp, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trên cơ sở chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Chỉ có đi theo con đường cách mạng mà Đảng ta và Bác Hồ đã lựa chọn thì cách mạng Việt Nam mới giành được thắng lợi trọn vẹn, đất nước ta mới thật sự được độc lập; dân tộc ta mới thật sự được tự do; Nhân dân ta mới có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.
- Đó là truyền thống giữ vững độc lập, tự chủ về đường lối; nắm vững, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tham khảo kinh nghiệm của quốc tế để đề ra đường lối đúng đắn và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cách mạng. Trong mỗi giai đoạn, Đảng ta luôn thấm nhuần quan điểm chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam để xác định phương hướng, nhiệm vụ, phương pháp của cách mạng Việt Nam.
- Đó là truyền thống gắn bó máu thịt giữa Đảng với Nhân dân, luôn luôn lấy việc phục vụ Nhân dân làm lẽ sống và mục tiêu phấn đấu. Nhân dân ta đã nuôi dưỡng và bảo vệ Đảng từ những ngày đầu, hết lòng tin yêu Đảng, ủng hộ và ra sức phấn đấu thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng. Sức mạnh vô tận của Nhân dân làm nên sức mạnh vô địch của Đảng; nguồn gốc sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó máu thịt với Nhân dân, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân.
- Đó là truyền thống đoàn kết thống nhất, có tổ chức và kỷ luật chặt chẽ trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình, phê bình và tình thương yêu đồng chí. Trải qua những thử thách khắc nghiệt trong nhà tù đế quốc, trước lưỡi lê, họng súng của kẻ thù hay trên chiến trường lửa đạn, những người cộng sản Việt Nam đã nêu những tấm gương sáng ngời về tinh thần đoàn kết gắn bó, thương yêu nhau; về tình đồng chí, đồng đội. Chính tình nghĩa cộng sản đó đã gắn kết những người cách mạng Việt Nam thành một đội tiên phong gang thép được Nhân dân tin yêu, bạn bè ngưỡng mộ, kẻ thù khiếp sợ; tạo thành sức mạnh để Đảng ta vượt qua mọi thử thách, hy sinh, giữ vững niềm tin và giương cao ngọn cờ lãnh đạo.
- Đó là truyền thống đoàn kết quốc tế thủy chung, trong sáng dựa trên những nguyên tắc và mục tiêu cao cả. Đây là cơ sở vững chắc để Đảng ta hình thành và thực hiện thành công đường lối đối ngoại đúng đắn qua các thời kỳ, phát huy đến đỉnh cao sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đưa cách mạng Việt Nam liên tục phát triển.
- Những truyền thống quý báu của Đảng ta là sự kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của giai cấp công nhân Việt Nam và giai cấp công nhân quốc tế trên một tầm cao mới của thời đại; là sức mạnh bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng; là kết quả của quá trình vun trồng, xây đắp bền bỉ, là sự hy sinh xương máu, phấn đấu không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ, đảng viên.
- Những truyền thống ấy của Đảng có ý nghĩa dân tộc và ý nghĩa quốc tế sâu sắc, thể hiện tinh thần cách mạng triệt để. Ngay từ khi mới ra đời, Đảng đã nắm bắt đúng xu thế phát triển của thời đại, gắn phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào cách mạng thế giới, giải quyết đúng đắn vấn đề độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Trên con đường phát triển, Đảng ta đã không ngừng đưa ra những quyết sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu lịch sử, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.