7 giải pháp tiên phong trong chuyển đổi số theo Thông báo 216

7 giải pháp tiên phong trong chuyển đổi số theo Thông báo 216. Đến năm 2045, Việt Nam có quy mô nền kinh tế số như thế nào? Nhiệm vụ của hoạt động khoa học và công nghệ là gì?

Nội dung chính

    7 giải pháp tiên phong trong chuyển đổi số theo Thông báo 216

    Căn cứ mục 2 Thông báo 216/TB-VPCP năm 2025 quy định các doanh nghiệp nhà nước cần thực hiện 7 giải pháp tiên phong trong chuyển đổi số như sau: 

    Chuyển đổi số là một yêu cầu khách quan, là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong quá trình phát triển kinh tế số của doanh nghiệp và của đất nước. Trong đó, các doanh nghiệp nhà nước có nguồn lực, điều kiện, nhân sự cần phải tiên phong trong chuyển đổi số, đóng vai trò dẫn dắt trong chuyển đổi số của đất nước, tham gia xây dựng Chính phủ số, xã hội số và công dân số.

    Các doanh nghiệp nhà nước cần thực hiện một số giải pháp tiên phong trong chuyển đổi số như sau:

    (1) Hoàn thiện các quy trình, quy định theo chuyển đổi số chung của cả nước và của từng doanh nghiệp.

    (2) Số hóa, chuẩn hóa hồ sơ, tài liệu và xây dựng cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp. Xây dựng, ứng dụng, trí tuệ nhân tạo để sử dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp.

    (3) Tập trung phát triển hạ tầng số của doanh nghiệp nhà nước và góp phần vào sự phát triển hạ tầng số của cả nước. Việc phát triển hạ tầng số của từng tập đoàn, tổng công ty phải gắn với phát triển hạ tầng số của đất nước.

    (4) Xây dựng sản phẩm, dịch vụ số của doanh nghiệp. Lãnh đạo doanh nghiệp tiến tới ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý, điều hành phù hợp với sự phát triển của doanh nghiệp.

    (5) Chú trọng an toàn, bền vững trong chuyển đổi số. Ứng dụng chuyển đổi số để phát triển nhanh, mạnh, hiệu quả nhưng phải quản lý được, đặc biệt là quản lý dữ liệu số, từ đó góp phần vào an ninh, an toàn mạng quốc gia.

    (6) Chú trọng phát triển nguồn nhân lực số, từ đó đóng góp vào xây dựng công dân số của đất nước. Nguồn nhân lực là vốn quý nhất và nhân lực số đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số.

    (7) Tập trung chuyển đổi số, tiếp cận với các nước tiên tiến trên thế giới góp phần tiết giảm chi phí và thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững.

    Tải về Thông báo 216/TB-VPCP năm 2025

    7 giải pháp tiên phong trong chuyển đổi số theo Thông báo 216

    7 giải pháp tiên phong trong chuyển đổi số theo Thông báo 216 (Hình từ Internet)

    Đến năm 2045, Việt Nam có quy mô nền kinh tế số như thế nào?

    Căn cứ Tiểu mục 2 Mục 2 Nghị quyết 57-NQ/TW năm 2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia xác định tầm nhìn đến năm 2045, quy định về quy mô nền kinh tế số Việt Nam như sau:

    II- MỤC TIÊU
    [...]
    2. Tầm nhìn đến năm 2045
    Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phát triển vững chắc, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Việt Nam có quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 50% GDP; là một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Tỉ lệ doanh nghiệp công nghệ số tương đương các nước phát triển; tối thiểu có 10 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến. Thu hút thêm ít nhất 5 tổ chức, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới đặt trụ sở, đầu tư nghiên cứu, sản xuất tại Việt Nam.

    Như vậy, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia xác định tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam có quy mô nền kinh tế số đạt tối thiểu 50% GDP.

    Nhiệm vụ của hoạt động khoa học và công nghệ là gì?

    Tại Điều 4 Luật Khoa học và công nghê 2013 quy định về nhiệm vụ của hoạt động khoa học và công nghệ như sau:

    - Xây dựng lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam; xây dựng luận cứ khoa học cho việc định ra đường lối, chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; góp phần xây dựng nền giáo dục tiên tiến, xây dựng con người mới Việt Nam; kế thừa và phát huy giá trị truyền thống lịch sử, văn hoá dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại và đóng góp vào kho tàng văn hoá, khoa học của thế giới.

    - Nâng cao năng lực khoa học và công nghệ để làm chủ công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, phương pháp quản lý tiên tiến; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe con người; kịp thời dự báo, phòng, chống, hạn chế và khắc phục hậu quả thiên tai.

    - Tiếp thu thành tựu khoa học và công nghệ của thế giới để tạo ra, ứng dụng có hiệu quả công nghệ mới; tạo ra sản phẩm mới có sức cạnh tranh cao; phát triển nền khoa học và công nghệ Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, tiếp cận với trình độ thế giới, làm cơ sở vững chắc cho việc phát triển các ngành công nghiệp hiện đại; đẩy mạnh việc phổ biến và ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống.

    Chuyên viên pháp lý Đỗ Trần Quỳnh Trang
    saved-content
    unsaved-content
    123