Luật Đất đai 2024

Luật khoa học và công nghệ 2013

Số hiệu 29/2013/QH13
Cơ quan ban hành Quốc hội
Ngày ban hành 18/06/2013
Ngày công báo Đã biết
Lĩnh vực Công nghệ thông tin
Loại văn bản Luật
Người ký Nguyễn Sinh Hùng
Ngày có hiệu lực Đã biết
Số công báo Đã biết
Tình trạng Đã biết

QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số: 29/2013/QH13

Hà Nội, ngày 18 tháng 6 năm 2013

 

LUẬT

KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;

Quốc hội ban hành Luật khoa học và công nghệ.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ; việc tổ chức thực hiện hoạt động khoa học và công nghệ; biện pháp bảo đảm phát triển khoa học và công nghệ; quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Khoa học là hệ thống tri thức về bản chất, quy luật tồn tại và phát triển của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy.

2. Công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật có kèm theo hoặc không kèm theo công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm.

3. Hoạt động khoa học và công nghệ là hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và triển khai thực nghiệm, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ, dịch vụ khoa học và công nghệ, phát huy sáng kiến và hoạt động sáng tạo khác nhằm phát triển khoa học và công nghệ.

4. Nghiên cứu khoa học là hoạt động khám phá, phát hiện, tìm hiểu bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy; sáng tạo giải pháp nhằm ứng dụng vào thực tiễn.

5. Nghiên cứu cơ bản là hoạt động nghiên cứu nhằm khám phá bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy.

6. Nghiên cứu ứng dụng là hoạt động nghiên cứu vận dụng kết quả nghiên cứu khoa học nhằm tạo ra công nghệ mới, đổi mới công nghệ phục vụ lợi ích của con người và xã hội.

7. Phát triển công nghệ là hoạt động sử dụng kết quả nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, thông qua việc triển khai thực nghiệm và sản xuất thử nghiệm để hoàn thiện công nghệ hiện có, tạo ra công nghệ mới.

8. Triển khai thực nghiệm là hoạt động ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để tạo ra sản phẩm công nghệ mới ở dạng mẫu.

9. Sản xuất thử nghiệm là hoạt động ứng dụng kết quả triển khai thực nghiệm để sản xuất thử nhằm hoàn thiện công nghệ mới, sản phẩm mới trước khi đưa vào sản xuất và đời sống.

10. Dịch vụ khoa học và công nghệ là hoạt động phục vụ, hỗ trợ kỹ thuật cho việc nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, an toàn bức xạ, hạt nhân và năng lượng nguyên tử; dịch vụ về thông tin, tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng, phổ biến, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

11. Tổ chức khoa học và công nghệ là tổ chức có chức năng chủ yếu là nghiên cứu khoa học, nghiên cứu triển khai và phát triển công nghệ, hoạt động dịch vụ khoa học và công nghệ, được thành lập và đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật.

12. Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người thực hiện hoạt động khoa học và công nghệ.

13. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ là những vấn đề khoa học và công nghệ cần được giải quyết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển khoa học và công nghệ.

14. Đặt hàng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ là việc bên đặt hàng đưa ra yêu cầu về sản phẩm khoa học và công nghệ, cung cấp kinh phí để tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ tạo ra sản phẩm khoa học và công nghệ thông qua hợp đồng.

15. Kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển khoa học và công nghệ là cơ sở vật chất - kỹ thuật của tổ chức khoa học và công nghệ; hệ thống chuẩn đo lường, phòng thí nghiệm trọng điểm; khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ; hạ tầng thông tin, thống kê khoa học và công nghệ.

16. Đổi mới sáng tạo (innovation) là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa.

Điều 4. Nhiệm vụ của hoạt động khoa học và công nghệ

1. Xây dựng lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam; xây dựng luận cứ khoa học cho việc định ra đường lối, chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; góp phần xây dựng nền giáo dục tiên tiến, xây dựng con người mới Việt Nam; kế thừa và phát huy giá trị truyền thống lịch sử, văn hoá dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại và đóng góp vào kho tàng văn hoá, khoa học của thế giới.

2. Nâng cao năng lực khoa học và công nghệ để làm chủ công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, phương pháp quản lý tiên tiến; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe con người; kịp thời dự báo, phòng, chống, hạn chế và khắc phục hậu quả thiên tai.

3. Tiếp thu thành tựu khoa học và công nghệ của thế giới để tạo ra, ứng dụng có hiệu quả công nghệ mới; tạo ra sản phẩm mới có sức cạnh tranh cao; phát triển nền khoa học và công nghệ Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, tiếp cận với trình độ thế giới, làm cơ sở vững chắc cho việc phát triển các ngành công nghiệp hiện đại; đẩy mạnh việc phổ biến và ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống.

Điều 5. Nguyên tắc hoạt động khoa học và công nghệ

1. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển khoa học và công nghệ.

2. Xây dựng và phát huy năng lực nội sinh về khoa học và công nghệ kết hợp với việc tiếp thu có chọn lọc thành tựu khoa học và công nghệ của thế giới, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

3. Bảo đảm quyền tự do sáng tạo, phát huy dân chủ trong hoạt động khoa học và công nghệ vì sự phát triển của đất nước.

4. Trung thực, khách quan, đề cao đạo đức nghề nghiệp, tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

5. Bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe con người, bảo vệ môi trường.

Điều 6. Chính sách của Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ

Nhà nước thực hiện các chính sách sau đây nhằm bảo đảm phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu:

1. Ưu tiên và tập trung mọi nguồn lực quốc gia cho phát triển khoa học và công nghệ; áp dụng đồng bộ cơ chế, biện pháp khuyến khích, ưu đãi nhằm phát huy vai trò then chốt và động lực của khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân;

2. Phát triển đồng bộ các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ; gắn nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tạo tiền đề hình thành và phát triển kinh tế tri thức;

3. Đẩy mạnh việc nghiên cứu ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến và hiện đại, nghiên cứu làm chủ và tạo ra công nghệ mới nhằm đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ và năng lực cạnh tranh của sản phẩm;

4. Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, chú trọng lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên, trọng điểm quốc gia; áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt để phát triển, đào tạo, thu hút, sử dụng có hiệu quả nhân lực khoa học và công nghệ;

5. Tạo điều kiện phát triển thị trường khoa học và công nghệ;

6. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ;

7. Khuyến khích, tạo điều kiện để hội khoa học và kỹ thuật, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp tham gia tư vấn, phản biện, giám định xã hội và hoạt động khoa học và công nghệ;

8. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ; nâng cao vị thế quốc gia về khoa học và công nghệ trong khu vực và thế giới.

Điều 7. Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam

Ngày 18 tháng 5 hằng năm là Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam.

Điều 8. Các hành vi bị cấm

1. Lợi dụng hoạt động khoa học và công nghệ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; gây thiệt hại đến tài nguyên, môi trường, sức khỏe con người; trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc.

2. Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; chiếm đoạt, chuyển nhượng, chuyển giao bất hợp pháp kết quả khoa học và công nghệ.

3. Tiết lộ tài liệu, kết quả khoa học và công nghệ thuộc danh mục bí mật nhà nước; lừa dối, giả mạo trong hoạt động khoa học và công nghệ.

4. Cản trở hoạt động khoa học và công nghệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Chương II

TỔ CHỨC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Mục 1. THÀNH LẬP, QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA TỔ CHỨC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Điều 9. Hình thức và phân loại tổ chức khoa học và công nghệ

1. Hình thức của tổ chức khoa học và công nghệ được quy định như sau:

a) Tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm, viện, trung tâm, phòng thí nghiệm, trạm nghiên cứu, trạm quan trắc, trạm thử nghiệm và hình thức khác do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định;

b) Cơ sở giáo dục đại học được tổ chức theo quy định của Luật giáo dục đại học;

c) Tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ được tổ chức dưới hình thức trung tâm, văn phòng, phòng thử nghiệm và hình thức khác do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định.

2. Tổ chức khoa học và công nghệ được phân loại như sau:

a) Theo thẩm quyền thành lập, tổ chức khoa học và công nghệ gồm các loại quy định tại khoản 1 Điều 12 của Luật này;

b) Theo chức năng, tổ chức khoa học và công nghệ gồm tổ chức nghiên cứu cơ bản, tổ chức nghiên cứu ứng dụng, tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ;

c) Theo hình thức sở hữu, tổ chức khoa học và công nghệ gồm tổ chức khoa học và công nghệ công lập, tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập, tổ chức khoa học và công nghệ có vốn nước ngoài.

Điều 10. Quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập

1. Căn cứ vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và chiến lược phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cơ quan nhà nước khác xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập.

2. Việc xây dựng quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập phải được thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:

a) Xây dựng quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ thống nhất, đồng bộ và phân bố hợp lý, phù hợp với yêu cầu phát triển khoa học và công nghệ và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh;

b) Gắn kết tổ chức khoa học và công nghệ với cơ sở đào tạo và tổ chức ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;

c) Bảo đảm thực hiện mục tiêu nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia, chú trọng những lĩnh vực khoa học và công nghệ phục vụ trực tiếp nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh;

d) Bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên, trọng điểm.

Điều 11. Điều kiện thành lập, đăng ký hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ

1. Tổ chức khoa học và công nghệ được thành lập khi có đủ điều kiện sau đây:

a) Có điều lệ tổ chức và hoạt động, mục tiêu, phương hướng hoạt động phù hợp với quy định của pháp luật;

b) Nhân lực khoa học và công nghệ, cơ sở vật chất - kỹ thuật đáp ứng yêu cầu thực hiện mục tiêu, phương hướng và điều lệ tổ chức và hoạt động.

2. Ngoài các quy định tại khoản 1 Điều này, việc thành lập tổ chức khoa học và công nghệ công lập phải phù hợp với quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ và ý kiến thẩm định của cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ theo phân cấp của Chính phủ.

Trường hợp Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc thì Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập Hội đồng liên ngành để thẩm định.

3. Việc thành lập tổ chức khoa học và công nghệ có vốn nước ngoài phải tuân thủ các quy định tại khoản 1 Điều này và đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Mục đích, nội dung, lĩnh vực hoạt động phù hợp với quy định của pháp luật, yêu cầu phát triển khoa học và công nghệ và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam;

b) Được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho phép thành lập;

c) Được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) cho phép đặt trụ sở làm việc tại địa phương.

4. Tổ chức khoa học và công nghệ phải đăng ký hoạt động tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về khoa học và công nghệ và được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ.

5. Chính phủ quy định cụ thể điều kiện thành lập, thẩm quyền, trình tự, thủ tục đăng ký hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ.

Điều 12. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể tổ chức khoa học và công nghệ

1. Thẩm quyền thành lập tổ chức khoa học và công nghệ được quy định như sau:

a) Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thành lập tổ chức khoa học và công nghệ thuộc Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội;

b) Chính phủ thành lập tổ chức khoa học và công nghệ thuộc Chính phủ;

c) Toà án nhân dân tối cao thành lập tổ chức khoa học và công nghệ thuộc Tòa án nhân dân tối cao;

d) Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thành lập tổ chức khoa học và công nghệ thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

đ) Thủ tướng Chính phủ thành lập hoặc ủy quyền cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thành lập tổ chức khoa học và công nghệ thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

e) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thành lập tổ chức khoa học và công nghệ thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trừ trường hợp quy định tại điểm đ khoản này;

g) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập tổ chức khoa học và công nghệ của địa phương theo thẩm quyền;

h) Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp thành lập tổ chức khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật và điều lệ;

i) Doanh nghiệp, tổ chức khác, cá nhân thành lập tổ chức khoa học và công nghệ của mình.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân thành lập tổ chức khoa học và công nghệ có quyền quyết định việc sáp nhập, chia, tách, giải thể tổ chức khoa học và công nghệ; quy định chức năng, nhiệm vụ của tổ chức khoa học và công nghệ do mình thành lập phù hợp với quy định của pháp luật.

3. Chính phủ quy định cụ thể trình tự, thủ tục thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể tổ chức khoa học và công nghệ.

Điều 13. Quyền của tổ chức khoa học và công nghệ

1. Tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động khoa học và công nghệ trong lĩnh vực đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động. Tổ chức khoa học và công nghệ công lập được Nhà nước giao biên chế.

2. Đăng ký tham gia tuyển chọn hoặc được giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; ký kết hợp đồng khoa học và công nghệ; đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài về khoa học và công nghệ.

3. Thành lập tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp khoa học và công nghệ trực thuộc, văn phòng đại diện, chi nhánh trong nước và ở nước ngoài để hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

4. Hợp tác, liên doanh, nhận tài trợ của tổ chức, cá nhân; góp vốn bằng tiền, tài sản, giá trị quyền sở hữu trí tuệ để hoạt động khoa học và công nghệ và hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.

5. Được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; chuyển giao, chuyển nhượng kết quả hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ.

6. Công bố kết quả hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định của Luật báo chí, Luật xuất bản và quy định khác của pháp luật.

7. Tư vấn, đề xuất ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ của Nhà nước với cơ quan có thẩm quyền.

8. Tham gia hoạt động hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ.

9. Được chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật.

Điều 14. Nghĩa vụ của tổ chức khoa học và công nghệ

1. Đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ; thực hiện hoạt động khoa học và công nghệ theo đúng lĩnh vực đã được quy định trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động.

2. Thực hiện hợp đồng khoa học và công nghệ đã ký kết, nhiệm vụ khoa học và công nghệ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giao.

3. Thực hiện dân chủ, bình đẳng, công khai trong việc sử dụng kinh phí và thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

4. Bảo đảm kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học cơ bản thường xuyên theo chức năng của mình; sử dụng kinh phí đầu tư cho khoa học và công nghệ đúng pháp luật.

5. Đăng ký, lưu giữ và chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước.

6. Thực hiện chế độ báo cáo, thống kê về khoa học và công nghệ.

7. Bảo vệ lợi ích của Nhà nước và xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ trong tổ chức mình; giữ bí mật nhà nước về khoa học và công nghệ.

Điều 15. Văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài

1. Tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài được thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam để hoạt động khoa học và công nghệ, hoạt động liên quan trực tiếp đến hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Việc thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Là tổ chức khoa học và công nghệ hợp pháp của tổ chức quốc tế, quốc gia, vùng lãnh thổ nơi tổ chức đó thành lập hoặc đăng ký hoạt động;

b) Đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 11 của Luật này;

c) Hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ mà Việt Nam có nhu cầu;

d) Cam kết chấp hành nghiêm chỉnh quy định pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

3. Giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cấp và có thời hạn không quá 05 năm nhưng không vượt quá thời hạn còn lại của giấy đăng ký hoạt động hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài trong trường hợp pháp luật quốc gia đó có quy định thời hạn giấy đăng ký hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài.

4. Văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài được thực hiện hoạt động khoa học và công nghệ ghi trong giấy phép thành lập và có quyền, nghĩa vụ theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

5. Chính phủ quy định cụ thể về điều kiện, trình tự và thủ tục thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài.

Mục 2. ĐÁNH GIÁ, XẾP HẠNG TỔ CHỨC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Điều 16. Mục đích, nguyên tắc đánh giá, xếp hạng tổ chức khoa học và công nghệ

1. Đánh giá tổ chức khoa học và công nghệ là việc sử dụng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để xác định năng lực và hiệu quả hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ.

2. Việc đánh giá tổ chức khoa học và công nghệ nhằm mục đích sau đây:

a) Tạo cơ sở để xếp hạng tổ chức khoa học và công nghệ;

b) Phục vụ hoạt động hoạch định chính sách phát triển khoa học và công nghệ, quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ;

c) Làm cơ sở xem xét việc tuyển chọn, xét giao trực tiếp cho tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, thực hiện chính sách ưu tiên đầu tư từ ngân sách nhà nước, cho vay, tài trợ, bảo lãnh vốn vay của quỹ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

3. Việc đánh giá, xếp hạng tổ chức khoa học và công nghệ được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:

a) Có phương pháp, tiêu chí đánh giá phù hợp;

b) Độc lập, bình đẳng, trung thực, khách quan, đúng pháp luật;

c) Kết quả đánh giá, xếp hạng phải được công bố công khai, minh bạch.

Điều 17. Đánh giá tổ chức khoa học và công nghệ phục vụ quản lý nhà nước

1. Tổ chức khoa học và công nghệ công lập phải được đánh giá để phục vụ quản lý nhà nước.

2. Việc đánh giá tổ chức khoa học và công nghệ phục vụ quản lý nhà nước do cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ thực hiện hoặc thông qua tổ chức đánh giá độc lập.

3. Việc đánh giá tổ chức khoa học và công nghệ được thực hiện dựa trên tiêu chí và phương pháp đánh giá do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định đối với từng loại hình tổ chức khoa học và công nghệ.

Điều 18. Tổ chức đánh giá độc lập

1. Tổ chức có tư cách pháp nhân, cá nhân được thực hiện đánh giá, xếp hạng tổ chức khoa học và công nghệ theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Việc đánh giá, xếp hạng tổ chức khoa học và công nghệ phải tuân theo nguyên tắc quy định tại khoản 3 Điều 16 của Luật này.

3. Tổ chức, cá nhân thực hiện đánh giá, xếp hạng phải chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá, xếp hạng của mình.

Chương III

CÁ NHÂN HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Điều 19. Chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ

1. Chức danh nghiên cứu khoa học là tên gọi thể hiện trình độ và năng lực nghiên cứu khoa học của cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoa học, gồm trợ lý nghiên cứu, nghiên cứu viên, nghiên cứu viên chính, nghiên cứu viên cao cấp.

Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ tham gia giảng dạy, đào tạo đại học, sau đại học được xét bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư. Thủ tục xét bổ nhiệm thực hiện theo quy định của pháp luật về giáo dục đại học.

2. Chức danh công nghệ là tên gọi thể hiện trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của cá nhân hoạt động trong từng lĩnh vực công nghệ.

Chính phủ quy định cụ thể chức danh công nghệ, thủ tục, quy trình xét công nhận, bổ nhiệm chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ.

3. Người có học vị tiến sĩ hoặc có công trình nghiên cứu khoa học và công nghệ xuất sắc hoặc được giải thưởng cao về khoa học và công nghệ được xét công nhận, bổ nhiệm vào chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ cao hơn không phụ thuộc vào năm công tác.

4. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan quy định hệ thống danh mục, tiêu chuẩn và mã số chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ.

Điều 20. Quyền của cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ

1. Tự do sáng tạo, bình đẳng trong hoạt động khoa học và công nghệ.

2. Tự mình hoặc hợp tác với tổ chức, cá nhân khác để hoạt động khoa học và công nghệ, ký kết hợp đồng khoa học và công nghệ.

3. Được tạo điều kiện để tham gia, thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo chức năng của tổ chức khoa học và công nghệ mà mình là thành viên.

4. Thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ trong một số lĩnh vực theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

5. Đăng ký tham gia tuyển chọn hoặc được giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

6. Được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; chuyển giao, chuyển nhượng kết quả hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ.

7. Công bố kết quả hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định của Luật báo chí, Luật xuất bản và quy định khác của pháp luật.

8. Góp vốn bằng tiền, tài sản, giá trị quyền sở hữu trí tuệ để hoạt động khoa học và công nghệ, sản xuất, kinh doanh; nhận tài trợ để hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật.

9. Tư vấn, đề xuất ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước với cơ quan có thẩm quyền, kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ của tổ chức khoa học và công nghệ mà mình là thành viên và tham gia giám sát việc thực hiện.

10. Tham gia tổ chức khoa học và công nghệ, hội, hiệp hội khoa học và công nghệ; tham gia hoạt động đào tạo, tư vấn, hội nghị, hội thảo khoa học và công nghệ; tham gia hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ.

11. Được xét công nhận, bổ nhiệm vào chức danh quy định tại Điều 19 của Luật này.

12. Được khen thưởng, hưởng quyền ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

Điều 21. Nghĩa vụ của cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ

1. Đóng góp trí tuệ, tài năng vào sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

2. Thực hiện hợp đồng khoa học và công nghệ đã ký kết.

3. Thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giao.

4. Đăng ký, lưu giữ và giao kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước.

5. Giữ bí mật nhà nước về khoa học và công nghệ, bảo vệ lợi ích của Nhà nước và xã hội.

Điều 22. Đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài về khoa học và công nghệ

1. Căn cứ vào quy hoạch phát triển nguồn nhân lực quốc gia, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt quy hoạch phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ trên cơ sở đề xuất của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan nhà nước khác.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, bộ quản lý chuyên ngành tổ chức đào tạo trình độ đại học, sau đại học; phát hiện, đào tạo bồi dưỡng nhân tài để bổ sung nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, bảo đảm cơ cấu ngành, lĩnh vực và vùng miền; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên, trọng điểm.

3. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về khoa học và công nghệ cho đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ trên phạm vi cả nước.

4. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tự đào tạo, tham gia, tài trợ cho việc đào tạo, đào tạo lại nhân lực, bồi dưỡng nhân tài khoa học và công nghệ; khuyến khích đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực nữ trong hoạt động khoa học và công nghệ; ưu tiên thu hút, đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ cho vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

5. Kinh phí thực hiện việc đào tạo nguồn nhân lực quy định tại khoản 2 Điều này do ngân sách nhà nước bảo đảm. Kinh phí tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ quy định tại khoản 3 Điều này được lấy từ kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ. Kinh phí tài trợ cho việc đào tạo, đào tạo lại nhân lực về khoa học và công nghệ quy định tại khoản 4 Điều này được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

6. Chính phủ quy định cụ thể Điều này.

Điều 23. Ưu đãi trong việc sử dụng nhân lực, nhân tài khoa học và công nghệ

1. Người được bổ nhiệm vào chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ được hưởng ưu đãi sau đây:

a) Được xếp vào vị trí việc làm và hưởng mức lương, phụ cấp phù hợp với chuyên môn và năng lực trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập;

b) Được hưởng ưu đãi về thuế theo quy định tại Điều 64 của Luật này;

c) Được trang bị phương tiện và tạo điều kiện làm việc thuận lợi cao hơn mức quy định cho cán bộ, công chức nhà nước và phù hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được giao;

d) Được miễn trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại, rủi ro gây ra cho Nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ do nguyên nhân khách quan, mặc dù đã thực hiện đầy đủ quy trình, quy định về nghiên cứu khoa học.

2. Nhà khoa học đầu ngành ngoài ưu đãi quy định tại khoản 1 Điều này còn được hưởng ưu đãi sau đây:

a) Được ưu tiên giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ quan trọng;

b) Được thành lập nhóm nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực chuyên môn của mình và được cấp hoặc hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của nhóm này;

c) Được trực tiếp đề xuất, tham gia xây dựng, đánh giá và phản biện chính sách của ngành, lĩnh vực, quốc gia về phát triển khoa học và công nghệ;

d) Được ưu tiên giao nhiệm vụ phản biện độc lập đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ và cấp tỉnh;

đ) Được hưởng mức phụ cấp ưu đãi đặc biệt theo quy định của Chính phủ;

e) Được hỗ trợ kinh phí tham gia hội nghị, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực chuyên môn.

3. Nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đặc biệt quan trọng ngoài ưu đãi quy định tại khoản 1 Điều này còn được hưởng ưu đãi sau đây:

a) Hưởng mức lương và phụ cấp ưu đãi đặc biệt theo thỏa thuận với cơ quan nhà nước giao nhiệm vụ; được bố trí nhà ở công vụ, phương tiện đi lại công vụ trong thời gian thực hiện nhiệm vụ được giao;

b) Đề xuất việc điều động nhân lực khoa học và công nghệ, kinh phí thực hiện nhiệm vụ và nguồn lực vật chất, tài chính bảo đảm thực hiện nhiệm vụ;

c) Thuê, thỏa thuận chi phí thuê chuyên gia trong nước và nước ngoài; tự quyết định việc mua sáng chế, thiết kế, tài liệu kỹ thuật, bí quyết công nghệ phục vụ cho nhiệm vụ trong phạm vi dự toán kinh phí được giao;

d) Tự quyết định và được hỗ trợ kinh phí tham gia hội nghị, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực chuyên môn;

đ) Toàn quyền quyết định việc tổ chức nhiệm vụ được giao.

4. Nhà khoa học trẻ tài năng ngoài việc được hưởng ưu đãi quy định tại khoản 1 Điều này còn được hưởng ưu đãi sau đây:

a) Ưu tiên xét cấp học bổng để nâng cao trình độ ở trong nước, ngoài nước;

b) Được thành lập nhóm nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực chuyên môn của mình và được cấp hoặc hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của nhóm này;

c) Được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ tiềm năng và được ưu tiên chủ trì, tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ khác;

d) Được hỗ trợ kinh phí tham gia hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực chuyên môn.

5. Chính phủ quy định cụ thể Điều này.

Điều 24. Thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài

1. Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia nước ngoài được khuyến khích tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.

2. Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian làm việc tại Việt Nam có quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 20 và Điều 21 của Luật này và được hưởng ưu đãi sau đây:

a) Được bổ nhiệm, thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức khoa học và công nghệ; được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp, xét công nhận, bổ nhiệm chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ theo quy định tại Điều 19 của Luật này;

b) Được hưởng lương chuyên gia theo quy định của Chính phủ và ưu đãi khác theo hợp đồng;

c) Được hưởng các ưu đãi về xuất nhập cảnh, cư trú, nhà ở và ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.

3. Chuyên gia nước ngoài được khuyến khích tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam và được hưởng ưu đãi sau đây:

a) Được thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức khoa học và công nghệ; được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ;

b) Được hưởng ưu đãi về xuất nhập cảnh, cư trú, nhà ở và ưu đãi khác theo quy định của pháp luật;

c) Được hưởng lương chuyên gia theo quy định của Chính phủ và ưu đãi khác theo hợp đồng.

4. Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia là người nước ngoài có cống hiến lớn đối với sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ của Việt Nam được Nhà nước Việt Nam vinh danh, khen thưởng, tặng giải thưởng về khoa học và công nghệ của Việt Nam.

5. Chính phủ quy định cụ thể Điều này.

Chương IV

XÁC ĐỊNH, TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Mục 1. XÁC ĐỊNH NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Điều 25. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ

1. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ được tổ chức dưới hình thức chương trình, đề tài, dự án, nhiệm vụ nghiên cứu theo chức năng của tổ chức khoa học và công nghệ và các hình thức khác.

2. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước bao gồm nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh và cấp cơ sở do cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 27 của Luật này xác định.

Nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh phải thực hiện theo hình thức đặt hàng.

3. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để mọi tổ chức, cá nhân đề xuất ý tưởng khoa học, nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Chính phủ quy định tiêu chí xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp phù hợp với từng giai đoạn phát triển và lĩnh vực khoa học và công nghệ; biện pháp khuyến khích đề xuất ý tưởng khoa học, nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Điều 26. Đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ

1. Việc đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được quy định như sau:

a) Cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ về bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan nhà nước khác ở trung ương phù hợp với ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý để tổng hợp.

Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan nhà nước khác ở trung ương tổ chức lấy ý kiến tư vấn xác định và công bố công khai nhiệm vụ đặt hàng cấp mình và gửi đề xuất đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia về Bộ Khoa học và Công nghệ;

b) Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm tổng hợp đề xuất đặt hàng, tổ chức lấy ý kiến tư vấn về nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia và công bố công khai;

c) Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm chủ động hoặc theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đề xuất đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia cấp bách, mới phát sinh có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia; tổ chức lấy ý kiến tư vấn về các nhiệm vụ này;

d) Việc lấy ý kiến tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ được thực hiện thông qua Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quyết định thành lập, quy định nhiệm vụ và quyền hạn. Thành phần của Hội đồng bao gồm nhà khoa học, nhà quản lý, nhà kinh doanh có uy tín và trình độ phù hợp với nhiệm vụ. Trong trường hợp cần thiết, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có quyền lấy ý kiến tư vấn của chuyên gia tư vấn độc lập trước hoặc sau khi họp Hội đồng. Thành viên Hội đồng và chuyên gia tư vấn độc lập phải chịu trách nhiệm về ý kiến tư vấn của mình.

2. Việc đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước có thể áp dụng quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Việc đề xuất, tư vấn xác định nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và kỹ thuật phải bao gồm nội dung triển khai thực nghiệm, sản xuất thử nghiệm và dự toán kinh phí cho các hoạt động này hoặc đề xuất dự án triển khai thực nghiệm, sản xuất thử nghiệm.

4. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định cụ thể Điều này.

Điều 27. Thẩm quyền phê duyệt, ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ

1. Thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ được quy định như sau:

a) Căn cứ vào chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và chiến lược phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ 05 năm và nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia hằng năm;

b) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan nhà nước khác ở trung ương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh;

c) Tổ chức, cá nhân không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản này tự phê duyệt hoặc trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở theo quy định về tổ chức và hoạt động của mình.

2. Thẩm quyền ký hợp đồng với tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được quy định như sau:

a) Bộ Khoa học và Công nghệ ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia;

b) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan nhà nước khác ở trung ương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh;

c) Tổ chức, cá nhân quy định tại điểm c khoản 1 Điều này ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở.

3. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan nhà nước khác ở trung ương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm gửi báo cáo về Bộ Khoa học và Công nghệ về việc phê duyệt và ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ để tổng hợp, đưa vào cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ.

Mục 2. PHƯƠNG THỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Điều 28. Phương thức giao nhiệm vụ khoa học và công nghệ

1. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được giao theo phương thức tuyển chọn, giao trực tiếp, xét tài trợ từ quỹ của Nhà nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

2. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước có thể được thực hiện theo phương thức quy định tại khoản 1 Điều này hoặc phương thức khác do tổ chức, cá nhân lựa chọn.

Điều 29. Tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước

1. Tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước là việc xác định tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ và phải bảo đảm tính cạnh tranh, công bằng, hiệu quả.

2. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ có nhiều tổ chức, cá nhân có khả năng tham gia thực hiện phải được giao theo phương thức tuyển chọn nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

3. Cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp phải thông báo công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ quan mình hoặc phương tiện thông tin đại chúng khác danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ; điều kiện, thủ tục tham gia tuyển chọn.

4. Việc tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ phải bảo đảm công khai, công bằng, dân chủ, khách quan; kết quả tuyển chọn phải được công bố công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc phương tiện thông tin đại chúng khác.

5. Người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp thành lập Hội đồng tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng này.

Hội đồng tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ do người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp thành lập, quy định nhiệm vụ và quyền hạn. Hội đồng có nhiệm vụ tư vấn và phải chịu trách nhiệm về việc tư vấn của mình. Thành phần của Hội đồng bao gồm nhà khoa học, nhà quản lý, nhà kinh doanh có uy tín và trình độ phù hợp với nhiệm vụ. Thành viên Hội đồng phải có năng lực, phẩm chất, trình độ chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ khoa học và công nghệ và chịu trách nhiệm về ý kiến tư vấn của mình.

6. Người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sau khi có ý kiến tư vấn của Hội đồng. Trong trường hợp cần thiết, người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp có quyền lấy thêm ý kiến tư vấn của chuyên gia tư vấn độc lập trước khi quyết định.

7. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định cụ thể việc tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Điều 30. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được giao trực tiếp

1. Nhà nước giao trực tiếp cho tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ đối với một trong các trường hợp sau đây:

a) Nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc bí mật quốc gia, đặc thù phục vụ an ninh, quốc phòng;

b) Nhiệm vụ khoa học và công nghệ đột xuất;

c) Nhiệm vụ khoa học và công nghệ mà chỉ có một tổ chức khoa học và công nghệ có đủ điều kiện về nhân lực, chuyên môn, trang thiết bị để thực hiện nhiệm vụ đó.

2. Người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định giao nhiệm vụ khoa học và công nghệ quy định tại Điều này sau khi lấy ý kiến tư vấn của Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ và phải chịu trách nhiệm về việc giao nhiệm vụ của mình. Tổ chức, cá nhân được giao chủ trì nhiệm vụ phải có đủ năng lực, điều kiện và chuyên môn phù hợp.

Trong trường hợp cần thiết, người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước có quyền lấy thêm ý kiến tư vấn của chuyên gia tư vấn độc lập trước khi quyết định.

3. Chính phủ quy định cụ thể Điều này.

Điều 31. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ được quỹ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ xét tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay

Tổ chức, cá nhân có quyền đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ để quỹ phát triển khoa học và công nghệ, quỹ đổi mới công nghệ, quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao và các quỹ khác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ xét tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay theo điều lệ tổ chức và hoạt động của quỹ.

Điều 32. Liên kết xác định và thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ

1. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức khoa học và công nghệ, nhà khoa học liên kết với doanh nghiệp và tổ chức khác để xác định, thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ yêu cầu đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá.

2. Việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ quy định tại khoản 1 Điều này được quy định như sau:

a) Hỗ trợ đến 30% vốn đầu tư cho dự án của doanh nghiệp ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ để tạo ra sản phẩm mới hoặc nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm từ kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; hỗ trợ đến 50% vốn đầu tư cho dự án thực hiện ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn;

b) Hỗ trợ đến 50% vốn đầu tư cho dự án thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia thuộc lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm của Nhà nước.

3. Chính phủ quy định cụ thể điều kiện, hình thức, trình tự, thủ tục và mức hỗ trợ của Nhà nước đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ quy định tại Điều này.

Mục 3. HỢP ĐỒNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Điều 33. Phân loại hợp đồng khoa học và công nghệ

1. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ, hoạt động dịch vụ khoa học và công nghệ được thực hiện thông qua hợp đồng khoa học và công nghệ bằng văn bản.

2. Các loại hợp đồng khoa học và công nghệ gồm:

a) Hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;

b) Hợp đồng chuyển giao công nghệ;

c) Hợp đồng dịch vụ khoa học và công nghệ.

3. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định mẫu hợp đồng quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.

Điều 34. Quyền, nghĩa vụ của bên đặt hàng theo hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ

1. Bên đặt hàng theo hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có quyền sau đây:

a) Sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, nếu không có thoả thuận khác trong hợp đồng;

b) Tổ chức việc giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

2. Bên đặt hàng theo hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có nghĩa vụ sau đây:

a) Cung cấp thông tin cần thiết cho việc thực hiện hợp đồng;

b) Tổ chức nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ đặt hàng;

c) Tiếp nhận và tổ chức triển khai ứng dụng hoặc chuyển giao kết quả nghiên cứu sau khi được nghiệm thu;

d) Thanh toán đầy đủ kinh phí cho bên nhận đặt hàng theo thoả thuận trong hợp đồng.

Điều 35. Quyền, nghĩa vụ của bên nhận đặt hàng thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ

1. Bên nhận đặt hàng thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có quyền sau đây:

a) Hưởng quyền tác giả đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo thỏa thuận trong hợp đồng;

b) Yêu cầu bên đặt hàng cung cấp thông tin và những điều kiện khác theo thỏa thuận trong hợp đồng để thực hiện hợp đồng;

c) Nhận kinh phí của bên đặt hàng để thực hiện hợp đồng.

2. Bên nhận đặt hàng thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có nghĩa vụ sau đây:

a) Bàn giao kết quả nghiên cứu, giao nộp sản phẩm theo đúng quy định trong hợp đồng;

b) Giữ bí mật về kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo thoả thuận;

c) Không được chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cho người khác nếu không có sự chấp thuận của bên đặt hàng.

Điều 36. Giải quyết tranh chấp hợp đồng khoa học và công nghệ

1. Bên vi phạm hợp đồng khoa học và công nghệ phải bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Tranh chấp hợp đồng khoa học và công nghệ được giải quyết trước hết theo nguyên tắc hoà giải, thương lượng trực tiếp giữa các bên. Trường hợp các bên không tự giải quyết được thì tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài hoặc toà án.

Mục 4. ĐÁNH GIÁ, NGHIỆM THU, ĐĂNG KÝ, LƯU GIỮ KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Điều 37. Đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ

1. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, khi kết thúc phải được đánh giá nghiệm thu khách quan, chính xác thông qua Hội đồng khoa học và công nghệ chuyên ngành. Người giao nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo thẩm quyền quyết định nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Trong trường hợp cần thiết, người giao nhiệm vụ khoa học và công nghệ có quyền lấy thêm ý kiến tư vấn của tổ chức, chuyên gia tư vấn độc lập trước khi quyết định nghiệm thu.

2. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước do tổ chức, cá nhân tự tổ chức đánh giá, nghiệm thu. Trường hợp tổ chức, cá nhân không có khả năng tự tổ chức đánh giá, nghiệm thu thì có quyền đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ địa phương xem xét đánh giá, nghiệm thu.

3. Kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước có ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh, môi trường, tính mạng, sức khoẻ con người phải được cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ có thẩm quyền thẩm định.

4. Hằng năm, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố công khai danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước đã được nghiệm thu.

5. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định tiêu chí, thủ tục đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Điều 38. Hội đồng khoa học và công nghệ chuyên ngành, tổ chức, chuyên gia tư vấn độc lập đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ

1. Người giao nhiệm vụ khoa học và công nghệ có trách nhiệm thành lập Hội đồng khoa học và công nghệ chuyên ngành hoặc thuê tổ chức, chuyên gia tư vấn độc lập để đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

2. Thành phần Hội đồng khoa học và công nghệ chuyên ngành bao gồm nhà khoa học, đại diện cơ quan, tổ chức đề xuất đặt hàng, cơ quan, tổ chức đặt hàng, nhà quản lý, nhà kinh doanh có năng lực và chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ.

3. Tổ chức, chuyên gia tư vấn độc lập phải có năng lực và chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ.

4. Hội đồng khoa học và công nghệ chuyên ngành, tổ chức, chuyên gia tư vấn độc lập tiến hành đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo mục đích, yêu cầu, nội dung, kết quả, tiến độ ghi trong hợp đồng đã được ký kết và chịu trách nhiệm trước người giao nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

5. Hội đồng khoa học và công nghệ chuyên ngành, tổ chức, chuyên gia tư vấn độc lập phải chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá của mình.

Điều 39. Đăng ký, lưu giữ kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ

1. Kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước phải được đăng ký, lưu giữ tại cơ quan thông tin khoa học và công nghệ quốc gia và tại cơ quan có thẩm quyền của bộ, ngành, địa phương chủ quản.

Kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc danh mục bí mật nhà nước được đăng ký, lưu giữ theo chế độ mật.

2. Kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước được khuyến khích đăng ký, lưu giữ tại cơ quan thông tin khoa học và công nghệ quốc gia hoặc cơ quan có thẩm quyền của bộ, ngành, địa phương.

Điều 40. Trách nhiệm tiếp nhận và tổ chức ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ

1. Đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan nhà nước khác ở trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, người đứng đầu tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có trách nhiệm tiếp nhận, tổ chức ứng dụng, bố trí kinh phí, đánh giá hiệu quả ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ do mình đề xuất đặt hàng hoặc đặt hàng sau khi được đánh giá, nghiệm thu và định kỳ hằng năm gửi báo cáo kết quả ứng dụng về Bộ Khoa học và Công nghệ.

2. Đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước mà tổ chức, cá nhân không có khả năng tự tổ chức ứng dụng kết quả nghiên cứu thì có quyền đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ địa phương xem xét tạo điều kiện ứng dụng.

3. Trường hợp kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước được tổ chức, cá nhân hiến, tặng cho Nhà nước thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm tiếp nhận, lưu giữ và xem xét tổ chức ứng dụng.

Mục 5. QUYỀN SỞ HỮU, QUYỀN TÁC GIẢ ĐỐI VỚI KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ

Điều 41. Quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ

1. Tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính, cơ sở vật chất - kỹ thuật cho việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ là chủ sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác trong hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

2. Đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra bằng ngân sách nhà nước thì đại diện chủ sở hữu nhà nước được quy định như sau:

a) Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ là đại diện chủ sở hữu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia;

b) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan nhà nước khác ở trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là đại diện chủ sở hữu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh hoặc cấp cơ sở do mình phê duyệt;

c) Thủ trưởng cơ quan, tổ chức không thuộc quy định tại điểm a và điểm b của khoản này là đại diện chủ sở hữu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ do mình quyết định phê duyệt.

3. Đại diện chủ sở hữu nhà nước quy định tại khoản 2 Điều này có quyền xét giao toàn bộ hoặc một phần quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra bằng ngân sách nhà nước theo quy định của Chính phủ cho tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

4. Việc thực hiện quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra bằng ngân sách nhà nước quy định tại khoản 3 Điều này được quy định như sau:

a) Trường hợp được giao toàn bộ hoặc một phần quyền sở hữu thì tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện quyền này theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và pháp luật về chuyển giao công nghệ;

b) Trường hợp được giao quyền sử dụng thì tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện quyền này theo quy định của pháp luật.

5. Trường hợp tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không thể sử dụng được kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều này thì đại diện chủ sở hữu nhà nước quy định tại khoản 2 Điều này quyết định giao quyền sử dụng đó cho tổ chức khác có khả năng sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

6. Chính phủ quy định cụ thể các trường hợp, trình tự, thủ tục giao toàn bộ, giao một phần quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ quy định tại Điều này.

Điều 42. Quyền tác giả đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ

Người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ là tác giả của kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đó. Tác giả của kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được hưởng quyền theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 43. Phân chia lợi nhuận khi sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng, góp vốn bằng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước

Lợi nhuận thu được từ việc sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng, góp vốn bằng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được chia cho tác giả tối thiểu 30%; phần còn lại được phân chia giữa chủ sở hữu, cơ quan chủ trì, người môi giới theo quy định của Chính phủ.

Chương V

ỨNG DỤNG KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ, PHỔ BIẾN KIẾN THỨC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Điều 44. Trách nhiệm triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ

1. Trách nhiệm triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của bên đề xuất đặt hàng hoặc đặt hàng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được thực hiện theo quy định tại Điều 40 của Luật này.

Trường hợp bên đề xuất đặt hàng hoặc đặt hàng không thực hiện trách nhiệm quy định tại khoản này thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước có trách nhiệm trực tiếp hoặc tham gia triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất, đời sống theo hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, yêu cầu và hướng dẫn của bên đặt hàng, trừ trường hợp bất khả kháng.

Trường hợp tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không thực hiện trách nhiệm quy định tại khoản này thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời không được tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước trong thời hạn 03 năm kể từ ngày bị xử lý vi phạm.

Điều 45. Khuyến khích ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ

1. Tổ chức, cá nhân ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đặc biệt công nghệ cao và khai thác, sử dụng sáng chế để đổi mới quản lý kinh tế - xã hội, đổi mới công nghệ và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá được hưởng ưu đãi về thuế, tín dụng và ưu đãi khác theo quy định tại Luật này và văn bản pháp luật khác có liên quan.

2. Chủ sở hữu, tác giả và người ứng dụng thành công kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được hưởng lợi ích do việc ứng dụng kết quả này vào sản xuất và đời sống theo hợp đồng khoa học và công nghệ và theo quy định của Luật này.

3. Việc ứng dụng thành công thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất, đời sống là một trong những tiêu chí chủ yếu để đánh giá năng lực của tác giả, người đứng đầu tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp; là căn cứ để Nhà nước ưu tiên khi xét tuyển chọn, giao thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; được quỹ của Nhà nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ xét hỗ trợ kinh phí hoạt động khoa học và công nghệ.

4. Tổ chức khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công, tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ được hỗ trợ, ưu đãi về thuế và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật để đưa nhanh kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất và đời sống, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

5. Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tạo điều kiện để thành viên ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Điều 46. Ứng dụng khoa học và công nghệ trong dự án đầu tư, chương trình phát triển kinh tế - xã hội

1. Dự án đầu tư, chương trình phát triển kinh tế - xã hội sử dụng ngân sách nhà nước phải lập hạng mục chi cho ứng dụng, nghiên cứu và phát triển phục vụ xây dựng căn cứ khoa học trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và giải quyết vấn đề khoa học và công nghệ phát sinh trong quá trình thực hiện.

2. Dự án đầu tư, chương trình phát triển kinh tế - xã hội phải được thẩm định về cơ sở khoa học, trình độ công nghệ đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật trước khi phê duyệt.

3. Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục thẩm định công nghệ trong dự án đầu tư, chương trình phát triển kinh tế - xã hội.

Điều 47. Khuyến khích hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất và đổi mới sáng tạo

1. Cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp phải có biện pháp thúc đẩy phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất và đổi mới sáng tạo.

2. Hằng năm, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp tổ chức hội thi sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo; dành ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ để hỗ trợ các hoạt động này.

3. Doanh nghiệp dành kinh phí tổ chức thi sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, đổi mới sáng tạo thì kinh phí chi cho hoạt động này được tính là đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.

4. Nhà nước tài trợ, khuyến khích tổ chức, cá nhân tổ chức, tài trợ cho hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, đổi mới sáng tạo và tổ chức hội thi sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, đổi mới sáng tạo.

Điều 48. Truyền thông, phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ

1. Nhà nước đầu tư, khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển công tác truyền thông, phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ.

2. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hằng năm, 05 năm về công tác truyền thông, phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ.

3. Kinh phí của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, tài trợ cho hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ được tính vào chi phí hợp lý.

Chương VI

ĐẦU TƯ, TÀI CHÍNH PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Mục 1. ĐẦU TƯ CỦA NHÀ NƯỚC

Điều 49. Ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ

1. Nhà nước bảo đảm chi cho khoa học và công nghệ từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển của sự nghiệp khoa học và công nghệ.

2. Ngân sách cho khoa học và công nghệ phải được ghi thành một mục chi riêng trong mục lục ngân sách nhà nước hằng năm của bộ, ngành, địa phương.

3. Việc phân bổ ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ của năm sau được thực hiện trên cơ sở nhu cầu của thực tiễn và kết quả sử dụng ngân sách đã được phân bổ.

Điều 50. Mục đích chi ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ

1. Thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ ưu tiên, trọng điểm, nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp phục vụ lợi ích chung của xã hội; chú trọng nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ.

2. Duy trì và phát triển năng lực khoa học và công nghệ quốc gia, đầu tư và hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho tổ chức khoa học và công nghệ; bảo đảm hoạt động nghiên cứu cơ bản thường xuyên của tổ chức khoa học và công nghệ công lập.

3. Phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ.

4. Cấp kinh phí cho quỹ của Nhà nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ theo quy định tại Điều 59 của Luật này.

5. Hỗ trợ việc thực hiện nghiên cứu ứng dụng và đổi mới công nghệ thuộc lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm.

6. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ tại địa phương.

7. Mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, hỗ trợ nhập khẩu công nghệ nguồn, công nghệ cao, thiết kế, thuê chuyên gia trong nước và nước ngoài thuộc lĩnh vực ưu tiên.

8. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, truyền thông, thông tin, thống kê khoa học và công nghệ; hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, công bố kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, giải thưởng khoa học và công nghệ.

9. Hỗ trợ hoạt động khoa học và công nghệ khác.

Điều 51. Xây dựng dự toán và quản lý việc sử dụng ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ

1. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan nhà nước khác ở trung ương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng đề xuất dự toán chi ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ hằng năm theo quy định của pháp luật.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính lập dự toán chi đầu tư phát triển khoa học và công nghệ, dự toán chi sự nghiệp khoa học và công nghệ theo đề xuất dự toán của Bộ Khoa học và Công nghệ.

3. Cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ xây dựng đề xuất dự toán chi ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ hằng năm và đề nghị cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về kế hoạch và đầu tư, tài chính tổng hợp, xây dựng dự toán chi đầu tư phát triển khoa học và công nghệ, dự toán chi sự nghiệp khoa học và công nghệ, bảo đảm chi đúng, chi đủ kinh phí đã được phân bổ.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phê duyệt dự toán chi ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ.

4. Cơ quan tài chính các cấp có trách nhiệm cấp phát kinh phí khoa học và công nghệ đầy đủ, kịp thời, phù hợp với tiến độ kế hoạch khoa học và công nghệ; đôn đốc, kiểm tra các ngành, các cấp nhằm bảo đảm sử dụng kinh phí khoa học và công nghệ đúng mục đích, hiệu quả.

Điều 52. Áp dụng khoán chi đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ

1. Việc áp dụng khoán chi đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được quy định như sau:

a) Khoán chi được áp dụng đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học kỹ thuật và công nghệ đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt mục tiêu, nội dung, yêu cầu về sản phẩm nghiên cứu và dự toán kinh phí;

b) Nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã xác định được rõ tiêu chí đối với sản phẩm cuối cùng trên cơ sở thẩm định thuyết minh và dự toán kinh phí thì được áp dụng khoán chi đến sản phẩm cuối cùng;

c) Nhiệm vụ khoa học và công nghệ không thể khoán chi đến sản phẩm cuối cùng và những nhiệm vụ khoa học và công nghệ có tính rủi ro cao thì thực hiện việc khoán chi đối với từng phần công việc đã xác định rõ tiêu chí.

2. Trong trường hợp cần thiết, Nhà nước mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo thỏa thuận với tổ chức, cá nhân.

3. Chính phủ quy định cụ thể tiêu chí, quy trình, thủ tục thực hiện khoán chi đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước và việc mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Điều 53. Cấp, sử dụng, quản lý kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước

1. Việc cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước phải kịp thời, phù hợp với tiến độ đặt hàng và phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

2. Kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được cấp thông qua quỹ phát triển khoa học và công nghệ của Nhà nước hoặc chuyển vào tài khoản tiền gửi của cơ quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ tại Kho bạc Nhà nước.

3. Việc sử dụng kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được thực hiện theo ủy nhiệm chi của cơ quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ và quyết toán khi kết thúc hợp đồng, không phụ thuộc vào năm tài chính.

4. Chính phủ quy định cụ thể Điều này.

Điều 54. Cơ chế đầu tư đặc biệt thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt

1. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ quy mô lớn phục vụ quốc phòng, an ninh, có tác động mạnh đến năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm quốc gia được áp dụng cơ chế đầu tư đặc biệt.

2. Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc loại dự án, công trình quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

3. Thủ tướng Chính phủ quyết định thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Chính phủ quy định tiêu chí xác định nhiệm vụ, cơ chế đầu tư đặc biệt và phương thức thực hiện đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ được áp dụng cơ chế đầu tư đặc biệt quy định tại Điều này.

Mục 2. ĐẦU TƯ CỦA DOANH NGHIỆP, TỔ CHỨC VÀ CÁ NHÂN

Điều 55. Huy động nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước đầu tư cho khoa học và công nghệ

1. Nhà nước khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân đầu tư, tài trợ cho khoa học và công nghệ.

2. Tổ chức, cá nhân được thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ theo quy định tại Điều 62 và Điều 63 của Luật này.

3. Tổ chức, cá nhân đầu tư, tài trợ cho khoa học và công nghệ được hưởng ưu đãi sau đây:

a) Được hưởng ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật;

b) Được tôn vinh, khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 56. Đầu tư của doanh nghiệp cho khoa học và công nghệ

1. Doanh nghiệp phải dành kinh phí đầu tư nhằm đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa.

2. Kinh phí đầu tư phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp được tính là khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

3. Doanh nghiệp đầu tư hoặc liên kết đầu tư nghiên cứu khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm của Nhà nước, đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa được quỹ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ xét hỗ trợ, cho vay và được hưởng ưu đãi khác theo quy định của Luật này.

Điều 57. Khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ

1. Doanh nghiệp ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá được quỹ của Nhà nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ tài trợ, cho vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn.

2. Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hưởng ưu đãi ở mức cao nhất theo quy định của pháp luật về công nghệ cao. Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong nước được hỗ trợ lãi suất vay vốn tại ngân hàng.

Điều 58. Phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ

1. Doanh nghiệp khoa học và công nghệ là doanh nghiệp thực hiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khoa học và công nghệ để tạo ra sản phẩm, hàng hoá từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

2. Doanh nghiệp khoa học và công nghệ phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Là doanh nghiệp được thành lập, đăng ký kinh doanh, tổ chức quản lý và hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp;

b) Có năng lực thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ;

c) Doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hoá hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt tỷ lệ theo quy định.

3. Ngoài ưu đãi quy định tại Điều 57 của Luật này, doanh nghiệp khoa học và công nghệ còn được hưởng ưu đãi sau đây:

a) Được xem xét, giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thuộc sở hữu nhà nước;

b) Được hưởng chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà theo quy định của pháp luật;

c) Được ưu tiên thuê đất, cơ sở hạ tầng trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao;

d) Được hưởng chính sách ưu đãi về tín dụng đầu tư của Ngân hàng phát triển Việt Nam, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia và các quỹ khác để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh;

đ) Được ưu tiên sử dụng trang thiết bị phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ của Nhà nước.

4. Chính phủ quy định cụ thể Điều này.

Mục 3. QUỸ HỖ TRỢ, ĐẦU TƯ CHO HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Điều 59. Các quỹ hỗ trợ, đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ

1. Nhà nước thành lập, khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập quỹ để huy động nguồn lực xã hội nhằm hỗ trợ, đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ.

2. Quỹ phát triển khoa học và công nghệ được thành lập theo quy định của Luật này.

Quỹ đổi mới công nghệ, quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao được thành lập theo quy định của Luật chuyển giao công nghệ, Luật công nghệ cao.

3. Cơ chế, hình thức hỗ trợ, đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ của quỹ được thực hiện theo điều lệ tổ chức và hoạt động của quỹ.

Điều 60. Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia

1. Chính phủ thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia nhằm mục đích tài trợ, cấp kinh phí cho việc thực hiện nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng; tài trợ, cấp kinh phí cho nhiệm vụ khoa học và công nghệ đột xuất có ý nghĩa quan trọng về khoa học và thực tiễn, nhiệm vụ khoa học và công nghệ tiềm năng; cho vay với lãi suất thấp hoặc không lấy lãi để thực hiện việc ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất và đời sống; bảo lãnh vốn vay đối với một số nhiệm vụ khoa học và công nghệ chuyên biệt; hỗ trợ nhà khoa học trẻ tham gia hội nghị, hội thảo quốc tế; hỗ trợ hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia.

2. Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia được hình thành từ nguồn vốn được cấp ban đầu, vốn cấp bổ sung hằng năm từ ngân sách nhà nước dành cho phát triển khoa học và công nghệ, kết quả hoạt động của quỹ; khoản đóng góp tự nguyện, hiến, tặng của tổ chức, cá nhân và nguồn hợp pháp khác.

3. Chính phủ quy định Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia.

Điều 61. Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

1. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ để phục vụ yêu cầu phát triển khoa học và công nghệ của mình.

2. Quỹ được sử dụng vào mục đích theo quy định tại khoản 1 Điều 60 của Luật này.

3. Quỹ được hình thành từ nguồn vốn được cấp một lần ban đầu từ ngân sách nhà nước dành cho phát triển khoa học và công nghệ của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; vốn bổ sung hằng năm từ phân bổ ngân sách cho nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh và kết quả hoạt động của quỹ; đóng góp của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; khoản đóng góp tự nguyện, hiến, tặng của tổ chức, cá nhân và nguồn hợp pháp khác.

4. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định Điều lệ mẫu tổ chức và hoạt động của quỹ phát triển khoa học và công nghệ của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Điều 62. Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của tổ chức, cá nhân

1. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật.

Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của tổ chức, cá nhân là tổ chức hoạt động phi lợi nhuận để tài trợ không hoàn lại, cho vay với lãi suất thấp hoặc không lấy lãi, bảo lãnh vốn vay phục vụ yêu cầu phát triển khoa học và công nghệ của tổ chức, cá nhân.

2. Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của tổ chức, cá nhân được hình thành từ nguồn vốn đóng góp của tổ chức, cá nhân thành lập không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước; khoản đóng góp tự nguyện, hiến, tặng của tổ chức, cá nhân và nguồn hợp pháp khác.

3. Điều lệ tổ chức và hoạt động của quỹ do tổ chức, cá nhân thành lập quy định và phải được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về tài chính có thẩm quyền, đồng thời thông báo việc thành lập quỹ cho cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ địa phương nơi đặt trụ sở chính của quỹ.

Điều 63. Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp

1. Doanh nghiệp ngoài nhà nước được khuyến khích thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của mình hoặc đóng góp vào Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của ngành, địa phương và được hưởng quyền lợi theo quy định của Quỹ.

2. Doanh nghiệp nhà nước phải trích một tỷ lệ tối thiểu thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.

Chính phủ quy định cụ thể tỷ lệ trích thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để thành lập quỹ và cơ chế quản lý, sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp nhà nước.

3. Doanh nghiệp có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng quỹ đúng mục đích thành lập quỹ và thông báo việc thành lập quỹ cho cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ địa phương nơi đặt trụ sở chính của doanh nghiệp.

Mục 4. ƯU ĐÃI THUẾ VÀ TÍN DỤNG CHO HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Điều 64. Chính sách thuế đối với hoạt động khoa học và công nghệ

Các trường hợp sau đây được hưởng chính sách ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật về thuế:

1. Thu nhập từ việc thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;

2. Thu nhập từ sản phẩm làm ra từ công nghệ mới lần đầu áp dụng tại Việt Nam; sản phẩm đang trong thời kỳ sản xuất thử nghiệm;

3. Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và một số hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao;

4. Dịch vụ khoa học và công nghệ;

5. Máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để sử dụng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ;

6. Kinh phí tài trợ của tổ chức, cá nhân cho hoạt động nghiên cứu khoa học; khoản tài trợ nhận được để sử dụng cho hoạt động nghiên cứu khoa học;

7. Chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực ưu tiên chuyển giao cho tổ chức, cá nhân thuộc địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

8. Các trường hợp khác được quy định tại các luật về thuế.

Điều 65. Chính sách tín dụng đối với hoạt động khoa học và công nghệ

1. Tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ vay vốn trung và dài hạn để hoạt động khoa học và công nghệ được hưởng lãi suất ưu đãi khi vay vốn tại Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, các quỹ khác của Nhà nước.

2. Tổ chức, cá nhân vay vốn để đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ được ưu đãi về tín dụng theo điều lệ của quỹ nơi vay vốn.

3. Tổ chức, cá nhân vay vốn tại ngân hàng thương mại để đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ, đặc biệt hoạt động triển khai thực nghiệm và sản xuất thử nghiệm được Ngân hàng phát triển Việt Nam xem xét hỗ trợ lãi suất sau đầu tư hoặc bảo lãnh tín dụng đầu tư, dành tỷ lệ nhất định dư nợ tín dụng cho hoạt động khoa học và công nghệ.

4. Những chương trình, đề tài, dự án khoa học và công nghệ phục vụ trực tiếp chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm của Nhà nước và phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia, đặc biệt dự án triển khai thực nghiệm, sản xuất thử nghiệm có yêu cầu sử dụng vốn lớn, được ưu tiên xét cho sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức theo phương thức sau đây:

a) Tài trợ không hoàn lại hoặc cho vay ưu đãi đối với hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;

b) Cho vay đối với dự án đầu tư xây dựng tiềm lực khoa học và công nghệ hoặc cho vay có thu hồi đối với dự án ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Chương VII

XÂY DỰNG KẾT CẤU HẠ TẦNG VÀ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Điều 66. Xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển khoa học và công nghệ

1. Nhà nước có chính sách đầu tư đồng bộ, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất - kỹ thuật của cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ quốc gia; khuyến khích, hỗ trợ xây dựng trung tâm nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, khu công nghệ cao, công viên công nghệ; nâng cấp và xây dựng mới trung tâm nghiên cứu trong cơ sở giáo dục đại học để gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, ứng dụng, triển khai, thương mại hoá công nghệ mới.

2. Căn cứ vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với bộ, cơ quan có liên quan xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của tổ chức khoa học và công nghệ quan trọng; phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế; cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ.

3. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan nhà nước khác ở trung ương huy động nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của tổ chức khoa học và công nghệ ở địa phương.

5. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan kiểm tra, giám sát việc sử dụng ngân sách nhà nước cho phát triển khoa học và công nghệ ở bộ, ngành, địa phương và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 67. Xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển công nghệ cao

1. Nhà nước đầu tư, huy động nguồn lực xã hội để xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển công nghệ cao.

2. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển khu công nghệ cao, cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và cơ quan có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Điều 68. Xây dựng hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia và thống kê về khoa học và công nghệ

Nhà nước đầu tư xây dựng, khuyến khích tổ chức, cá nhân tài trợ cho việc xây dựng hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia và thống kê về khoa học và công nghệ hiện đại nhằm bảo đảm thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời về hoạt động khoa học và công nghệ trong nước và thế giới.

Chính phủ quy định cụ thể Điều này.

Điều 69. Xây dựng và phát triển thị trường khoa học và công nghệ

Nhà nước có chính sách và biện pháp sau đây để xây dựng và phát triển thị trường khoa học và công nghệ:

1. Khuyến khích mọi hoạt động chuyển nhượng, chuyển giao công nghệ theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, các bên cùng có lợi;

2. Hoàn thiện chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ;

3. Áp dụng chính sách ưu đãi đối với sản phẩm đang trong thời kỳ sản xuất thử nghiệm bằng công nghệ mới; sản phẩm được làm ra từ công nghệ mới lần đầu áp dụng tại Việt Nam; hoạt động tư vấn khoa học và công nghệ; thiết bị công nghệ cao nhập khẩu, xuất khẩu công nghệ;

4. Áp dụng chế độ thưởng cho tập thể lao động và cá nhân có hoạt động đổi mới sáng tạo, sáng chế, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, ứng dụng công nghệ mới được chuyển giao;

5. Nhà nước thành lập, khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ, trung tâm xúc tiến và hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ; trung tâm, sàn giao dịch công nghệ; chợ công nghệ - thiết bị.

Chương VIII

HỘI NHẬP QUỐC TẾ VỀ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Điều 70. Nguyên tắc hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ

1. Tích cực, chủ động và bảo đảm độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia, bình đẳng và cùng có lợi.

2. Đa dạng hóa, đa phương hóa hợp tác, đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

3. Phát triển khoa học và công nghệ theo chuẩn mực quốc tế và gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

4. Tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước tiên tiến, tranh thủ tối đa cơ hội để nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao.

Điều 71. Hoạt động hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ

1. Liên kết, tham gia hoạt động khoa học và công nghệ với nước ngoài, bao gồm:

a) Tham gia tổ chức khoa học và công nghệ, hội, hiệp hội khoa học và công nghệ của nước ngoài;

b) Tham gia hoạt động nghiên cứu, đào tạo, tư vấn, hội nghị, hội thảo khoa học và công nghệ của tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế ở trong nước và nước ngoài;

c) Thành lập tổ chức khoa học và công nghệ có vốn nước ngoài ở Việt Nam và thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ của Việt Nam ở nước ngoài.

2. Xây dựng và thực hiện chương trình, dự án chung về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong khuôn khổ thỏa thuận song phương, đa phương, khu vực, liên khu vực và quốc tế.

3. Thu hút, thuê chuyên gia, nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài tham gia vào chương trình, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, chương trình đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ, hoạt động khoa học và công nghệ khác ở Việt Nam.

4. Tổ chức triển lãm, diễn đàn khoa học và công nghệ, chợ công nghệ, trung tâm, sàn giao dịch công nghệ, giới thiệu, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đặc biệt công nghệ tiên tiến, công nghệ cao của các nước và Việt Nam.

5. Tìm kiếm, chuyển giao công nghệ tiên tiến của nước ngoài vào Việt Nam.

6. Phát triển mạng lưới đại diện khoa học và công nghệ Việt Nam ở nước ngoài.

Điều 72. Biện pháp thúc đẩy hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ

1. Hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ.

2. Đẩy mạnh việc tham gia, ký kết và thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về hợp tác khoa học và công nghệ.

3. Đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ cho đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ.

4. Xây dựng một số tổ chức, nhóm nghiên cứu khoa học và công nghệ đạt tiêu chuẩn khu vực, quốc tế.

5. Tăng cường kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển khoa học và công nghệ, đặc biệt hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ, hệ thống phòng thí nghiệm trọng điểm đạt tiêu chuẩn khu vực, quốc tế. Kết nối mạng thông tin tiên tiến, hiện đại của khu vực và quốc tế về nghiên cứu và đào tạo.

6. Hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ để tổ chức, cá nhân Việt Nam tham gia hoạt động hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ.

7. Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút người Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam.

8. Sử dụng có hiệu quả vốn vay và viện trợ của nước ngoài đầu tư cho khoa học và công nghệ.

Chương IX

TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Điều 73. Trách nhiệm của Chính phủ

1. Thống nhất quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ trong phạm vi cả nước và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách cụ thể để bảo đảm phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu.

2. Chỉ đạo ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược phát triển khoa học và công nghệ, quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập.

3. Phân công, phân cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ.

4. Chỉ đạo hoạt động hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ; phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ.

5. Chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoa học và công nghệ; kiểm tra việc thực hiện pháp luật về khoa học và công nghệ.

6. Chỉ đạo công tác kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về khoa học và công nghệ.

Hằng năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc thực hiện chính sách, biện pháp để phát triển khoa học và công nghệ; việc sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cho khoa học và công nghệ; kết quả hoạt động khoa học và công nghệ.

Điều 74. Trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ

Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ trong phạm vi cả nước, có trách nhiệm sau đây:

1. Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ, quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập;

2. Xây dựng và phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ 05 năm và hằng năm;

3. Thống nhất quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp; hướng dẫn xây dựng và tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước các cấp, trực tiếp quản lý và tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia; xây dựng và tổ chức thực hiện nhiệm vụ trong chương trình, đề án khoa học và công nghệ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

4. Quản lý, sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước đầu tư cho khoa học và công nghệ; xây dựng đề xuất cơ cấu, tỉ lệ chi ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ làm căn cứ cho việc giao dự toán ngân sách nhà nước hằng năm;

5. Thẩm định việc thành lập tổ chức khoa học và công nghệ công lập theo phân cấp của Chính phủ; cho phép thành lập tổ chức khoa học và công nghệ có vốn nước ngoài; đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ theo thẩm quyền;

6. Xây dựng và quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ; hệ thống thống kê khoa học và công nghệ và tiêu chí thống kê thống nhất trong cả nước; đẩy mạnh việc khai thác và sử dụng sáng chế; phát triển thị trường khoa học và công nghệ;

7. Tổ chức quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về khoa học và công nghệ;

8. Tuyên truyền, phổ biến và tổ chức hướng dẫn thực hiện pháp luật về khoa học và công nghệ;

9. Hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ;

10. Thanh tra, kiểm tra hoặc phối hợp thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoa học và công nghệ; giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về khoa học và công nghệ theo thẩm quyền; căn cứ kết quả kiểm tra và hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ của các cơ quan và tổ chức để đề xuất điều chỉnh việc phân bổ kinh phí cho giai đoạn tiếp theo;

11. Thực hiện nhiệm vụ khác được Chính phủ ủy quyền hoặc phân công.

Điều 75. Trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm sau đây:

a) Lập và trình Chính phủ dự toán chi đầu tư phát triển khoa học và công nghệ theo đề xuất của Bộ Khoa học và Công nghệ;

b) Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc xét duyệt dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho khoa học và công nghệ; đôn đốc, kiểm tra các ngành, các cấp nhằm bảo đảm sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả kinh phí đầu tư phát triển khoa học và công nghệ.

2. Bộ Tài chính có trách nhiệm sau đây:

a) Lập và trình Chính phủ dự toán chi sự nghiệp khoa học và công nghệ theo đề xuất của Bộ Khoa học và Công nghệ về cơ cấu, tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ;

b) Cân đối và bố trí kinh phí đầy đủ, kịp thời theo dự toán kinh phí đã được phê duyệt;

c) Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ đôn đốc, kiểm tra các ngành, các cấp nhằm bảo đảm sử dụng kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ đúng mục đích và có hiệu quả.

3. Bộ Nội vụ có trách nhiệm sau đây:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng chính sách sử dụng, trọng dụng nhân lực khoa học và công nghệ;

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, cơ quan có liên quan giao biên chế cho tổ chức khoa học và công nghệ công lập.

4. Bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ và chịu trách nhiệm về hoạt động khoa học và công nghệ trong ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách; xác định, tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ và quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn lực khoa học và công nghệ thuộc ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách; có tổ chức chuyên trách quản lý khoa học và công nghệ;

b) Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược, kế hoạch, biện pháp thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ; xây dựng và quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin, thống kê về khoa học và công nghệ;

c) Báo cáo kịp thời, đầy đủ thông tin và số liệu thống kê khoa học và công nghệ về Bộ Khoa học và Công nghệ;

d) Quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư phát triển khoa học và công nghệ, kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ đúng mục đích và có hiệu quả, phù hợp với đặc thù và tiến độ kế hoạch khoa học và công nghệ.

Điều 76. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ trong phạm vi địa phương theo phân cấp của Chính phủ có trách nhiệm sau đây:

1. Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ;

2. Bảo đảm sử dụng ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ và nguồn lực khác của xã hội chủ yếu cho ứng dụng khoa học và công nghệ ở địa phương;

3. Tiếp nhận, tổ chức ứng dụng, đánh giá hiệu quả ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ do mình đề xuất đặt hàng hoặc đặt hàng sau khi được đánh giá, nghiệm thu và định kỳ hằng năm gửi báo cáo kết quả ứng dụng về Bộ Khoa học và Công nghệ;

4. Quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư phát triển khoa học và công nghệ, kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ đúng mục đích và có hiệu quả; bảo đảm cấp kinh phí đầy đủ, kịp thời, phù hợp với đặc thù và tiến độ kế hoạch khoa học và công nghệ để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ của địa phương và của cả nước;

5. Xây dựng và quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin, thống kê về khoa học và công nghệ; báo cáo đầy đủ, trung thực số liệu thống kê khoa học và công nghệ cho cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ có thẩm quyền;

6. Tuyên truyền, phổ biến và tổ chức hướng dẫn thực hiện pháp luật về khoa học và công nghệ;

7. Thanh tra, kiểm tra hoặc phối hợp thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoa học và công nghệ; giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về khoa học và công nghệ theo thẩm quyền.

Chương X

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 77. Danh hiệu vinh dự Nhà nước, khen thưởng và giải thưởng về khoa học và công nghệ

1. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ được phong, tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước, giải thưởng và các hình thức khen thưởng khác của Nhà nước theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.

2. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan nhà nước khác ở trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xét, tặng giải thưởng về khoa học và công nghệ cho tập thể, cá nhân có công trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ xuất sắc trong phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương.

3. Tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài được đặt và tặng giải thưởng khoa học và công nghệ nhằm khuyến khích phát triển khoa học và công nghệ tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.

4. Chính phủ quy định cụ thể Điều này.

Điều 78. Nhận danh hiệu, giải thưởng về khoa học và công nghệ của tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế

Tổ chức khoa học và công nghệ, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ được nhận danh hiệu, giải thưởng về khoa học và công nghệ do tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế phong, tặng phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.

Điều 79. Xử lý vi phạm

1. Cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về khoa học và công nghệ thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức vi phạm pháp luật về khoa học và công nghệ thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương XI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 80. Hiệu lực thi hành

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2014.

Luật khoa học và công nghệ số 21/2000/QH10 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.

Điều 81. Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành

Chính phủ và cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2013.

 

 

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Nguyễn Sinh Hùng

 

353
Tiện ích dành riêng cho tài khoản TVPL Basic và TVPL Pro
Tiện ích dành riêng cho tài khoản TVPL Basic và TVPL Pro
Tiện ích dành riêng cho tài khoản TVPL Basic và TVPL Pro
Tải về Luật khoa học và công nghệ 2013
Tải văn bản gốc Luật khoa học và công nghệ 2013

NATIONAL ASSEMBLY
--------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence – Freedom - Happiness
---------------

Law No. 29/2013/QH13

Hanoi, June 18, 2013

 

LAW

SCIENCE AND TECHNOLOGY

Pursuant to the Constitution of the Socialist Republic of Vietnam in 1992 with a number of articles being amended, supplemented according to Resolution No. 51/2001/QH10;

The National Assembly promulgates the Law on Science and Technology.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Governing scope

This Law regulates organizations, individuals participating in science and technology activities; conduct and implementation of science and technology; measures to ensure scientific and technological development; state administration on science and technology.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

This Law applies to organizations, individuals involved in science and technology activities in Vietnam.

Article 3. Interpretation of terms

In this Law, some terms are construed as follows:

1. Science refers to a system of knowledge about nature, laws on existence and development of things, natural and social phenomena, and thinking.

2. Technology refers to solutions, processes, techniques accompanied or not accompanied by tools, means used to change resources into products.

3. Science and technology activities refer to activities of scientific research, research and experimental development, technological development, technology applications, scientific and technological services, promoting innovation and creativity for scientific and technological development.

4. Scientific research refers to activities of discovering, detecting and understanding nature, laws of things, natural phenomena, societies and thinking, seeking innovative solutions for application in practice.

5. Fundamental research refers to research activities aimed to discover nature and law of things, natural phenomena, societies and thinking;

6. Applied research refers to research activities applying findings from scientific research to create new technology, innovate technology for the benefit of people and societies.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

8. Experimental development refers to the application of findings from scientific research and technological development to create new technological product in the form of samples.

9. Trial production refers to the application of findings from experimental development for trial production in order to complete new technology and product before putting into production and life.

10. Scientific and technological services refer to services and technical supports for scientific research and technological development; activities relating to intellectual property, technology transfers, technical regulations and standards, measurements, product and goods quality, nuclear and radiation safety and atomic energy; services of communications, consultancy, training, dissemination and application of scientific and technological achievements in socio-economic areas.

11. Scientific and technological organizations refer to organizations that mainly function in scientific research, technological development research, scientific and technological service activities, being established and operate according to laws.

12. Individuals involved in science and technology activities refer to persons carrying out science and technology activities.

13. Science and technology tasks refer to scientific and technological issues that need to be resolved to meet practical requirements for socio-economic development, ensuring National defense and security, scientific and technological development.

14. Placement of order for implementation of science and technology tasks means the person who places the order (hereinafter referred to as 'the buyer') shall provide requirements for scientific and technological products, provide expenditures to organizations, individuals involved in science and technology activities to create scientific and technological products through a contract.

15. Infrastructure for scientific and technological development refers to material and technical bases of scientific and technological organizations; standard measurement system, key laboratories; hi-tech zones, hi-tech agricultural zones, technology incubators, science and technology business incubators; infrastructure of science and technology statistical information.

16. Innovation refers to the creation, application of achievements, technical, technological and management solutions to enhance the efficiency of socio-economic development, increase productivity, quality and added value of products and goods.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

1. Construct arguments for socialism and the path toward socialism in Vietnam; construct scientific foundations for setting guidelines, policies and laws on socio-economic development, ensuring National defense and security; contribute toward the construction of advanced education and Vietnamese people; Inherit and promote values of traditional history, national culture, open to the essence of humanity culture and contribute to cultural and scientific treasures of the world;

2. Increase scientific and technological capability to master state-of-the-art technology, high technology, advanced management method; make appropriate use of natural resources, protect the environment and human health; make early forecasts, prevention, control, and remedy for natural disasters;

3. Be open to global scientific and technological achievements to create and apply new technology effectively; create highly competitive products; develop science and technology in Vietnam to reach advanced level in the region, and further to the world, serve as solid foundations for the development of modern industrial branches; strengthen dissemination and application of scientific and technological achievements to production and life;

Article 5. Principles of science and technology activities

1. Originate from practical needs for socio-economic development, national defense and security and scientific and technological development;

2. Construct and promote endogenous capacities of science and technology in combination with selective acquisition of global scientific and technological achievements in accordance with reality in Vietnam;

3. Ensure freedom in creation and promotion of democracy in science and technology activities for the development of the country;

4. Be honest, objective and heighten professional ethics, self-control and self-responsibility;

5. Ensure safety for lives, human health and environmental protection;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

The State shall implement following policies to ensure scientific and technological development is the top national policy:

1. Prioritize and gather all national resources for scientific and technological development; apply preferential treatment and incentives consistently to promote central role and driving force of science and technology for socio-economic development, ensuring National defense and security, environmental protection and improvement of the quality of people's life;

2. Develop areas of social sciences and humanities, natural science, technical and technological science consistently; attach the tasks of scientific and technological development to the tasks of socio-economic development, ensuring National defense and security; pave the way for the formation and development of knowledge economy;

3. Step up research and application of achievements of advanced and modern science and technology, research to master and create new technologies with the aim of innovating and improving technological level and competitiveness of the products;

4. Focus efforts on the investment and construction of material and technical bases with much importance attached to the areas of science and technology of priority and national importance; apply preferential treatment and incentives for development, training, attraction and effective employment of human resources;

5. Create favorable conditions for the development of scientific and technological market;

6. Encourage and create favorable conditions for businesses to make investment in science and technology activities, innovate and improve technological levels;

7. Encourage and create favorable conditions for scientific and technological associations, socio-political organizations, social organizations, socio—occupational organizations to participate in consultancy, social counter-arguments and science and technology activities;

8. Be actively involved in international integration on science and technology; increase national position in terms of science and technology in the region and in the world;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Vietnam Science and Technology Day is May 18.

Article 8. Prohibited acts

1. Take advantage of science and technology activities to invade interests of the State, lawful rights and interests of organizations, individuals; cause damage to natural resources and environment, human health;

2. Invade intellectual property rights; appropriate, assign and transfer scientific and technological results illegally;

3. Disclose documents and scientific and technological results that belong to the list of state secrets; practice deception and falsification in science and technology activities;

4. Hinder lawful science and technology activities by organizations and individuals;

Chapter II

SCIENTIFIC AND TECHNOLOGICAL ORGANIZATIONS

Section 1. ESTABLISHMENT, RIGHTS AND OBLIGATIONS OF SCIENTIFIC AND TECHNOLOGICAL ORGANIZATIONS

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

1. Manners of scientific and technological organizations:

a) Organizations of scientific research and technological development are organized in the form of academies, institutes, centers, laboratories, research stations, monitoring stations, testing stations and other forms as stipulated by the Minister of Science and Technology;

b) Higher education institutions are organized according to the Law on Higher Education;

c) Organizations of scientific and technological services are organized in the form of centers, offices, laboratories and other forms as stipulated by the Minister of Science and Technology;

2. scientific and technological organizations are classified as follows:

a) According to the authority for establishment, scientific and technological organizations comprise types of organizations as prescribed in Clause 1, Article 12 hereof;

b) According to prescribed functions, scientific and technological organizations comprise basic research organizations, applied research organizations, scientific and technological service organizations;

c) According to ownership manner, scientific and technological organizations comprise public scientific and technological organizations, non-public scientific and technological organizations, foreign-invested scientific and technological organizations;

Article 10. Master plan for network of public scientific and technological organizations

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

2. Establishment of the master plan should be in compliance with following principles:

Establishment of the master plan should be consistent and appropriate to requirements for scientific and technological development and socio-economic development, national defense and security;

b) Attach scientific and technological organizations to training institutions and organizations for application of findings from scientific research and technological development;

c) Ensure the objectives for improving national scientific and technological capability are achieved with much importance attached to the areas of science and technology directly serving the tasks of socio-economic development, national defense and security;

d) Ensure effective use of resources of the State, step up private sector involvement in scientific and technological development, especially in the areas of scientific and technological of priority and importance;

Article 11. Requirements for establishment and registration for operation of science and technology activities

1. Requirements for the establishment of scientific and technological organizations are as follows:

Have a charter for organization and operation, objectives and guidelines in accordance with laws;

b) Human resources, material and technical bases meet requirements for implementation of objectives, guidelines and the Charter for organization and operation;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

In case the Ministry of Science and Technology establishes affiliated scientific and technological organizations, the Minister of Science and Technology shall establish the interdisciplinary council for to perform assessment.

3. The establishment of foreign-invested scientific and technological organizations should accord with provisions as prescribed in Clause 1, this Article and meet following requirements:

Purposes, contents and areas of operation should accord with laws, requirements for scientific and technological development and socio-economic development in Vietnam;

b) The establishment should be approved by the Minister of Science and Technology;

c) Be headquartered in localities under permission of People’s Committees of central-affiliated cities and provinces (hereinafter referred to as ‘People’s committees of provinces’);

4. Scientific and technological organizations should register operations with relevant state administration agencies and be granted the operation registration certificate.

5. The Government shall detail conditions for establishment, authority, sequence and procedures on registration of operation with scientific and technological organizations;

Article 12. Authority, sequence, procedures on establishment, merger, division, separation, dissolution of scientific and technological organizations

1. Authority for establishment of scientific and technological organizations is stipulated as follows:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

b) The Government shall establish scientific and technological organizations that belong to the Government.

c) The Supreme People’s Court shall establish scientific and technological organizations that belong to the Supreme People’s Court.

d) The Supreme People’s Procuracy shall establish scientific and technological organizations that belong to the Supreme People’s Procuracy;

dd) The Prime Minister shall establish or empower ministers, heads of ministerial-level agencies, Governmental agencies to establish scientific and technological organizations that belong to ministries, ministerial-level agencies, Governmental agencies;

e) Ministers, heads of ministerial-level agencies, Governmental agencies shall establish scientific and technological organizations that belong to ministries, ministerial-level agencies, Governmental agencies unless otherwise as regulated in Point dd, this Clause;

g) People’s committees of provinces shall establish scientific and technological organizations in localities within competence;

h) Political organizations, socio-political organizations, social organization, socio-occupational organizations shall establish scientific and technological organizations according to laws and the Charter;

Other businesses, organizations and individuals shall establish scientific and technological organizations of their own.

2. Agencies, organizations, and individuals that establish scientific and technological organizations shall be entitled to make decisions on merger, division, separation and dissolution of scientific and technological organizations; stipulate functions, duties of scientific and technological organizations in accordance with laws;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Article 13. Rights of scientific and technological organizations

1. Exercise self-control and self-responsibility for science and technology activities in the licensed areas; Public scientific and technological organizations shall be structured in terms of personnel by the State.

2. Register for participation in recruitment or directly tasked with implementing science and technology tasks; sign science and technology contracts; train human resources, talented persons in science and technology;

3. Establish scientific and technological organizations, businesses or affiliated scientific and technological businesses, representative offices, branches at home and abroad for science and technology activities as prescribed hereof and other relevant law provisions;

4. Form a partnership, joint-venture, receive aids, grants from organizations, individuals; contribute capital in cash, assets, intellectual property rights for science and technology activities , production and business according to laws;

5. Have intellectual property rights protected; transfer results of science and technology activities according to laws on intellectual property and technology transfer;

6. Announce results of science and technology activities according to the Law on Journalism, the Law on Publishing and other law provisions;

7. Provide consultancy, make proposals for the establishment of policies, laws, plans for socio-economic development, plans for scientific and technological development of the State to competent agencies;

8. Participate in activities of international integration on science and technology;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Article 14. Obligations of scientific and technological organizations

1. Register science and technology activities; perform science and technology activities according to the areas as prescribed in the operation registration certificate;

2. Undertake signed science and technology contracts, science and technology tasks assigned by competent organizations;

3. Exercise democracy, equality and public disclosure in the use of budgets and undertake science and technology tasks;

4. Ensure budgets for regular fundamental scientific research activities within functions; use budgets for investment in scientific and technological as prescribed by laws;

5. Register, store and transfer findings from state budget-based scientific research and technological development;

6. Implement statistical reporting on science and technology;

7. Protect interests of the State and societies, lawful rights and interests of individuals involved in science and technology activities in organizations; keep state secrets on science and technology;

Article 15. Foreign scientific and technological organizations’ representative offices, branches in Vietnam

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

2. The establishment of foreign-invested scientific and technological organizations should accord with provisions as prescribed in Clause 1, this Article and meet following requirements:

Be a legal scientific and technological organization of international organizations, country or territory where such organization is established or operates;

b) Meet requirements as prescribed in Clause 3, Article 11 hereof;

c) Operate in the areas of scientific and technological demanded by Vietnam;

d) Be committed to complying strictly with laws of Vietnam and International Agreement to which Vietnam is a signatory;

3. Vietnam representative office establishment certificates should be granted by the Minister of Science and Technology with validity period no more than five years.

4. Representative offices, branches of foreign scientific and technological organizations shall perform science and technology activities stated in establishment licenses and exercise rights and obligations as prescribed hereof and other relevant law provisions;

5. The Government shall detail conditions, sequence and procedures on the establishment of representative offices, branches in Vietnam by foreign scientific and technological organizations;

Section 2. ASSESSING AND RANKING SCIENTIFIC AND TECHNOLOGICAL ORGANIZATIONS

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

1. Assessment of scientific and technological organizations refers to use of professional knowledge and competence to determine capacities and operational efficiency of scientific and technological organizations.

2. Assessment of scientific and technological organizations is aimed at following purposes:

Create foundations for ranking scientific and technological organizations;

b) Support activities of planning policies on scientific and technological development and the master plan for a network of scientific and technological organizations;

c) Serve as foundations for recruitment to organizations that preside over the implementation of science and technology tasks, state budget-based investment preferential policies, provision of loans, sponsorship and loan guarantee…

3. Assessment and ranking of scientific and technological organizations are carried out according to following principles:

Have appropriate assessment methods, criteria;

b) Independence, equality, honesty, objectivity and lawfulness;

c) Results of assessment and ranking should be publicly announced.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

1. Public scientific and technological organizations should be assessed for serving State administration.

2. Assessment of scientific and technological organizations serving State management shall be conducted by State administration agencies or an independent assessing organization.

3. Assessment of scientific and technological organizations is based on criteria and assessment methods stipulated by the Minister of Science and Technology for each type of scientific and technological organizations.

Article 18. Independent assessment organizations

1. Organizations, individuals that have legal capacities are eligible for assessing and ranking scientific and technological organizations according to this Law and other relevant law provisions;

2. Assessment and ranking of scientific and technological organizations should be in compliance with the principles as prescribed in Clause 3, Article 16 hereof.

3. Organizations, individuals performing assessment and ranking shall be responsible for the results of assessment and ranking.

Chapter III

INDIVIDUALS INVOLVED IN SCIENCE AND TECHNOLOGY ACTIVITIES, DEVELOPMENT OF HUMAN RESOURCES IN SCIENCE AND TECHNOLOGY

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

1. Scientific research titles refer to the names that express scientific research levels and capacities of individuals involved in the areas of science including research assistants, researchers, high-ranking researchers.

Individuals who are involved in science and technology activities and participate in teaching and training at higher and postgraduate education shall be considered for appointment as professors or associate professors. Procedures on consideration for appointment are instructed in the Law on Higher Education;

2. Technological titles refer to the names that show scientific research levels and capacities of individuals involved in the areas of science including research assistants, researchers, high-ranking researchers.

The Government shall detail technological titles and procedures on recognition and appointment of scientific research titles and technological titles.

3. Persons who have obtained doctorate degrees or had excellent scientific and technological research works, or won top prize for science and technology shall be recognized and appointed to scientific research titles, technological titles of higher rank regardless of work period.

4. Ministry of Home Affairs shall preside over and cooperate with the Ministry of Science and Technology, relevant ministries, ministerial-level agencies in stipulating the lists, standards and codes of scientific research titles and technological titles.

Article 20. Rights of individuals involved in science and technology activities

1. Have freedom for creation and equality in science and technology activities;

2. Do on one’s own or cooperate with other organizations, individuals in science and technology activities, signing science and technology contracts;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

4. Establish scientific and technological businesses, scientific and technological organizations in a number of fields according to the Government’s regulations;

5. Register for participation in recruitment or directly tasked with implementing science and technology tasks;

6. Have intellectual property rights protected; transfer results of science and technology activities according to laws on intellectual property and technology transfer;

7. Announce results of science and technology activities according to the Law on Journalism, the Law on Publishing and other law provisions;

8. Contribute capital in cash, assets, intellectual property rights for science and technology activities, production and business according to laws; receive sponsorship for science and technology activities according to laws;

9. Provide consultancy, propose suggestions for the establishment of policies, laws, plans for socio-economic development, plans for scientific and technological development of the state to competent agencies; plans for scientific and technological development of the scientific and technological organization of which one is the member;

10. Participate in scientific and technological organizations, scientific and technological associations; participate in activities of training, consulting, scientific and technological conferences, seminars; participate in activities of international cooperation on science and technology;

11. Be recognized, appointed to titles as prescribed in Article 19 hereof;

12. Be entitled to commendation, preferential treatment, supports according to laws;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

1. Contribute intelligence and talents to the cause of scientific and technological development, socio-economic development, national defense and security;

2. Implement signed science and technology contracts;

3. Implement science and technology tasks assigned by competent agencies, organizations;

4. Register, store and transfer findings from state-funded scientific research and technological development;

5. Keep state secrets on science and technology, protect interests of the State and societies;

Article 22. Training for human resources and talents involved in science and technology

1. Based on the master plan for development of national human resources, the Minister of Science and Technology shall grant approval for the master plan for development of scientific and technological human resources at the proposal of ministries, ministerial-level agencies, Governmental agencies, People’s committees of provinces and other regulatory agencies.

2. The Ministry of Education and Training shall preside over and cooperate with the Ministry of Science and Technology, relevant ministries in organizing higher and postgraduate training; Seek talents and train science and technology-related human resources with much importance attached to highly-qualified human resources for the areas of priority and great importance.

3. The Ministry of Science and Technology shall preside over and cooperate with relevant agencies and organizations in organizing training to heighten professional qualifications and competence in science and technology for science and technology teams across the country.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

5. Budgets for organizing training for human resources as prescribed in Clause 2, this Article shall be guaranteed by state budget. Budgets for organizing training in professional qualifications and competence as prescribed in clause 3, this Article shall be derived from non-business expenditures for science and technology activities.

6. The Government shall detail this Article.

Article 23. Preferential treatment for use of human resources and talents in science and technology

1. Persons who are appointed to scientific research titles, technological titles shall be entitled to following preferential treatment:

Be placed in a working position with salary and allowances in line with profession and qualification in the public scientific and technological organization;

b) Be entitled to tax incentives as prescribed in Article 64 hereof;

c) Be entitled to adequate working equipment and working conditions more favorable than cadres and public servants and meeting requirements for implementation of science and technology tasks assigned;

d) Be exempted from civil liability in the event of damage or risk caused to the State during the implementation of science and technology tasks for some objective reason if all procedures and regulations are fulfilled;

2. Leading scientists shall be entitled to following preferential treatment in addition to incentives as prescribed in Clause 1, this Article:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

b) Establish excellent research group in the field of expertise of one’s own and be granted expenditures for operation of such group;

c) Propose, participate in the construction, assessment and criticism for policies of industries, areas and the country on scientific and technological development;

d) Be entitled to preferential allowances according to the Government’s regulations;

e) Receive financial assistance for participation in scientific conferences, workshops at home and abroad on the areas of expertise;

3. Scientists who are tasked with presiding over national science and technology tasks of special importance shall be entitled to following preferential treatment in addition to incentives as prescribed in Clause 1, this Article:

Receive salaries and incentive allowances as agreed with regulatory agencies that assign the duties; Be granted official residences, travel vehicles for public services during the performance of the assignments;

b) Make proposals for mobilization of science and technology human resources, budgets for implementation of the tasks and material and financial resources to ensure the implementation;

c) Employ experts at home and abroad; negotiate costs for the employment of experts; make decisions on acquisition of patents, designs, technical documents and technological know-how serving the tasks within allocated budget estimates;

d) Receive financial assistance for participation in scientific conferences, workshops at home and abroad on the areas of expertise;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

4. Talented young scientists shall be entitled to following preferential treatment in addition to incentives as prescribed in Clause 1, this Article:

Have priority in domestic and overseas scholarship considerations;

b) Establish excellent research group in one’s field of expertise and be granted expenditures for operation of this group;

c) Have priority in presiding over and participating in the implementation of other science and technology tasks;

d) Receive financial assistance for participation in scientific conferences, workshops at home and abroad on the areas of expertise;

5. The Government shall detail this Article.

Article 24. Attraction of overseas Vietnamese and foreign experts working in the areas of science and technology

1. Overseas Vietnamese and foreign experts working in the areas of science and technology are encouraged to participate in science and technology activities in Vietnam.

2. During the time of working in Vietnam, overseas Vietnamese who work in the areas of science and technology shall have the rights and obligations as prescribed in Articles 20 and 21 hereof and be entitled to following preferential treatment:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

b) Be entitled to expert salaries according to the Government’s regulations;

c) Be entitled to preferential treatment for entry and exit, residence, housing and other incentives as prescribed;

3. Foreign experts shall be encouraged to participate in science and technology activities in Vietnam and entitled to following preferential treatment:

Employed as leader of a scientific and technological organization; tasked with presiding over the implementation of science and technology tasks;

b) Be entitled to preferential treatment for entry and exit, residence, housing and other incentives as prescribed;

c) Be entitled to expert salaries according to the Government’s regulations and other incentives according to the contract;

4. Overseas Vietnamese and foreign experts who have made significant contributions toward the cause of scientific and technological development in Vietnam shall be honored by the State, commended and awarded prizes for science and technology in Vietnam.

5. The Government shall detail this Article.

Chapter IV

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Section 1. DETERMINATION OF SCIENCE AND TECHNOLOGY TASKS

Article 25. Science and technology tasks

1. Science and technology tasks are organized in the form of programs, topics, projects and research tasks according to functions of scientific and technological organizations and other forms.

2. Science and technology tasks using the State budget are composed of science and technology tasks at national, ministerial, provincial and grassroots levels as prescribed in Article 27 hereof.

 Science and technology tasks at national, ministerial and provincial levels must be implemented in the form of order placement.

3. The State shall encourage and create favorable conditions for organizations, individuals to propose scientific ideas and science and technology tasks.

The Government shall define criteria for determination of science and technology tasks at all levels in accordance with each development period and the areas of science and technology; measures to encourage proposals for scientific ideas, science and technology tasks;

Article 26. Proposals for science and technology tasks

1. Making proposals for science and technology tasks using state budget are prescribed as follows:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Ministries, ministerial-level agencies, Governmental agencies, People’s committees of provinces and central agencies shall organize collection of suggestions on determination of science and technology tasks and make public announcement of order placement corresponding to their own levels and send proposals for order placement for science and technology tasks at national level to the Ministry of Science and Technology;

b) The Ministry of Science and Technology shall be responsible for compiling proposals for order placement, organizing collection of suggestions on science and technology tasks at national level and making public announcement;

c) The Minister of Science and Technology, on its own or at the request of the Government, the Prime Minister, shall propose order placement for urgent science and technology tasks at national level that have significant impacts on socio-economic development of the country, national defense and security; organize collection of suggestions on these tasks;

d) Collection of suggestions on determination of science and technology tasks shall be carried out through the Consulting Council.

The Consulting Council and its powers are established and defined respectively by heads of competent agencies, organizations Components of the Consulting Council comprise reputable scientists, managers and entrepreneurs. In case of need, heads of competent agencies, organizations are entitled to collect suggestions from independent consultants before or after the Council meeting. Members of the Council and independent consultants shall be responsible for their consultancy.

2. Making proposals for science and technology tasks without the use of state budget may refer to Clause 1, this Article.

3. The Minister of Science and Technology shall detail this Article.

Article 27. Authority for approval and execution of contract for implementation of science and technology tasks

1. Authority for approval of science and technology tasks is prescribed as follows:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

b) Ministries, ministerial-level agencies, Governmental agencies, central agencies and People’s committees of provinces shall be responsible for granting approval science and technology tasks at ministerial and provincial levels;

c) Organizations, individuals not prescribed in Points a and b, this Clause shall grant approval of science and technology tasks at grassroots level by themselves or make submission to competent agencies for approval as prescribed.

2. Authority for execution of a contract for implementation of science and technology tasks with organizations, individuals is prescribed as follows:

The Ministry of Science and Technology shall sign contracts for implementation of science and technology tasks at national level;

b) Ministries, ministerial-level agencies, Governmental agencies, central agencies and People’s committees of provinces shall sign contracts for implementation of science and technology tasks at ministerial and provincial levels;

c) Organizations, individuals as prescribed in Point c, Clause 1, this Article shall sign contracts for implementation of science and technology tasks at grassroots level.

3. Ministries, ministerial-level agencies, Governmental agencies, central agencies and People’s committees of provinces shall be responsible for making reports on approval and execution of contracts to the Ministry of Science and Technology for compilation and putting in national science and technology database.

Section 2. MANNERS OF IMPLEMENTATION OF SCIENCE AND TECHNOLOGY TASKS

Article 28. Manners of implementation of science and technology tasks

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

2. Science and technology tasks without the use of state budget may be implemented according to the manner as prescribed in Clause 1, this Article or other methods selected by organizations, individuals.

Article 29. Selection of organizations, individuals for implementation of state-funded science and technology tasks

1. Selection for implementation of science and technology tasks using state budget is to determine organizations, individuals implementing science and technology tasks and to ensure competitiveness, fairness and efficiency.

2. Science and technology tasks involving multiple organizations, individuals should be assigned in the manner of selection in order to achieve maximum efficiency.

3. State administration agencies for science and technology at all levels should make public announcement of the list of science and technology tasks, requirements and procedures on participation for selection on their websites or other means of mass media;

4. Selection of organizations, individuals for the implementation of science and technology tasks should ensure public disclosure, fairness, democracy and objectivity; results of selection shall be made public on the websites or other means of mass media.

5. Heads of state administration agencies for science and technology at all levels shall establish the council for the selection of organizations, individuals for the implementation of science and technology tasks and define duties and authority of this Council.

The Council and its authority shall be established and defined respectively by heads of state administration agencies for science and technology at all levels. The Council shall provide consultancy and be responsible for its consultancy. Components of the Council comprise reputable and qualified scientists, managers and entrepreneurs. Members of the Council should have capacity, personal morality and professional competence in accordance with science and technology tasks and be responsible for their own consultancy.

6. Heads of state administration agencies for science and technology at all levels shall be responsible to the law for selecting organizations, individuals for the implementation of science and technology tasks after receiving consultancy from the Council. In case of need, heads of State administration agencies for science and technology at all levels may collect more suggestions from independent consultants before making decisions.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Article 30. State-funded science and technology tasks directly assigned

1. The State shall directly assign organizations, individuals to implement science and technology tasks for one of following cases:

Science and technology tasks of national secrets, having special characteristics for serving National defense and security;

b) Irregular science and technology tasks;

c) Science and technology tasks which only one scientific and technological organization is suitably qualified to perform.

2. Heads of state administration agencies have the authority to make decisions on the assignment of science and technology tasks as prescribed in this Article after collecting suggestions from the Consulting Council and shall be responsible for such assignment. Organizations, individuals tasked with presiding over the tasks should have adequate appropriate capacity, conditions and professional competence.

In case of need, heads of state administration agencies may collect more suggestions from independent consultants before making decisions.

3. The Government shall detail this Article.

Article 31. Science and technology tasks sponsored, loaned or guaranteed by science and technology funds

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Article 32. Forming associations for determination and implementation of science and technology tasks

1. The state shall encourage and create favorable conditions for scientific and technological organizations, scientists to associate with other enterprises and organizations for determination and implementation of science and technology tasks serving requirements for innovation and enhancement of technological levels, productivity, quality and competitiveness of products, goods.

2. Financial assistance from the State for the implementation of science and technology tasks as prescribed in Clause 1, this Article is prescribed as follows:

30% of the capital investment for projects owned by businesses that apply findings from science and technology tasks for creation of new products or enhancement of productivity, quality and competitiveness of products from the findings from science and technology tasks; 50% of the capital investment for projects carried out in difficult or extremely difficult socio-economic areas;

b) 50% of the capital investment for projects on implementation of national-level science and technology tasks of priority and national importance;

3. The Government shall detail conditions, manners, sequence, procedures and state subsidy level for science and technology tasks as prescribed in this Article;

Section 3. SCIENCE AND TECHNOLOGY CONTRACT

Article 33. Classification of science and technology contracts

1. Science and technology tasks, scientific and technological service activities shall be carried out through a science and technology contract.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Contract for scientific research and technological development;

b) Contract for technology transfers;

c) Contract for scientific and technological services;

3. The Minister of Science and Technology shall prescribe forms of the contracts as prescribed in Point a, Clause 2, this Article.

Article 34. Rights and obligations of buyer under contract for scientific research and technological development

1. The buyer under the contract for scientific research and technological development shall have following rights:

Be the owner of findings from scientific research and technological development unless otherwise as regulated in the contract;

b) Organize transfer of ownership or right of use of findings from scientific research and technological development;

2. The buyer under the contract for scientific research and technological development shall have following obligations:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

b) Organize acceptance testing for performance of order placement duties;

c) Receive and develop application or transfer of research findings after acceptance;

d) Make payments to the buyer according to the contract.

Article 35. Rights and obligations of seller (party that receives order placement) under contract for scientific research and technological development

1. The seller under the contract for scientific research and technological development shall have following rights:

Be entitled to the copyright on the findings from scientific research and technological development;

b) Request the buyer to provide information and other necessary conditions as agreed in the contract for the implementation of the contract;

c) Receive payment from the buyer for the implementation of the contract;

2. The seller under the contract for scientific research and technological development shall have following obligations:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

b) Keep confidential for findings from scientific research and technological development as agreed;

c) Do not transfer findings from scientific research and technological development to others without consent of the buyer;

Article 36. Settlement of disputes in science and technology contracts

1. The breaching party shall make compensations for damage caused and be subject to handling according to laws;

2. Disputes under science and technology contracts shall be settled first on the principle of reconciliation, direct negotiation between the parties. If the disputes cannot be settled by the two parties, such disputes shall be brought to court the arbitrator or court for final settlement.

Section 4. ASSESSMENT, ACCEPTANCE, REGISTRATION AND STORAGE OF FINDINGS FROM SCIENCE AND TECHNOLOGY TASKS

Section 37. Assessment and acceptance of findings from science and technology tasks

1. State-funded science and technology tasks, upon completion, should be assessed and test for acceptance by relevant science and technology council in an objective and accurate way. Persons who assign science and technology tasks within competence (the assignor) shall make decisions on acceptance of the findings from science and technology tasks. In case of need, the assignor may collect more suggestions from independent consultants before making decisions on acceptance.

2. Science and technology tasks not using the State budget shall be assessed and tested for acceptance by organizations, individuals themselves. Organizations, individuals may request state administration agencies in localities to carry out assessment and acceptance if they cannot do it themselves.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

4. Annually, the Ministry of Science and Technology shall make public announcement of the lists of state-funded science and technology tasks being accepted.

5. The Minister of Science and Technology shall define criteria, procedures on assessment and acceptance of findings from science and technology tasks.

Article 38. Special-Purpose Science and Technology Council, independent consultants carrying out assessment and acceptance of findings from science and technology tasks

1. The assignor shall be responsible for establishing Special-Purpose Science and Technology Council or hiring independent consultants to carry out assessment and acceptance of findings from science and technology tasks.

2. Components of Special-Purposed Science and Technology Council comprise scientists, representatives of agencies, organizations making proposals for order placement, agencies, organizations placing orders, suitably qualified managers, and entrepreneurs.

3. Independent consultants should have suitable qualifications and professional competence.

4. The Special-Purpose Science and Technology Council and independent consultants shall carry out assessment and acceptance of findings from science and technology tasks according to purposes, requirements, contents, results and progress stated in the signed contract and bear responsibility to the assignor.

5. Relevant Science and Technology Council and independent consultants shall be responsible for their own assessment.

Article 39. Registration and storage of findings from science and technology tasks

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Findings from science and technology tasks that belong to the lists of national secrets shall be registered and stored in secrecy.

2. Findings from science and technology tasks not using state budget are encouraged to be registered and stored at national agency for science and technology information and competent agencies affiliated to governing ministries, departments and localities.

Article 40. Responsibility for reception and application of findings from science and technology tasks

1. For state-funded science and technology tasks, the ministers, heads of ministerial-level agencies, Governmental agencies, other central state agencies, presidents of People’s committees of provinces, heads of political organizations, socio-political organizations shall be responsible for receiving and organizing application, allocation of budgets and assessment of the application of research findings that they propose order placement or place orders after assessment and acceptance, and make annual reports on results of application to the Ministry of Science and Technology.

2. For science and technology tasks not using state budget, organizations, individuals may request relevant state administration agencies in localities to create favorable conditions for carrying out the application of research findings if they cannot do it by themselves.

3. Competent state agencies shall be responsible for receiving, storing and considering application of the findings from science and technology tasks donated to the State by organizations, individuals.

Section 5. Ownership or copyright on findings from scientific research and technological development

Article 41. Ownership or copyright on findings from scientific research and technological development;

1. Organizations, individuals that provide finance and material and technical bases for the implementation of science and technology tasks shall be owner of findings from scientific research and technological development unless otherwise as regulated in the contract for scientific research and technological development.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

The Minister of Science and Technology shall be owner’s representative for findings from science and technology tasks at national level;

b) Ministries, ministerial-level agencies, Governmental agencies, other central state agencies and presidents of People’s committees of provinces shall be owner’s representative for findings from ministerial, provincial or grassroots science and technology tasks they approve;

c) Heads of agencies, organizations not prescribed in Points a and b, this Clause shall be owner’s representative for findings from science and technology tasks they approve.

3. State owner’s representatives as prescribed in Clause 2, this Article are entitled to assign part or whole of the ownership or right of use of findings from state-funded scientific research and technological development according to the Government’s regulations to the organizations that preside over the implementation of science and technology tasks.

4. Exercising rights of ownership, rights of use of findings from state-funded scientific research and technological development as prescribed in Clause 3, this Article shall be prescribed as follows:

a) If being transferred whole or part of the ownership, the organization that presides over the implementation of science and technology tasks shall exercise this right according to laws on intellectual property and laws on technology transfers;

b) If being transferred the right of use, the organization that presides over the implementation of science and technology tasks shall exercise this right according to laws;

5. If the organization that presides over the implementation of science and technology tasks cannot use findings from scientific research and technological development as prescribed in Point b, Clause 4, this Article, the state owner’s representative as prescribed in Clause 2, this Article shall transfer such right to other organizations that are able to use the findings.

6. The Government shall detail sequence, procedures on transferring whole or part of the ownership or right of use of findings from scientific research and technological development as prescribed in this Article.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Persons who directly implement science and technology tasks shall be author of the findings thereto. The author shall be entitled to the copyright according to this Law and other relevant law provisions;

Article 43. Distribution of profits from use, transfer of right of use, transfer of capital, distribution of capital in the form of research findings

At least 30% of the profits earned from the use, transfer of the right of use, transfer of capital, contribution of capital in the form of findings from state-funded scientific research and technological development shall be dispensed to the author; the remainder shall be dispensed amongst owners, presiding agencies, brokers according to the Government’s regulations.

Chapter V

APPLICATION OF FINDINGS FROM SCIENTIFIC RESEARCH AND TECHNOLOGICAL DEVELOPMENT, AND DISSEMINATION OF KNOWLEDGE OF SCIENCE AND TECHNOLOGY

Article 44. Responsibility for application of findings from scientific research and technological development

1. Responsibility of the buyer for application of findings from state-funded scientific research and technological development is prescribed in Article 40 hereof.

The buyer who fails to fulfill responsibilities as prescribed in this Clause shall be handled by laws.

2. Organizations, individuals that preside over the implementation of state-funded science and technology tasks shall be responsible for participating in the application of research findings to production and life according to the science and technology contract, requirements and instructions of the buyer unless otherwise force majeure events arise.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Article 45. Encouraging application of findings from scientific research and technological development

1. Organizations, individuals that apply findings from scientific research and technological development, especially high technology, exploit and use invention to innovate socio-economic management, technology and enhance competitiveness of products shall be entitled to tax, credit and other incentives as prescribed hereof and in other relevant law provisions.

2. Owners, author and person who have successfully applied findings from scientific research and technological development shall enjoy benefits from application of such findings to production and life according to science and technology contract and this Law.

3. Successful application of scientific and technological achievements to production and life shall be one of main criteria for evaluation of capacity of authors, heads of scientific and technological organizations, enterprises; serve as foundations for the State to assign state-funded science and technology tasks; receive financial assistance from state funds for science and technology activities.

4. Organization of agricultural, forestry, fishery, industrial extension, scientific and technological services shall receive tax and other incentives according to laws to quicken application of findings from scientific research and technological development to production and life.

5. Political organizations, socio-political organizations, social organizations, socio-occupational organizations within functions and duties shall be responsible for creating favorable conditions for their members to apply the findings.

Article 46. Application of science and technology to investment projects, socio-economic development programs

1. State-funded investment projects, socio-economic development programs should involve the establishment of the lists of expenses for application, research and development of scientific foundations during investment preparation and implementation stages, and settlement of scientific and technological issues arising during the implementation.

2. Investment projects, socio-economic development programs should be assessed in terms of scientific foundations and technological levels as prescribed before approval.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Article 47. Encouraging initiatives, technical improvements, rationalization of production and intensification of innovation

1. State administration agencies for science and technology at all levels should put forth measures to step up initiatives, technical improvements, rationalization of production and intensification of innovation.

2. Annually, the Ministry of Science and Technology shall cooperate with political organizations, socio-political organizations, social organizations, socio-occupational organizations and enterprises in organizing festival of competition on initiatives, technical improvements, rationalization of production, intensification of innovation; reserve science and technology budgets for supporting these activities.

3. The budgets reserved by an enterprise for organizing festival of competition on initiatives, technical improvements, rationalization of production and intensification of innovation shall be considered as investment costs for science and technology activities of the enterprise.

4. The State shall sponsor and encourage sponsorship from organizations, individuals for initiatives, technical improvements, rationalization of production and intensification of innovation; organize festival of competition on initiatives, technical improvements, rationalization of production and intensification of innovation.

Article 48. Communications and dissemination of knowledge of science and technology

1. The State shall make investment and encourage investment and development of communication and dissemination of knowledge of science and technology by organizations, individuals.

2. The Ministry of Science and Technology shall preside over and cooperate with Vietnamese Union of scientific and technological associations, relevant agencies and organizations in establishing and implementing one-year, five-year plans for communication and dissemination of knowledge of science and technology.

3. The budgets reserved by organizations, enterprises and individuals for investing in and sponsoring activities of communication and dissemination of knowledge of science and technology shall be recorded as allowable expenses.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

INVESTMENT IN SCIENTIFIC AND TECHNOLOGICAL DEVELOPMENT

Section 1. INVESTMENT FROM STATE

Article 49. State budget for science and technology

1. The State shall ensure at least 2% of total state budget spending annually for the cause of science and technology and gradually increase at the request of scientific and technological development.

2. Budgets for scientific and technological development should be recorded in a separate entry in the table of contents for annual state budgets of ministries, departments and localities.

3. Allocation of state budget for scientific and technological development in the following year shall be based on actual demands and the use of allocated budgets.

Article 50. Purposes of state budget spending for science and technology

1. Implement science and technology tasks of priority and importance, science and technology tasks at all levels to serve common interests of the public with much importance attached to fundamental research in the areas of science and technology;

2. Maintain and develop national scientific and technological capability, invest in and support construction of material and technical bases for scientific and technological organizations; ensure regular activity of fundamental research conducted by public scientific and technological organizations.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

4. Finance state funds for science and technology as prescribed in Article 59 hereof;

5. Support implementation of applied research and technological innovation in the areas of priority and great importance;

6. Strengthen application of scientific and technological development in localities;

7. Purchase findings from scientific research and technological development, support importation of source technology, high technology, designs, employment of domestic and foreign experts for the areas of priority.

8. Disseminate and communicate knowledge and information in relation to science and technology; support registration for protection of intellectual property rights; announce findings from scientific research and technological development, prizes in science and technology;

9. Support other science and technology activities;

Article 51. Construction of cost estimates and management of state budget for science and technology

1. The Ministry of Science and Technology shall preside over and cooperate with ministries, ministerial-level agencies, Governmental agencies, other central state agencies and People’s committees of provinces shall establish and propose annual state budget spending estimates for scientific and technological development as prescribed;

2. The Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Finance shall establish investment cost estimates, non-business expenditure estimates for scientific and technological development at the request of the Ministry of Science and Technology.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Article 52. Application of allocated expenditures for state-funded science and technology tasks; purchasing findings from scientific research and technological development

1. Application of allocated expenditures for state-funded science and technology tasks are prescribed as follows:

a) Allocated expenditures for state-funded science and technology tasks in the areas of natural science, humanities and social science, technical and technological science shall be approved by competent agencies in terms of targets, contents, requirements for research products and budget estimates;

b) For science and technology tasks with criteria for end-product being clearly defined on the basis of assessment of explanation and budget estimates, allocated expenditures shall be applied until end-product.

c) For science and technology tasks that allocated expenditures cannot be applied until end product and science and technology tasks at high risks, allocated expenditures shall be applied on the basis of individual parts of work with criteria clearly defined.

2. In case of need, the State shall purchase findings from scientific research and technological development in an agreement with organizations, individuals.

3. The Government shall detail criteria and procedures on application of allocated expenditures for state-funded science and technology tasks and the purchase of findings from scientific research and technological development.

Article 53. Allocation, use and management of expenditures for state-funded science and technology tasks

1. Allocation of expenditures for state-funded science and technology tasks should be timely and appropriate to the progress of order placement and approval of science and technology tasks.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

3. Use of expenditures for science and technology tasks shall be based on order for payment issued by agencies that preside over the implementation of science and technology tasks and shall be finalized upon completion of the contract without depending fiscal year.

4. The Government shall detail this Article.

Article 54. Special investment mechanism for special science and technology tasks

1. Science and technology tasks of large scale serving national defense and security, having strong impact on productivity, quality and strength of national product shall be eligible for special investment mechanism.

2. Make submission to the National Assembly for consideration and decision on science and technology tasks of projects, works of national importance advocated by the National Assembly.

3. The Prime Minister shall decide implementation of special science and technology tasks unless otherwise regulated in Clause 2, this Article.

4. The Government shall define criteria for determination of tasks, special investment mechanism and implementation measures for science and technology tasks eligible for special investment mechanism as prescribed in this Article.

Section 2. INVESTMENT OF ENTERPRISES, ORGANIZATIONS AND INDIVIDUALS

Article 55. Mobilization of investment capital outside state budget for science and technology

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

2. Organizations, individuals may establish funds for scientific and technological development prescribed in Articles 62 and 63 hereof;

3. Organizations and individuals that invest in and sponsor scientific and technological development shall enjoy following preferential treatment:

a) Tax incentives according to laws;

b) Be honored, commended according to laws;

Article 56. Investment of enterprises for scientific and technological development

1. Enterprises should reserve budgets for investment to innovate and improve technological levels, productivity, quality and competitiveness of products, goods.

2. Investment made in scientific and technological development by enterprises shall be considered as actual expenses arising in relation to activities of production and business of enterprises.

3. Enterprises that make investment in or form associations for investment in scientific and technological research in the areas of national priority and importance, innovate and enhance technology, improve productivity, quality and competitiveness of products, goods shall be considered for financial assistance, loans and other incentives by state funds for scientific and technological development as prescribed hereof.

Article 57. Encouraging application of findings from scientific research and technological development by enterprises

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

2. Enterprises that apply high technology shall be entitled to maximum incentives according to laws on high technology. Enterprises that apply findings from science and technology tasks in the country shall be eligible for loan interest subsidy.

Article 58. Development of scientific and technological enterprises

1. Scientific and technological enterprises are the enterprises that implement production, business and services in relation to science and technology to create products, goods from findings from scientific research and technological development.

2. Development of scientific and technological enterprises should meet following requirements:

a) An enterprise that is established and registered for operation according to the Law on Enterprise;

b) Have capacity for implementation of science and technology tasks;

c) Turnover from production and trading of products, goods from findings from scientific research and technological development achieves a proportion as prescribed.

3. Apart from incentives as prescribed in Article 57 hereof, scientific and technological organizations shall enjoy following preferential treatment:

a) Be eligible for consideration and assignment of ownership or right of use of state-owned findings from scientific research and technological development;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

c) Be given priority in leasing lands, infrastructure in industrial zones, processing and exporting zones, economic zones and hi-tech zones;

d) Enjoy investment credit incentives from the Vietnam Development Bank, National Fund for technological innovation and other funds for the implementation of investment projects on production and business;

dd) Be given priority in using facilities serving activities of scientific research and technological development in laboratories of national importance, technology incubators, science and technology business incubators; state-owned scientific and technological research facilities;

4. The Government shall detail this Article.

Section 3. INVESTMENT SUPPORT FUND FOR SCIENCE AND TECHNOLOGY ACTIVITIES

Article 59. Investment support funds for science and technology activities

1. The State shall establish, encourage organizations, individuals to establish the funds to mobilize social resources for providing investment support to science and technology activities .

2. The funds for scientific and technological development are established according to this Law;

Funds for technological innovation, funds for venture hi-tech investment are established according to the Law on Technology transfers and the Law on high technology.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Article 60. National fund for science and technology development

1. The Government shall establish national funds for scientific and technological development to provide budgets for activities of fundamental research and applied research, unexpected science and technology tasks of great scientific and practical importance, potential science and technology tasks, to grant loans with low or no interest rates for application of findings from scientific research and technological development to production and life, guarantee loans for special science and technology tasks, support young scientists in participating in international conferences and seminars; support activities of enhancing capability of science and technology at national level.

2. National funds for scientific and technological development are formed from initial capitals, annual additional capitals from state budget for scientific and technological development, funds' business results; voluntary contributions, donations, grants from organizations, individuals and other legal sources.

3. The Government shall prescribe Charter of the National fund for science and technology development.

Article 61. Funds for scientific and technological development of ministries, ministerial-level agencies, Governmental agencies, central-affiliated cities and provinces

1. Ministries, ministerial-level agencies, Governmental agencies, People’s Committees of provinces shall establish funds for scientific and technological development to meet their own demands for scientific and technological development .

2. Funds shall be used for purposes prescribed in Clause 1, Article 60 hereof;

3. Funds are formed from initial capitals from state budgets for scientific and technological development of ministries, ministerial-level agencies, Governmental agencies, central-affiliated cities and provinces; annual additional capitals from state budgets for science and technology tasks of ministries, provinces and funds’ business results; contributions of enterprises according to laws; voluntary contributions, donations, grants from organizations, individuals and other legal sources.

4. The Minister of Science and Technology shall prescribe charter of funds for scientific and technological development of ministries, ministerial-level agencies, Governmental agencies, central-affiliated cities and provinces.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

1. The State encourages establishment of the fund for scientific and technological development by organizations, individuals according to laws;

The fund for scientific and technological development of organizations, individuals is a not-for-profit organization that provides non-refundable sponsorship, loans with low or no interests, loan guarantees for scientific and technological development of organizations, individuals.

2. The fund for scientific and technological development of organizations, individuals is formed from contributions of founding organizations, individuals outside state budget; voluntary contributions, donations, grants from organizations, individuals and other legal sources.

3. Charter of the fund shall be written by founding organizations, individuals and registered with competent finance authorities.

Article 63. Fund for scientific and technological development of enterprises

1. Non-state owned enterprises are encouraged to form funds for scientific and technological development of their own or contribute to the funds for scientific and technological development of sectors and localities and enjoy benefits according to the fund’s regulations.

2. The state-owned enterprise should put aside a minimum amount of taxable income to establish its fund for scientific and technological development.

The Government shall prescribe amount of taxable income to be put aside for the establishment of the fund and mechanism of managing and using the enterprise's fund for scientific and technological development.

3. Enterprises may exercise autonomy and take responsibility for managing and using the fund purposefully and reporting the establishment of the fund to state administration agencies on science and technology in localities where the enterprise is headquartered.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Article 64. Tax policies on science and technology activities

Followings cases are eligible for tax incentives as prescribed in the law on taxation:

1. Earnings come from the implementation of the contract for scientific research and technological development;

2. Earnings from products made from technologies applied for the first time in Vietnam; products in the process of trial production;

3. Hi-tech enterprises, agricultural enterprises applying high technology and a number of activities in the areas of high technology;

4. Scientific and technological services;

5. Machinery and equipment, accessories, materials imported for activities of scientific research and technological development;

6. Grants from organizations, individuals for scientific research; grants received for scientific research;

7. Transfer of technology of priority areas to organizations, individuals in socio-economically disadvantaged administration divisions;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Article 65. Credit policies on science and technology activities

1. Organizations, individuals that apply for middle-term or long-term loans for science and technology activities shall receive preferential interests from the national fund for scientific and technological development and other state funds.

2. Organizations, individuals that apply for loans for science and technology activities shall receive credit incentives according to charter of the fund where loans are granted.

3. Organizations, individuals that apply for loans at commercial banks to make investment in science and technology activities, especially activities of conducting experimentation and trial production shall be considered by the Vietnam Development Bank for interest subsidy or investment credit guarantees, putting aside a certain proportion of outstanding credit balance for science and technology activities.

4. Programs, topics and projects on science and technology that directly serve key socio-economic programs of the State and develop national scientific and technological potential, especially projects on conducting experimentation and trial production requiring use of large capital shall be favored with access to official development assistance (ODA) as follows:

a) Non-refundable sponsorship or concessional loans for activities of scientific research and technological development;

b) Grant loans for projects on investment and construction of scientific and technological potential or refundable loans for projects applying findings from scientific research and technological development;

Chapter VII

CONSTRUCTION OF INFRASTRUCTURE AND DEVELOPMENT OF SCIENCE AND TECHNOLOGY MARKET

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

1. The State shall promulgate policies on consistent investment and effective use of material and technical bases of national scientific and technological research facilities; encourage and support the construction of applied research centers for scientific and technological advances, hi-tech zones, technological parks; upgrade and construct research centers in higher education institutions to attach training to scientific research, application, development and commercialization of new technologies.

2. Based on targets of socio-economic development, national strategy for national scientific and technological development, the Ministry of Science and Technology shall preside over and cooperate with ministries, relevant agencies in establishing and submitting plans for construction of material and technical bases of scientific and technological organizations to the Prime Minister for approval.

3. Ministries, ministerial-level agencies, Governmental agencies, other central state agencies shall mobilize capital sources for construction of material and technical bases of affiliated scientific and technological organizations.

4. People’s committees of provinces shall make decisions on plans for construction of material and technical bases of scientific and technological organizations in localities.

5. The Ministry of Science and Technology shall preside over and cooperate with relevant agencies in inspecting and monitoring the use of state budget for scientific and technological development at ministries, departments, localities and make regular reports to the Prime Minister.

Article 67. Construction of infrastructure for development of high technology

1. The State shall invest and mobilize social resources for the construction of infrastructure for development of high technology.

2. The Ministry of Science and Technology shall preside over and cooperate with relevant agencies in making submissions of the master plan for development of hi-tech zones, technological incubators, hi-tech business incubators to the Prime Minister for approval.

3. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall preside over and cooperate with the Ministry of Science and Technology and relevant agencies in making submission of the master plan for development of hi-tech agricultural zones to the Prime Minister for approval.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

The state shall invest in and encourage organizations, individuals to sponsor the construction of communications infrastructure, national databases and statistical work on modern science and technology to ensure information about science and technology activities in the country and in the world is provided in an adequate, accurate and timely manner.

The Government shall detail this Article.

Article 69. Construction and development of science and technology

The state shall promulgate following policies and measures to construct and develop science and technology markets:

1. Encourage activities of assignment and transfer of technology based on voluntariness, equality and mutual interests;

2. Complete policies and laws on intellectual property and technology transfers;

3. Enforce incentive policies for products in the process of trial production with new technology; products are made from new technology applied for the first time in Vietnam; scientific and technological consulting activities; imported, exported hi-tech equipment;

4. Enforce commendation to the collective of employees, individuals that are involved in the creation, invention, initiatives, technical improvements, and rationalization of production and application of transferred new technology;

5. The State shall establish, encourage organizations, individuals to establish scientific and technological service organizations, promotion and support centers for technology transfer activities; technological centers, trading floors; technology – equipment markets.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

INTERNATIONAL INTEGRATION ON SCIENCE AND TECHNOLOGY

Article 70. Principles of international integration on science and technology

1. Ensure independence, sovereignty, national security, equality and mutual interests;

2. Diversify, multilateralization of cooperation and investment with foreign partners in the areas of science and technology;

3. Develop science and technology in accordance with international standards and in association with demands for socio-economic development, national defense and security;

4. Be selectively open to experiences of developed countries, take advantage of opportunities to enhance capability of scientific research and technological development, especially high technology;

Article 71. Activities of international integration on science and technology

1. Join and participate in science and technology activities with foreign partners; participate in activities of international integration on science and technology, including:

a) Join foreign scientific and technological organizations, associations;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

c) Establish foreign-invested scientific and technological organizations in Vietnam and establish representative offices, branches of Vietnam scientific and technological organizations abroad;

2. Construct and implement programs and projects on scientific research and technological development within bilateral, multilateral, regional, inter-regional and international negotiations;

3. Attract Vietnamese experts, scientists living abroad, foreign experts, scientists to join programs and projects on scientific research and technological development, training for human resources in science and technology, other science and technology activities in Vietnam;

4. Organize scientific and technological exhibitions, forums, technology markets, technological centers, trading floors; introduce and transfer findings from scientific research and technological development, especially advanced and high technologies at home and abroad;

5. Seek and transfer foreign advanced technologies into Vietnam;

6. Develop a network of Vietnam’ scientific and technological representative offices abroad;

Article 72. Measures of promotion of international integration on science and technology

1. Complete legal foundations for activities of international integration on science and technology;

2. Step up participation, signing and implementation of International Agreement on scientific and technological cooperation;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

4. Construct a number of organizations and groups for scientific research and technological development at regional and international standards;

5. Strengthen infrastructure for scientific and technological development, especially national database system on science and technology, key laboratory system at regional and international standards; Connect to regional and international state-of-the-art communications networks on research and training;

6. Complete incentive and subsidy mechanism, policies in order for Vietnamese organizations, individuals to participate in activities of international integration on science and technology;

7. Construct mechanism and policies to attract overseas Vietnamese and foreign experts to scientific and technological development in Vietnam;

8. Make effective use of loans and foreign grants for scientific and technological development;

Chapter IX

STATE ADMINISTRATION ON SCIENCE AND TECHNOLOGY

Article 73. Responsibility of the Government

1. Unify state administration on scientific and technological development across the country and promulgate legislative documents, specific mechanism, policies to ensure scientific and technological development is the national policy;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

3. Assign, decentralize the implementation of state management on science and technology;

4. Direct activities of international integration on science and technology; develop human resources on science and technology;

5. Direct propagation, dissemination and education about laws on science and technology; inspect the implementation of laws on science and technology;

6. Direct inspection, investigation, handling of complaints, denunciations and violations of the law on science and technology;

Annually, the Government make reports to the National Assembly on the implementation of policies and measures for scientific and technological development, use of the State budget for scientific and technological development; results of scientific and technological activities.

Article 74. Responsibility of the Ministry of Science and Technology

The Ministry of Science and Technology shall be responsible to the Government for state administration on scientific and technological development across the country as follows:

1. Promulgate within competence or make submission to competent authorities for promulgation of legislative documents, mechanism, policies, strategy and plans for scientific and technological development, master plan for network of public scientific and technological organizations;

2. Construct and grant approval for guidelines, targets and tasks of science and technology on a one-year, five-year basis;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

4. Manage and use the state budget for scientific and technological development effectively; construct and propose mechanism and ratio of state budget spending for scientific and technological development as foundations for allocation of state budget estimates annually;

5. Assess the establishment of public scientific and technological organizations as decentralized by the Government; allow the establishment of foreign-invested scientific and technological organizations; register science and technology activities within competence.

6. Construct and manage national communications system, database on science and technology, scientific and technological statistical system and criteria with uniformity across the country; step up exploitation and use of patents; develop science and technology market;

7. Organize management of training in professional competence in the areas of science and technology;

8. Propagate, disseminate and organize instruction on the implementation of laws on science and technology;

9. International integration on science and technology;

10. Investigate, inspect or coordinate investigation, inspection of enforcement of the law on science and technology; handle complaints, denunciations, and violations of the law on science and technology within competence; make proposals for adjustments to allocation of budgets for the next period in reliance on inspection and use of state budget for scientific and technological development by agencies and organizations;

11. Implement other tasks authorized or assigned by the Government;

Article 75. Responsibility of ministries, ministerial-level agencies

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

a) Establish and submit investment cost estimates for investment in scientific and technological development to the Government at the request of the Ministry of Science and Technology;

b) Cooperate with the Ministry of Science and Technology in granting approval for the project on investment and construction of material and technical bases for scientific and technological development; speed up inspection of sectors, levels to ensure purposeful and effective use of investment budgets for scientific and technological development;

2. The Ministry of Finance:

a) Establish and submit non-business expenditure estimates for scientific and technological development to the Government at the request of the Ministry of Science and Technology;

b) Balance and allocate budgets adequately and in a timely manner according to the approved budget estimates;

b) Cooperate with the Ministry of Science and Technology in speeding up inspection of sectors, levels to ensure purposeful and effective use of non-business expenditures for scientific and technological development;

3. The Ministry of Home Affairs:

a) Preside over and cooperate with the Ministry of Science and Technology in establishing policies on employment of human resources for scientific and technological development;

b) Preside over and cooperate with the Ministry of Science and Technology and relevant agencies in arranging personnel to public scientific and technological organizations;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

a) Perform state administration on scientific and technological development and take responsibility for science and technology activities in the areas assigned; determine, organize implementation of science and technology tasks; effectively manage and use resources for scientific and technological development in the areas assigned;

b) Cooperate with the Ministry of Science and Technology in establishing and promulgating within competence legislative documents, mechanism, policies, strategy, plans and measures for scientific and technological development, technological innovation or make such submissions to competent agencies for promulgation; construct and manage database, statistical information system on science and technology;

c) Make reports on statistical information and figures about science and technology to the Ministry of Science and Technology;

d) Manage and use investment expenditures, non-business expenditures for scientific and technological development purposefully and effectively and in accordance with characteristics and progress of science and technology plan;

Article 76. Responsibility of People’s committees of provinces

People’s committees of provinces that perform state administration on scientific and technological development in localities as decentralized by the Government shall take following responsibilities:

1. Promulgate legislative documents, mechanism, policies, strategy and plans for scientific and technological development within competence or make such submissions to competent authorities for promulgation;

2. Ensure use of state budget for scientific and technological development and other social resources for application of science and technology in localities;

3. Receive, organize application and assessment of application of the findings from the implementation of science and technology tasks ordered after acceptance and make annual reports on results of application to the Ministry of Science and Technology;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

5. Construct and manage database, statistical information system on science and technology; make adequate and honest reports on statistical figures on science and technology to relevant competent state administration agencies;

6. Propagate, disseminate and organize instruction on the implementation of laws on science and technology;

7. Investigate, inspect or coordinate investigation, inspection of enforcement of the law on science and technology; handle complaints, denunciations, and violations of the law on science and technology within competence;

Chapter X

COMMENDATION AND HANDLING OF VIOLATIONS

Article 77. State honors, commendation and awards in science and technology

1. Organizations, individuals that have achievements in the cause of scientific and technological development shall be honored, awarded with prizes by the state according to the law on emulation and commendation.

2. Ministries, ministerial-level agencies, Governmental agencies, and other central state agencies, People’s committees of provinces shall consider and grant awards in science and technology to collectives, individuals that have excellent scientific research and technological development works within the management by ministries, sectors and localities;

3. Organizations, individuals as Vietnamese, overseas Vietnamese, international organizations, foreign organizations and individuals shall be awarded with prizes in science and technology with the aim of encouraging scientific and technological development in Vietnam according to laws.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Article 78. Honors, prizes in science and technology granted to foreign organizations and individuals, international organizations

Scientific and technological organizations, or individuals involved in science and technology activities shall be granted honors and prizes in science and technology by foreign organizations and individuals, international organizations in accordance with laws of Vietnam.

Article 79. Handling of violations

1. Individuals that violate the law on science and technology, depending on nature and severity of the violations, shall be disciplined, face administrative penalties or criminal prosecution, or make compensations for any damage caused according to laws.

2. Organizations that violate the law on science and technology, depending on nature and severity of the violations, shall face administrative penalties or make compensations for any damage caused according to laws.

Chapter XI

IMPLEMENTARY PROVISIONS

Article 80. Effect

This Law takes effect since January 01, 2014.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập tài khoản TVPL Pro để xem được toàn bộ nội dung văn bản Tiếng Anh

Article 81. Detailed regulations and instructions on implementation

The Government and other competent state agencies shall provide detailed regulations and instructions on implementation of articles, clauses prescribed in the Law.

This Law was adopted on June 18, 2013 by the 13th National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam at its 5the Meeting Session.

 

 

CHAIRMAN OF NATIONAL ASSEMBLY




Nguyen Sinh Hung

 

Văn bản được hướng dẫn - [0]
[...]
Văn bản được hợp nhất - [0]
[...]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
[...]
Văn bản bị đính chính - [0]
[...]
Văn bản bị thay thế - [0]
[...]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
[...]
Văn bản được căn cứ - [0]
[...]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [1]
[...]
Văn bản đang xem
Luật khoa học và công nghệ 2013
Số hiệu: 29/2013/QH13
Loại văn bản: Luật
Lĩnh vực, ngành: Công nghệ thông tin
Nơi ban hành: Quốc hội
Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
Ngày ban hành: 18/06/2013
Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày đăng: Đã biết
Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản liên quan cùng nội dung - [0]
[...]
Văn bản hướng dẫn - [0]
[...]
Văn bản hợp nhất - [0]
[...]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
[...]
Văn bản đính chính - [0]
[...]
Văn bản thay thế - [0]
[...]
[...] Đăng nhập tài khoản TVPL Basic hoặc TVPL Pro để xem toàn bộ lược đồ văn bản
Điều này được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 8 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018 có hiệu lực từ ngày 01/01/2019
Điều 8. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và công nghệ

1. Sửa đổi, bổ sung Điều 10 như sau:

“Điều 10. Quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập

1. Quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập là quy hoạch ngành quốc gia.

2. Việc lập quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập phải tuân thủ quy định của pháp luật về quy hoạch và các nguyên tắc sau đây:

a) Xây dựng quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập thống nhất, đồng bộ và phân bố hợp lý, phù hợp với yêu cầu phát triển khoa học và công nghệ;

b) Gắn kết tổ chức khoa học và công nghệ với cơ sở đào tạo và tổ chức ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;

c) Bảo đảm thực hiện mục tiêu nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia, chú trọng những lĩnh vực khoa học và công nghệ phục vụ trực tiếp nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh;

d) Bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên, trọng điểm.

3. Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức lập quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch.”.

Xem nội dung VB
Điều 10. Quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập

1. Căn cứ vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và chiến lược phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cơ quan nhà nước khác xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập.

2. Việc xây dựng quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập phải được thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:

a) Xây dựng quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ thống nhất, đồng bộ và phân bố hợp lý, phù hợp với yêu cầu phát triển khoa học và công nghệ và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh;

b) Gắn kết tổ chức khoa học và công nghệ với cơ sở đào tạo và tổ chức ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;

c) Bảo đảm thực hiện mục tiêu nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia, chú trọng những lĩnh vực khoa học và công nghệ phục vụ trực tiếp nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh;

d) Bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên, trọng điểm.
Điều này được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 8 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018 có hiệu lực từ ngày 01/01/2019
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 8 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018 có hiệu lực từ ngày 01/01/2019
Điều 8. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và công nghệ
...
2. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 11 như sau:

“2. Ngoài các quy định tại khoản 1 Điều này, việc thành lập tổ chức khoa học và công nghệ công lập phải phù hợp với quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập và ý kiến thẩm định của cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ theo phân cấp của Chính phủ.”.

Xem nội dung VB
Điều 11. Điều kiện thành lập, đăng ký hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ
...
2. Ngoài các quy định tại khoản 1 Điều này, việc thành lập tổ chức khoa học và công nghệ công lập phải phù hợp với quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ và ý kiến thẩm định của cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ theo phân cấp của Chính phủ.

Trường hợp Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc thì Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập Hội đồng liên ngành để thẩm định.
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 8 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018 có hiệu lực từ ngày 01/01/2019
Điểm này được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 8 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018 có hiệu lực từ ngày 01/01/2019
Điều 8. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và công nghệ
...
3. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 16 như sau:

“b) Phục vụ hoạt động hoạch định chính sách phát triển khoa học và công nghệ, quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập;”.

Xem nội dung VB
Điều 16. Mục đích, nguyên tắc đánh giá, xếp hạng tổ chức khoa học và công nghệ
...
2. Việc đánh giá tổ chức khoa học và công nghệ nhằm mục đích sau đây:
...
b) Phục vụ hoạt động hoạch định chính sách phát triển khoa học và công nghệ, quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ;
Điểm này được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 8 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018 có hiệu lực từ ngày 01/01/2019
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 4 Điều 8 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018 có hiệu lực từ ngày 01/01/2019
Điều 8. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và công nghệ
...
4. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 22 như sau:

“1. Căn cứ vào chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt kế hoạch phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ trên cơ sở đề xuất của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan khác của Nhà nước.”.

Xem nội dung VB
Điều 22. Đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài về khoa học và công nghệ

1. Căn cứ vào quy hoạch phát triển nguồn nhân lực quốc gia, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt quy hoạch phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ trên cơ sở đề xuất của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan nhà nước khác.
Quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ được hướng dẫn bởi Điều 11 Nghị định 40/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2014
Căn cứ Luật Khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ.
...
Điều 11. Quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ

1. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và định hướng phát triển khoa học và công nghệ của đơn vị, các tổ chức khoa học và công nghệ xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ 05 năm và hàng năm, gửi cơ quan chủ quản để tổng hợp.

2. Căn cứ quy hoạch phát triển nhân lực của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và trên cơ sở tổng hợp kế hoạch phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ của các tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ thuộc phạm vi quản lý, gửi Bộ Khoa học và Công nghệ.

3. Căn cứ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực quốc gia, chiến lược phát triển khoa học và công nghệ và trên cơ sở tổng hợp kế hoạch phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng, ban hành quy hoạch phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ quốc gia.

4. Trong kế hoạch phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và quy hoạch phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ quốc gia, ưu tiên cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là nữ.

Xem nội dung VB
Điều 22. Đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài về khoa học và công nghệ

1. Căn cứ vào quy hoạch phát triển nguồn nhân lực quốc gia, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt quy hoạch phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ trên cơ sở đề xuất của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan nhà nước khác.
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 4 Điều 8 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018 có hiệu lực từ ngày 01/01/2019
Quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ được hướng dẫn bởi Điều 11 Nghị định 40/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2014
Khoản này bị bãi bỏ bởi Khoản 5 Điều 8 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018 có hiệu lực từ ngày 01/01/2019
Điều 8. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và công nghệ
...
5. Bãi bỏ...khoản 3 Điều 67.

Xem nội dung VB
Điều 67. Xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển công nghệ cao
...
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và cơ quan có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Khoản này bị bãi bỏ bởi Khoản 5 Điều 8 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018 có hiệu lực từ ngày 01/01/2019
Khoản này bị bãi bỏ bởi Khoản 5 Điều 8 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018 có hiệu lực từ ngày 01/01/2019
Điều 8. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và công nghệ
...
5. Bãi bỏ khoản 2...Điều 67.

Xem nội dung VB
Điều 67. Xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển công nghệ cao
...
2. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển khu công nghệ cao, cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao.
Khoản này bị bãi bỏ bởi Khoản 5 Điều 8 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018 có hiệu lực từ ngày 01/01/2019
Điều này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 2 Điều 2 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 có hiệu lực từ ngày 01/01/2023
Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật khác có liên quan
...
2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ số 29/2013/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 28/2018/QH14 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung Điều 41 như sau:

“Điều 41. Quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ

1. Tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính, cơ sở vật chất - kỹ thuật cho việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ là chủ sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác trong hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

2. Đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra bằng ngân sách nhà nước thì đại diện chủ sở hữu nhà nước được quy định như sau:

a) Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ là đại diện chủ sở hữu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia;

b) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan nhà nước khác ở trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là đại diện chủ sở hữu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh hoặc cấp cơ sở do mình phê duyệt;

c) Thủ trưởng cơ quan, tổ chức không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản này là đại diện chủ sở hữu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ do mình quyết định phê duyệt.

3. Đại diện chủ sở hữu nhà nước quy định tại khoản 2 Điều này có quyền xét giao toàn bộ hoặc một phần quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra bằng ngân sách nhà nước theo quy định của Chính phủ cho tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ hoặc tổ chức, cá nhân khác có nhu cầu sử dụng, khai thác kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đó, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

4. Trong trường hợp sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng đó được giao cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn hoặc giao cho tổ chức, cá nhân khác theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Khi được cấp văn bằng bảo hộ, tổ chức chủ trì là chủ sở hữu các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng tương ứng.

5. Chính phủ quy định cụ thể quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ quy định tại Điều này.”;

Xem nội dung VB
Điều 41. Quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ

1. Tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính, cơ sở vật chất - kỹ thuật cho việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ là chủ sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác trong hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

2. Đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra bằng ngân sách nhà nước thì đại diện chủ sở hữu nhà nước được quy định như sau:

a) Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ là đại diện chủ sở hữu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia;

b) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan nhà nước khác ở trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là đại diện chủ sở hữu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh hoặc cấp cơ sở do mình phê duyệt;

c) Thủ trưởng cơ quan, tổ chức không thuộc quy định tại điểm a và điểm b của khoản này là đại diện chủ sở hữu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ do mình quyết định phê duyệt.

3. Đại diện chủ sở hữu nhà nước quy định tại khoản 2 Điều này có quyền xét giao toàn bộ hoặc một phần quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra bằng ngân sách nhà nước theo quy định của Chính phủ cho tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

4. Việc thực hiện quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra bằng ngân sách nhà nước quy định tại khoản 3 Điều này được quy định như sau:

a) Trường hợp được giao toàn bộ hoặc một phần quyền sở hữu thì tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện quyền này theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và pháp luật về chuyển giao công nghệ;

b) Trường hợp được giao quyền sử dụng thì tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện quyền này theo quy định của pháp luật.

5. Trường hợp tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không thể sử dụng được kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều này thì đại diện chủ sở hữu nhà nước quy định tại khoản 2 Điều này quyết định giao quyền sử dụng đó cho tổ chức khác có khả năng sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

6. Chính phủ quy định cụ thể các trường hợp, trình tự, thủ tục giao toàn bộ, giao một phần quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ quy định tại Điều này.
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 39, 40 Nghị định 08/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khoa học và công nghệ,
...
Điều 39. Các trường hợp giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước

1. Việc giao toàn bộ quyền sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được thực hiện theo thỏa thuận giữa đại diện chủ sở hữu nhà nước và tổ chức chủ trì hoặc khi đáp ứng một trong các điều kiện sau:

a) Tổ chức chủ trì có khả năng ứng dụng hoặc thương mại hóa toàn bộ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;

b) Tổ chức chủ trì có khả năng ứng dụng hoặc thương mại hóa một phần đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ không thể phân chia thành từng phần độc lập để ứng dụng hoặc thương mại hóa.

2. Việc giao một phần quyền sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được thực hiện theo thỏa thuận giữa đại diện chủ sở hữu nhà nước và tổ chức chủ trì hoặc khi đáp ứng một trong các điều kiện sau:

a) Tổ chức chủ trì chỉ có khả năng ứng dụng hoặc thương mại hóa một phần kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có thể được phân chia thành từng phần để ứng dụng hoặc thương mại hóa;

b) Có thỏa thuận hoặc quy định của tổ chức chủ trì về việc phân chia quyền sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với tổ chức, cá nhân khác được đại diện chủ sở hữu nhà nước công nhận.

3. Đại diện chủ sở hữu nhà nước có thể ủy quyền cho tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với phần kết quả đã đạt được trước khi đánh giá nghiệm thu nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

4. Việc giao toàn bộ hoặc một phần quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cho tổ chức chủ trì hoặc tổ chức khác theo quy định tại Khoản 5 Điều 41 của Luật khoa học và công nghệ được thực hiện theo thỏa thuận giữa đại diện chủ sở hữu nhà nước và tổ chức đó, trừ trường hợp kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có tầm quan trọng đặc biệt đối với quốc phòng, an ninh. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận thì việc giao quyền sử dụng được thực hiện khi kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cần được ứng dụng rộng rãi để đáp ứng nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng cho nhân dân hoặc đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của xã hội.

5. Đại diện chủ sở hữu nhà nước sau khi chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có trách nhiệm kiểm tra, giám sát và yêu cầu tổ chức được giao quyền sở hữu, quyền sử dụng báo cáo đánh giá hiệu quả việc sử dụng kết quả đó.

Điều 40. Trình tự, thủ tục giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước

1. Tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ có nhu cầu được giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phải làm hồ sơ đề nghị giao quyền sở hữu, quyền sử dụng gửi đại diện chủ sở hữu nhà nước.

2. Trường hợp các tổ chức được giao quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước quy định tại Khoản 1 Điều này không thể sử dụng thì tổ chức khác có nhu cầu được chuyển giao quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phải làm hồ sơ đề nghị giao quyền sử dụng đó gửi đại diện chủ sở hữu nhà nước.

3. Hồ sơ đề nghị giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ bao gồm:

a) Đơn đề nghị;

b) Báo cáo khả năng ứng dụng hoặc thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;

c) Các tài liệu khác có liên quan.

4. Đại diện chủ sở hữu nhà nước có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì trong thời hạn chậm nhất 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, đại diện chủ sở hữu nhà nước phải thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân để sửa đổi, bổ sung.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, đại diện chủ sở hữu nhà nước xem xét hồ sơ và ra quyết định về việc giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân và nêu rõ lý do.

5. Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn chi tiết Điều này.

Xem nội dung VB
Điều 41. Quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ

1. Tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính, cơ sở vật chất - kỹ thuật cho việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ là chủ sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác trong hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

2. Đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra bằng ngân sách nhà nước thì đại diện chủ sở hữu nhà nước được quy định như sau:

a) Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ là đại diện chủ sở hữu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia;

b) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan nhà nước khác ở trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là đại diện chủ sở hữu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh hoặc cấp cơ sở do mình phê duyệt;

c) Thủ trưởng cơ quan, tổ chức không thuộc quy định tại điểm a và điểm b của khoản này là đại diện chủ sở hữu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ do mình quyết định phê duyệt.

3. Đại diện chủ sở hữu nhà nước quy định tại khoản 2 Điều này có quyền xét giao toàn bộ hoặc một phần quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra bằng ngân sách nhà nước theo quy định của Chính phủ cho tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

4. Việc thực hiện quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra bằng ngân sách nhà nước quy định tại khoản 3 Điều này được quy định như sau:

a) Trường hợp được giao toàn bộ hoặc một phần quyền sở hữu thì tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện quyền này theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và pháp luật về chuyển giao công nghệ;

b) Trường hợp được giao quyền sử dụng thì tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện quyền này theo quy định của pháp luật.

5. Trường hợp tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không thể sử dụng được kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều này thì đại diện chủ sở hữu nhà nước quy định tại khoản 2 Điều này quyết định giao quyền sử dụng đó cho tổ chức khác có khả năng sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

6. Chính phủ quy định cụ thể các trường hợp, trình tự, thủ tục giao toàn bộ, giao một phần quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ quy định tại Điều này.
Điều này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 2 Điều 2 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 có hiệu lực từ ngày 01/01/2023
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 39, 40 Nghị định 08/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014
Điều này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 2 Điều 2 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 có hiệu lực từ ngày 01/01/2023
Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật khác có liên quan
...
2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ số 29/2013/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 28/2018/QH14 như sau:
...
b) Sửa đổi, bổ sung Điều 43 như sau:

“Điều 43. Phân chia lợi nhuận khi sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng, góp vốn bằng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước

1. Lợi nhuận thu được từ việc sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng, góp vốn bằng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được chia cho tác giả tối thiểu 30% và phần lợi nhuận còn lại được phân chia giữa chủ sở hữu, cơ quan chủ trì, người môi giới theo quy định của Chính phủ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Việc phân chia lợi nhuận thu được từ việc sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng quyền, góp vốn bằng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thực hiện theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.”.

Xem nội dung VB
Điều 43. Phân chia lợi nhuận khi sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng, góp vốn bằng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước

Lợi nhuận thu được từ việc sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng, góp vốn bằng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được chia cho tác giả tối thiểu 30%; phần còn lại được phân chia giữa chủ sở hữu, cơ quan chủ trì, người môi giới theo quy định của Chính phủ.
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 42 Nghị định 08/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khoa học và công nghệ,
...
Điều 42. Phân chia lợi nhuận khi sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng, góp vốn bằng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước

1. Lợi nhuận sau thuế thu được từ việc sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng, góp vốn bằng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được phân chia như sau:

a) Thù lao cho tác giả theo thỏa thuận giữa các bên nhưng tối thiểu là 30%;

b) Phần chia cho người môi giới (nếu có) theo thỏa thuận giữa các bên nhưng không quá 10%;

c) Sau khi phân chia cho tác giả và người môi giới (nếu có), phần lợi nhuận còn lại được quy định như sau: trường hợp được giao quyền sở hữu thì 50% dành cho đầu tư nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, 50% dành cho quỹ phúc lợi, khen thưởng của tổ chức; trường hợp được giao quyền sử dụng thì phải trả lại cho đại diện chủ sở hữu nhà nước theo thỏa thuận giữa các bên nhưng không quá 10%, phần còn lại được dành 50% cho đầu tư nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, 50% cho quỹ phúc lợi, khen thưởng của tổ chức.

2. Trường hợp tổ chức, cá nhân sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để hoàn thiện, phát triển công nghệ nhằm thương mại hóa, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thì phải được sự đồng ý của chủ sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Việc phân chia lợi nhuận thu được từ việc thương mại hóa quy định tại Khoản này phải được thỏa thuận bằng văn bản giữa tổ chức, cá nhân đó với chủ sở hữu hoặc đại diện chủ sở hữu nhà nước kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phù hợp với mức độ đóng góp của từng bên.

3. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính quy định việc định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ sử dụng ngân sách nhà nước.

Xem nội dung VB
Điều 43. Phân chia lợi nhuận khi sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng, góp vốn bằng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước

Lợi nhuận thu được từ việc sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng, góp vốn bằng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được chia cho tác giả tối thiểu 30%; phần còn lại được phân chia giữa chủ sở hữu, cơ quan chủ trì, người môi giới theo quy định của Chính phủ.
Điều này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 2 Điều 2 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 có hiệu lực từ ngày 01/01/2023
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 42 Nghị định 08/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014
Việc cho phép thành lập tổ chức khoa học và công nghệ có vốn nước ngoài trên phạm vi địa bàn tỉnh do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện theo quy định tại Điều 13 Nghị định 133/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/07/2025 (VB hết hiệu lực: 01/03/2027)
Điều 13. Cho phép thành lập tổ chức khoa học và công nghệ có vốn nước ngoài

1. Việc cho phép thành lập tổ chức khoa học và công nghệ có vốn nước ngoài trên phạm vi địa bàn tỉnh quy định tại điểm b khoản 3 Điều 11 Luật Khoa học và Công nghệ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện.

2. Trình tự, thủ tục cho phép thành lập tổ chức khoa học và công nghệ có vốn nước ngoài trên phạm vi địa bàn tỉnh được quy định tại Mục VI Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này.

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

(Xem nội dung chi tiết tại văn bản)

Xem nội dung VB
Điều 11. Điều kiện thành lập, đăng ký hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ
...
3. Việc thành lập tổ chức khoa học và công nghệ có vốn nước ngoài phải tuân thủ các quy định tại khoản 1 Điều này và đáp ứng các yêu cầu sau đây:
...
b) Được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho phép thành lập;
Việc cho phép thành lập tổ chức khoa học và công nghệ có vốn nước ngoài trên phạm vi địa bàn tỉnh do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện theo quy định tại Điều 13 Nghị định 133/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/07/2025 (VB hết hiệu lực: 01/03/2027)
Việc cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài trên địa bàn tỉnh do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện theo quy định tại Điều 14 Nghị định 133/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/07/2025 (VB hết hiệu lực: 01/03/2027)
Điều 14. Cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài

1. Việc cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài trên địa bàn tỉnh quy định tại khoản 3 Điều 15 Luật Khoa học và Công nghệ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện.

2. Trình tự, thủ tục cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài trên địa bàn tỉnh được quy định tại các Mục VII Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này.

Xem nội dung VB
Điều 15. Văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài
...
3. Giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cấp và có thời hạn không quá 05 năm nhưng không vượt quá thời hạn còn lại của giấy đăng ký hoạt động hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài trong trường hợp pháp luật quốc gia đó có quy định thời hạn giấy đăng ký hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài.
Việc cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài trên địa bàn tỉnh do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện theo quy định tại Điều 14 Nghị định 133/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/07/2025 (VB hết hiệu lực: 01/03/2027)
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 24 Nghị định 08/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khoa học và công nghệ,
...
Điều 24. Đánh giá độc lập tổ chức khoa học và công nghệ

1. Việc độc lập đánh giá, xếp hạng tổ chức khoa học và công nghệ do tổ chức, cá nhân tự thực hiện hoặc thực hiện theo hợp đồng với tổ chức, cá nhân khác.

2. Tổ chức, cá nhân thực hiện độc lập việc đánh giá, xếp hạng tổ chức khoa học và công nghệ phải tuân theo các quy định tại Khoản 3 Điều 16 Luật khoa học và công nghệ.

3. Tiêu chí, phương pháp đánh giá tổ chức khoa học và công nghệ do tổ chức đánh giá độc lập xây dựng và phải được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

4. Năng lực đánh giá, xếp hạng tổ chức khoa học và công nghệ của tổ chức, cá nhân đánh giá độc lập phải được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

5. Trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện việc đánh giá, xếp hạng tổ chức khoa học và công nghệ theo hợp đồng thì quyền và nghĩa vụ của các bên được thực hiện theo quy định của hợp đồng.

Xem nội dung VB
Điều 18. Tổ chức đánh giá độc lập

1. Tổ chức có tư cách pháp nhân, cá nhân được thực hiện đánh giá, xếp hạng tổ chức khoa học và công nghệ theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Việc đánh giá, xếp hạng tổ chức khoa học và công nghệ phải tuân theo nguyên tắc quy định tại khoản 3 Điều 16 của Luật này.

3. Tổ chức, cá nhân thực hiện đánh giá, xếp hạng phải chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá, xếp hạng của mình.
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 24 Nghị định 08/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014
Điều này được hướng dẫn bởi Chương 3 Nghị định 08/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khoa học và công nghệ,
...
Chương 3. NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Điều 25. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cấp quốc gia
...
Điều 26. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cấp bộ
...
Điều 27. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cấp tỉnh
...
Điều 28. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cấp cơ sở
...
Điều 29. Biện pháp khuyến khích đề xuất ý tưởng khoa học, nhiệm vụ khoa học và công nghệ
...
Điều 30. Trình tự, thủ tục xác định, phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt
...
Điều 31. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được giao trực tiếp
...
Điều 32. Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ
...
Điều 33. Hoạt động của Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ
...
Điều 34. Tổ chức, chuyên gia tư vấn độc lập
...
Điều 35. Trách nhiệm của thành viên Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ, tổ chức, chuyên gia tư vấn độc lập
...
Điều 36. Kiểm tra, đánh giá trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ
...
Điều 37. Thẩm định kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước
...
Điều 38. Hỗ trợ đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên kết

Xem nội dung VB
Điều 25. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ

1. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ được tổ chức dưới hình thức chương trình, đề tài, dự án, nhiệm vụ nghiên cứu theo chức năng của tổ chức khoa học và công nghệ và các hình thức khác.

2. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước bao gồm nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh và cấp cơ sở do cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 27 của Luật này xác định.

Nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh phải thực hiện theo hình thức đặt hàng.

3. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để mọi tổ chức, cá nhân đề xuất ý tưởng khoa học, nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Chính phủ quy định tiêu chí xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp phù hợp với từng giai đoạn phát triển và lĩnh vực khoa học và công nghệ; biện pháp khuyến khích đề xuất ý tưởng khoa học, nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Điều này được hướng dẫn bởi Chương 3 Nghị định 08/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 29 Nghị định 08/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khoa học và công nghệ,
...
Điều 29. Biện pháp khuyến khích đề xuất ý tưởng khoa học, nhiệm vụ khoa học và công nghệ

1. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để mọi tổ chức, cá nhân đề xuất ý tưởng khoa học, nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Ý tưởng khoa học được gửi đến cơ quan quản lý về khoa học và công nghệ các cấp.

2. Cơ quan quản lý về khoa học và công nghệ có trách nhiệm tiếp nhận, tổ chức đánh giá các ý tưởng khoa học do tổ chức, cá nhân đề xuất.

3. Khuyến khích tổ chức, cá nhân tổ chức hội thi tìm kiếm ý tưởng khoa học.

4. Những ý tưởng khoa học được lựa chọn thông qua hoạt động đánh giá của cơ quan quản lý về khoa học và công nghệ hoặc từ các hội thi được cơ quan quản lý về khoa học và công nghệ hỗ trợ, hướng dẫn để tiếp tục hoàn thiện ý tưởng trở thành nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp theo quy định hiện hành.

5. Ý tưởng khoa học và công nghệ trở thành nhiệm vụ khoa học và công nghệ được phê duyệt, người đề xuất ý tưởng được xét ưu tiên giao làm chủ nhiệm nhiệm vụ hoặc tham gia thực hiện nhiệm vụ và được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Xem nội dung VB
Điều 26. Đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ

1. Việc đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được quy định như sau:

a) Cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ về bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan nhà nước khác ở trung ương phù hợp với ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý để tổng hợp.

Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan nhà nước khác ở trung ương tổ chức lấy ý kiến tư vấn xác định và công bố công khai nhiệm vụ đặt hàng cấp mình và gửi đề xuất đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia về Bộ Khoa học và Công nghệ;

b) Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm tổng hợp đề xuất đặt hàng, tổ chức lấy ý kiến tư vấn về nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia và công bố công khai;

c) Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm chủ động hoặc theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đề xuất đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia cấp bách, mới phát sinh có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia; tổ chức lấy ý kiến tư vấn về các nhiệm vụ này;

d) Việc lấy ý kiến tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ được thực hiện thông qua Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quyết định thành lập, quy định nhiệm vụ và quyền hạn. Thành phần của Hội đồng bao gồm nhà khoa học, nhà quản lý, nhà kinh doanh có uy tín và trình độ phù hợp với nhiệm vụ. Trong trường hợp cần thiết, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có quyền lấy ý kiến tư vấn của chuyên gia tư vấn độc lập trước hoặc sau khi họp Hội đồng. Thành viên Hội đồng và chuyên gia tư vấn độc lập phải chịu trách nhiệm về ý kiến tư vấn của mình.

2. Việc đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước có thể áp dụng quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Việc đề xuất, tư vấn xác định nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và kỹ thuật phải bao gồm nội dung triển khai thực nghiệm, sản xuất thử nghiệm và dự toán kinh phí cho các hoạt động này hoặc đề xuất dự án triển khai thực nghiệm, sản xuất thử nghiệm.

4. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định cụ thể Điều này.
Đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh được hướng dẫn bởi Điều 5 Thông tư 09/2024/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 10/02/2025
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, cấp cơ sở sử dụng ngân sách nhà nước.
...
Điều 5. Đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan, đơn vị được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp/ủy quyền.

2. Phiếu đề xuất nhiệm vụ thực hiện theo các mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này: Mẫu I.01-ĐXNV.ĐT đối với đề tài khoa học và công nghệ; Mẫu I.02-ĐXNV.DA đối với dự án khoa học và công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm; Mẫu I.03-ĐXNV.ĐA đối với đề án khoa học.
...
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

Xem nội dung VB
Điều 26. Đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ

1. Việc đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được quy định như sau:

a) Cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ về bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan nhà nước khác ở trung ương phù hợp với ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý để tổng hợp.

Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan nhà nước khác ở trung ương tổ chức lấy ý kiến tư vấn xác định và công bố công khai nhiệm vụ đặt hàng cấp mình và gửi đề xuất đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia về Bộ Khoa học và Công nghệ;

b) Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm tổng hợp đề xuất đặt hàng, tổ chức lấy ý kiến tư vấn về nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia và công bố công khai;

c) Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm chủ động hoặc theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đề xuất đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia cấp bách, mới phát sinh có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia; tổ chức lấy ý kiến tư vấn về các nhiệm vụ này;

d) Việc lấy ý kiến tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ được thực hiện thông qua Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quyết định thành lập, quy định nhiệm vụ và quyền hạn. Thành phần của Hội đồng bao gồm nhà khoa học, nhà quản lý, nhà kinh doanh có uy tín và trình độ phù hợp với nhiệm vụ. Trong trường hợp cần thiết, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có quyền lấy ý kiến tư vấn của chuyên gia tư vấn độc lập trước hoặc sau khi họp Hội đồng. Thành viên Hội đồng và chuyên gia tư vấn độc lập phải chịu trách nhiệm về ý kiến tư vấn của mình.

2. Việc đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước có thể áp dụng quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Việc đề xuất, tư vấn xác định nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và kỹ thuật phải bao gồm nội dung triển khai thực nghiệm, sản xuất thử nghiệm và dự toán kinh phí cho các hoạt động này hoặc đề xuất dự án triển khai thực nghiệm, sản xuất thử nghiệm.

4. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định cụ thể Điều này.
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 29 Nghị định 08/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014
Đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh được hướng dẫn bởi Điều 5 Thông tư 09/2024/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 10/02/2025
Điều này được hướng dẫn bởi các Điều 32, 33, 34, 35 Nghị định 08/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khoa học và công nghệ,
...
Điều 32. Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ

1. Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ, Hội đồng tư vấn tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, Hội đồng tư vấn giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ và Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ (sau đây gọi tắt là Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ) do người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ thành lập theo thẩm quyền.

2. Thành phần Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ bao gồm các nhà khoa học, đại diện cơ quan, tổ chức đề xuất đặt hàng, cơ quan, tổ chức đặt hàng, nhà quản lý, nhà kinh doanh có năng lực và chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ tư vấn.

Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ gồm có Chủ tịch, Phó Chủ tịch, (hai) thành viên là ủy viên phản biện, ủy viên thư ký khoa học và các thành viên khác.

3. Thành viên Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ cấp quốc gia là nhà khoa học thì phải thuộc cơ sở dữ liệu chuyên gia khoa học và công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt.

Điều 33. Hoạt động của Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ

1. Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ làm việc theo nguyên tắc dân chủ, khách quan, trung thực, tuân thủ pháp luật và đạo đức nghề nghiệp. Các thành viên Hội đồng thảo luận công khai về nội dung được giao tư vấn. Ý kiến của các thành viên Hội đồng và kiến nghị của Hội đồng phải được lập thành văn bản. Các thành viên Hội đồng phải chịu trách nhiệm về ý kiến tư vấn của mình.

Phiên họp Hội đồng chỉ được tiến hành khi có ít nhất 2/3 thành viên Hội đồng tham dự, trong đó có Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch được ủy quyền và phải đầy đủ thành viên phản biện và ủy viên thư ký khoa học.

2. Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ cho điểm, xếp loại hoặc biểu quyết theo tiêu chí do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định.

3. Kinh phí hoạt động của Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ, kinh phí thuê tổ chức, chuyên gia tư vấn độc lập đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ dự toán thành một khoản riêng lấy từ kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ. Thành viên Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ, tổ chức, chuyên gia tư vấn độc lập được trả thù lao cho việc thực hiện nhiệm vụ từ kinh phí quy định tại Khoản này.

Kinh phí cho hoạt động của Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ đối với nhiệm vụ không sử dụng ngân sách nhà nước do tổ chức, cá nhân đầu tư thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ tự chi trả.

Điều 34. Tổ chức, chuyên gia tư vấn độc lập

1. Tổ chức tư vấn độc lập là tổ chức khoa học và công nghệ có năng lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn cần tư vấn.

2. Chuyên gia tư vấn độc lập là người có trình độ từ đại học trở lên, có năng lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn cần tư vấn. Các chuyên gia tư vấn độc lập nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia phải thuộc cơ sở dữ liệu chuyên gia khoa học và công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt.

3. Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn chi tiết Điều này.

Điều 35. Trách nhiệm của thành viên Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ, tổ chức, chuyên gia tư vấn độc lập

1. Hoạt động theo nguyên tắc dân chủ, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, độc lập, trung thực, khách quan và khoa học của hoạt động tư vấn.

2. Chịu trách nhiệm về ý kiến tư vấn của mình.

3. Giữ bí mật các thông tin nhận được trong quá trình hoạt động tư vấn, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

4. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo quy định, thỏa thuận.

Xem nội dung VB
Điều 38. Hội đồng khoa học và công nghệ chuyên ngành, tổ chức, chuyên gia tư vấn độc lập đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ

1. Người giao nhiệm vụ khoa học và công nghệ có trách nhiệm thành lập Hội đồng khoa học và công nghệ chuyên ngành hoặc thuê tổ chức, chuyên gia tư vấn độc lập để đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

2. Thành phần Hội đồng khoa học và công nghệ chuyên ngành bao gồm nhà khoa học, đại diện cơ quan, tổ chức đề xuất đặt hàng, cơ quan, tổ chức đặt hàng, nhà quản lý, nhà kinh doanh có năng lực và chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ.

3. Tổ chức, chuyên gia tư vấn độc lập phải có năng lực và chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ.

4. Hội đồng khoa học và công nghệ chuyên ngành, tổ chức, chuyên gia tư vấn độc lập tiến hành đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo mục đích, yêu cầu, nội dung, kết quả, tiến độ ghi trong hợp đồng đã được ký kết và chịu trách nhiệm trước người giao nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

5. Hội đồng khoa học và công nghệ chuyên ngành, tổ chức, chuyên gia tư vấn độc lập phải chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá của mình.
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 25, Điều 37, Điều 42, Điều 43, Điều 44 Thông tư 09/2024/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 10/02/2025
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, cấp cơ sở sử dụng ngân sách nhà nước.
...
Điều 25. Hội đồng khoa học và công nghệ chuyên ngành đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh

1. Hội đồng khoa học và công nghệ chuyên ngành đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh (sau đây viết tắt là Hội đồng nghiệm thu) và Tổ chuyên gia do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc người được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp/ủy quyền quyết định thành lập, quy định số lượng thành viên và chức năng, nhiệm vụ.

a) Hội đồng nghiệm thu gồm: Chủ tịch, Phó chủ tịch, 02 thành viên là ủy viên phản biện, ủy viên thư ký khoa học và các ủy viên khác;

Thành phần Hội đồng nghiệm thu bao gồm nhà khoa học, đại diện cơ quan, tổ chức đề xuất đặt hàng, cơ quan, tổ chức đặt hàng, nhà quản lý, nhà kinh doanh có năng lực và chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ; đại diện đơn vị dự kiến thụ hưởng kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ (nếu có).

b) Ưu tiên mời thành viên đã tham gia Hội đồng tuyển chọn tham gia Hội đồng nghiệm thu;

c) Hội đồng nghiệm thu có thư ký hành chính để giúp việc;

d) Những trường hợp không được tham gia Hội đồng nghiệm thu thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 13 của Thông tư này.

2. Tổ chuyên gia được thành lập trong trường hợp nhiệm vụ có sản phẩm đo kiểm được.

a) Tổ chuyên gia có ít nhất 03 thành viên, là các thành viên thuộc Hội đồng nghiệm thu, trong đó có 01 tổ trưởng;

b) Tổ chuyên gia có trách nhiệm thẩm định, đánh giá, nghiệm thu các mô hình, sản phẩm đo kiểm được, xử lý các vấn đề kỹ thuật hỗ trợ cho hoạt động của Hội đồng nghiệm thu;

c) Báo cáo thẩm định sản phẩm của Tổ chuyên gia phải được gửi đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan, đơn vị được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp/ủy quyền trước phiên họp Hội đồng nghiệm thu ít nhất 01 ngày làm việc để phục vụ cho phiên họp của Hội đồng nghiệm thu.

3. Nguyên tắc, phương thức làm việc của Hội đồng nghiệm thu thực hiện theo quy định tại khoản 4 và điểm a khoản 5 Điều 7 Thông tư này.
...
Điều 37. Hội đồng tư vấn tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở

1. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị cấp cơ sở quyết định thành lập, quy định số lượng thành viên Hội đồng tư vấn tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở (sau đây viết tắt là Hội đồng tuyển chọn).

2. Thành phần Hội đồng tuyển chọn theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 13 Thông tư này.

3. Hội đồng tuyển chọn có trách nhiệm đánh giá hồ sơ, thẩm định kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở.

4. Nguyên tắc, phương thức làm việc, trách nhiệm của thành viên Hội đồng tuyển chọn, tài liệu họp Hội đồng tuyển chọn, trình tự, nội dung làm việc của Hội đồng tuyển chọn thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và khoản 4 Điều 14 Thông tư này.

5. Sau khi đánh giá hồ sơ, Hội đồng thẩm định kinh phí theo quy định tại các điểm b, c và d khoản 3 Điều 15 Thông tư này. Biên bản họp Hội đồng phải thể hiện kết quả thẩm định dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ.

6. Trường hợp cần thiết, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị cấp cơ sở quyết định thành lập, quy định số lượng thành viên và thành phần tham gia Tổ thẩm định kinh phí để thẩm định kinh phí thực hiện nhiệm vụ. Tài liệu họp Tổ thẩm định kinh phí, điều kiện tổ chức phiên họp, phương thức họp, nhiệm vụ, trách nhiệm, trình tự, thủ tục họp Tổ thẩm định kinh phí thực hiện theo quy định tại Điều 15 Thông tư này.
...
Điều 42. Tổ chức, chuyên gia tư vấn độc lập

1. Chuyên gia tư vấn độc lập đánh giá hồ sơ nhiệm vụ khoa học và công nghệ đáp ứng quy định sau:

a) Phù hợp với quy định tại khoản 5 Điều 2 Thông tư số 02/2023/TT-BKHCN ngày 08 tháng 5 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn một số nội dung chuyên môn phục vụ công tác xây dựng dự toán thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước;

b) Không thuộc một trong các trường hợp sau đây: là thành viên Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ; thuộc tổ chức chủ trì; người tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của chủ nhiệm, thư ký khoa học và thành viên chính tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; người đã bị xử phạt do vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ mà chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính hoặc đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang chấp hành hình phạt hoặc bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc bị cấm làm công việc nhất định liên quan đến hoạt động khoa học và công nghệ mà chưa được xóa án tích; có căn cứ rõ ràng về việc không vô tư, khách quan khi đưa ra ý kiến tư vấn.

2. Tổ chức tư vấn độc lập thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 2 Thông tư số 02/2023/TT-BKHCN ngày 08 tháng 5 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Điều 43. Trách nhiệm của tổ chức, chuyên gia tư vấn độc lập

1. Phân tích, đánh giá và đưa ra các ý kiến phản biện đối với hồ sơ được lấy ý kiến tư vấn, bảo đảm tính độc lập, khách quan.

2. Hoàn thành báo cáo tư vấn khi nhận được yêu cầu; giữ bí mật các thông tin đánh giá và gửi trực tiếp báo cáo tư vấn đến cơ quan mời tư vấn trong phong bì có niêm phong kín.

3. Trong thời gian thực hiện tư vấn, không tiếp xúc hoặc trao đổi thông tin về nhiệm vụ khoa học và công nghệ được mời tư vấn với tổ chức chủ trì, tổ chức phối hợp hoặc các cá nhân tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Điều 44. Lấy ý kiến tổ chức, chuyên gia tư vấn độc lập

1. Số lượng chuyên gia tư vấn cần lấy ý kiến: ít nhất 02 chuyên gia.

2. Hồ sơ gửi lấy ý kiến tổ chức, chuyên gia tư vấn độc lập gồm:

a) Công văn đề nghị tư vấn độc lập;

b) Các tài liệu cần lấy ý kiến tư vấn.
...
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

Xem nội dung VB
Điều 38. Hội đồng khoa học và công nghệ chuyên ngành, tổ chức, chuyên gia tư vấn độc lập đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ

1. Người giao nhiệm vụ khoa học và công nghệ có trách nhiệm thành lập Hội đồng khoa học và công nghệ chuyên ngành hoặc thuê tổ chức, chuyên gia tư vấn độc lập để đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

2. Thành phần Hội đồng khoa học và công nghệ chuyên ngành bao gồm nhà khoa học, đại diện cơ quan, tổ chức đề xuất đặt hàng, cơ quan, tổ chức đặt hàng, nhà quản lý, nhà kinh doanh có năng lực và chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ.

3. Tổ chức, chuyên gia tư vấn độc lập phải có năng lực và chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ.

4. Hội đồng khoa học và công nghệ chuyên ngành, tổ chức, chuyên gia tư vấn độc lập tiến hành đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo mục đích, yêu cầu, nội dung, kết quả, tiến độ ghi trong hợp đồng đã được ký kết và chịu trách nhiệm trước người giao nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

5. Hội đồng khoa học và công nghệ chuyên ngành, tổ chức, chuyên gia tư vấn độc lập phải chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá của mình.
Điều này được hướng dẫn bởi các Điều 32, 33, 34, 35 Nghị định 08/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 25, Điều 37, Điều 42, Điều 43, Điều 44 Thông tư 09/2024/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 10/02/2025
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 36, 37 Nghị định 08/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khoa học và công nghệ,
...
Điều 36. Kiểm tra, đánh giá trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ

1. Cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp theo thẩm quyền phải tiến hành kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất và đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước về nội dung khoa học, tiến độ thực hiện và việc sử dụng kinh phí. Trong trường hợp cần thiết người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp có thể điều chỉnh nội dung khoa học, tiến độ và phương thức sử dụng kinh phí thực hiện cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn, hoặc chấm dứt việc thực hiện nhiệm vụ đó và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

2. Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục kiểm tra, đánh giá quy định tại Điều này.

Điều 37. Thẩm định kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước

1. Kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước mà có tiềm ẩn yếu tố ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh, môi trường, tính mạng, sức khoẻ con người thì phải được cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ thẩm định trước khi ứng dụng vào sản xuất và đời sống.

2. Tổ chức, cá nhân ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ quy định tại Khoản 1 Điều này có trách nhiệm:

a) Gửi hồ sơ đề nghị thẩm định đến cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ. Hồ sơ đề nghị thẩm định bao gồm: đơn đề nghị thẩm định; thuyết minh đã được phê duyệt (nếu có); kết quả nghiên cứu và các tài liệu liên quan;

b) Chi trả kinh phí tổ chức đánh giá, thẩm định.

3. Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thực hiện Điều này.

Xem nội dung VB
Điều 37. Đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ

1. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, khi kết thúc phải được đánh giá nghiệm thu khách quan, chính xác thông qua Hội đồng khoa học và công nghệ chuyên ngành. Người giao nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo thẩm quyền quyết định nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Trong trường hợp cần thiết, người giao nhiệm vụ khoa học và công nghệ có quyền lấy thêm ý kiến tư vấn của tổ chức, chuyên gia tư vấn độc lập trước khi quyết định nghiệm thu.

2. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước do tổ chức, cá nhân tự tổ chức đánh giá, nghiệm thu. Trường hợp tổ chức, cá nhân không có khả năng tự tổ chức đánh giá, nghiệm thu thì có quyền đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ địa phương xem xét đánh giá, nghiệm thu.

3. Kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước có ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh, môi trường, tính mạng, sức khoẻ con người phải được cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ có thẩm quyền thẩm định.

4. Hằng năm, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố công khai danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước đã được nghiệm thu.

5. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định tiêu chí, thủ tục đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 36, 37 Nghị định 08/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014
Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 38 Nghị định 08/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khoa học và công nghệ,
...
Điều 38. Hỗ trợ đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên kết

1. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ do tổ chức khoa học và công nghệ, nhà khoa học liên kết với doanh nghiệp và tổ chức khác để xác định, thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ yêu cầu đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa sau đây gọi là nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên kết.

2. Điều kiện hỗ trợ nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên kết bao gồm:

a) Nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên kết phải được lập thành dự án khoa học và công nghệ của doanh nghiệp có mục tiêu, nội dung nghiên cứu và sản phẩm cụ thể phục vụ trực tiếp yêu cầu đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa;

b) Dự án phải có tính khả thi;

c) Sản phẩm của dự án có khả năng ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh;

d) Dự án phải được Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

đ) Nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên kết phải được lập thành dự án để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia thuộc lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm của Nhà nước.

3. Hình thức hỗ trợ nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên kết

Nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên kết đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều này được Nhà nước hỗ trợ không thu hồi vốn đầu tư cho dự án đối với các nội dung liên quan đến hoạt động khoa học và công nghệ của dự án.

4. Mức hỗ trợ nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên kết

a) Dự án đáp ứng điều kiện quy định tại các điểm a, b, c và d Khoản 2 Điều này được hỗ trợ đến 30% vốn đầu tư của dự án;

b) Dự án đáp ứng điều kiện quy định tại các điểm a, b, c và d Khoản 2 Điều này thực hiện ở vùng kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn được hỗ trợ đến 50% vốn đầu tư của dự án;

c) Dự án đáp ứng điều kiện quy định tại các điểm b, c, d và đ Khoản 2 Điều này được hỗ trợ đến 50% vốn đầu tư của dự án;

d) Mức hỗ trợ, nguồn kinh phí hỗ trợ cụ thể cho từng dự án do Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án quyết định.

5. Trình tự, thủ tục hỗ trợ nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên kết

a) Tổ chức, cá nhân có nhu cầu hỗ trợ lập hồ sơ thành 02 (hai) bộ gửi về cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án bằng đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp;

b) Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án thành lập Hội đồng tư vấn xét hỗ trợ dự án khoa học và công nghệ. Thành phần Hội đồng gồm đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ quản lý ngành, lĩnh vực có liên quan và các nhà khoa học. Hội đồng tư vấn có trách nhiệm xem xét sự cần thiết và mức hỗ trợ;

c) Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn chi tiết trình tự, thủ tục hỗ trợ quy định tại Khoản này.

Xem nội dung VB
Điều 32. Liên kết xác định và thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ
...
2. Việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ quy định tại khoản 1 Điều này được quy định như sau:

a) Hỗ trợ đến 30% vốn đầu tư cho dự án của doanh nghiệp ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ để tạo ra sản phẩm mới hoặc nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm từ kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; hỗ trợ đến 50% vốn đầu tư cho dự án thực hiện ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn;

b) Hỗ trợ đến 50% vốn đầu tư cho dự án thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia thuộc lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm của Nhà nước.
Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 38 Nghị định 08/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014
Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 38 Nghị định 08/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khoa học và công nghệ,
...
Điều 38. Hỗ trợ đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên kết

1. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ do tổ chức khoa học và công nghệ, nhà khoa học liên kết với doanh nghiệp và tổ chức khác để xác định, thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ yêu cầu đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa sau đây gọi là nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên kết.

2. Điều kiện hỗ trợ nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên kết bao gồm:

a) Nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên kết phải được lập thành dự án khoa học và công nghệ của doanh nghiệp có mục tiêu, nội dung nghiên cứu và sản phẩm cụ thể phục vụ trực tiếp yêu cầu đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa;

b) Dự án phải có tính khả thi;

c) Sản phẩm của dự án có khả năng ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh;

d) Dự án phải được Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

đ) Nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên kết phải được lập thành dự án để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia thuộc lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm của Nhà nước.

3. Hình thức hỗ trợ nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên kết

Nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên kết đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều này được Nhà nước hỗ trợ không thu hồi vốn đầu tư cho dự án đối với các nội dung liên quan đến hoạt động khoa học và công nghệ của dự án.

4. Mức hỗ trợ nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên kết

a) Dự án đáp ứng điều kiện quy định tại các điểm a, b, c và d Khoản 2 Điều này được hỗ trợ đến 30% vốn đầu tư của dự án;

b) Dự án đáp ứng điều kiện quy định tại các điểm a, b, c và d Khoản 2 Điều này thực hiện ở vùng kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn được hỗ trợ đến 50% vốn đầu tư của dự án;

c) Dự án đáp ứng điều kiện quy định tại các điểm b, c, d và đ Khoản 2 Điều này được hỗ trợ đến 50% vốn đầu tư của dự án;

d) Mức hỗ trợ, nguồn kinh phí hỗ trợ cụ thể cho từng dự án do Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án quyết định.

5. Trình tự, thủ tục hỗ trợ nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên kết

a) Tổ chức, cá nhân có nhu cầu hỗ trợ lập hồ sơ thành 02 (hai) bộ gửi về cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án bằng đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp;

b) Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án thành lập Hội đồng tư vấn xét hỗ trợ dự án khoa học và công nghệ. Thành phần Hội đồng gồm đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ quản lý ngành, lĩnh vực có liên quan và các nhà khoa học. Hội đồng tư vấn có trách nhiệm xem xét sự cần thiết và mức hỗ trợ;

c) Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn chi tiết trình tự, thủ tục hỗ trợ quy định tại Khoản này.

Xem nội dung VB
Điều 32. Liên kết xác định và thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ
...
2. Việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ quy định tại khoản 1 Điều này được quy định như sau:

a) Hỗ trợ đến 30% vốn đầu tư cho dự án của doanh nghiệp ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ để tạo ra sản phẩm mới hoặc nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm từ kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; hỗ trợ đến 50% vốn đầu tư cho dự án thực hiện ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn;

b) Hỗ trợ đến 50% vốn đầu tư cho dự án thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia thuộc lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm của Nhà nước.
Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 38 Nghị định 08/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 43, 44, 45 Nghị định 08/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khoa học và công nghệ,
...
Điều 43. Ứng dụng khoa học và công nghệ trong dự án đầu tư, chương trình phát triển kinh tế - xã hội sử dụng ngân sách nhà nước

1. Dự án đầu tư, chương trình phát triển kinh tế - xã hội sử dụng ngân sách nhà nước phải lập hạng mục chi cho ứng dụng, nghiên cứu và phát triển phục vụ xây dựng căn cứ khoa học trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và giải quyết vấn đề khoa học và công nghệ phát sinh trong quá trình thực hiện.

2. Khi lập dự toán kinh phí của dự án đầu tư, chương trình phát triển kinh tế - xã hội sử dụng ngân sách nhà nước, chủ đầu tư có trách nhiệm lập dự toán kinh phí dành cho các hoạt động ứng dụng, nghiên cứu và phát triển quy định tại Khoản 1 Điều này. Tỷ lệ kinh phí dành cho hoạt động ứng dụng, nghiên cứu và phát triển trong tổng dự toán kinh phí của dự án đầu tư, chương trình phát triển kinh tế - xã hội do chủ đầu tư quyết định.

3. Chủ đầu tư có trách nhiệm định kỳ hằng năm, đột xuất theo yêu cầu và khi kết thúc dự án đầu tư, chương trình phát triển kinh tế - xã hội do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quyết định đầu tư, trực tiếp đầu tư và dự án đầu tư có điều kiện, gửi báo cáo đến Bộ Khoa học và Công nghệ về việc sử dụng kinh phí dành cho hoạt động khoa học và công nghệ.

4. Chủ đầu tư có trách nhiệm định kỳ hằng năm, đột xuất theo yêu cầu và khi kết thúc dự án đầu tư, chương trình phát triển kinh tế - xã hội do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện quyết định đầu tư gửi báo cáo đến Sở Khoa học và Công nghệ về việc sử dụng kinh phí dành cho hoạt động khoa học và công nghệ để tổng hợp báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ.

5. Bộ Khoa học và Công nghệ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng kinh phí dành cho hoạt động khoa học và công nghệ trong các dự án đầu tư, chương trình phát triển kinh tế - xã hội quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều này.
Điều 44. Thẩm quyền thẩm định cơ sở khoa học, thẩm định công nghệ của dự án đầu tư, chương trình phát triển kinh tế - xã hội

1. Chương trình phát triển kinh tế - xã hội, dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ và dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện theo quy định của pháp luật về đầu tư phải được thẩm định cơ sở khoa học, thẩm định công nghệ.

Cơ quan chủ trì thẩm tra dự án đầu tư, chương trình phát triển kinh tế - xã hội quy định tại Khoản này có trách nhiệm lấy ý kiến thẩm định cơ sở khoa học, thẩm định công nghệ của Bộ Khoa học và Công nghệ. Kết quả thẩm định của Bộ Khoa học và Công nghệ là một nội dung bắt buộc trong báo cáo thẩm tra của cơ quan chủ trì thẩm tra.

2. Dự án đầu tư phải đăng ký đầu tư phải được Sở Khoa học và Công nghệ thẩm định về cơ sở khoa học, thẩm định về công nghệ trước khi cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Điều 45. Trình tự, thủ tục thẩm định cơ sở khoa học, thẩm định công nghệ của dự án đầu tư, chương trình phát triển kinh tế xã hội

1. Hồ sơ đề nghị thẩm định cơ sở khoa học, thẩm định công nghệ của dự án đầu tư, chương trình phát triển kinh tế - xã hội bao gồm:

a) Văn bản đề nghị thẩm định;

b) Hồ sơ dự án đầu tư, chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Đối với thẩm định về cơ sở khoa học, trong hồ sơ phải có báo cáo kết quả nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng dự án đầu tư, chương trình phát triển kinh tế - xã hội; biên bản đánh giá nghiệm thu kết quả nghiên cứu. Đối với thẩm định về công nghệ, trong hồ sơ phải có các tài liệu thuộc hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đầu tư; giải trình kinh tế - kỹ thuật trong đó nêu rõ quy trình công nghệ, phân tích và lựa chọn phương án công nghệ, danh mục máy móc, trang thiết bị, dây chuyền công nghệ; đánh giá tác động của công nghệ đến môi trường và hiệu quả kinh tế - xã hội; dự thảo hợp đồng chuyển giao công nghệ (nếu có nội dung góp vốn bằng công nghệ).

Hồ sơ đề nghị thẩm định được lập thành 02 (hai) bộ và gửi về các cơ quan có thẩm quyền thẩm định quy định tại Điều 44 Nghị định này.

2. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền phải có văn bản thẩm định gửi cơ quan đề nghị thẩm định.

3. Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn cụ thể về hồ sơ, nội dung và quy trình, thủ tục thẩm định quy định tại Điều này.

Xem nội dung VB
Điều 46. Ứng dụng khoa học và công nghệ trong dự án đầu tư, chương trình phát triển kinh tế - xã hội

1. Dự án đầu tư, chương trình phát triển kinh tế - xã hội sử dụng ngân sách nhà nước phải lập hạng mục chi cho ứng dụng, nghiên cứu và phát triển phục vụ xây dựng căn cứ khoa học trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và giải quyết vấn đề khoa học và công nghệ phát sinh trong quá trình thực hiện.

2. Dự án đầu tư, chương trình phát triển kinh tế - xã hội phải được thẩm định về cơ sở khoa học, trình độ công nghệ đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật trước khi phê duyệt.

3. Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục thẩm định công nghệ trong dự án đầu tư, chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 43, 44, 45 Nghị định 08/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014
Các quy định chuyển tiếp được hướng dẫn bởi Điều 48 Nghị định 08/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khoa học và công nghệ,
...
Điều 48. Quy định chuyển tiếp

1. Đối với những nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 01 tháng 01 năm 2014 thì tiếp tục thực hiện theo các quy định của Luật khoa học và công nghệ 2000, Nghị định số 81/2002/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoa học và công nghệ và quyết định phê duyệt.

2. Các đơn đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ nộp cho cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ trước ngày 01 tháng 01 năm 2014 mà chưa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ thì phải hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại Nghị định này.

Đối với tổ chức đã thành lập và đăng ký hoạt động trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì trong thời hạn 02 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực có trách nhiệm rà soát điều kiện thành lập theo quy định tại Nghị định này, nếu chưa đáp ứng thì phải tự hoàn thiện theo các điều kiện quy định tại Nghị định này.

3. Đối với tổ chức khoa học và công nghệ thành lập mới mà hồ sơ thành lập chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 01 tháng 01 năm 2014 thì phải hoàn thiện hồ sơ và tuân theo trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định này.

4. Tổ chức khoa học và công nghệ là cơ sở giáo dục đại học, trong thời hạn 18 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực phải tiến hành đăng ký hoạt động theo quy định của Nghị định này.

Xem nội dung VB
Điều 80. Hiệu lực thi hành

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2014.

Luật khoa học và công nghệ số 21/2000/QH10 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.
Các quy định chuyển tiếp được hướng dẫn bởi Điều 48 Nghị định 08/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014
Điều này được hướng dẫn bởi các Điều 4, 9, 11 Nghị định 08/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khoa học và công nghệ,
...
Điều 4. Điều kiện thành lập tổ chức khoa học và công nghệ

Tổ chức khoa học và công nghệ được thành lập khi đủ điều kiện sau đây:

1. Điều lệ tổ chức và hoạt động

a) Tên tổ chức khoa học và công nghệ bao gồm tên đầy đủ, tên giao dịch quốc tế và tên viết tắt (nếu có), được viết bằng các chữ cái trong Bảng chữ cái tiếng Việt, có thể kèm theo các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu, phát âm được. Tên đầy đủ bao gồm hình thức của tổ chức khoa học và công nghệ, tên riêng của tổ chức khoa học và công nghệ.

Tên gọi của tổ chức phải phù hợp với lĩnh vực hoạt động chính, không được trùng lặp với tổ chức khoa học và công nghệ khác, không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo đảm không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các tổ chức, cá nhân đang được bảo hộ tại Việt Nam.

b) Mục tiêu, phương hướng hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ không được vi phạm các quy định tại Điều 8 của Luật khoa học và công nghệ và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

c) Trụ sở chính có địa chỉ được xác định rõ theo địa danh hành chính, có số điện thoại, số fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).

d) Người đại diện.

đ) Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức khoa học và công nghệ phù hợp mục tiêu, phương hướng hoạt động.

e) Lĩnh vực hoạt động, thuộc một trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, triển khai thực nghiệm, sản xuất thử nghiệm; sản xuất, kinh doanh sản phẩm là kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; dịch vụ khoa học và công nghệ.

Trường hợp tổ chức khoa học và công nghệ do cá nhân thành lập thì lĩnh vực hoạt động theo quy định tại Khoản 4 Điều 20 Luật khoa học và công nghệ.

g) Cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của các chức danh trong bộ máy lãnh đạo và các cơ quan khác của tổ chức khoa học và công nghệ.

h) Vốn điều lệ của tổ chức, bao gồm tiền mặt và các tài sản khác quy ra tiền; nguyên tắc tăng giảm vốn hoạt động và các nguyên tắc về tài chính khác.

i) Điều kiện, trình tự, thủ tục sáp nhập, chia, tách, giải thể (nếu có).

k) Cam kết tuân thủ pháp luật.

2. Nhân lực khoa học và công nghệ

a) Mỗi tổ chức khoa học và công nghệ phải có ít nhất 05 (năm) người có trình độ đại học trở lên bao gồm làm việc chính thức và kiêm nhiệm, trong đó có ít nhất 30% có trình độ chuyên môn phù hợp với lĩnh vực chủ yếu xin đăng ký hoạt động và ít nhất 40% làm việc chính thức.

Trường hợp thành lập tổ chức khoa học và công nghệ để phát triển ngành khoa học và công nghệ mới thì tổ chức khoa học và công nghệ phải có ít nhất (một) người có trình độ đại học trở lên thuộc ngành đăng ký hoạt động làm việc chính thức.

b) Người đứng đầu tổ chức khoa học và công nghệ phải có trình độ đại học trở lên, có kinh nghiệm quản lý, năng lực chuyên môn phù hợp.

Đối với tổ chức khoa học và công nghệ là cơ sở giáo dục đại học thì người đứng đầu phải đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về giáo dục đại học.

3. Cơ sở vật chất - kỹ thuật

Có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng trụ sở, nhà xưởng, phòng thí nghiệm, máy móc thiết bị, tài sản trí tuệ, các phương tiện vật chất - kỹ thuật khác để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức khoa học và công nghệ.

4. Đối với tổ chức khoa học và công nghệ công lập còn phải phù hợp với quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

5. Đối với tổ chức khoa học và công nghệ có vốn nước ngoài còn phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Khoản 3 Điều 11 của Luật khoa học và công nghệ.

6. Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn cụ thể các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
...
Điều 9. Trình tự, thủ tục đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ

1. Hồ sơ đăng ký hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ bao gồm:

a) Đơn đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ;

b) Quyết định thành lập tổ chức khoa học và công nghệ;

c) Lý lịch khoa học của người đứng đầu tổ chức khoa học và công nghệ;

d) Điều lệ tổ chức và hoạt động đã được cơ quan, tổ chức, cá nhân thành lập phê duyệt;

đ) Tài liệu chứng minh có đủ nhân lực và cơ sở vật chất - kỹ thuật theo quy định của pháp luật để hoạt động khoa học và công nghệ, trừ trường hợp các tổ chức khoa học và công nghệ đã được cơ quan có thẩm quyền quy định tại Khoản 4 và Khoản 5 Điều 6 Nghị định này thẩm định trước khi thành lập hoặc cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 7 Nghị định này cho phép thành lập.

Tổ chức, cá nhân đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ chịu trách nhiệm trước pháp luật về các nội dung kê khai trong hồ sơ theo quy định tại Khoản này.

2. Trình tự, thủ tục đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ bao gồm:

a) Hồ sơ đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ được lập thành 02 (hai) bộ và gửi đến cơ quan có thẩm quyền đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ quy định tại Điều 8 Nghị định này bằng đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp;

b) Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không đầy đủ theo quy định tại Khoản 1 Điều này thì trong thời hạn chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ phải thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân để sửa đổi, bổ sung;

c) Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Khoản 1 Điều này, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ. Trong trường hợp hồ sơ đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ không được chấp thuận, cơ quan có thẩm quyền đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ gửi thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân trong đó nêu rõ lý do.

3. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành mẫu Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ, mẫu tài liệu thuộc hồ sơ đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ.
...
Điều 11. Trách nhiệm đăng ký, báo cáo hoạt động khoa học và công nghệ

1. Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày được thành lập, tổ chức khoa học và công nghệ phải đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 8 Nghị định này.

2. Các tổ chức khoa học và công nghệ không thực hiện việc đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định tại Khoản 1 Điều này không được tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, không được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Tổ chức khoa học và công nghệ có trách nhiệm định kỳ hằng năm hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ có thẩm quyền báo cáo về tình hình hoạt động của tổ chức theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Xem nội dung VB
Điều 11. Điều kiện thành lập, đăng ký hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ

1. Tổ chức khoa học và công nghệ được thành lập khi có đủ điều kiện sau đây:

a) Có điều lệ tổ chức và hoạt động, mục tiêu, phương hướng hoạt động phù hợp với quy định của pháp luật;

b) Nhân lực khoa học và công nghệ, cơ sở vật chất - kỹ thuật đáp ứng yêu cầu thực hiện mục tiêu, phương hướng và điều lệ tổ chức và hoạt động.

2. Ngoài các quy định tại khoản 1 Điều này, việc thành lập tổ chức khoa học và công nghệ công lập phải phù hợp với quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ và ý kiến thẩm định của cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ theo phân cấp của Chính phủ.

Trường hợp Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc thì Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập Hội đồng liên ngành để thẩm định.

3. Việc thành lập tổ chức khoa học và công nghệ có vốn nước ngoài phải tuân thủ các quy định tại khoản 1 Điều này và đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Mục đích, nội dung, lĩnh vực hoạt động phù hợp với quy định của pháp luật, yêu cầu phát triển khoa học và công nghệ và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam;

b) Được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho phép thành lập;

c) Được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) cho phép đặt trụ sở làm việc tại địa phương.

4. Tổ chức khoa học và công nghệ phải đăng ký hoạt động tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về khoa học và công nghệ và được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ.

5. Chính phủ quy định cụ thể điều kiện thành lập, thẩm quyền, trình tự, thủ tục đăng ký hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ.
Điều này được hướng dẫn bởi các Điều 4, 9, 11 Nghị định 08/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014
Khoản này được hướng dẫn bởi các Điều 8, 10, 12 Nghị định 08/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khoa học và công nghệ,
...
Điều 8. Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ

1. Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ cho tổ chức khoa học và công nghệ do các cơ quan quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e Khoản 1 Điều 12 của Luật khoa học và công nghệ và do tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp ở Trung ương thành lập, tổ chức khoa học và công nghệ có vốn nước ngoài và tổ chức khoa học và công nghệ là cơ sở giáo dục đại học.

2. Sở Khoa học và Công nghệ nơi tổ chức khoa học và công nghệ đặt trụ sở chính cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ cho tổ chức khoa học và công nghệ không thuộc quy định tại Khoản 1 Điều này.

3. Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ thì có thẩm quyền cấp thay đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ, đình chỉ, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ đã cấp.
...
Điều 10. Trình tự, thủ tục thay đổi, bổ sung, cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ

1. Đối với trường hợp thay đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ, hồ sơ bao gồm:

a) Đơn của tổ chức khoa học và công nghệ;

b) Tài liệu liên quan đến nội dung thay đổi, bổ sung tương ứng;

c) Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ đã được cấp.

2. Đối với trường hợp cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ, hồ sơ bao gồm:

a) Đơn của tổ chức khoa học và công nghệ;

b) Xác nhận của cơ quan công an, giấy biên nhận của cơ quan báo, đài đăng thông báo về việc mất Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ đã được cấp đối với trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ bị rách, nát.

3. Hồ sơ đề nghị thay đổi, bổ sung, cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ được lập thành 02 (hai) bộ và gửi đến cơ quan có thẩm quyền đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ quy định tại Điều 8 Nghị định này bằng đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét, cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ. Trong trường hợp không chấp thuận, cơ quan có thẩm quyền đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ gửi thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân trong đó nêu rõ lý do.
...
Điều 12. Đình chỉ, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ

1. Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ bị đình chỉ hiệu lực đến 06 tháng trong các trường hợp sau đây:

a) Quá 12 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ không triển khai hoạt động;

b) Ngừng hoạt động quá 12 tháng liên tục mà không có lý do chính đáng;

c) Không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hằng năm về tình hình hoạt động cho cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ 02 năm liên tiếp;

d) Không còn đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 4 Nghị định này trong thời hạn 12 tháng liên tục;

đ) Không đăng ký thay đổi, bổ sung, cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày có thay đổi, bổ sung hoặc mất Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ.

2. Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ bị hủy bỏ trong các trường hợp sau đây:

a) Giả mạo nội dung kê khai trong hồ sơ để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ;

b) Quá thời hạn đình chỉ Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ mà tổ chức khoa học và công nghệ không tiến hành các biện pháp khắc phục hoặc không khắc phục được theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

c) Theo quyết định, đề nghị của các cơ quan có thẩm quyền khi tổ chức khoa học và công nghệ có hành vi vi phạm trong hoạt động.

3. Cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ có quyền đình chỉ, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ và thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tổ chức khoa học và công nghệ đặt trụ sở, thông báo trên trang thông tin điện tử của cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ.

Xem nội dung VB
Điều 11. Điều kiện thành lập, đăng ký hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ
...
4. Tổ chức khoa học và công nghệ phải đăng ký hoạt động tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về khoa học và công nghệ và được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ.
Khoản này được hướng dẫn bởi các Điều 8, 10, 12 Nghị định 08/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014
Khoản này được hướng dẫn bởi các Điều 5, 6, 7 Nghị định 08/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khoa học và công nghệ,
...
Điều 5. Thẩm quyền thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể tổ chức khoa học và công nghệ

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền quy định tại Khoản 1 Điều 12 Luật khoa học và công nghệ quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập tổ chức khoa học và công nghệ khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 4 Nghị định này.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thành lập tổ chức khoa học và công nghệ thì có thẩm quyền chia, tách, giải thể, sáp nhập tổ chức khoa học và công nghệ do mình thành lập.

3. Thẩm quyền thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể tổ chức khoa học và công nghệ là cơ sở giáo dục đại học thực hiện theo quy định của pháp luật về giáo dục đại học.

Điều 6. Trình tự, thủ tục thành lập tổ chức khoa học và công nghệ công lập

1. Hồ sơ đề nghị thành lập tổ chức khoa học và công nghệ công lập bao gồm tờ trình về việc thành lập, đề án thành lập, dự thảo quyết định thành lập, dự thảo điều lệ tổ chức và hoạt động.

2. Hồ sơ đề nghị thành lập tổ chức khoa học và công nghệ công lập được lập thành 02 (hai) bộ và gửi về cơ quan có thẩm quyền thành lập quy định tại Khoản 1 Điều 12 Luật khoa học và công nghệ bằng đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ quy định tại Khoản 1 Điều này, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền thông báo bằng văn bản cho tổ chức lập hồ sơ biết để sửa đổi, bổ sung.

4. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, các cơ quan sau đây phải có ý kiến thẩm định:

a) Bộ Khoa học và Công nghệ đối với tổ chức khoa học và công nghệ công lập ở Trung ương;

b) Sở Khoa học và Công nghệ đối với tổ chức khoa học và công nghệ khác.

5. Trường hợp Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc thì Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập Hội đồng liên ngành để thẩm định. Thành phần Hội đồng bao gồm các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia pháp lý, trong đó, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ không quá 1/3 tổng số thành viên Hội đồng.

6. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản thẩm định, cơ quan có thẩm quyền thành lập xem xét và ra quyết định thành lập. Trường hợp không chấp thuận thành lập tổ chức khoa học và công nghệ, cơ quan có thẩm quyền gửi thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân và nêu rõ lý do.

7. Trình tự, thủ tục thành lập tổ chức khoa học và công nghệ là cơ sở giáo dục đại học thực hiện theo quy định của pháp luật về giáo dục đại học; việc thẩm định thành lập cơ sở giáo dục đại học công lập phải có sự tham gia của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Điều 7. Trình tự, thủ tục thành lập tổ chức khoa học và công nghệ có vốn nước ngoài và tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập

1. Hồ sơ đề nghị cho phép thành lập tổ chức khoa học và công nghệ có vốn nước ngoài bao gồm:

a) Đơn đề nghị cho phép thành lập tổ chức khoa học và công nghệ theo mẫu do Bộ Khoa học và Công nghệ quy định;

b) Văn bản xác nhận tư cách pháp lý của tổ chức nước ngoài;

c) Lý lịch tư pháp của người đứng đầu của tổ chức khoa học và công nghệ có vốn nước ngoài;

d) Dự thảo điều lệ tổ chức và hoạt động;

đ) Đề án thành lập tổ chức khoa học và công nghệ, bao gồm phần thuyết minh về sự cần thiết thành lập; tính phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển khoa học và công nghệ, phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; mục tiêu, nội dung, lĩnh vực, phạm vi hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam; quy mô đầu tư; dự kiến về nguồn nhân lực khoa học và công nghệ; phân tích tài chính (nếu có);

e) Các tài liệu chứng minh đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 4 Nghị định này;

g) Văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức đặt trụ sở chính chấp thuận về địa điểm đặt trụ sở của tổ chức khoa học và công nghệ;

h) Báo cáo tài chính đã được kiểm toán hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương trong năm tài chính gần nhất của tổ chức, cá nhân nước ngoài;

Tài liệu trong hồ sơ quy định tại Khoản này bằng tiếng nước ngoài phải được dịch ra tiếng Việt.

Tài liệu quy định tại các điểm b, c và h Khoản này phải được hợp pháp hóa lãnh sự.

Trường hợp dự án thành lập tổ chức khoa học và công nghệ gắn với việc đầu tư xây dựng công trình, hồ sơ kèm theo bao gồm dự án đầu tư xây dựng công trình (báo cáo nghiên cứu khả thi) theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình.

2. Trình tự, thủ tục thành lập tổ chức khoa học và công nghệ có vốn nước ngoài bao gồm:

a) Hồ sơ được lập thành 02 (hai) bộ gửi về Bộ Khoa học và Công nghệ bằng đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp;

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ quy định tại Khoản 1 Điều này, Bộ Khoa học và Công nghệ kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Bộ Khoa học và Công nghệ thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân biết để sửa đổi, bổ sung.

Trường hợp hồ sơ hợp lệ, Bộ Khoa học và Công nghệ gửi hồ sơ lấy ý kiến của các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan;

c) Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cho phép thành lập tổ chức khoa học và công nghệ có vốn nước ngoài, các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan có ý kiến bằng văn bản và chịu trách nhiệm về nội dung theo chức năng quản lý của mình;

d) Trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định cho phép thành lập, phê duyệt điều lệ tổ chức và hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ có vốn nước ngoài và sao gửi Quyết định cho phép thành lập tổ chức khoa học và công nghệ có vốn nước ngoài đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức được chấp thuận đặt trụ sở chính;

đ) Trường hợp không được chấp thuận, Bộ Khoa học và Công nghệ gửi thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân trong đó nêu rõ lý do;

e) Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày có quyết định cho phép thành lập, tổ chức khoa học và công nghệ có vốn nước ngoài tiến hành thành lập.

3. Tổ chức, cá nhân quyết định thành lập tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập của mình. Đối với tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập là cơ sở giáo dục đại học thì việc thành lập thực hiện theo quy định của pháp luật về giáo dục đại học.

Xem nội dung VB
Điều 12. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể tổ chức khoa học và công nghệ

1. Thẩm quyền thành lập tổ chức khoa học và công nghệ được quy định như sau:

a) Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thành lập tổ chức khoa học và công nghệ thuộc Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội;

b) Chính phủ thành lập tổ chức khoa học và công nghệ thuộc Chính phủ;

c) Toà án nhân dân tối cao thành lập tổ chức khoa học và công nghệ thuộc Tòa án nhân dân tối cao;

d) Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thành lập tổ chức khoa học và công nghệ thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

đ) Thủ tướng Chính phủ thành lập hoặc ủy quyền cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thành lập tổ chức khoa học và công nghệ thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

e) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thành lập tổ chức khoa học và công nghệ thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trừ trường hợp quy định tại điểm đ khoản này;

g) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập tổ chức khoa học và công nghệ của địa phương theo thẩm quyền;

h) Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp thành lập tổ chức khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật và điều lệ;

i) Doanh nghiệp, tổ chức khác, cá nhân thành lập tổ chức khoa học và công nghệ của mình.
Khoản này được hướng dẫn bởi các Điều 5, 6, 7 Nghị định 08/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014
Khoản này được hướng dẫn từ Điều 13 đến Điều 18 Nghị định 08/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khoa học và công nghệ,
...
Điều 13. Sáp nhập tổ chức khoa học và công nghệ
..
Điều 14. Chia tổ chức khoa học và công nghệ
..
Điều 15. Tách tổ chức khoa học và công nghệ
..
Điều 16. Giải thể tổ chức khoa học và công nghệ
..
Điều 17. Sáp nhập, chia, tách, giải thể tổ chức khoa học và công nghệ là cơ sở giáo dục đại học
..
Điều 18. Thành lập tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc ở nước ngoài

Xem nội dung VB
Điều 12. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể tổ chức khoa học và công nghệ
...
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân thành lập tổ chức khoa học và công nghệ có quyền quyết định việc sáp nhập, chia, tách, giải thể tổ chức khoa học và công nghệ; quy định chức năng, nhiệm vụ của tổ chức khoa học và công nghệ do mình thành lập phù hợp với quy định của pháp luật.
Khoản này được hướng dẫn từ Điều 13 đến Điều 18 Nghị định 08/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 21, Điều 22 Nghị định 08/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khoa học và công nghệ,
...
Điều 21. Điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài

1. Tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài được thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam khi đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 Luật khoa học và công nghệ.

Văn phòng đại diện, chi nhánh phải đáp ứng điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 20 Nghị định này.

2. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép thành lập văn phòng đại diện do đại diện có thẩm quyền của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài ký;

b) Bản sao giấy đăng ký hoạt động hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền thành lập xác nhận. Trong trường hợp giấy đăng ký hoạt động hoặc giấy tờ có giá trị tương đương có quy định thời hạn hoạt động của tổ chức nước ngoài thì thời hạn đó phải còn ít nhất là 01 năm;

c) Báo cáo tài chính có kiểm toán hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương trong năm tài chính gần nhất của tổ chức khoa học và công nghệ;

d) Bản sao điều lệ tổ chức và hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài;

đ) Lý lịch tư pháp người đứng đầu văn phòng đại diện của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài;

e) Văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc cho phép đặt trụ sở của văn phòng đại diện.

Các giấy tờ quy định tại các điểm b, c, d và đ Khoản này phải được dịch ra tiếng Việt và được hợp pháp hóa lãnh sự.

3. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập chi nhánh tại Việt Nam của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép thành lập chi nhánh do đại diện có thẩm quyền của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài ký;

b) Bản sao điều lệ tổ chức và hoạt động của chi nhánh, trong đó quy định rõ phạm vi ủy quyền cho người đứng đầu chi nhánh;

c) Bản sao giấy đăng ký hoạt động hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền nơi tổ chức đó thành lập hoặc đăng ký hoạt động xác nhận. Trong trường hợp giấy đăng ký hoạt động hoặc giấy tờ có giá trị tương đương có quy định thời hạn hoạt động của tổ chức, cá nhân thì thời hạn đó phải còn ít nhất là 03 năm;

d) Báo cáo tài chính có kiểm toán hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương trong năm tài chính gần nhất của tổ chức khoa học và công nghệ;

đ) Lý lịch tư pháp người đứng đầu chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài;

e) Văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc cho phép đặt trụ sở của chi nhánh.

Các giấy tờ quy định tại các điểm b, c, d và đ Khoản này phải được dịch ra tiếng Việt và được hợp pháp hóa lãnh sự.

4. Trình tự, thủ tục thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài bao gồm:

a) Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài được lập thành 02 (hai) bộ và gửi đến Bộ Khoa học và Công nghệ;

b) Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp cho tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài Giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh và gửi bản sao Giấy phép tới Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi văn phòng đại diện, chi nhánh đặt trụ sở;

c) Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, Bộ Khoa học và Công nghệ thông báo bằng văn bản để tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ;

d) Trong quá trình xem xét hồ sơ xin cấp Giấy phép, nếu xét thấy cần thiết, trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của tổ chức, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tiến hành thẩm định hồ sơ đề nghị thành lập;

đ) Trong quá trình xem xét hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép, Bộ Khoa học và Công nghệ có quyền yêu cầu tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài xuất trình các tài liệu liên quan để chứng minh nêu trong hồ sơ có thông tin cần làm rõ;

e) Trường hợp không đủ điều kiện cấp Giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh, Bộ Khoa học và Công nghệ phải thông báo bằng văn bản cho tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài và nêu rõ lý do.

5. Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn cụ thể về mẫu đơn đề nghị cấp Giấy phép thành lập văn phòng đại diện quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này, mẫu đơn đề nghị cấp Giấy phép thành lập chi nhánh quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều này và mẫu Giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều này; thủ tục cấp lại, gia hạn, thay đổi, bổ sung, đình chỉ, hủy bỏ hiệu lực Giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh,

Điều 22. Quyền và nghĩa vụ của văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài

1. Văn phòng đại diện, chi nhánh có các quyền sau đây:

a) Được Nhà nước Việt Nam bảo hộ các quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

b) Có con dấu mang tên văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài theo quy định hiện hành của pháp luật khác có liên quan;

c) Thuê trụ sở, thuê, mua các phương tiện, vật dụng cần thiết cho hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh;

d) Mở tài khoản bằng ngoại tệ, bằng đồng Việt Nam tại ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam và chỉ được sử dụng tài khoản này vào hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh;

đ) Tuyển dụng lao động là người Việt Nam, người nước ngoài để làm việc tại văn phòng đại diện, chi nhánh theo quy định của pháp luật khác có liên quan;

e) Các quyền khác theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ và pháp luật khác có liên quan.

2. Văn phòng đại diện, chi nhánh có các nghĩa vụ sau đây:

a) Hoạt động theo đúng nội dung, lĩnh vực hoạt động quy định trong Giấy phép thành lập;

b) Thực hiện đăng ký thay đổi, bổ sung, cấp lại, gia hạn Giấy phép thành lập theo quy định của pháp luật khác có liên quan;

c) Trưởng văn phòng đại diện, chi nhánh chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam, có trách nhiệm định kỳ báo cáo bằng văn bản về hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam cho cơ quan cấp Giấy phép thành lập trước ngày 15 tháng 12 hằng năm; báo cáo, cung cấp tài liệu, giải thích những vấn đề liên quan khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam;

d) Trưởng văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài tại Việt Nam thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền;

đ) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ và pháp luật khác có liên quan.

Xem nội dung VB
Điều 15. Văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài

1. Tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài được thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam để hoạt động khoa học và công nghệ, hoạt động liên quan trực tiếp đến hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Việc thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Là tổ chức khoa học và công nghệ hợp pháp của tổ chức quốc tế, quốc gia, vùng lãnh thổ nơi tổ chức đó thành lập hoặc đăng ký hoạt động;

b) Đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 11 của Luật này;

c) Hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ mà Việt Nam có nhu cầu;

d) Cam kết chấp hành nghiêm chỉnh quy định pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

3. Giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cấp và có thời hạn không quá 05 năm nhưng không vượt quá thời hạn còn lại của giấy đăng ký hoạt động hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài trong trường hợp pháp luật quốc gia đó có quy định thời hạn giấy đăng ký hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài.

4. Văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài được thực hiện hoạt động khoa học và công nghệ ghi trong giấy phép thành lập và có quyền, nghĩa vụ theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

5. Chính phủ quy định cụ thể về điều kiện, trình tự và thủ tục thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài.
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 21, Điều 22 Nghị định 08/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014
Khoản này được hướng dẫn bởi các Điều 19, 20, 23 Nghị định 08/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khoa học và công nghệ,
...
Điều 19. Văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ

1. Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của tổ chức khoa học và công nghệ, đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của tổ chức khoa học và công nghệ và thực hiện bảo vệ các lợi ích đó.

2. Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của tổ chức khoa học và công nghệ, thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của tổ chức khoa học và công nghệ, kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền.

3. Văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ không có tư cách pháp nhân, không được thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh trực thuộc. Lĩnh vực hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh phải phù hợp với lĩnh vực hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ.

Điều 20. Điều kiện thành lập và đăng ký hoạt động văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ trong nước

1. Điều kiện thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh

a) Lĩnh vực hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh phải phù hợp với lĩnh vực hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ.

b) Việc thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh được quy định trong Điều lệ tổ chức và hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ.

c) Văn phòng đại diện phải có ít nhất 02 (hai) người có trình độ cao đẳng trở lên; chi nhánh phải có ít nhất 03 (ba) người có trình độ đại học trở lên, trong đó ít nhất 01 (một) người có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực chủ yếu xin đăng ký hoạt động. Người đứng đầu phải có trình độ đại học trở lên và làm việc chính thức tại văn phòng đại diện, chi nhánh.

d) Văn phòng đại diện, chi nhánh phải có trụ sở như đối với tổ chức khoa học và công nghệ quy định tại Nghị định này.

2. Tổ chức khoa học và công nghệ có trách nhiệm đăng ký hoạt động văn phòng đại diện, chi nhánh tại Sở Khoa học và Công nghệ nơi đặt trụ sở văn phòng đại diện, chi nhánh. Hồ sơ đăng ký được lập thành 02 (hai) bộ, bao gồm:

a) Đơn đăng ký hoạt động;

b) Quyết định thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh;

c) Lý lịch của người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh;

d) Tài liệu chứng minh về nhân lực, trụ sở của văn phòng đại diện, chi nhánh;

đ) Bản sao (có chứng thực hợp pháp) đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ của tổ chức khoa học và công nghệ.

3. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận hoạt động văn phòng đại diện, chi nhánh. Trường hợp không đồng ý, phải trả lời bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân và nêu rõ lý do.

4. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận hoạt động văn phòng đại diện, chi nhánh, tổ chức khoa học và công nghệ quy định tại Khoản 2 Điều này phải gửi bản sao Giấy chứng nhận hoạt động văn phòng đại diện, chi nhánh cho cơ quan đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ cho mình.

5. Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn cụ thể về tài liệu trong hồ sơ đăng ký hoạt động văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ quy định tại Khoản 2 Điều này và mẫu Giấy chứng nhận hoạt động văn phòng đại diện, chi nhánh.
...
Điều 23. Tổ chức khoa học và công nghệ Việt Nam thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh ở nước ngoài

1. Tổ chức khoa học và công nghệ được thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh ở nước ngoài có đơn đề nghị kèm theo các tài liệu chứng minh đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Tính đến thời điểm đề nghị thành lập chi nhánh đã có thời gian hoạt động tối thiểu là 03 năm và tính đến thời điểm đề nghị thành lập văn phòng đại diện đã có thời gian hoạt động tối thiểu là 01 năm;

b) Có đề án thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh ở nước ngoài có tính khả thi; mục tiêu, phương hướng hoạt động rõ ràng, phù hợp quy định của pháp luật Việt Nam;

c) Chấp hành đúng chế độ báo cáo tình hình hoạt động hằng năm đối với cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ và các nghĩa vụ khác đối với nhà nước;

d) Tuân thủ các quy định của pháp luật về hợp tác, đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Không vi phạm các điều cấm của pháp luật về khoa học và công nghệ và pháp luật khác có liên quan.

2. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đơn đề nghị và các tài liệu kèm theo, Bộ Khoa học và Công nghệ có văn bản thông báo về việc đáp ứng các yêu cầu quy định tại Khoản 1 Điều này.

3. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh ở nước ngoài, tổ chức khoa học và công nghệ phải thông báo cho Bộ Khoa học và Công nghệ.

Xem nội dung VB
Điều 13. Quyền của tổ chức khoa học và công nghệ
...
3. Thành lập tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp khoa học và công nghệ trực thuộc, văn phòng đại diện, chi nhánh trong nước và ở nước ngoài để hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Khoản này được hướng dẫn bởi các Điều 19, 20, 23 Nghị định 08/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 30 Nghị định 08/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khoa học và công nghệ,
...
Điều 30. Trình tự, thủ tục xác định, phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt

1. Tiêu chí xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt

a) Có quy mô lớn phục vụ trực tiếp quốc phòng an ninh, có tác động mạnh đến năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm quốc gia;

b) Yêu cầu sử dụng kinh phí ngoài dự toán ngân sách nhà nước hằng năm dành cho nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia;

c) Đòi hỏi cơ chế, chính sách đặc biệt.

2. Thẩm quyền quyết định phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt

a) Đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt thuộc loại dự án, công trình quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư thì Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Chính phủ để trình Quốc hội theo quy định của pháp luật liên quan;

b) Trường hợp nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt không thuộc quy định tại Điểm a Khoản này thì Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

3. Đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt được quy định như sau:

a) Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan nhà nước khác ở Trung ương đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt theo mẫu hồ sơ do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành và gửi về Bộ Khoa học và Công nghệ;

b) Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm tổng hợp, tổ chức việc thẩm định đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Xem nội dung VB
Điều 54. Cơ chế đầu tư đặc biệt thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt

1. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ quy mô lớn phục vụ quốc phòng, an ninh, có tác động mạnh đến năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm quốc gia được áp dụng cơ chế đầu tư đặc biệt.

2. Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc loại dự án, công trình quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

3. Thủ tướng Chính phủ quyết định thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Chính phủ quy định tiêu chí xác định nhiệm vụ, cơ chế đầu tư đặc biệt và phương thức thực hiện đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ được áp dụng cơ chế đầu tư đặc biệt quy định tại Điều này.
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 6 Nghị định 95/2014/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2014
Căn cứ Luật Khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ.
...
Điều 6. Cơ chế đầu tư đặc biệt và phương thức thực hiện đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt

1. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt là nhiệm vụ được quy định tại Điều 54 Luật Khoa học và công nghệ.

2. Cơ chế đầu tư đặc biệt

a) Nhà nước bảo đảm tập trung đủ kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt. Kinh phí được huy động từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn hợp pháp khác;

b) Kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt được phê duyệt chi tiết theo từng nguồn cụ thể trong tổng kinh phí thực hiện từng nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt;

c) Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm trình Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt trong đó có tổng mức đầu tư, cơ cấu kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt. Thủ tướng Chính phủ quyết định theo thẩm quyền hoặc trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư.

3. Phương thức thực hiện

a) Nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt được giao trực tiếp cho tổ chức chủ trì thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt phải thực hiện cấp bách, cơ quan chủ trì có trách nhiệm triển khai kịp thời nhiệm vụ theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, được tạm ứng kinh phí để thực hiện, đồng thời xây dựng dự toán tổng kinh phí trình cấp có thẩm quyền theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều này phê duyệt;

b) Tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt được mở tài khoản riêng dùng cho việc tiếp nhận và giải ngân nguồn kinh phí phục vụ cho nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt đã được phê duyệt;

c) Trường hợp cần bổ sung kinh phí thì tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ trình cấp có thẩm quyền theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều này quyết định;

d) Tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt định kỳ hoặc đột xuất báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt;

đ) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm đáp ứng kịp thời các yêu cầu, đề xuất huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt của tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ.

4. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt được coi là hoàn thành sau khi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về khoa học và công nghệ có văn bản xác nhận kết quả nghiệm thu từ mức đạt yêu cầu trở lên.

5. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan hướng dẫn, tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt.

Xem nội dung VB
Điều 54. Cơ chế đầu tư đặc biệt thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt

1. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ quy mô lớn phục vụ quốc phòng, an ninh, có tác động mạnh đến năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm quốc gia được áp dụng cơ chế đầu tư đặc biệt.

2. Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc loại dự án, công trình quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

3. Thủ tướng Chính phủ quyết định thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Chính phủ quy định tiêu chí xác định nhiệm vụ, cơ chế đầu tư đặc biệt và phương thức thực hiện đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ được áp dụng cơ chế đầu tư đặc biệt quy định tại Điều này.
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 30 Nghị định 08/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 6 Nghị định 95/2014/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2014
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 31 Nghị định 08/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khoa học và công nghệ,
...
Điều 31. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được giao trực tiếp

1. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được giao trực tiếp là nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 30 Luật khoa học và công nghệ.

2. Người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp lựa chọn tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện để giao thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ khoa học và công nghệ phải lập đề cương và bảo vệ trước Hội đồng khoa học và công nghệ do cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ thành lập.

3. Tổ chức khoa học và công nghệ được giao trực tiếp nhiệm vụ khoa học và công nghệ có thể tổ chức thực hiện các nhiệm vụ này theo phương thức tuyển chọn hoặc giao trực tiếp cho tập thể, cá nhân trong tổ chức mình. Nếu thực hiện theo phương thức tuyển chọn thì phải thành lập Hội đồng tuyển chọn theo quy định tại Khoản 5 Điều 29 của Luật khoa học và công nghệ và hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ. Trường hợp thực hiện theo phương thức giao trực tiếp thì phải thành lập Hội đồng khoa học và công nghệ xét duyệt đề cương thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

4. Trong trường hợp cần thiết, người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ có quyền lấy thêm ý kiến tư vấn của tổ chức, chuyên gia tư vấn độc lập trước khi quyết định.

Xem nội dung VB
Điều 30. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được giao trực tiếp

1. Nhà nước giao trực tiếp cho tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ đối với một trong các trường hợp sau đây:

a) Nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc bí mật quốc gia, đặc thù phục vụ an ninh, quốc phòng;

b) Nhiệm vụ khoa học và công nghệ đột xuất;

c) Nhiệm vụ khoa học và công nghệ mà chỉ có một tổ chức khoa học và công nghệ có đủ điều kiện về nhân lực, chuyên môn, trang thiết bị để thực hiện nhiệm vụ đó.

2. Người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định giao nhiệm vụ khoa học và công nghệ quy định tại Điều này sau khi lấy ý kiến tư vấn của Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ và phải chịu trách nhiệm về việc giao nhiệm vụ của mình. Tổ chức, cá nhân được giao chủ trì nhiệm vụ phải có đủ năng lực, điều kiện và chuyên môn phù hợp.

Trong trường hợp cần thiết, người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước có quyền lấy thêm ý kiến tư vấn của chuyên gia tư vấn độc lập trước khi quyết định.

3. Chính phủ quy định cụ thể Điều này.
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 31 Nghị định 08/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 41 Nghị định 08/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khoa học và công nghệ,
...
Điều 41. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức được giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước

1. Tổ chức được giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước có các quyền sau:

a) Thực hiện quyền sở hữu, quyền sử dụng theo đúng quy định của pháp luật chuyển giao công nghệ, pháp luật sở hữu trí tuệ, các quy định khác của pháp luật có liên quan và quyết định giao quyền từ đại diện chủ sở hữu nhà nước;

b) Hưởng phần phân chia lợi nhuận tạo ra từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo quy định tại Điều 42 Nghị định này;

c) Hưởng các ưu đãi của Nhà nước về hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

2. Tổ chức được giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước có các nghĩa vụ sau:

a) Khai thác có hiệu quả quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;

b) Đăng ký bảo hộ, khai thác, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với những kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được giao quyền sở hữu; thực hiện những nghĩa vụ tài chính theo quy định tại Điều 42 Nghị định này;

c) Định kỳ hằng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu báo cáo đại diện chủ sở hữu nhà nước về hiệu quả khai thác, chuyển giao, chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;

d) Thông báo với đại diện chủ sở hữu nhà nước khi không còn khả năng khai thác quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Xem nội dung VB
Điều 42. Quyền tác giả đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ

Người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ là tác giả của kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đó. Tác giả của kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được hưởng quyền theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 41 Nghị định 08/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 41 Nghị định 08/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khoa học và công nghệ,
...
Điều 41. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức được giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước

1. Tổ chức được giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước có các quyền sau:

a) Thực hiện quyền sở hữu, quyền sử dụng theo đúng quy định của pháp luật chuyển giao công nghệ, pháp luật sở hữu trí tuệ, các quy định khác của pháp luật có liên quan và quyết định giao quyền từ đại diện chủ sở hữu nhà nước;

b) Hưởng phần phân chia lợi nhuận tạo ra từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo quy định tại Điều 42 Nghị định này;

c) Hưởng các ưu đãi của Nhà nước về hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

2. Tổ chức được giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước có các nghĩa vụ sau:

a) Khai thác có hiệu quả quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;

b) Đăng ký bảo hộ, khai thác, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với những kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được giao quyền sở hữu; thực hiện những nghĩa vụ tài chính theo quy định tại Điều 42 Nghị định này;

c) Định kỳ hằng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu báo cáo đại diện chủ sở hữu nhà nước về hiệu quả khai thác, chuyển giao, chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;

d) Thông báo với đại diện chủ sở hữu nhà nước khi không còn khả năng khai thác quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Xem nội dung VB
Điều 42. Quyền tác giả đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ

Người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ là tác giả của kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đó. Tác giả của kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được hưởng quyền theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 41 Nghị định 08/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014
Nguyên tắc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ được hướng dẫn bởi Điều 3 Nghị định 40/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2014
Căn cứ Luật Khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ.
...
Điều 3. Nguyên tắc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ

1. Tạo điều kiện, môi trường làm việc thuận lợi cho cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ phát huy tối đa năng lực và được hưởng lợi ích xứng đáng với kết quả hoạt động khoa học và công nghệ.

2. Bảo đảm đúng đối tượng, tạo điều kiện cho nhân tài thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ quan trọng để phát huy tài năng và được hưởng lợi ích xứng đáng với nhiệm vụ đảm nhận.

3. Nhà nước bảo đảm nguồn lực để thực hiện chính sách sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ.

Xem nội dung VB
Điều 5. Nguyên tắc hoạt động khoa học và công nghệ

1. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển khoa học và công nghệ.

2. Xây dựng và phát huy năng lực nội sinh về khoa học và công nghệ kết hợp với việc tiếp thu có chọn lọc thành tựu khoa học và công nghệ của thế giới, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

3. Bảo đảm quyền tự do sáng tạo, phát huy dân chủ trong hoạt động khoa học và công nghệ vì sự phát triển của đất nước.

4. Trung thực, khách quan, đề cao đạo đức nghề nghiệp, tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

5. Bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe con người, bảo vệ môi trường.
Nguyên tắc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ được hướng dẫn bởi Điều 3 Nghị định 40/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2014
Nội dung này được hướng dẫn bởi Điều 4 và Điều 5 Nghị định 40/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2014
Căn cứ Luật Khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ.
...
Điều 4. Chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ

1. Chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ:

a) Chức danh nghiên cứu khoa học (sau đây gọi tắt là chức danh khoa học) gồm: Trợ lý nghiên cứu, nghiên cứu viên, nghiên cứu viên chính, nghiên cứu viên cao cấp;

b) Chức danh công nghệ gồm: Kỹ thuật viên và tương đương, kỹ sư và tương đương, kỹ sư chính và tương đương, kỹ sư cao cấp và tương đương.

2. Hạng chức danh nghề nghiệp đối với cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ trong đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động khoa học và công nghệ:

a) Hạng chức danh khoa học gồm: Chức danh khoa học hạng IV là trợ lý nghiên cứu, chức danh khoa học hạng III là nghiên cứu viên, chức danh khoa học hạng II là nghiên cứu viên chính, chức danh khoa học hạng I là nghiên cứu viên cao cấp;

b) Hạng chức danh công nghệ gồm: Chức danh công nghệ hạng IV là kỹ thuật viên và tương đương, chức danh công nghệ hạng III là kỹ sư và tương đương, chức danh công nghệ hạng II là kỹ sư chính và tương đương, chức danh công nghệ hạng I là kỹ sư cao cấp và tương đương.

3. Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng, ban hành tiêu chuẩn các chức danh khoa học và chức danh công nghệ là kỹ thuật viên, kỹ sư, kỹ sư chính và kỹ sư cao cấp sau khi thống nhất với Bộ Nội vụ.

4. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quy định tiêu chuẩn chức danh công nghệ trong từng lĩnh vực công nghệ thuộc thẩm quyền quản lý, tương đương với kỹ thuật viên, kỹ sư, kỹ sư chính, kỹ sư cao cấp sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Nội vụ.

Điều 5. Xét công nhận, bổ nhiệm chức danh khoa học, chức danh công nghệ

1. Việc xét công nhận, bổ nhiệm chức danh khoa học, chức danh công nghệ đối với cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ trong các đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động khoa học và công nghệ được thực hiện theo quy định của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

2. Cá nhân có thành tích trong hoạt động khoa học và công nghệ, đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm được xét tuyển dụng đặc cách và bổ nhiệm vào chức danh khoa học, chức danh công nghệ hạng IV, hạng III không phải qua tập sự, được xếp vào bậc lương phù hợp với trình độ đào tạo theo quy định.

Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động khoa học và công nghệ quyết định việc xét tuyển dụng đặc cách và bổ nhiệm vào chức danh khoa học, chức danh công nghệ quy định tại Khoản này.

3. Việc xét tuyển dụng đặc cách và bổ nhiệm vào chức danh khoa học, chức danh công nghệ ngoài quy định tại Khoản 2 Điều này đối với cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong hoạt động khoa học và công nghệ do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quyết định sau khi thống nhất với
Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Nội vụ.

4. Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn chi tiết về thành tích khoa học và công nghệ, quy trình xét tuyển dụng đặc cách và bổ nhiệm vào chức danh khoa học, chức danh công nghệ quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.

*Điều 5 được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Nghị định 27/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/04/2020

Điều 5. Trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng và bổ nhiệm vào chức danh khoa học, chức danh công nghệ

1. Trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng và bổ nhiệm chức danh khoa học, chức danh công nghệ đối với cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ trong các đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động khoa học và công nghệ thực hiện theo quy định của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

2. Cá nhân có thành tích vượt trội trong hoạt động khoa học và công nghệ, đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm được tiếp nhận vào viên chức và bổ nhiệm vào chức danh khoa học, chức danh công nghệ không phải qua tập sự và được xếp vào bậc lương phù hợp với vị trí việc làm theo quy định.*

Xem nội dung VB
Điều 19. Chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ
...
2. Chức danh công nghệ là tên gọi thể hiện trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của cá nhân hoạt động trong từng lĩnh vực công nghệ.

Chính phủ quy định cụ thể chức danh công nghệ, thủ tục, quy trình xét công nhận, bổ nhiệm chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ.
Nội dung hướng dẫn nội dung này tại Nghị định 40/2014/NĐ-CP nay được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Nghị định 27/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 04 năm 2020
Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ và Nghị định số 87/2014/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ như sau:

1. Sửa đổi Điều 5 như sau:

“Điều 5. Trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng và bổ nhiệm vào chức danh khoa học, chức danh công nghệ

1. Trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng và bổ nhiệm chức danh khoa học, chức danh công nghệ đối với cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ trong các đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động khoa học và công nghệ thực hiện theo quy định của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

2. Cá nhân có thành tích vượt trội trong hoạt động khoa học và công nghệ, đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm được tiếp nhận vào viên chức và bổ nhiệm vào chức danh khoa học, chức danh công nghệ không phải qua tập sự và được xếp vào bậc lương phù hợp với vị trí việc làm theo quy định.”

Xem nội dung VB
Điều 19. Chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ
...
2. Chức danh công nghệ là tên gọi thể hiện trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của cá nhân hoạt động trong từng lĩnh vực công nghệ.

Chính phủ quy định cụ thể chức danh công nghệ, thủ tục, quy trình xét công nhận, bổ nhiệm chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ.
Nội dung này được hướng dẫn bởi Điều 4 và Điều 5 Nghị định 40/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2014
Nội dung hướng dẫn nội dung này tại Nghị định 40/2014/NĐ-CP nay được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Nghị định 27/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 04 năm 2020
Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 6 Nghị định 40/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2014
Căn cứ Luật Khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ.
...
Điều 6. Đặc cách bổ nhiệm vào chức danh khoa học, chức danh công nghệ cao hơn không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc năm công tác

1. Người đang giữ hạng chức danh khoa học, hạng chức danh công nghệ tại các đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động khoa học và công nghệ, đáp ứng tiêu chuẩn của hạng chức danh cao hơn được xét đặc cách bổ nhiệm vào hạng chức danh khoa học, hạng chức danh công nghệ cao hơn không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc vào năm công tác nếu trong thời gian giữ hạng chức danh đạt một trong các điều kiện sau:

a) Đạt giải thưởng quốc tế, giải thưởng uy tín trong nước về khoa học và công nghệ;

b) Chủ trì hoặc thực hiện chính nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt hoặc nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đặc biệt quan trọng được nghiệm thu ở mức đạt trở lên hoặc chủ trì công trình khoa học và công nghệ được ứng dụng mang lại hiệu quả cao về kinh tế - xã hội;

c) Được cấp bằng tiến sĩ, tiến sĩ khoa học;

d) Được bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.

2. Việc đặc cách bổ nhiệm vào chức danh khoa học, chức danh công nghệ cao hơn không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc vào năm công tác chỉ áp dụng một lần đối với một cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ đang giữ hạng chức danh.

3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định bổ nhiệm đặc cách vào chức danh khoa học, chức danh công nghệ hạng II không qua thi thăng
hạng, không phụ thuộc vào năm công tác trên cơ sở đề xuất của thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động khoa học và công nghệ sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định bổ nhiệm đặc cách vào chức danh khoa học, chức danh công nghệ hạng I không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc vào năm công tác trên cơ sở đề xuất của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ.

4. Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn cụ thể về điều kiện, quy trình xét bổ nhiệm đặc cách vào hạng chức danh khoa học, chức danh công nghệ cao hơn không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc vào năm công tác.

*Điều 6 được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 1 Nghị định 27/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/04/2020

Điều 6. Đặc cách bổ nhiệm vào chức danh khoa học, chức danh công nghệ cao hơn không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc năm công tác

1. Người đang giữ hạng chức danh khoa học, hạng chức danh công nghệ tại đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động khoa học và công nghệ, đáp ứng tiêu chuẩn của hạng chức danh cao hơn được xét đặc cách bổ nhiệm vào hạng chức danh khoa học, hạng chức danh công nghệ cao hơn không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc vào năm công tác nếu trong thời gian giữ hạng chức danh tại thời điểm xét đặc cách thăng hạng đạt một trong các điều kiện sau:

a) Đạt giải thưởng quốc tế, giải thưởng uy tín trong nước về khoa học và công nghệ theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ;

b) Chủ trì hoặc thực hiện chính nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt hoặc nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đặc biệt quan trọng được nghiệm thu ở mức đạt trở lên hoặc chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh trở lên được ứng dụng mang lại hiệu quả cao về kinh tế - xã hội;

c) Được cấp bằng tiến sĩ và có thành tích vượt trội trong hoạt động khoa học và công nghệ;

d) Được cấp bằng tiến sĩ khoa học hoặc được bổ nhiệm chức danh phó giáo sư;

đ) Được bổ nhiệm chức danh giáo sư.

2. Mỗi thành tích, kết quả hoạt động khoa học và công nghệ chỉ được sử dụng 01 làn để xét đặc cách bổ nhiệm vào chức danh khoa học, chức danh công nghệ cao hơn không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc vào năm công tác.*

Xem nội dung VB
Điều 19. Chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ
...
3. Người có học vị tiến sĩ hoặc có công trình nghiên cứu khoa học và công nghệ xuất sắc hoặc được giải thưởng cao về khoa học và công nghệ được xét công nhận, bổ nhiệm vào chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ cao hơn không phụ thuộc vào năm công tác.
Nội dung hướng dẫn Khoản này tại Nghị định 40/2014/NĐ-CP nay được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 1 Nghị định 27/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 04 năm 2020
Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ và Nghị định số 87/2014/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ như sau:
...
3. Sửa đổi, bổ sung Điều 6 như sau:

“Điều 6. Đặc cách bổ nhiệm vào chức danh khoa học, chức danh công nghệ cao hơn không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc năm công tác

1. Người đang giữ hạng chức danh khoa học, hạng chức danh công nghệ tại đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động khoa học và công nghệ, đáp ứng tiêu chuẩn của hạng chức danh cao hơn được xét đặc cách bổ nhiệm vào hạng chức danh khoa học, hạng chức danh công nghệ cao hơn không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc vào năm công tác nếu trong thời gian giữ hạng chức danh tại thời điểm xét đặc cách thăng hạng đạt một trong các điều kiện sau:

a) Đạt giải thưởng quốc tế, giải thưởng uy tín trong nước về khoa học và công nghệ theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ;

b) Chủ trì hoặc thực hiện chính nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt hoặc nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đặc biệt quan trọng được nghiệm thu ở mức đạt trở lên hoặc chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh trở lên được ứng dụng mang lại hiệu quả cao về kinh tế - xã hội;

c) Được cấp bằng tiến sĩ và có thành tích vượt trội trong hoạt động khoa học và công nghệ;

d) Được cấp bằng tiến sĩ khoa học hoặc được bổ nhiệm chức danh phó giáo sư;

đ) Được bổ nhiệm chức danh giáo sư.

2. Mỗi thành tích, kết quả hoạt động khoa học và công nghệ chỉ được sử dụng 01 làn để xét đặc cách bổ nhiệm vào chức danh khoa học, chức danh công nghệ cao hơn không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc vào năm công tác.”

Xem nội dung VB
Điều 19. Chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ
...
3. Người có học vị tiến sĩ hoặc có công trình nghiên cứu khoa học và công nghệ xuất sắc hoặc được giải thưởng cao về khoa học và công nghệ được xét công nhận, bổ nhiệm vào chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ cao hơn không phụ thuộc vào năm công tác.
Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 6 Nghị định 40/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2014
Nội dung hướng dẫn Khoản này tại Nghị định 40/2014/NĐ-CP nay được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 1 Nghị định 27/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 04 năm 2020
Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 7, 8, 9, 10 Nghị định 40/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2014
Căn cứ Luật Khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ.
...
Điều 7. Nâng lương vượt bậc đối với cá nhân có thành tích trong hoạt động khoa học và công nghệ

1. Người được bổ nhiệm chức danh khoa học, chức danh công nghệ trong đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động khoa học và công nghệ được nâng vượt bậc lương trong cùng hạng chức danh nếu không vi phạm kỷ luật và đạt một trong các điều kiện sau:

a) Chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đã được nghiệm thu và được ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội;

b) Được tặng Huân chương của Nhà nước Việt Nam theo quy định tại Luật Thi đua, khen thưởng;

c) Được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động;

d) Được tặng danh hiệu Chiến sỹ Thi đua toàn quốc.

*Khoản 1 Điều 7 được sửa đổi bởi Khoản 5 Điều 1 Nghị định 27/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/04/2020

1. Người đang giữ chức danh khoa học, chức danh công nghệ trong đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động khoa học và công nghệ được nâng lương vượt bậc trong cùng hạng chức danh nếu không vi phạm kỷ luật và trong thời gian giữ bậc liền kề đạt một trong các thành tích sau:

a) Chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đã được nghiệm thu và được ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội;

b) Được tặng Huân chương của Nhà nước Việt Nam theo quy định tại Luật Thi đua, khen thưởng;

c) Được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động;

d) Được tặng danh hiệu Chiến sỹ Thi đua toàn quốc.*

2. Cá nhân đạt điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều này được nâng lương vượt bậc không quá 02 bậc lương trong cùng hạng chức danh và không thực hiện nâng lương vượt bậc 02 lần liên tiếp.

3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định nâng lương vượt bậc đối với chức danh khoa học, chức danh công nghệ hạng I, hạng II.
Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động khoa học và công nghệ quyết định nâng lương vượt bậc đối với các hạng chức danh khoa học, chức danh công nghệ khác theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ.

Điều 8. Điều kiện làm việc

Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ được tạo các điều kiện làm việc sau đây:

1. Được tạo điều kiện thuận lợi về phương tiện, trang thiết bị, vật tư, phòng thí nghiệm, cơ sở thực nghiệm và các điều kiện cần thiết khác từ kinh phí hoạt động thường xuyên của tổ chức có hoạt động khoa học và công nghệ để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

2. Được Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia hoặc Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của các bộ, ngành, địa phương xem xét hỗ trợ kinh phí tham gia hội thảo khoa học trong nước và quốc tế; công bố kết quả khoa học và công nghệ trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín; đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở trong nước và nước ngoài đối với sáng chế và giống cây trồng, trừ trường hợp kinh phí thực hiện các nội dung nêu trên đã được dự toán trong kinh phí thực hiện nhiệm vụ.

3. Được các thư viện, tổ chức thông tin khoa học và công nghệ công lập tạo điều kiện tiếp cận thông tin, cơ sở dữ liệu về khoa học và công nghệ để thực hiện nhiệm vụ.

4. Cá nhân được bổ nhiệm vào chức danh khoa học, chức danh công nghệ hạng I trong các đơn vị sự nghiệp công lập được hỗ trợ kinh phí sử dụng phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia khi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, trừ trường hợp kinh phí này đã được dự toán trong kinh phí thực hiện nhiệm vụ.

Điều 9. Kéo dài thời gian công tác khi đủ tuổi nghỉ hưu

1. Cá nhân giữ chức danh khoa học, chức danh công nghệ tại tổ chức khoa học và công nghệ công lập được xem xét kéo dài thời gian công tác để nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và không giữ chức vụ quản lý nếu đáp ứng các điều kiện sau:

a) Là giáo sư; phó giáo sư; người giữ chức danh khoa học, chức danh công nghệ hạng I là tiến sĩ khoa học; người giữ chức danh khoa học, chức danh công nghệ hạng I; người giữ chức danh khoa học, chức danh công nghệ hạng II là tiến sĩ;

b) Có đủ sức khỏe và có nguyện vọng được kéo dài thời gian công tác;

c) Tổ chức khoa học và công nghệ có nhu cầu và chấp thuận.

2. Thời gian công tác kéo dài đối với các đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều này như sau:

a) Không quá 10 năm đối với giáo sư; người giữ chức danh khoa học, chức danh công nghệ hạng I là tiến sĩ khoa học;

b) Không quá 7 năm đối với phó giáo sư; người giữ chức danh khoa học, chức danh công nghệ hạng I;

c) Không quá 5 năm đối với người giữ chức danh khoa học, chức danh công nghệ hạng II là tiến sĩ.

3. Trong thời gian công tác kéo dài, các đối tượng quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này được hưởng lương, các chế độ, chính sách theo quy định và có quyền đề nghị nghỉ làm việc để hưởng chế độ nghỉ hưu.

4. Trình tự, thủ tục và thẩm quyền xem xét, kéo dài thời gian công tác:

a) Thủ trưởng tổ chức khoa học và công nghệ căn cứ định hướng phát triển và tình hình nhân lực của tổ chức, thông báo chủ trương và nhu cầu kéo dài thời gian công tác;

b) Cá nhân đáp ứng các điều kiện quy định tại các Điểm a và b Khoản 1 Điều này có đơn đề nghị kéo dài thời gian công tác, gửi thủ trưởng tổ chức khoa học và công nghệ trước thời điểm nghỉ hưu ít nhất 09 tháng;

c) Thủ trưởng tổ chức khoa học và công nghệ xem xét, đánh giá các điều kiện của người có nguyện vọng được kéo dài thời gian công tác;

d) Hồ sơ đề nghị kéo dài thời gian công tác gửi đến cơ quan có thẩm quyền để xem xét trước thời điểm nghỉ hưu ít nhất 07 tháng;

Hồ sơ đề nghị kéo dài thời gian công tác gồm có: Đơn đề nghị kéo dài thời gian công tác của cá nhân; giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp theo quy định; văn bản đề nghị kéo dài thời gian công tác của tổ chức khoa học và công nghệ nơi cá nhân làm việc;

đ) Thủ trưởng tổ chức khoa học và công nghệ quyết định theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định việc kéo dài thời gian công tác của cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ;

e) Quyết định kéo dài thời gian công tác được gửi cho tổ chức, cá nhân có liên quan biết trước thời điểm nghỉ hưu ít nhất 06 tháng.

*Điều 9 hết hiệu lực bởi ĐIểm b Khoản 2 Điều 6 Nghị định 50/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/08/2022*

Điều 10. Ưu đãi cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ có chức danh giáo sư, phó giáo sư

Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ có chức danh giáo sư, phó giáo sư trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập được hưởng các chính sách, chế độ như người có chức danh tương đương trong cơ sở giáo dục đại học công lập nếu các chính sách, chế độ đó có lợi hơn.

*Điều 10 được sửa đổi bởi Khoản 6 Điều 1 Nghị định 27/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/04/2020

Điều 10. Ưu đãi cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ có chức danh giáo sư, phó giáo sư

Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ có chức danh giáo sư, phó giáo sư trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ được bổ nhiệm đặc cách vào chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ hạng I và được hưởng các chính sách, chế độ như người có chức danh tương đương trong cơ sở giáo dục đại học công lập nếu các chính sách, chế độ đó có lợi hơn.*

Xem nội dung VB
Điều 20. Quyền của cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ
...
12. Được khen thưởng, hưởng quyền ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật.
Nội dung hướng dẫn Khoản này tại Nghị định 40/2014/NĐ-CP nay được sửa đổi bởi Khoản 5, Khoản 6 Điều 1 Nghị định 27/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 04 năm 2020
Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ và Nghị định số 87/2014/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ như sau:
...
5. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 7 như sau:

“Điều 7. Nâng lương vượt bậc đối với cá nhân có thành tích trong hoạt động khoa học và công nghệ

1. Người đang giữ chức danh khoa học, chức danh công nghệ trong đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động khoa học và công nghệ được nâng lương vượt bậc trong cùng hạng chức danh nếu không vi phạm kỷ luật và trong thời gian giữ bậc liền kề đạt một trong các thành tích sau:

a) Chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đã được nghiệm thu và được ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội;

b) Được tặng Huân chương của Nhà nước Việt Nam theo quy định tại Luật Thi đua, khen thưởng;

c) Được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động;

d) Được tặng danh hiệu Chiến sỹ Thi đua toàn quốc.”

6. Sửa đổi, bổ sung Điều 10 như sau:

“Điều 10. Ưu đãi cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ có chức danh giáo sư, phó giáo sư

Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ có chức danh giáo sư, phó giáo sư trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ được bổ nhiệm đặc cách vào chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ hạng I và được hưởng các chính sách, chế độ như người có chức danh tương đương trong cơ sở giáo dục đại học công lập nếu các chính sách, chế độ đó có lợi hơn.”

Xem nội dung VB
Điều 20. Quyền của cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ
...
12. Được khen thưởng, hưởng quyền ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật.
Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 7, 8, 9, 10 Nghị định 40/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2014
Nội dung hướng dẫn Khoản này tại Nghị định 40/2014/NĐ-CP nay được sửa đổi bởi Khoản 5, Khoản 6 Điều 1 Nghị định 27/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 04 năm 2020
Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 7, 8, 9, 10 Nghị định 40/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2014
Căn cứ Luật Khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ.
...
Điều 7. Nâng lương vượt bậc đối với cá nhân có thành tích trong hoạt động khoa học và công nghệ

1. Người được bổ nhiệm chức danh khoa học, chức danh công nghệ trong đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động khoa học và công nghệ được nâng vượt bậc lương trong cùng hạng chức danh nếu không vi phạm kỷ luật và đạt một trong các điều kiện sau:

a) Chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đã được nghiệm thu và được ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội;

b) Được tặng Huân chương của Nhà nước Việt Nam theo quy định tại Luật Thi đua, khen thưởng;

c) Được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động;

d) Được tặng danh hiệu Chiến sỹ Thi đua toàn quốc.

*Khoản 1 Điều 7 được sửa đổi bởi Khoản 5 Điều 1 Nghị định 27/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/04/2020

1. Người đang giữ chức danh khoa học, chức danh công nghệ trong đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động khoa học và công nghệ được nâng lương vượt bậc trong cùng hạng chức danh nếu không vi phạm kỷ luật và trong thời gian giữ bậc liền kề đạt một trong các thành tích sau:

a) Chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đã được nghiệm thu và được ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội;

b) Được tặng Huân chương của Nhà nước Việt Nam theo quy định tại Luật Thi đua, khen thưởng;

c) Được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động;

d) Được tặng danh hiệu Chiến sỹ Thi đua toàn quốc.*

2. Cá nhân đạt điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều này được nâng lương vượt bậc không quá 02 bậc lương trong cùng hạng chức danh và không thực hiện nâng lương vượt bậc 02 lần liên tiếp.

3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định nâng lương vượt bậc đối với chức danh khoa học, chức danh công nghệ hạng I, hạng II.
Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động khoa học và công nghệ quyết định nâng lương vượt bậc đối với các hạng chức danh khoa học, chức danh công nghệ khác theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ.

Điều 8. Điều kiện làm việc

Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ được tạo các điều kiện làm việc sau đây:

1. Được tạo điều kiện thuận lợi về phương tiện, trang thiết bị, vật tư, phòng thí nghiệm, cơ sở thực nghiệm và các điều kiện cần thiết khác từ kinh phí hoạt động thường xuyên của tổ chức có hoạt động khoa học và công nghệ để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

2. Được Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia hoặc Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của các bộ, ngành, địa phương xem xét hỗ trợ kinh phí tham gia hội thảo khoa học trong nước và quốc tế; công bố kết quả khoa học và công nghệ trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín; đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở trong nước và nước ngoài đối với sáng chế và giống cây trồng, trừ trường hợp kinh phí thực hiện các nội dung nêu trên đã được dự toán trong kinh phí thực hiện nhiệm vụ.

3. Được các thư viện, tổ chức thông tin khoa học và công nghệ công lập tạo điều kiện tiếp cận thông tin, cơ sở dữ liệu về khoa học và công nghệ để thực hiện nhiệm vụ.

4. Cá nhân được bổ nhiệm vào chức danh khoa học, chức danh công nghệ hạng I trong các đơn vị sự nghiệp công lập được hỗ trợ kinh phí sử dụng phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia khi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, trừ trường hợp kinh phí này đã được dự toán trong kinh phí thực hiện nhiệm vụ.

Điều 9. Kéo dài thời gian công tác khi đủ tuổi nghỉ hưu

1. Cá nhân giữ chức danh khoa học, chức danh công nghệ tại tổ chức khoa học và công nghệ công lập được xem xét kéo dài thời gian công tác để nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và không giữ chức vụ quản lý nếu đáp ứng các điều kiện sau:

a) Là giáo sư; phó giáo sư; người giữ chức danh khoa học, chức danh công nghệ hạng I là tiến sĩ khoa học; người giữ chức danh khoa học, chức danh công nghệ hạng I; người giữ chức danh khoa học, chức danh công nghệ hạng II là tiến sĩ;

b) Có đủ sức khỏe và có nguyện vọng được kéo dài thời gian công tác;

c) Tổ chức khoa học và công nghệ có nhu cầu và chấp thuận.

2. Thời gian công tác kéo dài đối với các đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều này như sau:

a) Không quá 10 năm đối với giáo sư; người giữ chức danh khoa học, chức danh công nghệ hạng I là tiến sĩ khoa học;

b) Không quá 7 năm đối với phó giáo sư; người giữ chức danh khoa học, chức danh công nghệ hạng I;

c) Không quá 5 năm đối với người giữ chức danh khoa học, chức danh công nghệ hạng II là tiến sĩ.

3. Trong thời gian công tác kéo dài, các đối tượng quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này được hưởng lương, các chế độ, chính sách theo quy định và có quyền đề nghị nghỉ làm việc để hưởng chế độ nghỉ hưu.

4. Trình tự, thủ tục và thẩm quyền xem xét, kéo dài thời gian công tác:

a) Thủ trưởng tổ chức khoa học và công nghệ căn cứ định hướng phát triển và tình hình nhân lực của tổ chức, thông báo chủ trương và nhu cầu kéo dài thời gian công tác;

b) Cá nhân đáp ứng các điều kiện quy định tại các Điểm a và b Khoản 1 Điều này có đơn đề nghị kéo dài thời gian công tác, gửi thủ trưởng tổ chức khoa học và công nghệ trước thời điểm nghỉ hưu ít nhất 09 tháng;

c) Thủ trưởng tổ chức khoa học và công nghệ xem xét, đánh giá các điều kiện của người có nguyện vọng được kéo dài thời gian công tác;

d) Hồ sơ đề nghị kéo dài thời gian công tác gửi đến cơ quan có thẩm quyền để xem xét trước thời điểm nghỉ hưu ít nhất 07 tháng;

Hồ sơ đề nghị kéo dài thời gian công tác gồm có: Đơn đề nghị kéo dài thời gian công tác của cá nhân; giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp theo quy định; văn bản đề nghị kéo dài thời gian công tác của tổ chức khoa học và công nghệ nơi cá nhân làm việc;

đ) Thủ trưởng tổ chức khoa học và công nghệ quyết định theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định việc kéo dài thời gian công tác của cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ;

e) Quyết định kéo dài thời gian công tác được gửi cho tổ chức, cá nhân có liên quan biết trước thời điểm nghỉ hưu ít nhất 06 tháng.

*Điều 9 hết hiệu lực bởi ĐIểm b Khoản 2 Điều 6 Nghị định 50/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/08/2022*

Điều 10. Ưu đãi cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ có chức danh giáo sư, phó giáo sư

Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ có chức danh giáo sư, phó giáo sư trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập được hưởng các chính sách, chế độ như người có chức danh tương đương trong cơ sở giáo dục đại học công lập nếu các chính sách, chế độ đó có lợi hơn.

*Điều 10 được sửa đổi bởi Khoản 6 Điều 1 Nghị định 27/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/04/2020

Điều 10. Ưu đãi cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ có chức danh giáo sư, phó giáo sư

Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ có chức danh giáo sư, phó giáo sư trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ được bổ nhiệm đặc cách vào chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ hạng I và được hưởng các chính sách, chế độ như người có chức danh tương đương trong cơ sở giáo dục đại học công lập nếu các chính sách, chế độ đó có lợi hơn.*

Xem nội dung VB
Điều 20. Quyền của cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ
...
12. Được khen thưởng, hưởng quyền ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật.
Nội dung hướng dẫn Khoản này tại Nghị định 40/2014/NĐ-CP nay được sửa đổi bởi Khoản 5, Khoản 6 Điều 1 Nghị định 27/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 04 năm 2020
Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ và Nghị định số 87/2014/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ như sau:
...
5. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 7 như sau:

“Điều 7. Nâng lương vượt bậc đối với cá nhân có thành tích trong hoạt động khoa học và công nghệ

1. Người đang giữ chức danh khoa học, chức danh công nghệ trong đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động khoa học và công nghệ được nâng lương vượt bậc trong cùng hạng chức danh nếu không vi phạm kỷ luật và trong thời gian giữ bậc liền kề đạt một trong các thành tích sau:

a) Chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đã được nghiệm thu và được ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội;

b) Được tặng Huân chương của Nhà nước Việt Nam theo quy định tại Luật Thi đua, khen thưởng;

c) Được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động;

d) Được tặng danh hiệu Chiến sỹ Thi đua toàn quốc.”

6. Sửa đổi, bổ sung Điều 10 như sau:

“Điều 10. Ưu đãi cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ có chức danh giáo sư, phó giáo sư

Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ có chức danh giáo sư, phó giáo sư trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ được bổ nhiệm đặc cách vào chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ hạng I và được hưởng các chính sách, chế độ như người có chức danh tương đương trong cơ sở giáo dục đại học công lập nếu các chính sách, chế độ đó có lợi hơn.”

Xem nội dung VB
Điều 20. Quyền của cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ
...
12. Được khen thưởng, hưởng quyền ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật.
Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 7, 8, 9, 10 Nghị định 40/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2014
Nội dung hướng dẫn Khoản này tại Nghị định 40/2014/NĐ-CP nay được sửa đổi bởi Khoản 5, Khoản 6 Điều 1 Nghị định 27/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 04 năm 2020
Kế hoạch đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài khoa học và công nghệ được hướng dẫn bởi Điều 12 Nghị định 40/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2014
Căn cứ Luật Khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ.
...
Điều 12. Kế hoạch đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài khoa học và công nghệ

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các tổ chức khoa học và công nghệ xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ trên cơ sở quy hoạch phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ quốc gia và kế hoạch phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ của mình.

2. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, ngành có liên quan xác định các lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên, trọng điểm trong từng thời kỳ, làm căn cứ cho các cơ sở giáo dục đại học tuyển sinh, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên, trọng điểm.

3. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ quản lý chuyên ngành xây dựng kế hoạch đào tạo nhân lực trình độ đại học, sau đại học phù hợp với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ quốc gia và các lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên, trọng điểm; tổ chức và quản lý việc đào tạo theo định hướng phát triển từng ngành, lĩnh vực.

4. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ ở trong nước và nước ngoài cho cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ; kế hoạch đào tạo các nhóm nghiên cứu xuất sắc theo lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên, trọng điểm.

5. Các cơ sở giáo dục đại học có chuyên ngành đào tạo thuộc các lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên, trọng điểm được Nhà nước tạo điều kiện nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị để thực hiện đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ trình độ cao thuộc lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm.

6. Khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học phối hợp với các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực và các địa phương để đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ theo kế hoạch phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ của Bộ, ngành, địa phương.

Xem nội dung VB
Điều 22. Đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài về khoa học và công nghệ
...
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, bộ quản lý chuyên ngành tổ chức đào tạo trình độ đại học, sau đại học; phát hiện, đào tạo bồi dưỡng nhân tài để bổ sung nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, bảo đảm cơ cấu ngành, lĩnh vực và vùng miền; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên, trọng điểm.
Nội dung hướng dẫn Khoản này tại Nghị định 40/2014/NĐ-CP nay được sửa đổi bởi Khoản 7 đến Khoản 12 Điều 1 Nghị định 27/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 04 năm 2020
Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ và Nghị định số 87/2014/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ như sau:
...
7. Sửa đổi, bổ sung Điều 15 như sau:

“Điều 15. Tiêu chuẩn của nhà khoa học đầu ngành

1. Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ được xem xét, lựa chọn là nhà khoa học đầu ngành thuộc các ngành khoa học và công nghệ do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định.

2. Tiêu chuẩn chung của nhà khoa học đầu ngành:

Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ được xem xét, công nhận nhà khoa học đầu ngành nếu đáp ứng đồng thời các tiêu chuẩn chung sau:

a) Không vi phạm một trong các hành vi bị cấm theo quy định tại Điều 8 Luật Khoa học và Công nghệ, không đang trong thời gian bị xử lý kỷ luật bằng hình thức từ khiển trách trở lên hoặc thi hành án hình sự;

b) Có kinh nghiệm quản lý, chỉ đạo hoạt động chuyên môn và năng lực tham gia hội nhập quốc tế, đại diện cho ngành, chuyên ngành trong các hoạt động trao đổi học thuật:

- Là người đứng đầu về chuyên môn của bộ môn khoa học, phòng thí nghiệm hoặc tương đương trong các đại học, trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức khoa học và công nghệ thuộc thẩm quyền thành lập được quy định tại các điểm a, b và đ khoản 1 Điều 12 Luật Khoa học và Công nghệ hoặc là cá nhân có kinh nghiệm lãnh đạo nhóm nghiên cứu, phòng thí nghiệm hoặc đơn vị học thuật có uy tín;

- Có khả năng tập hợp, huy động các cán bộ khoa học xuất sắc, dẫn dắt được nhóm nghiên cứu triển khai thực hiện ý tưởng nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ mới để phát triển, dẫn dắt một ngành hoặc một chuyên ngành khoa học;

- Được mời giảng dạy tại trường đại học thuộc nhóm 500 Đại học hàng đầu theo Bảng xếp hạng thường niên về thứ hạng của các trường đại học trên thế giới của tổ chức giáo dục Quacquarelli, Anh quốc hoặc Bảng xếp hạng các đại học trên toàn thế giới của Thời báo Giáo dục đại học Anh quốc; hoặc tham gia, hợp tác nghiên cứu với các nhà khoa học nước ngoài có uy tín, có kết quả khoa học chung đã được công bố; hoặc có báo cáo được mời trình bày tại các hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế chuyên ngành có uy tín; hoặc chủ trì hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành ở cấp quốc gia;

- Cá nhân làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học đã hướng dẫn chính ít nhất 05 nghiên cứu sinh.

c) Trình độ đào tạo và ngoại ngữ:

- Có trình độ tiến sỹ trở lên;

- Sử dụng thành thạo tiếng Anh hoặc một trong các ngôn ngữ chính thức khác của Liên hiệp quốc.

d) Đáp ứng điều kiện về thành tích, kết quả hoạt động khoa học và công nghệ quy định tại khoản 3 Điều này;

đ) Có Đề án định hướng phát triển chuyên ngành khoa học được các Hội đồng quy định tại Điều 16 Nghị định này thông qua và có khả năng huy động được nhóm nghiên cứu để triển khai thực hiện Đề án định hướng phát triển chuyên ngành khoa học.

Đề án định hướng phát triển chuyên ngành khoa học phải hướng đến phát triển được một hướng nghiên cứu mới, hoặc giải quyết được một vấn đề khoa học và công nghệ của đất nước, tiên phong triển khai các ý tưởng nghiên cứu khoa học mới, hoặc kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ được chuyển giao, mang lại nhiều sản phẩm khoa học và công nghệ có giá trị cho xã hội.

3. Điều kiện về thành tích, kết quả hoạt động khoa học và công nghệ và năng lực hội nhập quốc tế để xem xét, lựa chọn, công nhận nhà khoa học đầu ngành.

a) Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ ngoài các tiêu chuẩn chung quy định tại khoản 2 Điều này, được xem xét, lựa chọn công nhận là nhà khoa học đầu ngành nếu đạt đồng thời các điều kiện sau:

- Là thành viên Ban Biên tập tạp chí khoa học quốc tế có uy tín theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ; hoặc có H index (theo Google Scholar) từ 10 trở lên; hoặc đạt giải thưởng khoa học và công nghệ uy tín quốc tế theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ; hoặc có ít nhất 10 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ.

- Trong 05 năm gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ tham gia xét chọn có ít nhất 01 sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ và được ứng dụng trong thực tiễn, mang lại hiệu quả cao về kinh tế - xã hội; hoặc là chủ nhiệm của ít nhất 01 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia; hoặc là chủ nhiệm 02 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ đã nghiệm thu kết quả từ đạt yêu cầu trở lên và kết quả/sản phẩm của nhiệm vụ có giá trị, tác động, hiệu quả cao về kinh tế - xã hội; hoặc là chủ nhiệm 01 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ đã nghiệm thu từ đạt yêu cầu trở lên và là tác giả chính của 01 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ.

b) Đối với lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ ngoài các tiêu chuẩn chung quy định tại khoản 2 Điều này, được xem xét, lựa chọn công nhận là nhà khoa học đầu ngành nếu là tác giả chính của ít nhất 03 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ; hoặc có ít nhất 05 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí khoa học có mã số chuẩn quốc tế ISSN thuộc Danh mục tạp chí được tính điểm của Hội đồng giáo sư ngành, liên ngành hằng năm của Hội đồng giáo sư nhà nước mà mỗi bài được tính điểm công trình từ 01 điểm trở lên và là chủ biên của ít nhất 01 sách chuyên khảo thuộc lĩnh vực chuyên ngành đã được xuất bản tại nhà xuất bản có uy tín, hoặc đã tham gia chủ trì hoặc là thành viên chính trong các hoạt động nghiên cứu, tư vấn xây dựng dự thảo các văn kiện, văn bản của Đảng, chiến lược phát triển quốc gia đã được ban hành hoặc công trình nghiên cứu đóng góp cho xây dựng, hoạch định chính sách được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

4. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết về Đề án định hướng phát triển chuyên ngành khoa học quy định tại Điều này.”

8. Sửa đổi, bổ sung Điều 16 như sau:

“Điều 16. Trình tự, thủ tục lựa chọn, công nhận nhà khoa học đầu ngành

1. Trước ngày 30 tháng 6 hằng năm, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 15 Nghị định này chủ động hoặc theo đề xuất của tổ chức khoa học và công nghệ công lập nơi công tác nộp hồ sơ xét công nhận nhà khoa học đầu ngành tại tổ chức khoa học và công nghệ nơi công tác. Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ nếu không thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập nộp hồ sơ xét chọn nhà khoa học đầu ngành tại Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

a) Hồ sơ xét chọn nhà khoa học đầu ngành gồm có:

- Bản đăng ký xét công nhận nhà khoa học đầu ngành (theo Mẫu số 03/KHCN ban hành kèm theo Nghị định này);

- Bản sao các văn bằng, chứng chỉ có liên quan đến chuyên môn;

- Lý lịch khoa học (có xác nhận của cơ quan, đơn vị quản lý nếu cá nhân thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập);

- Các tài liệu khác chứng minh đạt tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 15 Nghị định này; Đề án định hướng phát triển chuyên ngành khoa học.

b) Hồ sơ được nộp trực tiếp (hoặc tại Bộ phận Một cửa, nếu có) hoặc trực tuyến tại Cổng dịch vụ công của tổ chức khoa học và công nghệ công lập hoặc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (đối với cá nhân không thuộc tổ chức khoa học công nghệ công lập).

2. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ tham gia xét chọn nhà khoa học đầu ngành, Thủ trưởng tổ chức khoa học và công nghệ nơi nhà khoa học đang công tác thành lập Hội đồng thẩm định cơ sở để xem xét, thẩm định hồ sơ, gửi kết quả thẩm định và hồ sơ của cá nhân đáp ứng tiêu chuẩn nhà khoa học đầu ngành đến bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan chủ quản của tổ chức khoa học và công nghệ nơi nhà khoa học công tác để xem xét, xác nhận và gửi Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị thực hiện việc lựa chọn, công nhận nhà khoa học đầu ngành.

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam thành lập Hội đồng thẩm định cơ sở để xem xét, thẩm định hồ sơ, gửi kết quả thẩm định và hồ sơ của cá nhân đáp ứng tiêu chuẩn nhà khoa học đầu ngành đến Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị thực hiện việc lựa chọn, công nhận nhà khoa học đầu ngành.

3. Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập các Hội đồng xét chọn nhà khoa học đầu ngành gồm đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là cơ quan chủ quản của tổ chức khoa học và công nghệ công lập nơi cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ đang công tác và các thành phần khác để đánh giá, đề xuất lựa chọn nhà khoa học đầu ngành (không phân biệt cá nhân thuộc hay không thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập) theo hồ sơ cung cấp và theo Đề án định hướng phát triển chuyên ngành khoa học.

4. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được kết quả xét chọn của Hội đồng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định công nhận kết quả xét chọn và quyết định áp dụng chính sách trọng dụng đối với nhà khoa học đầu ngành đối với ứng viên được ít nhất 2/3 thành viên Hội đồng lựa chọn.

5. Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về thành phần, nhiệm vụ, nguyên tắc làm việc của các Hội đồng quy định tại Điều này.”

9. Sửa đổi khoản 2 Điều 17 như sau:

“Điều 17. Nhiệm vụ của nhà khoa học đầu ngành

2. Nhiệm vụ cụ thể:

a) Triển khai thực hiện bảo đảm tiến độ, chất lượng công việc theo Đề án định hướng phát triển chuyên ngành khoa học đã được Hội đồng xét chọn do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập thông qua, trong đó đạt ít nhất một trong các kết quả sau đây:

- Bài báo khoa học được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc tạp chí khoa học trong nước có mã số chuẩn quốc tế ISSN thuộc Danh mục tạp chí được tính điểm của Hội đồng giáo sư ngành, liên ngành hằng năm của Hội đồng giáo sư nhà nước; chủ trì hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế thuộc chuyên ngành; hoặc tham gia là thành viên Ban biên tập tạp chí khoa học quốc tế có uy tín theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ;

- Công trình khoa học được nhận giải thưởng quốc tế, giải thưởng trong nước có uy tín; hoặc sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ; hoặc công nghệ, giải pháp kỹ thuật được ứng dụng trong thực tiễn;

b) Hằng năm, có hướng dẫn học viên cao học và nghiên cứu sinh thuộc chuyên ngành nghiên cứu; tham gia đào tạo đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ kế cận của ngành, lĩnh vực;

c) Tham gia tư vấn, xây dựng, đánh giá, phản biện về các chủ trương, chính sách, kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ quốc gia và của ngành; tham gia giải quyết các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đột xuất của ngành;

d) Tham gia tuyển chọn, nghiệm thu, phản biện độc lập các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ và cấp tỉnh.”

10. Sửa đổi khoản 1 và bổ sung khoản 8 Điều 18 như sau:

“Điều 18. Chính sách trọng dụng nhà khoa học đầu ngành

1. Được cấp kinh phí để triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được phê duyệt theo Đề án định hướng phát triển chuyên ngành khoa học đã được Hội đồng xét chọn nhà khoa học đầu ngành do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập thông qua theo tiến độ hằng năm để thực hiện Đề án.

8. Được vinh danh, xem xét trao tặng các danh hiệu, giải thưởng về khoa học và công nghệ đối với các kết quả hoạt động khoa học và công nghệ xuất sắc theo quy định của pháp luật liên quan.”

11. Sửa đổi, bổ sung Điều 19 như sau:

“Điều 19. Kinh phí thực hiện chính sách trọng dụng nhà khoa học đầu ngành

1. Kinh phí thực hiện chính sách trọng dụng nhà khoa học đầu ngành được bố trí từ kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ.

2. Hằng năm, Bộ Khoa học và Công nghệ bố trí khoản kinh phí thích hợp cấp cho nhà khoa học đầu ngành theo nhiệm vụ trong năm để triển khai Đề án định hướng phát triển chuyên ngành khoa học đã được thông qua.

3. Đối với nhà khoa học đầu ngành không thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp kinh phí thực hiện các chính sách trọng dụng quy định tại Điều 18 Nghị định này.

Đối với nhà khoa học đầu ngành thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập, tổ chức khoa học và công nghệ có nhà khoa học đầu ngành dự toán kinh phí thực hiện các chính sách trọng dụng quy định tại Điều 18 Nghị định này trừ kinh phí quy định tại khoản 2 Điều này, gửi Bộ Khoa học và Công nghệ để tổng hợp và đề xuất cơ quan có thẩm quyền phân bổ.”

12. Sửa đổi, bổ sung Điều 20 như sau:

“Điều 20. Tiếp tục hoặc dừng áp dụng chính sách đối với nhà khoa học đầu ngành

1. Bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (trong trường hợp nhà khoa học đầu ngành không thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập) định kỳ 01 lần/ năm giám sát, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của nhà khoa học đầu ngành để tiếp tục công nhận đối với nhà khoa học đầu ngành hoàn thành nhiệm vụ quy định tại Điều 17 Nghị định này. Trước ngày 31 tháng 12 hàng năm, nhà khoa học đầu ngành báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 17 Nghị định này với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan chủ quản nơi công tác hoặc báo cáo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ (nếu nhà khoa học đầu ngành không thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập).

2. Dừng áp dụng chính sách đối với nhà khoa học đầu ngành trong các trường hợp sau:

a) Không hoàn thành các nhiệm vụ theo tiến độ và kết quả công việc thực hiện theo Đề án đã được thông qua trong 03 năm liên tiếp, kể từ khi được áp dụng chính sách trọng dụng đối với nhà khoa học đầu ngành mà không có lý do chính đáng được cơ quan chủ quản xem xét, chấp thuận;

b) Thiếu trung thực trong kê khai hồ sơ làm sai lệch kết quả xét công nhận nhà khoa học đầu ngành;

c) Vi phạm quy định tại Điều 8 Luật Khoa học và Công nghệ về các hành vi bị cấm trong hoạt động khoa học và công nghệ.

3. Nhà khoa học bị dừng áp dụng chính sách đối với nhà khoa học đầu ngành không được hưởng ưu đãi quy định tại Điều 18 Nghị định này kể từ khi có Quyết định của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ trên cơ sở đề xuất của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan chủ quản của tổ chức khoa học và công nghệ nơi nhà khoa học đầu ngành công tác hoặc Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam (đối với nhà khoa học đầu ngành không thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập). Nhà khoa học đầu ngành bị dừng áp dụng chính sách trọng dụng theo khoản 2 Điều này không được xét công nhận trong các lần tiếp theo và phải hoàn trả ngân sách nhà nước khoản kinh phí đã được hưởng theo chính sách trọng dụng đối với nhà khoa học đầu ngành.

Tổ chức khoa học và công nghệ nơi nhà khoa học đầu ngành đang công tác quyết định và chịu trách nhiệm về phương án tiếp tục thực hiện Đề án định hướng phát triển chuyên ngành khoa học quy định tại điểm e khoản 2 Điều 15 Nghị định này trong trường hợp dừng áp dụng chính sách trọng dụng đối với nhà khoa học đầu ngành, sau khi báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ và bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan chủ quản. Phương án tiếp tục thực hiện Đề án định hướng phát triển chuyên ngành khoa học đối với nhà khoa học không thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập do Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định.

4. Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Điều này.”
...
Mẫu số 03/KHCN BẢN ĐĂNG KÝ XÉT CÔNG NHẬN NHÀ KHOA HỌC ĐẦU NGÀNH…………

Xem nội dung VB
Điều 22. Đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài về khoa học và công nghệ
...
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, bộ quản lý chuyên ngành tổ chức đào tạo trình độ đại học, sau đại học; phát hiện, đào tạo bồi dưỡng nhân tài để bổ sung nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, bảo đảm cơ cấu ngành, lĩnh vực và vùng miền; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên, trọng điểm.
Kế hoạch đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài khoa học và công nghệ được hướng dẫn bởi Điều 12 Nghị định 40/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2014
Nội dung hướng dẫn Khoản này tại Nghị định 40/2014/NĐ-CP nay được sửa đổi bởi Khoản 7 đến Khoản 12 Điều 1 Nghị định 27/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 04 năm 2020
Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 13 Nghị định 40/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2014
Căn cứ Luật Khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ.
...
Điều 13. Đào tạo, bồi dưỡng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ

1. Nội dung và hình thức đào tạo, bồi dưỡng:

a) Đào tạo bằng cấp tại các cơ sở giáo dục đại học;

b) Đào tạo theo nhóm nghiên cứu;

c) Đào tạo chuyên gia trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên, trọng điểm, lĩnh vực khoa học và công nghệ mới;

d) Nghiên cứu sau tiến sĩ;

đ) Bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức, kỹ năng quản lý khoa học và công nghệ.

Việc đào tạo, bồi dưỡng thực hiện thông qua các hình thức ngắn hạn, dài hạn ở trong nước và nước ngoài; thực tập, làm việc có thời hạn tại các tổ chức khoa học và công nghệ uy tín trong nước và nước ngoài; tham gia triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thực hiện đào tạo theo bằng cấp quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này.

3. Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thực hiện đào tạo, bồi dưỡng theo quy định tại các Điểm b, c, d và đ Khoản 1 Điều này.

Xem nội dung VB
Điều 22. Đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài về khoa học và công nghệ
...
3. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về khoa học và công nghệ cho đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ trên phạm vi cả nước.
Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 13 Nghị định 40/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2014
Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 14 Nghị định 40/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2014
Căn cứ Luật Khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ.
...
Điều 14. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng

1. Hàng năm, Bộ Khoa học và Công nghệ bố trí khoản kinh phí thích hợp từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ để thực hiện đào tạo, bồi dưỡng theo nhiệm vụ quy định tại Khoản 3 Điều 13 Nghị định này.

2. Trên cơ sở tổng hợp nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất phương án phân bổ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, gửi cơ quan có thẩm quyền quyết định.

3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đã được phân bổ.

Xem nội dung VB
Điều 22. Đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài về khoa học và công nghệ
...
5. Kinh phí thực hiện việc đào tạo nguồn nhân lực quy định tại khoản 2 Điều này do ngân sách nhà nước bảo đảm. Kinh phí tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ quy định tại khoản 3 Điều này được lấy từ kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ. Kinh phí tài trợ cho việc đào tạo, đào tạo lại nhân lực về khoa học và công nghệ quy định tại khoản 4 Điều này được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 14 Nghị định 40/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2014
Khoản này được hướng dẫn bởi Mục 1 Chương 4 Nghị định 40/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2014
Căn cứ Luật Khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ.
...
Chương 4. TRỌNG DỤNG NHÂN TÀI KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Mục 1: TRỌNG DỤNG NHÀ KHOA HỌC ĐẦU NGÀNH

Điều 15. Tiêu chuẩn nhà khoa học đầu ngành

1. Các lĩnh vực được xem xét để lựa chọn nhà khoa học đầu ngành xác định theo Bảng phân loại lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định.

2. Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ được xem xét, công nhận là nhà khoa học đầu ngành nếu đáp ứng đồng thời các tiêu chuẩn sau:

a) Đứng đầu về chuyên môn của bộ môn khoa học, phòng thí nghiệm hoặc tương đương trong các đại học quốc gia, đại học vùng, trường đại học trọng điểm và các tổ chức khoa học và công nghệ thuộc thẩm quyền thành lập được quy định tại các Điểm a, b và đ Khoản 1 Điều 12 Luật Khoa học và công nghệ;

b) Có trình độ tiến sĩ trở lên;

c) Hàng năm, thực hiện một trong các hoạt động sau: Chủ trì hoặc có báo cáo chính thức tại các hội thảo khoa học quốc tế chuyên ngành; giảng dạy tại trường đại học hoặc nghiên cứu tại tổ chức khoa học và công nghệ có uy tín ở nước ngoài;

d) Trong 03 năm gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ xét chọn nhà khoa học đầu ngành, là tác giả chính của ít nhất 03 bài báo khoa học đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành quốc tế có uy tín, hoặc chủ biên 01 sách chuyên khảo, hoặc là tác giả của 01 sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ và được ứng dụng, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội;

đ) Chủ trì thực hiện thành công ít nhất 02 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia hoặc nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt;

e) Sử dụng thành thạo ít nhất 01 ngoại ngữ phục vụ công tác chuyên môn và giao tiếp được bằng tiếng Anh;

g) Được ít nhất 3/4 thành viên Ban chấp hành Hội khoa học chuyên ngành (được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về hội) thống nhất đề xuất công nhận là nhà khoa học đầu ngành.

*Điều 15 được sửa đổi bởi Khoản 7 Điều 1 Nghị định 27/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/04/2020

Điều 15. Tiêu chuẩn của nhà khoa học đầu ngành

1. Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ được xem xét, lựa chọn là nhà khoa học đầu ngành thuộc các ngành khoa học và công nghệ do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định.

2. Tiêu chuẩn chung của nhà khoa học đầu ngành:

Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ được xem xét, công nhận nhà khoa học đầu ngành nếu đáp ứng đồng thời các tiêu chuẩn chung sau:

a) Không vi phạm một trong các hành vi bị cấm theo quy định tại Điều 8 Luật Khoa học và Công nghệ, không đang trong thời gian bị xử lý kỷ luật bằng hình thức từ khiển trách trở lên hoặc thi hành án hình sự;

b) Có kinh nghiệm quản lý, chỉ đạo hoạt động chuyên môn và năng lực tham gia hội nhập quốc tế, đại diện cho ngành, chuyên ngành trong các hoạt động trao đổi học thuật:

- Là người đứng đầu về chuyên môn của bộ môn khoa học, phòng thí nghiệm hoặc tương đương trong các đại học, trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức khoa học và công nghệ thuộc thẩm quyền thành lập được quy định tại các điểm a, b và đ khoản 1 Điều 12 Luật Khoa học và Công nghệ hoặc là cá nhân có kinh nghiệm lãnh đạo nhóm nghiên cứu, phòng thí nghiệm hoặc đơn vị học thuật có uy tín;

- Có khả năng tập hợp, huy động các cán bộ khoa học xuất sắc, dẫn dắt được nhóm nghiên cứu triển khai thực hiện ý tưởng nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ mới để phát triển, dẫn dắt một ngành hoặc một chuyên ngành khoa học;

- Được mời giảng dạy tại trường đại học thuộc nhóm 500 Đại học hàng đầu theo Bảng xếp hạng thường niên về thứ hạng của các trường đại học trên thế giới của tổ chức giáo dục Quacquarelli, Anh quốc hoặc Bảng xếp hạng các đại học trên toàn thế giới của Thời báo Giáo dục đại học Anh quốc; hoặc tham gia, hợp tác nghiên cứu với các nhà khoa học nước ngoài có uy tín, có kết quả khoa học chung đã được công bố; hoặc có báo cáo được mời trình bày tại các hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế chuyên ngành có uy tín; hoặc chủ trì hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành ở cấp quốc gia;

- Cá nhân làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học đã hướng dẫn chính ít nhất 05 nghiên cứu sinh.

c) Trình độ đào tạo và ngoại ngữ:

- Có trình độ tiến sỹ trở lên;

- Sử dụng thành thạo tiếng Anh hoặc một trong các ngôn ngữ chính thức khác của Liên hiệp quốc.

d) Đáp ứng điều kiện về thành tích, kết quả hoạt động khoa học và công nghệ quy định tại khoản 3 Điều này;

đ) Có Đề án định hướng phát triển chuyên ngành khoa học được các Hội đồng quy định tại Điều 16 Nghị định này thông qua và có khả năng huy động được nhóm nghiên cứu để triển khai thực hiện Đề án định hướng phát triển chuyên ngành khoa học.

Đề án định hướng phát triển chuyên ngành khoa học phải hướng đến phát triển được một hướng nghiên cứu mới, hoặc giải quyết được một vấn đề khoa học và công nghệ của đất nước, tiên phong triển khai các ý tưởng nghiên cứu khoa học mới, hoặc kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ được chuyển giao, mang lại nhiều sản phẩm khoa học và công nghệ có giá trị cho xã hội.

3. Điều kiện về thành tích, kết quả hoạt động khoa học và công nghệ và năng lực hội nhập quốc tế để xem xét, lựa chọn, công nhận nhà khoa học đầu ngành.

a) Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ ngoài các tiêu chuẩn chung quy định tại khoản 2 Điều này, được xem xét, lựa chọn công nhận là nhà khoa học đầu ngành nếu đạt đồng thời các điều kiện sau:

- Là thành viên Ban Biên tập tạp chí khoa học quốc tế có uy tín theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ; hoặc có H index (theo Google Scholar) từ 10 trở lên; hoặc đạt giải thưởng khoa học và công nghệ uy tín quốc tế theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ; hoặc có ít nhất 10 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ.

- Trong 05 năm gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ tham gia xét chọn có ít nhất 01 sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ và được ứng dụng trong thực tiễn, mang lại hiệu quả cao về kinh tế - xã hội; hoặc là chủ nhiệm của ít nhất 01 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia; hoặc là chủ nhiệm 02 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ đã nghiệm thu kết quả từ đạt yêu cầu trở lên và kết quả/sản phẩm của nhiệm vụ có giá trị, tác động, hiệu quả cao về kinh tế - xã hội; hoặc là chủ nhiệm 01 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ đã nghiệm thu từ đạt yêu cầu trở lên và là tác giả chính của 01 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ.

b) Đối với lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ ngoài các tiêu chuẩn chung quy định tại khoản 2 Điều này, được xem xét, lựa chọn công nhận là nhà khoa học đầu ngành nếu là tác giả chính của ít nhất 03 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ; hoặc có ít nhất 05 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí khoa học có mã số chuẩn quốc tế ISSN thuộc Danh mục tạp chí được tính điểm của Hội đồng giáo sư ngành, liên ngành hằng năm của Hội đồng giáo sư nhà nước mà mỗi bài được tính điểm công trình từ 01 điểm trở lên và là chủ biên của ít nhất 01 sách chuyên khảo thuộc lĩnh vực chuyên ngành đã được xuất bản tại nhà xuất bản có uy tín, hoặc đã tham gia chủ trì hoặc là thành viên chính trong các hoạt động nghiên cứu, tư vấn xây dựng dự thảo các văn kiện, văn bản của Đảng, chiến lược phát triển quốc gia đã được ban hành hoặc công trình nghiên cứu đóng góp cho xây dựng, hoạch định chính sách được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

4. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết về Đề án định hướng phát triển chuyên ngành khoa học quy định tại Điều này.*

Điều 16. Quy trình lựa chọn, công nhận nhà khoa học đầu ngành

1. Cá nhân đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại Điều 15 Nghị định này nộp hồ sơ xét công nhận nhà khoa học đầu ngành tại tổ chức khoa học và công nghệ nơi công tác. Tổ chức khoa học và công nghệ thẩm định và gửi kết quả kèm theo hồ sơ của cá nhân đáp ứng tiêu chuẩn nhà khoa học đầu ngành đến Hội khoa học chuyên ngành.

2. Ban Chấp hành Hội khoa học chuyên ngành tổ chức đánh giá chuyên môn, đề xuất công nhận nhà khoa học đầu ngành thông qua hình thức bỏ phiếu kín.

3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ căn cứ hồ sơ của cá nhân và đề xuất của Hội khoa học chuyên ngành, quyết định công nhận nhà khoa học đầu ngành và gửi danh sách về Bộ Khoa học và Công nghệ trước ngày 31 tháng 7 hàng năm để tổng hợp.

*Điều 16 được sửa đổi bởi Khoản 8 Điều 1 Nghị định 27/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/04/2020

Điều 16. Trình tự, thủ tục lựa chọn, công nhận nhà khoa học đầu ngành

1. Trước ngày 30 tháng 6 hằng năm, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 15 Nghị định này chủ động hoặc theo đề xuất của tổ chức khoa học và công nghệ công lập nơi công tác nộp hồ sơ xét công nhận nhà khoa học đầu ngành tại tổ chức khoa học và công nghệ nơi công tác. Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ nếu không thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập nộp hồ sơ xét chọn nhà khoa học đầu ngành tại Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

a) Hồ sơ xét chọn nhà khoa học đầu ngành gồm có:

- Bản đăng ký xét công nhận nhà khoa học đầu ngành (theo Mẫu số 03/KHCN ban hành kèm theo Nghị định này);

- Bản sao các văn bằng, chứng chỉ có liên quan đến chuyên môn;

- Lý lịch khoa học (có xác nhận của cơ quan, đơn vị quản lý nếu cá nhân thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập);

- Các tài liệu khác chứng minh đạt tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 15 Nghị định này; Đề án định hướng phát triển chuyên ngành khoa học.

b) Hồ sơ được nộp trực tiếp (hoặc tại Bộ phận Một cửa, nếu có) hoặc trực tuyến tại Cổng dịch vụ công của tổ chức khoa học và công nghệ công lập hoặc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (đối với cá nhân không thuộc tổ chức khoa học công nghệ công lập).

2. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ tham gia xét chọn nhà khoa học đầu ngành, Thủ trưởng tổ chức khoa học và công nghệ nơi nhà khoa học đang công tác thành lập Hội đồng thẩm định cơ sở để xem xét, thẩm định hồ sơ, gửi kết quả thẩm định và hồ sơ của cá nhân đáp ứng tiêu chuẩn nhà khoa học đầu ngành đến bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan chủ quản của tổ chức khoa học và công nghệ nơi nhà khoa học công tác để xem xét, xác nhận và gửi Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị thực hiện việc lựa chọn, công nhận nhà khoa học đầu ngành.

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam thành lập Hội đồng thẩm định cơ sở để xem xét, thẩm định hồ sơ, gửi kết quả thẩm định và hồ sơ của cá nhân đáp ứng tiêu chuẩn nhà khoa học đầu ngành đến Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị thực hiện việc lựa chọn, công nhận nhà khoa học đầu ngành.

3. Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập các Hội đồng xét chọn nhà khoa học đầu ngành gồm đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là cơ quan chủ quản của tổ chức khoa học và công nghệ công lập nơi cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ đang công tác và các thành phần khác để đánh giá, đề xuất lựa chọn nhà khoa học đầu ngành (không phân biệt cá nhân thuộc hay không thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập) theo hồ sơ cung cấp và theo Đề án định hướng phát triển chuyên ngành khoa học.

4. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được kết quả xét chọn của Hội đồng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định công nhận kết quả xét chọn và quyết định áp dụng chính sách trọng dụng đối với nhà khoa học đầu ngành đối với ứng viên được ít nhất 2/3 thành viên Hội đồng lựa chọn.

5. Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về thành phần, nhiệm vụ, nguyên tắc làm việc của các Hội đồng quy định tại Điều này.*

Điều 17. Nhiệm vụ của nhà khoa học đầu ngành

1. Nhiệm vụ chung:

a) Phát triển hướng nghiên cứu mới của ngành;

b) Phát triển ngành khoa học đạt trình độ quốc tế;

c) Đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ kế cận của ngành;

d) Đại diện cho ngành phối hợp với các ngành khoa học khác trong nước và đại diện cho ngành trong quan hệ hợp tác, trao đổi khoa học với giới khoa học nước ngoài.

2. Nhiệm vụ cụ thể:

a) Kể từ khi được công nhận là nhà khoa học đầu ngành, trung bình mỗi năm phải đạt được một trong các kết quả sau đây: Có ít nhất 01 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành quốc tế có uy tín; có ít nhất 03 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước có uy tín; có ít nhất 01 sách chuyên khảo hoặc giáo trình giảng dạy sau đại học; có ít nhất 01 sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ hoặc có công nghệ, giải pháp kỹ thuật được ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội;

b) Hàng năm, phải chủ trì ít nhất 01 hội thảo khoa học quốc tế chuyên ngành;

c) Trong 03 năm, chủ trì thực hiện và được nghiệm thu ít nhất 01 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia;

d) Hàng năm, trực tiếp tham gia đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ và hướng dẫn học viên sau đại học;

đ) Tham gia xây dựng, tư vấn, đánh giá, phản biện về chính sách phát triển khoa học và công nghệ của ngành, lĩnh vực, quốc gia; giải quyết các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đột xuất của ngành;

e) Tham gia tuyển chọn, nghiệm thu, phản biện độc lập các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ và cấp tỉnh.

*Khoản 2 Điều 17 được sửa đổi bởi Khoản 9 Điều 1 Nghị định 27/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/04/2020

2. Nhiệm vụ cụ thể:

a) Triển khai thực hiện bảo đảm tiến độ, chất lượng công việc theo Đề án định hướng phát triển chuyên ngành khoa học đã được Hội đồng xét chọn do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập thông qua, trong đó đạt ít nhất một trong các kết quả sau đây:

- Bài báo khoa học được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc tạp chí khoa học trong nước có mã số chuẩn quốc tế ISSN thuộc Danh mục tạp chí được tính điểm của Hội đồng giáo sư ngành, liên ngành hằng năm của Hội đồng giáo sư nhà nước; chủ trì hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế thuộc chuyên ngành; hoặc tham gia là thành viên Ban biên tập tạp chí khoa học quốc tế có uy tín theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ;

- Công trình khoa học được nhận giải thưởng quốc tế, giải thưởng trong nước có uy tín; hoặc sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ; hoặc công nghệ, giải pháp kỹ thuật được ứng dụng trong thực tiễn;

b) Hằng năm, có hướng dẫn học viên cao học và nghiên cứu sinh thuộc chuyên ngành nghiên cứu; tham gia đào tạo đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ kế cận của ngành, lĩnh vực;

c) Tham gia tư vấn, xây dựng, đánh giá, phản biện về các chủ trương, chính sách, kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ quốc gia và của ngành; tham gia giải quyết các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đột xuất của ngành;

d) Tham gia tuyển chọn, nghiệm thu, phản biện độc lập các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ và cấp tỉnh.*

Điều 18. Chính sách trọng dụng nhà khoa học đầu ngành

Nhà khoa học đầu ngành được hưởng các ưu đãi sau:

1. Được cấp kinh phí hàng năm theo đề xuất từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ của các bộ, ngành, địa phương để thực hiện các hoạt động của nhóm nghiên cứu xuất sắc thuộc lĩnh vực chuyên môn.

*Khoản 1 Điều 18 được sửa đổi bởi Khoản 10 Điều 1 Nghị định 27/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/04/2020

1. Được cấp kinh phí để triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được phê duyệt theo Đề án định hướng phát triển chuyên ngành khoa học đã được Hội đồng xét chọn nhà khoa học đầu ngành do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập thông qua theo tiến độ hằng năm để thực hiện Đề án.*

2. Được hỗ trợ kinh phí sử dụng phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và các phòng thí nghiệm trọng điểm khác để triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, trừ trường hợp kinh phí này đã được dự toán trong kinh phí thực hiện nhiệm vụ.

3. Được hỗ trợ kinh phí để công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín; đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế và giống cây trồng; xuất bản công trình khoa học có giá trị cao về khoa học và thực tiễn.

4. Được hỗ trợ kinh phí tham dự hội thảo khoa học chuyên ngành ở trong nước và nước ngoài; số lần tham dự hội thảo khoa học ở nước ngoài không quá 02 lần/năm, trừ trường hợp đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, quyết định.

5. Được hỗ trợ kinh phí tổ chức hội thảo khoa học quốc tế chuyên ngành tại Việt Nam.

6. Được hưởng ưu đãi hàng tháng bằng 100% mức lương hiện hưởng.

7. Được hưởng các chính sách quy định tại Chương II Nghị định này và các ưu đãi khác quy định tại Điều 23 Luật Khoa học và công nghệ

*Khoản 8 Điều 18 được bổ sung bởi Khoản 10 Điều 1 Nghị định 27/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/04/2020

8. Được vinh danh, xem xét trao tặng các danh hiệu, giải thưởng về khoa học và công nghệ đối với các kết quả hoạt động khoa học và công nghệ xuất sắc theo quy định của pháp luật liên quan.*

Điều 19. Kinh phí thực hiện chính sách trọng dụng nhà khoa học đầu ngành

1. Kinh phí thực hiện các nội dung trọng dụng nhà khoa học đầu ngành được bố trí từ kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ.

2. Hàng năm, các tổ chức khoa học và công nghệ có nhà khoa học đầu ngành dự toán kinh phí thực hiện chính sách trọng dụng nhà khoa học đầu ngành, gửi Bộ Khoa học và Công nghệ để tổng hợp và đề xuất cơ quan có thẩm quyền quyết định phân bổ.

3. Cơ quan chủ quản của tổ chức khoa học và công nghệ có trách nhiệm cấp đủ kinh phí thực hiện chính sách trọng dụng nhà khoa học đầu ngành. Nhà khoa học đầu ngành có trách nhiệm sử dụng kinh phí đúng mục đích và theo dự toán được phê duyệt.

*Điều 19 được sửa đổi bởi Khoản 11 Điều 1 Nghị định 27/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/04/2020

Điều 19. Kinh phí thực hiện chính sách trọng dụng nhà khoa học đầu ngành

1. Kinh phí thực hiện chính sách trọng dụng nhà khoa học đầu ngành được bố trí từ kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ.

2. Hằng năm, Bộ Khoa học và Công nghệ bố trí khoản kinh phí thích hợp cấp cho nhà khoa học đầu ngành theo nhiệm vụ trong năm để triển khai Đề án định hướng phát triển chuyên ngành khoa học đã được thông qua.

3. Đối với nhà khoa học đầu ngành không thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp kinh phí thực hiện các chính sách trọng dụng quy định tại Điều 18 Nghị định này.

Đối với nhà khoa học đầu ngành thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập, tổ chức khoa học và công nghệ có nhà khoa học đầu ngành dự toán kinh phí thực hiện các chính sách trọng dụng quy định tại Điều 18 Nghị định này trừ kinh phí quy định tại khoản 2 Điều này, gửi Bộ Khoa học và Công nghệ để tổng hợp và đề xuất cơ quan có thẩm quyền phân bổ.*

Điều 20. Không tiếp tục công nhận, hủy công nhận nhà khoa học đầu ngành

1. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ định kỳ giám sát, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của nhà khoa học đầu ngành để xem xét việc tiếp tục công nhận, không tiếp tục công nhận hoặc hủy công nhận nhà khoa học đầu ngành.

2. Nhà khoa học đầu ngành không được tiếp tục công nhận nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Thôi giữ vị trí đứng đầu về chuyên môn trong tổ chức khoa học và công nghệ quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 15 Nghị định này;

b) Không hoàn thành nhiệm vụ quy định tại các Điểm a và b Khoản 2 Điều 17 Nghị định này.

3. Hủy công nhận nhà khoa học đầu ngành nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Thiếu trung thực trong kê khai hồ sơ làm sai lệch kết quả xét công nhận nhà khoa học đầu ngành;

b) Vi phạm quy định tại Điều 8 Luật Khoa học và công nghệ.

4. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có thẩm quyền quyết định việc không tiếp tục công nhận hoặc hủy công nhận nhà khoa học đầu ngành và thông báo với Bộ Khoa học và Công nghệ để theo dõi, tổng hợp.

5. Nhà khoa học không được tiếp tục công nhận hoặc bị hủy công nhận là nhà khoa học đầu ngành không được hưởng chính sách ưu đãi quy định tại Điều 18 Nghị định này kể từ khi có quyết định không tiếp tục công nhận hoặc hủy công nhận.

6. Nhà khoa học đầu ngành bị hủy công nhận không được xét công nhận trong các lần tiếp theo và phải hoàn trả khoản kinh phí đã được hưởng quy định tại Điều 18 Nghị định này.

*Điều 20 được sửa đổi bởi Khoản 12 Điều 1 Nghị định 27/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/04/2020

Điều 20. Tiếp tục hoặc dừng áp dụng chính sách đối với nhà khoa học đầu ngành

1. Bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (trong trường hợp nhà khoa học đầu ngành không thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập) định kỳ 01 lần/ năm giám sát, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của nhà khoa học đầu ngành để tiếp tục công nhận đối với nhà khoa học đầu ngành hoàn thành nhiệm vụ quy định tại Điều 17 Nghị định này. Trước ngày 31 tháng 12 hàng năm, nhà khoa học đầu ngành báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 17 Nghị định này với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan chủ quản nơi công tác hoặc báo cáo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ (nếu nhà khoa học đầu ngành không thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập).

2. Dừng áp dụng chính sách đối với nhà khoa học đầu ngành trong các trường hợp sau:

a) Không hoàn thành các nhiệm vụ theo tiến độ và kết quả công việc thực hiện theo Đề án đã được thông qua trong 03 năm liên tiếp, kể từ khi được áp dụng chính sách trọng dụng đối với nhà khoa học đầu ngành mà không có lý do chính đáng được cơ quan chủ quản xem xét, chấp thuận;

b) Thiếu trung thực trong kê khai hồ sơ làm sai lệch kết quả xét công nhận nhà khoa học đầu ngành;

c) Vi phạm quy định tại Điều 8 Luật Khoa học và Công nghệ về các hành vi bị cấm trong hoạt động khoa học và công nghệ.

3. Nhà khoa học bị dừng áp dụng chính sách đối với nhà khoa học đầu ngành không được hưởng ưu đãi quy định tại Điều 18 Nghị định này kể từ khi có Quyết định của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ trên cơ sở đề xuất của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan chủ quản của tổ chức khoa học và công nghệ nơi nhà khoa học đầu ngành công tác hoặc Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam (đối với nhà khoa học đầu ngành không thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập). Nhà khoa học đầu ngành bị dừng áp dụng chính sách trọng dụng theo khoản 2 Điều này không được xét công nhận trong các lần tiếp theo và phải hoàn trả ngân sách nhà nước khoản kinh phí đã được hưởng theo chính sách trọng dụng đối với nhà khoa học đầu ngành.

Tổ chức khoa học và công nghệ nơi nhà khoa học đầu ngành đang công tác quyết định và chịu trách nhiệm về phương án tiếp tục thực hiện Đề án định hướng phát triển chuyên ngành khoa học quy định tại điểm e khoản 2 Điều 15 Nghị định này trong trường hợp dừng áp dụng chính sách trọng dụng đối với nhà khoa học đầu ngành, sau khi báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ và bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan chủ quản. Phương án tiếp tục thực hiện Đề án định hướng phát triển chuyên ngành khoa học đối với nhà khoa học không thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập do Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định.

4. Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Điều này.*

Xem nội dung VB
Điều 23. Ưu đãi trong việc sử dụng nhân lực, nhân tài khoa học và công nghệ
...
2. Nhà khoa học đầu ngành ngoài ưu đãi quy định tại khoản 1 Điều này còn được hưởng ưu đãi sau đây:

a) Được ưu tiên giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ quan trọng;

b) Được thành lập nhóm nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực chuyên môn của mình và được cấp hoặc hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của nhóm này;

c) Được trực tiếp đề xuất, tham gia xây dựng, đánh giá và phản biện chính sách của ngành, lĩnh vực, quốc gia về phát triển khoa học và công nghệ;

d) Được ưu tiên giao nhiệm vụ phản biện độc lập đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ và cấp tỉnh;

đ) Được hưởng mức phụ cấp ưu đãi đặc biệt theo quy định của Chính phủ;

e) Được hỗ trợ kinh phí tham gia hội nghị, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực chuyên môn.
Khoản này được hướng dẫn bởi Mục 1 Chương 4 Nghị định 40/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2014
Khoản này được hướng dẫn bởi Mục 2 Chương 4 Nghị định 40/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2014
Căn cứ Luật Khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ.
...
Chương 4. TRỌNG DỤNG NHÂN TÀI KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
...
Mục 2: TRỌNG DỤNG NHÀ KHOA HỌC ĐƯỢC GIAO CHỦ TRÌ NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP QUỐC GIA ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG

Điều 21. Chính sách trọng dụng nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đặc biệt quan trọng

Trong thời gian được giao chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đặc biệt quan trọng, nhà khoa học được hưởng các ưu đãi sau:

1. Được chủ động sử dụng kinh phí được giao theo phương thức khoán chi theo quy định để thực hiện nhiệm vụ với các nội dung sau:

a) Tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, triển khai thực nghiệm, sản xuất thử nghiệm và các hoạt động khác có liên quan;

b) Trả tiền lương, tiền công theo thỏa thuận cho các nhà khoa học trực tiếp tham gia và nhân lực gián tiếp tham gia thực hiện nhiệm vụ;

c) Mua tài liệu khoa học, sáng chế, giải pháp hữu ích, thiết kế, tài liệu kỹ thuật, bí quyết công nghệ liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ;

d) Công bố và đăng ký kết quả nghiên cứu ở trong nước và nước ngoài;

đ) Tham dự hội thảo khoa học quốc tế ở nước ngoài hoặc tổ chức hội thảo khoa học quốc tế tại Việt Nam có liên quan;

e) Thuê đất và cơ sở vật chất phục vụ nhiệm vụ;

g) Mua sắm trang thiết bị, vật tư khoa học phục vụ nhiệm vụ trong trường hợp đặc biệt;

h) Các hoạt động khác để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

2. Được chủ động bố trí, sử dụng nhân lực thực hiện nhiệm vụ được giao:

a) Đề xuất cơ quan có thẩm quyền điều động nhân lực khoa học và công nghệ, huy động các tổ chức khoa học và công nghệ tham gia thực hiện nhiệm vụ;

b) Thuê hoặc mời chuyên gia trong nước và nước ngoài tư vấn hoặc tham gia thực hiện nhiệm vụ.

3. Được hưởng mức lương tương đương chuyên gia cao cấp bậc 3 và hưởng ưu đãi hàng tháng bằng 100% mức lương trước thời điểm được giao chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đặc biệt quan trọng.

4. Được sử dụng miễn phí các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và các phòng thí nghiệm khác để thực hiện nhiệm vụ.

5. Được tiếp cận thông tin, tư liệu từ các thư viện điện tử, thư viện kỹ thuật quan trọng.

6. Được bố trí phương tiện đi lại, nhà ở công vụ.

7. Được hưởng các chính sách quy định tại Chương II Nghị định này và các ưu đãi khác quy định tại Điều 23 Luật Khoa học và công nghệ.

Điều 22. Kinh phí thực hiện chính sách trọng dụng nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đặc biệt quan trọng

1. Kinh phí thực hiện chính sách trọng dụng nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đặc biệt quan trọng được dự toán trong kinh phí thực hiện nhiệm vụ.

2. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn xây dựng dự toán, bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đặc biệt quan trọng.

Xem nội dung VB
Điều 23. Ưu đãi trong việc sử dụng nhân lực, nhân tài khoa học và công nghệ
...
3. Nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đặc biệt quan trọng ngoài ưu đãi quy định tại khoản 1 Điều này còn được hưởng ưu đãi sau đây:

a) Hưởng mức lương và phụ cấp ưu đãi đặc biệt theo thỏa thuận với cơ quan nhà nước giao nhiệm vụ; được bố trí nhà ở công vụ, phương tiện đi lại công vụ trong thời gian thực hiện nhiệm vụ được giao;

b) Đề xuất việc điều động nhân lực khoa học và công nghệ, kinh phí thực hiện nhiệm vụ và nguồn lực vật chất, tài chính bảo đảm thực hiện nhiệm vụ;

c) Thuê, thỏa thuận chi phí thuê chuyên gia trong nước và nước ngoài; tự quyết định việc mua sáng chế, thiết kế, tài liệu kỹ thuật, bí quyết công nghệ phục vụ cho nhiệm vụ trong phạm vi dự toán kinh phí được giao;

d) Tự quyết định và được hỗ trợ kinh phí tham gia hội nghị, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực chuyên môn;

đ) Toàn quyền quyết định việc tổ chức nhiệm vụ được giao.
Khoản này được hướng dẫn bởi Mục 2 Chương 4 Nghị định 40/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2014
Khoản này được hướng dẫn bởi Mục 3 Chương 4 Nghị định 40/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2014
Căn cứ Luật Khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ.
...
Chương 4. TRỌNG DỤNG NHÂN TÀI KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
...
Mục 3: TRỌNG DỤNG NHÀ KHOA HỌC TRẺ TÀI NĂNG

Điều 23. Tiêu chuẩn nhà khoa học trẻ tài năng

Nhà khoa học trẻ tài năng là cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ dưới 35 tuổi, có trình độ tiến sĩ trở lên và đạt một trong các tiêu chuẩn sau:

1. Chủ trì công trình đạt giải thưởng uy tín về khoa học và công nghệ trong nước hoặc quốc tế.

2. Là tác giả chính ít nhất 05 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí chuyên ngành quốc tế có uy tín; hoặc chủ biên ít nhất 03 sách chuyên khảo; hoặc là tác giả của ít nhất 02 sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ trong đó có ít nhất 01 sáng chế được ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội.

*Điều 23 được sửa đổi bởi Khoản 13 Điều 1 Nghị định 27/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/04/2020

Điều 23. Tiêu chuẩn, điều kiện và trình tự, thủ tục lựa chọn, công nhận nhà khoa học trẻ tài năng và nhiệm vụ của nhà khoa học trẻ tài năng

1. Nhà khoa học trẻ tài năng là cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ dưới 35 tuổi, có trình độ tiến sĩ trở lên, có kết quả học tập xuất sắc các năm học bậc đại học và đạt một trong các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

a) Chủ trì công trình đạt giải thưởng uy tín về khoa học và công nghệ trong nước hoặc quốc tế theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ;

b) Là tác giả chính ít nhất 05 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ; hoặc là tác giả của ít nhất 02 sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ trong đó có ít nhất 01 sáng chế được ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội; hoặc là chủ nhiệm một nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu mà kết quả/sản phẩm mang lại có giá trị, tác động, hiệu quả cao về kinh tế - xã hội. Cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn nếu không đáp ứng điều kiện này phải có ít nhất 05 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí khoa học có mã số chuẩn quốc tế ISSN thuộc Danh mục tạp chí được tính điểm của Hội đồng giáo sư ngành, liên ngành hằng năm của Hội đồng giáo sư nhà nước và có ít nhất 03 lần tham gia chủ trì hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành ở cấp quốc gia hoặc tham gia hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành quốc tế.

2. Trình tự, thủ tục lựa chọn, công nhận nhà khoa học trẻ tài năng

a) Trước ngày 31 tháng 3 hằng năm, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị công nhận nhà khoa học trẻ tài năng đến Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia. Hồ sơ được nộp trực tiếp (tại Bộ phận Một cửa) hoặc trực tuyến tại Cổng dịch vụ công của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia.

Hồ sơ để xem xét, công nhận là nhà khoa học trẻ tài năng gồm có;

- Bản đăng ký xét công nhận nhà khoa học trẻ tài năng (theo Mẫu số 04/KHCN ban hành kèm theo Nghị định này);

- Bản sao các văn bằng, chứng chỉ;

- Lý lịch khoa học (có xác nhận của cơ quan, đơn vị quản lý nếu cá nhân thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập);

- Các tài liệu khác chứng minh đạt tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định này.

b) Trước ngày 01 tháng 5 hằng năm, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia tổ chức xem xét, thẩm định hồ sơ và báo cáo kết quả với Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia. Trước ngày 15 tháng 5 hằng năm, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia ra quyết định công nhận nhà khoa học trẻ tài năng đối với các cá nhân đủ điều kiện tiêu chuẩn và thông báo bằng văn bản cho những cá nhân không đủ điều kiện tiêu chuẩn được công nhận là nhà khoa học trẻ tài năng.

c) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có quyết định của Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quyết định công nhận nhà khoa học trẻ tài năng được gửi đến các cá nhân và tổ chức có liên quan để thực hiện chính sách trọng dụng đối với nhà khoa học trẻ tài năng.*

Điều 24. Chính sách trọng dụng nhà khoa học trẻ tài năng

Nhà khoa học trẻ tài năng được hưởng các ưu đãi sau:

1. Được xét tuyển dụng đặc cách không qua thi vào làm việc trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập và được hưởng hệ số lương 5,08 (tương đương bậc 3/8 ngạch chuyên viên chính).

2. Được ưu tiên cử tham gia các chương trình nghiên cứu sau tiến sĩ chuyên ngành khoa học và công nghệ tại các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu ở trong nước và nước ngoài; được ưu tiên cử đi thực tập, làm việc có thời hạn tại các tổ chức khoa học và công nghệ ở nước ngoài; được ưu tiên giao trực tiếp chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ tiềm năng thuộc lĩnh vực chuyên môn.

3. Được tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ xem xét giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra bằng ngân sách nhà nước để thành lập hoặc góp vốn thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

4. Được xem xét hỗ trợ kinh phí sử dụng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và các phòng thí nghiệm khác để thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ, trừ trường hợp kinh phí này đã được dự toán trong kinh phí thực hiện nhiệm vụ.

5. Được hỗ trợ kinh phí công bố kết quả khoa học và công nghệ, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế và giống cây trồng ở trong nước và nước ngoài, trừ trường hợp kinh phí này đã được dự toán trong kinh phí thực hiện nhiệm vụ.

*Khoản 5 Điều 24 được sửa đổi bởi Khoản 14 Điều 1 Nghị định 27/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/04/2020

5. Được hỗ trợ kinh phí tham gia hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành ở trong nước và nước ngoài tối đa 1 lần trong 1 năm; hỗ trợ kinh phí công bố kết quả khoa học và công nghệ, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế và giống cây trồng ở trong nước và nước ngoài, trừ trường hợp kinh phí này đã được dự toán trong kinh phí thực hiện nhiệm vụ.*

6. Được hưởng các chính sách quy định tại Chương II Nghị định này và các ưu đãi khác quy định tại Điều 23 Luật Khoa học và công nghệ.

Điều 25. Kinh phí thực hiện chính sách trọng dụng nhà khoa học trẻ tài năng

1. Kinh phí thực hiện chính sách trọng dụng nhà khoa học trẻ tài năng quy định tại Điều 24 Nghị định này được bố trí từ kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ trong dự toán giao cho tổ chức khoa học và công nghệ.

2. Trường hợp nhà khoa học trẻ tài năng không thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập, kinh phí thực hiện chính sách trọng dụng được cấp từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia hoặc Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

*Điều 25 được sửa đổi bởi Khoản 15 Điều 1 Nghị định 27/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/04/2020

Điều 25. Kinh phí thực hiện chính sách trọng dụng nhà khoa học trẻ tài năng

1. Kinh phí thực hiện chính sách trọng dụng nhà khoa học trẻ tài năng quy định tại Điều 24 Nghị định này được bố trí từ kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ trong dự toán giao cho tổ chức khoa học và công nghệ hoặc được cấp từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; các nguồn kinh phí hợp pháp khác nếu có. Riêng kinh phí thực hiện hỗ trợ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đối với nhà khoa học trẻ tài năng quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị định này được bố trí trong dự toán kinh phí hàng năm để thực hiện hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nhân lực khoa học và công nghệ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

2. Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia dự toán kinh phí và thực hiện việc hỗ trợ nhà khoa học trẻ tài năng được hưởng chính sách trọng dụng theo quy định.*

Xem nội dung VB
Điều 23. Ưu đãi trong việc sử dụng nhân lực, nhân tài khoa học và công nghệ
...
4. Nhà khoa học trẻ tài năng ngoài việc được hưởng ưu đãi quy định tại khoản 1 Điều này còn được hưởng ưu đãi sau đây:

a) Ưu tiên xét cấp học bổng để nâng cao trình độ ở trong nước, ngoài nước;

b) Được thành lập nhóm nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực chuyên môn của mình và được cấp hoặc hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của nhóm này;

c) Được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ tiềm năng và được ưu tiên chủ trì, tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ khác;

d) Được hỗ trợ kinh phí tham gia hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực chuyên môn.
Nội dung hướng dẫn Khoản này tại Nghị định 40/2014/NĐ-CP nay được sửa đổi bởi Khoản 13 đến Khoản 15 Điều 1 Nghị định 27/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 04 năm 2020
Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ và Nghị định số 87/2014/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ như sau:
...
13. Sửa đổi, bổ sung Điều 23 như sau:

“Điều 23. Tiêu chuẩn, điều kiện và trình tự, thủ tục lựa chọn, công nhận nhà khoa học trẻ tài năng và nhiệm vụ của nhà khoa học trẻ tài năng

1. Nhà khoa học trẻ tài năng là cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ dưới 35 tuổi, có trình độ tiến sĩ trở lên, có kết quả học tập xuất sắc các năm học bậc đại học và đạt một trong các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

a) Chủ trì công trình đạt giải thưởng uy tín về khoa học và công nghệ trong nước hoặc quốc tế theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ;

b) Là tác giả chính ít nhất 05 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ; hoặc là tác giả của ít nhất 02 sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ trong đó có ít nhất 01 sáng chế được ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội; hoặc là chủ nhiệm một nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu mà kết quả/sản phẩm mang lại có giá trị, tác động, hiệu quả cao về kinh tế - xã hội. Cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn nếu không đáp ứng điều kiện này phải có ít nhất 05 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí khoa học có mã số chuẩn quốc tế ISSN thuộc Danh mục tạp chí được tính điểm của Hội đồng giáo sư ngành, liên ngành hằng năm của Hội đồng giáo sư nhà nước và có ít nhất 03 lần tham gia chủ trì hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành ở cấp quốc gia hoặc tham gia hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành quốc tế.

2. Trình tự, thủ tục lựa chọn, công nhận nhà khoa học trẻ tài năng

a) Trước ngày 31 tháng 3 hằng năm, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị công nhận nhà khoa học trẻ tài năng đến Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia. Hồ sơ được nộp trực tiếp (tại Bộ phận Một cửa) hoặc trực tuyến tại Cổng dịch vụ công của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia.

Hồ sơ để xem xét, công nhận là nhà khoa học trẻ tài năng gồm có;

- Bản đăng ký xét công nhận nhà khoa học trẻ tài năng (theo Mẫu số 04/KHCN ban hành kèm theo Nghị định này);

- Bản sao các văn bằng, chứng chỉ;

- Lý lịch khoa học (có xác nhận của cơ quan, đơn vị quản lý nếu cá nhân thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập);

- Các tài liệu khác chứng minh đạt tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định này.

b) Trước ngày 01 tháng 5 hằng năm, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia tổ chức xem xét, thẩm định hồ sơ và báo cáo kết quả với Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia. Trước ngày 15 tháng 5 hằng năm, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia ra quyết định công nhận nhà khoa học trẻ tài năng đối với các cá nhân đủ điều kiện tiêu chuẩn và thông báo bằng văn bản cho những cá nhân không đủ điều kiện tiêu chuẩn được công nhận là nhà khoa học trẻ tài năng.

c) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có quyết định của Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quyết định công nhận nhà khoa học trẻ tài năng được gửi đến các cá nhân và tổ chức có liên quan để thực hiện chính sách trọng dụng đối với nhà khoa học trẻ tài năng.”

14. Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 24 như sau:

“Điều 24. Chính sách trọng dụng nhà khoa học trẻ tài năng

5. Được hỗ trợ kinh phí tham gia hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành ở trong nước và nước ngoài tối đa 1 lần trong 1 năm; hỗ trợ kinh phí công bố kết quả khoa học và công nghệ, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế và giống cây trồng ở trong nước và nước ngoài, trừ trường hợp kinh phí này đã được dự toán trong kinh phí thực hiện nhiệm vụ.”

15. Sửa đổi, bổ sung Điều 25 như sau:

“Điều 25. Kinh phí thực hiện chính sách trọng dụng nhà khoa học trẻ tài năng

1. Kinh phí thực hiện chính sách trọng dụng nhà khoa học trẻ tài năng quy định tại Điều 24 Nghị định này được bố trí từ kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ trong dự toán giao cho tổ chức khoa học và công nghệ hoặc được cấp từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; các nguồn kinh phí hợp pháp khác nếu có. Riêng kinh phí thực hiện hỗ trợ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đối với nhà khoa học trẻ tài năng quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị định này được bố trí trong dự toán kinh phí hàng năm để thực hiện hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nhân lực khoa học và công nghệ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

2. Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia dự toán kinh phí và thực hiện việc hỗ trợ nhà khoa học trẻ tài năng được hưởng chính sách trọng dụng theo quy định.”
...
Mẫu số 04/KHCN BẢN ĐĂNG KÝ XÉT CÔNG NHẬN NHÀ KHOA HỌC TRẺ TÀI NĂNG

Xem nội dung VB
Điều 23. Ưu đãi trong việc sử dụng nhân lực, nhân tài khoa học và công nghệ
...
4. Nhà khoa học trẻ tài năng ngoài việc được hưởng ưu đãi quy định tại khoản 1 Điều này còn được hưởng ưu đãi sau đây:

a) Ưu tiên xét cấp học bổng để nâng cao trình độ ở trong nước, ngoài nước;

b) Được thành lập nhóm nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực chuyên môn của mình và được cấp hoặc hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của nhóm này;

c) Được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ tiềm năng và được ưu tiên chủ trì, tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ khác;

d) Được hỗ trợ kinh phí tham gia hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực chuyên môn.
Khoản này được hướng dẫn bởi Mục 3 Chương 4 Nghị định 40/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2014
Nội dung hướng dẫn Khoản này tại Nghị định 40/2014/NĐ-CP nay được sửa đổi bởi Khoản 13 đến Khoản 15 Điều 1 Nghị định 27/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 04 năm 2020
Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ và các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ được hướng dẫn bởi Nghị định 18/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/04/2024
Căn cứ Luật Khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ.
...
Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Giải thích từ ngữ
...
Điều 4. Giải thưởng về khoa học và công nghệ
...
Điều 5. Nguyên tắc đặt tên và đề nghị, xét tặng giải thưởng về khoa học và công nghệ
...
Điều 6. Thẩm quyền tổ chức xét tặng giải thưởng về khoa học và công nghệ
...
Chương II GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH, GIẢI THƯỞNG NHÀ NƯỚC VỀ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Mục 1. ĐIỀU KIỆN, TIÊU CHUẨN XÉT TẶNG GIẢI THƯỞNG

Điều 7. Điều kiện xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ
...
Điều 8. Tiêu chuẩn xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đối với công trình nghiên cứu khoa học
...
Điều 9. Tiêu chuẩn xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đối với công trình nghiên cứu phát triển công nghệ
...
Điều 10. Tiêu chuẩn xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đối với công trình ứng dụng công nghệ
...
Điều 11. Tiêu chuẩn xét tặng Giải thưởng Nhà nước đối với công trình nghiên cứu khoa học
...
Điều 12. Tiêu chuẩn xét tặng Giải thưởng Nhà nước đối với công trình nghiên cứu phát triển công nghệ
...
Điều 13. Tiêu chuẩn xét tặng Giải thưởng Nhà nước đối với công trình ứng dụng công nghệ
...
Mục 2. THỦ TỤC XÉT TẶNG GIẢI THƯỞNG, QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA TÁC GIẢ CÔNG TRÌNH ĐƯỢC TẶNG GIẢI THƯỞNG

Điều 14. Thời gian xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước
...
Điều 15. Quy trình, thời hạn xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước
...
Điều 16. Hội đồng xét tặng Giải thưởng các cấp
...
Điều 17. Thủ tục xét Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ tại cấp cơ sở
...
Điều 18. Thủ tục xét Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ tại cấp bộ, ngành, địa phương
...
Điều 19. Thủ tục xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ tại Hội đồng xét tặng Giải thưởng chuyên ngành cấp Nhà nước
...
Điều 20. Thủ tục xét Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước tại Hội đồng xét tặng Giải thưởng cấp Nhà nước
...
Điều 21. Quyền lợi và trách nhiệm của tác giả công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ
...
Chương III GIẢI THƯỞNG CỦA BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG VỀ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Điều 22. Tổ chức xét tặng giải thưởng của bộ, ngành, địa phương về khoa học và công nghệ
...
Điều 23. Điều kiện xét tặng giải thưởng của bộ, ngành, địa phương về khoa học và công nghệ
...
Điều 24. Tiêu chuẩn xét tặng giải thưởng của bộ, ngành, địa phương về khoa học và công nghệ
...
Điều 25. Quy trình, thủ tục xét tặng giải thưởng của bộ, ngành, địa phương về khoa học và công nghệ
...
Điều 26. Thành phần, nguyên tắc hoạt động của Hội đồng xét tặng giải thưởng của bộ, ngành, địa phương về khoa học và công nghệ
...
Điều 27. Quyền lợi và trách nhiệm của tác giả được tặng giải thưởng của bộ, ngành, địa phương về khoa học và công nghệ
...
Chương IV GIẢI THƯỞNG CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN VỀ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Điều 28. Thủ tục đặt và tặng giải thưởng về khoa học và công nghệ của tổ chức, cá nhân cư trú hoặc hoạt động hợp pháp tại Việt Nam
...
Điều 29. Thủ tục đặt và tặng giải thưởng về khoa học và công nghệ của tổ chức, cá nhân không cư trú, không hoạt động tại Việt Nam
...
Chương V ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 30. Hiệu lực thi hành
...
Điều 31. Trách nhiệm thi hành
...
PHỤ LỤC CÁC BIỂU MẪU

Mẫu số 01. Bản đăng ký đề nghị xét tặng Giải thưởng
...
Mẫu số 02a. Báo cáo tóm tắt công trình nghiên cứu khoa học
...
Mẫu số 02b. Báo cáo tóm tắt công trình nghiên cứu phát triển công nghệ
...
Mẫu số 02c. Báo cáo tóm tắt công trình ứng dụng công nghệ
...
Mẫu số 03. Văn bản xác nhận ứng dụng công trình
...
Mẫu số 04. Báo cáo tóm tắt hiệu quả công trình
...
Mẫu số 05. Công văn đề nghị xét tặng Giải thưởng
...
Mẫu số 06a. Phiếu nhận xét công trình nghiên cứu khoa học
...
Mẫu số 06b. Phiếu nhận xét công trình nghiên cứu phát triển công nghệ
...
Mẫu số 06c. Phiếu nhận xét công trình ứng dụng công nghệ
...
Mẫu số 07. Phiếu đánh giá công trình đề nghị xét tặng Giải thưởng
...
Mẫu số 08. Biên bản kiểm phiếu đánh giá công trình đề nghị xét tặng Giải thưởng
...
Mẫu số 09. Biên bản họp Hội đồng xét tặng Giải thưởng
...
Mẫu số 10. Bản đăng ký đề nghị xét tặng giải thưởng về khoa học và công nghệ
...
Mẫu số 11. Đơn đăng ký đặt và tặng giải thưởng về khoa học và công nghệ

Xem nội dung VB
Điều 77. Danh hiệu vinh dự Nhà nước, khen thưởng và giải thưởng về khoa học và công nghệ

1. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ được phong, tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước, giải thưởng và các hình thức khen thưởng khác của Nhà nước theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.

2. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan nhà nước khác ở trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xét, tặng giải thưởng về khoa học và công nghệ cho tập thể, cá nhân có công trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ xuất sắc trong phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương.

3. Tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài được đặt và tặng giải thưởng khoa học và công nghệ nhằm khuyến khích phát triển khoa học và công nghệ tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.

4. Chính phủ quy định cụ thể Điều này.
Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ được hướng dẫn bởi Nghị định 78/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 9 năm 2014 (VB hết hiệu lực: 10/04/2024)
Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ.
...
Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Giải thích từ ngữ
...
Điều 4. Các giải thưởng về khoa học và công nghệ
...
Điều 5. Nguyên tắc đặt tên và xét tặng giải thưởng về khoa học và công nghệ
...
Điều 6. Thẩm quyền xét tặng giải thưởng về khoa học và công nghệ
...
Điều 7. Kinh phí bảo đảm hoạt động xét tặng giải thưởng về khoa học và công nghệ
...
Chương II GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH, GIẢI THƯỞNG NHÀ NƯỚC VỀ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Mục 1 ĐIỀU KIỆN, TIÊU CHUẨN XÉT TẶNG GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH, GIẢI THƯỞNG NHÀ NƯỚC VỀ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Điều 8. Điều kiện xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ
...
Điều 9. Tiêu chuẩn xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ đối với công trình nghiên cứu khoa học
...
Điều 10. Tiêu chuẩn xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ đối với công trình nghiên cứu phát triển công nghệ
...
Điều 11. Tiêu chuẩn xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ đối với công trình ứng dụng công nghệ
...
Điều 12. Tiêu chuẩn xét tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ đối với công trình nghiên cứu khoa học
...
Điều 13. Tiêu chuẩn xét tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ đối với công trình nghiên cứu phát triển công nghệ
...
Điều 14. Tiêu chuẩn xét tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ đối với công trình ứng dụng công nghệ
...
Mục 2: THỦ TỤC XÉT TẶNG GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH VÀ GIẢI THƯỞNG NHÀ NƯỚC VỀ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Điều 15. Thời gian và thời hạn xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ
...
Điều 16. Quy trình xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ
...
Điều 17. Thành phần, nguyên tắc hoạt động của Hội đồng xét tặng giải thưởng các cấp
...
Điều 18. Thủ tục xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ tại Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp cơ sở
...
Điều 19. Thủ tục xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ tại Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp Bộ, ngành, địa phương
...
Điều 20. Thủ tục xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ tại Hội đồng xét tặng giải thưởng chuyên ngành cấp nhà nước
...
Điều 21. Thủ tục xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Mình và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ tại Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp nhà nước
...
Mục 3: QUYỀN LỢI, TRÁCH NHIỆM CỦA TÁC GIẢ CÔNG TRÌNH ĐƯỢC TẶNG GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH, GIẢI THƯỞNG NHÀ NƯỚC VỀ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Điều 22. Quyền lợi của tác giả công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ
...
Điều 23. Trách nhiệm của tác giả công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ
...
Chương III GIẢI THƯỞNG CỦA BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG VỀ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Điều 24. Điều kiện xét tặng giải thưởng
...
Điều 25. Cơ sở xây dựng tiêu chuẩn xét tặng giải thưởng
...
Điều 26. Tổ chức xét tặng giải thưởng
...
Điều 27. Quyền lợi của tác giả được tặng giải thưởng
...
Điều 28. Trách nhiệm của tác giả được tặng giải thưởng
...
Chương IV GIẢI THƯỞNG CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN VỀ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
...
Điều 29. Đặt và tặng giải thưởng về khoa học và công nghệ của tổ chức, cá nhân cư trú hoặc hoạt động hợp pháp tại Việt Nam
...
Điều 30. Đặt và tặng giải thưởng về khoa học và công nghệ của tổ chức, cá nhân không cư trú, không hoạt động tại Việt Nam
...
Chương V TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG GIẢI THƯỞNG VỀ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Điều 31. Trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ
...
Điều 32. Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan nhà nước khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
...
Điều 33. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân
...
Chương VI ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 34. Hiệu lực thi hành
...
Điều 35. Trách nhiệm thi hành

Xem nội dung VB
Điều 77. Danh hiệu vinh dự Nhà nước, khen thưởng và giải thưởng về khoa học và công nghệ
...
2. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan nhà nước khác ở trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xét, tặng giải thưởng về khoa học và công nghệ cho tập thể, cá nhân có công trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ xuất sắc trong phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương.
Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ và các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ được hướng dẫn bởi Nghị định 18/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/04/2024
Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ được hướng dẫn bởi Nghị định 78/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 9 năm 2014 (VB hết hiệu lực: 10/04/2024)
Điều này được hướng dẫn bởi Nghị định 87/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 11 năm 2014
Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.

Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chính sách thu hút, thẩm quyền quyết định và quy trình chấp thuận việc sử dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam; trách nhiệm thực hiện của các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam (sau đây gọi là người Việt Nam ở nước ngoài).


2. Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam (sau đây gọi là chuyên gia nước ngoài).

3. Các cơ quan, tổ chức sử dụng đối tượng quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 3. Điều kiện được hưởng chính sách thu hút

1. Người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam được hưởng chính sách quy định tại Nghị định này nếu đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

a) Có sáng chế hoặc giống cây trồng được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ phù hợp với nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện tại Việt Nam;

b) Có công trình nghiên cứu khoa học và công nghệ xuất sắc phù hợp với nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện tại Việt Nam;

c) Có bằng tiến sỹ, đã và đang giảng dạy, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ tại cơ sở nghiên cứu có uy tín ở nước ngoài trong lĩnh vực chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ khoa học và công nghệ tại Việt Nam;

d) Có bằng tiến sỹ, đã làm việc trên 3 năm ở vị trí nghiên cứu khoa học tại chương trình, dự án hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ hoặc bộ phận nghiên cứu của doanh nghiệp có uy tín ở nước ngoài.

2. Căn cứ nhu cầu phát triển khoa học và công nghệ và theo đề nghị của cơ quan sử dụng, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc sử dụng đối với các trường hợp không đáp ứng điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều này.

*Điều 3 được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 2 Nghị định 27/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/04/2020

Điều 3. Điều kiện áp dụng chính sách thu hút

1. Người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia nước ngoài được hưởng chính sách quy định tại Nghị định này khi chủ trì hoặc tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ quan trọng, có ảnh hưởng ở tầm quốc gia hoặc đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam hoặc của một địa phương hoặc cho sự phát triển của chuyên ngành, lĩnh vực khoa học và công nghệ của Việt Nam và đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

a) Có sáng chế, giống cây trồng được cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và đã được ứng dụng, chuyển giao tạo ra sản phẩm có giá trị thực tiễn hoặc có kinh nghiệm, chuyên môn sâu về ngành, lĩnh vực phù hợp với nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện tại Việt Nam và đang làm việc tại bộ phận nghiên cứu của Viện Nghiên cứu, Trường đại học hoặc doanh nghiệp có uy tín ở nước ngoài;

b) Có công trình nghiên cứu khoa học và công nghệ xuất sắc, đạt giải thưởng về khoa học và công nghệ hoặc đã được ứng dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả và phù hợp với nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện tại Việt Nam;

c) Có bằng tiến sỹ và đang giảng dạy, tham gia nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ trong ít nhất 03 năm tại cơ sở nghiên cứu có uy tín ở nước ngoài về lĩnh vực chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện tại Việt Nam;

d) Có bằng tiến sỹ và đã làm việc ít nhất 03 năm ở vị trí nghiên cứu khoa học tại chương trình, dự án hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ hoặc bộ phận nghiên cứu của doanh nghiệp có uy tín ở nước ngoài.

2. Căn cứ tình hình thực tiễn và theo đề nghị của cơ quan có nhu cầu sử dụng người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ ở Việt Nam, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thống nhất với Bộ Khoa học và Công nghệ báo cáo, xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc áp dụng chính sách thu hút đối với trường hợp không đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này nhưng chứng minh được khả năng đóng góp có hiệu quả khi tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.*

Chương II. CÁC CHÍNH SÁCH THU HÚT

Điều 4. Chính sách về xuất nhập cảnh và cư trú

1. Người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia nước ngoài là đối tượng điều chỉnh của Nghị định này và thành viên gia đình họ (bao gồm bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi dưới 18 tuổi) được cấp thị thực nhiều lần hoặc Thẻ tạm trú với thời hạn tối đa theo quy định của pháp luật về xuất nhập cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

2. Người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia nước ngoài được Nhà nước Việt Nam tặng huân chương hoặc danh hiệu vinh dự Nhà nước hoặc đang tạm trú tại Việt Nam được xem xét cấp Thẻ thường trú theo quy định của pháp luật về xuất nhập cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 5. Chính sách về tuyển dụng, lao động, học tập

1. Người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian làm việc tại Việt Nam được bổ nhiệm, thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức khoa học và công nghệ; được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp; xét công nhận, bổ nhiệm chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ.

*Khoản 1 Điều 5 được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 2 Nghị định 27/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/04/2020

1. Người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian làm việc tại Việt Nam được thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức khoa học và công nghệ công lập; được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước các cấp; được xét công nhận, bổ nhiệm chức danh khoa học, chức danh công nghệ theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ.*

2. Chuyên gia nước ngoài trong thời gian làm việc tại Việt Nam được thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức khoa học và công nghệ; được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

3. Người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài được tạo điều kiện cấp giấy phép lao động theo quy trình, thủ tục rút gọn.

4. Thành viên gia đình của người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài (bao gồm bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi dưới 18 tuổi) được tạo điều kiện, hỗ trợ về thủ tục khi tìm kiếm việc làm và tuyển sinh, học tập tại các cơ sở giáo dục và đào tạo tại Việt Nam.

Điều 6. Chính sách về lương

Người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ tại Việt Nam được hưởng lương theo thỏa thuận. Mức lương thỏa thuận được xác định trên cơ sở:

1. Mức độ ưu tiên của nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

2. Tính chất, quy mô và tầm quan trọng của hoạt động khoa học và công nghệ.

3. Trình độ, năng lực, hiệu quả đóng góp của cá nhân.

*Điều 6 được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 2 Nghị định 27/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/04/2020

Điều 6. Chính sách về tiền lương

Người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài khi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ tại Việt Nam được hưởng mức lương theo thỏa thuận. Mức lương thỏa thuận được xác định trên cơ sở:

1. Tính chất, quy mô và tầm ảnh hưởng của nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

2. Trình độ, năng lực và hiệu quả đóng góp của cá nhân.

3. Mức lương của các vị trí tương đương trong các tổ chức nước ngoài hoặc doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.*

Điều 7. Chính sách về nhà ở

Người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài được cơ quan, tổ chức sử dụng tạo điều kiện về chỗ ở hoặc hỗ trợ thuê chỗ ở trong thời gian tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.

Điều 8. Chính sách về tiếp cận thông tin

1. Trước khi tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài được cung cấp thông tin, tư vấn về định hướng, lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên phát triển tại Việt Nam và các tổ chức khoa học và công nghệ có nhu cầu và tiềm năng hợp tác.

2. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ tại Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài được cơ quan, tổ chức sử dụng cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến các hoạt động chuyên môn.

*Khoản 3 Điều 8 được bổ sung bởi Khoản 4 Điều 2 Nghị định 27/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/04/2020

3. Các cơ quan, tổ chức trong nước có trách nhiệm công khai đầy đủ, cụ thể theo quy định của pháp luật và đẩy mạnh hoạt động phổ biến thông tin về các chương trình, dự án, nhiệm vụ khoa học và công nghệ có nhu cầu hợp tác, tham gia của người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài (thông tin chi tiết về nhiệm vụ hợp tác; yêu cầu đối với người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài khi tham gia hợp tác, quyền lợi và nghĩa vụ đối với công việc; cam kết về việc tạo điều kiện để hợp tác và các thông tin cần thiết khác.*

Điều 9. Chính sách về khen thưởng, vinh danh

Người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài có nhiều cống hiến đối với sự phát triển khoa học và công nghệ của Việt Nam được Nhà nước Việt Nam xem xét tặng danh hiệu khoa học danh dự, kỷ niệm chương vì sự nghiệp khoa học và công nghệ hoặc được vinh danh, khen thưởng theo quy định pháp luật.

Điều 10. Các chính sách khác

Ngoài các chính sách quy định tại các Điều 4, 5, 6, 7, 8 và 9 Nghị định này, người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài được hưởng các quyền và chính sách sau đây:

1. Người Việt Nam ở nước ngoài được hưởng các quyền quy định tại Điều 20 Luật Khoa học và Công nghệ.

2. Người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài được hưởng các chính sách sau:

a) Được hưởng ưu đãi tối đa về thuế theo quy định của pháp luật;

b) Được chuyển các khoản thu nhập hợp pháp ra nước ngoài theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối và các quy định có liên quan khác của pháp luật Việt Nam; trường hợp có nguồn thu hợp pháp bằng đồng Việt Nam thì được mua ngoại tệ để chuyển ra nước ngoài;

c) Được cơ quan, tổ chức sử dụng bảo đảm các điều kiện thuận lợi về phòng làm việc, trang thiết bị và vật tư, phòng thí nghiệm, cơ sở thực nghiệm và các điều kiện cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ tại Việt Nam;

d) Được sử dụng miễn phí phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và các phòng thí nghiệm trọng điểm khác để triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước;

đ) Được tạo điều kiện sử dụng tài liệu, sách báo, tạp chí, dịch vụ internet phục vụ cho hoạt động chuyên môn;

e) Được hỗ trợ kinh phí tổ chức hội thảo khoa học và công nghệ phù hợp với lĩnh vực chuyên môn tại Việt Nam;

*Điểm e khoản 2 Điều 10 được sửa đổi bởi Khoản 5 Điều 2 Nghị định 27/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/04/2020

e) Trong thời gian tham gia thực hiện nhiệm vụ hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam, được hỗ trợ kinh phí tham gia hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế có nội dung gắn với nhiệm vụ khoa học và công nghệ đang hợp tác triển khai tại Việt Nam, mỗi năm không quá 01 lần; được hỗ trợ kinh phí để tổ chức hội thảo khoa học và công nghệ phù hợp với lĩnh vực chuyên môn tại Việt Nam; hỗ trợ kinh phí công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế, đăng ký bảo hộ giống cây trồng là kết quả trong quá trình hợp tác với các cơ quan, đơn vị, tổ chức khoa học và công nghệ của Việt Nam. Kinh phí hỗ trợ nêu tại quy định này được cấp từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia hoặc từ nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu có);*

g) Được bố trí phương tiện đi lại nếu chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đặc biệt quan trọng;

h) Được hưởng các ưu đãi khác theo thỏa thuận với cơ quan, tổ chức sử dụng nếu những ưu đãi này phù hợp với quy định của pháp luật.

*Điểm i khoản 2 Điều 10 được bổ sung bởi Khoản 5 Điều 2 Nghị định 27/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/04/2020

i) Được tham gia các chương trình, đề án đẩy mạnh hợp tác, thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.*

Chương III. THẨM QUYỀN QUYẾT ĐỊNH VÀ QUY TRÌNH CHẤP THUẬN VIỆC SỬ DỤNG

Điều 11. Thẩm quyền quyết định việc sử dụng người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), các Đại học Quốc gia quyết định việc sử dụng người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài của các cơ quan, tổ chức công lập trực thuộc.

2. Các cơ quan, tổ chức ngoài công lập quyết định việc sử dụng người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài của cơ quan, tổ chức mình.

Điều 12. Quy trình chấp thuận việc sử dụng người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài

1. Cơ quan, tổ chức công lập đề xuất việc sử dụng người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại các chương trình, dự án cụ thể, trình cơ quan chủ quản quy định tại Khoản 1 Điều 11 Nghị định này. Nội dung đề xuất bao gồm các tài liệu chứng minh việc đáp ứng điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định này.

Cơ quan chủ quản có văn bản trả lời chấp thuận hoặc không chấp thuận trong thời gian 15 ngày làm việc, kể từ khi nhận được đề xuất; nếu không chấp thuận thì phải nêu rõ lý do. Trường hợp cần tham khảo ý kiến của Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, cơ quan liên quan thì thời gian để cơ quan chủ quản trả lời không quá 30 ngày làm việc.

2. Cơ quan, tổ chức ngoài công lập muốn đề xuất áp dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước quy định tại Nghị định này đối với người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài làm việc cho cơ quan, tổ chức mình phải được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đóng trụ sở chính xác nhận đủ điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định này.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản xác nhận hoặc không xác nhận trong thời gian 15 ngày làm việc, kể từ khi nhận được đề xuất; nếu không xác nhận thì phải nêu rõ lý do. Trường hợp cần tham khảo ý kiến Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, cơ quan liên quan thì thời gian để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trả lời không quá 30 ngày làm việc.

Chương IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Nguồn kinh phí

Kinh phí thực hiện chính sách thu hút đối với người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam quy định tại Nghị định này bao gồm:

1. Đối với các cơ quan, tổ chức công lập: Sử dụng từ nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp hiện hành và các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

2. Đối với các cơ quan, tổ chức ngoài công lập: Sử dụng nguồn tài chính của cơ quan, tổ chức mình theo quy định của pháp luật.

Điều 14. Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan và địa phương

1. Bộ Khoa học và Công nghệ:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành liên quan xác định các lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên, trọng điểm trong từng thời kỳ cần thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam; cung cấp thông tin, tư vấn về định hướng, lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên phát triển tại Việt Nam và các tổ chức, cơ sở khoa học và công nghệ có nhu cầu và tiềm năng hợp tác cho người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài;

b) Chủ trì thực hiện việc vinh danh, khen thưởng đối với người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.

*Điểm c khoản 1 Điều 14 được bổ sung bởi Khoản 6 Điều 2 Nghị định 27/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/04/2020

c) Xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình hợp tác song phương, đa phương về khoa học và công nghệ để hỗ trợ, thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam và thúc đẩy hợp tác về khoa học và công nghệ với các cơ quan, đơn vị, các tổ chức khoa học và công nghệ trong nước.*

2. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn quy trình, thủ tục bổ nhiệm, thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức khoa học và công nghệ công lập, bổ nhiệm chức danh nghiên cứu khoa học và chức danh công nghệ đối với người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.

*Khoản 2 Điều 14 được sửa đổi bởi Khoản 6 Điều 2 Nghị định 27/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/04/2020

2. Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự thủ tục thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức khoa học và công nghệ đối với người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.*

3. Bộ Ngoại giao:

a) Chỉ đạo các Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài tuyên truyền, vận động người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam;

b) Nghiên cứu và cung cấp cho các Bộ, ngành, cơ quan trong nước kinh nghiệm quốc tế về thu hút các chuyên gia, trí thức hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

*Điểm c khoản 3 Điều 14 được bổ sung bởi Khoản 6 Điều 2 Nghị định 27/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/04/2020

c) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương giới thiệu, cung cấp thông tin về cơ chế, chính sách; về nhu cầu hợp tác của người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài với các cơ quan, đơn vị, tổ chức khoa học và công nghệ trong nước; thúc đẩy và kết nối hoạt động hợp tác và thu hút.*

4. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối, phân bổ kinh phí từ ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định này.

5. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao triển khai làm thủ tục thị thực xuất nhập cảnh và tạm trú, thường trú cho người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.

6. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai cấp giấy phép lao động theo trình tự và thủ tục rút gọn cho người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.

7. Trước ngày 20 tháng 11 hàng năm, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các Đại học Quốc gia báo cáo tình hình sử dụng người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài, gửi Bộ Ngoại giao và Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

*Khoản 7 Điều 14 được sửa đổi bởi Khoản 6 Điều 2 Nghị định 27/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/04/2020

7. Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

a) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý rà soát và công khai kế hoạch hoạt động khoa học và công nghệ, các nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật để tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia thực hiện; cung cấp thông tin về các tổ chức, cơ sở khoa học và công nghệ có nhu cầu và tiềm năng hợp tác cho người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài và công khai thông tin theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định này;

b) Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ để tạo điều kiện và thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam;

c) Phối hợp với các bộ, ngành liên quan để thực hiện chính sách thu hút tại Nghị định này với đối tượng đủ điều kiện theo quy định;

d) Báo cáo tình hình sử dụng, thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài gửi Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Ngoại giao trước ngày 20 tháng 11 hằng năm, để Bộ Khoa học và Công nghệ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.*

Chương V. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 11 năm 2014.

Điều 16. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./

Xem nội dung VB
Điều 24. Thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài

1. Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia nước ngoài được khuyến khích tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.

2. Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian làm việc tại Việt Nam có quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 20 và Điều 21 của Luật này và được hưởng ưu đãi sau đây:

a) Được bổ nhiệm, thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức khoa học và công nghệ; được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp, xét công nhận, bổ nhiệm chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ theo quy định tại Điều 19 của Luật này;

b) Được hưởng lương chuyên gia theo quy định của Chính phủ và ưu đãi khác theo hợp đồng;

c) Được hưởng các ưu đãi về xuất nhập cảnh, cư trú, nhà ở và ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.

3. Chuyên gia nước ngoài được khuyến khích tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam và được hưởng ưu đãi sau đây:

a) Được thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức khoa học và công nghệ; được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ;

b) Được hưởng ưu đãi về xuất nhập cảnh, cư trú, nhà ở và ưu đãi khác theo quy định của pháp luật;

c) Được hưởng lương chuyên gia theo quy định của Chính phủ và ưu đãi khác theo hợp đồng.

4. Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia là người nước ngoài có cống hiến lớn đối với sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ của Việt Nam được Nhà nước Việt Nam vinh danh, khen thưởng, tặng giải thưởng về khoa học và công nghệ của Việt Nam.

5. Chính phủ quy định cụ thể Điều này.
Nội dung hướng dẫn Điều này tại Nghị định 87/2014/NĐ-CP nay được sửa đổi bởi Điều 2 Nghị định 27/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 04 năm 2020
Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ và Nghị định số 87/2014/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.
...
Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 87/2014/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam như sau:

1. Sửa đổi, bổ sung Điều 3 như sau:

“Điều 3. Điều kiện áp dụng chính sách thu hút

1. Người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia nước ngoài được hưởng chính sách quy định tại Nghị định này khi chủ trì hoặc tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ quan trọng, có ảnh hưởng ở tầm quốc gia hoặc đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam hoặc của một địa phương hoặc cho sự phát triển của chuyên ngành, lĩnh vực khoa học và công nghệ của Việt Nam và đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

a) Có sáng chế, giống cây trồng được cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và đã được ứng dụng, chuyển giao tạo ra sản phẩm có giá trị thực tiễn hoặc có kinh nghiệm, chuyên môn sâu về ngành, lĩnh vực phù hợp với nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện tại Việt Nam và đang làm việc tại bộ phận nghiên cứu của Viện Nghiên cứu, Trường đại học hoặc doanh nghiệp có uy tín ở nước ngoài;

b) Có công trình nghiên cứu khoa học và công nghệ xuất sắc, đạt giải thưởng về khoa học và công nghệ hoặc đã được ứng dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả và phù hợp với nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện tại Việt Nam;

c) Có bằng tiến sỹ và đang giảng dạy, tham gia nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ trong ít nhất 03 năm tại cơ sở nghiên cứu có uy tín ở nước ngoài về lĩnh vực chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện tại Việt Nam;

d) Có bằng tiến sỹ và đã làm việc ít nhất 03 năm ở vị trí nghiên cứu khoa học tại chương trình, dự án hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ hoặc bộ phận nghiên cứu của doanh nghiệp có uy tín ở nước ngoài.

2. Căn cứ tình hình thực tiễn và theo đề nghị của cơ quan có nhu cầu sử dụng người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ ở Việt Nam, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thống nhất với Bộ Khoa học và Công nghệ báo cáo, xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc áp dụng chính sách thu hút đối với trường hợp không đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này nhưng chứng minh được khả năng đóng góp có hiệu quả khi tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.”

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 5 như sau:

“Điều 5. Chính sách về tuyển dụng, lao động, học tập

1. Người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian làm việc tại Việt Nam được thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức khoa học và công nghệ công lập; được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước các cấp; được xét công nhận, bổ nhiệm chức danh khoa học, chức danh công nghệ theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ.”

3. Sửa đổi, bổ sung Điều 6 như sau:

“Điều 6. Chính sách về tiền lương

Người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài khi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ tại Việt Nam được hưởng mức lương theo thỏa thuận. Mức lương thỏa thuận được xác định trên cơ sở:

1. Tính chất, quy mô và tầm ảnh hưởng của nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

2. Trình độ, năng lực và hiệu quả đóng góp của cá nhân.

3. Mức lương của các vị trí tương đương trong các tổ chức nước ngoài hoặc doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.”

4. Bổ sung khoản 3 Điều 8 như sau:

“Điều 8. Chính sách về tiếp cận thông tin

3. Các cơ quan, tổ chức trong nước có trách nhiệm công khai đầy đủ, cụ thể theo quy định của pháp luật và đẩy mạnh hoạt động phổ biến thông tin về các chương trình, dự án, nhiệm vụ khoa học và công nghệ có nhu cầu hợp tác, tham gia của người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài (thông tin chi tiết về nhiệm vụ hợp tác; yêu cầu đối với người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài khi tham gia hợp tác, quyền lợi và nghĩa vụ đối với công việc; cam kết về việc tạo điều kiện để hợp tác và các thông tin cần thiết khác.”

5. Sửa đổi điểm e và bổ sung điểm i khoản 2 Điều 10 như sau:

“Điều 10. Các chính sách khác

e) Trong thời gian tham gia thực hiện nhiệm vụ hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam, được hỗ trợ kinh phí tham gia hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế có nội dung gắn với nhiệm vụ khoa học và công nghệ đang hợp tác triển khai tại Việt Nam, mỗi năm không quá 01 lần; được hỗ trợ kinh phí để tổ chức hội thảo khoa học và công nghệ phù hợp với lĩnh vực chuyên môn tại Việt Nam; hỗ trợ kinh phí công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế, đăng ký bảo hộ giống cây trồng là kết quả trong quá trình hợp tác với các cơ quan, đơn vị, tổ chức khoa học và công nghệ của Việt Nam. Kinh phí hỗ trợ nêu tại quy định này được cấp từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia hoặc từ nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu có);

i) Được tham gia các chương trình, đề án đẩy mạnh hợp tác, thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.”

6. Bổ sung điểm c khoản 1, sửa đổi khoản 2, bổ sung điểm c khoản 3 và sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 14 như sau:

“Điều 14. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

1. Bộ Khoa học và Công nghệ:

c) Xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình hợp tác song phương, đa phương về khoa học và công nghệ để hỗ trợ, thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam và thúc đẩy hợp tác về khoa học và công nghệ với các cơ quan, đơn vị, các tổ chức khoa học và công nghệ trong nước.

2. Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự thủ tục thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức khoa học và công nghệ đối với người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.

3. Bộ Ngoại giao:

c) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương giới thiệu, cung cấp thông tin về cơ chế, chính sách; về nhu cầu hợp tác của người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài với các cơ quan, đơn vị, tổ chức khoa học và công nghệ trong nước; thúc đẩy và kết nối hoạt động hợp tác và thu hút.

7. Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

a) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý rà soát và công khai kế hoạch hoạt động khoa học và công nghệ, các nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật để tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia thực hiện; cung cấp thông tin về các tổ chức, cơ sở khoa học và công nghệ có nhu cầu và tiềm năng hợp tác cho người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài và công khai thông tin theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định này;

b) Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ để tạo điều kiện và thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam;

c) Phối hợp với các bộ, ngành liên quan để thực hiện chính sách thu hút tại Nghị định này với đối tượng đủ điều kiện theo quy định;

d) Báo cáo tình hình sử dụng, thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài gửi Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Ngoại giao trước ngày 20 tháng 11 hằng năm, để Bộ Khoa học và Công nghệ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.”

Xem nội dung VB
Điều 24. Thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài

1. Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia nước ngoài được khuyến khích tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.

2. Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian làm việc tại Việt Nam có quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 20 và Điều 21 của Luật này và được hưởng ưu đãi sau đây:

a) Được bổ nhiệm, thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức khoa học và công nghệ; được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp, xét công nhận, bổ nhiệm chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ theo quy định tại Điều 19 của Luật này;

b) Được hưởng lương chuyên gia theo quy định của Chính phủ và ưu đãi khác theo hợp đồng;

c) Được hưởng các ưu đãi về xuất nhập cảnh, cư trú, nhà ở và ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.

3. Chuyên gia nước ngoài được khuyến khích tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam và được hưởng ưu đãi sau đây:

a) Được thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức khoa học và công nghệ; được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ;

b) Được hưởng ưu đãi về xuất nhập cảnh, cư trú, nhà ở và ưu đãi khác theo quy định của pháp luật;

c) Được hưởng lương chuyên gia theo quy định của Chính phủ và ưu đãi khác theo hợp đồng.

4. Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia là người nước ngoài có cống hiến lớn đối với sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ của Việt Nam được Nhà nước Việt Nam vinh danh, khen thưởng, tặng giải thưởng về khoa học và công nghệ của Việt Nam.

5. Chính phủ quy định cụ thể Điều này.
Điều này được hướng dẫn bởi Nghị định 87/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 11 năm 2014
Nội dung hướng dẫn Điều này tại Nghị định 87/2014/NĐ-CP nay được sửa đổi bởi Điều 2 Nghị định 27/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 04 năm 2020
Điều này được hướng dẫn bởi Nghị định 87/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 11 năm 2014
Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.

Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chính sách thu hút, thẩm quyền quyết định và quy trình chấp thuận việc sử dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam; trách nhiệm thực hiện của các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam (sau đây gọi là người Việt Nam ở nước ngoài).


2. Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam (sau đây gọi là chuyên gia nước ngoài).

3. Các cơ quan, tổ chức sử dụng đối tượng quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 3. Điều kiện được hưởng chính sách thu hút

1. Người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam được hưởng chính sách quy định tại Nghị định này nếu đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

a) Có sáng chế hoặc giống cây trồng được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ phù hợp với nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện tại Việt Nam;

b) Có công trình nghiên cứu khoa học và công nghệ xuất sắc phù hợp với nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện tại Việt Nam;

c) Có bằng tiến sỹ, đã và đang giảng dạy, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ tại cơ sở nghiên cứu có uy tín ở nước ngoài trong lĩnh vực chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ khoa học và công nghệ tại Việt Nam;

d) Có bằng tiến sỹ, đã làm việc trên 3 năm ở vị trí nghiên cứu khoa học tại chương trình, dự án hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ hoặc bộ phận nghiên cứu của doanh nghiệp có uy tín ở nước ngoài.

2. Căn cứ nhu cầu phát triển khoa học và công nghệ và theo đề nghị của cơ quan sử dụng, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc sử dụng đối với các trường hợp không đáp ứng điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều này.

*Điều 3 được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 2 Nghị định 27/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/04/2020

Điều 3. Điều kiện áp dụng chính sách thu hút

1. Người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia nước ngoài được hưởng chính sách quy định tại Nghị định này khi chủ trì hoặc tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ quan trọng, có ảnh hưởng ở tầm quốc gia hoặc đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam hoặc của một địa phương hoặc cho sự phát triển của chuyên ngành, lĩnh vực khoa học và công nghệ của Việt Nam và đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

a) Có sáng chế, giống cây trồng được cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và đã được ứng dụng, chuyển giao tạo ra sản phẩm có giá trị thực tiễn hoặc có kinh nghiệm, chuyên môn sâu về ngành, lĩnh vực phù hợp với nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện tại Việt Nam và đang làm việc tại bộ phận nghiên cứu của Viện Nghiên cứu, Trường đại học hoặc doanh nghiệp có uy tín ở nước ngoài;

b) Có công trình nghiên cứu khoa học và công nghệ xuất sắc, đạt giải thưởng về khoa học và công nghệ hoặc đã được ứng dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả và phù hợp với nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện tại Việt Nam;

c) Có bằng tiến sỹ và đang giảng dạy, tham gia nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ trong ít nhất 03 năm tại cơ sở nghiên cứu có uy tín ở nước ngoài về lĩnh vực chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện tại Việt Nam;

d) Có bằng tiến sỹ và đã làm việc ít nhất 03 năm ở vị trí nghiên cứu khoa học tại chương trình, dự án hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ hoặc bộ phận nghiên cứu của doanh nghiệp có uy tín ở nước ngoài.

2. Căn cứ tình hình thực tiễn và theo đề nghị của cơ quan có nhu cầu sử dụng người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ ở Việt Nam, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thống nhất với Bộ Khoa học và Công nghệ báo cáo, xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc áp dụng chính sách thu hút đối với trường hợp không đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này nhưng chứng minh được khả năng đóng góp có hiệu quả khi tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.*

Chương II. CÁC CHÍNH SÁCH THU HÚT

Điều 4. Chính sách về xuất nhập cảnh và cư trú

1. Người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia nước ngoài là đối tượng điều chỉnh của Nghị định này và thành viên gia đình họ (bao gồm bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi dưới 18 tuổi) được cấp thị thực nhiều lần hoặc Thẻ tạm trú với thời hạn tối đa theo quy định của pháp luật về xuất nhập cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

2. Người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia nước ngoài được Nhà nước Việt Nam tặng huân chương hoặc danh hiệu vinh dự Nhà nước hoặc đang tạm trú tại Việt Nam được xem xét cấp Thẻ thường trú theo quy định của pháp luật về xuất nhập cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 5. Chính sách về tuyển dụng, lao động, học tập

1. Người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian làm việc tại Việt Nam được bổ nhiệm, thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức khoa học và công nghệ; được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp; xét công nhận, bổ nhiệm chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ.

*Khoản 1 Điều 5 được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 2 Nghị định 27/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/04/2020

1. Người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian làm việc tại Việt Nam được thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức khoa học và công nghệ công lập; được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước các cấp; được xét công nhận, bổ nhiệm chức danh khoa học, chức danh công nghệ theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ.*

2. Chuyên gia nước ngoài trong thời gian làm việc tại Việt Nam được thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức khoa học và công nghệ; được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

3. Người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài được tạo điều kiện cấp giấy phép lao động theo quy trình, thủ tục rút gọn.

4. Thành viên gia đình của người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài (bao gồm bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi dưới 18 tuổi) được tạo điều kiện, hỗ trợ về thủ tục khi tìm kiếm việc làm và tuyển sinh, học tập tại các cơ sở giáo dục và đào tạo tại Việt Nam.

Điều 6. Chính sách về lương

Người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ tại Việt Nam được hưởng lương theo thỏa thuận. Mức lương thỏa thuận được xác định trên cơ sở:

1. Mức độ ưu tiên của nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

2. Tính chất, quy mô và tầm quan trọng của hoạt động khoa học và công nghệ.

3. Trình độ, năng lực, hiệu quả đóng góp của cá nhân.

*Điều 6 được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 2 Nghị định 27/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/04/2020

Điều 6. Chính sách về tiền lương

Người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài khi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ tại Việt Nam được hưởng mức lương theo thỏa thuận. Mức lương thỏa thuận được xác định trên cơ sở:

1. Tính chất, quy mô và tầm ảnh hưởng của nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

2. Trình độ, năng lực và hiệu quả đóng góp của cá nhân.

3. Mức lương của các vị trí tương đương trong các tổ chức nước ngoài hoặc doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.*

Điều 7. Chính sách về nhà ở

Người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài được cơ quan, tổ chức sử dụng tạo điều kiện về chỗ ở hoặc hỗ trợ thuê chỗ ở trong thời gian tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.

Điều 8. Chính sách về tiếp cận thông tin

1. Trước khi tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài được cung cấp thông tin, tư vấn về định hướng, lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên phát triển tại Việt Nam và các tổ chức khoa học và công nghệ có nhu cầu và tiềm năng hợp tác.

2. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ tại Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài được cơ quan, tổ chức sử dụng cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến các hoạt động chuyên môn.

*Khoản 3 Điều 8 được bổ sung bởi Khoản 4 Điều 2 Nghị định 27/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/04/2020

3. Các cơ quan, tổ chức trong nước có trách nhiệm công khai đầy đủ, cụ thể theo quy định của pháp luật và đẩy mạnh hoạt động phổ biến thông tin về các chương trình, dự án, nhiệm vụ khoa học và công nghệ có nhu cầu hợp tác, tham gia của người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài (thông tin chi tiết về nhiệm vụ hợp tác; yêu cầu đối với người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài khi tham gia hợp tác, quyền lợi và nghĩa vụ đối với công việc; cam kết về việc tạo điều kiện để hợp tác và các thông tin cần thiết khác.*

Điều 9. Chính sách về khen thưởng, vinh danh

Người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài có nhiều cống hiến đối với sự phát triển khoa học và công nghệ của Việt Nam được Nhà nước Việt Nam xem xét tặng danh hiệu khoa học danh dự, kỷ niệm chương vì sự nghiệp khoa học và công nghệ hoặc được vinh danh, khen thưởng theo quy định pháp luật.

Điều 10. Các chính sách khác

Ngoài các chính sách quy định tại các Điều 4, 5, 6, 7, 8 và 9 Nghị định này, người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài được hưởng các quyền và chính sách sau đây:

1. Người Việt Nam ở nước ngoài được hưởng các quyền quy định tại Điều 20 Luật Khoa học và Công nghệ.

2. Người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài được hưởng các chính sách sau:

a) Được hưởng ưu đãi tối đa về thuế theo quy định của pháp luật;

b) Được chuyển các khoản thu nhập hợp pháp ra nước ngoài theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối và các quy định có liên quan khác của pháp luật Việt Nam; trường hợp có nguồn thu hợp pháp bằng đồng Việt Nam thì được mua ngoại tệ để chuyển ra nước ngoài;

c) Được cơ quan, tổ chức sử dụng bảo đảm các điều kiện thuận lợi về phòng làm việc, trang thiết bị và vật tư, phòng thí nghiệm, cơ sở thực nghiệm và các điều kiện cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ tại Việt Nam;

d) Được sử dụng miễn phí phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và các phòng thí nghiệm trọng điểm khác để triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước;

đ) Được tạo điều kiện sử dụng tài liệu, sách báo, tạp chí, dịch vụ internet phục vụ cho hoạt động chuyên môn;

e) Được hỗ trợ kinh phí tổ chức hội thảo khoa học và công nghệ phù hợp với lĩnh vực chuyên môn tại Việt Nam;

*Điểm e khoản 2 Điều 10 được sửa đổi bởi Khoản 5 Điều 2 Nghị định 27/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/04/2020

e) Trong thời gian tham gia thực hiện nhiệm vụ hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam, được hỗ trợ kinh phí tham gia hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế có nội dung gắn với nhiệm vụ khoa học và công nghệ đang hợp tác triển khai tại Việt Nam, mỗi năm không quá 01 lần; được hỗ trợ kinh phí để tổ chức hội thảo khoa học và công nghệ phù hợp với lĩnh vực chuyên môn tại Việt Nam; hỗ trợ kinh phí công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế, đăng ký bảo hộ giống cây trồng là kết quả trong quá trình hợp tác với các cơ quan, đơn vị, tổ chức khoa học và công nghệ của Việt Nam. Kinh phí hỗ trợ nêu tại quy định này được cấp từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia hoặc từ nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu có);*

g) Được bố trí phương tiện đi lại nếu chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đặc biệt quan trọng;

h) Được hưởng các ưu đãi khác theo thỏa thuận với cơ quan, tổ chức sử dụng nếu những ưu đãi này phù hợp với quy định của pháp luật.

*Điểm i khoản 2 Điều 10 được bổ sung bởi Khoản 5 Điều 2 Nghị định 27/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/04/2020

i) Được tham gia các chương trình, đề án đẩy mạnh hợp tác, thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.*

Chương III. THẨM QUYỀN QUYẾT ĐỊNH VÀ QUY TRÌNH CHẤP THUẬN VIỆC SỬ DỤNG

Điều 11. Thẩm quyền quyết định việc sử dụng người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), các Đại học Quốc gia quyết định việc sử dụng người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài của các cơ quan, tổ chức công lập trực thuộc.

2. Các cơ quan, tổ chức ngoài công lập quyết định việc sử dụng người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài của cơ quan, tổ chức mình.

Điều 12. Quy trình chấp thuận việc sử dụng người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài

1. Cơ quan, tổ chức công lập đề xuất việc sử dụng người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại các chương trình, dự án cụ thể, trình cơ quan chủ quản quy định tại Khoản 1 Điều 11 Nghị định này. Nội dung đề xuất bao gồm các tài liệu chứng minh việc đáp ứng điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định này.

Cơ quan chủ quản có văn bản trả lời chấp thuận hoặc không chấp thuận trong thời gian 15 ngày làm việc, kể từ khi nhận được đề xuất; nếu không chấp thuận thì phải nêu rõ lý do. Trường hợp cần tham khảo ý kiến của Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, cơ quan liên quan thì thời gian để cơ quan chủ quản trả lời không quá 30 ngày làm việc.

2. Cơ quan, tổ chức ngoài công lập muốn đề xuất áp dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước quy định tại Nghị định này đối với người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài làm việc cho cơ quan, tổ chức mình phải được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đóng trụ sở chính xác nhận đủ điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định này.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản xác nhận hoặc không xác nhận trong thời gian 15 ngày làm việc, kể từ khi nhận được đề xuất; nếu không xác nhận thì phải nêu rõ lý do. Trường hợp cần tham khảo ý kiến Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, cơ quan liên quan thì thời gian để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trả lời không quá 30 ngày làm việc.

Chương IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Nguồn kinh phí

Kinh phí thực hiện chính sách thu hút đối với người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam quy định tại Nghị định này bao gồm:

1. Đối với các cơ quan, tổ chức công lập: Sử dụng từ nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp hiện hành và các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

2. Đối với các cơ quan, tổ chức ngoài công lập: Sử dụng nguồn tài chính của cơ quan, tổ chức mình theo quy định của pháp luật.

Điều 14. Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan và địa phương

1. Bộ Khoa học và Công nghệ:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành liên quan xác định các lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên, trọng điểm trong từng thời kỳ cần thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam; cung cấp thông tin, tư vấn về định hướng, lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên phát triển tại Việt Nam và các tổ chức, cơ sở khoa học và công nghệ có nhu cầu và tiềm năng hợp tác cho người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài;

b) Chủ trì thực hiện việc vinh danh, khen thưởng đối với người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.

*Điểm c khoản 1 Điều 14 được bổ sung bởi Khoản 6 Điều 2 Nghị định 27/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/04/2020

c) Xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình hợp tác song phương, đa phương về khoa học và công nghệ để hỗ trợ, thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam và thúc đẩy hợp tác về khoa học và công nghệ với các cơ quan, đơn vị, các tổ chức khoa học và công nghệ trong nước.*

2. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn quy trình, thủ tục bổ nhiệm, thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức khoa học và công nghệ công lập, bổ nhiệm chức danh nghiên cứu khoa học và chức danh công nghệ đối với người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.

*Khoản 2 Điều 14 được sửa đổi bởi Khoản 6 Điều 2 Nghị định 27/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/04/2020

2. Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự thủ tục thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức khoa học và công nghệ đối với người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.*

3. Bộ Ngoại giao:

a) Chỉ đạo các Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài tuyên truyền, vận động người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam;

b) Nghiên cứu và cung cấp cho các Bộ, ngành, cơ quan trong nước kinh nghiệm quốc tế về thu hút các chuyên gia, trí thức hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

*Điểm c khoản 3 Điều 14 được bổ sung bởi Khoản 6 Điều 2 Nghị định 27/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/04/2020

c) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương giới thiệu, cung cấp thông tin về cơ chế, chính sách; về nhu cầu hợp tác của người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài với các cơ quan, đơn vị, tổ chức khoa học và công nghệ trong nước; thúc đẩy và kết nối hoạt động hợp tác và thu hút.*

4. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối, phân bổ kinh phí từ ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định này.

5. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao triển khai làm thủ tục thị thực xuất nhập cảnh và tạm trú, thường trú cho người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.

6. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai cấp giấy phép lao động theo trình tự và thủ tục rút gọn cho người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.

7. Trước ngày 20 tháng 11 hàng năm, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các Đại học Quốc gia báo cáo tình hình sử dụng người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài, gửi Bộ Ngoại giao và Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

*Khoản 7 Điều 14 được sửa đổi bởi Khoản 6 Điều 2 Nghị định 27/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/04/2020

7. Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

a) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý rà soát và công khai kế hoạch hoạt động khoa học và công nghệ, các nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật để tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia thực hiện; cung cấp thông tin về các tổ chức, cơ sở khoa học và công nghệ có nhu cầu và tiềm năng hợp tác cho người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài và công khai thông tin theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định này;

b) Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ để tạo điều kiện và thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam;

c) Phối hợp với các bộ, ngành liên quan để thực hiện chính sách thu hút tại Nghị định này với đối tượng đủ điều kiện theo quy định;

d) Báo cáo tình hình sử dụng, thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài gửi Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Ngoại giao trước ngày 20 tháng 11 hằng năm, để Bộ Khoa học và Công nghệ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.*

Chương V. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 11 năm 2014.

Điều 16. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./

Xem nội dung VB
Điều 24. Thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài

1. Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia nước ngoài được khuyến khích tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.

2. Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian làm việc tại Việt Nam có quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 20 và Điều 21 của Luật này và được hưởng ưu đãi sau đây:

a) Được bổ nhiệm, thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức khoa học và công nghệ; được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp, xét công nhận, bổ nhiệm chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ theo quy định tại Điều 19 của Luật này;

b) Được hưởng lương chuyên gia theo quy định của Chính phủ và ưu đãi khác theo hợp đồng;

c) Được hưởng các ưu đãi về xuất nhập cảnh, cư trú, nhà ở và ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.

3. Chuyên gia nước ngoài được khuyến khích tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam và được hưởng ưu đãi sau đây:

a) Được thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức khoa học và công nghệ; được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ;

b) Được hưởng ưu đãi về xuất nhập cảnh, cư trú, nhà ở và ưu đãi khác theo quy định của pháp luật;

c) Được hưởng lương chuyên gia theo quy định của Chính phủ và ưu đãi khác theo hợp đồng.

4. Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia là người nước ngoài có cống hiến lớn đối với sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ của Việt Nam được Nhà nước Việt Nam vinh danh, khen thưởng, tặng giải thưởng về khoa học và công nghệ của Việt Nam.

5. Chính phủ quy định cụ thể Điều này.
Nội dung hướng dẫn Điều này tại Nghị định 87/2014/NĐ-CP nay được sửa đổi bởi Điều 2 Nghị định 27/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 04 năm 2020
Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ và Nghị định số 87/2014/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.
...
Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 87/2014/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam như sau:

1. Sửa đổi, bổ sung Điều 3 như sau:

“Điều 3. Điều kiện áp dụng chính sách thu hút

1. Người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia nước ngoài được hưởng chính sách quy định tại Nghị định này khi chủ trì hoặc tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ quan trọng, có ảnh hưởng ở tầm quốc gia hoặc đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam hoặc của một địa phương hoặc cho sự phát triển của chuyên ngành, lĩnh vực khoa học và công nghệ của Việt Nam và đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

a) Có sáng chế, giống cây trồng được cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và đã được ứng dụng, chuyển giao tạo ra sản phẩm có giá trị thực tiễn hoặc có kinh nghiệm, chuyên môn sâu về ngành, lĩnh vực phù hợp với nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện tại Việt Nam và đang làm việc tại bộ phận nghiên cứu của Viện Nghiên cứu, Trường đại học hoặc doanh nghiệp có uy tín ở nước ngoài;

b) Có công trình nghiên cứu khoa học và công nghệ xuất sắc, đạt giải thưởng về khoa học và công nghệ hoặc đã được ứng dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả và phù hợp với nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện tại Việt Nam;

c) Có bằng tiến sỹ và đang giảng dạy, tham gia nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ trong ít nhất 03 năm tại cơ sở nghiên cứu có uy tín ở nước ngoài về lĩnh vực chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện tại Việt Nam;

d) Có bằng tiến sỹ và đã làm việc ít nhất 03 năm ở vị trí nghiên cứu khoa học tại chương trình, dự án hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ hoặc bộ phận nghiên cứu của doanh nghiệp có uy tín ở nước ngoài.

2. Căn cứ tình hình thực tiễn và theo đề nghị của cơ quan có nhu cầu sử dụng người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ ở Việt Nam, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thống nhất với Bộ Khoa học và Công nghệ báo cáo, xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc áp dụng chính sách thu hút đối với trường hợp không đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này nhưng chứng minh được khả năng đóng góp có hiệu quả khi tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.”

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 5 như sau:

“Điều 5. Chính sách về tuyển dụng, lao động, học tập

1. Người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian làm việc tại Việt Nam được thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức khoa học và công nghệ công lập; được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước các cấp; được xét công nhận, bổ nhiệm chức danh khoa học, chức danh công nghệ theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ.”

3. Sửa đổi, bổ sung Điều 6 như sau:

“Điều 6. Chính sách về tiền lương

Người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài khi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ tại Việt Nam được hưởng mức lương theo thỏa thuận. Mức lương thỏa thuận được xác định trên cơ sở:

1. Tính chất, quy mô và tầm ảnh hưởng của nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

2. Trình độ, năng lực và hiệu quả đóng góp của cá nhân.

3. Mức lương của các vị trí tương đương trong các tổ chức nước ngoài hoặc doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.”

4. Bổ sung khoản 3 Điều 8 như sau:

“Điều 8. Chính sách về tiếp cận thông tin

3. Các cơ quan, tổ chức trong nước có trách nhiệm công khai đầy đủ, cụ thể theo quy định của pháp luật và đẩy mạnh hoạt động phổ biến thông tin về các chương trình, dự án, nhiệm vụ khoa học và công nghệ có nhu cầu hợp tác, tham gia của người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài (thông tin chi tiết về nhiệm vụ hợp tác; yêu cầu đối với người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài khi tham gia hợp tác, quyền lợi và nghĩa vụ đối với công việc; cam kết về việc tạo điều kiện để hợp tác và các thông tin cần thiết khác.”

5. Sửa đổi điểm e và bổ sung điểm i khoản 2 Điều 10 như sau:

“Điều 10. Các chính sách khác

e) Trong thời gian tham gia thực hiện nhiệm vụ hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam, được hỗ trợ kinh phí tham gia hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế có nội dung gắn với nhiệm vụ khoa học và công nghệ đang hợp tác triển khai tại Việt Nam, mỗi năm không quá 01 lần; được hỗ trợ kinh phí để tổ chức hội thảo khoa học và công nghệ phù hợp với lĩnh vực chuyên môn tại Việt Nam; hỗ trợ kinh phí công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế, đăng ký bảo hộ giống cây trồng là kết quả trong quá trình hợp tác với các cơ quan, đơn vị, tổ chức khoa học và công nghệ của Việt Nam. Kinh phí hỗ trợ nêu tại quy định này được cấp từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia hoặc từ nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu có);

i) Được tham gia các chương trình, đề án đẩy mạnh hợp tác, thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.”

6. Bổ sung điểm c khoản 1, sửa đổi khoản 2, bổ sung điểm c khoản 3 và sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 14 như sau:

“Điều 14. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

1. Bộ Khoa học và Công nghệ:

c) Xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình hợp tác song phương, đa phương về khoa học và công nghệ để hỗ trợ, thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam và thúc đẩy hợp tác về khoa học và công nghệ với các cơ quan, đơn vị, các tổ chức khoa học và công nghệ trong nước.

2. Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự thủ tục thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức khoa học và công nghệ đối với người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.

3. Bộ Ngoại giao:

c) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương giới thiệu, cung cấp thông tin về cơ chế, chính sách; về nhu cầu hợp tác của người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài với các cơ quan, đơn vị, tổ chức khoa học và công nghệ trong nước; thúc đẩy và kết nối hoạt động hợp tác và thu hút.

7. Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

a) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý rà soát và công khai kế hoạch hoạt động khoa học và công nghệ, các nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật để tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia thực hiện; cung cấp thông tin về các tổ chức, cơ sở khoa học và công nghệ có nhu cầu và tiềm năng hợp tác cho người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài và công khai thông tin theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định này;

b) Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ để tạo điều kiện và thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam;

c) Phối hợp với các bộ, ngành liên quan để thực hiện chính sách thu hút tại Nghị định này với đối tượng đủ điều kiện theo quy định;

d) Báo cáo tình hình sử dụng, thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài gửi Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Ngoại giao trước ngày 20 tháng 11 hằng năm, để Bộ Khoa học và Công nghệ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.”

Xem nội dung VB
Điều 24. Thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài

1. Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia nước ngoài được khuyến khích tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.

2. Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian làm việc tại Việt Nam có quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 20 và Điều 21 của Luật này và được hưởng ưu đãi sau đây:

a) Được bổ nhiệm, thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức khoa học và công nghệ; được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp, xét công nhận, bổ nhiệm chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ theo quy định tại Điều 19 của Luật này;

b) Được hưởng lương chuyên gia theo quy định của Chính phủ và ưu đãi khác theo hợp đồng;

c) Được hưởng các ưu đãi về xuất nhập cảnh, cư trú, nhà ở và ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.

3. Chuyên gia nước ngoài được khuyến khích tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam và được hưởng ưu đãi sau đây:

a) Được thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức khoa học và công nghệ; được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ;

b) Được hưởng ưu đãi về xuất nhập cảnh, cư trú, nhà ở và ưu đãi khác theo quy định của pháp luật;

c) Được hưởng lương chuyên gia theo quy định của Chính phủ và ưu đãi khác theo hợp đồng.

4. Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia là người nước ngoài có cống hiến lớn đối với sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ của Việt Nam được Nhà nước Việt Nam vinh danh, khen thưởng, tặng giải thưởng về khoa học và công nghệ của Việt Nam.

5. Chính phủ quy định cụ thể Điều này.
Điều này được hướng dẫn bởi Nghị định 87/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 11 năm 2014
Nội dung hướng dẫn Điều này tại Nghị định 87/2014/NĐ-CP nay được sửa đổi bởi Điều 2 Nghị định 27/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 04 năm 2020
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 7 Nghị định 95/2014/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2014
Căn cứ Luật Khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ.
...
Điều 7. Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

1. Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được thành lập khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Nhân lực, cơ sở vật chất - kỹ thuật đảm bảo vận hành Quỹ; biên chế sự nghiệp được điều tiết trong phạm vi tổng biên chế sự nghiệp hiện có;

b) Đảm bảo cơ cấu nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và các nguồn khác;

c) Không làm tăng chi phí quản lý từ ngân sách nhà nước.

2. Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là đơn vị sự nghiệp do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thành lập.

Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là đơn vị sự nghiệp do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập.

3. Quỹ được sử dụng vào mục đích theo quy định tại Khoản 1 Điều 60 Luật Khoa học và công nghệ.

4. Quỹ được hình thành từ các nguồn sau:

a) Vốn được cấp lần đầu từ ngân sách nhà nước dành cho phát triển khoa học và công nghệ của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

b) Vốn bổ sung hàng năm từ phân bổ ngân sách nhà nước cho nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh;

c) Các nguồn thu từ kết quả hoạt động của quỹ;

d) Kinh phí được điều chuyển tự nguyện hoặc nhận ủy thác từ quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp;

đ) Nhận ủy thác từ các quỹ phát triển khoa học và công nghệ của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

e) Khoản đóng góp tự nguyện, hiến, tặng và nhận ủy thác của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và nguồn hợp pháp khác.

5. Điều lệ của các quỹ phát triển khoa học và công nghệ của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được xây dựng theo điều lệ mẫu do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành và do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt.

6. Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ về việc thành lập và hoạt động của quỹ phát triển khoa học và công nghệ thuộc cơ quan mình, để Bộ Khoa học và Công nghệ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

7. Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể Khoản 1 Điều này.

Xem nội dung VB
Điều 61. Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

1. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ để phục vụ yêu cầu phát triển khoa học và công nghệ của mình.

2. Quỹ được sử dụng vào mục đích theo quy định tại khoản 1 Điều 60 của Luật này.

3. Quỹ được hình thành từ nguồn vốn được cấp một lần ban đầu từ ngân sách nhà nước dành cho phát triển khoa học và công nghệ của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; vốn bổ sung hằng năm từ phân bổ ngân sách cho nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh và kết quả hoạt động của quỹ; đóng góp của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; khoản đóng góp tự nguyện, hiến, tặng của tổ chức, cá nhân và nguồn hợp pháp khác.

4. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định Điều lệ mẫu tổ chức và hoạt động của quỹ phát triển khoa học và công nghệ của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 7 Nghị định 95/2014/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2014
Đầu tư của doanh nghiệp cho khoa học và công nghệ được hướng dẫn bởi Mục 2 Chương II Nghị định 95/2014/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2014
Căn cứ Luật Khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ.
...
Chương II.ĐẦU TƯ CHO HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
...
Mục 2. ĐẦU TƯ CỦA DOANH NGHIỆP

Điều 8. Nguồn đầu tư của doanh nghiệp cho khoa học và công nghệ

1. Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.

2. Các nguồn vốn hợp pháp của doanh nghiệp.

Điều 9. Trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp

1. Doanh nghiệp nhà nước hàng năm phải trích từ 3% đến 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.

2. Doanh nghiệp ngoài nhà nước được quyền trích từ thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp một tỷ lệ hợp lý, tối đa 10% để lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.

3. Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định khuyến khích doanh nghiệp trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ để đầu tư tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ cho doanh nghiệp và cho ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh.

Điều 10. Nội dung chi của quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp

1. Thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh.

2. Thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của doanh nghiệp

Doanh nghiệp phải xây dựng quy chế đề xuất, xác định nhiệm vụ, tổ chức thực hiện và đánh giá nghiệm thu các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của doanh nghiệp và quy chế chi tiêu, sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp gửi cơ quan thuế nơi doanh nghiệp đăng ký thuế để kiểm soát. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm thực hiện đúng quy chế.

Việc xây dựng quy chế phải đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch trong nội bộ doanh nghiệp.

3. Hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp

a) Trang bị cơ sở vật chất - kỹ thuật cho hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp: Xây dựng các tổ chức nghiên cứu phát triển, trung tâm phân tích, kiểm nghiệm, thử nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm sản phẩm; hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp và thống kê về hoạt động khoa học và công nghệ; chi cho công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa cơ sở vật chất - kỹ thuật và trang thiết bị phục vụ hoạt động khoa học và công nghệ; chi khác phục vụ phát triển khoa học và công nghệ; các hệ thống quản lý chất lượng của doanh nghiệp;

b) Mua quyền sử dụng, quyền sở hữu: Bí quyết công nghệ; kiến thức kỹ thuật về công nghệ được chuyển giao dưới dạng phương án công nghệ, quy trình công nghệ, thiết kế kỹ thuật, giải pháp kỹ thuật, công thức, thông số kỹ thuật, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật, chương trình máy tính, thông tin dữ liệu; giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ; bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích, giống cây trồng, kiểu dáng công nghiệp; sáng kiến; các tài liệu, kết quả nghiên cứu, sản phẩm có liên quan trong nước và nước ngoài để phục vụ cho hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp;

c) Mua máy móc, thiết bị có kèm theo các đối tượng chuyển giao công nghệ theo quy định tại Điều 7 Luật Chuyển giao công nghệ để thay thế một phần hay toàn bộ công nghệ đã, đang sử dụng bằng công nghệ khác tiên tiến hơn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hoặc cải tiến phát triển sản phẩm mới của doanh nghiệp;

d) Trả lương, chi thuê chuyên gia hoặc hợp đồng với tổ chức khoa học và công nghệ trong nước và nước ngoài để thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp;

đ) Chi cho đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ;

e) Chi cho các hoạt động sáng kiến theo quy định của pháp luật về sáng kiến;

g) Chi cho các hoạt động hợp tác về khoa học và công nghệ giữa các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong nước và ngoài nước: Hoạt động khảo sát, tìm kiếm đối tác, nhu cầu công nghệ trong nước và ngoài nước; chi phí cho các nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu chung theo các lĩnh vực khoa học và công nghệ được nhà nước khuyến khích, ưu tiên;

h) Chi cho đánh giá, thử nghiệm, kiểm chuẩn, quảng bá, thương mại hóa sản phẩm mới, công nghệ mới; đăng ký quyền sở hữu trí tuệ.

4. Chi điều chuyển về quỹ phát triển khoa học và công nghệ theo quy định tại Khoản 2 Điều 11 Nghị định này, trừ trường hợp đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có công ty mẹ ở nước ngoài.

5. Chi nộp về quỹ phát triển khoa học và công nghệ của nhà nước theo quy định tại Điểm a Khoản 5 Điều 11 Nghị định này.

6. Chi quản lý quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.

7. Các khoản chi từ quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp phải có chứng từ theo quy định của quy chế chi tiêu, sử dụng Quỹ. Trường hợp trong năm, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng cho hoạt động khoa học và công nghệ vượt quá số tiền hiện có tại Quỹ thì được lựa chọn trích trước Quỹ của các năm tiếp theo để bù vào số còn thiếu hoặc tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ tính thuế.

Điều 11. Quản lý quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp

1. Hàng năm doanh nghiệp phải lập báo cáo việc trích, sử dụng Quỹ, gửi đến cho cơ quan thuế nơi doanh nghiệp đăng ký nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, Sở Khoa học và Công nghệ và Sở Tài chính. Thời hạn nộp cùng thời điểm nộp báo cáo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.

2. Doanh nghiệp có thể điều chuyển nguồn giữa các quỹ phát triển khoa học và công nghệ theo các hình thức sau:

a) Giữa tổng công ty với các doanh nghiệp thành viên và ngược lại;

b) Giữa công ty mẹ với công ty con và ngược lại.

3. Việc điều chuyển và tỷ lệ điều chuyển nguồn giữa các quỹ phát triển khoa học và công nghệ của tổng công ty, công ty mẹ với các quỹ phát triển khoa học và công nghệ của các doanh nghiệp thành viên, công ty con và ngược lại do chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên hoặc tổng giám đốc, giám đốc (người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp) quyết định trên cơ sở tỷ lệ trích Quỹ theo quy định tại điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ, nhu cầu đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ tại các doanh nghiệp thành viên và nhu cầu, kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ của toàn hệ thống.

4. Các doanh nghiệp có sự điều chuyển nguồn giữa các Quỹ theo các hình thức quy định tại Khoản 2 Điều này phải báo cáo tình hình nhận điều chuyển và sử dụng số tiền Quỹ được điều chuyển với cơ quan thuế trực tiếp quản lý đơn vị, Sở Tài chính và Sở Khoa học và Công nghệ nơi đăng ký kinh doanh.

5. Trường hợp doanh nghiệp chưa có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hết quỹ phát triển khoa học và công nghệ:

a) Doanh nghiệp nhà nước phải nộp về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia hoặc quỹ phát triển khoa học và công nghệ của các bộ chủ quản, tỉnh, thành phố.

Các doanh nghiệp còn lại được quyền đóng góp vào các quỹ phát triển khoa học và công nghệ của tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đăng ký nộp thuế;

b) Trường hợp không đóng góp vào các quỹ của nhà nước thì trong thời hạn 5 năm, kể từ năm kế tiếp năm trích lập, nếu quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp ngoài nhà nước không được sử dụng, hoặc sử dụng không hết hoặc sử dụng không đúng mục đích thì doanh nghiệp phải nộp ngân sách nhà nước phần thuế thu nhập doanh nghiệp tính trên khoản thu nhập đã trích lập quỹ mà không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích và phần lãi phát sinh từ số thuế thu nhập doanh nghiệp đó.

6. Các doanh nghiệp đã đóng góp vào quỹ phát triển khoa học và công nghệ tại Điểm a Khoản 5 Điều này khi có nhiệm vụ khoa học và công nghệ cần sử dụng kinh phí có quyền yêu cầu hỗ trợ từ quỹ phát triển khoa học và công nghệ.

Quỹ phát triển khoa học và công nghệ nơi đã nhận điều chuyển có trách nhiệm hỗ trợ bằng số kinh phí đã điều chuyển và ưu tiên hỗ trợ thêm trong khả năng đáp ứng của quỹ theo dự toán của nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

7. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết Điều 10 và Điều 11 Nghị định này.

Xem nội dung VB
Điều 56. Đầu tư của doanh nghiệp cho khoa học và công nghệ

1. Doanh nghiệp phải dành kinh phí đầu tư nhằm đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa.

2. Kinh phí đầu tư phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp được tính là khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

3. Doanh nghiệp đầu tư hoặc liên kết đầu tư nghiên cứu khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm của Nhà nước, đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa được quỹ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ xét hỗ trợ, cho vay và được hưởng ưu đãi khác theo quy định của Luật này.
Đầu tư của doanh nghiệp cho khoa học và công nghệ được hướng dẫn bởi Mục 2 Chương II Nghị định 95/2014/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2014
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 12 Nghị định 95/2014/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2014
Căn cứ Luật Khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ.
...
Điều 12. Huy động nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước đầu tư cho khoa học và công nghệ

1. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư cho khoa học và công nghệ tại Việt Nam dưới các hình thức: Đầu tư trực tiếp, liên doanh, liên kết với các tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp của Việt Nam hoặc ủy thác đầu tư. Trong trường hợp này dự án đầu tư được hưởng các hình thức ưu đãi theo quy định pháp luật.

2. Tổ chức và cá nhân tài trợ cho khoa học và công nghệ tại Việt Nam có thể thực hiện dưới các hình thức khác nhau: Bằng tiền, hiện vật, tài sản trí tuệ. Nhà tài trợ được quyền yêu cầu mục đích tài trợ và chỉ định tổ chức, cá nhân ở Việt Nam nhận tài trợ phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

3. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân vận động các khoản tài trợ không hoàn lại từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước phục vụ hoạt động khoa học và công nghệ.

4. Thủ tướng Chính phủ quy định việc quản lý và sử dụng tài trợ để hoạt động khoa học và công nghệ.

Xem nội dung VB
Điều 55. Huy động nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước đầu tư cho khoa học và công nghệ

1. Nhà nước khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân đầu tư, tài trợ cho khoa học và công nghệ.

2. Tổ chức, cá nhân được thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ theo quy định tại Điều 62 và Điều 63 của Luật này.

3. Tổ chức, cá nhân đầu tư, tài trợ cho khoa học và công nghệ được hưởng ưu đãi sau đây:

a) Được hưởng ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật;

b) Được tôn vinh, khen thưởng theo quy định của pháp luật.
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 12 Nghị định 95/2014/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2014
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 13 Nghị định 95/2014/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2014
Căn cứ Luật Khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ.
...
Điều 13. Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của tổ chức, cá nhân

1. Quỹ phát triển khoa học và công nghệ do tổ chức, cá nhân thành lập là tổ chức hoạt động không vì mục đích lợi nhuận để tài trợ không hoàn lại, cho vay với lãi suất thấp hoặc không lấy lãi, bảo lãnh vốn vay, phục vụ nhu cầu phát triển khoa học và công nghệ. Thủ tục thành lập và hoạt động cho vay, bảo lãnh vốn vay của các quỹ này phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật.

2. Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của các tổ chức, cá nhân được hình thành từ vốn đóng góp của các tổ chức, cá nhân sáng lập không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước; vốn góp tự nguyện, hiến, tặng; các nguồn hợp pháp khác.

3. Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của tổ chức, cá nhân phải đăng ký hoạt động tại Sở Tài chính nơi đặt trụ sở chính của quỹ đồng thời thông báo việc thành lập quỹ cho Sở Khoa học và Công nghệ cùng cấp.

4. Quỹ phát triển khoa học và công nghệ do tổ chức, cá nhân thành lập được ưu tiên trong việc thuê đất xây dựng trụ sở chính và các chi nhánh của quỹ.

Xem nội dung VB
Điều 62. Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của tổ chức, cá nhân

1. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật.

Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của tổ chức, cá nhân là tổ chức hoạt động phi lợi nhuận để tài trợ không hoàn lại, cho vay với lãi suất thấp hoặc không lấy lãi, bảo lãnh vốn vay phục vụ yêu cầu phát triển khoa học và công nghệ của tổ chức, cá nhân.

2. Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của tổ chức, cá nhân được hình thành từ nguồn vốn đóng góp của tổ chức, cá nhân thành lập không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước; khoản đóng góp tự nguyện, hiến, tặng của tổ chức, cá nhân và nguồn hợp pháp khác.

3. Điều lệ tổ chức và hoạt động của quỹ do tổ chức, cá nhân thành lập quy định và phải được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về tài chính có thẩm quyền, đồng thời thông báo việc thành lập quỹ cho cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ địa phương nơi đặt trụ sở chính của quỹ.
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 13 Nghị định 95/2014/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2014
Nội dung chi, quản lý quỹ này được hướng dẫn bởi Điều 10, 11 Nghị định 95/2014/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2014
Căn cứ Luật Khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ.
...
Điều 10. Nội dung chi của quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp

1. Thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh.

2. Thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của doanh nghiệp

Doanh nghiệp phải xây dựng quy chế đề xuất, xác định nhiệm vụ, tổ chức thực hiện và đánh giá nghiệm thu các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của doanh nghiệp và quy chế chi tiêu, sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp gửi cơ quan thuế nơi doanh nghiệp đăng ký thuế để kiểm soát. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm thực hiện đúng quy chế.

Việc xây dựng quy chế phải đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch trong nội bộ doanh nghiệp.

3. Hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp

a) Trang bị cơ sở vật chất - kỹ thuật cho hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp: Xây dựng các tổ chức nghiên cứu phát triển, trung tâm phân tích, kiểm nghiệm, thử nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm sản phẩm; hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp và thống kê về hoạt động khoa học và công nghệ; chi cho công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa cơ sở vật chất - kỹ thuật và trang thiết bị phục vụ hoạt động khoa học và công nghệ; chi khác phục vụ phát triển khoa học và công nghệ; các hệ thống quản lý chất lượng của doanh nghiệp;

b) Mua quyền sử dụng, quyền sở hữu: Bí quyết công nghệ; kiến thức kỹ thuật về công nghệ được chuyển giao dưới dạng phương án công nghệ, quy trình công nghệ, thiết kế kỹ thuật, giải pháp kỹ thuật, công thức, thông số kỹ thuật, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật, chương trình máy tính, thông tin dữ liệu; giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ; bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích, giống cây trồng, kiểu dáng công nghiệp; sáng kiến; các tài liệu, kết quả nghiên cứu, sản phẩm có liên quan trong nước và nước ngoài để phục vụ cho hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp;

c) Mua máy móc, thiết bị có kèm theo các đối tượng chuyển giao công nghệ theo quy định tại Điều 7 Luật Chuyển giao công nghệ để thay thế một phần hay toàn bộ công nghệ đã, đang sử dụng bằng công nghệ khác tiên tiến hơn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hoặc cải tiến phát triển sản phẩm mới của doanh nghiệp;

d) Trả lương, chi thuê chuyên gia hoặc hợp đồng với tổ chức khoa học và công nghệ trong nước và nước ngoài để thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp;

đ) Chi cho đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ;

e) Chi cho các hoạt động sáng kiến theo quy định của pháp luật về sáng kiến;

g) Chi cho các hoạt động hợp tác về khoa học và công nghệ giữa các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong nước và ngoài nước: Hoạt động khảo sát, tìm kiếm đối tác, nhu cầu công nghệ trong nước và ngoài nước; chi phí cho các nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu chung theo các lĩnh vực khoa học và công nghệ được nhà nước khuyến khích, ưu tiên;

h) Chi cho đánh giá, thử nghiệm, kiểm chuẩn, quảng bá, thương mại hóa sản phẩm mới, công nghệ mới; đăng ký quyền sở hữu trí tuệ.

4. Chi điều chuyển về quỹ phát triển khoa học và công nghệ theo quy định tại Khoản 2 Điều 11 Nghị định này, trừ trường hợp đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có công ty mẹ ở nước ngoài.

5. Chi nộp về quỹ phát triển khoa học và công nghệ của nhà nước theo quy định tại Điểm a Khoản 5 Điều 11 Nghị định này.

6. Chi quản lý quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.

7. Các khoản chi từ quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp phải có chứng từ theo quy định của quy chế chi tiêu, sử dụng Quỹ. Trường hợp trong năm, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng cho hoạt động khoa học và công nghệ vượt quá số tiền hiện có tại Quỹ thì được lựa chọn trích trước Quỹ của các năm tiếp theo để bù vào số còn thiếu hoặc tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ tính thuế.

Điều 11. Quản lý quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp

1. Hàng năm doanh nghiệp phải lập báo cáo việc trích, sử dụng Quỹ, gửi đến cho cơ quan thuế nơi doanh nghiệp đăng ký nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, Sở Khoa học và Công nghệ và Sở Tài chính. Thời hạn nộp cùng thời điểm nộp báo cáo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.

2. Doanh nghiệp có thể điều chuyển nguồn giữa các quỹ phát triển khoa học và công nghệ theo các hình thức sau:

a) Giữa tổng công ty với các doanh nghiệp thành viên và ngược lại;

b) Giữa công ty mẹ với công ty con và ngược lại.

3. Việc điều chuyển và tỷ lệ điều chuyển nguồn giữa các quỹ phát triển khoa học và công nghệ của tổng công ty, công ty mẹ với các quỹ phát triển khoa học và công nghệ của các doanh nghiệp thành viên, công ty con và ngược lại do chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên hoặc tổng giám đốc, giám đốc (người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp) quyết định trên cơ sở tỷ lệ trích Quỹ theo quy định tại điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ, nhu cầu đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ tại các doanh nghiệp thành viên và nhu cầu, kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ của toàn hệ thống.

4. Các doanh nghiệp có sự điều chuyển nguồn giữa các Quỹ theo các hình thức quy định tại Khoản 2 Điều này phải báo cáo tình hình nhận điều chuyển và sử dụng số tiền Quỹ được điều chuyển với cơ quan thuế trực tiếp quản lý đơn vị, Sở Tài chính và Sở Khoa học và Công nghệ nơi đăng ký kinh doanh.

5. Trường hợp doanh nghiệp chưa có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hết quỹ phát triển khoa học và công nghệ:

a) Doanh nghiệp nhà nước phải nộp về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia hoặc quỹ phát triển khoa học và công nghệ của các bộ chủ quản, tỉnh, thành phố.

Các doanh nghiệp còn lại được quyền đóng góp vào các quỹ phát triển khoa học và công nghệ của tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đăng ký nộp thuế;

b) Trường hợp không đóng góp vào các quỹ của nhà nước thì trong thời hạn 5 năm, kể từ năm kế tiếp năm trích lập, nếu quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp ngoài nhà nước không được sử dụng, hoặc sử dụng không hết hoặc sử dụng không đúng mục đích thì doanh nghiệp phải nộp ngân sách nhà nước phần thuế thu nhập doanh nghiệp tính trên khoản thu nhập đã trích lập quỹ mà không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích và phần lãi phát sinh từ số thuế thu nhập doanh nghiệp đó.

6. Các doanh nghiệp đã đóng góp vào quỹ phát triển khoa học và công nghệ tại Điểm a Khoản 5 Điều này khi có nhiệm vụ khoa học và công nghệ cần sử dụng kinh phí có quyền yêu cầu hỗ trợ từ quỹ phát triển khoa học và công nghệ.

Quỹ phát triển khoa học và công nghệ nơi đã nhận điều chuyển có trách nhiệm hỗ trợ bằng số kinh phí đã điều chuyển và ưu tiên hỗ trợ thêm trong khả năng đáp ứng của quỹ theo dự toán của nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

7. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết Điều 10 và Điều 11 Nghị định này.

Xem nội dung VB
Điều 63. Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp

1. Doanh nghiệp ngoài nhà nước được khuyến khích thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của mình hoặc đóng góp vào Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của ngành, địa phương và được hưởng quyền lợi theo quy định của Quỹ.

2. Doanh nghiệp nhà nước phải trích một tỷ lệ tối thiểu thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.

Chính phủ quy định cụ thể tỷ lệ trích thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để thành lập quỹ và cơ chế quản lý, sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp nhà nước.

3. Doanh nghiệp có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng quỹ đúng mục đích thành lập quỹ và thông báo việc thành lập quỹ cho cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ địa phương nơi đặt trụ sở chính của doanh nghiệp.
Nội dung chi, quản lý quỹ này được hướng dẫn bởi Điều 10, 11 Nghị định 95/2014/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2014
Cơ chế sử dụng và quản lý kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được hướng dẫn bởi Điều 14 và Điều 17 Nghị định 95/2014/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2014
Căn cứ Luật Khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ.
...
Điều 14. Cơ chế quản lý kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước

1. Việc xác định và phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ được thực hiện thường xuyên, liên tục trong năm trên cơ sở dự toán nguồn ngân sách nhà nước được duyệt và các nguồn kinh phí khác cân đối cho việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong năm kế hoạch và các năm tiếp theo tương ứng với thời gian thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được phê duyệt.

2. Việc cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được tiến hành thông qua hệ thống quỹ phát triển khoa học và công nghệ các cấp hoặc các đơn vị dự toán cấp II, cấp III. Giám đốc các quỹ và thủ trưởng các đơn vị dự toán cấp II, cấp III có trách nhiệm cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được phê duyệt vào tài khoản tiền gửi của cơ quan chủ trì tại Kho bạc Nhà nước theo tiến độ xác định trong hợp đồng do cơ quan có thẩm quyền ký với tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ.

Trường hợp chưa có quỹ phát triển khoa học và công nghệ, Thủ trưởng cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ với tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ. Đơn vị dự toán cấp I của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm giao dự toán thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được phê duyệt vào tài khoản dự toán của đơn vị dự toán cấp II, cấp III tại Kho bạc Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ.

3. Đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với cơ quan chủ quản kiểm tra, giám sát và đôn đốc các tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện đúng những cam kết trong hợp đồng.

Đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh, cơ quan chủ quản tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện đúng những cam kết trong hợp đồng.
...
Điều 17. Sử dụng kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ ngân sách nhà nước

1. Tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ ngân sách nhà nước được khoán chi đến sản phẩm cuối cùng hay khoán chi từng phần, được chủ động sử dụng kinh phí được giao khoán một cách hợp lý để hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu như sau:

a) Có quyền thay đổi các mục chi, nội dung chi và quyết định định mức chi trong tổng mức kinh phí được khoán chi;

b) Đối với kinh phí tiết kiệm từ phần kinh phí được khoán chi, tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ được sử dụng theo quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan chủ trì.

2. Kinh phí khoán được sử dụng đúng mục đích, có chứng từ theo thực chi, đảm bảo công khai, minh bạch trong nội bộ tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ.

3. Tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ ngân sách nhà nước được khoán chi từng phần thực hiện quản lý và chi tiêu đối với phần kinh phí không được khoán theo các quy định của pháp luật hiện hành.

4. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết Điều 15, Điều 16, Điều 17 Nghị định này và việc xử lý tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ ngân sách nhà nước.

Xem nội dung VB
Điều 53. Cấp, sử dụng, quản lý kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước

1. Việc cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước phải kịp thời, phù hợp với tiến độ đặt hàng và phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

2. Kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được cấp thông qua quỹ phát triển khoa học và công nghệ của Nhà nước hoặc chuyển vào tài khoản tiền gửi của cơ quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ tại Kho bạc Nhà nước.

3. Việc sử dụng kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được thực hiện theo ủy nhiệm chi của cơ quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ và quyết toán khi kết thúc hợp đồng, không phụ thuộc vào năm tài chính.

4. Chính phủ quy định cụ thể Điều này.
Cơ chế sử dụng và quản lý kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được hướng dẫn bởi Điều 14 và Điều 17 Nghị định 95/2014/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2014
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 15 Nghị định 95/2014/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2014
Căn cứ Luật Khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ.
...
Điều 15. Khoán chi đến sản phẩm cuối cùng đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước

1. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được thực hiện khoán chi đến sản phẩm cuối cùng khi đáp ứng đồng thời các tiêu chí sau:

a) Nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sản phẩm cuối cùng đã xác định được rõ tên sản phẩm cụ thể, chỉ tiêu chất lượng chủ yếu của sản phẩm, đơn vị đo, mức chất lượng hoặc yêu cầu khoa học cần đạt được, số lượng hoặc quy mô sản phẩm tạo ra, địa chỉ ứng dụng; được hội đồng khoa học và công nghệ tuyển chọn, xét giao trực tiếp xác định đáp ứng phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng; được chủ nhiệm nhiệm vụ và cơ quan chủ trì chấp nhận;

b) Dự toán của nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được tính đúng, tính đủ tổng kinh phí thực hiện nhiệm vụ trên cơ sở các định mức kinh tế kỹ thuật theo quy định hiện hành; trường hợp chưa có định mức kinh tế kỹ thuật, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thuyết minh và dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ quyết định và chịu trách nhiệm;

c) Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thuyết minh và dự toán kinh phí.

2. Quy trình và thủ tục khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước gồm các bước sau:

a) Thủ trưởng tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có cam kết bằng văn bản chấp nhận phương thức khoán chi;

b) Tổ chức, cá nhân được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ hoàn thiện thuyết minh và dự toán kinh phí của nhiệm vụ khoa học và công nghệ gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

c) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt thuyết minh và dự toán kinh phí của nhiệm vụ khoa học và công nghệ, trong đó có quy định nhiệm vụ khoán chi đến sản phẩm cuối cùng; ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ với tổ chức, cá nhân được giao chủ trì; việc ký hợp đồng thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 27 Luật Khoa học và công nghệ;

d) Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện khoán chi đến sản phẩm cuối cùng được các quỹ phát triển khoa học và công nghệ của cấp tương ứng hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp kinh phí thực hiện theo yêu cầu của tổ chức chủ trì, phù hợp với nội dung, mục tiêu, yêu cầu và tiến độ của hợp đồng khoa học và công nghệ;

đ) Nhiệm vụ khoa học và công nghệ được khoán chi đến sản phẩm cuối cùng được coi là hoàn thành sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền về khoa học và công nghệ có văn bản xác nhận kết quả nghiệm thu từ mức đạt yêu cầu trở lên;

e) Hợp đồng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được thanh lý sau khi có văn bản xác nhận kết quả của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về khoa học và công nghệ và chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về đăng ký và lưu giữ kết quả thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

3. Trường hợp nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được khoán chi đến sản phẩm cuối cùng bị dừng thực hiện hoặc đánh giá không đạt yêu cầu thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chịu trách nhiệm kiểm tra, xác định nguyên nhân dẫn đến việc dừng thực hiện hoặc đánh giá không đạt yêu cầu, ra quyết định xử lý.

a) Người trực tiếp phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ thiếu trách nhiệm gây thất thoát, lãng phí nguồn lực và ngân sách nhà nước phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những tổn thất, lãng phí đối với nguồn lực và ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ và phải bị xử lý theo quy định của pháp luật;

b) Tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có trách nhiệm:

Nộp hoàn trả ngân sách nhà nước toàn bộ kinh phí của nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được cấp nhưng chưa sử dụng.

Trường hợp do nguyên nhân khách quan thì không phải hoàn trả kinh phí ngân sách nhà nước đã sử dụng.

Trường hợp do nguyên nhân chủ quan thì tổng mức hoàn trả tối thiểu 40% kinh phí ngân sách nhà nước đã sử dụng.

4. Việc quyết toán kinh phí được thực hiện sau khi nhiệm vụ khoa học và công nghệ được hoàn thành và các bên tiến hành thanh lý hợp đồng khoa học và công nghệ, theo phương thức quyết toán toàn bộ.

Đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện trong nhiều năm, tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ hàng năm có trách nhiệm tổng hợp báo cáo theo niên độ ngân sách đối với số kinh phí thực nhận và thực chi.

Xem nội dung VB
Điều 52. Áp dụng khoán chi đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ

1. Việc áp dụng khoán chi đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được quy định như sau:
...
b) Nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã xác định được rõ tiêu chí đối với sản phẩm cuối cùng trên cơ sở thẩm định thuyết minh và dự toán kinh phí thì được áp dụng khoán chi đến sản phẩm cuối cùng;
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 15 Nghị định 95/2014/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2014
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 16 Nghị định 95/2014/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2014
Căn cứ Luật Khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ.
...
Điều 16. Khoán chi từng phần đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước

1. Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được khoán chi từng phần là nhiệm vụ khoa học và công nghệ có tính rủi ro cao, không thể xác định được tiêu chí cụ thể của sản phẩm cuối cùng, cần đáp ứng các tiêu chí sau:

a) Có từng phần công việc xác định được rõ nội dung, mục tiêu, yêu cầu, kết quả, kinh phí thực hiện; được hội đồng khoa học và công nghệ tuyển chọn, xét giao trực tiếp xác định thực hiện theo phương thức khoán chi từng phần; được chủ nhiệm nhiệm vụ và cơ quan chủ trì chấp nhận;

b) Dự toán phần công việc được khoán chi của nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được tính đúng, tính đủ tổng kinh phí thực hiện nhiệm vụ trên cơ sở các định mức kinh tế kỹ thuật theo quy định hiện hành; trường hợp chưa có định mức kinh tế kỹ thuật, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thuyết minh và dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ quyết định và chịu trách nhiệm;

c) Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thuyết minh và dự toán kinh phí.

2. Quy trình và thủ tục khoán chi từng phần đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước gồm các bước sau:

a) Tổ chức, cá nhân được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ hoàn thiện thuyết minh và dự toán kinh phí của nhiệm vụ khoa học và công nghệ gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b) Thủ trưởng cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt thuyết minh và dự toán kinh phí của nhiệm vụ khoa học và công nghệ, trong đó có quy định rõ phần công việc, kinh phí được khoán chi; việc ký hợp đồng thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 27 Luật Khoa học và công nghệ;

c) Các quỹ phát triển khoa học và công nghệ của cấp tương ứng hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp kinh phí thực hiện theo nội dung, mục tiêu, yêu cầu và tiến độ của hợp đồng khoa học và công nghệ;

d) Nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được khoán chi từng phần được coi là hoàn thành sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền về khoa học và công nghệ có văn bản xác nhận kết quả nghiệm thu từ mức đạt yêu cầu trở lên;

đ) Hợp đồng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được thanh lý sau khi có văn bản xác nhận kết quả của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về khoa học và công nghệ và chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về đăng ký và lưu giữ kết quả thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

3. Trường hợp nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được khoán chi từng phần bị dừng thực hiện hoặc đánh giá không đạt yêu cầu thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chịu trách nhiệm kiểm tra, xác định nguyên nhân dẫn đến việc dừng thực hiện hoặc đánh giá không đạt yêu cầu, ra quyết định xử lý.

a) Người trực tiếp phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ thiếu trách nhiệm gây thất thoát, lãng phí nguồn lực và ngân sách nhà nước phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những tổn thất, lãng phí đối với nguồn lực và ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ và phải bị xử lý theo quy định của pháp luật;

b) Tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ phải có trách nhiệm:

Nộp hoàn trả ngân sách nhà nước toàn bộ kinh phí của nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được cấp nhưng chưa sử dụng.

Trường hợp do nguyên nhân khách quan thì không phải hoàn trả kinh phí ngân sách nhà nước đã sử dụng.

Trường hợp do nguyên nhân chủ quan thì tổng mức hoàn trả tối thiểu 30% kinh phí ngân sách nhà nước đã sử dụng.

4. Việc quyết toán kinh phí được thực hiện sau khi nhiệm vụ khoa học và công nghệ được hoàn thành và các bên tiến hành thanh lý hợp đồng khoa học và công nghệ, theo phương thức quyết toán tổng hợp các nội dung được khoán chi và nội dung không được khoán chi.

Đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện trong nhiều năm, tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ hàng năm có trách nhiệm tổng hợp báo cáo theo niên độ ngân sách đối với số kinh phí thực nhận và thực chi.

Xem nội dung VB
Điều 52. Áp dụng khoán chi đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ

1. Việc áp dụng khoán chi đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được quy định như sau:
...
c) Nhiệm vụ khoa học và công nghệ không thể khoán chi đến sản phẩm cuối cùng và những nhiệm vụ khoa học và công nghệ có tính rủi ro cao thì thực hiện việc khoán chi đối với từng phần công việc đã xác định rõ tiêu chí.
Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 16 Nghị định 95/2014/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2014
Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 18 Nghị định 95/2014/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2014
Căn cứ Luật Khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ.
...
Điều 18. Mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ

1. Việc mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được thực hiện khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cần mua có giá trị phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, xác định được tiêu chí rõ ràng, minh bạch và định lượng;

b) Có tổ chức, cá nhân cam kết ứng dụng, sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;

c) Tổ chức, cá nhân nhận thực hiện nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chấp nhận quá trình thẩm định nội dung và kinh phí theo quy định hiện hành của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cam kết tự huy động kinh phí để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký hợp đồng với tổ chức, cá nhân quy định rõ điều kiện về thời gian thực hiện, sản phẩm khoa học và công nghệ, kinh phí đặt mua, hình thức thanh toán sau khi nhận được kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của tổ chức, cá nhân, đồng thời có trách nhiệm thành lập Hội đồng khoa học và công nghệ để đánh giá kết quả.

3. Trên cơ sở biên bản đánh giá kết quả của Hội đồng khoa học và công nghệ từ mức đạt trở lên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm thanh toán 100% giá trị hợp đồng đặt mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của tổ chức, cá nhân. Trường hợp kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ không đạt yêu cầu hoặc không hoàn thành đúng thời hạn quy định của hợp đồng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền từ chối thanh toán và tiến hành thủ tục thanh lý hợp đồng.

4. Thủ trưởng cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định đặt mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ bằng nguồn ngân sách nhà nước phải chịu trách nhiệm về việc đặt mua và hiệu quả việc sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được đặt mua.

Xem nội dung VB
Điều 52. Áp dụng khoán chi đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ
...
2. Trong trường hợp cần thiết, Nhà nước mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo thỏa thuận với tổ chức, cá nhân.
Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 18 Nghị định 95/2014/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2014
Sử dụng kinh phí ngoài ngân sách thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được hướng dẫn bởi Điều 19 Nghị định 95/2014/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2014
Căn cứ Luật Khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ.
...
Điều 19. Khoán chi đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ, mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng kinh phí ngoài ngân sách nhà nước

Các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ và mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng kinh phí ngoài ngân sách nhà nước được quyền áp dụng các Điều 15, 16, 17, 18 Nghị định này.

Xem nội dung VB
Điều 52. Áp dụng khoán chi đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ

1. Việc áp dụng khoán chi đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được quy định như sau:

a) Khoán chi được áp dụng đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học kỹ thuật và công nghệ đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt mục tiêu, nội dung, yêu cầu về sản phẩm nghiên cứu và dự toán kinh phí;

b) Nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã xác định được rõ tiêu chí đối với sản phẩm cuối cùng trên cơ sở thẩm định thuyết minh và dự toán kinh phí thì được áp dụng khoán chi đến sản phẩm cuối cùng;

c) Nhiệm vụ khoa học và công nghệ không thể khoán chi đến sản phẩm cuối cùng và những nhiệm vụ khoa học và công nghệ có tính rủi ro cao thì thực hiện việc khoán chi đối với từng phần công việc đã xác định rõ tiêu chí.

2. Trong trường hợp cần thiết, Nhà nước mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo thỏa thuận với tổ chức, cá nhân.

3. Chính phủ quy định cụ thể tiêu chí, quy trình, thủ tục thực hiện khoán chi đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước và việc mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Sử dụng kinh phí ngoài ngân sách thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được hướng dẫn bởi Điều 19 Nghị định 95/2014/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2014
Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 20 Nghị định 95/2014/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2014
Căn cứ Luật Khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ.
...
Điều 20. Chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ

Doanh nghiệp khoa học và công nghệ được hưởng các ưu đãi sau:

1. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giao quyền sử dụng hoặc quyền sở hữu các kết quả khoa học và công nghệ thuộc sở hữu nhà nước.

2. Hưởng chế độ miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp như doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghệ cao theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản pháp luật có liên quan.

3. Các khoản chi phí hợp lý được trừ khi tính thu nhập chịu thuế đối với hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các hoạt động khác thực hiện theo quy định của pháp luật.

4. Được miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà.

5. Hưởng các chính sách ưu đãi về tín dụng đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ và các quỹ khác theo quy định của pháp luật để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh.

6. Ưu tiên trong việc sử dụng trang thiết bị nghiên cứu phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại các Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ của nhà nước.

7. Được hỗ trợ các dịch vụ tư vấn, đào tạo của các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp do các cơ quan nhà nước thành lập.

8. Được Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao và Ủy ban nhân dân các địa phương ưu tiên cho thuê đất, cơ sở hạ tầng với mức giá thấp nhất theo quy định.

9. Được miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định.

Xem nội dung VB
Điều 58. Phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
3. Ngoài ưu đãi quy định tại Điều 57 của Luật này, doanh nghiệp khoa học và công nghệ còn được hưởng ưu đãi sau đây:

a) Được xem xét, giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thuộc sở hữu nhà nước;

b) Được hưởng chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà theo quy định của pháp luật;

c) Được ưu tiên thuê đất, cơ sở hạ tầng trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao;

d) Được hưởng chính sách ưu đãi về tín dụng đầu tư của Ngân hàng phát triển Việt Nam, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia và các quỹ khác để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh;

đ) Được ưu tiên sử dụng trang thiết bị phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ của Nhà nước.
Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 20 Nghị định 95/2014/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2014
Nội dung chi ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ được hướng dẫn bởi Điều 4 Nghị định 95/2014/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2014
Căn cứ Luật Khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ.
...
Điều 4. Nội dung chi ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ

1. Chi đầu tư phát triển khoa học và công nghệ

Chi phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đầu tư và hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho các tổ chức khoa học và công nghệ không phân biệt thành phần kinh tế theo các nội dung sau:

a) Xây dựng mới, nâng cấp, tăng cường năng lực nghiên cứu của các tổ chức khoa học và công nghệ bao gồm: Phòng thí nghiệm, xưởng thực nghiệm, trạm thực nghiệm; trung tâm phân tích, kiểm nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn và đánh giá sự phù hợp; các cơ sở thiết kế, chế tạo, thử nghiệm chuyên dụng; các cơ sở ứng dụng và chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng; tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ;

b) Xây dựng khu nghiên cứu và phát triển cho các khu công nghệ cao;

c) Xây dựng hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia và thống kê về khoa học và công nghệ;

d) Các hoạt động đầu tư khác phục vụ phát triển khoa học và công nghệ.

2. Chi sự nghiệp khoa học và công nghệ, gồm các nội dung sau:

a) Chi thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, bao gồm chi trực tiếp cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ và chi cho các hoạt động quản lý của cơ quan có thẩm quyền đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ, chi tổ chức đánh giá sau nghiệm thu đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ;

b) Chi thường xuyên và các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng của tổ chức khoa học và công nghệ công lập theo quy định pháp luật về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập;

c) Cấp vốn điều lệ và vốn bổ sung cho các quỹ quốc gia của Nhà nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ;

d) Đào tạo và bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ nghiên cứu về khoa học và công nghệ ở trong nước và nước ngoài;

đ) Mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; mua công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ; hỗ trợ chuyển giao và nhập khẩu công nghệ;

e) Thuê chuyên gia, tổ chức tư vấn trong nước và nước ngoài;

g) Xúc tiến ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ;

h) Hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ươm tạo và đổi mới công nghệ;

i) Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, truyền thông, hoạt động thông tin và thống kê khoa học và công nghệ; tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế;

k) Hỗ trợ đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, hoạt động tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, công bố kết quả nghiên cứu khoa học; khen thưởng, giải thưởng khoa học và công nghệ;

l) Hỗ trợ các hoạt động hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ: Tham gia hội nghị, hội thảo quốc tế; khảo sát tìm kiếm các thông tin về khoa học và công nghệ, các nguồn cung ứng công nghệ ở nước ngoài; tham gia các hoạt động, sự kiện, diễn đàn về khoa học và công nghệ quốc tế; niên liễm tham gia các tổ chức quốc tế về khoa học và công nghệ; vốn đối ứng các dự án quốc tế về khoa học và công nghệ; bảo đảm hoạt động của mạng lưới đại diện khoa học và công nghệ ở nước ngoài;

m) Chi cho công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa cơ sở vật chất - kỹ thuật và trang thiết bị phục vụ hoạt động khoa học và công nghệ;

n) Các khoản chi có liên quan khác.

Xem nội dung VB
Điều 50. Mục đích chi ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ

1. Thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ ưu tiên, trọng điểm, nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp phục vụ lợi ích chung của xã hội; chú trọng nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ.

2. Duy trì và phát triển năng lực khoa học và công nghệ quốc gia, đầu tư và hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho tổ chức khoa học và công nghệ; bảo đảm hoạt động nghiên cứu cơ bản thường xuyên của tổ chức khoa học và công nghệ công lập.

3. Phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ.

4. Cấp kinh phí cho quỹ của Nhà nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ theo quy định tại Điều 59 của Luật này.

5. Hỗ trợ việc thực hiện nghiên cứu ứng dụng và đổi mới công nghệ thuộc lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm.

6. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ tại địa phương.

7. Mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, hỗ trợ nhập khẩu công nghệ nguồn, công nghệ cao, thiết kế, thuê chuyên gia trong nước và nước ngoài thuộc lĩnh vực ưu tiên.

8. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, truyền thông, thông tin, thống kê khoa học và công nghệ; hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, công bố kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, giải thưởng khoa học và công nghệ.

9. Hỗ trợ hoạt động khoa học và công nghệ khác.
Nội dung chi ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ được hướng dẫn bởi Điều 4 Nghị định 95/2014/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2014
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 5 Nghị định 95/2014/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2014
Căn cứ Luật Khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ.
...
Điều 5. Về kế hoạch, lập dự toán và phân bổ ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ

1. Đề xuất kế hoạch và dự toán ngân sách cho khoa học và công nghệ

a) Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm đề xuất cơ cấu chi giữa đầu tư phát triển và sự nghiệp khoa học và công nghệ; tỷ lệ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương;

b) Căn cứ vào hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ của năm kế hoạch tiếp theo;

c) Căn cứ vào khả năng đáp ứng của ngân sách nhà nước, nhu cầu thực tiễn và kết quả sử dụng ngân sách đã được phân bổ của năm trước liền kề cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất kế hoạch và dự toán ngân sách cho hoạt động khoa học và công nghệ gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bô Tài chính;

d) Căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hướng dẫn xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách cho khoa học và công nghệ của địa phương mình; xử lý, tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

2. Lập dự toán ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ

a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập và trình Chính phủ dự toán chi đầu tư phát triển khoa học và công nghệ theo đề xuất dự toán của Bộ Khoa học và Công nghệ. Trong trường hợp có sự thay đổi so với đề xuất dự toán của Bộ Khoa học và Công nghệ thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm thông báo cho Bộ Khoa học và Công nghệ;

b) Bộ Tài chính lập và trình Chính phủ dự toán chi sự nghiệp khoa học và công nghệ theo đề xuất dự toán của Bộ Khoa học và Công nghệ. Trong trường hợp có sự thay đổi so với đề xuất dự toán của Bộ Khoa học và Công nghệ thì Bộ Tài chính có trách nhiệm thông báo cho Bộ Khoa học và Công nghệ;

c) Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ kinh phí từ nguồn ngân sách dành cho khoa học và công nghệ được giao hàng năm, lập phương án bố trí kinh phí cho đầu tư phát triển và sự nghiệp khoa học và công nghệ không thấp hơn mức Trung ương giao.

Sở Kế hoạch và Đầu tư lập và trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương dự toán chi đầu tư phát triển khoa học và công nghệ theo đề xuất của Sở Khoa học và Công nghệ. Trong trường hợp có sự thay đổi so với đề xuất của Sở Khoa học và Công nghệ thì Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm thông báo cho Sở Khoa học và Công nghệ trước khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Sở Tài chính lập và trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương dự toán chi sự nghiệp khoa học và công nghệ theo đề xuất của Sở Khoa học và Công nghệ. Trong trường hợp có sự thay đổi so với đề xuất của Sở Khoa học và Công nghệ thì Sở Tài chính có trách nhiệm thông báo với Sở Khoa học và Công nghệ trước khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3. Phân bổ dự toán chi ngân sách cho khoa học và công nghệ

Sau khi tổng dự toán chi ngân sách được Quốc hội thông qua, ngân sách cho khoa học và công nghệ được phân bổ như sau:

a) Kinh phí đầu tư phát triển khoa học và công nghệ, kinh phí chi thường xuyên, kinh phí dự phòng trong kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ được phân bổ theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước;

b) Kinh phí dành cho việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được phân bổ như sau:

Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia được chuyển vào Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia.

Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh được chuyển vào quỹ phát triển khoa học và công nghệ của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đối với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa hoặc không thành lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ thì kinh phí này được chuyển trực tiếp vào đơn vị dự toán cấp I của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

c) Sau khi ký hợp đồng khoa học và công nghệ, kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp được cấp vào tài khoản tiền gửi của đơn vị chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ tại Kho bạc Nhà nước.

4. Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí phân bổ kinh phí cho hoạt động khoa học và công nghệ.

Xem nội dung VB
Điều 51. Xây dựng dự toán và quản lý việc sử dụng ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ

1. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan nhà nước khác ở trung ương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng đề xuất dự toán chi ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ hằng năm theo quy định của pháp luật.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính lập dự toán chi đầu tư phát triển khoa học và công nghệ, dự toán chi sự nghiệp khoa học và công nghệ theo đề xuất dự toán của Bộ Khoa học và Công nghệ.

3. Cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ xây dựng đề xuất dự toán chi ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ hằng năm và đề nghị cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về kế hoạch và đầu tư, tài chính tổng hợp, xây dựng dự toán chi đầu tư phát triển khoa học và công nghệ, dự toán chi sự nghiệp khoa học và công nghệ, bảo đảm chi đúng, chi đủ kinh phí đã được phân bổ.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phê duyệt dự toán chi ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ.

4. Cơ quan tài chính các cấp có trách nhiệm cấp phát kinh phí khoa học và công nghệ đầy đủ, kịp thời, phù hợp với tiến độ kế hoạch khoa học và công nghệ; đôn đốc, kiểm tra các ngành, các cấp nhằm bảo đảm sử dụng kinh phí khoa học và công nghệ đúng mục đích, hiệu quả.
Một số nội dung chuyên môn phục vụ công tác xây dựng dự toán thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước được hướng dẫn bởi Thông tư 02/2023/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 23/06/2023
Căn cứ Luật Khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung chuyên môn phục vụ công tác xây dựng dự toán thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước.

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
...
Điều 2. Giải thích từ ngữ
...
Chương II HƯỚNG DẪN MỘT SỐ NỘI DUNG CHUYÊN MÔN PHỤC VỤ CÔNG TÁC XÂY DỰNG DỰ TOÁN NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CÓ SỬ DỤNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Điều 3. Chức danh thực hiện nhiệm vụ
...
Điều 4. Hệ số lao động khoa học của các chức danh
...
Điều 5. Dự toán chi thù lao tham gia nhiệm vụ
...
Điều 6. Thuê lao động phổ thông phục vụ triển khai nhiệm vụ
...
Điều 7. Thuê chuyên gia trong nước, chuyên gia ngoài nước phối hợp nghiên cứu, thực hiện nhiệm vụ
...
Điều 8. Thuê chuyên gia, tổ chức tư vấn độc lập
...
Chương III TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Điều khoản chuyển tiếp
...
Điều 10. Hiệu lực thi hành
...
PHỤ LỤC VÍ DỤ VỀ CÁCH XÂY DỰNG DỰ TOÁN CHI TIẾT THÙ LAO THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ SỬ DỤNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Xem nội dung VB
Điều 51. Xây dựng dự toán và quản lý việc sử dụng ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ

1. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan nhà nước khác ở trung ương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng đề xuất dự toán chi ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ hằng năm theo quy định của pháp luật.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính lập dự toán chi đầu tư phát triển khoa học và công nghệ, dự toán chi sự nghiệp khoa học và công nghệ theo đề xuất dự toán của Bộ Khoa học và Công nghệ.

3. Cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ xây dựng đề xuất dự toán chi ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ hằng năm và đề nghị cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về kế hoạch và đầu tư, tài chính tổng hợp, xây dựng dự toán chi đầu tư phát triển khoa học và công nghệ, dự toán chi sự nghiệp khoa học và công nghệ, bảo đảm chi đúng, chi đủ kinh phí đã được phân bổ.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phê duyệt dự toán chi ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ.

4. Cơ quan tài chính các cấp có trách nhiệm cấp phát kinh phí khoa học và công nghệ đầy đủ, kịp thời, phù hợp với tiến độ kế hoạch khoa học và công nghệ; đôn đốc, kiểm tra các ngành, các cấp nhằm bảo đảm sử dụng kinh phí khoa học và công nghệ đúng mục đích, hiệu quả.
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 5 Nghị định 95/2014/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2014
Một số nội dung chuyên môn phục vụ công tác xây dựng dự toán thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước được hướng dẫn bởi Thông tư 02/2023/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 23/06/2023
Điều này được hướng dẫn bởi Thông tư 20/2023/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 27/11/2023
Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
...
Điều 2. Giải thích từ ngữ
...
Chương II QUY ĐỊNH TUYỂN CHỌN TỔ CHỨC, CÁ NHÂN THỰC HIỆN NHIỆM VỤ

Mục 1. NGUYÊN TẮC VÀ ĐIỀU KIỆN TUYỂN CHỌN TỔ CHỨC, CÁ NHÂN THỰC HIỆN NHIỆM VỤ

Điều 3. Nguyên tắc tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ và thông báo tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ
...
Điều 4. Điều kiện tham gia tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ
...
Mục 2. HỒ SƠ ĐĂNG KÝ THAM GIA TUYỂN CHỌN THỰC HIỆN NHIỆM VỤ

Điều 5. Hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ
...
Điều 6. Nộp hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ
...
Điều 7. Mở, kiểm tra và xác nhận tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ
...
Mục 3. HỘI ĐỒNG TƯ VẤN VÀ TỔ THẨM ĐỊNH KINH PHÍ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ

Điều 8. Hội đồng tư vấn, Tổ thẩm định kinh phí thực hiện nhiệm vụ và Tổ chuyên gia
...
Điều 9. Chuẩn bị tổ chức các phiên họp của Hội đồng tư vấn và Tổ thẩm định
...
Điều 10. Phương thức làm việc của Hội đồng tư vấn
...
Điều 11. Trình tự, nội dung làm việc của Hội đồng tư vấn
...
Điều 12. Nhóm tiêu chí và thang điểm đánh giá hồ sơ tuyển chọn tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ
...
Điều 13. Nguyên tắc làm việc, nhiệm vụ và trách nhiệm của Tổ thẩm định
...
Điều 14. Trình tự, nội dung làm việc của Tổ thẩm định
...
Mục 4. PHÊ DUYỆT, LƯU GIỮ VÀ HỦY KẾT QUẢ TUYỂN CHỌN TỔ CHỨC, CÁ NHÂN THỰC HIỆN NHIỆM VỤ

Điều 15. Phê duyệt kết quả tuyển chọn tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ
...
Điều 16. Lưu giữ, quản lý hồ sơ gốc và công khai thông tin
...
Điều 17. Hủy kết quả tuyển chọn tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ
...
Chương III CHUYÊN GIA TƯ VẤN ĐỘC LẬP

Điều 18. Chuyên gia tư vấn độc lập
...
được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính
...
Điều 19. Trách nhiệm của chuyên gia tư vấn độc lập
...
Điều 20. Thủ tục lấy ý kiến chuyên gia tư vấn độc lập
...
Chương IV QUY ĐỊNH GIAO TRỰC TIẾP TỔ CHỨC VÀ CÁ NHÂN THỰC HIỆN NHIỆM VỤ

Điều 21. Giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ
...
Điều 22. Giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ chứa bí mật nhà nước
...
Chương V TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 23. Áp dụng pháp luật
...
Điều 24. Hiệu lực thi hành
...
Điều 25. Quy định chuyển tiếp
...
Điều 26. Tổ chức thực hiện
...
PHỤ LỤC I BIỂU MẪU ÁP DỤNG CHO VIỆC XÂY DỰNG HỒ SƠ TUYỂN CHỌN/GIAO TRỰC TIẾP TỔ CHỨC, CÁ NHÂN CHỦ TRÌ NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP QUỐC GIA
...
PHỤ LỤC II BIỂU MẪU ÁP DỤNG CHO VIỆC ĐÁNH GIÁ HỒ SƠ TUYỂN CHỌN
...
PHỤ LỤC III BIỂU MẪU ÁP DỤNG CHO VIỆC THẨM ĐỊNH KINH PHÍ
...
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

Xem nội dung VB
Điều 29. Tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước

1. Tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước là việc xác định tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ và phải bảo đảm tính cạnh tranh, công bằng, hiệu quả.

2. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ có nhiều tổ chức, cá nhân có khả năng tham gia thực hiện phải được giao theo phương thức tuyển chọn nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

3. Cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp phải thông báo công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ quan mình hoặc phương tiện thông tin đại chúng khác danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ; điều kiện, thủ tục tham gia tuyển chọn.

4. Việc tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ phải bảo đảm công khai, công bằng, dân chủ, khách quan; kết quả tuyển chọn phải được công bố công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc phương tiện thông tin đại chúng khác.

5. Người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp thành lập Hội đồng tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng này.

Hội đồng tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ do người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp thành lập, quy định nhiệm vụ và quyền hạn. Hội đồng có nhiệm vụ tư vấn và phải chịu trách nhiệm về việc tư vấn của mình. Thành phần của Hội đồng bao gồm nhà khoa học, nhà quản lý, nhà kinh doanh có uy tín và trình độ phù hợp với nhiệm vụ. Thành viên Hội đồng phải có năng lực, phẩm chất, trình độ chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ khoa học và công nghệ và chịu trách nhiệm về ý kiến tư vấn của mình.

6. Người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sau khi có ý kiến tư vấn của Hội đồng. Trong trường hợp cần thiết, người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp có quyền lấy thêm ý kiến tư vấn của chuyên gia tư vấn độc lập trước khi quyết định.

7. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định cụ thể việc tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia được hướng dẫn bởi Thông tư 10/2014/TT-BKHCN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2014 (VB hết hiệu lực: 16/08/2017)
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước.

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh
...
Điều 2. Giải thích từ ngữ
...
Điều 3. Nguyên tắc tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ
...
Điều 4. Điều kiện tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ
...
Chương II HỒ SƠ ĐĂNG KÝ THAM GIA TUYỂN CHỌN, GIAO TRỰC TIẾP THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Điều 5. Hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ
...
Điều 6. Nộp hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ
...
Điều 7. Mở và kiểm tra xác nhận tính hợp lệ của hồ sơ tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ
...
Chương III HỘI ĐỒNG TUYỀN CHỌN, GIAO TRỰC TIẾP VÀ TỒ THẨM ĐỊNH KINH PHÍ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Điều 8. Hội đồng tuyển chọn, giao trực tiếp và tổ thẩm định kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ
...
Điều 9. Chuẩn bị cho các phiên họp của hội đồng
...
Điều 10. Nguyên tắc làm việc và trách nhiệm của hội đồng
...
Điều 11. Trình tự, nội dung làm việc của hội đồng
...
Điều 12. Đánh giá hồ sơ tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ
...
Điều 13. Nguyên tắc làm việc và trách nhiệm của tổ thẩm định
...
Điều 14. Trình tự, nội dung làm việc của tổ thẩm định kinh phí
...
Điều 15. Phê duyệt kết quả
...
Chương IV CHUYÊN GIA TƯ VẤN ĐỘC LẬP

Điều 16. Chuyên gia tư vấn độc lập
...
Điều 17. Thủ tục lấy ý kiến chuyên gia tư vấn độc lập
...
Điều 18. Trách nhiệm của chuyên gia tư vấn độc lập
...
Chương V TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 19. Lưu giữ hồ sơ gốc và quản lý thông tin
...
Điều 20. Điều khoản áp dụng
...
Điều 21. Hiệu lực thi hành
...
PHỤ LỤC I BIỂU MẪU ÁP DỤNG CHO VIỆC NỘP HỒ SƠ
...
PHỤ LỤC II BIỂU MẪU ÁP DỤNG CHO VIỆC ĐÁNH GIÁ HỒ SƠ
...
PHỤ LỤC III BIỂU MẪU ÁP DỤNG CHO VIỆC THẨM ĐỊNH KINH PHÍ

Xem nội dung VB
Điều 29. Tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước

1. Tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước là việc xác định tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ và phải bảo đảm tính cạnh tranh, công bằng, hiệu quả.

2. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ có nhiều tổ chức, cá nhân có khả năng tham gia thực hiện phải được giao theo phương thức tuyển chọn nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

3. Cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp phải thông báo công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ quan mình hoặc phương tiện thông tin đại chúng khác danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ; điều kiện, thủ tục tham gia tuyển chọn.

4. Việc tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ phải bảo đảm công khai, công bằng, dân chủ, khách quan; kết quả tuyển chọn phải được công bố công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc phương tiện thông tin đại chúng khác.

5. Người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp thành lập Hội đồng tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng này.

Hội đồng tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ do người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp thành lập, quy định nhiệm vụ và quyền hạn. Hội đồng có nhiệm vụ tư vấn và phải chịu trách nhiệm về việc tư vấn của mình. Thành phần của Hội đồng bao gồm nhà khoa học, nhà quản lý, nhà kinh doanh có uy tín và trình độ phù hợp với nhiệm vụ. Thành viên Hội đồng phải có năng lực, phẩm chất, trình độ chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ khoa học và công nghệ và chịu trách nhiệm về ý kiến tư vấn của mình.

6. Người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sau khi có ý kiến tư vấn của Hội đồng. Trong trường hợp cần thiết, người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp có quyền lấy thêm ý kiến tư vấn của chuyên gia tư vấn độc lập trước khi quyết định.

7. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định cụ thể việc tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Nội dung hướng dẫn Điều này tại Thông tư 10/2014/TT-BKHCN được sửa đổi bởi Thông tư 23/2014/TT-BKHCN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 11 năm 2014 (VB hết hiệu lực: 16/08/2017)
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 10/2014/TT-BKHCN ngày 30 tháng 5 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước (sau đây gọi tắt là Thông tư số 10/2014/TT-BKHCN).
...
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 10/2014/TT- BKHCN:

1. Sửa đổi Khoản 9 Điều 5 như sau:
...
2. Sửa đổi Khoản 5 Điều 8 như sau:
...
3. Sửa đổi Điều 12 như sau:
...
4. Sửa đổi điểm a, khoản 1 Điều 13 như sau:
...
5. Sửa đổi khoản 3 Điều 13 như sau:
...
6. Bổ sung khoản 7 Điều 14 như sau:
...
Điều 2. Hiệu lực thi hành
...
PHỤ LỤC II BIỂU MẪU ÁP DỤNG CHO VIỆC ĐÁNH GIÁ HỒ SƠ TUYỂN CHỌN, GIÁO TRỰC TIẾP TỔ CHỨC, CÁ NHÂN CHỦ TRÌ NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP QUỐC GIA
...
1. B2-1-BBHS: Biên bản mở hồ sơ đăng ký tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia.
...
2. B2-2a-NXĐTCN: Phiếu nhận xét đề tài nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ.
...
3. B2-2b-NXĐTXH/NXĐA: Phiếu nhận xét đề tài nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn hoặc dự án khoa học.
...
4. B2-2c-NXDA: Phiếu nhận xét dự án sản xuất thử nghiệm.
...
5. B2-3a-ĐGĐTCN: Phiếu đánh giá chấm điểm đề tài nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ.
...
6. B2-3b-ĐGĐTXH: Phiếu đánh giá chấm điểm đề tài nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn.
...
7. B2-3c-ĐGDA: Phiếu đánh giá chấm điểm dự án sản xuất thử nghiệm.
...
8. B2-4-KPĐG: Biên bản kiểm phiếu đánh giá hồ sơ đăng ký tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức chủ trì và cá nhân chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia.
...
9. B2-5-THKP: Bảng tổng hợp kiểm phiếu đánh giá hồ sơ đăng ký tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức chủ trì và cá nhân chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia.
...
10. B2-6-BBHĐ: Biên bản họp hội đồng đánh giá hồ sơ đăng ký tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức chủ trì và cá nhân chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia.
...
11. B2-7-GUQ: Giấy ủy quyền.

Xem nội dung VB
Điều 29. Tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước

1. Tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước là việc xác định tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ và phải bảo đảm tính cạnh tranh, công bằng, hiệu quả.

2. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ có nhiều tổ chức, cá nhân có khả năng tham gia thực hiện phải được giao theo phương thức tuyển chọn nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

3. Cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp phải thông báo công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ quan mình hoặc phương tiện thông tin đại chúng khác danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ; điều kiện, thủ tục tham gia tuyển chọn.

4. Việc tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ phải bảo đảm công khai, công bằng, dân chủ, khách quan; kết quả tuyển chọn phải được công bố công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc phương tiện thông tin đại chúng khác.

5. Người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp thành lập Hội đồng tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng này.

Hội đồng tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ do người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp thành lập, quy định nhiệm vụ và quyền hạn. Hội đồng có nhiệm vụ tư vấn và phải chịu trách nhiệm về việc tư vấn của mình. Thành phần của Hội đồng bao gồm nhà khoa học, nhà quản lý, nhà kinh doanh có uy tín và trình độ phù hợp với nhiệm vụ. Thành viên Hội đồng phải có năng lực, phẩm chất, trình độ chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ khoa học và công nghệ và chịu trách nhiệm về ý kiến tư vấn của mình.

6. Người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sau khi có ý kiến tư vấn của Hội đồng. Trong trường hợp cần thiết, người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp có quyền lấy thêm ý kiến tư vấn của chuyên gia tư vấn độc lập trước khi quyết định.

7. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định cụ thể việc tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Điều này được hướng dẫn bởi Thông tư 20/2023/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 27/11/2023
Tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia được hướng dẫn bởi Thông tư 10/2014/TT-BKHCN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2014 (VB hết hiệu lực: 16/08/2017)
Nội dung hướng dẫn Điều này tại Thông tư 10/2014/TT-BKHCN được sửa đổi bởi Thông tư 23/2014/TT-BKHCN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 11 năm 2014 (VB hết hiệu lực: 16/08/2017)
Hội đồng tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được hướng dẫn bởi Mục 3 Chương II Thông tư 20/2023/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 27/11/2023
Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước
...
Chương II QUY ĐỊNH TUYỂN CHỌN TỔ CHỨC, CÁ NHÂN THỰC HIỆN NHIỆM VỤ
...
Mục 3. HỘI ĐỒNG TƯ VẤN VÀ TỔ THẨM ĐỊNH KINH PHÍ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ

Điều 8. Hội đồng tư vấn, Tổ thẩm định kinh phí thực hiện nhiệm vụ và Tổ chuyên gia

1. Hội đồng tư vấn do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định thành lập:
a) Hội đồng tư vấn có từ 07 đến 09 thành viên, gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, ủy viên thư ký khoa học, 02 thành viên làm ủy viên phản biện và các thành viên khác;

b) Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các ủy viên của Hội đồng tư vấn là các nhà khoa học thuộc cơ sở dữ liệu chuyên gia khoa học và công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt, đại diện cơ quan, tổ chức đề xuất đặt hàng (Bộ, ngành, địa phương đề xuất đặt hàng), nhà quản lý, nhà kinh doanh có năng lực và chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ tư vấn.

2. Cá nhân thuộc các trường hợp sau không được tham gia Hội đồng tư vấn:

a) Cá nhân đăng ký tham gia thực hiện nhiệm vụ;

b) Cá nhân thuộc tổ chức đăng ký chủ trì nhiệm vụ;

c) Cá nhân thuộc tổ chức đăng ký phối hợp thực hiện nhiệm vụ;

d) Có căn cứ rõ ràng về việc không vô tư, không khách quan khi tham gia hội đồng tuyển chọn, giao trực tiếp nhiệm vụ;

đ) Vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của chủ nhiệm, thư ký khoa học và thành viên chính tham gia thực hiện nhiệm vụ;

e) Cá nhân chưa chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động khoa học và công nghệ hoặc đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích;

3. Các ủy viên đã tham gia Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ được ưu tiên mời tham gia Hội đồng tư vấn đối với các nhiệm vụ tương ứng.

4. Tổ thẩm định kinh phí nhiệm vụ (sau đây gọi tắt là Tổ thẩm định) do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định thành lập.
Tổ thẩm định gồm 05 thành viên, trong đó: Tổ trưởng Tổ thẩm định là lãnh đạo đơn vị quản lý chuyên môn thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ; Tổ phó Tổ thẩm định là đại diện lãnh đạo đơn vị quản lý về kế hoạch, tài chính thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ; 01 thành viên là đại diện của đơn vị quản lý kinh phí thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ; 01 thành viên là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch hoặc ủy viên phản biện của Hội đồng tư vấn; 01 đại diện của đơn vị quản lý về kế hoạch, tài chính là Thư ký Tổ thẩm định.

5. Hội đồng tư vấn và Tổ thẩm định làm việc theo nguyên tắc, trình tự và nội dung quy định tại Điều 10, 11, 12, 13 và Điều 14 Thông tư này. Đại diện đơn vị quản lý chuyên môn và đại diện đơn vị quản lý kinh phí làm thư ký hành chính giúp việc cho Hội đồng tư vấn và Tổ thẩm định.

6. Đối với dự án, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định thành lập Tổ chuyên gia kiểm tra thực tế cơ sở vật chất - kỹ thuật, nhân lực và năng lực tài chính của tổ chức, cá nhân đăng ký chủ trì và tổ chức đăng ký phối hợp thực hiện nhiệm vụ (sau đây gọi tắt là Tổ chuyên gia). Thành phần Tổ chuyên gia bao gồm: đại diện đơn vị quản lý chuyên môn là Tổ trưởng; đại diện đơn vị quản lý về kế hoạch, tài chính; đại diện đơn vị quản lý kinh phí; đại diện Hội đồng tư vấn; Ban chủ nhiệm (nếu có). Kết quả kiểm tra được ghi nhận bằng biên bản theo Biểu B2-9-BBKQKT tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này và cung cấp cho các thành viên tại phiên làm việc của Hội đồng tư vấn và Tổ thẩm định.

7. Đối với đề tài, trong trường hợp cần thiết, đơn vị quản lý chuyên môn báo cáo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định thành lập Tổ chuyên gia kiểm tra thực tế cơ sở vật chất - kỹ thuật, nhân lực và năng lực tài chính của tổ chức, cá nhân đăng ký chủ trì và tổ chức đăng ký phối hợp thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều này. Kết quả kiểm tra được ghi nhận bằng biên bản theo Biểu B2-9-BBKQKT tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này và cung cấp cho các thành viên tại phiên làm việc của Hội đồng tư vấn và Tổ thẩm định.

8. Trong trường hợp cần thiết, trên cơ sở ý kiến của đơn vị quản lý chuyên môn, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định số lượng thành viên và thành phần của Hội đồng tư vấn, Tổ thẩm định, Tổ chuyên gia khác với quy định tại khoản 1, 4, 6 và 7 Điều này.

Điều 9. Chuẩn bị tổ chức các phiên họp của Hội đồng tư vấn và Tổ thẩm định

1. Thư ký hành chính có trách nhiệm:
Chuẩn bị và gửi tài liệu đến tất cả thành viên Hội đồng tư vấn và thành viên Tổ thẩm định hoặc chuyên gia (nếu có) ít nhất 07 ngày làm việc trước phiên họp đánh giá hồ sơ đăng ký tuyển chọn, giao trực tiếp và 03 ngày làm việc trước phiên họp thẩm định kinh phí; cung cấp tài khoản người dùng cho các thành viên của Hội đồng tư vấn và các thành viên Tổ thẩm định hoặc chuyên gia (nếu có) ít nhất 07 ngày làm việc trước phiên họp đánh giá hồ sơ đăng ký tuyển chọn, giao trực tiếp và 03 ngày làm việc trước phiên họp thẩm định kinh phí trong trường hợp họp trực tuyến hoặc trực tiếp kết hợp với trực tuyến.

2. Tài liệu phục vụ phiên họp đánh giá hồ sơ đăng ký tuyển chọn bao gồm:

a) Quyết định thành lập Hội đồng tư vấn;

b) Trích lục danh mục nhiệm vụ được phê duyệt;

c) Bản sao hồ sơ gốc hoặc bản điện tử của hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn;

d) Phiếu nhận xét nhiệm vụ theo các Biểu mẫu của Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này (đề tài: Biểu B2-2a-NXĐTCN hoặc Biểu B2-2b-NXĐTXH/NXĐA; dự án: Biểu B2-2c-NXDA; đề án: Biểu B2-2b-NXĐTXH/NXĐA);

đ) Ý kiến giải trình của tổ chức đăng ký chủ trì nhiệm vụ đối với các câu hỏi của các thành viên Hội đồng tư vấn (nếu có);

e) Biên bản ghi nhận kết quả kiểm tra thực tế cơ sở vật chất - kỹ thuật, nhân lực và năng lực tài chính của tổ chức, cá nhân đăng ký chủ trì và tổ chức đăng ký phối hợp thực hiện nhiệm vụ (nếu có) theo quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều 8 Thông tư này.

3. Tài liệu phục vụ phiên họp thẩm định kinh phí nhiệm vụ bao gồm:

a) Quyết định thành lập Tổ thẩm định;

b) Thuyết minh nhiệm vụ đã được chỉnh sửa theo kết luận của Hội đồng tư vấn;

c) Bản giải trình của tổ chức chủ trì về những nội dung đã chỉnh sửa theo kết luận của Hội đồng tư vấn theo Biểu B2-8-GTHĐ tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này và hồ sơ, tài liệu bổ sung (nếu có);

d) Biên bản họp Hội đồng tư vấn;

đ) Biên bản ghi nhận kết quả kiểm tra thực tế cơ sở vật chất - kỹ thuật, nhân lực và năng lực tài chính của tổ chức, cá nhân đăng ký chủ trì và tổ chức đăng ký phối hợp thực hiện nhiệm vụ (nếu có);

e) Lý lịch khoa học các thành viên thực hiện chính, thư ký khoa học thực hiện nhiệm vụ có xác nhận của tổ chức quản lý nhân sự (Biểu B1-4-LLCN);

g) Báo giá thiết bị, nguyên vật liệu chính cần mua sắm, dịch vụ cần thuê để thực hiện nhiệm vụ còn hiệu lực (thời gian báo giá không quá 90 ngày tính đến thời điểm nộp hồ sơ);
h) Các tài liệu khác có liên quan.

4. Đối với trường hợp họp trực tuyến hoặc họp trực tiếp kết hợp với trực tuyến các tài liệu được nêu tại khoản 2 và khoản 3 Điều này được đăng tải trên Hệ thống quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ quốc gia.

Điều 10. Phương thức làm việc của Hội đồng tư vấn

1. Hội đồng tư vấn họp theo một trong các phương thức sau:
a) Phương thức họp trực tiếp;

b) Phương thức họp trực tuyến;

c) Phương thức họp trực tiếp kết hợp với trực tuyến.

2. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng tư vấn

a) Phải có sự tham gia ít nhất 2/3 số ủy viên Hội đồng tư vấn, trong đó có Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch được ủy quyền và 02 ủy viên phản biện;

b) Chủ tịch Hội đồng tư vấn chủ trì các phiên họp Hội đồng tư vấn. Trong trường hợp Chủ tịch Hội đồng tư vấn vắng mặt, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn được ủy quyền bằng văn bản chủ trì phiên họp (Giấy ủy quyền của Chủ tịch Hội đồng tư vấn theo Biểu B2-7-GUQ tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này).

3. Trách nhiệm của các thành viên Hội đồng tư vấn

a) Đánh giá trung thực, khách quan và công bằng; chịu trách nhiệm cá nhân về kết quả đánh giá của mình và trách nhiệm tập thể về kết luận chung của Hội đồng tư vấn. Các thành viên Hội đồng tư vấn, đại biểu tham gia và thư ký hành chính có trách nhiệm giữ bí mật về các thông tin liên quan trong quá trình đánh giá hồ sơ tuyển chọn, giao trực tiếp;

b) Nghiên cứu, phân tích từng nội dung và thông tin đã kê khai trong hồ sơ; nhận xét, đánh giá từng hồ sơ theo các yêu cầu đã quy định và luận giải cho việc nhận xét, đánh giá;

c) Gửi câu hỏi đối với hồ sơ đăng ký tuyển chọn nhiệm vụ (nếu có) cho đơn vị quản lý chuyên môn ít nhất 05 ngày làm việc trước phiên họp đánh giá hồ sơ đăng ký tuyển chọn đối với trường hợp họp trực tiếp theo Biểu B2-10-CHHĐTV tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này hoặc gửi đến địa chỉ đã được cung cấp thông qua tài khoản người dùng được cấp cho các thành viên Hội đồng tư vấn đối với trường hợp họp trực tuyến hoặc họp trực tuyến kết hợp với trực tiếp.

Điều 11. Trình tự, nội dung làm việc của Hội đồng tư vấn

1. Thư ký hành chính công bố quyết định thành lập Hội đồng tư vấn, giới thiệu thành phần Hội đồng tư vấn và các đại biểu tham dự, biên bản mở hồ sơ.

2. Đại diện đơn vị quản lý chuyên môn nêu những yêu cầu và nội dung chủ yếu về việc tuyển chọn nhiệm vụ.

3. Hội đồng tư vấn trao đổi thống nhất nguyên tắc làm việc và bầu thư ký khoa học của Hội đồng tư vấn.

4. Đại diện Tổ chuyên gia công bố Biên bản ghi nhận kết quả kiểm tra thực tế cơ sở vật chất - kỹ thuật, nhân lực và năng lực tài chính của tổ chức, cá nhân đăng ký chủ trì và tổ chức đăng ký phối hợp thực hiện nhiệm vụ (nếu có).

5. Hội đồng tư vấn tiến hành đánh giá các hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp:
a) Các ủy viên hội đồng trình bày nhận xét đánh giá từng hồ sơ theo quy định tại biểu mẫu; nhận xét về sự phù hợp giữa tổng mức kinh phí và các sản phẩm của nhiệm vụ; đề xuất những nội dung trong thuyết minh cần sửa đổi và bổ sung; so sánh giữa các hồ sơ đăng ký trong cùng nhiệm vụ;

b) Thư ký khoa học đọc Phiếu nhận xét của ủy viên vắng mặt (nếu có);

c) Hội đồng tư vấn thảo luận, đánh giá từng hồ sơ theo các nhóm tiêu chí và thang điểm đánh giá quy định tại Điều 12 Thông tư này;

d) Các ủy viên Hội đồng tư vấn bỏ phiếu đánh giá chấm điểm cho từng hồ sơ theo hình thức bỏ phiếu. Phiếu đánh giá có điểm chênh lệch quá 20% so với điểm trung bình của tất cả thành viên là phiếu không hợp lệ. Phiếu đánh giá chấm điểm tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này (đề tài: Biểu B2-3a-ĐGĐTCN hoặc Biểu B2-3b-ĐGĐTXH/ĐGĐA; dự án: Biểu B2-3c-ĐGDA; đề án: Biểu B2-3b-ĐGĐTXH/ĐGĐA);

đ) Hội đồng tư vấn bầu ban kiểm phiếu gồm 03 ủy viên của Hội đồng tư vấn, trong đó có Trưởng ban kiểm phiếu và 02 ủy viên.

6. Thư ký hành chính của Hội đồng tư vấn giúp ban kiểm phiếu tổng hợp kết quả bỏ phiếu đánh giá của các thành viên Hội đồng tư vấn theo Biểu B2-4-KPĐG tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này và xếp hạng các hồ sơ được đánh giá có tổng số điểm trung bình phiếu hợp lệ từ cao xuống thấp theo Biểu 2-5-THKP tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

7. Ban kiểm phiếu công bố kết quả chấm điểm đánh giá sau khi xem xét, loại bỏ phiếu không hợp lệ. Trường hợp hồ sơ của tổ chức chủ trì là tổ chức đề xuất nhiệm vụ có điểm trung bình đạt từ 70/100 điểm, tổng điểm của hồ sơ được cộng thêm 10% (mười phần trăm) điểm trung bình của hồ sơ đó.

8. Hội đồng tư vấn kiến nghị tổ chức và cá nhân trúng tuyển thực hiện nhiệm vụ khi đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:
a) Có hồ sơ được đánh giá đạt tổng số điểm trung bình cao nhất và phải đạt từ 70/100 điểm trở lên, trong đó không có tiêu chí nào có quá 1/4 số thành viên Hội đồng tư vấn có mặt cho điểm không (0 điểm);

b) Đối với các hồ sơ có tổng số điểm trung bình bằng nhau thì ưu tiên theo thứ tự như sau:

- Ưu tiên hồ sơ có số kinh phí đề xuất từ ngân sách nhà nước ít hơn;

- Ưu tiên chủ nhiệm nhiệm vụ hoặc tổ chức chủ trì đã có nhiệm vụ cấp quốc gia được đánh giá xếp loại xuất sắc trong thời gian 5 năm tính đến thời điểm đăng ký thực hiện nhiệm vụ;

- Đối với các hồ sơ có điểm ưu tiên trên như nhau thì ưu tiên hồ sơ có điểm trung bình về nội dung và phương án triển khai của tổ chức chủ trì và chủ nhiệm nhiệm vụ cao hơn.

9. Hội đồng tư vấn kết luận chung về hồ sơ của tổ chức được kiến nghị trúng tuyển:

a) Nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong thuyết minh nhiệm vụ để đáp ứng yêu cầu đặt hàng;

b) Số lượng chuyên gia trong và ngoài nước cần thiết để tham gia thực hiện;

c) Phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng hoặc khoán chi từng phần.

10. Thư ký khoa học lập và hoàn thiện Biên bản họp Hội đồng tư vấn theo Biểu B2-6-BBHĐ tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

11. Hội đồng tư vấn thông qua Biên bản họp.

12. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày Hội đồng tư vấn thông qua Biên bản họp, tổ chức chủ trì và chủ nhiệm nhiệm vụ trúng tuyển có trách nhiệm hoàn thiện và gửi lại thuyết minh nhiệm vụ theo kết luận của Hội đồng tư vấn, Bản giải trình của tổ chức chủ trì về những nội dung đã chỉnh sửa theo kết luận của Hội đồng tư vấn theo Biểu B2-8-GTHĐ tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này, các tài liệu quy định tại khoản 6 và khoản 11 Điều 5 Thông tư này và các tài liệu liên quan khác.

Điều 12. Nhóm tiêu chí và thang điểm đánh giá hồ sơ tuyển chọn tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ

Hồ sơ tuyển chọn tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ được đánh giá, chấm điểm tối đa 100 điểm theo các nhóm tiêu chí và thang điểm sau:

1. Đề tài nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ:

a) Tổng quan tình hình nghiên cứu (tối đa 12 điểm);

b) Nội dung, nhân lực thực hiện các nội dung, phương pháp nghiên cứu và kỹ thuật sử dụng (tối đa 24 điểm);

c) Sản phẩm khoa học và công nghệ (tối đa 16 điểm);

d) Khả năng ứng dụng hoặc sử dụng kết quả tạo ra vào sản xuất và đời sống (tối đa 16 điểm);

đ) Tính khả thi về kế hoạch và kinh phí thực hiện (tối đa 16 điểm);

e) Năng lực của tổ chức và cá nhân thực hiện (tối đa 16 điểm).

2. Đề tài nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn và đề án khoa học:

a) Tổng quan tình hình nghiên cứu (tối đa 12 điểm);

b) Nội dung và hoạt động hỗ trợ nghiên cứu (tối đa 12 điểm);

c) Cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu (tối đa 12 điểm);

d) Tính khả thi về kế hoạch và kinh phí thực hiện (tối đa 20 điểm);

đ) Sản phẩm khoa học, lợi ích kết quả của đề tài, đề án và phương án chuyển giao sản phẩm, kết quả nghiên cứu (tối đa 24 điểm);

e) Năng lực của tổ chức và cá nhân thực hiện (tối đa 20 điểm).

3. Đề tài nghiên cứu trong các lĩnh vực hoạt động khoa học và công nghệ khác, tùy thuộc vào nội dung nghiên cứu áp dụng nhóm tiêu chí và thang điểm quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này.

4. Dự án:

a) Tổng quan về các vấn đề công nghệ và thị trường của dự án (điểm tối đa 8);

b) Nội dung và phương án triển khai (tối đa 20 điểm);

c) Tính mới và tính khả thi của công nghệ (tối đa 12 điểm);

d) Khả năng phát triển và hiệu quả kinh tế - xã hội dự kiến của dự án (tối đa 12 điểm);

đ) Sản phẩm khoa học và công nghệ (tối đa 16 điểm);

e) Phương án tài chính (tối đa 16 điểm);

g) Năng lực của tổ chức và cá nhân thực hiện (tối đa 16 điểm).

5. Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ có thể điều chỉnh tiêu chí, thang điểm đánh giá tùy theo đặc thù của các loại hình nhiệm vụ.

Điều 13. Nguyên tắc làm việc, nhiệm vụ và trách nhiệm của Tổ thẩm định

1. Nguyên tắc làm việc của Tổ thẩm định

a) Chậm nhất là 10 ngày sau khi nhận được hồ sơ theo quy định tại khoản 12 Điều 11 Thông tư này, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức họp Tổ thẩm định.

b) Phải có mặt ít nhất 4/5 thành viên Tổ thẩm định, trong đó phải có thành viên là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch hoặc chuyên gia phản biện của Hội đồng.

c) Tổ trưởng Tổ thẩm định chủ trì phiên họp. Trong trường hợp Tổ trưởng Tổ thẩm định vắng mặt, Tổ phó Tổ thẩm định chủ trì phiên họp.

d) Có kết luận tập thể về nội dung thẩm định. Các ý kiến của thành viên Tổ thẩm định không nhất trí với kết luận chung của Tổ thẩm định được bảo lưu và ghi rõ trong Biên bản.

2. Nhiệm vụ của Tổ thẩm định

a) Rà soát lại nội dung chỉnh sửa, bổ sung theo ý kiến Hội đồng tư vấn và nội dung chỉnh sửa khác (nếu có).

b) Đánh giá sự phù hợp của dự toán kinh phí so với:

- Các nội dung nghiên cứu theo kết luận của Hội đồng tư vấn và các nội dung chỉnh sửa khác (nếu có);

- Thời gian cần thiết để thực hiện;

- Các định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi hiện hành;

- Thuyết minh chi tiết về các nội dung công việc chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi.

c) Đánh giá khả năng đối ứng vốn ngoài ngân sách nhà nước và phương án huy động của tổ chức chủ trì để thực hiện nhiệm vụ (nếu có); các hồ sơ tài liệu phải bổ sung trước khi ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ (nếu cần thiết).

d) Kiến nghị tổng mức kinh phí thực hiện nhiệm vụ gồm kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và các nguồn khác (nếu có), thời gian thực hiện và phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng hoặc khoán chi từng phần.

3. Trách nhiệm của Tổ thẩm định

a) Thành viên Tổ thẩm định chịu trách nhiệm cá nhân và tập thể về kết luận chung của Tổ thẩm định. Các thành viên Tổ thẩm định, đại biểu (nếu có) và thư ký hành chính có trách nhiệm giữ bí mật về các thông tin liên quan đến quá trình thẩm định kinh phí.

b) Tổ thẩm định báo cáo bằng văn bản với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và đề xuất phương án xử lý những vấn đề vượt quá thẩm quyền giải quyết, phát sinh trong quá trình thẩm định hồ sơ nhiệm vụ để xem xét, quyết định.

Điều 14. Trình tự, nội dung làm việc của Tổ thẩm định

1. Thư ký hành chính công bố quyết định thành lập Tổ thẩm định, giới thiệu thành phần Tổ thẩm định và các đại biểu tham dự, đọc kết luận của Hội đồng tư vấn tại phiên họp đánh giá hồ sơ.

2. Chủ trì phiên họp thẩm định kinh phí nêu nguyên tắc, nhiệm vụ và trách nhiệm của Tổ thẩm định, những yêu cầu và nội dung của việc thẩm định kinh phí đối với nhiệm vụ.

3. Đại diện tổ chức chủ trì trình bày về những nội dung đã bổ sung, chỉnh sửa theo kết luận của Hội đồng tư vấn và những nội dung sửa đổi, bổ sung khác (nếu có); trả lời các câu hỏi của thành viên Tổ thẩm định (nếu có) và không tiếp tục tham dự phiên họp của Tổ thẩm định.

4. Thành viên Tổ thẩm định cho ý kiến nhận xét đối với những nội dung của nhiệm vụ so với kết luận của Hội đồng tư vấn.

5. Các thành viên Tổ thẩm định nêu ý kiến thẩm định theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư này; thảo luận về dự kiến kết luận của Tổ thẩm định.

6. Trước khi Tổ thẩm định có ý kiến kết luận, đại diện tổ chức chủ trì được mời tiếp tục tham dự cuộc họp của Tổ thẩm định để nghe thông báo về dự kiến kết luận của Tổ thẩm định. Đại diện Tổ chức chủ trì có quyền nêu ý kiến giải trình, làm rõ trước khi Tổ thẩm định kết luận chính thức.

7. Thư ký Tổ thẩm định giúp Tổ thẩm định hoàn thiện Biên bản thẩm định theo các biểu mẫu tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này (đề tài/đề án: Biểu B3-1a-BBTĐĐT/ĐA, Biểu B3-2a-PLBBTĐĐT/ĐA; dự án: Biểu B3-1b-BBTĐDA, Biểu B3-2b-PLBBTĐDA).
...
PHỤ LỤC II BIỂU MẪU ÁP DỤNG CHO VIỆC ĐÁNH GIÁ HỒ SƠ TUYỂN CHỌN
...
PHỤ LỤC III BIỂU MẪU ÁP DỤNG CHO VIỆC THẨM ĐỊNH KINH PHÍ

Xem nội dung VB
Điều 29. Tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước
...
5. Người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp thành lập Hội đồng tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng này.

Hội đồng tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ do người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp thành lập, quy định nhiệm vụ và quyền hạn. Hội đồng có nhiệm vụ tư vấn và phải chịu trách nhiệm về việc tư vấn của mình. Thành phần của Hội đồng bao gồm nhà khoa học, nhà quản lý, nhà kinh doanh có uy tín và trình độ phù hợp với nhiệm vụ. Thành viên Hội đồng phải có năng lực, phẩm chất, trình độ chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ khoa học và công nghệ và chịu trách nhiệm về ý kiến tư vấn của mình.
Hội đồng tuyển chọn tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc được hướng dẫn từ Điều 8 đến Điều 11 Thông tư 10/2014/TT-BKHCN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2014 (VB hết hiệu lực: 16/08/2017)
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước.
...
Điều 8. Hội đồng tuyển chọn, giao trực tiếp và tổ thẩm định kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ
...
Điều 9. Chuẩn bị cho các phiên họp của hội đồng
...
Điều 10. Nguyên tắc làm việc và trách nhiệm của hội đồng
...
Điều 11. Trình tự, nội dung làm việc của hội đồng

Xem nội dung VB
Điều 29. Tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước
...
5. Người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp thành lập Hội đồng tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng này.

Hội đồng tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ do người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp thành lập, quy định nhiệm vụ và quyền hạn. Hội đồng có nhiệm vụ tư vấn và phải chịu trách nhiệm về việc tư vấn của mình. Thành phần của Hội đồng bao gồm nhà khoa học, nhà quản lý, nhà kinh doanh có uy tín và trình độ phù hợp với nhiệm vụ. Thành viên Hội đồng phải có năng lực, phẩm chất, trình độ chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ khoa học và công nghệ và chịu trách nhiệm về ý kiến tư vấn của mình.
Nội dung hướng dẫn Khoản này tại Thông tư 10/2014/TT-BKHCN được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Thông tư 23/2014/TT-BKHCN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 11 năm 2014 (VB hết hiệu lực: 16/08/2017)
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 10/2014/TT-BKHCN ngày 30 tháng 5 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước (sau đây gọi tắt là Thông tư số 10/2014/TT-BKHCN).
...
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 10/2014/TT- BKHCN:
...
2. Sửa đổi Khoản 5 Điều 8 như sau:

“5. Tổ thẩm định kinh phí nhiệm vụ khoa học và công nghệ (sau đây gọi là tổ thẩm định) có 03 thành viên, trong đó:

a) Tổ trưởng tổ thẩm định là lãnh đạo đơn vị quản lý nhiệm vụ thuộc Bộ chủ trì nhiệm vụ;

b) Tổ phó tổ thẩm định là đại diện đơn vị quản lý kinh phí của Bộ chủ trì nhiệm vụ;

c) 01 thành viên là chủ tịch hoặc phó chủ tịch hoặc chuyên gia phản biện của hội đồng tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Đại diện đơn vị tổng hợp kế hoạch khoa học và công nghệ của Bộ chủ trì nhiệm vụ không phải là thành viên Tổ thẩm định nhưng được quyền tham dự toàn bộ cuộc họp của Tổ thẩm định. Ngoài ra, theo yêu cầu thực tiễn, Tổ trưởng Tổ thẩm định có thể mời thêm đại diện các tổ chức, đơn vị và cá nhân khác có liên quan tham dự và phát biểu ý kiến tại cuộc họp của Tổ thẩm định.”

Xem nội dung VB
Điều 29. Tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước
...
5. Người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp thành lập Hội đồng tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng này.

Hội đồng tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ do người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp thành lập, quy định nhiệm vụ và quyền hạn. Hội đồng có nhiệm vụ tư vấn và phải chịu trách nhiệm về việc tư vấn của mình. Thành phần của Hội đồng bao gồm nhà khoa học, nhà quản lý, nhà kinh doanh có uy tín và trình độ phù hợp với nhiệm vụ. Thành viên Hội đồng phải có năng lực, phẩm chất, trình độ chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ khoa học và công nghệ và chịu trách nhiệm về ý kiến tư vấn của mình.
Hội đồng tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia được hướng dẫn bởi Điều 8 đến Điều 11 Thông tư 08/2017/TT-BKHCN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16 tháng 8 năm 2017 (VB hết hiệu lực: 27/11/2023)
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước.
...
Điều 8. Hội đồng tuyển chọn, giao trực tiếp và Tổ thẩm định kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia
...
Điều 9. Chuẩn bị cho các phiên họp của Hội đồng và Tổ thẩm định
...
Điều 10. Nguyên tắc làm việc và trách nhiệm của Hội đồng
...
Điều 11. Trình tự, nội dung làm việc của Hội đồng

Xem nội dung VB
Điều 29. Tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước
...
5. Người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp thành lập Hội đồng tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng này.
Hội đồng tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được hướng dẫn bởi Mục 3 Chương II Thông tư 20/2023/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 27/11/2023
Hội đồng tuyển chọn tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc được hướng dẫn từ Điều 8 đến Điều 11 Thông tư 10/2014/TT-BKHCN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2014 (VB hết hiệu lực: 16/08/2017)
Nội dung hướng dẫn Khoản này tại Thông tư 10/2014/TT-BKHCN được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Thông tư 23/2014/TT-BKHCN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 11 năm 2014 (VB hết hiệu lực: 16/08/2017)
Hội đồng tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia được hướng dẫn bởi Điều 8 đến Điều 11 Thông tư 08/2017/TT-BKHCN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16 tháng 8 năm 2017 (VB hết hiệu lực: 27/11/2023)
Lấy thêm ý kiến tư vấn của chuyên gia tư vấn độc lập trước khi quyết định chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được hướng dẫn bởi Chương III Thông tư 20/2023/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 27/11/2023
Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước
...
Chương III CHUYÊN GIA TƯ VẤN ĐỘC LẬP

Điều 18. Chuyên gia tư vấn độc lập

1. Chuyên gia tư vấn độc lập đánh giá hồ sơ nhiệm vụ phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Không phải là thành viên Hội đồng tư vấn; không thuộc tổ chức chủ trì; không phải là người tham gia thực hiện nhiệm vụ; không là vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của chủ nhiệm, thư ký khoa học và thành viên chính tham gia thực hiện nhiệm vụ; không phải là người đã bị xử phạt do vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ mà chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính hoặc đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang chấp hành hình phạt hoặc bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc bị cấm làm công việc nhất định liên quan đến hoạt động khoa học và công nghệ mà chưa được xóa án tích; có căn cứ rõ ràng về việc không vô tư, khách quan khi đưa ra ý kiến tư vấn;

b) Là người có trình độ từ đại học trở lên, có năng lực và tối thiểu 5 năm kinh nghiệm nghiên cứu hoặc làm việc trong lĩnh vực chuyên môn phù hợp với công việc cơ quan quản lý nhiệm vụ yêu cầu thực hiện. Chuyên gia tư vấn độc lập phải thuộc cơ sở dữ liệu chuyên gia khoa học và công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý.

2. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét quyết định việc lựa chọn chuyên gia tư vấn độc lập không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 19. Trách nhiệm của chuyên gia tư vấn độc lập

1. Phân tích, đánh giá và đưa ra các ý kiến phản biện đối với các hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp về nội dung, mục tiêu nghiên cứu, kết quả cần phải đạt được và số nhân lực, thời gian thực hiện các công việc theo từng nội dung của nhiệm vụ và đánh giá năng lực của tổ chức chủ trì và chủ nhiệm nhiệm vụ.

2. Hoàn thành báo cáo tư vấn trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu; giữ bí mật các thông tin đánh giá và gửi trực tiếp báo cáo tư vấn đến Bộ Khoa học và Công nghệ trong phong bì có niêm phong.

3. Trong thời gian được mời tư vấn độc lập, cam kết không tiếp xúc hoặc trao đổi thông tin về nhiệm vụ được mời tư vấn với tổ chức chủ trì, tổ chức phối hợp hoặc các cá nhân tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp nhiệm vụ. Trường hợp vi phạm sẽ bị hủy bỏ kết quả tư vấn và xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 20. Thủ tục lấy ý kiến chuyên gia tư vấn độc lập

1. Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức lấy ý kiến của ít nhất 03 chuyên gia tư vấn độc lập trong trường hợp cần thiết.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ có ý kiến chỉ đạo, đơn vị quản lý chuyên môn có trách nhiệm gửi tới chuyên gia tư vấn độc lập:
a) Công văn của Bộ Khoa học và Công nghệ mời chuyên gia tư vấn độc lập đánh giá hồ sơ đăng ký tuyển chọn, giao trực tiếp;

b) Các tài liệu theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư này.

3. Trên cơ sở ý kiến của chuyên gia tư vấn độc lập, đơn vị quản lý chuyên môn tham mưu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, quyết định.

Xem nội dung VB
Điều 29. Tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước
...
6. Người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sau khi có ý kiến tư vấn của Hội đồng. Trong trường hợp cần thiết, người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp có quyền lấy thêm ý kiến tư vấn của chuyên gia tư vấn độc lập trước khi quyết định.
Chuyên gia tư vấn độc lập được hướng dẫn bởi Chương IV Thông tư 10/2014/TT-BKHCN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2014 (VB hết hiệu lực: 16/08/2017)
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước.
...
Chương IV CHUYÊN GIA TƯ VẤN ĐỘC LẬP

Điều 16. Chuyên gia tư vấn độc lập

1. Chuyên gia tư vấn độc lập đánh giá hồ sơ nhiệm vụ khoa học và công nghệ phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Là chuyên gia thuộc cơ sở dữ liệu chuyên gia khoa học và công nghệ của Bộ Khoa học và Công nghệ;

b) Có thâm niên công tác trong cùng lĩnh vực được mời tư vấn từ mười (10) năm trở lên;

c) Có tư cách đạo đức tốt, có năng lực hành vi dân sự.

2. Bộ trưởng Bộ chủ trì nhiệm vụ quyết định việc lựa chọn chuyên gia tư vấn độc lập là người nước ngoài hoặc chuyên gia không thuộc quy định tại Khoản 1 Điều này.

Điều 17. Thủ tục lấy ý kiến chuyên gia tư vấn độc lập

1. Bộ chủ trì nhiệm vụ tổ chức lấy ý kiến của ít nhất hai (02) chuyên gia độc lập trong những trường hợp sau đây:

a) Hội đồng tuyển chọn, xét giao trực tiếp nhiệm vụ không thống nhất về kết quả tuyển chọn, xét giao trực tiếp;

b) Hội đồng vi phạm các quy định về việc tuyển chọn, xét giao trực tiếp;

c) Có khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động và kết luận của hội đồng.

2. Đơn vị quản lý nhiệm vụ có trách nhiệm chuẩn bị và gửi các tài liệu sau đây tới chuyên gia tư vấn độc lập:

a) Công văn của Bộ trưởng Bộ chủ trì nhiệm vụ mời chuyên gia tư vấn độc lập đánh giá hồ sơ đăng ký tuyển chọn, giao trực tiếp;

b) Các tài liệu theo quy định tại điểm c, d Khoản 1 Điều 9 của Thông tư này;

c) Hai (02) phong bì dán sẵn tem bưu điện và ghi rõ tên, địa chỉ người nhận là Bộ trưởng Bộ chủ trì nhiệm vụ.

Điều 18. Trách nhiệm của chuyên gia tư vấn độc lập

1. Phân tích, đánh giá và đưa ra các ý kiến phản biện đối với các hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp về nội dung, mục tiêu nghiên cứu và kết quả cần phải đạt được của nhiệm vụ khoa học và công nghệ và đánh giá năng lực của tổ chức chủ trì và chủ nhiệm nhiệm vụ.

2. Hoàn thành báo cáo tư vấn, giữ bí mật các thông tin đánh giá và gửi trực tiếp tới Bộ trưởng Bộ chủ trì nhiệm vụ trong phong bì có niêm phong đúng thời hạn quy định.

3. Trong thời hạn được mời tư vấn độc lập không được tiếp xúc hoặc trao đổi thông tin với tổ chức chủ trì hoặc các cá nhân tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Nếu vi phạm sẽ bị hủy bỏ kết quả tư vấn và xử lý theo quy định của pháp luật.

Xem nội dung VB
Điều 29. Tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước
...
6. Người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sau khi có ý kiến tư vấn của Hội đồng. Trong trường hợp cần thiết, người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp có quyền lấy thêm ý kiến tư vấn của chuyên gia tư vấn độc lập trước khi quyết định.
Thủ tục lấy ý kiến chuyên gia tư vấn độc lập được hướng dẫn bởi Điều 19 Thông tư 08/2017/TT-BKHCN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16 tháng 8 năm 2017 (VB hết hiệu lực: 27/11/2023)
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước.
...
Điều 19. Thủ tục lấy ý kiến chuyên gia tư vấn độc lập

1. Bộ, ngành, địa phương tổ chức lấy ý kiến của ít nhất 02 chuyên gia độc lập trong những trường hợp sau đây:

a) Hội đồng không thống nhất về kết quả tuyển chọn, giao trực tiếp;

b) Hội đồng vi phạm các quy định về việc tuyển chọn, giao trực tiếp;

c) Có khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động và kết luận của Hội đồng.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Thủ trưởng bộ, ngành, địa phương có ý kiến chỉ đạo, đơn vị được Thủ trưởng bộ, ngành, địa phương phân công có trách nhiệm chuẩn bị và gửi các tài liệu sau đây tới chuyên gia tư vấn độc lập:

a) Công văn của Thủ trưởng bộ, ngành, địa phương mời chuyên gia tư vấn độc lập đánh giá hồ sơ đăng ký tuyển chọn, giao trực tiếp;

b) Các tài liệu theo quy định tại điểm c, d khoản 1 Điều 9 Thông tư này;

c) 02 phong bì dán sẵn tem bưu điện và ghi rõ tên, địa chỉ người nhận là Thủ trưởng bộ, ngành, địa phương.

Xem nội dung VB
Điều 29. Tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước
...
6. Người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sau khi có ý kiến tư vấn của Hội đồng. Trong trường hợp cần thiết, người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp có quyền lấy thêm ý kiến tư vấn của chuyên gia tư vấn độc lập trước khi quyết định.
Lấy thêm ý kiến tư vấn của chuyên gia tư vấn độc lập trước khi quyết định chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được hướng dẫn bởi Chương III Thông tư 20/2023/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 27/11/2023
Chuyên gia tư vấn độc lập được hướng dẫn bởi Chương IV Thông tư 10/2014/TT-BKHCN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2014 (VB hết hiệu lực: 16/08/2017)
Thủ tục lấy ý kiến chuyên gia tư vấn độc lập được hướng dẫn bởi Điều 19 Thông tư 08/2017/TT-BKHCN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16 tháng 8 năm 2017 (VB hết hiệu lực: 27/11/2023)
Lấy thêm ý kiến tư vấn của chuyên gia tư vấn độc lập trước khi quyết định chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được hướng dẫn bởi Chương III Thông tư 20/2023/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 27/11/2023
Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước
...
Chương III CHUYÊN GIA TƯ VẤN ĐỘC LẬP

Điều 18. Chuyên gia tư vấn độc lập

1. Chuyên gia tư vấn độc lập đánh giá hồ sơ nhiệm vụ phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Không phải là thành viên Hội đồng tư vấn; không thuộc tổ chức chủ trì; không phải là người tham gia thực hiện nhiệm vụ; không là vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của chủ nhiệm, thư ký khoa học và thành viên chính tham gia thực hiện nhiệm vụ; không phải là người đã bị xử phạt do vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ mà chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính hoặc đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang chấp hành hình phạt hoặc bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc bị cấm làm công việc nhất định liên quan đến hoạt động khoa học và công nghệ mà chưa được xóa án tích; có căn cứ rõ ràng về việc không vô tư, khách quan khi đưa ra ý kiến tư vấn;

b) Là người có trình độ từ đại học trở lên, có năng lực và tối thiểu 5 năm kinh nghiệm nghiên cứu hoặc làm việc trong lĩnh vực chuyên môn phù hợp với công việc cơ quan quản lý nhiệm vụ yêu cầu thực hiện. Chuyên gia tư vấn độc lập phải thuộc cơ sở dữ liệu chuyên gia khoa học và công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý.

2. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét quyết định việc lựa chọn chuyên gia tư vấn độc lập không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 19. Trách nhiệm của chuyên gia tư vấn độc lập

1. Phân tích, đánh giá và đưa ra các ý kiến phản biện đối với các hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp về nội dung, mục tiêu nghiên cứu, kết quả cần phải đạt được và số nhân lực, thời gian thực hiện các công việc theo từng nội dung của nhiệm vụ và đánh giá năng lực của tổ chức chủ trì và chủ nhiệm nhiệm vụ.

2. Hoàn thành báo cáo tư vấn trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu; giữ bí mật các thông tin đánh giá và gửi trực tiếp báo cáo tư vấn đến Bộ Khoa học và Công nghệ trong phong bì có niêm phong.

3. Trong thời gian được mời tư vấn độc lập, cam kết không tiếp xúc hoặc trao đổi thông tin về nhiệm vụ được mời tư vấn với tổ chức chủ trì, tổ chức phối hợp hoặc các cá nhân tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp nhiệm vụ. Trường hợp vi phạm sẽ bị hủy bỏ kết quả tư vấn và xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 20. Thủ tục lấy ý kiến chuyên gia tư vấn độc lập

1. Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức lấy ý kiến của ít nhất 03 chuyên gia tư vấn độc lập trong trường hợp cần thiết.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ có ý kiến chỉ đạo, đơn vị quản lý chuyên môn có trách nhiệm gửi tới chuyên gia tư vấn độc lập:
a) Công văn của Bộ Khoa học và Công nghệ mời chuyên gia tư vấn độc lập đánh giá hồ sơ đăng ký tuyển chọn, giao trực tiếp;

b) Các tài liệu theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư này.

3. Trên cơ sở ý kiến của chuyên gia tư vấn độc lập, đơn vị quản lý chuyên môn tham mưu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, quyết định.

Xem nội dung VB
Điều 29. Tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước
...
6. Người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sau khi có ý kiến tư vấn của Hội đồng. Trong trường hợp cần thiết, người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp có quyền lấy thêm ý kiến tư vấn của chuyên gia tư vấn độc lập trước khi quyết định.
Chuyên gia tư vấn độc lập được hướng dẫn bởi Chương IV Thông tư 10/2014/TT-BKHCN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2014 (VB hết hiệu lực: 16/08/2017)
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước.
...
Chương IV CHUYÊN GIA TƯ VẤN ĐỘC LẬP

Điều 16. Chuyên gia tư vấn độc lập

1. Chuyên gia tư vấn độc lập đánh giá hồ sơ nhiệm vụ khoa học và công nghệ phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Là chuyên gia thuộc cơ sở dữ liệu chuyên gia khoa học và công nghệ của Bộ Khoa học và Công nghệ;

b) Có thâm niên công tác trong cùng lĩnh vực được mời tư vấn từ mười (10) năm trở lên;

c) Có tư cách đạo đức tốt, có năng lực hành vi dân sự.

2. Bộ trưởng Bộ chủ trì nhiệm vụ quyết định việc lựa chọn chuyên gia tư vấn độc lập là người nước ngoài hoặc chuyên gia không thuộc quy định tại Khoản 1 Điều này.

Điều 17. Thủ tục lấy ý kiến chuyên gia tư vấn độc lập

1. Bộ chủ trì nhiệm vụ tổ chức lấy ý kiến của ít nhất hai (02) chuyên gia độc lập trong những trường hợp sau đây:

a) Hội đồng tuyển chọn, xét giao trực tiếp nhiệm vụ không thống nhất về kết quả tuyển chọn, xét giao trực tiếp;

b) Hội đồng vi phạm các quy định về việc tuyển chọn, xét giao trực tiếp;

c) Có khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động và kết luận của hội đồng.

2. Đơn vị quản lý nhiệm vụ có trách nhiệm chuẩn bị và gửi các tài liệu sau đây tới chuyên gia tư vấn độc lập:

a) Công văn của Bộ trưởng Bộ chủ trì nhiệm vụ mời chuyên gia tư vấn độc lập đánh giá hồ sơ đăng ký tuyển chọn, giao trực tiếp;

b) Các tài liệu theo quy định tại điểm c, d Khoản 1 Điều 9 của Thông tư này;

c) Hai (02) phong bì dán sẵn tem bưu điện và ghi rõ tên, địa chỉ người nhận là Bộ trưởng Bộ chủ trì nhiệm vụ.

Điều 18. Trách nhiệm của chuyên gia tư vấn độc lập

1. Phân tích, đánh giá và đưa ra các ý kiến phản biện đối với các hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp về nội dung, mục tiêu nghiên cứu và kết quả cần phải đạt được của nhiệm vụ khoa học và công nghệ và đánh giá năng lực của tổ chức chủ trì và chủ nhiệm nhiệm vụ.

2. Hoàn thành báo cáo tư vấn, giữ bí mật các thông tin đánh giá và gửi trực tiếp tới Bộ trưởng Bộ chủ trì nhiệm vụ trong phong bì có niêm phong đúng thời hạn quy định.

3. Trong thời hạn được mời tư vấn độc lập không được tiếp xúc hoặc trao đổi thông tin với tổ chức chủ trì hoặc các cá nhân tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Nếu vi phạm sẽ bị hủy bỏ kết quả tư vấn và xử lý theo quy định của pháp luật.

Xem nội dung VB
Điều 29. Tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước
...
6. Người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sau khi có ý kiến tư vấn của Hội đồng. Trong trường hợp cần thiết, người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp có quyền lấy thêm ý kiến tư vấn của chuyên gia tư vấn độc lập trước khi quyết định.
Thủ tục lấy ý kiến chuyên gia tư vấn độc lập được hướng dẫn bởi Điều 19 Thông tư 08/2017/TT-BKHCN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16 tháng 8 năm 2017 (VB hết hiệu lực: 27/11/2023)
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước.
...
Điều 19. Thủ tục lấy ý kiến chuyên gia tư vấn độc lập

1. Bộ, ngành, địa phương tổ chức lấy ý kiến của ít nhất 02 chuyên gia độc lập trong những trường hợp sau đây:

a) Hội đồng không thống nhất về kết quả tuyển chọn, giao trực tiếp;

b) Hội đồng vi phạm các quy định về việc tuyển chọn, giao trực tiếp;

c) Có khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động và kết luận của Hội đồng.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Thủ trưởng bộ, ngành, địa phương có ý kiến chỉ đạo, đơn vị được Thủ trưởng bộ, ngành, địa phương phân công có trách nhiệm chuẩn bị và gửi các tài liệu sau đây tới chuyên gia tư vấn độc lập:

a) Công văn của Thủ trưởng bộ, ngành, địa phương mời chuyên gia tư vấn độc lập đánh giá hồ sơ đăng ký tuyển chọn, giao trực tiếp;

b) Các tài liệu theo quy định tại điểm c, d khoản 1 Điều 9 Thông tư này;

c) 02 phong bì dán sẵn tem bưu điện và ghi rõ tên, địa chỉ người nhận là Thủ trưởng bộ, ngành, địa phương.

Xem nội dung VB
Điều 29. Tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước
...
6. Người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sau khi có ý kiến tư vấn của Hội đồng. Trong trường hợp cần thiết, người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp có quyền lấy thêm ý kiến tư vấn của chuyên gia tư vấn độc lập trước khi quyết định.
Lấy thêm ý kiến tư vấn của chuyên gia tư vấn độc lập trước khi quyết định chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được hướng dẫn bởi Chương III Thông tư 20/2023/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 27/11/2023
Chuyên gia tư vấn độc lập được hướng dẫn bởi Chương IV Thông tư 10/2014/TT-BKHCN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2014 (VB hết hiệu lực: 16/08/2017)
Thủ tục lấy ý kiến chuyên gia tư vấn độc lập được hướng dẫn bởi Điều 19 Thông tư 08/2017/TT-BKHCN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16 tháng 8 năm 2017 (VB hết hiệu lực: 27/11/2023)
Lấy thêm ý kiến tư vấn của chuyên gia tư vấn độc lập trước khi quyết định chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được hướng dẫn bởi Chương III Thông tư 20/2023/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 27/11/2023
Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước
...
Chương III CHUYÊN GIA TƯ VẤN ĐỘC LẬP

Điều 18. Chuyên gia tư vấn độc lập

1. Chuyên gia tư vấn độc lập đánh giá hồ sơ nhiệm vụ phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Không phải là thành viên Hội đồng tư vấn; không thuộc tổ chức chủ trì; không phải là người tham gia thực hiện nhiệm vụ; không là vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của chủ nhiệm, thư ký khoa học và thành viên chính tham gia thực hiện nhiệm vụ; không phải là người đã bị xử phạt do vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ mà chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính hoặc đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang chấp hành hình phạt hoặc bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc bị cấm làm công việc nhất định liên quan đến hoạt động khoa học và công nghệ mà chưa được xóa án tích; có căn cứ rõ ràng về việc không vô tư, khách quan khi đưa ra ý kiến tư vấn;

b) Là người có trình độ từ đại học trở lên, có năng lực và tối thiểu 5 năm kinh nghiệm nghiên cứu hoặc làm việc trong lĩnh vực chuyên môn phù hợp với công việc cơ quan quản lý nhiệm vụ yêu cầu thực hiện. Chuyên gia tư vấn độc lập phải thuộc cơ sở dữ liệu chuyên gia khoa học và công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý.

2. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét quyết định việc lựa chọn chuyên gia tư vấn độc lập không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 19. Trách nhiệm của chuyên gia tư vấn độc lập

1. Phân tích, đánh giá và đưa ra các ý kiến phản biện đối với các hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp về nội dung, mục tiêu nghiên cứu, kết quả cần phải đạt được và số nhân lực, thời gian thực hiện các công việc theo từng nội dung của nhiệm vụ và đánh giá năng lực của tổ chức chủ trì và chủ nhiệm nhiệm vụ.

2. Hoàn thành báo cáo tư vấn trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu; giữ bí mật các thông tin đánh giá và gửi trực tiếp báo cáo tư vấn đến Bộ Khoa học và Công nghệ trong phong bì có niêm phong.

3. Trong thời gian được mời tư vấn độc lập, cam kết không tiếp xúc hoặc trao đổi thông tin về nhiệm vụ được mời tư vấn với tổ chức chủ trì, tổ chức phối hợp hoặc các cá nhân tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp nhiệm vụ. Trường hợp vi phạm sẽ bị hủy bỏ kết quả tư vấn và xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 20. Thủ tục lấy ý kiến chuyên gia tư vấn độc lập

1. Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức lấy ý kiến của ít nhất 03 chuyên gia tư vấn độc lập trong trường hợp cần thiết.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ có ý kiến chỉ đạo, đơn vị quản lý chuyên môn có trách nhiệm gửi tới chuyên gia tư vấn độc lập:
a) Công văn của Bộ Khoa học và Công nghệ mời chuyên gia tư vấn độc lập đánh giá hồ sơ đăng ký tuyển chọn, giao trực tiếp;

b) Các tài liệu theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư này.

3. Trên cơ sở ý kiến của chuyên gia tư vấn độc lập, đơn vị quản lý chuyên môn tham mưu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, quyết định.

Xem nội dung VB
Điều 29. Tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước
...
6. Người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sau khi có ý kiến tư vấn của Hội đồng. Trong trường hợp cần thiết, người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp có quyền lấy thêm ý kiến tư vấn của chuyên gia tư vấn độc lập trước khi quyết định.
Chuyên gia tư vấn độc lập được hướng dẫn bởi Chương IV Thông tư 10/2014/TT-BKHCN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2014 (VB hết hiệu lực: 16/08/2017)
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước.
...
Chương IV CHUYÊN GIA TƯ VẤN ĐỘC LẬP

Điều 16. Chuyên gia tư vấn độc lập

1. Chuyên gia tư vấn độc lập đánh giá hồ sơ nhiệm vụ khoa học và công nghệ phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Là chuyên gia thuộc cơ sở dữ liệu chuyên gia khoa học và công nghệ của Bộ Khoa học và Công nghệ;

b) Có thâm niên công tác trong cùng lĩnh vực được mời tư vấn từ mười (10) năm trở lên;

c) Có tư cách đạo đức tốt, có năng lực hành vi dân sự.

2. Bộ trưởng Bộ chủ trì nhiệm vụ quyết định việc lựa chọn chuyên gia tư vấn độc lập là người nước ngoài hoặc chuyên gia không thuộc quy định tại Khoản 1 Điều này.

Điều 17. Thủ tục lấy ý kiến chuyên gia tư vấn độc lập

1. Bộ chủ trì nhiệm vụ tổ chức lấy ý kiến của ít nhất hai (02) chuyên gia độc lập trong những trường hợp sau đây:

a) Hội đồng tuyển chọn, xét giao trực tiếp nhiệm vụ không thống nhất về kết quả tuyển chọn, xét giao trực tiếp;

b) Hội đồng vi phạm các quy định về việc tuyển chọn, xét giao trực tiếp;

c) Có khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động và kết luận của hội đồng.

2. Đơn vị quản lý nhiệm vụ có trách nhiệm chuẩn bị và gửi các tài liệu sau đây tới chuyên gia tư vấn độc lập:

a) Công văn của Bộ trưởng Bộ chủ trì nhiệm vụ mời chuyên gia tư vấn độc lập đánh giá hồ sơ đăng ký tuyển chọn, giao trực tiếp;

b) Các tài liệu theo quy định tại điểm c, d Khoản 1 Điều 9 của Thông tư này;

c) Hai (02) phong bì dán sẵn tem bưu điện và ghi rõ tên, địa chỉ người nhận là Bộ trưởng Bộ chủ trì nhiệm vụ.

Điều 18. Trách nhiệm của chuyên gia tư vấn độc lập

1. Phân tích, đánh giá và đưa ra các ý kiến phản biện đối với các hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp về nội dung, mục tiêu nghiên cứu và kết quả cần phải đạt được của nhiệm vụ khoa học và công nghệ và đánh giá năng lực của tổ chức chủ trì và chủ nhiệm nhiệm vụ.

2. Hoàn thành báo cáo tư vấn, giữ bí mật các thông tin đánh giá và gửi trực tiếp tới Bộ trưởng Bộ chủ trì nhiệm vụ trong phong bì có niêm phong đúng thời hạn quy định.

3. Trong thời hạn được mời tư vấn độc lập không được tiếp xúc hoặc trao đổi thông tin với tổ chức chủ trì hoặc các cá nhân tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Nếu vi phạm sẽ bị hủy bỏ kết quả tư vấn và xử lý theo quy định của pháp luật.

Xem nội dung VB
Điều 29. Tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước
...
6. Người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sau khi có ý kiến tư vấn của Hội đồng. Trong trường hợp cần thiết, người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp có quyền lấy thêm ý kiến tư vấn của chuyên gia tư vấn độc lập trước khi quyết định.
Thủ tục lấy ý kiến chuyên gia tư vấn độc lập được hướng dẫn bởi Điều 19 Thông tư 08/2017/TT-BKHCN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16 tháng 8 năm 2017 (VB hết hiệu lực: 27/11/2023)
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước.
...
Điều 19. Thủ tục lấy ý kiến chuyên gia tư vấn độc lập

1. Bộ, ngành, địa phương tổ chức lấy ý kiến của ít nhất 02 chuyên gia độc lập trong những trường hợp sau đây:

a) Hội đồng không thống nhất về kết quả tuyển chọn, giao trực tiếp;

b) Hội đồng vi phạm các quy định về việc tuyển chọn, giao trực tiếp;

c) Có khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động và kết luận của Hội đồng.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Thủ trưởng bộ, ngành, địa phương có ý kiến chỉ đạo, đơn vị được Thủ trưởng bộ, ngành, địa phương phân công có trách nhiệm chuẩn bị và gửi các tài liệu sau đây tới chuyên gia tư vấn độc lập:

a) Công văn của Thủ trưởng bộ, ngành, địa phương mời chuyên gia tư vấn độc lập đánh giá hồ sơ đăng ký tuyển chọn, giao trực tiếp;

b) Các tài liệu theo quy định tại điểm c, d khoản 1 Điều 9 Thông tư này;

c) 02 phong bì dán sẵn tem bưu điện và ghi rõ tên, địa chỉ người nhận là Thủ trưởng bộ, ngành, địa phương.

Xem nội dung VB
Điều 29. Tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước
...
6. Người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sau khi có ý kiến tư vấn của Hội đồng. Trong trường hợp cần thiết, người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp có quyền lấy thêm ý kiến tư vấn của chuyên gia tư vấn độc lập trước khi quyết định.
Lấy thêm ý kiến tư vấn của chuyên gia tư vấn độc lập trước khi quyết định chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được hướng dẫn bởi Chương III Thông tư 20/2023/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 27/11/2023
Chuyên gia tư vấn độc lập được hướng dẫn bởi Chương IV Thông tư 10/2014/TT-BKHCN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2014 (VB hết hiệu lực: 16/08/2017)
Thủ tục lấy ý kiến chuyên gia tư vấn độc lập được hướng dẫn bởi Điều 19 Thông tư 08/2017/TT-BKHCN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16 tháng 8 năm 2017 (VB hết hiệu lực: 27/11/2023)
Khoản này được hướng dẫn bởi Thông tư 03/2015/TT-BKHCN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23 tháng 4 năm 2015
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư ban hành Điều lệ mẫu về tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
...
Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Điều lệ mẫu về tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Quỹ).
...
Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23 tháng 4 năm 2015.
...
Điều 3. Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng các cơ quan trực thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm ban hành các văn bản hướng dẫn hoạt động nghiệp vụ của Quỹ.
...
Điều 4. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Khoa học và Công nghệ để giải đáp hoặc xem xét sửa đổi, bổ sung./.
...
ĐIỀU LỆ MẪU VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CỦA BỘ, CƠ QUAN NGANG BỘ, CƠ QUAN THUỘC CHÍNH PHỦ, TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
...
Chương I - NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Địa vị pháp lý
...
Điều 2. Tính chất và mục đích hoạt động
...
Điều 3. Nguồn vốn hoạt động của Quỹ
...
Điều 4. Nguyên tắc tổ chức hoạt động của Quỹ
...
Điều 5. Đối tượng được Quỹ cấp kinh phí, tài trợ, cho vay, hỗ trợ và bảo lãnh vốn vay
...
Điều 6. Điều kiện đăng ký tài trợ, vay vốn, hỗ trợ và bảo lãnh vốn vay
...
Chương II - NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, BỘ MÁY TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ

Điều 7. Nhiệm vụ và quyền hạn của Quỹ
...
Điều 8. Hội đồng quản lý Quỹ
...
Điều 9. Ban Kiểm soát Quỹ
...
Điều 10. Cơ quan điều hành Quỹ
...
Điều 11. Hội đồng khoa học và công nghệ
...
Điều 12. Hoạt động cấp kinh phí của Quỹ
...
Điều 13. Hoạt động tài trợ của Quỹ
...
Điều 14. Hoạt động cho vay và bảo lãnh vay vốn của Quỹ
...
Điều 15. Hoạt động hỗ trợ của Quỹ
...
Điều 16. Chế độ tài chính, kế toán của Quỹ
...
Điều 17. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân
...
Chương III - SỬA ĐỔI, BỔ SUNG, THAY THẾ VÀ HIỆU LỰC CỦA ĐIỀU LỆ QUỸ

Điều 18. Sửa đổi, bổ sung, thay thế Điều lệ
...
Điều 19. Hiệu lực của Điều lệ

Xem nội dung VB
Điều 61. Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
...
4. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định Điều lệ mẫu tổ chức và hoạt động của quỹ phát triển khoa học và công nghệ của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Khoản này được hướng dẫn bởi Thông tư 03/2015/TT-BKHCN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23 tháng 4 năm 2015
Khoản này được hướng dẫn bởi Thông tư 05/2014/TT-BKHCN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26 tháng 5 năm 2014
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành "Mẫu hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ”.
...
Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Mẫu hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (sau đây gọi tắt là Hợp đồng) và Biên bản thanh lý Hợp đồng.
...
Điều 2. Thông tư này áp dụng đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh.
...
Điều 3. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26 tháng 5 năm 2014.
...
Điều 4. Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ và Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này.
...
MẪU HỢP ĐỒNG - HỢP ĐỒNG THỰC HIỆN
...
MẪU BIÊN BẢN THANH LÝ HỢP ĐỒNG - BIÊN BẢN THANH LÝ HỢP ĐỒNG THỰC HIỆN

Xem nội dung VB
Điều 33. Phân loại hợp đồng khoa học và công nghệ
...
3. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định mẫu hợp đồng quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.
Khoản này được hướng dẫn bởi Thông tư 05/2014/TT-BKHCN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26 tháng 5 năm 2014
Việc đánh giá và thẩm định kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước được hướng dẫn bởi Thông tư 02/2015/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 20 tháng 4 năm 2015
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định việc đánh giá và thẩm định kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước.
...
Chương I - QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Giải thích từ ngữ
...
Điều 4. Nguyên tắc đánh giá, thẩm định kết quả thực hiện nhiệm vụ
...
Điều 5. Kinh phí đánh giá, thẩm định kết quả thực hiện nhiệm vụ
...
Chương II - ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ KHÔNG SỬ DỤNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Điều 6. Nội dung đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ
...
Điều 7. Cơ quan quản lý nhà nước thực hiện đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ
...
Điều 8. Hồ sơ đề nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ
...
Điều 9. Tiếp nhận và xử lý hồ sơ
...
Điều 10. Hội đồng và tổ chuyên gia tư vấn đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ
...
Điều 11. Phương thức, nội dung và kết quả làm việc của Hội đồng đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ
...
Điều 12. Giấy xác nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ
...
Điều 13. Đặc cách cấp Giấy xác nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ
...
Chương III - THẨM ĐỊNH KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ KHÔNG SỬ DỤNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Điều 14. Kết quả thực hiện nhiệm vụ có tiềm ẩn yếu tố ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh
...
Điều 15. Kết quả thực hiện nhiệm vụ có tiềm ẩn yếu tố ảnh hưởng đến môi trường
...
Điều 16. Kết quả thực hiện nhiệm vụ có tiềm ẩn yếu tố ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe con người
...
Điều 17. Nội dung thẩm định kết quả thực hiện nhiệm vụ
...
Điều 18. Cơ quan quản lý nhà nước thực hiện thẩm định kết quả thực hiện nhiệm vụ
...
Điều 19. Hồ sơ đề nghị thẩm định kết quả thực hiện nhiệm vụ
...
Điều 20. Tiếp nhận và xử lý hồ sơ
...
Điều 21. Hội đồng thẩm định và tổ chuyên gia tư vấn thẩm định kết quả thực hiện nhiệm vụ
...
Điều 22. Phương thức, nội dung và kết quả làm việc của Hội đồng thẩm định
...
Điều 23. Giấy xác nhận thẩm định kết quả thực hiện nhiệm vụ
...
Điều 24. Cấp Giấy xác nhận đánh giá và thẩm định
...
Chương IV - TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 25. Vận dụng Thông tư
...
Điều 26. Trách nhiệm thực hiện
...
Điều 27. Hiệu lực thi hành
...
(File đính kèm)

Xem nội dung VB
Điều 37. Đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ
...
5. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định tiêu chí, thủ tục đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Khoản này được hướng dẫn bởi Mục 5 Chương II và Điều 41 Chương III Thông tư 09/2024/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 10/02/2025
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, cấp cơ sở sử dụng ngân sách nhà nước.
...
Chương II QUẢN LÝ NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP TỈNH SỬ DỤNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
...
Mục 5. ĐÁNH GIÁ, NGHIỆM THU KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP TỈNH

Điều 23. Hồ sơ đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh

Hồ sơ đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh gồm:

1. Công văn đề nghị đánh giá, nghiệm thu của tổ chức chủ trì thực hiện theo Mẫu VI.01- CV.ĐNNT tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này;

2. Báo cáo tổng hợp và báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ theo Mẫu VI.02-BC.THNV, VI.03-BC.TTNV tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ theo Mẫu VI.05-BCKQ tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này; Báo cáo về sản phẩm kết quả thực hiện nhiệm vụ theo Mẫu VI.04-BC.SP/KQ tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này; Báo cáo tình hình sử dụng kinh phí của nhiệm vụ;

3. Các văn bản xác nhận và tài liệu liên quan đến việc công bố, xuất bản, đào tạo, tiếp nhận và sử dụng kết quả nghiên cứu; các số liệu điều tra, khảo sát, phân tích (nếu có);

4. Phương án phát triển, thương mại hóa kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo quy định tại Mẫu số 02/PA Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 63/2018/TT-BTC ngày 30 tháng 7 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 70/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước (nếu có);

5. Các văn bản về thay đổi nội dung nhiệm vụ và các tài liệu có liên quan khác (nếu có).

Hồ sơ sử dụng phông chữ tiếng Việt (Times New Roman, bộ mã ký tự Unicode theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6909:2001 ), màu đen; bản điện tử của hồ sơ dạng PDF, không đặt mật khẩu.

Điều 24. Nộp hồ sơ đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh

1. Thời hạn nộp hồ sơ: trong thời hạn 30 ngày kể từ khi kết thúc thời gian thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh theo hợp đồng, tính cả thời gian được gia hạn thực hiện nhiệm vụ (nếu có).

2. Hồ sơ được nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu chính hoặc nộp trực tuyến về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan, đơn vị được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp/ủy quyền.

a) Trường hợp nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu chính: hồ sơ gồm 01 bộ được đóng gói, niêm phong và bên ngoài ghi rõ: tên nhiệm vụ; tên, địa chỉ của tổ chức chủ trì nhiệm vụ; danh mục tài liệu có trong hồ sơ.

b) Trường hợp nộp trực tuyến: 01 bộ hồ sơ điện tử được chứng thực điện tử theo quy định.

3. Kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ:

a) Hồ sơ hợp lệ phải đầy đủ thành phần theo quy định tại Điều 23 Thông tư này;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan, đơn vị được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp/ủy quyền có trách nhiệm kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ đánh giá, nghiệm thu; xác nhận tình trạng hồ sơ theo theo Mẫu VI.06-PKT.HSĐG tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này;

Đối với các hồ sơ không đầy đủ, không hợp lệ, trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan, đơn vị được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp/ủy quyền thông báo bằng văn bản đề tổ chức chủ trì, chủ nhiệm nhiệm vụ bổ sung, hoàn thiện;

Trong thời gian 15 ngày kể khi nhận được thông báo của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan, đơn vị được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp/ủy quyền, tổ chức chủ trì phải bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

4. Trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan, đơn vị được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp/ủy quyền phải thành lập Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh.

Điều 25. Hội đồng khoa học và công nghệ chuyên ngành đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh

1. Hội đồng khoa học và công nghệ chuyên ngành đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh (sau đây viết tắt là Hội đồng nghiệm thu) và Tổ chuyên gia do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc người được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp/ủy quyền quyết định thành lập, quy định số lượng thành viên và chức năng, nhiệm vụ.

a) Hội đồng nghiệm thu gồm: Chủ tịch, Phó chủ tịch, 02 thành viên là ủy viên phản biện, ủy viên thư ký khoa học và các ủy viên khác;

Thành phần Hội đồng nghiệm thu bao gồm nhà khoa học, đại diện cơ quan, tổ chức đề xuất đặt hàng, cơ quan, tổ chức đặt hàng, nhà quản lý, nhà kinh doanh có năng lực và chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ; đại diện đơn vị dự kiến thụ hưởng kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ (nếu có).

b) Ưu tiên mời thành viên đã tham gia Hội đồng tuyển chọn tham gia Hội đồng nghiệm thu;

c) Hội đồng nghiệm thu có thư ký hành chính để giúp việc;

d) Những trường hợp không được tham gia Hội đồng nghiệm thu thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 13 của Thông tư này.

2. Tổ chuyên gia được thành lập trong trường hợp nhiệm vụ có sản phẩm đo kiểm được.

a) Tổ chuyên gia có ít nhất 03 thành viên, là các thành viên thuộc Hội đồng nghiệm thu, trong đó có 01 tổ trưởng;

b) Tổ chuyên gia có trách nhiệm thẩm định, đánh giá, nghiệm thu các mô hình, sản phẩm đo kiểm được, xử lý các vấn đề kỹ thuật hỗ trợ cho hoạt động của Hội đồng nghiệm thu;

c) Báo cáo thẩm định sản phẩm của Tổ chuyên gia phải được gửi đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan, đơn vị được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp/ủy quyền trước phiên họp Hội đồng nghiệm thu ít nhất 01 ngày làm việc để phục vụ cho phiên họp của Hội đồng nghiệm thu.

3. Nguyên tắc, phương thức làm việc của Hội đồng nghiệm thu thực hiện theo quy định tại khoản 4 và điểm a khoản 5 Điều 7 Thông tư này.

Điều 26. Yêu cầu đánh giá của Hội đồng nghiệm thu

1. Việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ được thực hiện thông qua phiếu đánh giá.

2. Các thành viên Hội đồng nghiệm thu đánh giá một cách độc lập và chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá của mình.

3. Phiếu đánh giá hợp lệ là phiếu đánh giá đúng quy định cho từng nội dung đánh giá; Phiếu không hợp lệ là phiếu do ủy viên bỏ trống hoặc đánh giá không theo quy định.

4. Kết quả xếp loại chung của nhiệm vụ dựa trên kết quả đánh giá của từng thành viên Hội đồng theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Thông tư này.

Điều 27. Nội dung đánh giá, thang điểm đánh giá, xếp loại nhiệm vụ

1. Nội dung đánh giá:

a) Đánh giá về báo cáo tổng hợp: Đánh giá tính đầy đủ, rõ ràng, xác thực và lô-gíc của báo cáo tổng hợp (phương pháp nghiên cứu, kỹ thuật sử dụng ...) và tài liệu cần thiết kèm theo (các tài liệu thiết kế, tài liệu công nghệ, sản phẩm trung gian, tài liệu được trích dẫn...);

b) Đánh giá về sản phẩm của nhiệm vụ so với đặt hàng, bao gồm: Số lượng, khối lượng sản phẩm; chất lượng sản phẩm; chủng loại sản phẩm; tính năng, thông số kỹ thuật của sản phẩm.

2. Yêu cầu cần đạt đối với báo cáo tổng hợp:

a) Tổng quan được các kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ đã có liên quan đến nhiệm vụ;

b) Số liệu, tư liệu có tính đại diện, độ tin cậy, xác thực, cập nhật;

c) Nội dung báo cáo là toàn bộ kết quả đã thực hiện của nhiệm vụ được trình bày theo kết cấu hệ thống và lô-gíc khoa học, với các luận cứ khoa học có cơ sở lý luận và thực tiễn cụ thể giải đáp những vấn đề khoa học và công nghệ đặt ra, phản ánh trung thực kết quả nhiệm vụ phù hợp với thông lệ chung trong hoạt động khoa học và công nghệ;

d) Kết cấu nội dung, văn phong khoa học, phù hợp.

3. Yêu cầu đối với sản phẩm:

Ngoài các yêu cầu ghi trong hợp đồng, thuyết minh nhiệm vụ, sản phẩm của nhiệm vụ cấp tỉnh cần phải đáp ứng được các yêu cầu sau:

a) Đối với sản phẩm là: mẫu, vật liệu, thiết bị, máy móc, dây chuyền công nghệ, giống cây trồng, giống vật nuôi và các sản phẩm có thể đo kiểm cần được kiểm định/khảo nghiệm/kiểm nghiệm tại cơ quan chuyên môn có chức năng phù hợp, độc lập với tổ chức chủ trì nhiệm vụ;

b) Đối với sản phẩm là: nguyên lý ứng dụng, phương pháp, tiêu chuẩn, quy phạm, phần mềm máy tính, bản vẽ thiết kế, quy trình công nghệ, sơ đồ, bản đồ, số liệu, cơ sở dữ liệu, báo cáo phân tích, tài liệu dự báo (phương pháp, quy trình, mô hình,...), đề án, quy hoạch, luận chứng kinh tế - kỹ thuật, báo cáo nghiên cứu khả thi và các sản phẩm tương tự khác cần được thẩm định bởi hội đồng khoa học và công nghệ chuyên ngành hoặc tổ chuyên gia do tổ chức chủ trì nhiệm vụ thành lập;

c) Đối với sản phẩm là: kết quả tham gia đào tạo sau đại học, giải pháp hữu ích, sáng chế, công bố, xuất bản và các sản phẩm tương tự khác cần có văn bản xác nhận của cơ quan chức năng phù hợp.

4. Thang điểm đánh giá (tối đa 100 điểm)

a) Đánh giá về báo cáo tổng hợp, báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ (điểm tối đa 20);

b) Đánh giá mức độ đạt được về số lượng và chất lượng của sản phẩm dạng I (bài báo, sách chuyên khảo và các sản phẩm khác), dạng IV (đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng, nếu có) so với hợp đồng (điểm tối đa 05 điểm);

c) Đánh giá mức độ đầy đủ về số lượng, khối lượng các sản phẩm dạng II, III đạt được so với hợp đồng (điểm tối đa 25);

d) Đánh giá về mức chất lượng của các sản phẩm dạng II, III đạt được so với Hợp đồng (điểm tối đa 30);

đ) Đánh giá về kết quả tham gia đào tạo sau đại học và/hoặc bồi dưỡng nguồn nhân lực (điểm tối đa 05);

e) Đánh giá về tổ chức thực hiện theo tiến độ (điểm tối đa 05);

g) Đánh giá về sản phẩm vượt trội (điểm tối đa 10).

Điều 28. Nguyên tắc chấm điểm và xếp loại đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh

1. Nguyên tắc chấm điểm

a) Việc chấm điểm đánh giá kết quả nhiệm vụ được thực hiện theo quy định tại Điều 27 Thông tư này;

b) Điểm của nhiệm vụ là điểm trung bình của tổng số điểm ghi trong các phiếu đánh giá hợp lệ.

2. Xếp loại kết quả nhiệm vụ

Căn cứ vào kết quả chấm điểm nhiệm vụ, Hội đồng nghiệm thu xếp loại nhiệm vụ theo 03 mức: “Xuất sắc”, “Đạt” hoặc “Không đạt”, cụ thể như sau:

a) Mức “Xuất sắc” khi điểm của nhiệm vụ đạt từ 90 điểm trở lên và đáp ứng đồng thời các yêu cầu sau:

- Hoàn thành theo hợp đồng;

- Không gia hạn thời gian thực hiện;

- Có sản phẩm vượt trội.

b) Mức “Đạt” khi điểm của nhiệm vụ đạt từ 70 điểm trở lên;

c) Mức “Không đạt” khi điểm của nhiệm vụ dưới 70 điểm hoặc nộp hồ sơ chậm quá 03 tháng kể từ thời điểm kết thúc thời gian thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh được quy định trong hợp đồng đã ký, tính cả thời gian được gia hạn thực hiện nhiệm vụ (nếu có).

Điều 29. Phiên họp Hội đồng nghiệm thu

1. Tài liệu họp Hội đồng nghiệm thu gồm:

a) Quyết định thành lập Hội đồng nghiệm thu;

b) Bản sao các tài liệu theo quy định tại Điều 23 Thông tư này;

Tài liệu phục vụ phiên họp phải được gửi đến thành viên Hội đồng nghiệm thu trước phiên họp ít nhất 05 ngày làm việc, kèm theo phiếu nhận xét kết quả thực hiện nhiệm vụ theo mẫu tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này (Mẫu V1.07-PNX.ĐTXH/ĐA hoặc Mẫu VI.08-PNX.ĐTNC/DA).

2. Chương trình làm việc của Hội đồng nghiệm thu:

a) Công bố quyết định thành lập Hội đồng nghiệm thu, giới thiệu đại biểu tham dự; nêu những nội dung, yêu cầu chủ yếu đối với việc đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh quy định tại Thông tư này;

b) Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó Chủ tịch được ủy quyền trong trường hợp Chủ tịch vắng mặt điều hành phiên họp và thống nhất nguyên tắc, chương trình làm việc; cử ủy viên thư ký khoa học ghi chép các ý kiến tại phiên họp và lập biên bản phiên họp.

Hội đồng nghiệm thu bầu ban kiểm phiếu gồm 03 thành viên thuộc hội đồng, trong đó có 01 trưởng ban;

c) Chủ nhiệm nhiệm vụ báo cáo tóm tắt quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ, kết quả, sản phẩm khoa học và công nghệ và báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ;

d) Các thành viên Hội đồng nghiệm thu nêu câu hỏi đối với chủ nhiệm nhiệm vụ. Chủ nhiệm, các cá nhân có liên quan trả lời các câu hỏi của Hội đồng nghiệm thu (nếu có) và không tiếp tục tham dự phiên họp;

đ) Đại diện Tổ chuyên gia báo cáo kết quả thẩm định sản phẩm (nếu có);

e) Các ủy viên phản biện trình bày nhận xét đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ; thư ký khoa học đọc phiếu nhận xét của thành viên vắng mặt (nếu có); các thành viên Hội đồng nghiệm thu nêu ý kiến nhận xét và thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ;

g) Các thành viên Hội đồng nghiệm thu đánh giá, xếp loại kết quả thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Điều 26 và Điều 27 và theo Mẫu phiếu đánh giá VI.09-PĐG.KQ tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này;

h) Ban kiểm phiếu tổng hợp và lập biên bản kiểm phiếu đánh giá kết quả nhiệm vụ theo Mẫu VI.10-BB.KPĐG tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này;

i) Hội đồng nghiệm thu thảo luận, thống nhất để kiến nghị những điểm cần sửa đổi, bổ sung trong báo cáo tổng hợp và các sản phẩm của nhiệm vụ và kết luận;

k) Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu công bố kết quả đánh giá của Hội đồng. Trường hợp hội đồng đánh giá xếp loại “Không đạt” cần xác định rõ những nội dung, sản phẩm đã thực hiện theo hợp đồng để làm căn cứ cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan, đơn vị được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp/ủy quyền xem xét xử lý theo quy định;

h) Thư ký khoa học ghi chép các ý kiến thảo luận tại phiên họp, lập biên bản họp theo Mẫu VI.11-BB.HĐNT tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này và thông qua tại cuộc họp.

Điều 30. Xử lý kết quả đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh

1. Trường hợp kết quả nhiệm vụ được đánh giá xếp loại ở mức “Đạt” trở lên: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày họp Hội đồng nghiệm thu, tổ chức chủ trì và chủ nhiệm nhiệm vụ lập báo cáo về việc hoàn thiện hồ sơ đánh giá, nghiệm thu theo Mẫu VI.12-BC.HĐĐG/NT tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này, hoàn thiện báo cáo tổng hợp, báo cáo tóm tắt, các sản phẩm, các tài liệu liên quan theo kết luận của Hội đồng nghiệm thu và nộp về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan, đơn vị được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp/ủy quyền;

2. Đối với nhiệm vụ xếp loại ở mức “Không đạt”: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan, đơn vị được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp/ủy quyền chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành xử lý theo quy định tại Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC đối với nhiệm vụ không hoàn thành.

3. Trong trường hợp cần thiết, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan, đơn vị được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp/ủy quyền tổ chức lấy ý kiến tổ chức hoặc chuyên gia tư vấn độc lập về kết quả đánh giá, nghiệm thu.

Điều 31. Đăng ký, lưu giữ, cập nhật thông tin nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh

Việc đăng ký, lưu giữ và cập nhật kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh thực hiện theo quy định tại Thông tư số 14/2014/TT-BKHCN ngày 11 tháng 6 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định thu thập, đăng ký, lưu giữ và công bố thông tin về nhiệm vụ khoa học và công nghệ được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 11/2023/TT-BKHCN ngày 26 tháng 6 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Điều 32. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh sử dụng ngân sách nhà nước thuộc danh mục bí mật nhà nước

1. Quy trình, thủ tục, biểu mẫu, hồ sơ trong việc thực hiện xác định nhiệm vụ; tuyển chọn, tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ; kiểm tra, đánh giá trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; chấm dứt hợp đồng thực hiện nhiệm vụ; đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh thuộc danh mục bí mật nhà nước thực hiện theo quy định tại Thông tư này và phải bảo đảm tuân thủ đúng quy định về bảo vệ bí mật nhà nước.

2. Hội đồng xác định nhiệm vụ, Hội đồng tuyển chọn, Hội đồng nghiệm thu, Tổ thẩm định kinh phí và Tổ chuyên gia (nếu có) của nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh liên quan đến bí mật nhà nước phải được tổ chức họp trực tiếp.

3. Việc gửi, giao, nhận, xử lý và lưu trữ các hồ sơ tại khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
...
Chương III QUẢN LÝ NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP CƠ SỞ SỬ DỤNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
...
Điều 41. Đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở

1. Hồ sơ đánh giá, nghiệm thu:

a) Hồ sơ đề nghị đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở phải gửi đến cơ quan, đơn vị cấp cơ sở trong hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc thời gian thực hiện nhiệm vụ theo hợp đồng, bao gồm cả thời gian gia hạn thực hiện nhiệm vụ (nếu có);

b) Hồ sơ đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở gồm: Văn bản đề nghị đánh giá nghiệm thu; Báo cáo tổng hợp kết quả; các sản phẩm theo yêu cầu của hợp đồng; các tài liệu liên quan khác.

2. Hội đồng khoa học và công nghệ chuyên ngành đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở (sau đây viết tắt là Hội đồng nghiệm thu):

a) Thủ trưởng cơ quan, đơn vị cấp cơ sở quyết định thành lập Hội đồng nghiệm thu;

Trường hợp nhiệm vụ có sản phẩm đo kiểm được, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị cấp cơ sở quyết định thành lập Tổ chuyên gia để đánh giá, nghiệm thu các sản phẩm đo kiểm của nhiệm vụ;

b) Thành phần Hội đồng nghiệm thu theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Thông tư này. Số lượng thành viên, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng nghiệm thu do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị cấp cơ sở quyết định;

c) Nguyên tắc, phương thức làm việc của Hội đồng nghiệm thu thực hiện theo quy định tại khoản 4 và điểm a khoản 5 Điều 7 Thông tư này.

3. Nội dung đánh giá và yêu cầu đối với sản phẩm của nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở

a) Nội dung đánh giá gồm:

Đánh giá về báo cáo tổng hợp: Đánh giá tính đầy đủ, rõ ràng, xác thực và lô-gíc của báo cáo tổng hợp;

Đánh giá về sản phẩm của nhiệm vụ so với đặt hàng, bao gồm: Số lượng, khối lượng sản phẩm; chất lượng sản phẩm; chủng loại sản phẩm; tính năng, thông số kỹ thuật của sản phẩm;

b) Yêu cầu cần đạt đối với báo cáo tổng hợp: Tổng quan được các kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ đã có liên quan đến nhiệm vụ; số liệu, tư liệu có tính đại diện, độ tin cậy, xác thực, cập nhật. Nội dung báo cáo là toàn bộ kết quả thực hiện của nhiệm vụ được trình bày theo kết cấu hệ thống, lô-gíc, khoa học, giải đáp những vấn đề khoa học và công nghệ đặt ra, phản ánh trung thực kết quả nhiệm vụ. Kết cấu nội dung, văn phong khoa học phù hợp;

c) Yêu cầu đối với sản phẩm của nhiệm vụ: Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu ghi trong hợp đồng, thuyết minh nhiệm vụ. Sản phẩm có thể đo kiểm cần được kiểm định/khảo nghiệm/kiểm nghiệm tại cơ quan chuyên môn có chức năng phù hợp, độc lập với tổ chức chủ trì nhiệm vụ.

4. Các quy định về hồ sơ đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở thực hiện theo quy định tại Điều 23 Thông tư này.

5. Phiên họp Hội đồng nghiệm thu; mẫu phiếu nhận xét, đánh giá, nghiệm thu; yêu cầu đánh giá của Hội đồng nghiệm thu; nội dung đánh giá và thang điểm đánh giá; nguyên tắc chấm điểm và xếp loại nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở thực hiện theo quy định tại các Điều 26, 27, 28 và Điều 29 Thông tư này.

6. Xử lý kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở

a) Đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ được đánh giá “Đạt” trở lên: trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày họp Hội đồng nghiệm thu, chủ nhiệm nhiệm vụ và tổ chức chủ trì có trách nhiệm bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ nhiệm vụ theo kết luận của Hội đồng, lấy ý kiến của Chủ tịch Hội đồng về việc hoàn thiện hồ sơ và gửi về cơ quan, đơn vị cấp cơ sở;

b) Đối với nhiệm vụ xếp loại ở mức “Không đạt”: cơ quan, đơn vị cấp cơ sở chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành xử lý theo quy định về xử lý đối với nhiệm vụ không hoàn thành tại Điều 16 và Điều 17 Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC.

7. Việc đăng ký, lưu giữ, cập nhật thông tin nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở thực hiện theo quy định tại Điều 31 Thông tư này.
...
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

Xem nội dung VB
Điều 37. Đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ
...
5. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định tiêu chí, thủ tục đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Việc đánh giá và thẩm định kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước được hướng dẫn bởi Thông tư 02/2015/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 20 tháng 4 năm 2015
Khoản này được hướng dẫn bởi Mục 5 Chương II và Điều 41 Chương III Thông tư 09/2024/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 10/02/2025
Điều này được hướng dẫn bởi Chương 3 Nghị định 40/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2014
Căn cứ Luật Khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ.
...
Chương 3. ĐÀO TẠO NHÂN LỰC, BỒI DƯỠNG NHÂN TÀI KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Điều 11. Quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ

1. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và định hướng phát triển khoa học và công nghệ của đơn vị, các tổ chức khoa học và công nghệ xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ 05 năm và hàng năm, gửi cơ quan chủ quản để tổng hợp.

2. Căn cứ quy hoạch phát triển nhân lực của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và trên cơ sở tổng hợp kế hoạch phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ của các tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ thuộc phạm vi quản lý, gửi Bộ Khoa học và Công nghệ.

3. Căn cứ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực quốc gia, chiến lược phát triển khoa học và công nghệ và trên cơ sở tổng hợp kế hoạch phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng, ban hành quy hoạch phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ quốc gia.

4. Trong kế hoạch phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và quy hoạch phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ quốc gia, ưu tiên cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là nữ.

Điều 12. Kế hoạch đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài khoa học và công nghệ

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các tổ chức khoa học và công nghệ xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ trên cơ sở quy hoạch phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ quốc gia và kế hoạch phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ của mình.

2. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, ngành có liên quan xác định các lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên, trọng điểm trong từng thời kỳ, làm căn cứ cho các cơ sở giáo dục đại học tuyển sinh, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên, trọng điểm.

3. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ quản lý chuyên ngành xây dựng kế hoạch đào tạo nhân lực trình độ đại học, sau đại học phù hợp với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ quốc gia và các lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên, trọng điểm; tổ chức và quản lý việc đào tạo theo định hướng phát triển từng ngành, lĩnh vực.

4. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ ở trong nước và nước ngoài cho cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ; kế hoạch đào tạo các nhóm nghiên cứu xuất sắc theo lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên, trọng điểm.

5. Các cơ sở giáo dục đại học có chuyên ngành đào tạo thuộc các lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên, trọng điểm được Nhà nước tạo điều kiện nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị để thực hiện đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ trình độ cao thuộc lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm.

6. Khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học phối hợp với các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực và các địa phương để đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ theo kế hoạch phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ của Bộ, ngành, địa phương.

Điều 13. Đào tạo, bồi dưỡng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ

1. Nội dung và hình thức đào tạo, bồi dưỡng:

a) Đào tạo bằng cấp tại các cơ sở giáo dục đại học;

b) Đào tạo theo nhóm nghiên cứu;

c) Đào tạo chuyên gia trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên, trọng điểm, lĩnh vực khoa học và công nghệ mới;

d) Nghiên cứu sau tiến sĩ;

đ) Bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức, kỹ năng quản lý khoa học và công nghệ.

Việc đào tạo, bồi dưỡng thực hiện thông qua các hình thức ngắn hạn, dài hạn ở trong nước và nước ngoài; thực tập, làm việc có thời hạn tại các tổ chức khoa học và công nghệ uy tín trong nước và nước ngoài; tham gia triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thực hiện đào tạo theo bằng cấp quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này.

3. Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thực hiện đào tạo, bồi dưỡng theo quy định tại các Điểm b, c, d và đ Khoản 1 Điều này.

Điều 14. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng

1. Hàng năm, Bộ Khoa học và Công nghệ bố trí khoản kinh phí thích hợp từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ để thực hiện đào tạo, bồi dưỡng theo nhiệm vụ quy định tại Khoản 3 Điều 13 Nghị định này.

2. Trên cơ sở tổng hợp nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất phương án phân bổ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, gửi cơ quan có thẩm quyền quyết định.

3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đã được phân bổ.

Xem nội dung VB
Điều 22. Đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài về khoa học và công nghệ

1. Căn cứ vào quy hoạch phát triển nguồn nhân lực quốc gia, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt quy hoạch phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ trên cơ sở đề xuất của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan nhà nước khác.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, bộ quản lý chuyên ngành tổ chức đào tạo trình độ đại học, sau đại học; phát hiện, đào tạo bồi dưỡng nhân tài để bổ sung nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, bảo đảm cơ cấu ngành, lĩnh vực và vùng miền; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên, trọng điểm.

3. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về khoa học và công nghệ cho đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ trên phạm vi cả nước.

4. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tự đào tạo, tham gia, tài trợ cho việc đào tạo, đào tạo lại nhân lực, bồi dưỡng nhân tài khoa học và công nghệ; khuyến khích đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực nữ trong hoạt động khoa học và công nghệ; ưu tiên thu hút, đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ cho vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

5. Kinh phí thực hiện việc đào tạo nguồn nhân lực quy định tại khoản 2 Điều này do ngân sách nhà nước bảo đảm. Kinh phí tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ quy định tại khoản 3 Điều này được lấy từ kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ. Kinh phí tài trợ cho việc đào tạo, đào tạo lại nhân lực về khoa học và công nghệ quy định tại khoản 4 Điều này được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

6. Chính phủ quy định cụ thể Điều này.
Điều này được hướng dẫn bởi Chương 3 Nghị định 40/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2014
Tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Khoa học và Công nghệ được hướng dẫn bởi Nghị định 27/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/03/2017 (VB hết hiệu lực: 01/03/2024)
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 213/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Khoa học và Công nghệ.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 213/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Khoa học và Công nghệ như sau:

1. Bổ sung điểm c vào khoản 2 Điều 4 như sau:
...
2. Sửa đổi, bổ sung Điều 9 như sau:
...
2. Sửa đổi, bổ sung Điều 9 như sau:
...
4. Sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 và bổ sung khoản 4a vào sau khoản 4 Điều 12 như sau:
...
5. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 14 như sau:
...
6. Bổ sung khoản 5 vào Điều 19 như sau:
...
7. Bổ sung khoản 3a vào sau khoản 3 Điều 20 như sau:
...
8. Bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 Điều 22 như sau:
...
9. Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 Điều 23 như sau:
...
10. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và bổ sung khoản 6 vào Điều 24 như sau:
...
11. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 25 như sau:
...
Điều 2. Điều khoản thi hành

Xem nội dung VB
Điều 74. Trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ

Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ trong phạm vi cả nước, có trách nhiệm sau đây:
...
10. Thanh tra, kiểm tra hoặc phối hợp thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoa học và công nghệ; giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về khoa học và công nghệ theo thẩm quyền; căn cứ kết quả kiểm tra và hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ của các cơ quan và tổ chức để đề xuất điều chỉnh việc phân bổ kinh phí cho giai đoạn tiếp theo;
Tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Khoa học và Công nghệ được hướng dẫn bởi Nghị định 27/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/03/2017 (VB hết hiệu lực: 01/03/2024)
Khoản này được hướng dẫn bởi Mục 3 Chương II và Điều 36 đến Điều 39 Chương III Thông tư 09/2024/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 10/02/2025
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, cấp cơ sở sử dụng ngân sách nhà nước.
...
Chương II QUẢN LÝ NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP TỈNH SỬ DỤNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
...
Mục 3. TUYỂN CHỌN TỔ CHỨC, CÁ NHÂN THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP TỈNH

Điều 9. Nguyên tắc tuyển chọn nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh
...
Điều 10. Thông báo tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh
...
Điều 11. Điều kiện tham gia tuyển chọn
...
Điều 12. Hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ
...
Điều 13. Hội đồng tư vấn tuyển chọn, Tổ thẩm định kinh phí nhiệm vụ và Tổ chuyên gia
...
Điều 14. Tổ chức phiên họp Hội đồng tuyển chọn
...
Điều 15. Tổ chức phiên họp Tổ thẩm định kinh phí
...
Điều 16. Phê duyệt kết quả tuyển chọn tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ
...
Điều 17. Lưu giữ, quản lý hồ sơ và công khai thông tin
...
Điều 18. Hủy kết quả tuyển chọn tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ
...
Điều 19. Phê duyệt thuyết minh và ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh
...

Chương III QUẢN LÝ NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP CƠ SỞ SỬ DỤNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
...
Điều 36. Hồ sơ tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở
...
Điều 37. Hội đồng tư vấn tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở
...
Điều 38. Phê duyệt kết quả tuyển chọn tổ chức chủ trì, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở
...
Điều 39. Phê duyệt thuyết minh nhiệm vụ và ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở
...
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

Xem nội dung VB
Điều 29. Tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước
...
7. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định cụ thể việc tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Khoản này được hướng dẫn bởi Thông tư 08/2017/TT-BKHCN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16 tháng 8 năm 2017 (VB hết hiệu lực: 27/11/2023)
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước.

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
...
Điều 2. Giải thích từ ngữ
...
Điều 3. Nguyên tắc tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia
...
Điều 4. Điều kiện tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia
...
Chương II HỒ SƠ ĐĂNG KÝ THAM GIA TUYỂN CHỌN, GIAO TRỰC TIẾP THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP QUỐC GIA

Điều 5. Hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia
...
Điều 6. Nộp hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia
...
Điều 7. Mở, kiểm tra và xác nhận tính hợp lệ của hồ sơ tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia
...
Chương III HỘI ĐỒNG TUYỂN CHỌN, GIAO TRỰC TIẾP VÀ TỔ THẨM ĐỊNH KINH PHÍ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP QUỐC GIA

Điều 8. Hội đồng tuyển chọn, giao trực tiếp và Tổ thẩm định kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia
...
Điều 9. Chuẩn bị cho các phiên họp của Hội đồng và Tổ thẩm định
...
Điều 10. Nguyên tắc làm việc và trách nhiệm của Hội đồng
...
Điều 11. Trình tự, nội dung làm việc của Hội đồng
...
Điều 12. Nhóm tiêu chí và thang điểm đánh giá hồ sơ tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia
...
Điều 13. Nguyên tắc làm việc, nhiệm vụ và trách nhiệm của Tổ thẩm định
...
Điều 14. Trình tự, nội dung làm việc của Tổ thẩm định
...
Điều 15. Phê duyệt kết quả tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia
...
Điều 16. Lưu giữ, quản lý hồ sơ gốc và công khai thông tin
...
Điều 17. Hủy quyết định phê duyệt kết quả tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia
...
Chương IV CHUYÊN GIA TƯ VẤN ĐỘC LẬP

Điều 18. Chuyên gia tư vấn độc lập
...
Điều 19. Thủ tục lấy ý kiến chuyên gia tư vấn độc lập
...
Điều 20. Trách nhiệm của chuyên gia tư vấn độc lập
...
Chương V TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 21. Hiệu lực thi hành
...
Điều 22. Quy định chuyển tiếp
...
Điều 23. Tổ chức thực hiện

Xem nội dung VB
Điều 29. Tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước
...
7. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định cụ thể việc tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Khoản này được hướng dẫn bởi Mục 3 Chương II và Điều 36 đến Điều 39 Chương III Thông tư 09/2024/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 10/02/2025
Khoản này được hướng dẫn bởi Thông tư 08/2017/TT-BKHCN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16 tháng 8 năm 2017 (VB hết hiệu lực: 27/11/2023)
Khoản này được hướng dẫn bởi Khoản 1 Điều 2 Thông tư 08/2017/TT-BKHCN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16 tháng 8 năm 2017 (VB hết hiệu lực: 27/11/2023)
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước.
...
Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền lựa chọn tổ chức, cá nhân có điều kiện, năng lực tốt nhất để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ thông qua việc xem xét, đánh giá hồ sơ theo những yêu cầu, tiêu chí quy định tại Thông tư này.

Xem nội dung VB
Điều 29. Tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước

1. Tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước là việc xác định tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ và phải bảo đảm tính cạnh tranh, công bằng, hiệu quả.
Khoản này được hướng dẫn bởi Khoản 1 Điều 2 Thông tư 08/2017/TT-BKHCN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16 tháng 8 năm 2017 (VB hết hiệu lực: 27/11/2023)
Khoản này được hướng dẫn bởi Khoản 1 Điều 2 Thông tư 08/2017/TT-BKHCN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16 tháng 8 năm 2017 (VB hết hiệu lực: 27/11/2023)
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước.
...
Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền lựa chọn tổ chức, cá nhân có điều kiện, năng lực tốt nhất để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ thông qua việc xem xét, đánh giá hồ sơ theo những yêu cầu, tiêu chí quy định tại Thông tư này.

Xem nội dung VB
Điều 29. Tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước

1. Tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước là việc xác định tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ và phải bảo đảm tính cạnh tranh, công bằng, hiệu quả.
Khoản này được hướng dẫn bởi Khoản 1 Điều 2 Thông tư 08/2017/TT-BKHCN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16 tháng 8 năm 2017 (VB hết hiệu lực: 27/11/2023)
Thủ tục lấy ý kiến chuyên gia tư vấn độc lập được hướng dẫn bởi Điều 19 Thông tư 08/2017/TT-BKHCN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16 tháng 8 năm 2017 (VB hết hiệu lực: 27/11/2023)
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước.
...
Điều 19. Thủ tục lấy ý kiến chuyên gia tư vấn độc lập

1. Bộ, ngành, địa phương tổ chức lấy ý kiến của ít nhất 02 chuyên gia độc lập trong những trường hợp sau đây:

a) Hội đồng không thống nhất về kết quả tuyển chọn, giao trực tiếp;

b) Hội đồng vi phạm các quy định về việc tuyển chọn, giao trực tiếp;

c) Có khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động và kết luận của Hội đồng.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Thủ trưởng bộ, ngành, địa phương có ý kiến chỉ đạo, đơn vị được Thủ trưởng bộ, ngành, địa phương phân công có trách nhiệm chuẩn bị và gửi các tài liệu sau đây tới chuyên gia tư vấn độc lập:

a) Công văn của Thủ trưởng bộ, ngành, địa phương mời chuyên gia tư vấn độc lập đánh giá hồ sơ đăng ký tuyển chọn, giao trực tiếp;

b) Các tài liệu theo quy định tại điểm c, d khoản 1 Điều 9 Thông tư này;

c) 02 phong bì dán sẵn tem bưu điện và ghi rõ tên, địa chỉ người nhận là Thủ trưởng bộ, ngành, địa phương.

Xem nội dung VB
Điều 30. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được giao trực tiếp
...
2. Người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định giao nhiệm vụ khoa học và công nghệ quy định tại Điều này sau khi lấy ý kiến tư vấn của Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ và phải chịu trách nhiệm về việc giao nhiệm vụ của mình. Tổ chức, cá nhân được giao chủ trì nhiệm vụ phải có đủ năng lực, điều kiện và chuyên môn phù hợp.

Trong trường hợp cần thiết, người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước có quyền lấy thêm ý kiến tư vấn của chuyên gia tư vấn độc lập trước khi quyết định.
Thủ tục lấy ý kiến chuyên gia tư vấn độc lập được hướng dẫn bởi Điều 19 Thông tư 08/2017/TT-BKHCN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16 tháng 8 năm 2017 (VB hết hiệu lực: 27/11/2023)
Thủ tục lấy ý kiến chuyên gia tư vấn độc lập được hướng dẫn bởi Điều 19 Thông tư 08/2017/TT-BKHCN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16 tháng 8 năm 2017 (VB hết hiệu lực: 27/11/2023)
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước.
...
Điều 19. Thủ tục lấy ý kiến chuyên gia tư vấn độc lập

1. Bộ, ngành, địa phương tổ chức lấy ý kiến của ít nhất 02 chuyên gia độc lập trong những trường hợp sau đây:

a) Hội đồng không thống nhất về kết quả tuyển chọn, giao trực tiếp;

b) Hội đồng vi phạm các quy định về việc tuyển chọn, giao trực tiếp;

c) Có khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động và kết luận của Hội đồng.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Thủ trưởng bộ, ngành, địa phương có ý kiến chỉ đạo, đơn vị được Thủ trưởng bộ, ngành, địa phương phân công có trách nhiệm chuẩn bị và gửi các tài liệu sau đây tới chuyên gia tư vấn độc lập:

a) Công văn của Thủ trưởng bộ, ngành, địa phương mời chuyên gia tư vấn độc lập đánh giá hồ sơ đăng ký tuyển chọn, giao trực tiếp;

b) Các tài liệu theo quy định tại điểm c, d khoản 1 Điều 9 Thông tư này;

c) 02 phong bì dán sẵn tem bưu điện và ghi rõ tên, địa chỉ người nhận là Thủ trưởng bộ, ngành, địa phương.

Xem nội dung VB
Điều 30. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được giao trực tiếp
...
2. Người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định giao nhiệm vụ khoa học và công nghệ quy định tại Điều này sau khi lấy ý kiến tư vấn của Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ và phải chịu trách nhiệm về việc giao nhiệm vụ của mình. Tổ chức, cá nhân được giao chủ trì nhiệm vụ phải có đủ năng lực, điều kiện và chuyên môn phù hợp.

Trong trường hợp cần thiết, người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước có quyền lấy thêm ý kiến tư vấn của chuyên gia tư vấn độc lập trước khi quyết định.
Thủ tục lấy ý kiến chuyên gia tư vấn độc lập được hướng dẫn bởi Điều 19 Thông tư 08/2017/TT-BKHCN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16 tháng 8 năm 2017 (VB hết hiệu lực: 27/11/2023)
Khoản này được hướng dẫn bởi Mục 1, 2 Chương II và Chương IV Thông tư 20/2023/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 27/11/2023
Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước,
...
Chương II QUY ĐỊNH TUYỂN CHỌN TỔ CHỨC, CÁ NHÂN THỰC HIỆN NHIỆM VỤ

Mục 1. NGUYÊN TẮC VÀ ĐIỀU KIỆN TUYỂN CHỌN TỔ CHỨC, CÁ NHÂN THỰC HIỆN NHIỆM VỤ

Điều 3. Nguyên tắc tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ và thông báo tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ

1. Nguyên tắc chung:

a) Việc tuyển chọn phải bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan; kết quả tuyển chọn phải được công bố công khai trên Hệ thống quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ quốc gia và Cổng thông tin điện tử của Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc các phương tiện thông tin đại chúng khác;

b) Hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn được đánh giá thông qua Hội đồng tư vấn tuyển chọn (sau đây gọi tắt là Hội đồng tư vấn) do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập.

Việc đánh giá được tiến hành bằng phương thức chấm điểm theo các nhóm tiêu chí cụ thể quy định tại Điều 12 Thông tư này;

c) Trên cơ sở ý kiến tư vấn của Hội đồng tư vấn, ý kiến tham mưu của đơn vị quản lý chuyên môn, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định lựa chọn tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ. Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ lấy ý kiến của chuyên gia tư vấn độc lập trước khi quyết định.

2. Thông báo tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ:
Danh mục các nhiệm vụ, điều kiện, thủ tục tham gia tuyển chọn được thông báo công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng khác trong thời gian 30 ngày để tổ chức và cá nhân chuẩn bị hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn.

3. Bộ Khoa học và Công nghệ thông báo tuyển chọn lần 2 trong khoảng thời gian không quá 06 tháng tính từ ngày bắt đầu thông báo tuyển chọn lần 1 trong các trường hợp sau:

a) Khi hết thời gian thông báo tuyển chọn mà không có hồ sơ đăng ký tuyển chọn;

b) Các hồ sơ không hợp lệ khi tiến hành mở, kiểm tra hồ sơ;

c) Các hồ sơ bị hủy kết quả tuyển chọn theo quy định tại điểm a, b, d và đ khoản 1 và điểm a, b và d khoản 2 Điều 17 Thông tư này;

d) Trường hợp khác do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định.

Điều 4. Điều kiện tham gia tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ

1. Tổ chức có tư cách pháp nhân, có hoạt động phù hợp với yêu cầu của nhiệm vụ có quyền đăng ký tham gia tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ.

2. Tổ chức thuộc một trong các trường hợp sau đây không đủ điều kiện đăng ký tham gia tuyển chọn chủ trì nhiệm vụ:

a) Tại thời điểm hết hạn nộp hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn chưa hoàn thành việc đăng ký, giao nộp, lưu giữ các kết quả thực hiện nhiệm vụ cấp quốc gia khác theo quy định hiện hành;

b) Tại thời điểm hết hạn nộp hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn chưa thực hiện báo cáo ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ cấp quốc gia khác theo quy định hiện hành;

c) Tại thời điểm hết hạn nộp hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn chưa nộp hồ sơ đề nghị đánh giá nghiệm thu nhiệm vụ cấp quốc gia khác do mình chủ trì sau 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời gian thực hiện nhiệm vụ theo Hợp đồng, bao gồm cả thời gian được gia hạn (nếu có);

d) Tại thời điểm hết hạn nộp hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn chưa hoàn trả đầy đủ kinh phí thu hồi theo hợp đồng thực hiện các nhiệm vụ đã ký;

đ) Có sai phạm dẫn đến bị đình chỉ thực hiện nhiệm vụ khác thì không được đăng ký tham gia tuyển chọn trong thời gian 01 năm kể từ khi có quyết định đình chỉ của cơ quan có thẩm quyền.

3. Cá nhân đăng ký tham gia tuyển chọn làm chủ nhiệm nhiệm vụ phải đáp ứng đồng thời các yêu cầu:
a) Có trình độ đại học trở lên;

b) Có chuyên môn trong lĩnh vực khoa học và công nghệ phù hợp với nội dung nhiệm vụ và hoạt động trong lĩnh vực này trong 05 năm gần nhất, tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ;

c) Có khả năng và bảo đảm thời gian để tổ chức thực hiện nhiệm vụ;

d) Trường hợp khác với các yêu cầu tại các điểm a, b và c khoản này do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định.

4. Cá nhân thuộc một trong các trường hợp sau đây không đủ điều kiện đăng ký tham gia tuyển chọn làm chủ nhiệm nhiệm vụ:

a) Tại thời điểm hết hạn nộp hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn đang làm chủ nhiệm nhiệm vụ cấp quốc gia khác;

b) Tại thời điểm hết hạn nộp hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn chưa nộp hồ sơ đề nghị đánh giá nghiệm thu nhiệm vụ cấp quốc gia khác do mình làm chủ nhiệm sau 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời gian thực hiện nhiệm vụ theo Hợp đồng, bao gồm thời gian được gia hạn (nếu có);

c) Có sai phạm dẫn đến bị đình chỉ thực hiện nhiệm vụ do mình làm chủ nhiệm trong thời gian 03 năm kể từ khi có quyết định đình chỉ của cơ quan có thẩm quyền.

Mục 2. HỒ SƠ ĐĂNG KÝ THAM GIA TUYỂN CHỌN THỰC HIỆN NHIỆM VỤ

Điều 5. Hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ

Tổ chức và cá nhân chuẩn bị hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn theo hướng dẫn và các Biểu mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này, bao gồm:

1. Tài liệu chứng minh tư cách pháp lý của tổ chức theo quy định của pháp luật (Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của tổ chức chủ trì, Điều lệ hoạt động của tổ chức chủ trì hoặc giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý khác).

2. Đơn đăng ký chủ trì thực hiện nhiệm vụ (Biểu B1-1-ĐON).

3. Thuyết minh đề tài (Biểu B1-2a-TMĐTCN hoặc Điều B1-2b-TMĐTXH); thuyết minh dự án (Biểu B1-2c-TMDA); thuyết minh đề án (Biểu B1-2d-TMĐA).

4. Tóm tắt hoạt động khoa học và công nghệ của tổ chức đăng ký chủ trì nhiệm vụ (Biểu B1-3-LLTC).

5. Lý lịch khoa học của cá nhân đăng ký chủ nhiệm có xác nhận của tổ chức quản lý nhân sự (Biểu B1-4-LLCN).

6. Lý lịch khoa học của thành viên chính, thư ký khoa học (Biểu B1-4-LLCN), Tài liệu này phải có xác nhận của tổ chức quản lý nhân sự trong trường hợp hồ sơ được Hội đồng tư vấn tuyển chọn kiến nghị trúng tuyển và nộp theo quy định tại khoản 12 Điều 11 Thông tư này.

7. Lý lịch khoa học chuyên gia trong nước, chuyên gia nước ngoài (trong trường hợp có chuyên gia tham gia thực hiện).

8. Tóm tắt hoạt động khoa học và công nghệ và văn bản xác nhận về sự đồng ý của các tổ chức tham gia phối hợp thực hiện nhiệm vụ (trong trường hợp có tổ chức tham gia phối hợp thực hiện) (Biểu B1-5-PHNC và Biểu B1-6-LLTCPHNC).

9. Báo cáo tài chính theo chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán hiện hành trong 02 năm gần nhất của tổ chức tham gia góp vốn.

10. Đối với các nhiệm vụ có yêu cầu về vốn đối ứng cần phải có phương án huy động vốn đối ứng tương ứng với từng trường hợp cụ thể như sau:

a) Đối với trường hợp sử dụng nguồn vốn tự có: Hồ sơ chứng minh nguồn vốn và cam kết sử dụng nguồn vốn vào đối ứng thực hiện nhiệm vụ;

b) Đối với trường hợp huy động vốn từ các cá nhân/tổ chức hoặc huy động vốn góp của chủ sở hữu: văn bản cam kết và giấy tờ xác nhận về việc đóng góp vốn của các cá nhân/tổ chức/chủ sở hữu cho tổ chức chủ trì để thực hiện nhiệm vụ;

c) Đối với trường hợp vay vốn tổ chức tín dụng: Cam kết cho vay vốn của các tổ chức tín dụng để thực hiện nhiệm vụ.

11. Báo giá thiết bị, nguyên vật liệu chính cần mua sắm, dịch vụ cần thuê để thực hiện nhiệm vụ còn hiệu lực (thời gian báo giá không quá 90 ngày tính đến thời điểm nộp hồ sơ). Tài liệu này chỉ nộp trong trường hợp hồ sơ được Hội đồng tư vấn tuyển chọn kiến nghị trúng tuyển theo quy định tại khoản 12 Điều 11 Thông tư này.

12. Tài liệu liên quan khác trong trường hợp tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp thấy cần thiết bổ sung làm tăng tính thuyết phục của hồ sơ hoặc đơn vị quản lý cần làm rõ thông tin trong quá trình tuyển chọn, giao trực tiếp.

13. Tài liệu, văn bản quy định tại khoản 9 và khoản 10 Điều này chỉ áp dụng cho các nhiệm vụ có yêu cầu vốn đối ứng ngoài ngân sách nhà nước.

14. Các tài liệu quy định tại Điều này là bản gốc hoặc bản sao có chứng thực theo quy định hiện hành. Trong trường hợp các hồ sơ có trên Hệ thống quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ quốc gia, tổ chức và cá nhân tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp nhiệm vụ có trách nhiệm bảo đảm thông tin trên hệ thống được cập nhật và cung cấp mã số hồ sơ cho đơn vị quản lý chuyên môn.

Điều 6. Nộp hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ

1. Nộp hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn

a) Đối với hồ sơ nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu chính: hồ sơ gồm 01 bộ, sử dụng phông chữ tiếng Việt Times New Roman, bộ mã ký tự Unicode theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6909:2001, màu đen và 01 bản điện tử của hồ sơ (dạng PDF, không đặt mật khẩu) ghi trên USB. Toàn bộ hồ sơ được đóng gói, niêm phong và bên ngoài ghi rõ:

- Tên nhiệm vụ và tên, mã số (nếu có) của chương trình khoa học và công nghệ đăng ký tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp;

- Tên, địa chỉ của tổ chức đăng ký chủ trì nhiệm vụ; tên, địa chỉ, số điện thoại của chủ nhiệm nhiệm vụ;

- Danh mục tài liệu có trong hồ sơ;

b) Đối với hồ sơ nộp trực tuyến: 01 bộ hồ sơ điện tử gồm các văn bản điện tử các tài liệu quy định tại Điều 5 Thông tư này và được chứng thực điện tử theo quy định hiện hành.

Thời hạn và địa chỉ nộp hồ sơ theo thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng khác và bằng văn bản (trường hợp nhiệm vụ có chứa bí mật nhà nước).

2. Ngày nhận hồ sơ

a) Đối với trường hợp hồ sơ nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu chính: ngày ghi tại dấu bưu chính nơi gửi (trường hợp gửi qua bưu chính) hoặc dấu đến của bộ, ngành, địa phương (trường hợp nộp trực tiếp).

b) Đối với trường hợp hồ sơ nộp trực tuyến: ngày nộp hồ sơ được xác định căn cứ theo thời gian thực ghi nhận trên Hệ thống quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ quốc gia.

3. Trong thời hạn quy định nộp hồ sơ, tổ chức và cá nhân đăng ký tham gia tuyển chọn có quyền rút hồ sơ đã nộp để thay bằng hồ sơ mới hoặc bổ sung hồ sơ đã nộp.

Việc thay hồ sơ mới hoặc bổ sung hồ sơ phải hoàn tất trước thời hạn nộp hồ sơ theo quy định. Các tài liệu bổ sung sau thời hạn nộp hồ sơ theo quy định không là bộ phận cấu thành của hồ sơ, trừ tài liệu quy định tại khoản 6 và khoản 11 Điều 5 Thông tư này,

Điều 7. Mở, kiểm tra và xác nhận tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ

1. Kết thúc thời hạn nhận hồ sơ đăng ký tuyển chọn, trong thời hạn 07 ngày làm việc, đơn vị quản lý chuyên môn có trách nhiệm phối hợp với đơn vị quản lý kinh phí mở, kiểm tra hiện trạng của hồ sơ; rà soát, kiểm tra các thông tin liên quan đến quy định tại Điều 5 Thông tư này.

2. Kết quả mở hồ sơ được ghi thành biên bản theo Biểu B2-1-BBHS tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Trên cơ sở rà soát hồ sơ đăng ký, đơn vị quản lý chuyên môn hoàn thiện biên bản mở hồ sơ.

4. Trường hợp hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn được nộp trực tuyến, khi kết thúc thời hạn nhận hồ sơ, Biên bản mở hồ sơ sẽ được trích xuất theo Biểu B2-1-BBHS tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

5. Hồ sơ hợp lệ được đưa vào xem xét, đánh giá là hồ sơ được chuẩn bị theo quy định tại Điều 4 và Điều 5 Thông tư này và các quy định có liên quan khác. Đối với các hồ sơ không hợp lệ, Bộ Khoa học và Công nghệ giao đơn vị quản lý chuyên môn thông báo bằng văn bản cho các tổ chức đăng ký chủ trì nhiệm vụ.
...
Chương IV QUY ĐỊNH GIAO TRỰC TIẾP TỔ CHỨC VÀ CÁ NHÂN THỰC HIỆN NHIỆM VỤ

Điều 21. Giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ

1. Nguyên tắc, điều kiện tham gia xét giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ

a) Nguyên tắc giao trực tiếp tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư này;

b) Thông báo giao trực tiếp tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này;

c) Tổ chức, cá nhân tham gia đăng ký giao trực tiếp phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 4 Thông tư này.

2. Hồ sơ đăng ký tham gia giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ

a) Hồ sơ đăng ký tham gia giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thực hiện quy định tại Điều 5 Thông tư này;

b) Việc nộp hồ sơ thực hiện theo quy định tại Điều 6 Thông tư này;

c) Mở, kiểm tra và xác nhận tính hợp lệ của hồ sơ thực hiện theo quy định Điều 7 Thông tư này.

3. Hội đồng tư vấn giao trực tiếp và Tổ thẩm định nhiệm vụ

a) Việc thành lập Hội đồng tư vấn giao trực tiếp và Tổ thẩm định kinh phí thực hiện nhiệm vụ và Tổ chuyên gia được thực hiện theo quy định tại Điều 8 Thông tư này;

b) Việc chuẩn bị tổ chức các phiên họp của Hội đồng tư vấn giao trực tiếp và Tổ thẩm định thực hiện theo quy định tại Điều 9 Thông tư này;

c) Phương thức làm việc, trình tự, nội dung làm việc của Hội đồng tư vấn giao trực tiếp thực hiện theo quy định tại Điều 10 và Điều 11 Thông tư này. Nhóm tiêu chí và thang điểm đánh giá hồ sơ giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ thực hiện theo quy định tại Điều 12 Thông tư này;

d) Tổ thẩm định làm việc theo quy định tại Điều 13 và Điều 14 Thông tư này.

4. Việc phê duyệt kết quả giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ được thực hiện theo quy định tại Điều 15 Thông tư này.

5. Việc lưu giữ, quản lý hồ sơ gốc, công khai thông tin, hủy kết quả giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ thực hiện theo quy định tại Điều 16 và Điều 17 Thông tư này.

Điều 22. Giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ chứa bí mật nhà nước

1. Điều kiện, hồ sơ tham gia xét giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ:

a) Tổ chức tham gia xét giao trực tiếp phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 4 Thông tư này và các yêu cầu sau:

- Cam kết bảo vệ bí mật nhà nước theo Biểu B1-9-CKTCCT tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

- Chuẩn bị hồ sơ theo quy định tại Điều 5 Thông tư này và các bản sao phục vụ các phiên họp Hội đồng tư vấn, Tổ thẩm định theo yêu cầu của cơ quan quản lý.

b) Cá nhân được giao chủ nhiệm nhiệm vụ chứa bí mật nhà nước phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 4 Thông tư này và các yêu cầu sau:

- Là người chỉ có một quốc tịch Việt Nam;

- Cam kết bảo vệ bí mật nhà nước theo Biểu B1-7-CKCN tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

c) Cá nhân tham gia thực hiện nhiệm vụ chứa bí mật nhà nước phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

- Đối với cá nhân là người Việt Nam phải cam kết bảo vệ bí mật nhà nước theo Biểu B1-8-CKTVNV tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

- Đối với cá nhân là người nước ngoài, ngoài việc cam kết bảo vệ bí mật nhà nước theo Biểu B1-7-CKCN tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này, tổ chức chủ trì phải báo cáo và có sự chấp thuận của cơ quan chủ quản của tổ chức chủ trì. Trong báo cáo phải thể hiện rõ nội dung chuyên môn và thời gian cá nhân đó tham gia;

d) Bộ Khoa học và Công nghệ thông báo bằng văn bản đến tổ chức được giao thực hiện nhiệm vụ trong 30 ngày để chuẩn bị hồ sơ đăng ký.

đ) Hồ sơ xét giao trực tiếp tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ chứa bí mật nhà nước phải được chuẩn bị theo quy định tại Điều 5 Thông tư này và có đầy đủ cam kết bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều này.

2. Nộp hồ sơ và mở hồ sơ nhiệm vụ

a) Hồ sơ được nộp trực tiếp theo quy định tại điểm a khoản 1, điểm a khoản 2 và khoản 3 Điều 6 Thông tư này.

b) Mở, kiểm tra và xác nhận tính hợp lệ của hồ sơ thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và khoản 5 Điều 7 Thông tư này.

3. Quy định bảo vệ bí mật nhà nước đối với hoạt động của Hội đồng tư vấn, Tổ thẩm định, Tổ chuyên gia, chuyên gia tư vấn độc lập và Ban chủ nhiệm chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ trực tiếp quản lý

a) Chuyên gia tham gia các loại hình Hội đồng tư vấn, Tổ thẩm định, Tổ chuyên gia và chuyên gia tư vấn độc lập phải đáp ứng đầy đủ tiêu chí theo các quy định hiện hành và thực hiện yêu cầu sau:

- Cam kết bảo vệ bí mật nhà nước theo Biểu B1-7-CKCN tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

- Ký nhận tài liệu phục vụ các phiên họp liên quan và tự bảo quản tài liệu theo quy định của pháp luật bảo vệ bí mật nhà nước và các quy định tại Thông tư này. Khi kết thúc nhiệm vụ tư vấn, thẩm định, có trách nhiệm bàn giao lại tài liệu theo quy định hiện hành.

b) Các thành viên Ban chủ nhiệm khi tiếp cận tài liệu liên quan đến nhiệm vụ chứa bí mật nhà nước phải cam kết bảo vệ bí mật nhà nước, tự bảo quản tài liệu và bàn giao lại theo quy định hiện hành.

4. Hội đồng tư vấn và Tổ thẩm định nhiệm vụ

a) Trình tự thành lập Hội đồng tư vấn và Tổ thẩm định nhiệm vụ thực hiện theo quy định tại Điều 8 Thông tư này.

b) Chuẩn bị tổ chức các phiên họp của Hội đồng tư vấn và Tổ thẩm định thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 9 Thông tư này.

c) Hội đồng tư vấn làm việc theo phương thức họp trực tiếp và theo quy định về bảo vệ bí mật nhà nước. Nguyên tắc làm việc, trách nhiệm, trình tự, nội dung làm việc của Hội đồng tư vấn thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 10 và Điều 11 Thông tư này. Nhóm tiêu chí và thang điểm đánh giá hồ sơ giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ thực hiện theo quy định tại Điều 12 Thông tư này. Việc gửi, lưu giữ các phiếu nhận xét, phiếu đánh giá và các tài liệu phục vụ phiên họp Hội đồng tư vấn được thực hiện theo quy định về bảo vệ bí mật nhà nước.

d) Tổ thẩm định làm việc theo phương thức họp trực tiếp và thực hiện theo các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước hiện hành, Nguyên tắc làm việc, nhiệm vụ, trách nhiệm, trình tự và nội dung làm việc của Tổ thẩm định thực hiện theo quy định tại Điều 13 và Điều 14 Thông tư này. Việc gửi, lưu giữ các tài liệu phục vụ phiên họp Tổ thẩm định được thực hiện theo quy định về bảo vệ bí mật nhà nước.

5. Phê duyệt kết quả giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ

Trình tự phê duyệt kết quả giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ chứa bí mật nhà nước thực hiện theo quy định tại Điều 15 Thông tư này.

6. Lưu giữ, quản lý hồ sơ gốc và hủy kết quả giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ

a) Lưu giữ, quản lý hồ sơ gốc thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

b) Hủy kết quả giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ thực hiện theo quy định tại Điều 17 Thông tư này.
...
PHỤ LỤC I BIỂU MẪU ÁP DỤNG CHO VIỆC XÂY DỰNG HỒ SƠ TUYỂN CHỌN/GIAO TRỰC TIẾP TỔ CHỨC, CÁ NHÂN CHỦ TRÌ NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP QUỐC GIA
...
PHỤ LỤC II BIỂU MẪU ÁP DỤNG CHO VIỆC ĐÁNH GIÁ HỒ SƠ TUYỂN CHỌN
...
PHỤ LỤC III BIỂU MẪU ÁP DỤNG CHO VIỆC THẨM ĐỊNH KINH PHÍ

Xem nội dung VB
Điều 13. Quyền của tổ chức khoa học và công nghệ
...
2. Đăng ký tham gia tuyển chọn hoặc được giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; ký kết hợp đồng khoa học và công nghệ; đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài về khoa học và công nghệ.
Hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia được hướng dẫn bởi Chương II Thông tư 08/2017/TT-BKHCN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16 tháng 8 năm 2017 (VB hết hiệu lực: 27/11/2023)
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước.
...
Chương II HỒ SƠ ĐĂNG KÝ THAM GIA TUYỂN CHỌN, GIAO TRỰC TIẾP THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP QUỐC GIA

Điều 5. Hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia

Tổ chức và cá nhân chuẩn bị hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia theo hướng dẫn và các Biểu mẫu của Phụ lục I kèm theo Thông tư này, bao gồm:

1. Hồ sơ pháp lý của tổ chức chủ trì:

a) Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức chủ trì;

b) Điều lệ hoạt động của tổ chức chủ trì (nếu có);

2. Đơn đăng ký chủ trì thực hiện nhiệm vụ cấp quốc gia (Biểu B1-1- ĐON);

3. Thuyết minh đề tài (Biểu B1-2a-TMĐTCN hoặc Biểu B1-2b- TMĐTXH); thuyết minh dự án SXTN (Biểu B1-2c-TMDA); thuyết minh đề án (Biểu B1-2d-TMĐA). Thuyết minh dự án KHCN được chuẩn bị theo biểu mẫu của từng chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia tương ứng;

4. Tóm tắt hoạt động khoa học và công nghệ của tổ chức đăng ký chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia (Biểu B1-3-LLTC);

5. Lý lịch khoa học của cá nhân đăng ký chủ nhiệm và các thành viên thực hiện chính, thư ký khoa học thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia có xác nhận của cơ quan quản lý nhân sự (Biểu B1-4-LLCN);

6. Lý lịch khoa học của chuyên gia trong nước, chuyên gia nước ngoài (Biểu B1-4-LLCN), trong đó có kê khai mức lương chuyên gia (trường hợp nhiệm vụ khoa học và công nghệ có thuê chuyên gia);

7. Văn bản xác nhận (nếu có) về sự đồng ý của các tổ chức tham gia phối hợp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia (Biểu B1-5- PHNC);

8. Báo giá thiết bị, nguyên vật liệu chính cần mua sắm, dịch vụ cần thuê để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia (thời gian báo giá không quá 30 ngày tính đến thời điểm nộp hồ sơ). Báo giá được cập nhật, điều chỉnh, bổ sung trước thời điểm họp thẩm định kinh phí (nếu cần);

9. Báo cáo tài chính của 02 đến 03 năm gần nhất của tổ chức chủ trì đã nộp các cơ quan quản lý theo quy định;

10. Phương án huy động vốn đối ứng đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia phải có vốn đối ứng. Văn bản cụ thể cần có cho từng trường hợp trong phương án huy động vốn đối ứng như sau:

a) Đối với trường hợp sử dụng nguồn vốn tự có: Hồ sơ minh chứng tổ chức chủ trì có thể huy động được nguồn vốn tự có để thực hiện nhiệm vụ.

b) Đối với trường hợp huy động vốn từ các cá nhân/tổ chức hoặc huy động vốn góp của chủ sở hữu: Cam kết pháp lý và giấy tờ xác nhận về việc đóng góp vốn của các cá nhân/tổ chức/chủ sở hữu cho tổ chức chủ trì để thực hiện nhiệm vụ

c) Đối với trường hợp vay tổ chức tín dụng: Cam kết cho vay vốn của các tổ chức tín dụng để thực hiện nhiệm vụ hoặc hợp đồng hạn mức tín dụng còn hiệu lực của tổ chức tín dụng đối với tổ chức chủ trì. Trước khi ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ, nếu Tổ thẩm định kinh phí có yêu cầu, tổ chức chủ trì bổ sung Hợp đồng tín dụng cho nhiệm vụ với tổng giá trị hợp đồng tín dụng đảm bảo được vốn đối ứng thực hiện nhiệm vụ;

11. Tài liệu liên quan khác, nếu tổ chức đăng ký tham gia tuyển chọn hoặc giao trực tiếp thấy cần thiết bổ sung làm tăng tính thuyết phục của hồ sơ hoặc đơn vị quản lý cần làm rõ thông tin trong quá trình tuyển chọn và thẩm định nhiệm vụ.

Điều 6. Nộp hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia

1. Hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp gồm 01 bộ hồ sơ trình bày và in trên khổ giấy A4, sử dụng phông chữ tiếng Việt của bộ mã ký tự Unicode theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6909:2001, cỡ chữ 14 và 01 bản điện tử của hồ sơ (dạng PDF, không đặt mật khẩu). Các tài liệu quy định tại Điều 5 Thông tư này là bản gốc hoặc bản sao có chứng thực. Toàn bộ hồ sơ được đóng gói, có niêm phong và bên ngoài ghi rõ:

a) Tên nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia và tên, mã số (nếu có) của chương trình đăng ký tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp;

b) Tên, địa chỉ của tổ chức đăng ký chủ trì, tên chủ nhiệm nhiệm vụ;

c) Danh mục tài liệu có trong hồ sơ.

2. Hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp được nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện. Thời hạn và địa chỉ nộp hồ sơ theo thông báo của bộ, ngành, địa phương được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng (trường hợp tuyển chọn) và bằng văn bản (trường hợp giao trực tiếp).

3. Ngày nhận hồ sơ là ngày ghi ở dấu của bưu điện gửi đến (trường hợp gửi qua bưu điện) hoặc dấu đến của bộ, ngành, địa phương (trường hợp nộp trực tiếp).

4. Trong thời hạn quy định nộp hồ sơ, tổ chức và cá nhân đăng ký tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp có quyền rút hồ sơ đã nộp để thay bằng hồ sơ mới hoặc bổ sung hồ sơ đã nộp.

Việc thay hồ sơ mới hoặc bổ sung hồ sơ phải hoàn tất trước thời hạn nộp hồ sơ theo quy định, các tài liệu bổ sung sau thời hạn nộp hồ sơ theo quy định không là bộ phận cấu thành của hồ sơ, trừ tài liệu quy định tại khoản 8 và điểm c khoản 10 Điều 5 Thông tư này.

Điều 7. Mở, kiểm tra và xác nhận tính hợp lệ của hồ sơ tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia

1. Kết thúc thời hạn nhận hồ sơ đăng ký tuyển chọn, giao trực tiếp trong thời hạn 07 ngày làm việc, đơn vị được bộ, ngành, địa phương giao tổ chức Hội đồng tuyển chọn, giao trực tiếp (sau đây gọi tắt là Hội đồng) thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia có trách nhiệm:

a) Mở, kiểm tra và xác nhận tính hợp lệ của hồ sơ với sự tham dự của đại diện các cơ quan liên quan, đại diện tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp;

b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát, kiểm tra các thông tin liên quan đến quy định tại Điều 4 Thông tư này.

2. Hồ sơ hợp lệ được đưa vào xem xét, đánh giá là hồ sơ được chuẩn bị theo đúng các biểu mẫu và đáp ứng quy định tại Điều 4, 5 và Điều 6 Thông tư này.

3. Kết quả mở hồ sơ được ghi thành biên bản theo Biểu B2-1-BBHS của Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc mở, kiểm tra và xác nhận tính hợp lệ của hồ sơ, bộ, ngành, địa phương thông báo cho tổ chức nộp hồ sơ đối với hồ sơ không hợp lệ.

Xem nội dung VB
Điều 13. Quyền của tổ chức khoa học và công nghệ
...
2. Đăng ký tham gia tuyển chọn hoặc được giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; ký kết hợp đồng khoa học và công nghệ; đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài về khoa học và công nghệ.
Khoản này được hướng dẫn bởi Mục 1, 2 Chương II và Chương IV Thông tư 20/2023/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 27/11/2023
Hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia được hướng dẫn bởi Chương II Thông tư 08/2017/TT-BKHCN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16 tháng 8 năm 2017 (VB hết hiệu lực: 27/11/2023)
Khoản này được hướng dẫn bởi Mục 1, 2 Chương II và Chương IV Thông tư 20/2023/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 27/11/2023
Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước,
...
Chương II QUY ĐỊNH TUYỂN CHỌN TỔ CHỨC, CÁ NHÂN THỰC HIỆN NHIỆM VỤ

Mục 1. NGUYÊN TẮC VÀ ĐIỀU KIỆN TUYỂN CHỌN TỔ CHỨC, CÁ NHÂN THỰC HIỆN NHIỆM VỤ

Điều 3. Nguyên tắc tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ và thông báo tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ

1. Nguyên tắc chung:

a) Việc tuyển chọn phải bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan; kết quả tuyển chọn phải được công bố công khai trên Hệ thống quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ quốc gia và Cổng thông tin điện tử của Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc các phương tiện thông tin đại chúng khác;

b) Hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn được đánh giá thông qua Hội đồng tư vấn tuyển chọn (sau đây gọi tắt là Hội đồng tư vấn) do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập.

Việc đánh giá được tiến hành bằng phương thức chấm điểm theo các nhóm tiêu chí cụ thể quy định tại Điều 12 Thông tư này;

c) Trên cơ sở ý kiến tư vấn của Hội đồng tư vấn, ý kiến tham mưu của đơn vị quản lý chuyên môn, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định lựa chọn tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ. Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ lấy ý kiến của chuyên gia tư vấn độc lập trước khi quyết định.

2. Thông báo tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ:
Danh mục các nhiệm vụ, điều kiện, thủ tục tham gia tuyển chọn được thông báo công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng khác trong thời gian 30 ngày để tổ chức và cá nhân chuẩn bị hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn.

3. Bộ Khoa học và Công nghệ thông báo tuyển chọn lần 2 trong khoảng thời gian không quá 06 tháng tính từ ngày bắt đầu thông báo tuyển chọn lần 1 trong các trường hợp sau:

a) Khi hết thời gian thông báo tuyển chọn mà không có hồ sơ đăng ký tuyển chọn;

b) Các hồ sơ không hợp lệ khi tiến hành mở, kiểm tra hồ sơ;

c) Các hồ sơ bị hủy kết quả tuyển chọn theo quy định tại điểm a, b, d và đ khoản 1 và điểm a, b và d khoản 2 Điều 17 Thông tư này;

d) Trường hợp khác do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định.

Điều 4. Điều kiện tham gia tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ

1. Tổ chức có tư cách pháp nhân, có hoạt động phù hợp với yêu cầu của nhiệm vụ có quyền đăng ký tham gia tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ.

2. Tổ chức thuộc một trong các trường hợp sau đây không đủ điều kiện đăng ký tham gia tuyển chọn chủ trì nhiệm vụ:

a) Tại thời điểm hết hạn nộp hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn chưa hoàn thành việc đăng ký, giao nộp, lưu giữ các kết quả thực hiện nhiệm vụ cấp quốc gia khác theo quy định hiện hành;

b) Tại thời điểm hết hạn nộp hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn chưa thực hiện báo cáo ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ cấp quốc gia khác theo quy định hiện hành;

c) Tại thời điểm hết hạn nộp hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn chưa nộp hồ sơ đề nghị đánh giá nghiệm thu nhiệm vụ cấp quốc gia khác do mình chủ trì sau 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời gian thực hiện nhiệm vụ theo Hợp đồng, bao gồm cả thời gian được gia hạn (nếu có);

d) Tại thời điểm hết hạn nộp hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn chưa hoàn trả đầy đủ kinh phí thu hồi theo hợp đồng thực hiện các nhiệm vụ đã ký;

đ) Có sai phạm dẫn đến bị đình chỉ thực hiện nhiệm vụ khác thì không được đăng ký tham gia tuyển chọn trong thời gian 01 năm kể từ khi có quyết định đình chỉ của cơ quan có thẩm quyền.

3. Cá nhân đăng ký tham gia tuyển chọn làm chủ nhiệm nhiệm vụ phải đáp ứng đồng thời các yêu cầu:
a) Có trình độ đại học trở lên;

b) Có chuyên môn trong lĩnh vực khoa học và công nghệ phù hợp với nội dung nhiệm vụ và hoạt động trong lĩnh vực này trong 05 năm gần nhất, tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ;

c) Có khả năng và bảo đảm thời gian để tổ chức thực hiện nhiệm vụ;

d) Trường hợp khác với các yêu cầu tại các điểm a, b và c khoản này do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định.

4. Cá nhân thuộc một trong các trường hợp sau đây không đủ điều kiện đăng ký tham gia tuyển chọn làm chủ nhiệm nhiệm vụ:

a) Tại thời điểm hết hạn nộp hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn đang làm chủ nhiệm nhiệm vụ cấp quốc gia khác;

b) Tại thời điểm hết hạn nộp hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn chưa nộp hồ sơ đề nghị đánh giá nghiệm thu nhiệm vụ cấp quốc gia khác do mình làm chủ nhiệm sau 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời gian thực hiện nhiệm vụ theo Hợp đồng, bao gồm thời gian được gia hạn (nếu có);

c) Có sai phạm dẫn đến bị đình chỉ thực hiện nhiệm vụ do mình làm chủ nhiệm trong thời gian 03 năm kể từ khi có quyết định đình chỉ của cơ quan có thẩm quyền.

Mục 2. HỒ SƠ ĐĂNG KÝ THAM GIA TUYỂN CHỌN THỰC HIỆN NHIỆM VỤ

Điều 5. Hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ

Tổ chức và cá nhân chuẩn bị hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn theo hướng dẫn và các Biểu mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này, bao gồm:

1. Tài liệu chứng minh tư cách pháp lý của tổ chức theo quy định của pháp luật (Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của tổ chức chủ trì, Điều lệ hoạt động của tổ chức chủ trì hoặc giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý khác).

2. Đơn đăng ký chủ trì thực hiện nhiệm vụ (Biểu B1-1-ĐON).

3. Thuyết minh đề tài (Biểu B1-2a-TMĐTCN hoặc Điều B1-2b-TMĐTXH); thuyết minh dự án (Biểu B1-2c-TMDA); thuyết minh đề án (Biểu B1-2d-TMĐA).

4. Tóm tắt hoạt động khoa học và công nghệ của tổ chức đăng ký chủ trì nhiệm vụ (Biểu B1-3-LLTC).

5. Lý lịch khoa học của cá nhân đăng ký chủ nhiệm có xác nhận của tổ chức quản lý nhân sự (Biểu B1-4-LLCN).

6. Lý lịch khoa học của thành viên chính, thư ký khoa học (Biểu B1-4-LLCN), Tài liệu này phải có xác nhận của tổ chức quản lý nhân sự trong trường hợp hồ sơ được Hội đồng tư vấn tuyển chọn kiến nghị trúng tuyển và nộp theo quy định tại khoản 12 Điều 11 Thông tư này.

7. Lý lịch khoa học chuyên gia trong nước, chuyên gia nước ngoài (trong trường hợp có chuyên gia tham gia thực hiện).

8. Tóm tắt hoạt động khoa học và công nghệ và văn bản xác nhận về sự đồng ý của các tổ chức tham gia phối hợp thực hiện nhiệm vụ (trong trường hợp có tổ chức tham gia phối hợp thực hiện) (Biểu B1-5-PHNC và Biểu B1-6-LLTCPHNC).

9. Báo cáo tài chính theo chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán hiện hành trong 02 năm gần nhất của tổ chức tham gia góp vốn.

10. Đối với các nhiệm vụ có yêu cầu về vốn đối ứng cần phải có phương án huy động vốn đối ứng tương ứng với từng trường hợp cụ thể như sau:

a) Đối với trường hợp sử dụng nguồn vốn tự có: Hồ sơ chứng minh nguồn vốn và cam kết sử dụng nguồn vốn vào đối ứng thực hiện nhiệm vụ;

b) Đối với trường hợp huy động vốn từ các cá nhân/tổ chức hoặc huy động vốn góp của chủ sở hữu: văn bản cam kết và giấy tờ xác nhận về việc đóng góp vốn của các cá nhân/tổ chức/chủ sở hữu cho tổ chức chủ trì để thực hiện nhiệm vụ;

c) Đối với trường hợp vay vốn tổ chức tín dụng: Cam kết cho vay vốn của các tổ chức tín dụng để thực hiện nhiệm vụ.

11. Báo giá thiết bị, nguyên vật liệu chính cần mua sắm, dịch vụ cần thuê để thực hiện nhiệm vụ còn hiệu lực (thời gian báo giá không quá 90 ngày tính đến thời điểm nộp hồ sơ). Tài liệu này chỉ nộp trong trường hợp hồ sơ được Hội đồng tư vấn tuyển chọn kiến nghị trúng tuyển theo quy định tại khoản 12 Điều 11 Thông tư này.

12. Tài liệu liên quan khác trong trường hợp tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp thấy cần thiết bổ sung làm tăng tính thuyết phục của hồ sơ hoặc đơn vị quản lý cần làm rõ thông tin trong quá trình tuyển chọn, giao trực tiếp.

13. Tài liệu, văn bản quy định tại khoản 9 và khoản 10 Điều này chỉ áp dụng cho các nhiệm vụ có yêu cầu vốn đối ứng ngoài ngân sách nhà nước.

14. Các tài liệu quy định tại Điều này là bản gốc hoặc bản sao có chứng thực theo quy định hiện hành. Trong trường hợp các hồ sơ có trên Hệ thống quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ quốc gia, tổ chức và cá nhân tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp nhiệm vụ có trách nhiệm bảo đảm thông tin trên hệ thống được cập nhật và cung cấp mã số hồ sơ cho đơn vị quản lý chuyên môn.

Điều 6. Nộp hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ

1. Nộp hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn

a) Đối với hồ sơ nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu chính: hồ sơ gồm 01 bộ, sử dụng phông chữ tiếng Việt Times New Roman, bộ mã ký tự Unicode theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6909:2001, màu đen và 01 bản điện tử của hồ sơ (dạng PDF, không đặt mật khẩu) ghi trên USB. Toàn bộ hồ sơ được đóng gói, niêm phong và bên ngoài ghi rõ:

- Tên nhiệm vụ và tên, mã số (nếu có) của chương trình khoa học và công nghệ đăng ký tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp;

- Tên, địa chỉ của tổ chức đăng ký chủ trì nhiệm vụ; tên, địa chỉ, số điện thoại của chủ nhiệm nhiệm vụ;

- Danh mục tài liệu có trong hồ sơ;

b) Đối với hồ sơ nộp trực tuyến: 01 bộ hồ sơ điện tử gồm các văn bản điện tử các tài liệu quy định tại Điều 5 Thông tư này và được chứng thực điện tử theo quy định hiện hành.

Thời hạn và địa chỉ nộp hồ sơ theo thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng khác và bằng văn bản (trường hợp nhiệm vụ có chứa bí mật nhà nước).

2. Ngày nhận hồ sơ

a) Đối với trường hợp hồ sơ nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu chính: ngày ghi tại dấu bưu chính nơi gửi (trường hợp gửi qua bưu chính) hoặc dấu đến của bộ, ngành, địa phương (trường hợp nộp trực tiếp).

b) Đối với trường hợp hồ sơ nộp trực tuyến: ngày nộp hồ sơ được xác định căn cứ theo thời gian thực ghi nhận trên Hệ thống quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ quốc gia.

3. Trong thời hạn quy định nộp hồ sơ, tổ chức và cá nhân đăng ký tham gia tuyển chọn có quyền rút hồ sơ đã nộp để thay bằng hồ sơ mới hoặc bổ sung hồ sơ đã nộp.

Việc thay hồ sơ mới hoặc bổ sung hồ sơ phải hoàn tất trước thời hạn nộp hồ sơ theo quy định. Các tài liệu bổ sung sau thời hạn nộp hồ sơ theo quy định không là bộ phận cấu thành của hồ sơ, trừ tài liệu quy định tại khoản 6 và khoản 11 Điều 5 Thông tư này,

Điều 7. Mở, kiểm tra và xác nhận tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ

1. Kết thúc thời hạn nhận hồ sơ đăng ký tuyển chọn, trong thời hạn 07 ngày làm việc, đơn vị quản lý chuyên môn có trách nhiệm phối hợp với đơn vị quản lý kinh phí mở, kiểm tra hiện trạng của hồ sơ; rà soát, kiểm tra các thông tin liên quan đến quy định tại Điều 5 Thông tư này.

2. Kết quả mở hồ sơ được ghi thành biên bản theo Biểu B2-1-BBHS tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Trên cơ sở rà soát hồ sơ đăng ký, đơn vị quản lý chuyên môn hoàn thiện biên bản mở hồ sơ.

4. Trường hợp hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn được nộp trực tuyến, khi kết thúc thời hạn nhận hồ sơ, Biên bản mở hồ sơ sẽ được trích xuất theo Biểu B2-1-BBHS tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

5. Hồ sơ hợp lệ được đưa vào xem xét, đánh giá là hồ sơ được chuẩn bị theo quy định tại Điều 4 và Điều 5 Thông tư này và các quy định có liên quan khác. Đối với các hồ sơ không hợp lệ, Bộ Khoa học và Công nghệ giao đơn vị quản lý chuyên môn thông báo bằng văn bản cho các tổ chức đăng ký chủ trì nhiệm vụ.
...
Chương IV QUY ĐỊNH GIAO TRỰC TIẾP TỔ CHỨC VÀ CÁ NHÂN THỰC HIỆN NHIỆM VỤ

Điều 21. Giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ

1. Nguyên tắc, điều kiện tham gia xét giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ

a) Nguyên tắc giao trực tiếp tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư này;

b) Thông báo giao trực tiếp tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này;

c) Tổ chức, cá nhân tham gia đăng ký giao trực tiếp phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 4 Thông tư này.

2. Hồ sơ đăng ký tham gia giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ

a) Hồ sơ đăng ký tham gia giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thực hiện quy định tại Điều 5 Thông tư này;

b) Việc nộp hồ sơ thực hiện theo quy định tại Điều 6 Thông tư này;

c) Mở, kiểm tra và xác nhận tính hợp lệ của hồ sơ thực hiện theo quy định Điều 7 Thông tư này.

3. Hội đồng tư vấn giao trực tiếp và Tổ thẩm định nhiệm vụ

a) Việc thành lập Hội đồng tư vấn giao trực tiếp và Tổ thẩm định kinh phí thực hiện nhiệm vụ và Tổ chuyên gia được thực hiện theo quy định tại Điều 8 Thông tư này;

b) Việc chuẩn bị tổ chức các phiên họp của Hội đồng tư vấn giao trực tiếp và Tổ thẩm định thực hiện theo quy định tại Điều 9 Thông tư này;

c) Phương thức làm việc, trình tự, nội dung làm việc của Hội đồng tư vấn giao trực tiếp thực hiện theo quy định tại Điều 10 và Điều 11 Thông tư này. Nhóm tiêu chí và thang điểm đánh giá hồ sơ giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ thực hiện theo quy định tại Điều 12 Thông tư này;

d) Tổ thẩm định làm việc theo quy định tại Điều 13 và Điều 14 Thông tư này.

4. Việc phê duyệt kết quả giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ được thực hiện theo quy định tại Điều 15 Thông tư này.

5. Việc lưu giữ, quản lý hồ sơ gốc, công khai thông tin, hủy kết quả giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ thực hiện theo quy định tại Điều 16 và Điều 17 Thông tư này.

Điều 22. Giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ chứa bí mật nhà nước

1. Điều kiện, hồ sơ tham gia xét giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ:

a) Tổ chức tham gia xét giao trực tiếp phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 4 Thông tư này và các yêu cầu sau:

- Cam kết bảo vệ bí mật nhà nước theo Biểu B1-9-CKTCCT tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

- Chuẩn bị hồ sơ theo quy định tại Điều 5 Thông tư này và các bản sao phục vụ các phiên họp Hội đồng tư vấn, Tổ thẩm định theo yêu cầu của cơ quan quản lý.

b) Cá nhân được giao chủ nhiệm nhiệm vụ chứa bí mật nhà nước phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 4 Thông tư này và các yêu cầu sau:

- Là người chỉ có một quốc tịch Việt Nam;

- Cam kết bảo vệ bí mật nhà nước theo Biểu B1-7-CKCN tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

c) Cá nhân tham gia thực hiện nhiệm vụ chứa bí mật nhà nước phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

- Đối với cá nhân là người Việt Nam phải cam kết bảo vệ bí mật nhà nước theo Biểu B1-8-CKTVNV tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

- Đối với cá nhân là người nước ngoài, ngoài việc cam kết bảo vệ bí mật nhà nước theo Biểu B1-7-CKCN tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này, tổ chức chủ trì phải báo cáo và có sự chấp thuận của cơ quan chủ quản của tổ chức chủ trì. Trong báo cáo phải thể hiện rõ nội dung chuyên môn và thời gian cá nhân đó tham gia;

d) Bộ Khoa học và Công nghệ thông báo bằng văn bản đến tổ chức được giao thực hiện nhiệm vụ trong 30 ngày để chuẩn bị hồ sơ đăng ký.

đ) Hồ sơ xét giao trực tiếp tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ chứa bí mật nhà nước phải được chuẩn bị theo quy định tại Điều 5 Thông tư này và có đầy đủ cam kết bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều này.

2. Nộp hồ sơ và mở hồ sơ nhiệm vụ

a) Hồ sơ được nộp trực tiếp theo quy định tại điểm a khoản 1, điểm a khoản 2 và khoản 3 Điều 6 Thông tư này.

b) Mở, kiểm tra và xác nhận tính hợp lệ của hồ sơ thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và khoản 5 Điều 7 Thông tư này.

3. Quy định bảo vệ bí mật nhà nước đối với hoạt động của Hội đồng tư vấn, Tổ thẩm định, Tổ chuyên gia, chuyên gia tư vấn độc lập và Ban chủ nhiệm chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ trực tiếp quản lý

a) Chuyên gia tham gia các loại hình Hội đồng tư vấn, Tổ thẩm định, Tổ chuyên gia và chuyên gia tư vấn độc lập phải đáp ứng đầy đủ tiêu chí theo các quy định hiện hành và thực hiện yêu cầu sau:

- Cam kết bảo vệ bí mật nhà nước theo Biểu B1-7-CKCN tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

- Ký nhận tài liệu phục vụ các phiên họp liên quan và tự bảo quản tài liệu theo quy định của pháp luật bảo vệ bí mật nhà nước và các quy định tại Thông tư này. Khi kết thúc nhiệm vụ tư vấn, thẩm định, có trách nhiệm bàn giao lại tài liệu theo quy định hiện hành.

b) Các thành viên Ban chủ nhiệm khi tiếp cận tài liệu liên quan đến nhiệm vụ chứa bí mật nhà nước phải cam kết bảo vệ bí mật nhà nước, tự bảo quản tài liệu và bàn giao lại theo quy định hiện hành.

4. Hội đồng tư vấn và Tổ thẩm định nhiệm vụ

a) Trình tự thành lập Hội đồng tư vấn và Tổ thẩm định nhiệm vụ thực hiện theo quy định tại Điều 8 Thông tư này.

b) Chuẩn bị tổ chức các phiên họp của Hội đồng tư vấn và Tổ thẩm định thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 9 Thông tư này.

c) Hội đồng tư vấn làm việc theo phương thức họp trực tiếp và theo quy định về bảo vệ bí mật nhà nước. Nguyên tắc làm việc, trách nhiệm, trình tự, nội dung làm việc của Hội đồng tư vấn thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 10 và Điều 11 Thông tư này. Nhóm tiêu chí và thang điểm đánh giá hồ sơ giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ thực hiện theo quy định tại Điều 12 Thông tư này. Việc gửi, lưu giữ các phiếu nhận xét, phiếu đánh giá và các tài liệu phục vụ phiên họp Hội đồng tư vấn được thực hiện theo quy định về bảo vệ bí mật nhà nước.

d) Tổ thẩm định làm việc theo phương thức họp trực tiếp và thực hiện theo các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước hiện hành, Nguyên tắc làm việc, nhiệm vụ, trách nhiệm, trình tự và nội dung làm việc của Tổ thẩm định thực hiện theo quy định tại Điều 13 và Điều 14 Thông tư này. Việc gửi, lưu giữ các tài liệu phục vụ phiên họp Tổ thẩm định được thực hiện theo quy định về bảo vệ bí mật nhà nước.

5. Phê duyệt kết quả giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ

Trình tự phê duyệt kết quả giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ chứa bí mật nhà nước thực hiện theo quy định tại Điều 15 Thông tư này.

6. Lưu giữ, quản lý hồ sơ gốc và hủy kết quả giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ

a) Lưu giữ, quản lý hồ sơ gốc thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

b) Hủy kết quả giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ thực hiện theo quy định tại Điều 17 Thông tư này.
...
PHỤ LỤC I BIỂU MẪU ÁP DỤNG CHO VIỆC XÂY DỰNG HỒ SƠ TUYỂN CHỌN/GIAO TRỰC TIẾP TỔ CHỨC, CÁ NHÂN CHỦ TRÌ NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP QUỐC GIA
...
PHỤ LỤC II BIỂU MẪU ÁP DỤNG CHO VIỆC ĐÁNH GIÁ HỒ SƠ TUYỂN CHỌN
...
PHỤ LỤC III BIỂU MẪU ÁP DỤNG CHO VIỆC THẨM ĐỊNH KINH PHÍ

Xem nội dung VB
Điều 20. Quyền của cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ
...
5. Đăng ký tham gia tuyển chọn hoặc được giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia được hướng dẫn bởi Chương II Thông tư 08/2017/TT-BKHCN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16 tháng 8 năm 2017 (VB hết hiệu lực: 27/11/2023)
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước.
...
Chương II HỒ SƠ ĐĂNG KÝ THAM GIA TUYỂN CHỌN, GIAO TRỰC TIẾP THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP QUỐC GIA

Điều 5. Hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia

Tổ chức và cá nhân chuẩn bị hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia theo hướng dẫn và các Biểu mẫu của Phụ lục I kèm theo Thông tư này, bao gồm:

1. Hồ sơ pháp lý của tổ chức chủ trì:

a) Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức chủ trì;

b) Điều lệ hoạt động của tổ chức chủ trì (nếu có);

2. Đơn đăng ký chủ trì thực hiện nhiệm vụ cấp quốc gia (Biểu B1-1- ĐON);

3. Thuyết minh đề tài (Biểu B1-2a-TMĐTCN hoặc Biểu B1-2b- TMĐTXH); thuyết minh dự án SXTN (Biểu B1-2c-TMDA); thuyết minh đề án (Biểu B1-2d-TMĐA). Thuyết minh dự án KHCN được chuẩn bị theo biểu mẫu của từng chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia tương ứng;

4. Tóm tắt hoạt động khoa học và công nghệ của tổ chức đăng ký chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia (Biểu B1-3-LLTC);

5. Lý lịch khoa học của cá nhân đăng ký chủ nhiệm và các thành viên thực hiện chính, thư ký khoa học thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia có xác nhận của cơ quan quản lý nhân sự (Biểu B1-4-LLCN);

6. Lý lịch khoa học của chuyên gia trong nước, chuyên gia nước ngoài (Biểu B1-4-LLCN), trong đó có kê khai mức lương chuyên gia (trường hợp nhiệm vụ khoa học và công nghệ có thuê chuyên gia);

7. Văn bản xác nhận (nếu có) về sự đồng ý của các tổ chức tham gia phối hợp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia (Biểu B1-5- PHNC);

8. Báo giá thiết bị, nguyên vật liệu chính cần mua sắm, dịch vụ cần thuê để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia (thời gian báo giá không quá 30 ngày tính đến thời điểm nộp hồ sơ). Báo giá được cập nhật, điều chỉnh, bổ sung trước thời điểm họp thẩm định kinh phí (nếu cần);

9. Báo cáo tài chính của 02 đến 03 năm gần nhất của tổ chức chủ trì đã nộp các cơ quan quản lý theo quy định;

10. Phương án huy động vốn đối ứng đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia phải có vốn đối ứng. Văn bản cụ thể cần có cho từng trường hợp trong phương án huy động vốn đối ứng như sau:

a) Đối với trường hợp sử dụng nguồn vốn tự có: Hồ sơ minh chứng tổ chức chủ trì có thể huy động được nguồn vốn tự có để thực hiện nhiệm vụ.

b) Đối với trường hợp huy động vốn từ các cá nhân/tổ chức hoặc huy động vốn góp của chủ sở hữu: Cam kết pháp lý và giấy tờ xác nhận về việc đóng góp vốn của các cá nhân/tổ chức/chủ sở hữu cho tổ chức chủ trì để thực hiện nhiệm vụ

c) Đối với trường hợp vay tổ chức tín dụng: Cam kết cho vay vốn của các tổ chức tín dụng để thực hiện nhiệm vụ hoặc hợp đồng hạn mức tín dụng còn hiệu lực của tổ chức tín dụng đối với tổ chức chủ trì. Trước khi ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ, nếu Tổ thẩm định kinh phí có yêu cầu, tổ chức chủ trì bổ sung Hợp đồng tín dụng cho nhiệm vụ với tổng giá trị hợp đồng tín dụng đảm bảo được vốn đối ứng thực hiện nhiệm vụ;

11. Tài liệu liên quan khác, nếu tổ chức đăng ký tham gia tuyển chọn hoặc giao trực tiếp thấy cần thiết bổ sung làm tăng tính thuyết phục của hồ sơ hoặc đơn vị quản lý cần làm rõ thông tin trong quá trình tuyển chọn và thẩm định nhiệm vụ.

Điều 6. Nộp hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia

1. Hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp gồm 01 bộ hồ sơ trình bày và in trên khổ giấy A4, sử dụng phông chữ tiếng Việt của bộ mã ký tự Unicode theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6909:2001, cỡ chữ 14 và 01 bản điện tử của hồ sơ (dạng PDF, không đặt mật khẩu). Các tài liệu quy định tại Điều 5 Thông tư này là bản gốc hoặc bản sao có chứng thực. Toàn bộ hồ sơ được đóng gói, có niêm phong và bên ngoài ghi rõ:

a) Tên nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia và tên, mã số (nếu có) của chương trình đăng ký tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp;

b) Tên, địa chỉ của tổ chức đăng ký chủ trì, tên chủ nhiệm nhiệm vụ;

c) Danh mục tài liệu có trong hồ sơ.

2. Hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp được nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện. Thời hạn và địa chỉ nộp hồ sơ theo thông báo của bộ, ngành, địa phương được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng (trường hợp tuyển chọn) và bằng văn bản (trường hợp giao trực tiếp).

3. Ngày nhận hồ sơ là ngày ghi ở dấu của bưu điện gửi đến (trường hợp gửi qua bưu điện) hoặc dấu đến của bộ, ngành, địa phương (trường hợp nộp trực tiếp).

4. Trong thời hạn quy định nộp hồ sơ, tổ chức và cá nhân đăng ký tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp có quyền rút hồ sơ đã nộp để thay bằng hồ sơ mới hoặc bổ sung hồ sơ đã nộp.

Việc thay hồ sơ mới hoặc bổ sung hồ sơ phải hoàn tất trước thời hạn nộp hồ sơ theo quy định, các tài liệu bổ sung sau thời hạn nộp hồ sơ theo quy định không là bộ phận cấu thành của hồ sơ, trừ tài liệu quy định tại khoản 8 và điểm c khoản 10 Điều 5 Thông tư này.

Điều 7. Mở, kiểm tra và xác nhận tính hợp lệ của hồ sơ tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia

1. Kết thúc thời hạn nhận hồ sơ đăng ký tuyển chọn, giao trực tiếp trong thời hạn 07 ngày làm việc, đơn vị được bộ, ngành, địa phương giao tổ chức Hội đồng tuyển chọn, giao trực tiếp (sau đây gọi tắt là Hội đồng) thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia có trách nhiệm:

a) Mở, kiểm tra và xác nhận tính hợp lệ của hồ sơ với sự tham dự của đại diện các cơ quan liên quan, đại diện tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp;

b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát, kiểm tra các thông tin liên quan đến quy định tại Điều 4 Thông tư này.

2. Hồ sơ hợp lệ được đưa vào xem xét, đánh giá là hồ sơ được chuẩn bị theo đúng các biểu mẫu và đáp ứng quy định tại Điều 4, 5 và Điều 6 Thông tư này.

3. Kết quả mở hồ sơ được ghi thành biên bản theo Biểu B2-1-BBHS của Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc mở, kiểm tra và xác nhận tính hợp lệ của hồ sơ, bộ, ngành, địa phương thông báo cho tổ chức nộp hồ sơ đối với hồ sơ không hợp lệ.

Xem nội dung VB
Điều 20. Quyền của cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ
...
5. Đăng ký tham gia tuyển chọn hoặc được giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Khoản này được hướng dẫn bởi Mục 1, 2 Chương II và Chương IV Thông tư 20/2023/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 27/11/2023
Hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia được hướng dẫn bởi Chương II Thông tư 08/2017/TT-BKHCN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16 tháng 8 năm 2017 (VB hết hiệu lực: 27/11/2023)
Điều này được hướng dẫn bởi Nghị định 13/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 3 năm 2019
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định về doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
...
Điều 2. Giải thích từ ngữ
...
Điều 3. Kết quả khoa học và công nghệ
...
Điều 4. Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Chương II CHỨNG NHẬN DOANH NGHIỆP KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Điều 5. Thẩm quyền cấp, cấp thay đổi nội dung, cấp lại, thu hồi, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Điều 6. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Điều 7. Thủ tục, hồ sơ đề nghị chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Điều 8. Thẩm định hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Điều 9. Cấp thay đổi nội dung, cấp lại Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Điều 10. Thu hồi, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Điều 11. Kinh phí cho việc thẩm định hồ sơ để cấp, cấp thay đổi nội dung, cấp lại, thu hồi, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Chương III CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI, HỖ TRỢ

Điều 12. Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp
...
Điều 13. Miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước
...
Điều 14. Ưu đãi tín dụng cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và sản xuất kinh doanh
...
Điều 15. Việc giao tài sản kết quả khoa học và công nghệ hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước
...
Điều 16. Hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, thương mại hóa kết quả khoa học và công nghệ
...
Điều 17. Hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng, đổi mới công nghệ
...
Chương IV TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 18. Trách nhiệm của doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Điều 19. Trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ
...
Điều 20. Trách nhiệm của Bộ Tài chính
...
Điều 21. Trách nhiệm của các bộ, ngành
...
Điều 22. Trách nhiệm của Ngân hàng Phát triển Việt Nam
...
Điều 23. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
...
Chương V ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 24. Điều khoản chuyển tiếp
...
Điều 25. Hiệu lực thi hành
...
Điều 26. Trách nhiệm thi hành
...
PHỤ LỤC
...
Mẫu số 01 GIẤY ĐỀ NGHỊ CHỨNG NHẬN DOANH NGHIỆP KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
...
Mẫu số 02 PHƯƠNG ÁN SẢN XUẤT, KINH DOANH SẢN PHẨM HÌNH THÀNH TỪ KẾT QUẢ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
...
Mẫu số 03 GIẤY CHỨNG NHẬN DOANH NGHIỆP KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
...
Mẫu số 04 GIẤY ĐỀ NGHỊ CẤP THAY ĐỔI NỘI DUNG/CẤP LẠI GIẤY CHỨNG NHẬN DOANH NGHIỆP KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Xem nội dung VB
Điều 58. Phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ

1. Doanh nghiệp khoa học và công nghệ là doanh nghiệp thực hiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khoa học và công nghệ để tạo ra sản phẩm, hàng hoá từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

2. Doanh nghiệp khoa học và công nghệ phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Là doanh nghiệp được thành lập, đăng ký kinh doanh, tổ chức quản lý và hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp;

b) Có năng lực thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ;

c) Doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hoá hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt tỷ lệ theo quy định.

3. Ngoài ưu đãi quy định tại Điều 57 của Luật này, doanh nghiệp khoa học và công nghệ còn được hưởng ưu đãi sau đây:

a) Được xem xét, giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thuộc sở hữu nhà nước;

b) Được hưởng chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà theo quy định của pháp luật;

c) Được ưu tiên thuê đất, cơ sở hạ tầng trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao;

d) Được hưởng chính sách ưu đãi về tín dụng đầu tư của Ngân hàng phát triển Việt Nam, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia và các quỹ khác để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh;

đ) Được ưu tiên sử dụng trang thiết bị phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ của Nhà nước.

4. Chính phủ quy định cụ thể Điều này.
Điều này được hướng dẫn bởi Nghị định 13/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 3 năm 2019
Điều này được hướng dẫn bởi Nghị định 13/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 3 năm 2019
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định về doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
...
Điều 2. Giải thích từ ngữ
...
Điều 3. Kết quả khoa học và công nghệ
...
Điều 4. Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Chương II CHỨNG NHẬN DOANH NGHIỆP KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Điều 5. Thẩm quyền cấp, cấp thay đổi nội dung, cấp lại, thu hồi, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Điều 6. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Điều 7. Thủ tục, hồ sơ đề nghị chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Điều 8. Thẩm định hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Điều 9. Cấp thay đổi nội dung, cấp lại Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Điều 10. Thu hồi, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Điều 11. Kinh phí cho việc thẩm định hồ sơ để cấp, cấp thay đổi nội dung, cấp lại, thu hồi, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Chương III CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI, HỖ TRỢ

Điều 12. Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp
...
Điều 13. Miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước
...
Điều 14. Ưu đãi tín dụng cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và sản xuất kinh doanh
...
Điều 15. Việc giao tài sản kết quả khoa học và công nghệ hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước
...
Điều 16. Hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, thương mại hóa kết quả khoa học và công nghệ
...
Điều 17. Hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng, đổi mới công nghệ
...
Chương IV TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 18. Trách nhiệm của doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Điều 19. Trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ
...
Điều 20. Trách nhiệm của Bộ Tài chính
...
Điều 21. Trách nhiệm của các bộ, ngành
...
Điều 22. Trách nhiệm của Ngân hàng Phát triển Việt Nam
...
Điều 23. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
...
Chương V ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 24. Điều khoản chuyển tiếp
...
Điều 25. Hiệu lực thi hành
...
Điều 26. Trách nhiệm thi hành
...
PHỤ LỤC
...
Mẫu số 01 GIẤY ĐỀ NGHỊ CHỨNG NHẬN DOANH NGHIỆP KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
...
Mẫu số 02 PHƯƠNG ÁN SẢN XUẤT, KINH DOANH SẢN PHẨM HÌNH THÀNH TỪ KẾT QUẢ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
...
Mẫu số 03 GIẤY CHỨNG NHẬN DOANH NGHIỆP KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
...
Mẫu số 04 GIẤY ĐỀ NGHỊ CẤP THAY ĐỔI NỘI DUNG/CẤP LẠI GIẤY CHỨNG NHẬN DOANH NGHIỆP KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Xem nội dung VB
Điều 58. Phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ

1. Doanh nghiệp khoa học và công nghệ là doanh nghiệp thực hiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khoa học và công nghệ để tạo ra sản phẩm, hàng hoá từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

2. Doanh nghiệp khoa học và công nghệ phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Là doanh nghiệp được thành lập, đăng ký kinh doanh, tổ chức quản lý và hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp;

b) Có năng lực thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ;

c) Doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hoá hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt tỷ lệ theo quy định.

3. Ngoài ưu đãi quy định tại Điều 57 của Luật này, doanh nghiệp khoa học và công nghệ còn được hưởng ưu đãi sau đây:

a) Được xem xét, giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thuộc sở hữu nhà nước;

b) Được hưởng chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà theo quy định của pháp luật;

c) Được ưu tiên thuê đất, cơ sở hạ tầng trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao;

d) Được hưởng chính sách ưu đãi về tín dụng đầu tư của Ngân hàng phát triển Việt Nam, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia và các quỹ khác để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh;

đ) Được ưu tiên sử dụng trang thiết bị phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ của Nhà nước.

4. Chính phủ quy định cụ thể Điều này.
Điều này được hướng dẫn bởi Nghị định 13/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 3 năm 2019
Điều này được hướng dẫn bởi Nghị định 13/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 3 năm 2019
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định về doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
...
Điều 2. Giải thích từ ngữ
...
Điều 3. Kết quả khoa học và công nghệ
...
Điều 4. Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Chương II CHỨNG NHẬN DOANH NGHIỆP KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Điều 5. Thẩm quyền cấp, cấp thay đổi nội dung, cấp lại, thu hồi, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Điều 6. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Điều 7. Thủ tục, hồ sơ đề nghị chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Điều 8. Thẩm định hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Điều 9. Cấp thay đổi nội dung, cấp lại Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Điều 10. Thu hồi, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Điều 11. Kinh phí cho việc thẩm định hồ sơ để cấp, cấp thay đổi nội dung, cấp lại, thu hồi, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Chương III CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI, HỖ TRỢ

Điều 12. Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp
...
Điều 13. Miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước
...
Điều 14. Ưu đãi tín dụng cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và sản xuất kinh doanh
...
Điều 15. Việc giao tài sản kết quả khoa học và công nghệ hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước
...
Điều 16. Hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, thương mại hóa kết quả khoa học và công nghệ
...
Điều 17. Hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng, đổi mới công nghệ
...
Chương IV TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 18. Trách nhiệm của doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Điều 19. Trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ
...
Điều 20. Trách nhiệm của Bộ Tài chính
...
Điều 21. Trách nhiệm của các bộ, ngành
...
Điều 22. Trách nhiệm của Ngân hàng Phát triển Việt Nam
...
Điều 23. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
...
Chương V ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 24. Điều khoản chuyển tiếp
...
Điều 25. Hiệu lực thi hành
...
Điều 26. Trách nhiệm thi hành
...
PHỤ LỤC
...
Mẫu số 01 GIẤY ĐỀ NGHỊ CHỨNG NHẬN DOANH NGHIỆP KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
...
Mẫu số 02 PHƯƠNG ÁN SẢN XUẤT, KINH DOANH SẢN PHẨM HÌNH THÀNH TỪ KẾT QUẢ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
...
Mẫu số 03 GIẤY CHỨNG NHẬN DOANH NGHIỆP KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
...
Mẫu số 04 GIẤY ĐỀ NGHỊ CẤP THAY ĐỔI NỘI DUNG/CẤP LẠI GIẤY CHỨNG NHẬN DOANH NGHIỆP KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Xem nội dung VB
Điều 58. Phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ

1. Doanh nghiệp khoa học và công nghệ là doanh nghiệp thực hiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khoa học và công nghệ để tạo ra sản phẩm, hàng hoá từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

2. Doanh nghiệp khoa học và công nghệ phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Là doanh nghiệp được thành lập, đăng ký kinh doanh, tổ chức quản lý và hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp;

b) Có năng lực thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ;

c) Doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hoá hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt tỷ lệ theo quy định.

3. Ngoài ưu đãi quy định tại Điều 57 của Luật này, doanh nghiệp khoa học và công nghệ còn được hưởng ưu đãi sau đây:

a) Được xem xét, giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thuộc sở hữu nhà nước;

b) Được hưởng chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà theo quy định của pháp luật;

c) Được ưu tiên thuê đất, cơ sở hạ tầng trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao;

d) Được hưởng chính sách ưu đãi về tín dụng đầu tư của Ngân hàng phát triển Việt Nam, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia và các quỹ khác để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh;

đ) Được ưu tiên sử dụng trang thiết bị phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ của Nhà nước.

4. Chính phủ quy định cụ thể Điều này.
Điều này được hướng dẫn bởi Nghị định 13/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 3 năm 2019
Điều này được hướng dẫn bởi Nghị định 13/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 3 năm 2019
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định về doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
...
Điều 2. Giải thích từ ngữ
...
Điều 3. Kết quả khoa học và công nghệ
...
Điều 4. Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Chương II CHỨNG NHẬN DOANH NGHIỆP KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Điều 5. Thẩm quyền cấp, cấp thay đổi nội dung, cấp lại, thu hồi, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Điều 6. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Điều 7. Thủ tục, hồ sơ đề nghị chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Điều 8. Thẩm định hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Điều 9. Cấp thay đổi nội dung, cấp lại Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Điều 10. Thu hồi, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Điều 11. Kinh phí cho việc thẩm định hồ sơ để cấp, cấp thay đổi nội dung, cấp lại, thu hồi, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Chương III CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI, HỖ TRỢ

Điều 12. Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp
...
Điều 13. Miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước
...
Điều 14. Ưu đãi tín dụng cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và sản xuất kinh doanh
...
Điều 15. Việc giao tài sản kết quả khoa học và công nghệ hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước
...
Điều 16. Hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, thương mại hóa kết quả khoa học và công nghệ
...
Điều 17. Hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng, đổi mới công nghệ
...
Chương IV TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 18. Trách nhiệm của doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Điều 19. Trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ
...
Điều 20. Trách nhiệm của Bộ Tài chính
...
Điều 21. Trách nhiệm của các bộ, ngành
...
Điều 22. Trách nhiệm của Ngân hàng Phát triển Việt Nam
...
Điều 23. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
...
Chương V ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 24. Điều khoản chuyển tiếp
...
Điều 25. Hiệu lực thi hành
...
Điều 26. Trách nhiệm thi hành
...
PHỤ LỤC
...
Mẫu số 01 GIẤY ĐỀ NGHỊ CHỨNG NHẬN DOANH NGHIỆP KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
...
Mẫu số 02 PHƯƠNG ÁN SẢN XUẤT, KINH DOANH SẢN PHẨM HÌNH THÀNH TỪ KẾT QUẢ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
...
Mẫu số 03 GIẤY CHỨNG NHẬN DOANH NGHIỆP KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
...
Mẫu số 04 GIẤY ĐỀ NGHỊ CẤP THAY ĐỔI NỘI DUNG/CẤP LẠI GIẤY CHỨNG NHẬN DOANH NGHIỆP KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Xem nội dung VB
Điều 58. Phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ

1. Doanh nghiệp khoa học và công nghệ là doanh nghiệp thực hiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khoa học và công nghệ để tạo ra sản phẩm, hàng hoá từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

2. Doanh nghiệp khoa học và công nghệ phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Là doanh nghiệp được thành lập, đăng ký kinh doanh, tổ chức quản lý và hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp;

b) Có năng lực thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ;

c) Doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hoá hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt tỷ lệ theo quy định.

3. Ngoài ưu đãi quy định tại Điều 57 của Luật này, doanh nghiệp khoa học và công nghệ còn được hưởng ưu đãi sau đây:

a) Được xem xét, giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thuộc sở hữu nhà nước;

b) Được hưởng chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà theo quy định của pháp luật;

c) Được ưu tiên thuê đất, cơ sở hạ tầng trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao;

d) Được hưởng chính sách ưu đãi về tín dụng đầu tư của Ngân hàng phát triển Việt Nam, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia và các quỹ khác để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh;

đ) Được ưu tiên sử dụng trang thiết bị phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ của Nhà nước.

4. Chính phủ quy định cụ thể Điều này.
Điều này được hướng dẫn bởi Nghị định 13/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 3 năm 2019
Điều này được hướng dẫn bởi Nghị định 13/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 3 năm 2019
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định về doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
...
Điều 2. Giải thích từ ngữ
...
Điều 3. Kết quả khoa học và công nghệ
...
Điều 4. Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Chương II CHỨNG NHẬN DOANH NGHIỆP KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Điều 5. Thẩm quyền cấp, cấp thay đổi nội dung, cấp lại, thu hồi, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Điều 6. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Điều 7. Thủ tục, hồ sơ đề nghị chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Điều 8. Thẩm định hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Điều 9. Cấp thay đổi nội dung, cấp lại Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Điều 10. Thu hồi, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Điều 11. Kinh phí cho việc thẩm định hồ sơ để cấp, cấp thay đổi nội dung, cấp lại, thu hồi, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Chương III CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI, HỖ TRỢ

Điều 12. Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp
...
Điều 13. Miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước
...
Điều 14. Ưu đãi tín dụng cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và sản xuất kinh doanh
...
Điều 15. Việc giao tài sản kết quả khoa học và công nghệ hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước
...
Điều 16. Hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, thương mại hóa kết quả khoa học và công nghệ
...
Điều 17. Hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng, đổi mới công nghệ
...
Chương IV TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 18. Trách nhiệm của doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Điều 19. Trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ
...
Điều 20. Trách nhiệm của Bộ Tài chính
...
Điều 21. Trách nhiệm của các bộ, ngành
...
Điều 22. Trách nhiệm của Ngân hàng Phát triển Việt Nam
...
Điều 23. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
...
Chương V ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 24. Điều khoản chuyển tiếp
...
Điều 25. Hiệu lực thi hành
...
Điều 26. Trách nhiệm thi hành
...
PHỤ LỤC
...
Mẫu số 01 GIẤY ĐỀ NGHỊ CHỨNG NHẬN DOANH NGHIỆP KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
...
Mẫu số 02 PHƯƠNG ÁN SẢN XUẤT, KINH DOANH SẢN PHẨM HÌNH THÀNH TỪ KẾT QUẢ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
...
Mẫu số 03 GIẤY CHỨNG NHẬN DOANH NGHIỆP KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
...
Mẫu số 04 GIẤY ĐỀ NGHỊ CẤP THAY ĐỔI NỘI DUNG/CẤP LẠI GIẤY CHỨNG NHẬN DOANH NGHIỆP KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Xem nội dung VB
Điều 58. Phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ

1. Doanh nghiệp khoa học và công nghệ là doanh nghiệp thực hiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khoa học và công nghệ để tạo ra sản phẩm, hàng hoá từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

2. Doanh nghiệp khoa học và công nghệ phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Là doanh nghiệp được thành lập, đăng ký kinh doanh, tổ chức quản lý và hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp;

b) Có năng lực thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ;

c) Doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hoá hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt tỷ lệ theo quy định.

3. Ngoài ưu đãi quy định tại Điều 57 của Luật này, doanh nghiệp khoa học và công nghệ còn được hưởng ưu đãi sau đây:

a) Được xem xét, giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thuộc sở hữu nhà nước;

b) Được hưởng chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà theo quy định của pháp luật;

c) Được ưu tiên thuê đất, cơ sở hạ tầng trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao;

d) Được hưởng chính sách ưu đãi về tín dụng đầu tư của Ngân hàng phát triển Việt Nam, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia và các quỹ khác để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh;

đ) Được ưu tiên sử dụng trang thiết bị phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ của Nhà nước.

4. Chính phủ quy định cụ thể Điều này.
Điều này được hướng dẫn bởi Nghị định 13/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 3 năm 2019
Điều này được hướng dẫn bởi Nghị định 13/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 3 năm 2019
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định về doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
...
Điều 2. Giải thích từ ngữ
...
Điều 3. Kết quả khoa học và công nghệ
...
Điều 4. Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Chương II CHỨNG NHẬN DOANH NGHIỆP KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Điều 5. Thẩm quyền cấp, cấp thay đổi nội dung, cấp lại, thu hồi, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Điều 6. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Điều 7. Thủ tục, hồ sơ đề nghị chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Điều 8. Thẩm định hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Điều 9. Cấp thay đổi nội dung, cấp lại Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Điều 10. Thu hồi, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Điều 11. Kinh phí cho việc thẩm định hồ sơ để cấp, cấp thay đổi nội dung, cấp lại, thu hồi, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Chương III CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI, HỖ TRỢ

Điều 12. Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp
...
Điều 13. Miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước
...
Điều 14. Ưu đãi tín dụng cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và sản xuất kinh doanh
...
Điều 15. Việc giao tài sản kết quả khoa học và công nghệ hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước
...
Điều 16. Hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, thương mại hóa kết quả khoa học và công nghệ
...
Điều 17. Hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng, đổi mới công nghệ
...
Chương IV TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 18. Trách nhiệm của doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Điều 19. Trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ
...
Điều 20. Trách nhiệm của Bộ Tài chính
...
Điều 21. Trách nhiệm của các bộ, ngành
...
Điều 22. Trách nhiệm của Ngân hàng Phát triển Việt Nam
...
Điều 23. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
...
Chương V ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 24. Điều khoản chuyển tiếp
...
Điều 25. Hiệu lực thi hành
...
Điều 26. Trách nhiệm thi hành
...
PHỤ LỤC
...
Mẫu số 01 GIẤY ĐỀ NGHỊ CHỨNG NHẬN DOANH NGHIỆP KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
...
Mẫu số 02 PHƯƠNG ÁN SẢN XUẤT, KINH DOANH SẢN PHẨM HÌNH THÀNH TỪ KẾT QUẢ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
...
Mẫu số 03 GIẤY CHỨNG NHẬN DOANH NGHIỆP KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
...
Mẫu số 04 GIẤY ĐỀ NGHỊ CẤP THAY ĐỔI NỘI DUNG/CẤP LẠI GIẤY CHỨNG NHẬN DOANH NGHIỆP KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Xem nội dung VB
Điều 58. Phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ

1. Doanh nghiệp khoa học và công nghệ là doanh nghiệp thực hiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khoa học và công nghệ để tạo ra sản phẩm, hàng hoá từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

2. Doanh nghiệp khoa học và công nghệ phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Là doanh nghiệp được thành lập, đăng ký kinh doanh, tổ chức quản lý và hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp;

b) Có năng lực thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ;

c) Doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hoá hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt tỷ lệ theo quy định.

3. Ngoài ưu đãi quy định tại Điều 57 của Luật này, doanh nghiệp khoa học và công nghệ còn được hưởng ưu đãi sau đây:

a) Được xem xét, giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thuộc sở hữu nhà nước;

b) Được hưởng chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà theo quy định của pháp luật;

c) Được ưu tiên thuê đất, cơ sở hạ tầng trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao;

d) Được hưởng chính sách ưu đãi về tín dụng đầu tư của Ngân hàng phát triển Việt Nam, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia và các quỹ khác để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh;

đ) Được ưu tiên sử dụng trang thiết bị phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ của Nhà nước.

4. Chính phủ quy định cụ thể Điều này.
Điều này được hướng dẫn bởi Nghị định 13/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 3 năm 2019
Điều này được hướng dẫn bởi Nghị định 13/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 3 năm 2019
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định về doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
...
Điều 2. Giải thích từ ngữ
...
Điều 3. Kết quả khoa học và công nghệ
...
Điều 4. Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Chương II CHỨNG NHẬN DOANH NGHIỆP KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Điều 5. Thẩm quyền cấp, cấp thay đổi nội dung, cấp lại, thu hồi, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Điều 6. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Điều 7. Thủ tục, hồ sơ đề nghị chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Điều 8. Thẩm định hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Điều 9. Cấp thay đổi nội dung, cấp lại Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Điều 10. Thu hồi, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Điều 11. Kinh phí cho việc thẩm định hồ sơ để cấp, cấp thay đổi nội dung, cấp lại, thu hồi, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Chương III CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI, HỖ TRỢ

Điều 12. Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp
...
Điều 13. Miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước
...
Điều 14. Ưu đãi tín dụng cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và sản xuất kinh doanh
...
Điều 15. Việc giao tài sản kết quả khoa học và công nghệ hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước
...
Điều 16. Hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, thương mại hóa kết quả khoa học và công nghệ
...
Điều 17. Hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng, đổi mới công nghệ
...
Chương IV TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 18. Trách nhiệm của doanh nghiệp khoa học và công nghệ
...
Điều 19. Trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ
...
Điều 20. Trách nhiệm của Bộ Tài chính
...
Điều 21. Trách nhiệm của các bộ, ngành
...
Điều 22. Trách nhiệm của Ngân hàng Phát triển Việt Nam
...
Điều 23. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
...
Chương V ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 24. Điều khoản chuyển tiếp
...
Điều 25. Hiệu lực thi hành
...
Điều 26. Trách nhiệm thi hành
...
PHỤ LỤC
...
Mẫu số 01 GIẤY ĐỀ NGHỊ CHỨNG NHẬN DOANH NGHIỆP KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
...
Mẫu số 02 PHƯƠNG ÁN SẢN XUẤT, KINH DOANH SẢN PHẨM HÌNH THÀNH TỪ KẾT QUẢ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
...
Mẫu số 03 GIẤY CHỨNG NHẬN DOANH NGHIỆP KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
...
Mẫu số 04 GIẤY ĐỀ NGHỊ CẤP THAY ĐỔI NỘI DUNG/CẤP LẠI GIẤY CHỨNG NHẬN DOANH NGHIỆP KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Xem nội dung VB
Điều 58. Phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ

1. Doanh nghiệp khoa học và công nghệ là doanh nghiệp thực hiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khoa học và công nghệ để tạo ra sản phẩm, hàng hoá từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

2. Doanh nghiệp khoa học và công nghệ phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Là doanh nghiệp được thành lập, đăng ký kinh doanh, tổ chức quản lý và hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp;

b) Có năng lực thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ;

c) Doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hoá hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt tỷ lệ theo quy định.

3. Ngoài ưu đãi quy định tại Điều 57 của Luật này, doanh nghiệp khoa học và công nghệ còn được hưởng ưu đãi sau đây:

a) Được xem xét, giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thuộc sở hữu nhà nước;

b) Được hưởng chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà theo quy định của pháp luật;

c) Được ưu tiên thuê đất, cơ sở hạ tầng trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao;

d) Được hưởng chính sách ưu đãi về tín dụng đầu tư của Ngân hàng phát triển Việt Nam, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia và các quỹ khác để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh;

đ) Được ưu tiên sử dụng trang thiết bị phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ của Nhà nước.

4. Chính phủ quy định cụ thể Điều này.
Điều này được hướng dẫn bởi Nghị định 13/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 3 năm 2019
Khoản này được hướng dẫn bởi Nghị định 23/2014/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2014
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia.

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị định này Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia.

Điều 2. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2014, thay thế Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia được ban hành kèm theo Nghị định số 122/2003/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về việc thành lập Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

ĐIỀU LỆ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUỐC GIA

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Chức năng của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia

Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (sau đây gọi tắt là Quỹ) hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, có chức năng tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay, cấp kinh phí để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; hỗ trợ hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia.

Tên giao dịch quốc tế của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia là National Foundation for Science and Technology Development, viết tắt là NAFOSTED.

Điều 2. Địa vị pháp lý của Quỹ

Quỹ là đơn vị sự nghiệp, trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và tại các ngân hàng trong nước. Quỹ có trụ sở chính tại Thành phố Hà Nội, văn phòng đại diện ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác.

Điều 3. Đối tượng tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay, hỗ trợ, cấp kinh phí của Quỹ

1. Đối tượng tài trợ: Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do tổ chức, cá nhân đề xuất, bao gồm:

a) Nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản;

b) Nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng;

c) Nhiệm vụ khoa học và công nghệ đột xuất có ý nghĩa quan trọng về khoa học và thực tiễn, nhiệm vụ khoa học và công nghệ tiềm năng.

2. Đối tượng cho vay: Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhằm ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất và đời sống do tổ chức, cá nhân đề xuất.

*Khoản 2 Điều 3 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 1 Điều 1 Nghị định 19/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/05/2021

2. Đối tượng cho vay: Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất và đời sống.*

3. Đối tượng bảo lãnh vốn vay: Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ chuyên biệt.

4. Đối tượng hỗ trợ: Các hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia.

5. Đối tượng cấp kinh phí: Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ trực tiếp quản lý, bao gồm:

a) Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia;

b) Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ khác theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

*Khoản 5 Điều 3 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 1 Điều 1 Nghị định 19/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/05/2021

5. Đối tượng cấp kinh phí: Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.*

Điều 4. Nguyên tắc tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay, hỗ trợ của Quỹ

1. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ do tổ chức, cá nhân đề xuất tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay của Quỹ được xét chọn công khai, dân chủ, bình đẳng thông qua Hội đồng khoa học và công nghệ do Quỹ thành lập. Trong trường hợp cần thiết, Quỹ lấy thêm ý kiến tư vấn của chuyên gia tư vấn độc lập trước khi quyết định.

Hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia được xem xét hỗ trợ công khai, dân chủ, bình đẳng theo các quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ.

2. Quỹ thực hiện quản lý chất lượng nghiên cứu theo chuẩn mực quốc tế. Nội dung nghiên cứu của nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Quỹ tài trợ không được trùng lắp với các nghiên cứu đã hoặc đang thực hiện bằng nguồn vốn của Quỹ hoặc nguồn vốn khác của Nhà nước.

*Khoản 2 Điêu 4 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 2 Điều 1 Nghị định 19/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/05/2021

2. Quỹ thực hiện quản lý chất lượng nghiên cứu theo chuẩn mực quốc tế, đảm bảo liêm chính học thuật và đạo đức nghiên cứu đối với các nghiên cứu do Quỹ tài trợ. Nội dung nghiên cứu của nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Quỹ tài trợ không được trùng lặp với các nghiên cứu đã hoặc đang thực hiện bằng nguồn kinh phí của Quỹ hoặc nguồn kinh phí khác của Nhà nước.*

3. Quỹ tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay để thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia và tương đương (có ý nghĩa tầm quốc gia hoặc liên ngành, vùng) do tổ chức, cá nhân đề xuất.

*Khoản 3 Điều 4 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 2 Điều 1 Nghị định 19/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/05/2021

3. Quỹ tài trợ thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia và tương đương (có ý nghĩa tầm quốc gia hoặc liên ngành, vùng) do tổ chức, cá nhân đề xuất.*

Điều 5. Điều kiện đăng ký tài trợ, vay vốn, bảo lãnh vốn vay, hỗ trợ của Quỹ

1. Tổ chức, cá nhân đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ phải có đủ năng lực chuyên môn và điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật phù hợp với từng loại nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

2. Tổ chức, cá nhân đề xuất vay vốn, bảo lãnh vốn vay phải tuân theo các quy định của pháp luật có liên quan.

3. Tổ chức, cá nhân đăng ký hỗ trợ hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ phải có chuyên môn phù hợp loại hình đề nghị hỗ trợ.

Chương II NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, BỘ MÁY TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ

Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn của Quỹ

1. Tiếp nhận các nguồn vốn của Nhà nước, tổ chức, cá nhân; các khoản đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài. Tổ chức thực hiện tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay, hỗ trợ các hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia, cấp kinh phí đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ trực tiếp quản lý.

2. Công bố các định hướng ưu tiên, nội dung, yêu cầu và thể thức cụ thể để mọi tổ chức, cá nhân đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ đề nghị Quỹ tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay và hỗ trợ.

*Khoản 2 Điều 6 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 3 Điều 1 Nghị định 19/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/05/2021

2. Công bố các định hướng ưu tiên, nội dung, yêu cầu và thể thức cụ thể để tổ chức, cá nhân đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ, hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia đề nghị Quỹ tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay và hỗ trợ.*

3. Tổ chức việc xét chọn và thẩm định kinh phí nhiệm vụ khoa học và công nghệ, các hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia để Quỹ tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay và hỗ trợ.

4. Kiểm tra, đánh giá về nội dung chuyên môn và tình hình thực hiện tài chính của các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, các hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia được Quỹ tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay và hỗ trợ.

5. Tổ chức đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Quỹ tài trợ.

Đánh giá kết quả, hiệu quả các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia do Quỹ tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay và hỗ trợ.

6. Đình chỉ hoặc trình cơ quan có thẩm quyền đình chỉ việc tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay, hỗ trợ, cấp kinh phí hoặc thu hồi kinh phí đã tài trợ, cho vay, hỗ trợ, cấp phát, từ chối trả nợ thay khi phát hiện tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về sử dụng vốn của Quỹ và các quy định pháp luật có liên quan.

7. Nhận ủy thác tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ của tổ chức, cá nhân.

8. Giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến hoạt động của Quỹ theo quy định của pháp luật.

9. Quản lý, sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước giao và các nguồn lực khác theo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ và quy định của pháp luật.

*Khoản 9 Điều 6 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 3 Điều 1 Nghị định 19/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/05/2021

9. Quản lý, sử dụng tài sản theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.*

10. Quản lý tổ chức và cán bộ của Quỹ theo quy định của pháp luật.

11. Ban hành Quy chế hoạt động và các quy định khác phục vụ cho hoạt động của Quỹ.

12. Hợp tác với tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước, tổ chức quốc tế về các vấn đề liên quan đến hoạt động của Quỹ.

Điều 7. Bộ máy quản lý và điều hành của Quỹ

Bộ máy quản lý và điều hành của Quỹ gồm Hội đồng quản lý Quỹ, Cơ quan điều hành Quỹ và Ban Kiểm soát Quỹ.

Điều 8. Hội đồng quản lý Quỹ

1. Hội đồng quản lý Quỹ gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các ủy viên. Hội đồng có 7 hoặc 9 thành viên là các nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện doanh nghiệp có uy tín, có trình độ, hoạt động theo chế độ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm theo nhiệm kỳ 05 năm.

Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các ủy viên Hội đồng quản lý Quỹ do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ bổ nhiệm, miễn nhiệm.

*Khoản 1 Điều 8 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 4 Điều 1 Nghị định 19/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/05/2021

1. Hội đồng quản lý Quỹ có 7 hoặc 9 thành viên gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các ủy viên Hội đồng là các nhà khoa học, nhà quản lý có uy tín, có trình độ, hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm theo nhiệm kỳ 5 năm.

Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các ủy viên Hội đồng quản lý Quỹ do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ bổ nhiệm, miễn nhiệm.*

2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng quản lý Quỹ:

a) Quyết định phương hướng và kế hoạch hoạt động của Quỹ trên cơ sở các định hướng ưu tiên phát triển khoa học và công nghệ của Nhà nước;

b) Thành lập Hội đồng khoa học và công nghệ để tư vấn chuyên môn cho Quỹ;

c) Phê duyệt kế hoạch tài chính, báo cáo quyết toán năm của Quỹ do Giám đốc Quỹ trình;

*Điểm c khoản 2 Điều 8 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 4 Điều 1 Nghị định 19/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/05/2021

c) Thông qua kế hoạch tài chính, báo cáo quyết toán năm của Quỹ.*

d) Phê duyệt chương trình, đề tài, đề án, dự án khoa học và công nghệ và kinh phí do Quỹ tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay; nhiệm vụ và kinh phí cho hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia do Quỹ hỗ trợ;

đ) Phê duyệt kế hoạch và báo cáo hoạt động của Ban Kiểm soát Quỹ;

e) Giám sát, kiểm tra hoạt động của Cơ quan điều hành Quỹ, Ban Kiếm soát Quỹ trong việc thực hiện quy định của Nhà nước, Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ và các quyết định của Hội đồng quản lý Quỹ;

g) Ban hành các quy định quản lý hoạt động của Quỹ.

3. Chế độ làm việc của Hội đồng quản lý Quỹ:

a) Hội đồng quản lý Quỹ họp thường kỳ 3 tháng 1 lần để xem xét và quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn; họp bất thường để giải quyết những vấn đề cấp bách theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ hoặc Giám đốc Quỹ hoặc Trưởng Ban Kiểm soát Quỹ hoặc khi có ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng quản lý Quỹ đề nghị. Các cuộc họp của Hội đồng quản lý Quỹ phải có ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng quản lý Quỹ tham dự và phải do Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ được ủy quyền chủ trì;

b) Đối với các vấn đề cần quyết định giữa các phiên họp, Cơ quan điều hành Quỹ gửi tài liệu và Phiếu lấy ý kiến đến từng thành viên Hội đồng;

c) Hội đồng quản lý Quỹ quyết định các vấn đề khi có ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng quản lý Quỹ thông qua. Nội dung và các quyết định của cuộc họp Hội đồng quản lý Quỹ phải được ghi thành biên bản và gửi đến tất cả các thành viên của Hội đồng quản lý Quỹ.

4. Các thành viên Hội đồng quản lý Quỹ có nhiệm vụ tham gia đầy đủ các hoạt động theo quy chế của Hội đồng quản lý Quỹ; được hưởng thù lao và các quyền lợi khác theo quy định của Nhà nước. Các thành viên kiêm nhiệm được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm.

5. Hội đồng quản lý Quỹ sử dụng bộ máy của Cơ quan điều hành Quỹ và con dấu của Quỹ trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo Điều lệ này.

6. Kinh phí hoạt động của Hội đồng quản lý Quỹ được tính vào chi phí hoạt động quản lý của Quỹ.

Điều 9. Cơ quan điều hành Quỹ

Cơ quan điều hành Quỹ gồm Giám đốc Quỹ, các Phó giám đốc Quỹ, các đơn vị chuyên môn, nghiệp vụ và các văn phòng đại diện.

1. Giám đốc Quỹ là đại diện pháp nhân của Quỹ do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm trên cơ sở đề nghị của Hội đồng quản lý Quỹ. Giám đốc Quỹ có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Tổ chức, điều hành và quản lý các hoạt động của Quỹ theo Điều lệ này và các quyết định của Hội đồng quản lý Quỹ;

b) Quản lý nhân sự, tài sản và vốn của Quỹ;

c) Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm trưởng, phó đơn vị chuyên môn, nghiệp vụ, văn phòng đại diện của Quỹ;

d) Được tham gia các phiên họp của Hội đồng quản lý Quỹ, được tham gia ý kiến về các nội dung mà Hội đồng quản lý Quỹ thảo luận, nhưng không được biểu quyết.

2. Phó giám đốc Quỹ do Giám đốc Quỹ đề nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm. Phó giám đốc Quỹ giúp Giám đốc Quỹ thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công.

3. Các đơn vị chuyên môn, nghiệp vụ và văn phòng đại diện của Quỹ là bộ phận giúp việc của Giám đốc Quỹ, do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định trên cơ sở thống nhất đề nghị của Hội đồng quản lý Quỹ và Giám đốc Quỹ.

Điều 10. Ban Kiểm soát Quỹ

1. Ban Kiểm soát Quỹ có từ 3 đến 5 thành viên, gồm Trưởng Ban, Phó trưởng Ban và các thành viên do Hội đồng quản lý Quỹ bổ nhiệm, miễn nhiệm. Thành viên Ban Kiểm soát Quỹ không được là vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị em ruột của các thành viên Hội đồng quản lý Quỹ, Giám đốc Quỹ, Phó giám đốc Quỹ. Thành viên Ban Kiểm soát Quỹ phải là những người có trình độ chuyên môn, am hiểu về các lĩnh vực tài chính, kế toán, ngân hàng và pháp luật, hoạt động kiêm nhiệm theo nhiệm kỳ 05 năm.

2. Ban Kiểm soát Quỹ có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Kiểm tra và báo cáo Hội đồng quản lý Quỹ về tình hình thực hiện Điều lệ của Quỹ, các quyết định của Hội đồng quản lý Quỹ;

b) Hoạt động độc lập theo chương trình đã được Hội đồng quản lý Quỹ thông qua;

c) Xem xét, trình cấp có thẩm quyền giải quyết khiếu nại của tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động của Quỹ.

3. Trưởng Ban Kiểm soát Quỹ hoặc thành viên của Ban Kiểm soát Quỹ được ủy quyền tham dự các cuộc họp của Hội đồng quản lý Quỹ, phát biểu ý kiến về các nội dung mà Hội đồng quản lý Quỹ thảo luận, nhưng không được biểu quyết.

4. Thành viên Ban Kiểm soát Quỹ có nhiệm vụ tham gia đầy đủ các hoạt động theo quy chế; được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm, thù lao và các quyền lợi khác theo quy định của Nhà nước.

5. Kinh phí hoạt động của Ban Kiểm soát được tính vào chi phí hoạt động quản lý của Quỹ.

Điều 11. Hội đồng khoa học và công nghệ

1. Hội đồng khoa học và công nghệ do Hội đồng quản lý Quỹ quyết định thành lập trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Quỹ để tư vấn đánh giá xét chọn các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Quỹ tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay; đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Quỹ tài trợ; xác định hướng nghiên cứu và các vấn đề liên quan khác.

2. Thành viên Hội đồng khoa học và công nghệ là những nhà khoa học, nhà quản lý có uy tín, có trình độ chuyên môn cao, được lựa chọn từ cơ sở dữ liệu chuyên gia của Quỹ trên cơ sở thành tích chuyên môn và tín nhiệm của các nhà khoa học, nhà quản lý trong cùng lĩnh vực chuyên môn.

3. Hội đồng khoa học và công nghệ hoạt động theo nguyên tắc dân chủ, khách quan, trung thực, tuân thủ pháp luật và đạo đức nghề nghiệp. Hội đồng quản lý Quỹ ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng khoa học và công nghệ.

4. Kinh phí hoạt động của Hội đồng khoa học và công nghệ được tính vào chi phí hoạt động quản lý của Quỹ.

Chương III NGUỒN VỐN VÀ SỬ DỤNG VỐN

*Tên Chương III được sửa đổi bởi Khoản 5 Điều 1 Nghị định 19/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/05/2021

Chương III NGÂN SÁCH HOẠT ĐỘNG*

Điều 12. Nguồn vốn hoạt động của Quỹ

1. Vốn từ nguồn ngân sách nhà nước:

a) Ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ cấp vốn điều lệ cho Quỹ là 500 tỷ đồng để tài trợ, hỗ trợ, cho vay, chi hoạt động quản lý của Quỹ và được bổ sung hằng năm để bảo đảm mức vốn ít nhất 500 tỷ đồng. Nguồn ngân sách này được cấp cho Quỹ vào tháng 01 và tháng 7 hằng năm theo kế hoạch tài chính được phế duyệt;

b) Ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ cấp thông qua Quỹ cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ trực tiếp quản lý;

c) Ngân sách thực hiện bảo lãnh vốn vay các nhiệm vụ khoa học và công nghệ chuyên biệt;

d) Các nguồn ngân sách khác.

2. Vốn ngoài ngân sách:

a) Thu từ kết quả hoạt động của Quỹ: Các khoản lãi cho vay, phí bảo lãnh vốn vay, lãi tiền gửi và các khoản thu khác;

b) Các khoản đóng góp tự nguyện, hiến tặng của tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài;

c) Đóng góp từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp nhà nước và đóng góp tự nguyện của doanh nghiệp khác theo quy định của pháp luật;

d) Các nguồn hợp pháp khác.

*Điều 12 được sửa đổi bởi Khoản 6 Điều 1 Nghị định 19/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/05/2021

Điều 12. Ngân sách hoạt động của Quỹ

1. Nguồn ngân sách nhà nước:

a) Kinh phí tài trợ, hỗ trợ và chi hoạt động quản lý của Quỹ được bố trí từ chi sự nghiệp khoa học và công nghệ.

Kinh phí tài trợ, hỗ trợ được cân đối hằng năm ít nhất 500 tỷ đồng được Bộ Tài chính cấp bằng lệnh chi tiền vào tài khoản tiền gửi của Quỹ tại Kho bạc Nhà nước theo kế hoạch tài chính được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt. Kinh phí chi hoạt động quản lý của Quỹ được Bộ Khoa học và Công nghệ giao dự toán hằng năm theo mức độ tự chủ tài chính của Quỹ;

b) Kinh phí cấp thông qua Quỹ cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ giao;

c) Vốn do Thủ tướng Chính phủ giao để thực hiện cho vay ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất và đời sống; bảo lãnh vốn vay cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ chuyên biệt.

2. Các nguồn ngoài ngân sách nhà nước:

a) Thu từ kết quả hoạt động của Quỹ: Các khoản lãi cho vay, phí bảo lãnh vốn vay, lãi tiền gửi và các khoản thu khác;

b) Các khoản đóng góp tự nguyện, hiến tặng của tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài;

c) Đóng góp từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp nhà nước và đóng góp tự nguyện của doanh nghiệp khác theo quy định của pháp luật;

d) Các nguồn hợp pháp khác;

đ) Các nguồn ngoài ngân sách nhà nước chuyển vào tài khoản của Quỹ tại các ngân hàng thương mại. Quỹ thực hiện quản lý, sử dụng các nguồn thu đúng mục đích, đối tượng, hiệu quả và phù hợp với quy định của pháp luật.*

Điều 13. Phương thức tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay, hỗ trợ của Quỹ

1. Tài trợ không hoàn lại hoặc một phần cho việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do các tổ chức, cá nhân đề xuất quy định tại Khoản 1 Điều 3 Điều lệ này.

2. Hỗ trợ hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia, bao gồm:

a) Tham gia hội nghị, hội thảo quốc tế của nhà khoa học trẻ;

b) Nghiên cứu sau tiến sỹ;

c) Thực tập nghiên cứu ngắn hạn ở nước ngoài;

d) Tổ chức hội thảo khoa học quốc tế chuyên ngành ở Việt Nam;

đ) Tham dự và báo cáo công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc tại hội thảo chuyên ngành quốc tế;

e) Công bố công trình khoa học và công nghệ trong nước và quốc tế;

g) Nâng cao chất lượng, chuẩn mực của tạp chí khoa học và công nghệ trong nước;

h) Đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở trong nước và nước ngoài đối với sáng chế và giống cây trồng;

i) Khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện các nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia do Quỹ tài trợ, hỗ trợ.

3. Cho vay không lấy lãi hoặc lãi suất thấp đối với dự án ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất và đời sống:

a) Cho vay không lấy lãi đối với các dự án ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra trong nước và có tạo việc làm, thu nhập cho từ 500 lao động trực tiếp trở lên tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

b) Cho vay với lãi suất bằng 70% lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước trong từng thời kỳ đối với các dự án ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra trong nước không thuộc quy định tại Điểm a Khoản này;

c) Cho vay với lãi suất bằng lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước trong từng thời kỳ đối với các dự án ứng dụng, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ từ nước ngoài;

d) Tổng vốn cho vay hằng năm không quá 20% vốn điều lệ của Quỹ. Tổng dư nợ cho vay không quá 50% vốn điều lệ của Quỹ. Tổng vốn vay hằng năm đối với các dự án quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản này không quá 2/3 vốn cho vay của năm đó theo kế hoạch tài chính đã được phê duyệt.

4. Bảo lãnh vốn vay đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ chuyên biệt do Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện với nguồn vốn riêng.

5. Hoạt động cho vay, bảo lãnh vốn vay quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều này được Quỹ thực hiện thông qua hình thức ủy thác cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Quỹ tổ chức đánh giá, xét chọn nhiệm vụ cho vay, bảo lãnh vốn vay theo các tiêu chí khoa học và công nghệ.

*Điều 13 được sửa đổi bởi Khoản 7 Điều 1 Nghị định 19/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/05/2021

Điều 13. Phương thức tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay, hỗ trợ của Quỹ

1. Tài trợ không hoàn lại toàn bộ hoặc một phần chi phí cho việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do các tổ chức, cá nhân đề xuất quy định tại khoản 1 Điều 3 Điều lệ này.

2. Hỗ trợ hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia, bao gồm:

a) Tham gia hội nghị, hội thảo quốc tế của nhà khoa học trẻ;

b) Nghiên cứu sau tiến sỹ;

c) Thực tập nghiên cứu ngắn hạn ở nước ngoài;

d) Tổ chức hội thảo khoa học quốc tế chuyên ngành ở Việt Nam và các hội thảo nghiên cứu cơ bản chuyên ngành trong nước (theo chuỗi hội thảo hằng năm hoặc cách năm);

đ) Tham dự và báo cáo công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc tại hội thảo chuyên ngành quốc tế;

e) Công bố công trình khoa học và công nghệ trong nước và quốc tế;

g) Nâng cao chất lượng, chuẩn mực của tạp chí khoa học và công nghệ trong nước;

h) Đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở trong nước và nước ngoài đối với sáng chế và giống cây trồng;

i) Khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện các nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia do Quỹ tài trợ, hỗ trợ;

k) Nhà khoa học xuất sắc nước ngoài đến Việt Nam trao đổi học thuật ngắn hạn;

l) Nâng cao năng lực tổ chức nghiên cứu cơ bản đạt trình độ khu vực và thế giới;

m) Thực hiện chính sách sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định của Chính phủ.

3. Cho vay không lấy lãi hoặc lãi suất thấp đối với dự án ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất và đời sống, bảo lãnh vốn vay đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ chuyên biệt do Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện với nguồn vốn riêng.

4. Hoạt động cho vay, bảo lãnh vốn vay quy định tại khoản 3 Điều này được Quỹ thực hiện thông qua hình thức ủy thác cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Quỹ tổ chức đánh giá, xét chọn nhiệm vụ cho vay, bảo lãnh vốn vay theo các tiêu chí khoa học và công nghệ.*

Điều 14. Tổ chức thực hiện tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay, hỗ trợ của Quỹ

1. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kế hoạch của Quỹ được phê duyệt, Quỹ thông báo công khai phương hướng, các lĩnh vực ưu tiên và các quy định về việc tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay, hỗ trợ.

2. Tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ, doanh nghiệp Việt Nam muốn được tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay, hỗ trợ phải nộp hồ sơ theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ.

*Khoản 2 Điều 14 bị bãi bỏ bởi Điều 2 Nghị định 19/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/05/2021*

3. Quỹ thực hiện tổ chức đánh giá, quyết định tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay, hỗ trợ như sau:

a) Đối với hồ sơ đề nghị tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay, Hội đồng khoa học và công nghệ thực hiện đánh giá nhiệm vụ khoa học và công nghệ, tư vấn để Quỹ quyết định việc tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay;

b) Đối với hồ sơ đề nghị hỗ trợ đối với hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ tổ chức xem xét, thẩm định hồ sơ đề nghị theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ.

4. Việc tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay của Quỹ cho nhiệm vụ khoa học và công nghệ được thực hiện theo hợp đồng giữa Quỹ với tổ chức và cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ.

5. Việc đánh giá giữa kỳ, đánh giá nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Quỹ tài trợ được thực hiện theo hợp đồng, quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ và của Quỹ.

Điều 15. Cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ thông qua Quỹ

1. Quỹ cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ trực tiếp quản lý quy định tại Khoản 5 Điều 3 Điều lệ này. Việc cấp kinh phí căn cứ vào hợp đồng giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với tổ chức và cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ. Kinh phí được cấp phù hợp với tiến độ của hợp đồng theo đề nghị của Bộ Khoa học và Công nghệ.

*Khoản 1 Điều 15 được sửa đổi bởi Khoản 8 Điều 1 Nghị định 19/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/05/2021

1. Quỹ cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ phân công theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Điều lệ này. Việc cấp kinh phí căn cứ vào hợp đồng giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ. Kinh phí được cấp phù hợp với tiến độ của hợp đồng theo đề nghị của Bộ Khoa học và Công nghệ.*

2. Quỹ thực hiện tổng hợp số liệu quyết toán kinh phí cấp phát, báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ.

3. Việc quản lý kinh phí các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ trực tiếp quản lý thực hiện theo quy định của Chính phủ về cơ chế đầu tư tài chính cho hoạt động khoa học và công nghệ và các quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Điều 16. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng kinh phí từ Quỹ

Tổ chức, cá nhân nhận tài trợ, hỗ trợ, vay vốn của Quỹ; được bảo lãnh vốn vay, cấp kinh phí thông qua Quỹ có trách nhiệm:

1. Sử dụng kinh phí đúng mục đích theo dự toán đã được phê duyệt;

2. Thực hiện đầy đủ các cam kết trong hợp đồng, quy định pháp luật về quản lý khoa học và công nghệ và các quy định pháp luật khác có liên quan;

3. Kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ phải được công bố theo quy định của Quỹ, Bộ Khoa học và Công nghệ; đăng ký, lưu giữ theo quy định hiện hành.

Điều 17. Chế độ tài chính, kế toán

1. Quỹ thực hiện chế độ kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán.

2. Hằng năm, Quỹ lập dự toán nguồn thu và dự kiến chi đối với hoạt động tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay, hỗ trợ và hoạt động quản lý của Quỹ báo cáo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt.

3. Hằng năm, Quỹ lập báo cáo quyết toán tài chính, báo cáo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

4. Quỹ được phép chuyển vốn dư trong năm tài chính sang năm kế tiếp.

5. Quỹ được áp dụng quy định tự chủ về biên chế và tài chính theo chế độ hiện hành áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp công.

6. Chi hoạt động quản lý của Quỹ được sử dụng cho hoạt động của bộ máy quản lý và điều hành Quỹ theo quy định hiện hành của Nhà nước.

*Điều 17 được sửa đổi bởi Khoản 9 Điều 1 Nghị định 19/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/05/2021

Điều 17. Chế độ tài chính, kế toán

1. Quỹ thực hiện chế độ kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán.

2. Hằng năm, Quỹ thực hiện cân đối nguồn và lập dự toán kinh phí đối với các hoạt động tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay, hỗ trợ (bao gồm kinh phí các nhiệm vụ chuyển tiếp và mở mới) và hoạt động quản lý của Quỹ báo cáo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt. Dự toán kinh phí dành cho các nhiệm vụ mở mới dựa trên cơ sở dự kiến số lượng và kinh phí trung bình của các nhiệm vụ sẽ được phê duyệt trong năm kế hoạch.

3. Hằng năm, Quỹ lập báo cáo quyết toán, báo cáo tài chính gửi Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, xét duyệt.

4. Quỹ thực hiện chuyển nguồn kinh phí dư trong năm tài chính sang năm kế tiếp theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản có liên quan.

5. Quỹ được áp dụng quy định tự chủ về biên chế và tài chính theo chế độ hiện hành áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên.

6. Chi hoạt động quản lý của Quỹ được thực hiện theo quy định của pháp luật.*

Chương IV ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 18. Điều khoản thi hành

1. Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn quản lý các hoạt động tài trợ, hỗ trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay, cấp kinh phí thông qua Quỹ.

2. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thực hiện chế độ quản lý tài chính đối với Quỹ.

3. Việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ này do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ trình Chính phủ quyết định./.

Xem nội dung VB
Điều 60. Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia
...
3. Chính phủ quy định Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia.
Nội dung hướng dẫn Khoản này tại Nghị định 23/2014/NĐ-CP nay được sửa đổi bởi Điều 1, Điều 2 Nghị định 19/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01 tháng 5 năm 2021
Căn cứ Luật Khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia ban hành kèm theo Nghị định số 23/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia ban hành kèm theo Nghị định số 23/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ như sau:

1. Khoản 2, khoản 5 Điều 3 được sửa đổi như sau:

a) Khoản 2 Điều 3 được sửa đổi như sau:

“2. Đối tượng cho vay: Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất và đời sống.”

b) Khoản 5 Điều 3 được sửa đổi như sau:

“5. Đối tượng cấp kinh phí: Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.”

2. Khoản 2, khoản 3 Điều 4 được sửa đổi như sau:

a) Khoản 2 Điều 4 được sửa đổi như sau:

“2. Quỹ thực hiện quản lý chất lượng nghiên cứu theo chuẩn mực quốc tế, đảm bảo liêm chính học thuật và đạo đức nghiên cứu đối với các nghiên cứu do Quỹ tài trợ. Nội dung nghiên cứu của nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Quỹ tài trợ không được trùng lặp với các nghiên cứu đã hoặc đang thực hiện bằng nguồn kinh phí của Quỹ hoặc nguồn kinh phí khác của Nhà nước.”

b) Khoản 3 Điều 4 được sửa đổi như sau:

“3. Quỹ tài trợ thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia và tương đương (có ý nghĩa tầm quốc gia hoặc liên ngành, vùng) do tổ chức, cá nhân đề xuất.”

3. Khoản 2, khoản 9 Điều 6 được sửa đổi như sau:

a) Khoản 2 Điều 6 được sửa đổi như sau:

“2. Công bố các định hướng ưu tiên, nội dung, yêu cầu và thể thức cụ thể để tổ chức, cá nhân đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ, hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia đề nghị Quỹ tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay và hỗ trợ.”

b) Khoản 9 Điều 6 được sửa đổi như sau:

“9. Quản lý, sử dụng tài sản theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.”

4. Khoản 1, điểm c khoản 2 Điều 8 được sửa đổi như sau:

a) Khoản 1 Điều 8 được sửa đổi như sau:

“1. Hội đồng quản lý Quỹ có 7 hoặc 9 thành viên gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các ủy viên Hội đồng là các nhà khoa học, nhà quản lý có uy tín, có trình độ, hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm theo nhiệm kỳ 5 năm.

Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các ủy viên Hội đồng quản lý Quỹ do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ bổ nhiệm, miễn nhiệm.”

b) Điểm c khoản 2 Điều 8 được sửa đổi như sau:

“c) Thông qua kế hoạch tài chính, báo cáo quyết toán năm của Quỹ.”

5. Tên Chương III được sửa đổi như sau:

“Chương III NGÂN SÁCH HOẠT ĐỘNG”

6. Điều 12 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 12. Ngân sách hoạt động của Quỹ

1. Nguồn ngân sách nhà nước:

a) Kinh phí tài trợ, hỗ trợ và chi hoạt động quản lý của Quỹ được bố trí từ chi sự nghiệp khoa học và công nghệ.

Kinh phí tài trợ, hỗ trợ được cân đối hằng năm ít nhất 500 tỷ đồng được Bộ Tài chính cấp bằng lệnh chi tiền vào tài khoản tiền gửi của Quỹ tại Kho bạc Nhà nước theo kế hoạch tài chính được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt. Kinh phí chi hoạt động quản lý của Quỹ được Bộ Khoa học và Công nghệ giao dự toán hằng năm theo mức độ tự chủ tài chính của Quỹ;

b) Kinh phí cấp thông qua Quỹ cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ giao;

c) Vốn do Thủ tướng Chính phủ giao để thực hiện cho vay ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất và đời sống; bảo lãnh vốn vay cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ chuyên biệt.

2. Các nguồn ngoài ngân sách nhà nước:

a) Thu từ kết quả hoạt động của Quỹ: Các khoản lãi cho vay, phí bảo lãnh vốn vay, lãi tiền gửi và các khoản thu khác;

b) Các khoản đóng góp tự nguyện, hiến tặng của tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài;

c) Đóng góp từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp nhà nước và đóng góp tự nguyện của doanh nghiệp khác theo quy định của pháp luật;

d) Các nguồn hợp pháp khác;

đ) Các nguồn ngoài ngân sách nhà nước chuyển vào tài khoản của Quỹ tại các ngân hàng thương mại. Quỹ thực hiện quản lý, sử dụng các nguồn thu đúng mục đích, đối tượng, hiệu quả và phù hợp với quy định của pháp luật.”

7. Điều 13 được sửa đổi như sau:

“Điều 13. Phương thức tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay, hỗ trợ của Quỹ

1. Tài trợ không hoàn lại toàn bộ hoặc một phần chi phí cho việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do các tổ chức, cá nhân đề xuất quy định tại khoản 1 Điều 3 Điều lệ này.

2. Hỗ trợ hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia, bao gồm:

a) Tham gia hội nghị, hội thảo quốc tế của nhà khoa học trẻ;

b) Nghiên cứu sau tiến sỹ;

c) Thực tập nghiên cứu ngắn hạn ở nước ngoài;

d) Tổ chức hội thảo khoa học quốc tế chuyên ngành ở Việt Nam và các hội thảo nghiên cứu cơ bản chuyên ngành trong nước (theo chuỗi hội thảo hằng năm hoặc cách năm);

đ) Tham dự và báo cáo công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc tại hội thảo chuyên ngành quốc tế;

e) Công bố công trình khoa học và công nghệ trong nước và quốc tế;

g) Nâng cao chất lượng, chuẩn mực của tạp chí khoa học và công nghệ trong nước;

h) Đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở trong nước và nước ngoài đối với sáng chế và giống cây trồng;

i) Khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện các nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia do Quỹ tài trợ, hỗ trợ;

k) Nhà khoa học xuất sắc nước ngoài đến Việt Nam trao đổi học thuật ngắn hạn;

l) Nâng cao năng lực tổ chức nghiên cứu cơ bản đạt trình độ khu vực và thế giới;

m) Thực hiện chính sách sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định của Chính phủ.

3. Cho vay không lấy lãi hoặc lãi suất thấp đối với dự án ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất và đời sống, bảo lãnh vốn vay đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ chuyên biệt do Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện với nguồn vốn riêng.

4. Hoạt động cho vay, bảo lãnh vốn vay quy định tại khoản 3 Điều này được Quỹ thực hiện thông qua hình thức ủy thác cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Quỹ tổ chức đánh giá, xét chọn nhiệm vụ cho vay, bảo lãnh vốn vay theo các tiêu chí khoa học và công nghệ.”

8. Khoản 1 Điều 15 được sửa đổi như sau:

“1. Quỹ cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ phân công theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Điều lệ này. Việc cấp kinh phí căn cứ vào hợp đồng giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ. Kinh phí được cấp phù hợp với tiến độ của hợp đồng theo đề nghị của Bộ Khoa học và Công nghệ.”

9. Điều 17 được sửa đổi như sau:

“Điều 17. Chế độ tài chính, kế toán

1. Quỹ thực hiện chế độ kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán.

2. Hằng năm, Quỹ thực hiện cân đối nguồn và lập dự toán kinh phí đối với các hoạt động tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay, hỗ trợ (bao gồm kinh phí các nhiệm vụ chuyển tiếp và mở mới) và hoạt động quản lý của Quỹ báo cáo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt. Dự toán kinh phí dành cho các nhiệm vụ mở mới dựa trên cơ sở dự kiến số lượng và kinh phí trung bình của các nhiệm vụ sẽ được phê duyệt trong năm kế hoạch.

3. Hằng năm, Quỹ lập báo cáo quyết toán, báo cáo tài chính gửi Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, xét duyệt.

4. Quỹ thực hiện chuyển nguồn kinh phí dư trong năm tài chính sang năm kế tiếp theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản có liên quan.

5. Quỹ được áp dụng quy định tự chủ về biên chế và tài chính theo chế độ hiện hành áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên.

6. Chi hoạt động quản lý của Quỹ được thực hiện theo quy định của pháp luật.”

Điều 2. Bãi bỏ khoản 2 Điều 14 của Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia ban hành kèm theo Nghị định số 23/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ.

Xem nội dung VB
Điều 60. Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia
...
3. Chính phủ quy định Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia.
Khoản này được hướng dẫn bởi Nghị định 23/2014/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2014
Nội dung hướng dẫn Khoản này tại Nghị định 23/2014/NĐ-CP nay được sửa đổi bởi Điều 1, Điều 2 Nghị định 19/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01 tháng 5 năm 2021
Khoản này được hướng dẫn bởi Nghị định 23/2014/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2014
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia.

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị định này Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia.

Điều 2. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2014, thay thế Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia được ban hành kèm theo Nghị định số 122/2003/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về việc thành lập Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

ĐIỀU LỆ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUỐC GIA

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Chức năng của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia

Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (sau đây gọi tắt là Quỹ) hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, có chức năng tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay, cấp kinh phí để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; hỗ trợ hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia.

Tên giao dịch quốc tế của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia là National Foundation for Science and Technology Development, viết tắt là NAFOSTED.

Điều 2. Địa vị pháp lý của Quỹ

Quỹ là đơn vị sự nghiệp, trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và tại các ngân hàng trong nước. Quỹ có trụ sở chính tại Thành phố Hà Nội, văn phòng đại diện ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác.

Điều 3. Đối tượng tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay, hỗ trợ, cấp kinh phí của Quỹ

1. Đối tượng tài trợ: Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do tổ chức, cá nhân đề xuất, bao gồm:

a) Nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản;

b) Nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng;

c) Nhiệm vụ khoa học và công nghệ đột xuất có ý nghĩa quan trọng về khoa học và thực tiễn, nhiệm vụ khoa học và công nghệ tiềm năng.

2. Đối tượng cho vay: Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhằm ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất và đời sống do tổ chức, cá nhân đề xuất.

*Khoản 2 Điều 3 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 1 Điều 1 Nghị định 19/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/05/2021

2. Đối tượng cho vay: Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất và đời sống.*

3. Đối tượng bảo lãnh vốn vay: Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ chuyên biệt.

4. Đối tượng hỗ trợ: Các hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia.

5. Đối tượng cấp kinh phí: Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ trực tiếp quản lý, bao gồm:

a) Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia;

b) Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ khác theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

*Khoản 5 Điều 3 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 1 Điều 1 Nghị định 19/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/05/2021

5. Đối tượng cấp kinh phí: Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.*

Điều 4. Nguyên tắc tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay, hỗ trợ của Quỹ

1. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ do tổ chức, cá nhân đề xuất tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay của Quỹ được xét chọn công khai, dân chủ, bình đẳng thông qua Hội đồng khoa học và công nghệ do Quỹ thành lập. Trong trường hợp cần thiết, Quỹ lấy thêm ý kiến tư vấn của chuyên gia tư vấn độc lập trước khi quyết định.

Hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia được xem xét hỗ trợ công khai, dân chủ, bình đẳng theo các quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ.

2. Quỹ thực hiện quản lý chất lượng nghiên cứu theo chuẩn mực quốc tế. Nội dung nghiên cứu của nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Quỹ tài trợ không được trùng lắp với các nghiên cứu đã hoặc đang thực hiện bằng nguồn vốn của Quỹ hoặc nguồn vốn khác của Nhà nước.

*Khoản 2 Điêu 4 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 2 Điều 1 Nghị định 19/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/05/2021

2. Quỹ thực hiện quản lý chất lượng nghiên cứu theo chuẩn mực quốc tế, đảm bảo liêm chính học thuật và đạo đức nghiên cứu đối với các nghiên cứu do Quỹ tài trợ. Nội dung nghiên cứu của nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Quỹ tài trợ không được trùng lặp với các nghiên cứu đã hoặc đang thực hiện bằng nguồn kinh phí của Quỹ hoặc nguồn kinh phí khác của Nhà nước.*

3. Quỹ tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay để thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia và tương đương (có ý nghĩa tầm quốc gia hoặc liên ngành, vùng) do tổ chức, cá nhân đề xuất.

*Khoản 3 Điều 4 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 2 Điều 1 Nghị định 19/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/05/2021

3. Quỹ tài trợ thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia và tương đương (có ý nghĩa tầm quốc gia hoặc liên ngành, vùng) do tổ chức, cá nhân đề xuất.*

Điều 5. Điều kiện đăng ký tài trợ, vay vốn, bảo lãnh vốn vay, hỗ trợ của Quỹ

1. Tổ chức, cá nhân đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ phải có đủ năng lực chuyên môn và điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật phù hợp với từng loại nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

2. Tổ chức, cá nhân đề xuất vay vốn, bảo lãnh vốn vay phải tuân theo các quy định của pháp luật có liên quan.

3. Tổ chức, cá nhân đăng ký hỗ trợ hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ phải có chuyên môn phù hợp loại hình đề nghị hỗ trợ.

Chương II NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, BỘ MÁY TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ

Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn của Quỹ

1. Tiếp nhận các nguồn vốn của Nhà nước, tổ chức, cá nhân; các khoản đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài. Tổ chức thực hiện tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay, hỗ trợ các hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia, cấp kinh phí đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ trực tiếp quản lý.

2. Công bố các định hướng ưu tiên, nội dung, yêu cầu và thể thức cụ thể để mọi tổ chức, cá nhân đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ đề nghị Quỹ tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay và hỗ trợ.

*Khoản 2 Điều 6 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 3 Điều 1 Nghị định 19/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/05/2021

2. Công bố các định hướng ưu tiên, nội dung, yêu cầu và thể thức cụ thể để tổ chức, cá nhân đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ, hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia đề nghị Quỹ tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay và hỗ trợ.*

3. Tổ chức việc xét chọn và thẩm định kinh phí nhiệm vụ khoa học và công nghệ, các hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia để Quỹ tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay và hỗ trợ.

4. Kiểm tra, đánh giá về nội dung chuyên môn và tình hình thực hiện tài chính của các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, các hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia được Quỹ tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay và hỗ trợ.

5. Tổ chức đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Quỹ tài trợ.

Đánh giá kết quả, hiệu quả các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia do Quỹ tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay và hỗ trợ.

6. Đình chỉ hoặc trình cơ quan có thẩm quyền đình chỉ việc tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay, hỗ trợ, cấp kinh phí hoặc thu hồi kinh phí đã tài trợ, cho vay, hỗ trợ, cấp phát, từ chối trả nợ thay khi phát hiện tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về sử dụng vốn của Quỹ và các quy định pháp luật có liên quan.

7. Nhận ủy thác tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ của tổ chức, cá nhân.

8. Giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến hoạt động của Quỹ theo quy định của pháp luật.

9. Quản lý, sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước giao và các nguồn lực khác theo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ và quy định của pháp luật.

*Khoản 9 Điều 6 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 3 Điều 1 Nghị định 19/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/05/2021

9. Quản lý, sử dụng tài sản theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.*

10. Quản lý tổ chức và cán bộ của Quỹ theo quy định của pháp luật.

11. Ban hành Quy chế hoạt động và các quy định khác phục vụ cho hoạt động của Quỹ.

12. Hợp tác với tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước, tổ chức quốc tế về các vấn đề liên quan đến hoạt động của Quỹ.

Điều 7. Bộ máy quản lý và điều hành của Quỹ

Bộ máy quản lý và điều hành của Quỹ gồm Hội đồng quản lý Quỹ, Cơ quan điều hành Quỹ và Ban Kiểm soát Quỹ.

Điều 8. Hội đồng quản lý Quỹ

1. Hội đồng quản lý Quỹ gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các ủy viên. Hội đồng có 7 hoặc 9 thành viên là các nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện doanh nghiệp có uy tín, có trình độ, hoạt động theo chế độ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm theo nhiệm kỳ 05 năm.

Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các ủy viên Hội đồng quản lý Quỹ do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ bổ nhiệm, miễn nhiệm.

*Khoản 1 Điều 8 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 4 Điều 1 Nghị định 19/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/05/2021

1. Hội đồng quản lý Quỹ có 7 hoặc 9 thành viên gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các ủy viên Hội đồng là các nhà khoa học, nhà quản lý có uy tín, có trình độ, hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm theo nhiệm kỳ 5 năm.

Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các ủy viên Hội đồng quản lý Quỹ do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ bổ nhiệm, miễn nhiệm.*

2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng quản lý Quỹ:

a) Quyết định phương hướng và kế hoạch hoạt động của Quỹ trên cơ sở các định hướng ưu tiên phát triển khoa học và công nghệ của Nhà nước;

b) Thành lập Hội đồng khoa học và công nghệ để tư vấn chuyên môn cho Quỹ;

c) Phê duyệt kế hoạch tài chính, báo cáo quyết toán năm của Quỹ do Giám đốc Quỹ trình;

*Điểm c khoản 2 Điều 8 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 4 Điều 1 Nghị định 19/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/05/2021

c) Thông qua kế hoạch tài chính, báo cáo quyết toán năm của Quỹ.*

d) Phê duyệt chương trình, đề tài, đề án, dự án khoa học và công nghệ và kinh phí do Quỹ tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay; nhiệm vụ và kinh phí cho hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia do Quỹ hỗ trợ;

đ) Phê duyệt kế hoạch và báo cáo hoạt động của Ban Kiểm soát Quỹ;

e) Giám sát, kiểm tra hoạt động của Cơ quan điều hành Quỹ, Ban Kiếm soát Quỹ trong việc thực hiện quy định của Nhà nước, Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ và các quyết định của Hội đồng quản lý Quỹ;

g) Ban hành các quy định quản lý hoạt động của Quỹ.

3. Chế độ làm việc của Hội đồng quản lý Quỹ:

a) Hội đồng quản lý Quỹ họp thường kỳ 3 tháng 1 lần để xem xét và quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn; họp bất thường để giải quyết những vấn đề cấp bách theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ hoặc Giám đốc Quỹ hoặc Trưởng Ban Kiểm soát Quỹ hoặc khi có ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng quản lý Quỹ đề nghị. Các cuộc họp của Hội đồng quản lý Quỹ phải có ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng quản lý Quỹ tham dự và phải do Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ được ủy quyền chủ trì;

b) Đối với các vấn đề cần quyết định giữa các phiên họp, Cơ quan điều hành Quỹ gửi tài liệu và Phiếu lấy ý kiến đến từng thành viên Hội đồng;

c) Hội đồng quản lý Quỹ quyết định các vấn đề khi có ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng quản lý Quỹ thông qua. Nội dung và các quyết định của cuộc họp Hội đồng quản lý Quỹ phải được ghi thành biên bản và gửi đến tất cả các thành viên của Hội đồng quản lý Quỹ.

4. Các thành viên Hội đồng quản lý Quỹ có nhiệm vụ tham gia đầy đủ các hoạt động theo quy chế của Hội đồng quản lý Quỹ; được hưởng thù lao và các quyền lợi khác theo quy định của Nhà nước. Các thành viên kiêm nhiệm được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm.

5. Hội đồng quản lý Quỹ sử dụng bộ máy của Cơ quan điều hành Quỹ và con dấu của Quỹ trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo Điều lệ này.

6. Kinh phí hoạt động của Hội đồng quản lý Quỹ được tính vào chi phí hoạt động quản lý của Quỹ.

Điều 9. Cơ quan điều hành Quỹ

Cơ quan điều hành Quỹ gồm Giám đốc Quỹ, các Phó giám đốc Quỹ, các đơn vị chuyên môn, nghiệp vụ và các văn phòng đại diện.

1. Giám đốc Quỹ là đại diện pháp nhân của Quỹ do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm trên cơ sở đề nghị của Hội đồng quản lý Quỹ. Giám đốc Quỹ có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Tổ chức, điều hành và quản lý các hoạt động của Quỹ theo Điều lệ này và các quyết định của Hội đồng quản lý Quỹ;

b) Quản lý nhân sự, tài sản và vốn của Quỹ;

c) Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm trưởng, phó đơn vị chuyên môn, nghiệp vụ, văn phòng đại diện của Quỹ;

d) Được tham gia các phiên họp của Hội đồng quản lý Quỹ, được tham gia ý kiến về các nội dung mà Hội đồng quản lý Quỹ thảo luận, nhưng không được biểu quyết.

2. Phó giám đốc Quỹ do Giám đốc Quỹ đề nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm. Phó giám đốc Quỹ giúp Giám đốc Quỹ thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công.

3. Các đơn vị chuyên môn, nghiệp vụ và văn phòng đại diện của Quỹ là bộ phận giúp việc của Giám đốc Quỹ, do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định trên cơ sở thống nhất đề nghị của Hội đồng quản lý Quỹ và Giám đốc Quỹ.

Điều 10. Ban Kiểm soát Quỹ

1. Ban Kiểm soát Quỹ có từ 3 đến 5 thành viên, gồm Trưởng Ban, Phó trưởng Ban và các thành viên do Hội đồng quản lý Quỹ bổ nhiệm, miễn nhiệm. Thành viên Ban Kiểm soát Quỹ không được là vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị em ruột của các thành viên Hội đồng quản lý Quỹ, Giám đốc Quỹ, Phó giám đốc Quỹ. Thành viên Ban Kiểm soát Quỹ phải là những người có trình độ chuyên môn, am hiểu về các lĩnh vực tài chính, kế toán, ngân hàng và pháp luật, hoạt động kiêm nhiệm theo nhiệm kỳ 05 năm.

2. Ban Kiểm soát Quỹ có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Kiểm tra và báo cáo Hội đồng quản lý Quỹ về tình hình thực hiện Điều lệ của Quỹ, các quyết định của Hội đồng quản lý Quỹ;

b) Hoạt động độc lập theo chương trình đã được Hội đồng quản lý Quỹ thông qua;

c) Xem xét, trình cấp có thẩm quyền giải quyết khiếu nại của tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động của Quỹ.

3. Trưởng Ban Kiểm soát Quỹ hoặc thành viên của Ban Kiểm soát Quỹ được ủy quyền tham dự các cuộc họp của Hội đồng quản lý Quỹ, phát biểu ý kiến về các nội dung mà Hội đồng quản lý Quỹ thảo luận, nhưng không được biểu quyết.

4. Thành viên Ban Kiểm soát Quỹ có nhiệm vụ tham gia đầy đủ các hoạt động theo quy chế; được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm, thù lao và các quyền lợi khác theo quy định của Nhà nước.

5. Kinh phí hoạt động của Ban Kiểm soát được tính vào chi phí hoạt động quản lý của Quỹ.

Điều 11. Hội đồng khoa học và công nghệ

1. Hội đồng khoa học và công nghệ do Hội đồng quản lý Quỹ quyết định thành lập trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Quỹ để tư vấn đánh giá xét chọn các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Quỹ tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay; đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Quỹ tài trợ; xác định hướng nghiên cứu và các vấn đề liên quan khác.

2. Thành viên Hội đồng khoa học và công nghệ là những nhà khoa học, nhà quản lý có uy tín, có trình độ chuyên môn cao, được lựa chọn từ cơ sở dữ liệu chuyên gia của Quỹ trên cơ sở thành tích chuyên môn và tín nhiệm của các nhà khoa học, nhà quản lý trong cùng lĩnh vực chuyên môn.

3. Hội đồng khoa học và công nghệ hoạt động theo nguyên tắc dân chủ, khách quan, trung thực, tuân thủ pháp luật và đạo đức nghề nghiệp. Hội đồng quản lý Quỹ ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng khoa học và công nghệ.

4. Kinh phí hoạt động của Hội đồng khoa học và công nghệ được tính vào chi phí hoạt động quản lý của Quỹ.

Chương III NGUỒN VỐN VÀ SỬ DỤNG VỐN

*Tên Chương III được sửa đổi bởi Khoản 5 Điều 1 Nghị định 19/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/05/2021

Chương III NGÂN SÁCH HOẠT ĐỘNG*

Điều 12. Nguồn vốn hoạt động của Quỹ

1. Vốn từ nguồn ngân sách nhà nước:

a) Ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ cấp vốn điều lệ cho Quỹ là 500 tỷ đồng để tài trợ, hỗ trợ, cho vay, chi hoạt động quản lý của Quỹ và được bổ sung hằng năm để bảo đảm mức vốn ít nhất 500 tỷ đồng. Nguồn ngân sách này được cấp cho Quỹ vào tháng 01 và tháng 7 hằng năm theo kế hoạch tài chính được phế duyệt;

b) Ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ cấp thông qua Quỹ cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ trực tiếp quản lý;

c) Ngân sách thực hiện bảo lãnh vốn vay các nhiệm vụ khoa học và công nghệ chuyên biệt;

d) Các nguồn ngân sách khác.

2. Vốn ngoài ngân sách:

a) Thu từ kết quả hoạt động của Quỹ: Các khoản lãi cho vay, phí bảo lãnh vốn vay, lãi tiền gửi và các khoản thu khác;

b) Các khoản đóng góp tự nguyện, hiến tặng của tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài;

c) Đóng góp từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp nhà nước và đóng góp tự nguyện của doanh nghiệp khác theo quy định của pháp luật;

d) Các nguồn hợp pháp khác.

*Điều 12 được sửa đổi bởi Khoản 6 Điều 1 Nghị định 19/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/05/2021

Điều 12. Ngân sách hoạt động của Quỹ

1. Nguồn ngân sách nhà nước:

a) Kinh phí tài trợ, hỗ trợ và chi hoạt động quản lý của Quỹ được bố trí từ chi sự nghiệp khoa học và công nghệ.

Kinh phí tài trợ, hỗ trợ được cân đối hằng năm ít nhất 500 tỷ đồng được Bộ Tài chính cấp bằng lệnh chi tiền vào tài khoản tiền gửi của Quỹ tại Kho bạc Nhà nước theo kế hoạch tài chính được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt. Kinh phí chi hoạt động quản lý của Quỹ được Bộ Khoa học và Công nghệ giao dự toán hằng năm theo mức độ tự chủ tài chính của Quỹ;

b) Kinh phí cấp thông qua Quỹ cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ giao;

c) Vốn do Thủ tướng Chính phủ giao để thực hiện cho vay ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất và đời sống; bảo lãnh vốn vay cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ chuyên biệt.

2. Các nguồn ngoài ngân sách nhà nước:

a) Thu từ kết quả hoạt động của Quỹ: Các khoản lãi cho vay, phí bảo lãnh vốn vay, lãi tiền gửi và các khoản thu khác;

b) Các khoản đóng góp tự nguyện, hiến tặng của tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài;

c) Đóng góp từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp nhà nước và đóng góp tự nguyện của doanh nghiệp khác theo quy định của pháp luật;

d) Các nguồn hợp pháp khác;

đ) Các nguồn ngoài ngân sách nhà nước chuyển vào tài khoản của Quỹ tại các ngân hàng thương mại. Quỹ thực hiện quản lý, sử dụng các nguồn thu đúng mục đích, đối tượng, hiệu quả và phù hợp với quy định của pháp luật.*

Điều 13. Phương thức tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay, hỗ trợ của Quỹ

1. Tài trợ không hoàn lại hoặc một phần cho việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do các tổ chức, cá nhân đề xuất quy định tại Khoản 1 Điều 3 Điều lệ này.

2. Hỗ trợ hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia, bao gồm:

a) Tham gia hội nghị, hội thảo quốc tế của nhà khoa học trẻ;

b) Nghiên cứu sau tiến sỹ;

c) Thực tập nghiên cứu ngắn hạn ở nước ngoài;

d) Tổ chức hội thảo khoa học quốc tế chuyên ngành ở Việt Nam;

đ) Tham dự và báo cáo công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc tại hội thảo chuyên ngành quốc tế;

e) Công bố công trình khoa học và công nghệ trong nước và quốc tế;

g) Nâng cao chất lượng, chuẩn mực của tạp chí khoa học và công nghệ trong nước;

h) Đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở trong nước và nước ngoài đối với sáng chế và giống cây trồng;

i) Khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện các nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia do Quỹ tài trợ, hỗ trợ.

3. Cho vay không lấy lãi hoặc lãi suất thấp đối với dự án ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất và đời sống:

a) Cho vay không lấy lãi đối với các dự án ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra trong nước và có tạo việc làm, thu nhập cho từ 500 lao động trực tiếp trở lên tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

b) Cho vay với lãi suất bằng 70% lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước trong từng thời kỳ đối với các dự án ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra trong nước không thuộc quy định tại Điểm a Khoản này;

c) Cho vay với lãi suất bằng lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước trong từng thời kỳ đối với các dự án ứng dụng, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ từ nước ngoài;

d) Tổng vốn cho vay hằng năm không quá 20% vốn điều lệ của Quỹ. Tổng dư nợ cho vay không quá 50% vốn điều lệ của Quỹ. Tổng vốn vay hằng năm đối với các dự án quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản này không quá 2/3 vốn cho vay của năm đó theo kế hoạch tài chính đã được phê duyệt.

4. Bảo lãnh vốn vay đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ chuyên biệt do Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện với nguồn vốn riêng.

5. Hoạt động cho vay, bảo lãnh vốn vay quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều này được Quỹ thực hiện thông qua hình thức ủy thác cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Quỹ tổ chức đánh giá, xét chọn nhiệm vụ cho vay, bảo lãnh vốn vay theo các tiêu chí khoa học và công nghệ.

*Điều 13 được sửa đổi bởi Khoản 7 Điều 1 Nghị định 19/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/05/2021

Điều 13. Phương thức tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay, hỗ trợ của Quỹ

1. Tài trợ không hoàn lại toàn bộ hoặc một phần chi phí cho việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do các tổ chức, cá nhân đề xuất quy định tại khoản 1 Điều 3 Điều lệ này.

2. Hỗ trợ hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia, bao gồm:

a) Tham gia hội nghị, hội thảo quốc tế của nhà khoa học trẻ;

b) Nghiên cứu sau tiến sỹ;

c) Thực tập nghiên cứu ngắn hạn ở nước ngoài;

d) Tổ chức hội thảo khoa học quốc tế chuyên ngành ở Việt Nam và các hội thảo nghiên cứu cơ bản chuyên ngành trong nước (theo chuỗi hội thảo hằng năm hoặc cách năm);

đ) Tham dự và báo cáo công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc tại hội thảo chuyên ngành quốc tế;

e) Công bố công trình khoa học và công nghệ trong nước và quốc tế;

g) Nâng cao chất lượng, chuẩn mực của tạp chí khoa học và công nghệ trong nước;

h) Đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở trong nước và nước ngoài đối với sáng chế và giống cây trồng;

i) Khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện các nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia do Quỹ tài trợ, hỗ trợ;

k) Nhà khoa học xuất sắc nước ngoài đến Việt Nam trao đổi học thuật ngắn hạn;

l) Nâng cao năng lực tổ chức nghiên cứu cơ bản đạt trình độ khu vực và thế giới;

m) Thực hiện chính sách sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định của Chính phủ.

3. Cho vay không lấy lãi hoặc lãi suất thấp đối với dự án ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất và đời sống, bảo lãnh vốn vay đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ chuyên biệt do Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện với nguồn vốn riêng.

4. Hoạt động cho vay, bảo lãnh vốn vay quy định tại khoản 3 Điều này được Quỹ thực hiện thông qua hình thức ủy thác cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Quỹ tổ chức đánh giá, xét chọn nhiệm vụ cho vay, bảo lãnh vốn vay theo các tiêu chí khoa học và công nghệ.*

Điều 14. Tổ chức thực hiện tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay, hỗ trợ của Quỹ

1. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kế hoạch của Quỹ được phê duyệt, Quỹ thông báo công khai phương hướng, các lĩnh vực ưu tiên và các quy định về việc tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay, hỗ trợ.

2. Tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ, doanh nghiệp Việt Nam muốn được tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay, hỗ trợ phải nộp hồ sơ theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ.

*Khoản 2 Điều 14 bị bãi bỏ bởi Điều 2 Nghị định 19/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/05/2021*

3. Quỹ thực hiện tổ chức đánh giá, quyết định tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay, hỗ trợ như sau:

a) Đối với hồ sơ đề nghị tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay, Hội đồng khoa học và công nghệ thực hiện đánh giá nhiệm vụ khoa học và công nghệ, tư vấn để Quỹ quyết định việc tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay;

b) Đối với hồ sơ đề nghị hỗ trợ đối với hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ tổ chức xem xét, thẩm định hồ sơ đề nghị theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ.

4. Việc tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay của Quỹ cho nhiệm vụ khoa học và công nghệ được thực hiện theo hợp đồng giữa Quỹ với tổ chức và cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ.

5. Việc đánh giá giữa kỳ, đánh giá nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Quỹ tài trợ được thực hiện theo hợp đồng, quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ và của Quỹ.

Điều 15. Cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ thông qua Quỹ

1. Quỹ cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ trực tiếp quản lý quy định tại Khoản 5 Điều 3 Điều lệ này. Việc cấp kinh phí căn cứ vào hợp đồng giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với tổ chức và cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ. Kinh phí được cấp phù hợp với tiến độ của hợp đồng theo đề nghị của Bộ Khoa học và Công nghệ.

*Khoản 1 Điều 15 được sửa đổi bởi Khoản 8 Điều 1 Nghị định 19/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/05/2021

1. Quỹ cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ phân công theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Điều lệ này. Việc cấp kinh phí căn cứ vào hợp đồng giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ. Kinh phí được cấp phù hợp với tiến độ của hợp đồng theo đề nghị của Bộ Khoa học và Công nghệ.*

2. Quỹ thực hiện tổng hợp số liệu quyết toán kinh phí cấp phát, báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ.

3. Việc quản lý kinh phí các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ trực tiếp quản lý thực hiện theo quy định của Chính phủ về cơ chế đầu tư tài chính cho hoạt động khoa học và công nghệ và các quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Điều 16. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng kinh phí từ Quỹ

Tổ chức, cá nhân nhận tài trợ, hỗ trợ, vay vốn của Quỹ; được bảo lãnh vốn vay, cấp kinh phí thông qua Quỹ có trách nhiệm:

1. Sử dụng kinh phí đúng mục đích theo dự toán đã được phê duyệt;

2. Thực hiện đầy đủ các cam kết trong hợp đồng, quy định pháp luật về quản lý khoa học và công nghệ và các quy định pháp luật khác có liên quan;

3. Kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ phải được công bố theo quy định của Quỹ, Bộ Khoa học và Công nghệ; đăng ký, lưu giữ theo quy định hiện hành.

Điều 17. Chế độ tài chính, kế toán

1. Quỹ thực hiện chế độ kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán.

2. Hằng năm, Quỹ lập dự toán nguồn thu và dự kiến chi đối với hoạt động tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay, hỗ trợ và hoạt động quản lý của Quỹ báo cáo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt.

3. Hằng năm, Quỹ lập báo cáo quyết toán tài chính, báo cáo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

4. Quỹ được phép chuyển vốn dư trong năm tài chính sang năm kế tiếp.

5. Quỹ được áp dụng quy định tự chủ về biên chế và tài chính theo chế độ hiện hành áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp công.

6. Chi hoạt động quản lý của Quỹ được sử dụng cho hoạt động của bộ máy quản lý và điều hành Quỹ theo quy định hiện hành của Nhà nước.

*Điều 17 được sửa đổi bởi Khoản 9 Điều 1 Nghị định 19/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/05/2021

Điều 17. Chế độ tài chính, kế toán

1. Quỹ thực hiện chế độ kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán.

2. Hằng năm, Quỹ thực hiện cân đối nguồn và lập dự toán kinh phí đối với các hoạt động tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay, hỗ trợ (bao gồm kinh phí các nhiệm vụ chuyển tiếp và mở mới) và hoạt động quản lý của Quỹ báo cáo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt. Dự toán kinh phí dành cho các nhiệm vụ mở mới dựa trên cơ sở dự kiến số lượng và kinh phí trung bình của các nhiệm vụ sẽ được phê duyệt trong năm kế hoạch.

3. Hằng năm, Quỹ lập báo cáo quyết toán, báo cáo tài chính gửi Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, xét duyệt.

4. Quỹ thực hiện chuyển nguồn kinh phí dư trong năm tài chính sang năm kế tiếp theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản có liên quan.

5. Quỹ được áp dụng quy định tự chủ về biên chế và tài chính theo chế độ hiện hành áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên.

6. Chi hoạt động quản lý của Quỹ được thực hiện theo quy định của pháp luật.*

Chương IV ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 18. Điều khoản thi hành

1. Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn quản lý các hoạt động tài trợ, hỗ trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay, cấp kinh phí thông qua Quỹ.

2. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thực hiện chế độ quản lý tài chính đối với Quỹ.

3. Việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ này do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ trình Chính phủ quyết định./.

Xem nội dung VB
Điều 60. Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia
...
3. Chính phủ quy định Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia.
Nội dung hướng dẫn Khoản này tại Nghị định 23/2014/NĐ-CP nay được sửa đổi bởi Điều 1, Điều 2 Nghị định 19/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01 tháng 5 năm 2021
Căn cứ Luật Khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia ban hành kèm theo Nghị định số 23/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia ban hành kèm theo Nghị định số 23/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ như sau:

1. Khoản 2, khoản 5 Điều 3 được sửa đổi như sau:

a) Khoản 2 Điều 3 được sửa đổi như sau:

“2. Đối tượng cho vay: Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất và đời sống.”

b) Khoản 5 Điều 3 được sửa đổi như sau:

“5. Đối tượng cấp kinh phí: Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.”

2. Khoản 2, khoản 3 Điều 4 được sửa đổi như sau:

a) Khoản 2 Điều 4 được sửa đổi như sau:

“2. Quỹ thực hiện quản lý chất lượng nghiên cứu theo chuẩn mực quốc tế, đảm bảo liêm chính học thuật và đạo đức nghiên cứu đối với các nghiên cứu do Quỹ tài trợ. Nội dung nghiên cứu của nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Quỹ tài trợ không được trùng lặp với các nghiên cứu đã hoặc đang thực hiện bằng nguồn kinh phí của Quỹ hoặc nguồn kinh phí khác của Nhà nước.”

b) Khoản 3 Điều 4 được sửa đổi như sau:

“3. Quỹ tài trợ thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia và tương đương (có ý nghĩa tầm quốc gia hoặc liên ngành, vùng) do tổ chức, cá nhân đề xuất.”

3. Khoản 2, khoản 9 Điều 6 được sửa đổi như sau:

a) Khoản 2 Điều 6 được sửa đổi như sau:

“2. Công bố các định hướng ưu tiên, nội dung, yêu cầu và thể thức cụ thể để tổ chức, cá nhân đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ, hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia đề nghị Quỹ tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay và hỗ trợ.”

b) Khoản 9 Điều 6 được sửa đổi như sau:

“9. Quản lý, sử dụng tài sản theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.”

4. Khoản 1, điểm c khoản 2 Điều 8 được sửa đổi như sau:

a) Khoản 1 Điều 8 được sửa đổi như sau:

“1. Hội đồng quản lý Quỹ có 7 hoặc 9 thành viên gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các ủy viên Hội đồng là các nhà khoa học, nhà quản lý có uy tín, có trình độ, hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm theo nhiệm kỳ 5 năm.

Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các ủy viên Hội đồng quản lý Quỹ do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ bổ nhiệm, miễn nhiệm.”

b) Điểm c khoản 2 Điều 8 được sửa đổi như sau:

“c) Thông qua kế hoạch tài chính, báo cáo quyết toán năm của Quỹ.”

5. Tên Chương III được sửa đổi như sau:

“Chương III NGÂN SÁCH HOẠT ĐỘNG”

6. Điều 12 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 12. Ngân sách hoạt động của Quỹ

1. Nguồn ngân sách nhà nước:

a) Kinh phí tài trợ, hỗ trợ và chi hoạt động quản lý của Quỹ được bố trí từ chi sự nghiệp khoa học và công nghệ.

Kinh phí tài trợ, hỗ trợ được cân đối hằng năm ít nhất 500 tỷ đồng được Bộ Tài chính cấp bằng lệnh chi tiền vào tài khoản tiền gửi của Quỹ tại Kho bạc Nhà nước theo kế hoạch tài chính được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt. Kinh phí chi hoạt động quản lý của Quỹ được Bộ Khoa học và Công nghệ giao dự toán hằng năm theo mức độ tự chủ tài chính của Quỹ;

b) Kinh phí cấp thông qua Quỹ cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ giao;

c) Vốn do Thủ tướng Chính phủ giao để thực hiện cho vay ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất và đời sống; bảo lãnh vốn vay cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ chuyên biệt.

2. Các nguồn ngoài ngân sách nhà nước:

a) Thu từ kết quả hoạt động của Quỹ: Các khoản lãi cho vay, phí bảo lãnh vốn vay, lãi tiền gửi và các khoản thu khác;

b) Các khoản đóng góp tự nguyện, hiến tặng của tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài;

c) Đóng góp từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp nhà nước và đóng góp tự nguyện của doanh nghiệp khác theo quy định của pháp luật;

d) Các nguồn hợp pháp khác;

đ) Các nguồn ngoài ngân sách nhà nước chuyển vào tài khoản của Quỹ tại các ngân hàng thương mại. Quỹ thực hiện quản lý, sử dụng các nguồn thu đúng mục đích, đối tượng, hiệu quả và phù hợp với quy định của pháp luật.”

7. Điều 13 được sửa đổi như sau:

“Điều 13. Phương thức tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay, hỗ trợ của Quỹ

1. Tài trợ không hoàn lại toàn bộ hoặc một phần chi phí cho việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do các tổ chức, cá nhân đề xuất quy định tại khoản 1 Điều 3 Điều lệ này.

2. Hỗ trợ hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia, bao gồm:

a) Tham gia hội nghị, hội thảo quốc tế của nhà khoa học trẻ;

b) Nghiên cứu sau tiến sỹ;

c) Thực tập nghiên cứu ngắn hạn ở nước ngoài;

d) Tổ chức hội thảo khoa học quốc tế chuyên ngành ở Việt Nam và các hội thảo nghiên cứu cơ bản chuyên ngành trong nước (theo chuỗi hội thảo hằng năm hoặc cách năm);

đ) Tham dự và báo cáo công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc tại hội thảo chuyên ngành quốc tế;

e) Công bố công trình khoa học và công nghệ trong nước và quốc tế;

g) Nâng cao chất lượng, chuẩn mực của tạp chí khoa học và công nghệ trong nước;

h) Đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở trong nước và nước ngoài đối với sáng chế và giống cây trồng;

i) Khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện các nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia do Quỹ tài trợ, hỗ trợ;

k) Nhà khoa học xuất sắc nước ngoài đến Việt Nam trao đổi học thuật ngắn hạn;

l) Nâng cao năng lực tổ chức nghiên cứu cơ bản đạt trình độ khu vực và thế giới;

m) Thực hiện chính sách sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định của Chính phủ.

3. Cho vay không lấy lãi hoặc lãi suất thấp đối với dự án ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất và đời sống, bảo lãnh vốn vay đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ chuyên biệt do Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện với nguồn vốn riêng.

4. Hoạt động cho vay, bảo lãnh vốn vay quy định tại khoản 3 Điều này được Quỹ thực hiện thông qua hình thức ủy thác cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Quỹ tổ chức đánh giá, xét chọn nhiệm vụ cho vay, bảo lãnh vốn vay theo các tiêu chí khoa học và công nghệ.”

8. Khoản 1 Điều 15 được sửa đổi như sau:

“1. Quỹ cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ phân công theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Điều lệ này. Việc cấp kinh phí căn cứ vào hợp đồng giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ. Kinh phí được cấp phù hợp với tiến độ của hợp đồng theo đề nghị của Bộ Khoa học và Công nghệ.”

9. Điều 17 được sửa đổi như sau:

“Điều 17. Chế độ tài chính, kế toán

1. Quỹ thực hiện chế độ kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán.

2. Hằng năm, Quỹ thực hiện cân đối nguồn và lập dự toán kinh phí đối với các hoạt động tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay, hỗ trợ (bao gồm kinh phí các nhiệm vụ chuyển tiếp và mở mới) và hoạt động quản lý của Quỹ báo cáo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt. Dự toán kinh phí dành cho các nhiệm vụ mở mới dựa trên cơ sở dự kiến số lượng và kinh phí trung bình của các nhiệm vụ sẽ được phê duyệt trong năm kế hoạch.

3. Hằng năm, Quỹ lập báo cáo quyết toán, báo cáo tài chính gửi Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, xét duyệt.

4. Quỹ thực hiện chuyển nguồn kinh phí dư trong năm tài chính sang năm kế tiếp theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản có liên quan.

5. Quỹ được áp dụng quy định tự chủ về biên chế và tài chính theo chế độ hiện hành áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên.

6. Chi hoạt động quản lý của Quỹ được thực hiện theo quy định của pháp luật.”

Điều 2. Bãi bỏ khoản 2 Điều 14 của Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia ban hành kèm theo Nghị định số 23/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ.

Xem nội dung VB
Điều 60. Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia
...
3. Chính phủ quy định Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia.
Khoản này được hướng dẫn bởi Nghị định 23/2014/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2014
Nội dung hướng dẫn Khoản này tại Nghị định 23/2014/NĐ-CP nay được sửa đổi bởi Điều 1, Điều 2 Nghị định 19/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01 tháng 5 năm 2021
Điều này được hướng dẫn bởi Chương 5 Nghị định 08/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khoa học và công nghệ,
...
Chương 5. PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Điều 46. Các biện pháp phát triển thị trường khoa học và công nghệ

1. Nhà nước thực hiện các biện pháp sau đây để phát triển thị trường khoa học và công nghệ:

a) Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để sáng tạo công nghệ, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, nhập khẩu, khai thác công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ nước ngoài vào Việt Nam trên cơ sở gắn kết chặt chẽ với yêu cầu đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa;

b) Đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trên cơ sở gắn kết chặt chẽ hoạt động khoa học và công nghệ với sản xuất, kinh doanh thông qua các hoạt động liên kết, hợp tác giữa tổ chức khoa học và công nghệ với doanh nghiệp;

c) Đẩy mạnh việc ươm tạo, phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đặc biệt trong các viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học và khu công nghệ cao.

2. Biện pháp tăng cầu sản phẩm khoa học và công nghệ:

a) Đẩy mạnh việc áp dụng các biện pháp phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế để thúc đẩy nhu cầu tự thân của doanh nghiệp về đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa;

b) Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh việc đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ thông qua Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp và các hình thức khác;

c) Khuyến khích các doanh nghiệp đặt hàng đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa với các tổ chức khoa học và công nghệ trong nước.

3. Nhà nước thành lập, khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập các tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ.

Điều 47. Thành lập tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ

1. Các loại hình tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ bao gồm:

a) Cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ;

b) Trung tâm, sàn giao dịch công nghệ, chợ công nghệ - thiết bị;

c) Tổ chức dịch vụ đánh giá, định giá, giám định, tư vấn chuyển giao công nghệ;

d) Trung tâm xúc tiến và hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ;

đ) Các tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ khác liên quan đến thị trường khoa học và công nghệ.

2. Việc thành lập, hoạt động của các tổ chức quy định tại Khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định tại Nghị định này và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

3. Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thực hiện Điều này.

Xem nội dung VB
Điều 69. Xây dựng và phát triển thị trường khoa học và công nghệ

Nhà nước có chính sách và biện pháp sau đây để xây dựng và phát triển thị trường khoa học và công nghệ:

1. Khuyến khích mọi hoạt động chuyển nhượng, chuyển giao công nghệ theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, các bên cùng có lợi;

2. Hoàn thiện chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ;

3. Áp dụng chính sách ưu đãi đối với sản phẩm đang trong thời kỳ sản xuất thử nghiệm bằng công nghệ mới; sản phẩm được làm ra từ công nghệ mới lần đầu áp dụng tại Việt Nam; hoạt động tư vấn khoa học và công nghệ; thiết bị công nghệ cao nhập khẩu, xuất khẩu công nghệ;

4. Áp dụng chế độ thưởng cho tập thể lao động và cá nhân có hoạt động đổi mới sáng tạo, sáng chế, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, ứng dụng công nghệ mới được chuyển giao;

5. Nhà nước thành lập, khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ, trung tâm xúc tiến và hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ; trung tâm, sàn giao dịch công nghệ; chợ công nghệ - thiết bị.
Điều này được hướng dẫn bởi Chương 5 Nghị định 08/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014
Điều này được hướng dẫn bởi Chương 5 Nghị định 08/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khoa học và công nghệ,
...
Chương 5. PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Điều 46. Các biện pháp phát triển thị trường khoa học và công nghệ

1. Nhà nước thực hiện các biện pháp sau đây để phát triển thị trường khoa học và công nghệ:

a) Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để sáng tạo công nghệ, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, nhập khẩu, khai thác công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ nước ngoài vào Việt Nam trên cơ sở gắn kết chặt chẽ với yêu cầu đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa;

b) Đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trên cơ sở gắn kết chặt chẽ hoạt động khoa học và công nghệ với sản xuất, kinh doanh thông qua các hoạt động liên kết, hợp tác giữa tổ chức khoa học và công nghệ với doanh nghiệp;

c) Đẩy mạnh việc ươm tạo, phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đặc biệt trong các viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học và khu công nghệ cao.

2. Biện pháp tăng cầu sản phẩm khoa học và công nghệ:

a) Đẩy mạnh việc áp dụng các biện pháp phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế để thúc đẩy nhu cầu tự thân của doanh nghiệp về đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa;

b) Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh việc đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ thông qua Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp và các hình thức khác;

c) Khuyến khích các doanh nghiệp đặt hàng đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa với các tổ chức khoa học và công nghệ trong nước.

3. Nhà nước thành lập, khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập các tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ.

Điều 47. Thành lập tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ

1. Các loại hình tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ bao gồm:

a) Cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ;

b) Trung tâm, sàn giao dịch công nghệ, chợ công nghệ - thiết bị;

c) Tổ chức dịch vụ đánh giá, định giá, giám định, tư vấn chuyển giao công nghệ;

d) Trung tâm xúc tiến và hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ;

đ) Các tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ khác liên quan đến thị trường khoa học và công nghệ.

2. Việc thành lập, hoạt động của các tổ chức quy định tại Khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định tại Nghị định này và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

3. Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thực hiện Điều này.

Xem nội dung VB
Điều 69. Xây dựng và phát triển thị trường khoa học và công nghệ

Nhà nước có chính sách và biện pháp sau đây để xây dựng và phát triển thị trường khoa học và công nghệ:

1. Khuyến khích mọi hoạt động chuyển nhượng, chuyển giao công nghệ theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, các bên cùng có lợi;

2. Hoàn thiện chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ;

3. Áp dụng chính sách ưu đãi đối với sản phẩm đang trong thời kỳ sản xuất thử nghiệm bằng công nghệ mới; sản phẩm được làm ra từ công nghệ mới lần đầu áp dụng tại Việt Nam; hoạt động tư vấn khoa học và công nghệ; thiết bị công nghệ cao nhập khẩu, xuất khẩu công nghệ;

4. Áp dụng chế độ thưởng cho tập thể lao động và cá nhân có hoạt động đổi mới sáng tạo, sáng chế, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, ứng dụng công nghệ mới được chuyển giao;

5. Nhà nước thành lập, khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ, trung tâm xúc tiến và hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ; trung tâm, sàn giao dịch công nghệ; chợ công nghệ - thiết bị.
Điều này được hướng dẫn bởi Chương 5 Nghị định 08/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014
Điều này được hướng dẫn bởi Chương 5 Nghị định 08/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khoa học và công nghệ,
...
Chương 5. PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Điều 46. Các biện pháp phát triển thị trường khoa học và công nghệ

1. Nhà nước thực hiện các biện pháp sau đây để phát triển thị trường khoa học và công nghệ:

a) Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để sáng tạo công nghệ, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, nhập khẩu, khai thác công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ nước ngoài vào Việt Nam trên cơ sở gắn kết chặt chẽ với yêu cầu đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa;

b) Đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trên cơ sở gắn kết chặt chẽ hoạt động khoa học và công nghệ với sản xuất, kinh doanh thông qua các hoạt động liên kết, hợp tác giữa tổ chức khoa học và công nghệ với doanh nghiệp;

c) Đẩy mạnh việc ươm tạo, phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đặc biệt trong các viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học và khu công nghệ cao.

2. Biện pháp tăng cầu sản phẩm khoa học và công nghệ:

a) Đẩy mạnh việc áp dụng các biện pháp phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế để thúc đẩy nhu cầu tự thân của doanh nghiệp về đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa;

b) Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh việc đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ thông qua Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp và các hình thức khác;

c) Khuyến khích các doanh nghiệp đặt hàng đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa với các tổ chức khoa học và công nghệ trong nước.

3. Nhà nước thành lập, khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập các tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ.

Điều 47. Thành lập tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ

1. Các loại hình tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ bao gồm:

a) Cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ;

b) Trung tâm, sàn giao dịch công nghệ, chợ công nghệ - thiết bị;

c) Tổ chức dịch vụ đánh giá, định giá, giám định, tư vấn chuyển giao công nghệ;

d) Trung tâm xúc tiến và hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ;

đ) Các tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ khác liên quan đến thị trường khoa học và công nghệ.

2. Việc thành lập, hoạt động của các tổ chức quy định tại Khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định tại Nghị định này và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

3. Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thực hiện Điều này.

Xem nội dung VB
Điều 69. Xây dựng và phát triển thị trường khoa học và công nghệ

Nhà nước có chính sách và biện pháp sau đây để xây dựng và phát triển thị trường khoa học và công nghệ:

1. Khuyến khích mọi hoạt động chuyển nhượng, chuyển giao công nghệ theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, các bên cùng có lợi;

2. Hoàn thiện chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ;

3. Áp dụng chính sách ưu đãi đối với sản phẩm đang trong thời kỳ sản xuất thử nghiệm bằng công nghệ mới; sản phẩm được làm ra từ công nghệ mới lần đầu áp dụng tại Việt Nam; hoạt động tư vấn khoa học và công nghệ; thiết bị công nghệ cao nhập khẩu, xuất khẩu công nghệ;

4. Áp dụng chế độ thưởng cho tập thể lao động và cá nhân có hoạt động đổi mới sáng tạo, sáng chế, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, ứng dụng công nghệ mới được chuyển giao;

5. Nhà nước thành lập, khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ, trung tâm xúc tiến và hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ; trung tâm, sàn giao dịch công nghệ; chợ công nghệ - thiết bị.
Điều này được hướng dẫn bởi Chương 5 Nghị định 08/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014
Điều này được hướng dẫn bởi Chương 5 Nghị định 08/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khoa học và công nghệ,
...
Chương 5. PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Điều 46. Các biện pháp phát triển thị trường khoa học và công nghệ

1. Nhà nước thực hiện các biện pháp sau đây để phát triển thị trường khoa học và công nghệ:

a) Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để sáng tạo công nghệ, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, nhập khẩu, khai thác công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ nước ngoài vào Việt Nam trên cơ sở gắn kết chặt chẽ với yêu cầu đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa;

b) Đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trên cơ sở gắn kết chặt chẽ hoạt động khoa học và công nghệ với sản xuất, kinh doanh thông qua các hoạt động liên kết, hợp tác giữa tổ chức khoa học và công nghệ với doanh nghiệp;

c) Đẩy mạnh việc ươm tạo, phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đặc biệt trong các viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học và khu công nghệ cao.

2. Biện pháp tăng cầu sản phẩm khoa học và công nghệ:

a) Đẩy mạnh việc áp dụng các biện pháp phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế để thúc đẩy nhu cầu tự thân của doanh nghiệp về đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa;

b) Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh việc đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ thông qua Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp và các hình thức khác;

c) Khuyến khích các doanh nghiệp đặt hàng đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa với các tổ chức khoa học và công nghệ trong nước.

3. Nhà nước thành lập, khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập các tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ.

Điều 47. Thành lập tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ

1. Các loại hình tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ bao gồm:

a) Cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ;

b) Trung tâm, sàn giao dịch công nghệ, chợ công nghệ - thiết bị;

c) Tổ chức dịch vụ đánh giá, định giá, giám định, tư vấn chuyển giao công nghệ;

d) Trung tâm xúc tiến và hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ;

đ) Các tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ khác liên quan đến thị trường khoa học và công nghệ.

2. Việc thành lập, hoạt động của các tổ chức quy định tại Khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định tại Nghị định này và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

3. Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thực hiện Điều này.

Xem nội dung VB
Điều 69. Xây dựng và phát triển thị trường khoa học và công nghệ

Nhà nước có chính sách và biện pháp sau đây để xây dựng và phát triển thị trường khoa học và công nghệ:

1. Khuyến khích mọi hoạt động chuyển nhượng, chuyển giao công nghệ theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, các bên cùng có lợi;

2. Hoàn thiện chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ;

3. Áp dụng chính sách ưu đãi đối với sản phẩm đang trong thời kỳ sản xuất thử nghiệm bằng công nghệ mới; sản phẩm được làm ra từ công nghệ mới lần đầu áp dụng tại Việt Nam; hoạt động tư vấn khoa học và công nghệ; thiết bị công nghệ cao nhập khẩu, xuất khẩu công nghệ;

4. Áp dụng chế độ thưởng cho tập thể lao động và cá nhân có hoạt động đổi mới sáng tạo, sáng chế, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, ứng dụng công nghệ mới được chuyển giao;

5. Nhà nước thành lập, khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ, trung tâm xúc tiến và hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ; trung tâm, sàn giao dịch công nghệ; chợ công nghệ - thiết bị.
Điều này được hướng dẫn bởi Chương 5 Nghị định 08/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014
Điều này được hướng dẫn bởi Chương 5 Nghị định 08/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khoa học và công nghệ,
...
Chương 5. PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Điều 46. Các biện pháp phát triển thị trường khoa học và công nghệ

1. Nhà nước thực hiện các biện pháp sau đây để phát triển thị trường khoa học và công nghệ:

a) Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để sáng tạo công nghệ, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, nhập khẩu, khai thác công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ nước ngoài vào Việt Nam trên cơ sở gắn kết chặt chẽ với yêu cầu đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa;

b) Đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trên cơ sở gắn kết chặt chẽ hoạt động khoa học và công nghệ với sản xuất, kinh doanh thông qua các hoạt động liên kết, hợp tác giữa tổ chức khoa học và công nghệ với doanh nghiệp;

c) Đẩy mạnh việc ươm tạo, phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đặc biệt trong các viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học và khu công nghệ cao.

2. Biện pháp tăng cầu sản phẩm khoa học và công nghệ:

a) Đẩy mạnh việc áp dụng các biện pháp phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế để thúc đẩy nhu cầu tự thân của doanh nghiệp về đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa;

b) Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh việc đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ thông qua Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp và các hình thức khác;

c) Khuyến khích các doanh nghiệp đặt hàng đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa với các tổ chức khoa học và công nghệ trong nước.

3. Nhà nước thành lập, khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập các tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ.

Điều 47. Thành lập tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ

1. Các loại hình tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ bao gồm:

a) Cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ;

b) Trung tâm, sàn giao dịch công nghệ, chợ công nghệ - thiết bị;

c) Tổ chức dịch vụ đánh giá, định giá, giám định, tư vấn chuyển giao công nghệ;

d) Trung tâm xúc tiến và hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ;

đ) Các tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ khác liên quan đến thị trường khoa học và công nghệ.

2. Việc thành lập, hoạt động của các tổ chức quy định tại Khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định tại Nghị định này và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

3. Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thực hiện Điều này.

Xem nội dung VB
Điều 69. Xây dựng và phát triển thị trường khoa học và công nghệ

Nhà nước có chính sách và biện pháp sau đây để xây dựng và phát triển thị trường khoa học và công nghệ:

1. Khuyến khích mọi hoạt động chuyển nhượng, chuyển giao công nghệ theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, các bên cùng có lợi;

2. Hoàn thiện chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ;

3. Áp dụng chính sách ưu đãi đối với sản phẩm đang trong thời kỳ sản xuất thử nghiệm bằng công nghệ mới; sản phẩm được làm ra từ công nghệ mới lần đầu áp dụng tại Việt Nam; hoạt động tư vấn khoa học và công nghệ; thiết bị công nghệ cao nhập khẩu, xuất khẩu công nghệ;

4. Áp dụng chế độ thưởng cho tập thể lao động và cá nhân có hoạt động đổi mới sáng tạo, sáng chế, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, ứng dụng công nghệ mới được chuyển giao;

5. Nhà nước thành lập, khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ, trung tâm xúc tiến và hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ; trung tâm, sàn giao dịch công nghệ; chợ công nghệ - thiết bị.
Điều này được hướng dẫn bởi Chương 5 Nghị định 08/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014
Điều này được hướng dẫn bởi Chương 5 Nghị định 08/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khoa học và công nghệ,
...
Chương 5. PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Điều 46. Các biện pháp phát triển thị trường khoa học và công nghệ

1. Nhà nước thực hiện các biện pháp sau đây để phát triển thị trường khoa học và công nghệ:

a) Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để sáng tạo công nghệ, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, nhập khẩu, khai thác công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ nước ngoài vào Việt Nam trên cơ sở gắn kết chặt chẽ với yêu cầu đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa;

b) Đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trên cơ sở gắn kết chặt chẽ hoạt động khoa học và công nghệ với sản xuất, kinh doanh thông qua các hoạt động liên kết, hợp tác giữa tổ chức khoa học và công nghệ với doanh nghiệp;

c) Đẩy mạnh việc ươm tạo, phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đặc biệt trong các viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học và khu công nghệ cao.

2. Biện pháp tăng cầu sản phẩm khoa học và công nghệ:

a) Đẩy mạnh việc áp dụng các biện pháp phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế để thúc đẩy nhu cầu tự thân của doanh nghiệp về đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa;

b) Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh việc đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ thông qua Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp và các hình thức khác;

c) Khuyến khích các doanh nghiệp đặt hàng đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa với các tổ chức khoa học và công nghệ trong nước.

3. Nhà nước thành lập, khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập các tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ.

Điều 47. Thành lập tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ

1. Các loại hình tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ bao gồm:

a) Cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ;

b) Trung tâm, sàn giao dịch công nghệ, chợ công nghệ - thiết bị;

c) Tổ chức dịch vụ đánh giá, định giá, giám định, tư vấn chuyển giao công nghệ;

d) Trung tâm xúc tiến và hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ;

đ) Các tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ khác liên quan đến thị trường khoa học và công nghệ.

2. Việc thành lập, hoạt động của các tổ chức quy định tại Khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định tại Nghị định này và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

3. Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thực hiện Điều này.

Xem nội dung VB
Điều 69. Xây dựng và phát triển thị trường khoa học và công nghệ

Nhà nước có chính sách và biện pháp sau đây để xây dựng và phát triển thị trường khoa học và công nghệ:

1. Khuyến khích mọi hoạt động chuyển nhượng, chuyển giao công nghệ theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, các bên cùng có lợi;

2. Hoàn thiện chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ;

3. Áp dụng chính sách ưu đãi đối với sản phẩm đang trong thời kỳ sản xuất thử nghiệm bằng công nghệ mới; sản phẩm được làm ra từ công nghệ mới lần đầu áp dụng tại Việt Nam; hoạt động tư vấn khoa học và công nghệ; thiết bị công nghệ cao nhập khẩu, xuất khẩu công nghệ;

4. Áp dụng chế độ thưởng cho tập thể lao động và cá nhân có hoạt động đổi mới sáng tạo, sáng chế, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, ứng dụng công nghệ mới được chuyển giao;

5. Nhà nước thành lập, khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ, trung tâm xúc tiến và hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ; trung tâm, sàn giao dịch công nghệ; chợ công nghệ - thiết bị.
Điều này được hướng dẫn bởi Chương 5 Nghị định 08/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014
Điều này được hướng dẫn bởi Chương 5 Nghị định 08/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khoa học và công nghệ,
...
Chương 5. PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Điều 46. Các biện pháp phát triển thị trường khoa học và công nghệ

1. Nhà nước thực hiện các biện pháp sau đây để phát triển thị trường khoa học và công nghệ:

a) Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để sáng tạo công nghệ, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, nhập khẩu, khai thác công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ nước ngoài vào Việt Nam trên cơ sở gắn kết chặt chẽ với yêu cầu đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa;

b) Đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trên cơ sở gắn kết chặt chẽ hoạt động khoa học và công nghệ với sản xuất, kinh doanh thông qua các hoạt động liên kết, hợp tác giữa tổ chức khoa học và công nghệ với doanh nghiệp;

c) Đẩy mạnh việc ươm tạo, phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đặc biệt trong các viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học và khu công nghệ cao.

2. Biện pháp tăng cầu sản phẩm khoa học và công nghệ:

a) Đẩy mạnh việc áp dụng các biện pháp phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế để thúc đẩy nhu cầu tự thân của doanh nghiệp về đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa;

b) Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh việc đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ thông qua Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp và các hình thức khác;

c) Khuyến khích các doanh nghiệp đặt hàng đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa với các tổ chức khoa học và công nghệ trong nước.

3. Nhà nước thành lập, khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập các tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ.

Điều 47. Thành lập tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ

1. Các loại hình tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ bao gồm:

a) Cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ;

b) Trung tâm, sàn giao dịch công nghệ, chợ công nghệ - thiết bị;

c) Tổ chức dịch vụ đánh giá, định giá, giám định, tư vấn chuyển giao công nghệ;

d) Trung tâm xúc tiến và hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ;

đ) Các tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ khác liên quan đến thị trường khoa học và công nghệ.

2. Việc thành lập, hoạt động của các tổ chức quy định tại Khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định tại Nghị định này và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

3. Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thực hiện Điều này.

Xem nội dung VB
Điều 69. Xây dựng và phát triển thị trường khoa học và công nghệ

Nhà nước có chính sách và biện pháp sau đây để xây dựng và phát triển thị trường khoa học và công nghệ:

1. Khuyến khích mọi hoạt động chuyển nhượng, chuyển giao công nghệ theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, các bên cùng có lợi;

2. Hoàn thiện chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ;

3. Áp dụng chính sách ưu đãi đối với sản phẩm đang trong thời kỳ sản xuất thử nghiệm bằng công nghệ mới; sản phẩm được làm ra từ công nghệ mới lần đầu áp dụng tại Việt Nam; hoạt động tư vấn khoa học và công nghệ; thiết bị công nghệ cao nhập khẩu, xuất khẩu công nghệ;

4. Áp dụng chế độ thưởng cho tập thể lao động và cá nhân có hoạt động đổi mới sáng tạo, sáng chế, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, ứng dụng công nghệ mới được chuyển giao;

5. Nhà nước thành lập, khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ, trung tâm xúc tiến và hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ; trung tâm, sàn giao dịch công nghệ; chợ công nghệ - thiết bị.
Điều này được hướng dẫn bởi Chương 5 Nghị định 08/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014
Điều này được hướng dẫn bởi Chương 5 Nghị định 08/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khoa học và công nghệ,
...
Chương 5. PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Điều 46. Các biện pháp phát triển thị trường khoa học và công nghệ

1. Nhà nước thực hiện các biện pháp sau đây để phát triển thị trường khoa học và công nghệ:

a) Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để sáng tạo công nghệ, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, nhập khẩu, khai thác công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ nước ngoài vào Việt Nam trên cơ sở gắn kết chặt chẽ với yêu cầu đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa;

b) Đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trên cơ sở gắn kết chặt chẽ hoạt động khoa học và công nghệ với sản xuất, kinh doanh thông qua các hoạt động liên kết, hợp tác giữa tổ chức khoa học và công nghệ với doanh nghiệp;

c) Đẩy mạnh việc ươm tạo, phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đặc biệt trong các viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học và khu công nghệ cao.

2. Biện pháp tăng cầu sản phẩm khoa học và công nghệ:

a) Đẩy mạnh việc áp dụng các biện pháp phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế để thúc đẩy nhu cầu tự thân của doanh nghiệp về đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa;

b) Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh việc đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ thông qua Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp và các hình thức khác;

c) Khuyến khích các doanh nghiệp đặt hàng đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa với các tổ chức khoa học và công nghệ trong nước.

3. Nhà nước thành lập, khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập các tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ.

Điều 47. Thành lập tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ

1. Các loại hình tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ bao gồm:

a) Cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ;

b) Trung tâm, sàn giao dịch công nghệ, chợ công nghệ - thiết bị;

c) Tổ chức dịch vụ đánh giá, định giá, giám định, tư vấn chuyển giao công nghệ;

d) Trung tâm xúc tiến và hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ;

đ) Các tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ khác liên quan đến thị trường khoa học và công nghệ.

2. Việc thành lập, hoạt động của các tổ chức quy định tại Khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định tại Nghị định này và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

3. Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thực hiện Điều này.

Xem nội dung VB
Điều 69. Xây dựng và phát triển thị trường khoa học và công nghệ

Nhà nước có chính sách và biện pháp sau đây để xây dựng và phát triển thị trường khoa học và công nghệ:

1. Khuyến khích mọi hoạt động chuyển nhượng, chuyển giao công nghệ theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, các bên cùng có lợi;

2. Hoàn thiện chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ;

3. Áp dụng chính sách ưu đãi đối với sản phẩm đang trong thời kỳ sản xuất thử nghiệm bằng công nghệ mới; sản phẩm được làm ra từ công nghệ mới lần đầu áp dụng tại Việt Nam; hoạt động tư vấn khoa học và công nghệ; thiết bị công nghệ cao nhập khẩu, xuất khẩu công nghệ;

4. Áp dụng chế độ thưởng cho tập thể lao động và cá nhân có hoạt động đổi mới sáng tạo, sáng chế, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, ứng dụng công nghệ mới được chuyển giao;

5. Nhà nước thành lập, khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ, trung tâm xúc tiến và hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ; trung tâm, sàn giao dịch công nghệ; chợ công nghệ - thiết bị.
Điều này được hướng dẫn bởi Chương 5 Nghị định 08/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2014
Quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, cấp cơ sở sử dụng ngân sách nhà nước được hướng dẫn bởi Thông tư 09/2024/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 10/02/2025
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, cấp cơ sở sử dụng ngân sách nhà nước.

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Giải thích từ ngữ
...
Chương II QUẢN LÝ NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP TỈNH SỬ DỤNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Mục 1. QUY ĐỊNH CHUNG VỀ NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP TỈNH SỬ DỤNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Điều 4. Yêu cầu đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh
...
Mục 2. TỔ CHỨC XÁC ĐỊNH NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP TỈNH SỬ DỤNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Điều 5. Đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh
...
Điều 6. Tổ chức đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh
...
Điều 7. Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh
...
Điều 8. Phê duyệt danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh đặt hàng
...
Mục 3. TUYỂN CHỌN TỔ CHỨC, CÁ NHÂN THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP TỈNH

Điều 9. Nguyên tắc tuyển chọn nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh
...
Điều 10. Thông báo tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh
...
Điều 11. Điều kiện tham gia tuyển chọn
...
Điều 12. Hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ
...
Điều 13. Hội đồng tư vấn tuyển chọn, Tổ thẩm định kinh phí nhiệm vụ và Tổ chuyên gia
...
Điều 14. Tổ chức phiên họp Hội đồng tuyển chọn
...
Điều 15. Tổ chức phiên họp Tổ thẩm định kinh phí
...
Điều 16. Phê duyệt kết quả tuyển chọn tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ
...
Điều 17. Lưu giữ, quản lý hồ sơ và công khai thông tin
...
Điều 18. Hủy kết quả tuyển chọn tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ
...
Điều 19. Phê duyệt thuyết minh và ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh
...
Mục 4. KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ TRONG QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP TỈNH VÀ CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP TỈNH

Điều 20. Kiểm tra, đánh giá trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh
...
Điều 21. Xử lý kết quả kiểm tra, đánh giá nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh
...
Điều 22. Chấm dứt hợp đồng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh
...
Mục 5. ĐÁNH GIÁ, NGHIỆM THU KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP TỈNH

Điều 23. Hồ sơ đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh
...
Điều 24. Nộp hồ sơ đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh
...
Điều 25. Hội đồng khoa học và công nghệ chuyên ngành đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh
...
Điều 26. Yêu cầu đánh giá của Hội đồng nghiệm thu
...
Điều 27. Nội dung đánh giá, thang điểm đánh giá, xếp loại nhiệm vụ
...
Điều 28. Nguyên tắc chấm điểm và xếp loại đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh
...
Điều 29. Phiên họp Hội đồng nghiệm thu
...
Điều 30. Xử lý kết quả đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh
...
Điều 31. Đăng ký, lưu giữ, cập nhật thông tin nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh
...
Điều 32. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh sử dụng ngân sách nhà nước thuộc danh mục bí mật nhà nước
...
Chương III QUẢN LÝ NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP CƠ SỞ SỬ DỤNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Điều 33. Yêu cầu đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở sử dụng ngân sách nhà nước
...
Điều 34. Yêu cầu đối với tổ chức chủ trì, cá nhân chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở sử dụng ngân sách nhà nước
...
Điều 35. Xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở
...
Điều 36. Hồ sơ tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở
...
Điều 37. Hội đồng tư vấn tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở
...
Điều 38. Phê duyệt kết quả tuyển chọn tổ chức chủ trì, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở
...
Điều 39. Phê duyệt thuyết minh nhiệm vụ và ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở
...
Điều 40. Kiểm tra, đánh giá, chấm dứt hợp đồng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở
...
Điều 41. Đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở
...
Chương IV TỔ CHỨC, CHUYÊN GIA TƯ VẤN ĐỘC LẬP

Điều 42. Tổ chức, chuyên gia tư vấn độc lập
...
Điều 43. Trách nhiệm của tổ chức, chuyên gia tư vấn độc lập
...
Điều 44. Lấy ý kiến tổ chức, chuyên gia tư vấn độc lập
...
Chương V ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 45. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành
...
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

Xem nội dung VB
Điều 74. Trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ

Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ trong phạm vi cả nước, có trách nhiệm sau đây:
...
3. Thống nhất quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp; hướng dẫn xây dựng và tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước các cấp, trực tiếp quản lý và tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia; xây dựng và tổ chức thực hiện nhiệm vụ trong chương trình, đề án khoa học và công nghệ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
Quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, cấp cơ sở sử dụng ngân sách nhà nước được hướng dẫn bởi Thông tư 09/2024/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 10/02/2025
Mục này được hướng dẫn bởi Mục 2 Chương II và Điều 35 Chương III Thông tư 09/2024/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 10/02/2025
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, cấp cơ sở sử dụng ngân sách nhà nước.
...
Chương II QUẢN LÝ NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP TỈNH SỬ DỤNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
...
Mục 2. TỔ CHỨC XÁC ĐỊNH NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP TỈNH SỬ DỤNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Điều 5. Đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan, đơn vị được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp/ủy quyền.

2. Phiếu đề xuất nhiệm vụ thực hiện theo các mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này: Mẫu I.01-ĐXNV.ĐT đối với đề tài khoa học và công nghệ; Mẫu I.02-ĐXNV.DA đối với dự án khoa học và công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm; Mẫu I.03-ĐXNV.ĐA đối với đề án khoa học.

Điều 6. Tổ chức đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh

1. Căn cứ để đặt hàng

a) Nghị quyết, quy hoạch, chương trình, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương; chiến lược, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực;

b) Chỉ đạo của Tỉnh ủy, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

c) Hướng dẫn xây dựng kế hoạch, dự toán ngân sách khoa học và công nghệ hằng năm của Bộ Khoa học và Công nghệ;

d) Chương trình, kế hoạch hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo 05 năm, hằng năm của địa phương;

đ) Những vấn đề khoa học và công nghệ quan trọng nhằm giải quyết yêu cầu cấp bách của địa phương về quốc phòng, an ninh, thiên tai, dịch bệnh và khoa học và công nghệ.

2. Yêu cầu đối với đề xuất được xem xét để đặt hàng

a) Có đủ căn cứ về tính cấp thiết và đáp ứng các tiêu chí của nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh sử dụng ngân sách nhà nước quy định tại Điều 27 Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khoa học và công nghệ;

b) Có dự kiến phương án ứng dụng hoặc sử dụng kết quả tạo ra;

c) Có dự kiến về thời gian thực hiện phù hợp để bảo đảm tính khả thi trong tổ chức thực hiện;

d) Yêu cầu khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định theo quy định pháp luật (nếu có).

3. Xây dựng đặt hàng

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan, đơn vị được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp/ủy quyền tổ chức rà soát, tổng hợp các đề xuất nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư này thành danh mục theo Mẫu I.04-THĐX tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này để phục vụ họp Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan, đơn vị được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp/ủy quyền tra cứu thông tin các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã và đang thực hiện trên địa bàn tỉnh có liên quan đến đề xuất đặt hàng để phục vụ họp Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh. Kết quả tra cứu thông tin theo Mẫu I.05-KQ.TCTT tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 7. Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc người được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp/ủy quyền quyết định thành lập, quy định số lượng thành viên, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh (sau đây viết tắt là Hội đồng xác định nhiệm vụ) để xem xét, đánh giá các đề xuất để đặt hàng.

2. Thành phần Hội đồng xác định nhiệm vụ

a) Hội đồng xác định nhiệm vụ gồm: Chủ tịch, Phó chủ tịch, 02 thành viên là ủy viên phản biện, ủy viên thư ký khoa học và các ủy viên khác;

b) Thành phần của Hội đồng xác định nhiệm vụ bao gồm nhà khoa học, nhà quản lý, nhà kinh doanh có uy tín và có trình độ chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ.

3. Hội đồng xác định nhiệm vụ có thư ký hành chính để giúp việc cho Hội đồng.

4. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng xác định nhiệm vụ

a) Phiên họp của Hội đồng xác định nhiệm vụ phải có sự tham gia của ít nhất 2/3 số thành viên, trong đó có Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch được ủy quyền trong trường hợp Chủ tịch vắng mặt chủ trì phiên họp, các ủy viên phản biện và ủy viên thư ký khoa học;

b) Hội đồng xác định nhiệm vụ làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, độc lập, khách quan, trung thực và tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, bảo đảm liêm chính khoa học. Các thành viên Hội đồng xác định nhiệm vụ thảo luận công khai về nội dung được giao tư vấn;

c) Hội đồng xác định nhiệm vụ thảo luận, kết luận đối với các ý kiến khác nhau của thành viên (nếu có). Ý kiến kết luận của Hội đồng xác định nhiệm vụ được thông qua khi trên 3/4 số thành viên tham gia họp nhất trí;

d) Thành viên của Hội đồng xác định nhiệm vụ có thể yêu cầu bảo lưu ý kiến trong trường hợp ý kiến đó khác với kết luận của Hội đồng xác định nhiệm vụ, chịu trách nhiệm cá nhân về ý kiến tư vấn của mình và chịu trách nhiệm tập thể về ý kiến kết luận của Hội đồng xác định nhiệm vụ, giữ bí mật các thông tin của cuộc họp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

đ) Đại diện cơ quan, đơn vị hoặc cá nhân đề xuất nhiệm vụ có thể được mời tham dự phiên họp Hội đồng xác định nhiệm vụ.

5. Phương thức làm việc của Hội đồng xác định nhiệm vụ

a) Hội đồng xác định nhiệm vụ họp trực tiếp hoặc trực tuyến hoặc trực tiếp kết hợp trực tuyến;

b) Thành viên của Hội đồng xác định nhiệm vụ có trách nhiệm nghiên cứu tài liệu và chuẩn bị ý kiến nhận xét đề xuất đặt hàng theo Mẫu II.01-PNXĐT/DA đối với đề tài khoa học và công nghệ, dự án khoa học và công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm hoặc Mẫu II.02-PNXĐA đối với đề án khoa học tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

6. Tài liệu phục vụ phiên họp Hội đồng xác định nhiệm vụ gồm:

a) Quyết định thành lập Hội đồng xác định nhiệm vụ;

b) Bảng tổng hợp danh mục đề xuất nhiệm vụ và Phiếu đề xuất nhiệm vụ;

c) Kết quả tra cứu thông tin về các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước có liên quan đã và đang thực hiện trên địa bàn tỉnh theo Mẫu I.05-KQ.TCTT tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

d) Phiếu nhận xét: thực hiện theo Mẫu II.01-PNXĐT/DA đối với đề tài khoa học và công nghệ, dự án khoa học và công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm; Mẫu II.02-PNXĐA đối với đề án khoa học tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

đ) Tài liệu khác (nếu có).

Các tài liệu được gửi cho thành viên Hội đồng xác định nhiệm vụ trước phiên họp ít nhất 03 ngày làm việc.

7. Chương trình làm việc của Hội đồng xác định nhiệm vụ

a) Công bố quyết định thành lập Hội đồng xác định nhiệm vụ, giới thiệu đại biểu tham dự;

b) Chủ tịch Hội đồng xác định nhiệm vụ hoặc Phó Chủ tịch được ủy quyền trong trường hợp Chủ tịch vắng mặt chủ trì phiên họp, thống nhất nguyên tắc và chương trình làm việc. Thư ký khoa học ghi chép các ý kiến thảo luận và lập biên bản phiên họp theo Mẫu II.06-BB.HĐXĐNV tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Hội đồng xác định nhiệm vụ bầu ban kiểm phiếu gồm 03 thành viên thuộc Hội đồng xác định nhiệm vụ, trong đó có 01 trưởng ban để tổng hợp phiếu đánh giá của các thành viên Hội đồng xác định nhiệm vụ;

d) Các thành viên Hội đồng xác định nhiệm vụ phân tích, thảo luận và đánh giá về các nội dung chính sau:

- Tính cấp thiết, tầm quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh;

- Khả năng không trùng lặp với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước đã và đang thực hiện trên địa bàn tỉnh;

- Khả năng ứng dụng hoặc sử dụng kết quả tạo ra vào sản xuất và đời sống hoặc vào việc xây dựng, hoạch định chính sách (đối với đề án khoa học, đề tài khoa học và công nghệ);

- Xuất xứ công nghệ và khả năng huy động nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước để thực hiện (đối với dự án khoa học và công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm);

- Tên, định hướng mục tiêu, yêu cầu đối với kết quả;

đ) Các thành viên Hội đồng xác định nhiệm vụ đánh giá đề xuất đặt hàng theo các Mẫu phiếu đánh giá tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này: Mẫu II.03-PĐGĐT/DA đối với đề tài khoa học và công nghệ, dự án khoa học và công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm; Mẫu II.04-PĐGĐA đối với đề án khoa học;

e) Đề xuất đặt hàng được “Đề nghị thực hiện” khi tất cả các nội dung trong phiếu đánh giá được đánh giá “Đạt yêu cầu” và “Đề nghị không thực hiện” khi một trong các nội dung trong phiếu đánh giá được đánh giá “Không đạt yêu cầu”;

g) Ban kiểm phiếu tổng hợp phiếu đánh giá của các thành viên Hội đồng xác định nhiệm vụ, lập biên bản kiểm phiếu theo Mẫu II.05-BBKP tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này và công khai kết quả kiểm phiếu tại cuộc họp của Hội đồng xác định nhiệm vụ. Đề xuất đặt hàng được Hội đồng xác định nhiệm vụ “Đề nghị thực hiện” khi có trên 3/4 tổng số phiếu đánh giá “Đề nghị thực hiện”;

h) Đối với đề xuất đặt hàng được “Đề nghị thực hiện”, Hội đồng xác định nhiệm vụ thảo luận và thống nhất kiến nghị về các nội dung của nhiệm vụ đặt hàng;

Thư ký khoa học tổng hợp kiến nghị của Hội đồng xác định nhiệm vụ theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này: Mẫu II.07-THKN.ĐA đối với đề án khoa học; Mẫu II.08-THKN.ĐT/DA đối với đề tài khoa học và công nghệ, dự án khoa học và công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm;

i) Đối với đề xuất đặt hàng được “Đề nghị không thực hiện”, Hội đồng xác định nhiệm vụ thống nhất ý kiến đánh giá về lý do không đề nghị thực hiện và ghi trong biên bản họp Hội đồng xác định nhiệm vụ;

k) Trường hợp tham gia cuộc họp bằng hình thức trực tuyến, thành viên Hội đồng xác định nhiệm vụ có trách nhiệm gửi phiếu nhận xét và phiếu đánh giá tới thư ký hành chính của Hội đồng xác định nhiệm vụ để tổng hợp.

Điều 8. Phê duyệt danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh đặt hàng

1. Sau khi có kết quả tư vấn của Hội đồng xác định nhiệm vụ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan, đơn vị được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp/ủy quyền quyết định phê duyệt danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh đặt hàng theo Mẫu II.09-QĐ.DMĐH tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

Trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc người được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp/ủy quyền lấy ý kiến tư vấn của chuyên gia tư vấn độc lập trước khi phê duyệt.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan, đơn vị được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp/ủy quyền thông báo công khai danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặt hàng để tuyển chọn tổ chức, cá nhân có đủ năng lực triển khai thực hiện.
...
Chương III QUẢN LÝ NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP CƠ SỞ SỬ DỤNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
...
Điều 35. Xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở

1. Căn cứ xác định nhiệm vụ

a) Mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;

b) Chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị đề xuất.

2. Trình tự xác định nhiệm vụ

a) Cơ quan, đơn vị cấp cơ sở thông báo đề xuất nhiệm vụ;

b) Tổ chức, cá nhân gửi phiếu đề xuất về cơ quan, đơn vị cấp cơ sở để tổng hợp, xử lý;

Phiếu đề xuất đề tài, dự án khoa học và công nghệ thực hiện theo mẫu phiếu đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này;

c) Thủ trưởng cơ quan, đơn vị cấp cơ sở tổ chức Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở hoặc lấy ý kiến chuyên gia tư vấn độc lập để xác định danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở;

Thủ trưởng cơ quan, đơn vị cấp cơ sở quyết định thành lập, quy định số lượng thành viên Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở. Thành phần Hội đồng, nguyên tắc, phương thức làm việc, phiên họp Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở thực hiện theo quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6 và khoản 7 Điều 7 Thông tư này;

d) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả tư vấn xác định danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ, thủ trưởng cơ quan, đơn vị cấp cơ sở xem xét, quyết định phê duyệt theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở;

đ) Cơ quan, đơn vị cấp cơ sở thông báo công khai danh mục nhiệm vụ cấp cơ sở để tuyển chọn tổ chức chủ trì, cá nhân chủ nhiệm nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng trong thời hạn 15 ngày để tổ chức, cá nhân chuẩn bị hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn.
...
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

Xem nội dung VB
Chương IV XÁC ĐỊNH, TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Mục 1. XÁC ĐỊNH NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Mục này được hướng dẫn bởi Mục 2 Chương II và Điều 35 Chương III Thông tư 09/2024/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 10/02/2025
Mục này được hướng dẫn bởi Mục 2 Chương II và Điều 35 Chương III Thông tư 09/2024/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 10/02/2025
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, cấp cơ sở sử dụng ngân sách nhà nước.
...
Chương II QUẢN LÝ NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP TỈNH SỬ DỤNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
...
Mục 2. TỔ CHỨC XÁC ĐỊNH NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP TỈNH SỬ DỤNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Điều 5. Đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan, đơn vị được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp/ủy quyền.

2. Phiếu đề xuất nhiệm vụ thực hiện theo các mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này: Mẫu I.01-ĐXNV.ĐT đối với đề tài khoa học và công nghệ; Mẫu I.02-ĐXNV.DA đối với dự án khoa học và công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm; Mẫu I.03-ĐXNV.ĐA đối với đề án khoa học.

Điều 6. Tổ chức đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh

1. Căn cứ để đặt hàng

a) Nghị quyết, quy hoạch, chương trình, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương; chiến lược, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực;

b) Chỉ đạo của Tỉnh ủy, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

c) Hướng dẫn xây dựng kế hoạch, dự toán ngân sách khoa học và công nghệ hằng năm của Bộ Khoa học và Công nghệ;

d) Chương trình, kế hoạch hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo 05 năm, hằng năm của địa phương;

đ) Những vấn đề khoa học và công nghệ quan trọng nhằm giải quyết yêu cầu cấp bách của địa phương về quốc phòng, an ninh, thiên tai, dịch bệnh và khoa học và công nghệ.

2. Yêu cầu đối với đề xuất được xem xét để đặt hàng

a) Có đủ căn cứ về tính cấp thiết và đáp ứng các tiêu chí của nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh sử dụng ngân sách nhà nước quy định tại Điều 27 Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khoa học và công nghệ;

b) Có dự kiến phương án ứng dụng hoặc sử dụng kết quả tạo ra;

c) Có dự kiến về thời gian thực hiện phù hợp để bảo đảm tính khả thi trong tổ chức thực hiện;

d) Yêu cầu khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định theo quy định pháp luật (nếu có).

3. Xây dựng đặt hàng

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan, đơn vị được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp/ủy quyền tổ chức rà soát, tổng hợp các đề xuất nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư này thành danh mục theo Mẫu I.04-THĐX tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này để phục vụ họp Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan, đơn vị được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp/ủy quyền tra cứu thông tin các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã và đang thực hiện trên địa bàn tỉnh có liên quan đến đề xuất đặt hàng để phục vụ họp Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh. Kết quả tra cứu thông tin theo Mẫu I.05-KQ.TCTT tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 7. Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc người được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp/ủy quyền quyết định thành lập, quy định số lượng thành viên, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh (sau đây viết tắt là Hội đồng xác định nhiệm vụ) để xem xét, đánh giá các đề xuất để đặt hàng.

2. Thành phần Hội đồng xác định nhiệm vụ

a) Hội đồng xác định nhiệm vụ gồm: Chủ tịch, Phó chủ tịch, 02 thành viên là ủy viên phản biện, ủy viên thư ký khoa học và các ủy viên khác;

b) Thành phần của Hội đồng xác định nhiệm vụ bao gồm nhà khoa học, nhà quản lý, nhà kinh doanh có uy tín và có trình độ chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ.

3. Hội đồng xác định nhiệm vụ có thư ký hành chính để giúp việc cho Hội đồng.

4. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng xác định nhiệm vụ

a) Phiên họp của Hội đồng xác định nhiệm vụ phải có sự tham gia của ít nhất 2/3 số thành viên, trong đó có Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch được ủy quyền trong trường hợp Chủ tịch vắng mặt chủ trì phiên họp, các ủy viên phản biện và ủy viên thư ký khoa học;

b) Hội đồng xác định nhiệm vụ làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, độc lập, khách quan, trung thực và tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, bảo đảm liêm chính khoa học. Các thành viên Hội đồng xác định nhiệm vụ thảo luận công khai về nội dung được giao tư vấn;

c) Hội đồng xác định nhiệm vụ thảo luận, kết luận đối với các ý kiến khác nhau của thành viên (nếu có). Ý kiến kết luận của Hội đồng xác định nhiệm vụ được thông qua khi trên 3/4 số thành viên tham gia họp nhất trí;

d) Thành viên của Hội đồng xác định nhiệm vụ có thể yêu cầu bảo lưu ý kiến trong trường hợp ý kiến đó khác với kết luận của Hội đồng xác định nhiệm vụ, chịu trách nhiệm cá nhân về ý kiến tư vấn của mình và chịu trách nhiệm tập thể về ý kiến kết luận của Hội đồng xác định nhiệm vụ, giữ bí mật các thông tin của cuộc họp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

đ) Đại diện cơ quan, đơn vị hoặc cá nhân đề xuất nhiệm vụ có thể được mời tham dự phiên họp Hội đồng xác định nhiệm vụ.

5. Phương thức làm việc của Hội đồng xác định nhiệm vụ

a) Hội đồng xác định nhiệm vụ họp trực tiếp hoặc trực tuyến hoặc trực tiếp kết hợp trực tuyến;

b) Thành viên của Hội đồng xác định nhiệm vụ có trách nhiệm nghiên cứu tài liệu và chuẩn bị ý kiến nhận xét đề xuất đặt hàng theo Mẫu II.01-PNXĐT/DA đối với đề tài khoa học và công nghệ, dự án khoa học và công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm hoặc Mẫu II.02-PNXĐA đối với đề án khoa học tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

6. Tài liệu phục vụ phiên họp Hội đồng xác định nhiệm vụ gồm:

a) Quyết định thành lập Hội đồng xác định nhiệm vụ;

b) Bảng tổng hợp danh mục đề xuất nhiệm vụ và Phiếu đề xuất nhiệm vụ;

c) Kết quả tra cứu thông tin về các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước có liên quan đã và đang thực hiện trên địa bàn tỉnh theo Mẫu I.05-KQ.TCTT tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

d) Phiếu nhận xét: thực hiện theo Mẫu II.01-PNXĐT/DA đối với đề tài khoa học và công nghệ, dự án khoa học và công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm; Mẫu II.02-PNXĐA đối với đề án khoa học tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

đ) Tài liệu khác (nếu có).

Các tài liệu được gửi cho thành viên Hội đồng xác định nhiệm vụ trước phiên họp ít nhất 03 ngày làm việc.

7. Chương trình làm việc của Hội đồng xác định nhiệm vụ

a) Công bố quyết định thành lập Hội đồng xác định nhiệm vụ, giới thiệu đại biểu tham dự;

b) Chủ tịch Hội đồng xác định nhiệm vụ hoặc Phó Chủ tịch được ủy quyền trong trường hợp Chủ tịch vắng mặt chủ trì phiên họp, thống nhất nguyên tắc và chương trình làm việc. Thư ký khoa học ghi chép các ý kiến thảo luận và lập biên bản phiên họp theo Mẫu II.06-BB.HĐXĐNV tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Hội đồng xác định nhiệm vụ bầu ban kiểm phiếu gồm 03 thành viên thuộc Hội đồng xác định nhiệm vụ, trong đó có 01 trưởng ban để tổng hợp phiếu đánh giá của các thành viên Hội đồng xác định nhiệm vụ;

d) Các thành viên Hội đồng xác định nhiệm vụ phân tích, thảo luận và đánh giá về các nội dung chính sau:

- Tính cấp thiết, tầm quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh;

- Khả năng không trùng lặp với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước đã và đang thực hiện trên địa bàn tỉnh;

- Khả năng ứng dụng hoặc sử dụng kết quả tạo ra vào sản xuất và đời sống hoặc vào việc xây dựng, hoạch định chính sách (đối với đề án khoa học, đề tài khoa học và công nghệ);

- Xuất xứ công nghệ và khả năng huy động nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước để thực hiện (đối với dự án khoa học và công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm);

- Tên, định hướng mục tiêu, yêu cầu đối với kết quả;

đ) Các thành viên Hội đồng xác định nhiệm vụ đánh giá đề xuất đặt hàng theo các Mẫu phiếu đánh giá tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này: Mẫu II.03-PĐGĐT/DA đối với đề tài khoa học và công nghệ, dự án khoa học và công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm; Mẫu II.04-PĐGĐA đối với đề án khoa học;

e) Đề xuất đặt hàng được “Đề nghị thực hiện” khi tất cả các nội dung trong phiếu đánh giá được đánh giá “Đạt yêu cầu” và “Đề nghị không thực hiện” khi một trong các nội dung trong phiếu đánh giá được đánh giá “Không đạt yêu cầu”;

g) Ban kiểm phiếu tổng hợp phiếu đánh giá của các thành viên Hội đồng xác định nhiệm vụ, lập biên bản kiểm phiếu theo Mẫu II.05-BBKP tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này và công khai kết quả kiểm phiếu tại cuộc họp của Hội đồng xác định nhiệm vụ. Đề xuất đặt hàng được Hội đồng xác định nhiệm vụ “Đề nghị thực hiện” khi có trên 3/4 tổng số phiếu đánh giá “Đề nghị thực hiện”;

h) Đối với đề xuất đặt hàng được “Đề nghị thực hiện”, Hội đồng xác định nhiệm vụ thảo luận và thống nhất kiến nghị về các nội dung của nhiệm vụ đặt hàng;

Thư ký khoa học tổng hợp kiến nghị của Hội đồng xác định nhiệm vụ theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này: Mẫu II.07-THKN.ĐA đối với đề án khoa học; Mẫu II.08-THKN.ĐT/DA đối với đề tài khoa học và công nghệ, dự án khoa học và công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm;

i) Đối với đề xuất đặt hàng được “Đề nghị không thực hiện”, Hội đồng xác định nhiệm vụ thống nhất ý kiến đánh giá về lý do không đề nghị thực hiện và ghi trong biên bản họp Hội đồng xác định nhiệm vụ;

k) Trường hợp tham gia cuộc họp bằng hình thức trực tuyến, thành viên Hội đồng xác định nhiệm vụ có trách nhiệm gửi phiếu nhận xét và phiếu đánh giá tới thư ký hành chính của Hội đồng xác định nhiệm vụ để tổng hợp.

Điều 8. Phê duyệt danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh đặt hàng

1. Sau khi có kết quả tư vấn của Hội đồng xác định nhiệm vụ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan, đơn vị được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp/ủy quyền quyết định phê duyệt danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh đặt hàng theo Mẫu II.09-QĐ.DMĐH tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

Trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc người được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp/ủy quyền lấy ý kiến tư vấn của chuyên gia tư vấn độc lập trước khi phê duyệt.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan, đơn vị được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp/ủy quyền thông báo công khai danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặt hàng để tuyển chọn tổ chức, cá nhân có đủ năng lực triển khai thực hiện.
...
Chương III QUẢN LÝ NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP CƠ SỞ SỬ DỤNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
...
Điều 35. Xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở

1. Căn cứ xác định nhiệm vụ

a) Mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;

b) Chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị đề xuất.

2. Trình tự xác định nhiệm vụ

a) Cơ quan, đơn vị cấp cơ sở thông báo đề xuất nhiệm vụ;

b) Tổ chức, cá nhân gửi phiếu đề xuất về cơ quan, đơn vị cấp cơ sở để tổng hợp, xử lý;

Phiếu đề xuất đề tài, dự án khoa học và công nghệ thực hiện theo mẫu phiếu đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này;

c) Thủ trưởng cơ quan, đơn vị cấp cơ sở tổ chức Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở hoặc lấy ý kiến chuyên gia tư vấn độc lập để xác định danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở;

Thủ trưởng cơ quan, đơn vị cấp cơ sở quyết định thành lập, quy định số lượng thành viên Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở. Thành phần Hội đồng, nguyên tắc, phương thức làm việc, phiên họp Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở thực hiện theo quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6 và khoản 7 Điều 7 Thông tư này;

d) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả tư vấn xác định danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ, thủ trưởng cơ quan, đơn vị cấp cơ sở xem xét, quyết định phê duyệt theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở;

đ) Cơ quan, đơn vị cấp cơ sở thông báo công khai danh mục nhiệm vụ cấp cơ sở để tuyển chọn tổ chức chủ trì, cá nhân chủ nhiệm nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng trong thời hạn 15 ngày để tổ chức, cá nhân chuẩn bị hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn.
...
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

Xem nội dung VB
Chương IV XÁC ĐỊNH, TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Mục 1. XÁC ĐỊNH NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Mục này được hướng dẫn bởi Mục 2 Chương II và Điều 35 Chương III Thông tư 09/2024/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 10/02/2025
Nội dung này được hướng dẫn bởi Điều 7 Thông tư 09/2024/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 10/02/2025
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, cấp cơ sở sử dụng ngân sách nhà nước.
...
Điều 7. Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc người được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp/ủy quyền quyết định thành lập, quy định số lượng thành viên, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh (sau đây viết tắt là Hội đồng xác định nhiệm vụ) để xem xét, đánh giá các đề xuất để đặt hàng.

2. Thành phần Hội đồng xác định nhiệm vụ

a) Hội đồng xác định nhiệm vụ gồm: Chủ tịch, Phó chủ tịch, 02 thành viên là ủy viên phản biện, ủy viên thư ký khoa học và các ủy viên khác;

b) Thành phần của Hội đồng xác định nhiệm vụ bao gồm nhà khoa học, nhà quản lý, nhà kinh doanh có uy tín và có trình độ chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ.

3. Hội đồng xác định nhiệm vụ có thư ký hành chính để giúp việc cho Hội đồng.

4. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng xác định nhiệm vụ

a) Phiên họp của Hội đồng xác định nhiệm vụ phải có sự tham gia của ít nhất 2/3 số thành viên, trong đó có Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch được ủy quyền trong trường hợp Chủ tịch vắng mặt chủ trì phiên họp, các ủy viên phản biện và ủy viên thư ký khoa học;

b) Hội đồng xác định nhiệm vụ làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, độc lập, khách quan, trung thực và tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, bảo đảm liêm chính khoa học. Các thành viên Hội đồng xác định nhiệm vụ thảo luận công khai về nội dung được giao tư vấn;

c) Hội đồng xác định nhiệm vụ thảo luận, kết luận đối với các ý kiến khác nhau của thành viên (nếu có). Ý kiến kết luận của Hội đồng xác định nhiệm vụ được thông qua khi trên 3/4 số thành viên tham gia họp nhất trí;

d) Thành viên của Hội đồng xác định nhiệm vụ có thể yêu cầu bảo lưu ý kiến trong trường hợp ý kiến đó khác với kết luận của Hội đồng xác định nhiệm vụ, chịu trách nhiệm cá nhân về ý kiến tư vấn của mình và chịu trách nhiệm tập thể về ý kiến kết luận của Hội đồng xác định nhiệm vụ, giữ bí mật các thông tin của cuộc họp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

đ) Đại diện cơ quan, đơn vị hoặc cá nhân đề xuất nhiệm vụ có thể được mời tham dự phiên họp Hội đồng xác định nhiệm vụ.

5. Phương thức làm việc của Hội đồng xác định nhiệm vụ

a) Hội đồng xác định nhiệm vụ họp trực tiếp hoặc trực tuyến hoặc trực tiếp kết hợp trực tuyến;

b) Thành viên của Hội đồng xác định nhiệm vụ có trách nhiệm nghiên cứu tài liệu và chuẩn bị ý kiến nhận xét đề xuất đặt hàng theo Mẫu II.01-PNXĐT/DA đối với đề tài khoa học và công nghệ, dự án khoa học và công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm hoặc Mẫu II.02-PNXĐA đối với đề án khoa học tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

6. Tài liệu phục vụ phiên họp Hội đồng xác định nhiệm vụ gồm:

a) Quyết định thành lập Hội đồng xác định nhiệm vụ;

b) Bảng tổng hợp danh mục đề xuất nhiệm vụ và Phiếu đề xuất nhiệm vụ;

c) Kết quả tra cứu thông tin về các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước có liên quan đã và đang thực hiện trên địa bàn tỉnh theo Mẫu I.05-KQ.TCTT tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

d) Phiếu nhận xét: thực hiện theo Mẫu II.01-PNXĐT/DA đối với đề tài khoa học và công nghệ, dự án khoa học và công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm; Mẫu II.02-PNXĐA đối với đề án khoa học tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

đ) Tài liệu khác (nếu có).

Các tài liệu được gửi cho thành viên Hội đồng xác định nhiệm vụ trước phiên họp ít nhất 03 ngày làm việc.

7. Chương trình làm việc của Hội đồng xác định nhiệm vụ

a) Công bố quyết định thành lập Hội đồng xác định nhiệm vụ, giới thiệu đại biểu tham dự;

b) Chủ tịch Hội đồng xác định nhiệm vụ hoặc Phó Chủ tịch được ủy quyền trong trường hợp Chủ tịch vắng mặt chủ trì phiên họp, thống nhất nguyên tắc và chương trình làm việc. Thư ký khoa học ghi chép các ý kiến thảo luận và lập biên bản phiên họp theo Mẫu II.06-BB.HĐXĐNV tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Hội đồng xác định nhiệm vụ bầu ban kiểm phiếu gồm 03 thành viên thuộc Hội đồng xác định nhiệm vụ, trong đó có 01 trưởng ban để tổng hợp phiếu đánh giá của các thành viên Hội đồng xác định nhiệm vụ;

d) Các thành viên Hội đồng xác định nhiệm vụ phân tích, thảo luận và đánh giá về các nội dung chính sau:

- Tính cấp thiết, tầm quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh;

- Khả năng không trùng lặp với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước đã và đang thực hiện trên địa bàn tỉnh;

- Khả năng ứng dụng hoặc sử dụng kết quả tạo ra vào sản xuất và đời sống hoặc vào việc xây dựng, hoạch định chính sách (đối với đề án khoa học, đề tài khoa học và công nghệ);

- Xuất xứ công nghệ và khả năng huy động nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước để thực hiện (đối với dự án khoa học và công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm);

- Tên, định hướng mục tiêu, yêu cầu đối với kết quả;

đ) Các thành viên Hội đồng xác định nhiệm vụ đánh giá đề xuất đặt hàng theo các Mẫu phiếu đánh giá tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này: Mẫu II.03-PĐGĐT/DA đối với đề tài khoa học và công nghệ, dự án khoa học và công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm; Mẫu II.04-PĐGĐA đối với đề án khoa học;

e) Đề xuất đặt hàng được “Đề nghị thực hiện” khi tất cả các nội dung trong phiếu đánh giá được đánh giá “Đạt yêu cầu” và “Đề nghị không thực hiện” khi một trong các nội dung trong phiếu đánh giá được đánh giá “Không đạt yêu cầu”;

g) Ban kiểm phiếu tổng hợp phiếu đánh giá của các thành viên Hội đồng xác định nhiệm vụ, lập biên bản kiểm phiếu theo Mẫu II.05-BBKP tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này và công khai kết quả kiểm phiếu tại cuộc họp của Hội đồng xác định nhiệm vụ. Đề xuất đặt hàng được Hội đồng xác định nhiệm vụ “Đề nghị thực hiện” khi có trên 3/4 tổng số phiếu đánh giá “Đề nghị thực hiện”;

h) Đối với đề xuất đặt hàng được “Đề nghị thực hiện”, Hội đồng xác định nhiệm vụ thảo luận và thống nhất kiến nghị về các nội dung của nhiệm vụ đặt hàng;

Thư ký khoa học tổng hợp kiến nghị của Hội đồng xác định nhiệm vụ theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này: Mẫu II.07-THKN.ĐA đối với đề án khoa học; Mẫu II.08-THKN.ĐT/DA đối với đề tài khoa học và công nghệ, dự án khoa học và công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm;

i) Đối với đề xuất đặt hàng được “Đề nghị không thực hiện”, Hội đồng xác định nhiệm vụ thống nhất ý kiến đánh giá về lý do không đề nghị thực hiện và ghi trong biên bản họp Hội đồng xác định nhiệm vụ;

k) Trường hợp tham gia cuộc họp bằng hình thức trực tuyến, thành viên Hội đồng xác định nhiệm vụ có trách nhiệm gửi phiếu nhận xét và phiếu đánh giá tới thư ký hành chính của Hội đồng xác định nhiệm vụ để tổng hợp.
...
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

Xem nội dung VB
Điều 26. Đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ

1. Việc đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được quy định như sau:
...
d) Việc lấy ý kiến tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ được thực hiện thông qua Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quyết định thành lập, quy định nhiệm vụ và quyền hạn. Thành phần của Hội đồng bao gồm nhà khoa học, nhà quản lý, nhà kinh doanh có uy tín và trình độ phù hợp với nhiệm vụ. Trong trường hợp cần thiết, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có quyền lấy ý kiến tư vấn của chuyên gia tư vấn độc lập trước hoặc sau khi họp Hội đồng. Thành viên Hội đồng và chuyên gia tư vấn độc lập phải chịu trách nhiệm về ý kiến tư vấn của mình.
Nội dung này được hướng dẫn bởi Điều 7 Thông tư 09/2024/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 10/02/2025
Nội dung này được hướng dẫn bởi Điều 7 Thông tư 09/2024/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 10/02/2025
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, cấp cơ sở sử dụng ngân sách nhà nước.
...
Điều 7. Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc người được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp/ủy quyền quyết định thành lập, quy định số lượng thành viên, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh (sau đây viết tắt là Hội đồng xác định nhiệm vụ) để xem xét, đánh giá các đề xuất để đặt hàng.

2. Thành phần Hội đồng xác định nhiệm vụ

a) Hội đồng xác định nhiệm vụ gồm: Chủ tịch, Phó chủ tịch, 02 thành viên là ủy viên phản biện, ủy viên thư ký khoa học và các ủy viên khác;

b) Thành phần của Hội đồng xác định nhiệm vụ bao gồm nhà khoa học, nhà quản lý, nhà kinh doanh có uy tín và có trình độ chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ.

3. Hội đồng xác định nhiệm vụ có thư ký hành chính để giúp việc cho Hội đồng.

4. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng xác định nhiệm vụ

a) Phiên họp của Hội đồng xác định nhiệm vụ phải có sự tham gia của ít nhất 2/3 số thành viên, trong đó có Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch được ủy quyền trong trường hợp Chủ tịch vắng mặt chủ trì phiên họp, các ủy viên phản biện và ủy viên thư ký khoa học;

b) Hội đồng xác định nhiệm vụ làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, độc lập, khách quan, trung thực và tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, bảo đảm liêm chính khoa học. Các thành viên Hội đồng xác định nhiệm vụ thảo luận công khai về nội dung được giao tư vấn;

c) Hội đồng xác định nhiệm vụ thảo luận, kết luận đối với các ý kiến khác nhau của thành viên (nếu có). Ý kiến kết luận của Hội đồng xác định nhiệm vụ được thông qua khi trên 3/4 số thành viên tham gia họp nhất trí;

d) Thành viên của Hội đồng xác định nhiệm vụ có thể yêu cầu bảo lưu ý kiến trong trường hợp ý kiến đó khác với kết luận của Hội đồng xác định nhiệm vụ, chịu trách nhiệm cá nhân về ý kiến tư vấn của mình và chịu trách nhiệm tập thể về ý kiến kết luận của Hội đồng xác định nhiệm vụ, giữ bí mật các thông tin của cuộc họp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

đ) Đại diện cơ quan, đơn vị hoặc cá nhân đề xuất nhiệm vụ có thể được mời tham dự phiên họp Hội đồng xác định nhiệm vụ.

5. Phương thức làm việc của Hội đồng xác định nhiệm vụ

a) Hội đồng xác định nhiệm vụ họp trực tiếp hoặc trực tuyến hoặc trực tiếp kết hợp trực tuyến;

b) Thành viên của Hội đồng xác định nhiệm vụ có trách nhiệm nghiên cứu tài liệu và chuẩn bị ý kiến nhận xét đề xuất đặt hàng theo Mẫu II.01-PNXĐT/DA đối với đề tài khoa học và công nghệ, dự án khoa học và công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm hoặc Mẫu II.02-PNXĐA đối với đề án khoa học tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

6. Tài liệu phục vụ phiên họp Hội đồng xác định nhiệm vụ gồm:

a) Quyết định thành lập Hội đồng xác định nhiệm vụ;

b) Bảng tổng hợp danh mục đề xuất nhiệm vụ và Phiếu đề xuất nhiệm vụ;

c) Kết quả tra cứu thông tin về các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước có liên quan đã và đang thực hiện trên địa bàn tỉnh theo Mẫu I.05-KQ.TCTT tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

d) Phiếu nhận xét: thực hiện theo Mẫu II.01-PNXĐT/DA đối với đề tài khoa học và công nghệ, dự án khoa học và công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm; Mẫu II.02-PNXĐA đối với đề án khoa học tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

đ) Tài liệu khác (nếu có).

Các tài liệu được gửi cho thành viên Hội đồng xác định nhiệm vụ trước phiên họp ít nhất 03 ngày làm việc.

7. Chương trình làm việc của Hội đồng xác định nhiệm vụ

a) Công bố quyết định thành lập Hội đồng xác định nhiệm vụ, giới thiệu đại biểu tham dự;

b) Chủ tịch Hội đồng xác định nhiệm vụ hoặc Phó Chủ tịch được ủy quyền trong trường hợp Chủ tịch vắng mặt chủ trì phiên họp, thống nhất nguyên tắc và chương trình làm việc. Thư ký khoa học ghi chép các ý kiến thảo luận và lập biên bản phiên họp theo Mẫu II.06-BB.HĐXĐNV tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Hội đồng xác định nhiệm vụ bầu ban kiểm phiếu gồm 03 thành viên thuộc Hội đồng xác định nhiệm vụ, trong đó có 01 trưởng ban để tổng hợp phiếu đánh giá của các thành viên Hội đồng xác định nhiệm vụ;

d) Các thành viên Hội đồng xác định nhiệm vụ phân tích, thảo luận và đánh giá về các nội dung chính sau:

- Tính cấp thiết, tầm quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh;

- Khả năng không trùng lặp với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước đã và đang thực hiện trên địa bàn tỉnh;

- Khả năng ứng dụng hoặc sử dụng kết quả tạo ra vào sản xuất và đời sống hoặc vào việc xây dựng, hoạch định chính sách (đối với đề án khoa học, đề tài khoa học và công nghệ);

- Xuất xứ công nghệ và khả năng huy động nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước để thực hiện (đối với dự án khoa học và công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm);

- Tên, định hướng mục tiêu, yêu cầu đối với kết quả;

đ) Các thành viên Hội đồng xác định nhiệm vụ đánh giá đề xuất đặt hàng theo các Mẫu phiếu đánh giá tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này: Mẫu II.03-PĐGĐT/DA đối với đề tài khoa học và công nghệ, dự án khoa học và công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm; Mẫu II.04-PĐGĐA đối với đề án khoa học;

e) Đề xuất đặt hàng được “Đề nghị thực hiện” khi tất cả các nội dung trong phiếu đánh giá được đánh giá “Đạt yêu cầu” và “Đề nghị không thực hiện” khi một trong các nội dung trong phiếu đánh giá được đánh giá “Không đạt yêu cầu”;

g) Ban kiểm phiếu tổng hợp phiếu đánh giá của các thành viên Hội đồng xác định nhiệm vụ, lập biên bản kiểm phiếu theo Mẫu II.05-BBKP tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này và công khai kết quả kiểm phiếu tại cuộc họp của Hội đồng xác định nhiệm vụ. Đề xuất đặt hàng được Hội đồng xác định nhiệm vụ “Đề nghị thực hiện” khi có trên 3/4 tổng số phiếu đánh giá “Đề nghị thực hiện”;

h) Đối với đề xuất đặt hàng được “Đề nghị thực hiện”, Hội đồng xác định nhiệm vụ thảo luận và thống nhất kiến nghị về các nội dung của nhiệm vụ đặt hàng;

Thư ký khoa học tổng hợp kiến nghị của Hội đồng xác định nhiệm vụ theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này: Mẫu II.07-THKN.ĐA đối với đề án khoa học; Mẫu II.08-THKN.ĐT/DA đối với đề tài khoa học và công nghệ, dự án khoa học và công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm;

i) Đối với đề xuất đặt hàng được “Đề nghị không thực hiện”, Hội đồng xác định nhiệm vụ thống nhất ý kiến đánh giá về lý do không đề nghị thực hiện và ghi trong biên bản họp Hội đồng xác định nhiệm vụ;

k) Trường hợp tham gia cuộc họp bằng hình thức trực tuyến, thành viên Hội đồng xác định nhiệm vụ có trách nhiệm gửi phiếu nhận xét và phiếu đánh giá tới thư ký hành chính của Hội đồng xác định nhiệm vụ để tổng hợp.
...
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

Xem nội dung VB
Điều 26. Đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ

1. Việc đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được quy định như sau:
...
d) Việc lấy ý kiến tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ được thực hiện thông qua Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quyết định thành lập, quy định nhiệm vụ và quyền hạn. Thành phần của Hội đồng bao gồm nhà khoa học, nhà quản lý, nhà kinh doanh có uy tín và trình độ phù hợp với nhiệm vụ. Trong trường hợp cần thiết, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có quyền lấy ý kiến tư vấn của chuyên gia tư vấn độc lập trước hoặc sau khi họp Hội đồng. Thành viên Hội đồng và chuyên gia tư vấn độc lập phải chịu trách nhiệm về ý kiến tư vấn của mình.
Nội dung này được hướng dẫn bởi Điều 7 Thông tư 09/2024/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 10/02/2025
Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 19, Điều 39 Thông tư 09/2024/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 10/02/2025
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, cấp cơ sở sử dụng ngân sách nhà nước.
...
Điều 19. Phê duyệt thuyết minh và ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan, đơn vị được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp/ủy quyền phê duyệt thuyết minh theo mẫu quy định tại điểm c khoản 1 Điều 12 Thông tư này và ký hợp đồng với tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh theo quy định tại Thông tư số 05/2014/TT-BKHCN ngày 10 tháng 4 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành “Mẫu hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ”.
...
Điều 39. Phê duyệt thuyết minh nhiệm vụ và ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở

Thủ trưởng cơ quan, đơn vị cấp cơ sở phê duyệt thuyết minh và ký hợp đồng với tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở theo quy định tại Thông tư số 05/2014/TT-BKHCN .

Xem nội dung VB
Điều 27. Thẩm quyền phê duyệt, ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ
...
2. Thẩm quyền ký hợp đồng với tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được quy định như sau:

a) Bộ Khoa học và Công nghệ ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia;

b) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan nhà nước khác ở trung ương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh;

c) Tổ chức, cá nhân quy định tại điểm c khoản 1 Điều này ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở.
Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 19, Điều 39 Thông tư 09/2024/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 10/02/2025
Nội dung này được hướng dẫn bởi Khoản 1, 2, 3, 6 Điều 13 Thông tư 09/2024/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 10/02/2025
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, cấp cơ sở sử dụng ngân sách nhà nước.
...
Điều 13. Hội đồng tư vấn tuyển chọn, Tổ thẩm định kinh phí nhiệm vụ và Tổ chuyên gia

1. Hội đồng tư vấn tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ (sau đây viết tắt là Hội đồng tuyển chọn) và Tổ thẩm định kinh phí giúp việc cho Hội đồng tuyển chọn (sau đây viết tắt là Tổ thẩm định kinh phí) do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc người được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp/ủy quyền quyết định thành lập, quy định số lượng thành viên, chức năng, nhiệm vụ.

2. Thành phần Hội đồng tuyển chọn:

a) Hội đồng gồm: Chủ tịch, Phó chủ tịch, 02 thành viên là ủy viên phản biện, ủy viên thư ký khoa học và các ủy viên khác;

b) Thành phần của Hội đồng tuyển chọn gồm nhà khoa học, nhà quản lý, nhà kinh doanh có uy tín, có trình độ và chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ tuyển chọn;

c) Thành viên đã tham gia Hội đồng xác định nhiệm vụ được ưu tiên mời tham gia Hội đồng tuyển chọn.

3. Cá nhân thuộc các trường hợp sau không được tham gia thành viên Hội đồng tuyển chọn:

a) Cá nhân đăng ký tham gia thực hiện nhiệm vụ, cá nhân thuộc tổ chức đăng ký chủ trì nhiệm vụ, cá nhân thuộc tổ chức đăng ký phối hợp thực hiện nhiệm vụ;

b) Vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của chủ nhiệm, thư ký khoa học và thành viên chính tham gia thực hiện nhiệm vụ;

c) Cá nhân chưa chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động khoa học và công nghệ hoặc đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích;

d) Có bằng chứng xung đột lợi ích với chủ nhiệm nhiệm vụ hoặc tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ hoặc có căn cứ về việc không vô tư, không khách quan khi tham gia Hội đồng tuyển chọn.
...
6. Hội đồng tuyển chọn và Tổ thẩm định kinh phí, Tổ chuyên gia có thư ký hành chính để giúp việc.
...
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

Xem nội dung VB
Điều 29. Tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước
...
5. Người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp thành lập Hội đồng tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng này.

Hội đồng tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ do người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp thành lập, quy định nhiệm vụ và quyền hạn. Hội đồng có nhiệm vụ tư vấn và phải chịu trách nhiệm về việc tư vấn của mình. Thành phần của Hội đồng bao gồm nhà khoa học, nhà quản lý, nhà kinh doanh có uy tín và trình độ phù hợp với nhiệm vụ. Thành viên Hội đồng phải có năng lực, phẩm chất, trình độ chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ khoa học và công nghệ và chịu trách nhiệm về ý kiến tư vấn của mình.
Nội dung này được hướng dẫn bởi Khoản 1, 2, 3, 6 Điều 13 Thông tư 09/2024/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 10/02/2025
Nội dung này được hướng dẫn bởi Khoản 1, 2, 3, 6 Điều 13 Thông tư 09/2024/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 10/02/2025
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, cấp cơ sở sử dụng ngân sách nhà nước.
...
Điều 13. Hội đồng tư vấn tuyển chọn, Tổ thẩm định kinh phí nhiệm vụ và Tổ chuyên gia

1. Hội đồng tư vấn tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ (sau đây viết tắt là Hội đồng tuyển chọn) và Tổ thẩm định kinh phí giúp việc cho Hội đồng tuyển chọn (sau đây viết tắt là Tổ thẩm định kinh phí) do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc người được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp/ủy quyền quyết định thành lập, quy định số lượng thành viên, chức năng, nhiệm vụ.

2. Thành phần Hội đồng tuyển chọn:

a) Hội đồng gồm: Chủ tịch, Phó chủ tịch, 02 thành viên là ủy viên phản biện, ủy viên thư ký khoa học và các ủy viên khác;

b) Thành phần của Hội đồng tuyển chọn gồm nhà khoa học, nhà quản lý, nhà kinh doanh có uy tín, có trình độ và chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ tuyển chọn;

c) Thành viên đã tham gia Hội đồng xác định nhiệm vụ được ưu tiên mời tham gia Hội đồng tuyển chọn.

3. Cá nhân thuộc các trường hợp sau không được tham gia thành viên Hội đồng tuyển chọn:

a) Cá nhân đăng ký tham gia thực hiện nhiệm vụ, cá nhân thuộc tổ chức đăng ký chủ trì nhiệm vụ, cá nhân thuộc tổ chức đăng ký phối hợp thực hiện nhiệm vụ;

b) Vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của chủ nhiệm, thư ký khoa học và thành viên chính tham gia thực hiện nhiệm vụ;

c) Cá nhân chưa chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động khoa học và công nghệ hoặc đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích;

d) Có bằng chứng xung đột lợi ích với chủ nhiệm nhiệm vụ hoặc tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ hoặc có căn cứ về việc không vô tư, không khách quan khi tham gia Hội đồng tuyển chọn.
...
6. Hội đồng tuyển chọn và Tổ thẩm định kinh phí, Tổ chuyên gia có thư ký hành chính để giúp việc.
...
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

Xem nội dung VB
Điều 29. Tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước
...
5. Người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp thành lập Hội đồng tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng này.

Hội đồng tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ do người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp thành lập, quy định nhiệm vụ và quyền hạn. Hội đồng có nhiệm vụ tư vấn và phải chịu trách nhiệm về việc tư vấn của mình. Thành phần của Hội đồng bao gồm nhà khoa học, nhà quản lý, nhà kinh doanh có uy tín và trình độ phù hợp với nhiệm vụ. Thành viên Hội đồng phải có năng lực, phẩm chất, trình độ chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ khoa học và công nghệ và chịu trách nhiệm về ý kiến tư vấn của mình.
Nội dung này được hướng dẫn bởi Khoản 1, 2, 3, 6 Điều 13 Thông tư 09/2024/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 10/02/2025
Nội dung này được hướng dẫn bởi Khoản 1, 2, 3, 6 Điều 13 Thông tư 09/2024/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 10/02/2025
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, cấp cơ sở sử dụng ngân sách nhà nước.
...
Điều 13. Hội đồng tư vấn tuyển chọn, Tổ thẩm định kinh phí nhiệm vụ và Tổ chuyên gia

1. Hội đồng tư vấn tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ (sau đây viết tắt là Hội đồng tuyển chọn) và Tổ thẩm định kinh phí giúp việc cho Hội đồng tuyển chọn (sau đây viết tắt là Tổ thẩm định kinh phí) do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc người được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp/ủy quyền quyết định thành lập, quy định số lượng thành viên, chức năng, nhiệm vụ.

2. Thành phần Hội đồng tuyển chọn:

a) Hội đồng gồm: Chủ tịch, Phó chủ tịch, 02 thành viên là ủy viên phản biện, ủy viên thư ký khoa học và các ủy viên khác;

b) Thành phần của Hội đồng tuyển chọn gồm nhà khoa học, nhà quản lý, nhà kinh doanh có uy tín, có trình độ và chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ tuyển chọn;

c) Thành viên đã tham gia Hội đồng xác định nhiệm vụ được ưu tiên mời tham gia Hội đồng tuyển chọn.

3. Cá nhân thuộc các trường hợp sau không được tham gia thành viên Hội đồng tuyển chọn:

a) Cá nhân đăng ký tham gia thực hiện nhiệm vụ, cá nhân thuộc tổ chức đăng ký chủ trì nhiệm vụ, cá nhân thuộc tổ chức đăng ký phối hợp thực hiện nhiệm vụ;

b) Vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của chủ nhiệm, thư ký khoa học và thành viên chính tham gia thực hiện nhiệm vụ;

c) Cá nhân chưa chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động khoa học và công nghệ hoặc đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích;

d) Có bằng chứng xung đột lợi ích với chủ nhiệm nhiệm vụ hoặc tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ hoặc có căn cứ về việc không vô tư, không khách quan khi tham gia Hội đồng tuyển chọn.
...
6. Hội đồng tuyển chọn và Tổ thẩm định kinh phí, Tổ chuyên gia có thư ký hành chính để giúp việc.
...
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

Xem nội dung VB
Điều 29. Tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước
...
5. Người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp thành lập Hội đồng tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng này.

Hội đồng tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ do người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp thành lập, quy định nhiệm vụ và quyền hạn. Hội đồng có nhiệm vụ tư vấn và phải chịu trách nhiệm về việc tư vấn của mình. Thành phần của Hội đồng bao gồm nhà khoa học, nhà quản lý, nhà kinh doanh có uy tín và trình độ phù hợp với nhiệm vụ. Thành viên Hội đồng phải có năng lực, phẩm chất, trình độ chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ khoa học và công nghệ và chịu trách nhiệm về ý kiến tư vấn của mình.
Nội dung này được hướng dẫn bởi Khoản 1, 2, 3, 6 Điều 13 Thông tư 09/2024/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 10/02/2025
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 31 Thông tư 09/2024/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 10/02/2025
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, cấp cơ sở sử dụng ngân sách nhà nước.
...
Điều 31. Đăng ký, lưu giữ, cập nhật thông tin nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh

Việc đăng ký, lưu giữ và cập nhật kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh thực hiện theo quy định tại Thông tư số 14/2014/TT-BKHCN ngày 11 tháng 6 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định thu thập, đăng ký, lưu giữ và công bố thông tin về nhiệm vụ khoa học và công nghệ được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 11/2023/TT-BKHCN ngày 26 tháng 6 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Xem nội dung VB
Điều 39. Đăng ký, lưu giữ kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ

1. Kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước phải được đăng ký, lưu giữ tại cơ quan thông tin khoa học và công nghệ quốc gia và tại cơ quan có thẩm quyền của bộ, ngành, địa phương chủ quản.

Kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc danh mục bí mật nhà nước được đăng ký, lưu giữ theo chế độ mật.

2. Kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước được khuyến khích đăng ký, lưu giữ tại cơ quan thông tin khoa học và công nghệ quốc gia hoặc cơ quan có thẩm quyền của bộ, ngành, địa phương.
Điều này được hướng dẫn bởi Điều 31 Thông tư 09/2024/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 10/02/2025
Nội dung này được hướng dẫn bởi Điều 32 Thông tư 09/2024/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 10/02/2025
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, cấp cơ sở sử dụng ngân sách nhà nước.
...
Điều 32. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh sử dụng ngân sách nhà nước thuộc danh mục bí mật nhà nước

1. Quy trình, thủ tục, biểu mẫu, hồ sơ trong việc thực hiện xác định nhiệm vụ; tuyển chọn, tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ; kiểm tra, đánh giá trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; chấm dứt hợp đồng thực hiện nhiệm vụ; đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh thuộc danh mục bí mật nhà nước thực hiện theo quy định tại Thông tư này và phải bảo đảm tuân thủ đúng quy định về bảo vệ bí mật nhà nước.

2. Hội đồng xác định nhiệm vụ, Hội đồng tuyển chọn, Hội đồng nghiệm thu, Tổ thẩm định kinh phí và Tổ chuyên gia (nếu có) của nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh liên quan đến bí mật nhà nước phải được tổ chức họp trực tiếp.

3. Việc gửi, giao, nhận, xử lý và lưu trữ các hồ sơ tại khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

Xem nội dung VB
Điều 39. Đăng ký, lưu giữ kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ

1. Kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước phải được đăng ký, lưu giữ tại cơ quan thông tin khoa học và công nghệ quốc gia và tại cơ quan có thẩm quyền của bộ, ngành, địa phương chủ quản.

Kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc danh mục bí mật nhà nước được đăng ký, lưu giữ theo chế độ mật.
Nội dung này được hướng dẫn bởi Điều 32 Thông tư 09/2024/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 10/02/2025
Tổ chức đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh được hướng dẫn bởi Điều 6 Thông tư 09/2024/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 10/02/2025
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, cấp cơ sở sử dụng ngân sách nhà nước.
...
Điều 6. Tổ chức đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh

1. Căn cứ để đặt hàng

a) Nghị quyết, quy hoạch, chương trình, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương; chiến lược, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực;

b) Chỉ đạo của Tỉnh ủy, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

c) Hướng dẫn xây dựng kế hoạch, dự toán ngân sách khoa học và công nghệ hằng năm của Bộ Khoa học và Công nghệ;

d) Chương trình, kế hoạch hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo 05 năm, hằng năm của địa phương;

đ) Những vấn đề khoa học và công nghệ quan trọng nhằm giải quyết yêu cầu cấp bách của địa phương về quốc phòng, an ninh, thiên tai, dịch bệnh và khoa học và công nghệ.

2. Yêu cầu đối với đề xuất được xem xét để đặt hàng

a) Có đủ căn cứ về tính cấp thiết và đáp ứng các tiêu chí của nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh sử dụng ngân sách nhà nước quy định tại Điều 27 Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khoa học và công nghệ;

b) Có dự kiến phương án ứng dụng hoặc sử dụng kết quả tạo ra;

c) Có dự kiến về thời gian thực hiện phù hợp để bảo đảm tính khả thi trong tổ chức thực hiện;

d) Yêu cầu khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định theo quy định pháp luật (nếu có).

3. Xây dựng đặt hàng

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan, đơn vị được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp/ủy quyền tổ chức rà soát, tổng hợp các đề xuất nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư này thành danh mục theo Mẫu I.04-THĐX tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này để phục vụ họp Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan, đơn vị được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp/ủy quyền tra cứu thông tin các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã và đang thực hiện trên địa bàn tỉnh có liên quan đến đề xuất đặt hàng để phục vụ họp Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh. Kết quả tra cứu thông tin theo Mẫu I.05-KQ.TCTT tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
...
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

Xem nội dung VB
Điều 25. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ
...
2. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước bao gồm nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh và cấp cơ sở do cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 27 của Luật này xác định.

Nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh phải thực hiện theo hình thức đặt hàng.
Tổ chức đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh được hướng dẫn bởi Điều 6 Thông tư 09/2024/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 10/02/2025
Phê duyệt danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh đặt hàng được hướng dẫn bởi Điều 8 Thông tư 09/2024/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 10/02/2025
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, cấp cơ sở sử dụng ngân sách nhà nước.
...
Điều 8. Phê duyệt danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh đặt hàng

1. Sau khi có kết quả tư vấn của Hội đồng xác định nhiệm vụ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan, đơn vị được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp/ủy quyền quyết định phê duyệt danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh đặt hàng theo Mẫu II.09-QĐ.DMĐH tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

Trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc người được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp/ủy quyền lấy ý kiến tư vấn của chuyên gia tư vấn độc lập trước khi phê duyệt.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan, đơn vị được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp/ủy quyền thông báo công khai danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặt hàng để tuyển chọn tổ chức, cá nhân có đủ năng lực triển khai thực hiện.
...
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

Xem nội dung VB
Điều 27. Thẩm quyền phê duyệt, ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ

1. Thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ được quy định như sau:
...
b) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan nhà nước khác ở trung ương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh;
Phê duyệt danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh đặt hàng được hướng dẫn bởi Điều 8 Thông tư 09/2024/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 10/02/2025
Xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ được hướng dẫn bởi Điều 3, 4 Chương I; Mục 1 Chương II và Chương III Nghị định 51/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/08/2019CH
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ.

Chương I NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
...
Điều 3. Hình thức xử phạt, mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt
...
Điều 4. Biện pháp khắc phục hậu quả
...
Chương II HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ

Mục 1. HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, HÌNH THỨC, MỨC XỬ PHẠT VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ

Điều 5. Vi phạm quy định về hoạt động của hội đồng khoa học và công nghệ
...
Điều 6. Vi phạm quy định về đăng ký thông tin nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước
...
Điều 7. Vi phạm quy định về hoạt động khoa học và công nghệ
...
Điều 8. Vi phạm quy định về báo cáo, đăng ký, triển khai hoạt động và giải thể tổ chức khoa học và công nghệ
...
Điều 9. Vi phạm quy định về đánh giá, xếp hạng tổ chức khoa học và công nghệ công lập
...
Điều 10. Vi phạm quy định về sở hữu, sử dụng kết quả hoạt động khoa học và công nghệ
...
Điều 11. Vi phạm quy định về ứng dụng, phổ biến kết quả hoạt động khoa học và công nghệ
...
Điều 12. Vi phạm quy định về chuyển giao, chuyển nhượng, cung cấp thông tin về kết quả hoạt động khoa học và công nghệ
...
Điều 13. Vi phạm quy định về đăng ký, quản lý, sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ
...
Điều 14. Vi phạm quy định về đặt và tặng giải thưởng về khoa học và công nghệ
...
Điều 15. Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước dành cho hoạt động khoa học và công nghệ
...
Chương III THẨM QUYỀN LẬP BIÊN BẢN, XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ VỀ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ

Điều 27. Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính
...
Điều 28. Thẩm quyền của Thanh tra chuyên ngành về khoa học và công nghệ
...
Điều 29. Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân
...
Điều 30. Thẩm quyền của Công an nhân dân
...
Điều 31. Thẩm quyền của Hải quan
...
Điều 32. Thẩm quyền của Quản lý thị trường
...
Điều 33. Thẩm quyền của cơ quan Thuế
...
Điều 34. Thẩm quyền của Thanh tra, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành khác
...
Điều 35. Phân định thẩm quyền của Thanh tra, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Công an nhân dân, Hải quan, Quản lý thị trường, Cơ quan Thuế và Thanh tra, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành khác

Xem nội dung VB
LUẬT KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Nội dung hướng dẫn Luật này tại Nghị định 51/2019/NĐ-CP nay được sửa đổi bởi Khoản 1 đến Khoản 4; Khoản 6 đến Khoản 13 Điều 3 Nghị định 126/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2022
Căn cứ Luật Khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ; năng lượng nguyên tử.
...
Điều 3. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ

1. Bổ sung khoản 11, khoản 12 và khoản 13 vào Điều 4 như sau:

“11. Buộc công khai thông tin nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

12. Buộc báo cáo đúng quy định tình hình hoạt động khoa học và công nghệ.

13. Buộc đăng ký thay đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ.”.

2. Bổ sung Điều 4a vào sau Điều 4 như sau:

“Điều 4a. Thi hành quyết định xử phạt, thi hành các biện pháp khắc phục hậu quả và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt

Việc thi hành quyết định xử phạt, thi hành các biện pháp khắc phục hậu quả và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này được thực hiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành.”.

3. Sửa đổi, bổ sung một số khoản Điều 6 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau:

“2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện hoặc thực hiện công khai thông tin nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước không đúng quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b) Không đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”;

b) Bổ sung khoản 3 vào sau khoản 2 như sau:

“3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc công khai thông tin nhiệm vụ khoa học và công nghệ đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.”.

4. Sửa đổi, bổ sung một số khoản Điều 8 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:

“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không báo cáo hoặc báo cáo tình hình hoạt động không đúng quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”;

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 10 như sau:

“10. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc báo cáo đúng quy định tình hình hoạt động khoa học và công nghệ đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Buộc đăng ký thay đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ đối với hành vi quy định tại điểm b, khoản 3 Điều này;

c) Buộc hủy bỏ hồ sơ, tài liệu có nội dung sai sự thật đối với hành vi quy định tại khoản 7 Điều này.”.
...
6. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 27 như sau:

“2. Người thuộc lực lượng Công an nhân dân, công chức, viên chức trong các cơ quan quy định từ Điều 28 đến Điều 34 Nghị định này đang thi hành công vụ, nhiệm vụ.”.

7. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản Điều 28 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 như sau:

“c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 1.000.000 đồng.”;

b) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 như sau:

“d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 50.000.000 đồng;”;

c) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 4 như sau:

“d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 70.000.000 đồng”.

8. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản Điều 29 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 như sau:

“c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 10.000.000 đồng.”;

b) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 như sau:

“d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.”.

9. Sửa đổi, bổ sung một số khoản Điều 30 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 2 như sau:

“2. Trưởng trạm, Đội trưởng của người được quy định tại khoản 1 Điều này có quyền:”;

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 như sau:

“3. Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, Trưởng trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất, Trưởng công an cửa khẩu cảng hàng không quốc tế, Thủy đội trưởng có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 2.500.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 5.000.000 đồng.”;

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 như sau:

“4. Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục An ninh chính trị nội bộ; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Trưởng phòng Công an cấp tỉnh gồm: Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Trưởng phòng An ninh kinh tế có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 10.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng có thời hạn: Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ, Giấy chứng nhận hoạt động văn phòng đại diện, chi nhánh;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 20.000.000 đồng.”;

c) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 5 như sau:

“d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.”.

10. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản Điều 31 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 2 như sau:

“2. “Đội trưởng, Tổ trưởng thuộc Chi cục Hải quan; Tổ trưởng thuộc Đội Kiểm soát thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Đội trưởng thuộc Chi cục, Kiểm tra sau thông quan” có quyền:”;

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 như sau:

“3. Chi cục trưởng Chi cục Hải quan, Chi Cục trưởng Chi cục kiểm tra sau thông quan, Đội trưởng Đội kiểm soát thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Đội trưởng Đội Điều tra hình sự, Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu, Hải Đội trưởng Hải đội kiểm soát trên biển và Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau thông quan thuộc Cục Kiểm tra sau thông quan có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 25.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 50.000.000 đồng;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 8 Điều 4 Nghị định này.”;

c) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 4 như sau:

“c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;”.

11. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản Điều 32 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:

“1. Đội trưởng Đội quản lý thị trường, Trưởng phòng Nghiệp vụ thuộc Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 25.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 50.000.000 đồng.”;

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau:

“2. Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường thuộc Tổng cục Quản lý thị trường có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

d) Tước quyền sử dụng có thời hạn: Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ đánh giá, giám định công nghệ.”.

12. Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 33 như sau:

“c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;”.

13. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản Điều 34 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 như sau:

“c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 1.000.000 đồng.”;

b) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 như sau:

“d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 50.000.000 đồng;”;

c) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 4 như sau:

“d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 70.000.000 đồng;”.

Xem nội dung VB
LUẬT KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ được hướng dẫn bởi Điều 3, 4 Chương I; Mục 1 Chương II và Chương III Nghị định 51/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/08/2019CH
Nội dung hướng dẫn Luật này tại Nghị định 51/2019/NĐ-CP nay được sửa đổi bởi Khoản 1 đến Khoản 4; Khoản 6 đến Khoản 13 Điều 3 Nghị định 126/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2022
Xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ được hướng dẫn bởi Điều 3, 4 Chương I; Mục 1 Chương II và Chương III Nghị định 51/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/08/2019CH
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ.
...

Chương II HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ

Mục 1. HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, HÌNH THỨC, MỨC XỬ PHẠT VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ

Điều 5. Vi phạm quy định về hoạt động của hội đồng khoa học và công nghệ
...
Điều 6. Vi phạm quy định về đăng ký thông tin nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước
...
Điều 7. Vi phạm quy định về hoạt động khoa học và công nghệ
...
Điều 8. Vi phạm quy định về báo cáo, đăng ký, triển khai hoạt động và giải thể tổ chức khoa học và công nghệ
...
Điều 9. Vi phạm quy định về đánh giá, xếp hạng tổ chức khoa học và công nghệ công lập
...
Điều 10. Vi phạm quy định về sở hữu, sử dụng kết quả hoạt động khoa học và công nghệ
...
Điều 11. Vi phạm quy định về ứng dụng, phổ biến kết quả hoạt động khoa học và công nghệ
...
Điều 12. Vi phạm quy định về chuyển giao, chuyển nhượng, cung cấp thông tin về kết quả hoạt động khoa học và công nghệ
...
Điều 13. Vi phạm quy định về đăng ký, quản lý, sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ
...
Điều 14. Vi phạm quy định về đặt và tặng giải thưởng về khoa học và công nghệ
...
Điều 15. Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước dành cho hoạt động khoa học và công nghệ
...
Chương III THẨM QUYỀN LẬP BIÊN BẢN, XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ VỀ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ

Điều 27. Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính
...
Điều 28. Thẩm quyền của Thanh tra chuyên ngành về khoa học và công nghệ
...
Điều 29. Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân
...
Điều 30. Thẩm quyền của Công an nhân dân
...
Điều 31. Thẩm quyền của Hải quan
...
Điều 32. Thẩm quyền của Quản lý thị trường
...
Điều 33. Thẩm quyền của cơ quan Thuế
...
Điều 34. Thẩm quyền của Thanh tra, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành khác
...
Điều 35. Phân định thẩm quyền của Thanh tra, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Công an nhân dân, Hải quan, Quản lý thị trường, Cơ quan Thuế và Thanh tra, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành khác

Xem nội dung VB
Điều 79. Xử lý vi phạm

1. Cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về khoa học và công nghệ thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức vi phạm pháp luật về khoa học và công nghệ thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật
Nội dung hướng dẫn Điều này tại Nghị định 51/2019/NĐ-CP nay được sửa đổi bởi Khoản 1 đến Khoản 4; Khoản 6 đến Khoản 13 Điều 3 Nghị định 126/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2022
Căn cứ Luật Khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ; năng lượng nguyên tử.
...
Điều 3. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ

1. Bổ sung khoản 11, khoản 12 và khoản 13 vào Điều 4 như sau:

“11. Buộc công khai thông tin nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

12. Buộc báo cáo đúng quy định tình hình hoạt động khoa học và công nghệ.

13. Buộc đăng ký thay đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ.”.

2. Bổ sung Điều 4a vào sau Điều 4 như sau:

“Điều 4a. Thi hành quyết định xử phạt, thi hành các biện pháp khắc phục hậu quả và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt

Việc thi hành quyết định xử phạt, thi hành các biện pháp khắc phục hậu quả và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này được thực hiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành.”.

3. Sửa đổi, bổ sung một số khoản Điều 6 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau:

“2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện hoặc thực hiện công khai thông tin nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước không đúng quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b) Không đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”;

b) Bổ sung khoản 3 vào sau khoản 2 như sau:

“3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc công khai thông tin nhiệm vụ khoa học và công nghệ đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.”.

4. Sửa đổi, bổ sung một số khoản Điều 8 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:

“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không báo cáo hoặc báo cáo tình hình hoạt động không đúng quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”;

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 10 như sau:

“10. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc báo cáo đúng quy định tình hình hoạt động khoa học và công nghệ đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Buộc đăng ký thay đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ đối với hành vi quy định tại điểm b, khoản 3 Điều này;

c) Buộc hủy bỏ hồ sơ, tài liệu có nội dung sai sự thật đối với hành vi quy định tại khoản 7 Điều này.”.
...
6. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 27 như sau:

“2. Người thuộc lực lượng Công an nhân dân, công chức, viên chức trong các cơ quan quy định từ Điều 28 đến Điều 34 Nghị định này đang thi hành công vụ, nhiệm vụ.”.

7. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản Điều 28 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 như sau:

“c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 1.000.000 đồng.”;

b) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 như sau:

“d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 50.000.000 đồng;”;

c) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 4 như sau:

“d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 70.000.000 đồng”.

8. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản Điều 29 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 như sau:

“c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 10.000.000 đồng.”;

b) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 như sau:

“d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.”.

9. Sửa đổi, bổ sung một số khoản Điều 30 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 2 như sau:

“2. Trưởng trạm, Đội trưởng của người được quy định tại khoản 1 Điều này có quyền:”;

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 như sau:

“3. Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, Trưởng trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất, Trưởng công an cửa khẩu cảng hàng không quốc tế, Thủy đội trưởng có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 2.500.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 5.000.000 đồng.”;

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 như sau:

“4. Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục An ninh chính trị nội bộ; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Trưởng phòng Công an cấp tỉnh gồm: Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Trưởng phòng An ninh kinh tế có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 10.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng có thời hạn: Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ, Giấy chứng nhận hoạt động văn phòng đại diện, chi nhánh;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 20.000.000 đồng.”;

c) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 5 như sau:

“d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.”.

10. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản Điều 31 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 2 như sau:

“2. “Đội trưởng, Tổ trưởng thuộc Chi cục Hải quan; Tổ trưởng thuộc Đội Kiểm soát thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Đội trưởng thuộc Chi cục, Kiểm tra sau thông quan” có quyền:”;

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 như sau:

“3. Chi cục trưởng Chi cục Hải quan, Chi Cục trưởng Chi cục kiểm tra sau thông quan, Đội trưởng Đội kiểm soát thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Đội trưởng Đội Điều tra hình sự, Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu, Hải Đội trưởng Hải đội kiểm soát trên biển và Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau thông quan thuộc Cục Kiểm tra sau thông quan có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 25.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 50.000.000 đồng;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 8 Điều 4 Nghị định này.”;

c) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 4 như sau:

“c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;”.

11. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản Điều 32 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:

“1. Đội trưởng Đội quản lý thị trường, Trưởng phòng Nghiệp vụ thuộc Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 25.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 50.000.000 đồng.”;

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau:

“2. Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường thuộc Tổng cục Quản lý thị trường có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

d) Tước quyền sử dụng có thời hạn: Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ đánh giá, giám định công nghệ.”.

12. Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 33 như sau:

“c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;”.

13. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản Điều 34 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 như sau:

“c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 1.000.000 đồng.”;

b) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 như sau:

“d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 50.000.000 đồng;”;

c) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 4 như sau:

“d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 70.000.000 đồng;”.

Xem nội dung VB
Điều 79. Xử lý vi phạm

1. Cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về khoa học và công nghệ thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức vi phạm pháp luật về khoa học và công nghệ thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật
Xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ được hướng dẫn bởi Điều 3, 4 Chương I; Mục 1 Chương II và Chương III Nghị định 51/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/08/2019CH
Nội dung hướng dẫn Điều này tại Nghị định 51/2019/NĐ-CP nay được sửa đổi bởi Khoản 1 đến Khoản 4; Khoản 6 đến Khoản 13 Điều 3 Nghị định 126/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2022
Xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ được hướng dẫn bởi Điều 3, 4 Chương I; Mục 1 Chương II và Chương III Nghị định 51/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/08/2019CH
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ.
...

Chương II HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ

Mục 1. HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, HÌNH THỨC, MỨC XỬ PHẠT VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ

Điều 5. Vi phạm quy định về hoạt động của hội đồng khoa học và công nghệ
...
Điều 6. Vi phạm quy định về đăng ký thông tin nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước
...
Điều 7. Vi phạm quy định về hoạt động khoa học và công nghệ
...
Điều 8. Vi phạm quy định về báo cáo, đăng ký, triển khai hoạt động và giải thể tổ chức khoa học và công nghệ
...
Điều 9. Vi phạm quy định về đánh giá, xếp hạng tổ chức khoa học và công nghệ công lập
...
Điều 10. Vi phạm quy định về sở hữu, sử dụng kết quả hoạt động khoa học và công nghệ
...
Điều 11. Vi phạm quy định về ứng dụng, phổ biến kết quả hoạt động khoa học và công nghệ
...
Điều 12. Vi phạm quy định về chuyển giao, chuyển nhượng, cung cấp thông tin về kết quả hoạt động khoa học và công nghệ
...
Điều 13. Vi phạm quy định về đăng ký, quản lý, sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ
...
Điều 14. Vi phạm quy định về đặt và tặng giải thưởng về khoa học và công nghệ
...
Điều 15. Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước dành cho hoạt động khoa học và công nghệ
...
Chương III THẨM QUYỀN LẬP BIÊN BẢN, XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ VỀ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ

Điều 27. Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính
...
Điều 28. Thẩm quyền của Thanh tra chuyên ngành về khoa học và công nghệ
...
Điều 29. Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân
...
Điều 30. Thẩm quyền của Công an nhân dân
...
Điều 31. Thẩm quyền của Hải quan
...
Điều 32. Thẩm quyền của Quản lý thị trường
...
Điều 33. Thẩm quyền của cơ quan Thuế
...
Điều 34. Thẩm quyền của Thanh tra, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành khác
...
Điều 35. Phân định thẩm quyền của Thanh tra, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Công an nhân dân, Hải quan, Quản lý thị trường, Cơ quan Thuế và Thanh tra, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành khác

Xem nội dung VB
Điều 79. Xử lý vi phạm

1. Cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về khoa học và công nghệ thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức vi phạm pháp luật về khoa học và công nghệ thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật
Nội dung hướng dẫn Điều này tại Nghị định 51/2019/NĐ-CP nay được sửa đổi bởi Khoản 1 đến Khoản 4; Khoản 6 đến Khoản 13 Điều 3 Nghị định 126/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2022
Căn cứ Luật Khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ; năng lượng nguyên tử.
...
Điều 3. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ

1. Bổ sung khoản 11, khoản 12 và khoản 13 vào Điều 4 như sau:

“11. Buộc công khai thông tin nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

12. Buộc báo cáo đúng quy định tình hình hoạt động khoa học và công nghệ.

13. Buộc đăng ký thay đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ.”.

2. Bổ sung Điều 4a vào sau Điều 4 như sau:

“Điều 4a. Thi hành quyết định xử phạt, thi hành các biện pháp khắc phục hậu quả và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt

Việc thi hành quyết định xử phạt, thi hành các biện pháp khắc phục hậu quả và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này được thực hiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành.”.

3. Sửa đổi, bổ sung một số khoản Điều 6 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau:

“2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện hoặc thực hiện công khai thông tin nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước không đúng quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b) Không đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”;

b) Bổ sung khoản 3 vào sau khoản 2 như sau:

“3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc công khai thông tin nhiệm vụ khoa học và công nghệ đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.”.

4. Sửa đổi, bổ sung một số khoản Điều 8 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:

“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không báo cáo hoặc báo cáo tình hình hoạt động không đúng quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”;

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 10 như sau:

“10. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc báo cáo đúng quy định tình hình hoạt động khoa học và công nghệ đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Buộc đăng ký thay đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ đối với hành vi quy định tại điểm b, khoản 3 Điều này;

c) Buộc hủy bỏ hồ sơ, tài liệu có nội dung sai sự thật đối với hành vi quy định tại khoản 7 Điều này.”.
...
6. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 27 như sau:

“2. Người thuộc lực lượng Công an nhân dân, công chức, viên chức trong các cơ quan quy định từ Điều 28 đến Điều 34 Nghị định này đang thi hành công vụ, nhiệm vụ.”.

7. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản Điều 28 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 như sau:

“c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 1.000.000 đồng.”;

b) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 như sau:

“d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 50.000.000 đồng;”;

c) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 4 như sau:

“d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 70.000.000 đồng”.

8. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản Điều 29 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 như sau:

“c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 10.000.000 đồng.”;

b) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 như sau:

“d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.”.

9. Sửa đổi, bổ sung một số khoản Điều 30 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 2 như sau:

“2. Trưởng trạm, Đội trưởng của người được quy định tại khoản 1 Điều này có quyền:”;

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 như sau:

“3. Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, Trưởng trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất, Trưởng công an cửa khẩu cảng hàng không quốc tế, Thủy đội trưởng có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 2.500.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 5.000.000 đồng.”;

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 như sau:

“4. Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục An ninh chính trị nội bộ; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Trưởng phòng Công an cấp tỉnh gồm: Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Trưởng phòng An ninh kinh tế có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 10.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng có thời hạn: Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ, Giấy chứng nhận hoạt động văn phòng đại diện, chi nhánh;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 20.000.000 đồng.”;

c) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 5 như sau:

“d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.”.

10. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản Điều 31 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 2 như sau:

“2. “Đội trưởng, Tổ trưởng thuộc Chi cục Hải quan; Tổ trưởng thuộc Đội Kiểm soát thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Đội trưởng thuộc Chi cục, Kiểm tra sau thông quan” có quyền:”;

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 như sau:

“3. Chi cục trưởng Chi cục Hải quan, Chi Cục trưởng Chi cục kiểm tra sau thông quan, Đội trưởng Đội kiểm soát thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Đội trưởng Đội Điều tra hình sự, Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu, Hải Đội trưởng Hải đội kiểm soát trên biển và Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau thông quan thuộc Cục Kiểm tra sau thông quan có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 25.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 50.000.000 đồng;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 8 Điều 4 Nghị định này.”;

c) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 4 như sau:

“c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;”.

11. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản Điều 32 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:

“1. Đội trưởng Đội quản lý thị trường, Trưởng phòng Nghiệp vụ thuộc Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 25.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 50.000.000 đồng.”;

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau:

“2. Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường thuộc Tổng cục Quản lý thị trường có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

d) Tước quyền sử dụng có thời hạn: Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ đánh giá, giám định công nghệ.”.

12. Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 33 như sau:

“c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;”.

13. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản Điều 34 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 như sau:

“c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 1.000.000 đồng.”;

b) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 như sau:

“d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 50.000.000 đồng;”;

c) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 4 như sau:

“d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 70.000.000 đồng;”.

Xem nội dung VB
Điều 79. Xử lý vi phạm

1. Cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về khoa học và công nghệ thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức vi phạm pháp luật về khoa học và công nghệ thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật
Xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ được hướng dẫn bởi Điều 3, 4 Chương I; Mục 1 Chương II và Chương III Nghị định 51/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/08/2019CH
Nội dung hướng dẫn Điều này tại Nghị định 51/2019/NĐ-CP nay được sửa đổi bởi Khoản 1 đến Khoản 4; Khoản 6 đến Khoản 13 Điều 3 Nghị định 126/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2022
Xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ được hướng dẫn bởi Điều 3, 4 Chương I; Mục 1 Chương II và Chương III Nghị định 51/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/08/2019CH
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ.
...

Chương II HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ

Mục 1. HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, HÌNH THỨC, MỨC XỬ PHẠT VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ

Điều 5. Vi phạm quy định về hoạt động của hội đồng khoa học và công nghệ
...
Điều 6. Vi phạm quy định về đăng ký thông tin nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước
...
Điều 7. Vi phạm quy định về hoạt động khoa học và công nghệ
...
Điều 8. Vi phạm quy định về báo cáo, đăng ký, triển khai hoạt động và giải thể tổ chức khoa học và công nghệ
...
Điều 9. Vi phạm quy định về đánh giá, xếp hạng tổ chức khoa học và công nghệ công lập
...
Điều 10. Vi phạm quy định về sở hữu, sử dụng kết quả hoạt động khoa học và công nghệ
...
Điều 11. Vi phạm quy định về ứng dụng, phổ biến kết quả hoạt động khoa học và công nghệ
...
Điều 12. Vi phạm quy định về chuyển giao, chuyển nhượng, cung cấp thông tin về kết quả hoạt động khoa học và công nghệ
...
Điều 13. Vi phạm quy định về đăng ký, quản lý, sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ
...
Điều 14. Vi phạm quy định về đặt và tặng giải thưởng về khoa học và công nghệ
...
Điều 15. Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước dành cho hoạt động khoa học và công nghệ
...
Chương III THẨM QUYỀN LẬP BIÊN BẢN, XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ VỀ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ

Điều 27. Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính
...
Điều 28. Thẩm quyền của Thanh tra chuyên ngành về khoa học và công nghệ
...
Điều 29. Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân
...
Điều 30. Thẩm quyền của Công an nhân dân
...
Điều 31. Thẩm quyền của Hải quan
...
Điều 32. Thẩm quyền của Quản lý thị trường
...
Điều 33. Thẩm quyền của cơ quan Thuế
...
Điều 34. Thẩm quyền của Thanh tra, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành khác
...
Điều 35. Phân định thẩm quyền của Thanh tra, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Công an nhân dân, Hải quan, Quản lý thị trường, Cơ quan Thuế và Thanh tra, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành khác

Xem nội dung VB
Điều 79. Xử lý vi phạm

1. Cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về khoa học và công nghệ thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức vi phạm pháp luật về khoa học và công nghệ thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật
Nội dung hướng dẫn Điều này tại Nghị định 51/2019/NĐ-CP nay được sửa đổi bởi Khoản 1 đến Khoản 4; Khoản 6 đến Khoản 13 Điều 3 Nghị định 126/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2022
Căn cứ Luật Khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ; năng lượng nguyên tử.
...
Điều 3. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ

1. Bổ sung khoản 11, khoản 12 và khoản 13 vào Điều 4 như sau:

“11. Buộc công khai thông tin nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

12. Buộc báo cáo đúng quy định tình hình hoạt động khoa học và công nghệ.

13. Buộc đăng ký thay đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ.”.

2. Bổ sung Điều 4a vào sau Điều 4 như sau:

“Điều 4a. Thi hành quyết định xử phạt, thi hành các biện pháp khắc phục hậu quả và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt

Việc thi hành quyết định xử phạt, thi hành các biện pháp khắc phục hậu quả và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này được thực hiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành.”.

3. Sửa đổi, bổ sung một số khoản Điều 6 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau:

“2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện hoặc thực hiện công khai thông tin nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước không đúng quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b) Không đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”;

b) Bổ sung khoản 3 vào sau khoản 2 như sau:

“3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc công khai thông tin nhiệm vụ khoa học và công nghệ đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.”.

4. Sửa đổi, bổ sung một số khoản Điều 8 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:

“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không báo cáo hoặc báo cáo tình hình hoạt động không đúng quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”;

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 10 như sau:

“10. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc báo cáo đúng quy định tình hình hoạt động khoa học và công nghệ đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Buộc đăng ký thay đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ đối với hành vi quy định tại điểm b, khoản 3 Điều này;

c) Buộc hủy bỏ hồ sơ, tài liệu có nội dung sai sự thật đối với hành vi quy định tại khoản 7 Điều này.”.
...
6. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 27 như sau:

“2. Người thuộc lực lượng Công an nhân dân, công chức, viên chức trong các cơ quan quy định từ Điều 28 đến Điều 34 Nghị định này đang thi hành công vụ, nhiệm vụ.”.

7. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản Điều 28 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 như sau:

“c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 1.000.000 đồng.”;

b) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 như sau:

“d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 50.000.000 đồng;”;

c) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 4 như sau:

“d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 70.000.000 đồng”.

8. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản Điều 29 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 như sau:

“c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 10.000.000 đồng.”;

b) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 như sau:

“d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.”.

9. Sửa đổi, bổ sung một số khoản Điều 30 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 2 như sau:

“2. Trưởng trạm, Đội trưởng của người được quy định tại khoản 1 Điều này có quyền:”;

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 như sau:

“3. Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, Trưởng trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất, Trưởng công an cửa khẩu cảng hàng không quốc tế, Thủy đội trưởng có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 2.500.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 5.000.000 đồng.”;

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 như sau:

“4. Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục An ninh chính trị nội bộ; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Trưởng phòng Công an cấp tỉnh gồm: Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Trưởng phòng An ninh kinh tế có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 10.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng có thời hạn: Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ, Giấy chứng nhận hoạt động văn phòng đại diện, chi nhánh;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 20.000.000 đồng.”;

c) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 5 như sau:

“d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.”.

10. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản Điều 31 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 2 như sau:

“2. “Đội trưởng, Tổ trưởng thuộc Chi cục Hải quan; Tổ trưởng thuộc Đội Kiểm soát thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Đội trưởng thuộc Chi cục, Kiểm tra sau thông quan” có quyền:”;

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 như sau:

“3. Chi cục trưởng Chi cục Hải quan, Chi Cục trưởng Chi cục kiểm tra sau thông quan, Đội trưởng Đội kiểm soát thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Đội trưởng Đội Điều tra hình sự, Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu, Hải Đội trưởng Hải đội kiểm soát trên biển và Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau thông quan thuộc Cục Kiểm tra sau thông quan có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 25.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 50.000.000 đồng;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 8 Điều 4 Nghị định này.”;

c) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 4 như sau:

“c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;”.

11. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản Điều 32 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:

“1. Đội trưởng Đội quản lý thị trường, Trưởng phòng Nghiệp vụ thuộc Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 25.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 50.000.000 đồng.”;

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau:

“2. Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường thuộc Tổng cục Quản lý thị trường có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

d) Tước quyền sử dụng có thời hạn: Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ đánh giá, giám định công nghệ.”.

12. Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 33 như sau:

“c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;”.

13. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản Điều 34 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 như sau:

“c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 1.000.000 đồng.”;

b) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 như sau:

“d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 50.000.000 đồng;”;

c) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 4 như sau:

“d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 70.000.000 đồng;”.

Xem nội dung VB
Điều 79. Xử lý vi phạm

1. Cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về khoa học và công nghệ thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức vi phạm pháp luật về khoa học và công nghệ thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật
Xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ được hướng dẫn bởi Điều 3, 4 Chương I; Mục 1 Chương II và Chương III Nghị định 51/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/08/2019CH
Nội dung hướng dẫn Điều này tại Nghị định 51/2019/NĐ-CP nay được sửa đổi bởi Khoản 1 đến Khoản 4; Khoản 6 đến Khoản 13 Điều 3 Nghị định 126/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2022