Tiêu chí xác định người nộp thuế rủi ro về thuế cao trong đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử từ 01/6/2025 theo Thông tư 32/2025/TT-BTC
Nội dung chính
Tiêu chí xác định người nộp thuế rủi ro về thuế cao trong đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử từ 01/6/2025 theo Thông tư 32/2025/TT-BTC
Căn cứ tại Điều 9 Thôngtư 32/2025/TT-BTC tiêu chí xác định người nộp thuế rủi ro về thuế cao trong đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử từ 01/6/2025 quy định như sau:
(1) Tiêu chí xác định người nộp thuế rủi ro về thuế cao trong đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử
Trường hợp kết quả đối chiếu thông tin khớp đúng, người nộp thuế xác nhận trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của ngành thuế đúng thời hạn nhưng người nộp thuế có một trong những dấu hiệu sau thì thực hiện theo quy định tại mục c điểm b khoản 11 Điều 1 Nghị định 70/2025/NĐ-CP như sau:
- Tiêu chí 1: Người nộp thuế có chủ sở hữu hoặc người đại diện theo pháp luật, đại diện hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hoặc chủ doanh nghiệp tư nhân đồng thời là chủ sở hữu hoặc người đại diện theo pháp luật, đại diện hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hoặc chủ doanh nghiệp tư nhân có kết luận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có hành vi gian lận, mua bán hóa đơn trên cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế.
- Tiêu chí 2: Người nộp thuế có chủ sở hữu hoặc người đại diện theo pháp luật, đại diện hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hoặc chủ doanh nghiệp tư nhân thuộc danh sách có giao dịch đáng ngờ, theo quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền.
- Tiêu chí 3: Người nộp thuế đăng ký địa chỉ trụ sở chính không có địa chỉ cụ thể theo địa giới hành chính hoặc đặt tại chung cư (không bao gồm chung cư được phép sử dụng cho mục đích kinh doanh theo quy định của pháp luật); hoặc địa điểm kinh doanh ngoài phạm vi cấp tỉnh/thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính/chi nhánh.
- Tiêu chí 4: Người nộp thuế có người đại diện theo pháp luật hoặc chủ sở hữu đồng thời là người đại diện theo pháp luật hoặc chủ sở hữu của người nộp thuế ở trạng thái “Người nộp thuế ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục chấm dứt mã số thuế” hoặc ở trạng thái “Người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký”, người nộp thuế có hành vi vi phạm về thuế, hóa đơn, chứng từ theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
- Tiêu chí 5: Người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro khác do cơ quan thuế xác định và có thông báo cho người nộp thuế được biết và giải trình.
(2) Tiêu chí xác định người nộp thuế thuộc diện rủi ro rất cao theo mức độ rủi ro người nộp thuế:
Để đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong từng thời kỳ, giao Cục Thuế quy định chỉ số tiêu chí nhằm đánh giá, xác định người nộp thuế thuộc diện rủi ro rất cao trên cơ sở đánh giá người nộp thuế trong công tác quản lý thuế.
Tiêu chí xác định người nộp thuế rủi ro về thuế cao trong đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử từ 01/6/2025 theo Thông tư 32/2025/TT-BTC (Hình từ Internet)
Trình tự áp dụng quản lý rủi ro về thuế theo Thông tư 31/2025/TT-BTC
Theo Điều 6 Thông tư 31/2021/TT-BTC quy định áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế được cơ quan thuế thực hiện theo trình tự sau:
1. Đánh giá tình hình, xác định mục tiêu và yêu cầu quản lý rủi ro
Cơ quan thuế thực hiện rà soát các rủi ro, sai phạm thường gặp của người nộp thuế trong việc thực hiện quy định tại Điều 17 Luật Quản lý thuế 2019 hoặc quy định hiện hành để xác định các rủi ro chính cần được xử lý, người nộp thuế có rủi ro lớn và hướng xử lý.
2. Tổ chức thu thập, xử lý thông tin quản lý rủi ro
Thông tin quản lý rủi ro được thu thập, xử lý theo quy định tại Chương II Thông tư 31/2021/TT-BTC.
Trường hợp thông tin kê khai sai, không đầy đủ phát hiện trong quá trình phân tích rủi ro, người nộp thuế có trách nhiệm cung cấp, giải trình hoặc bổ sung thông tin, tài liệu theo yêu cầu và thời hạn thông báo của cơ quan thuế để đảm bảo đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế được chính xác.
3. Thiết lập, cập nhật các chỉ số để phân tích, đánh giá tuân thủ pháp luật thuế, phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế
Căn cứ kết quả đánh giá tình hình, xác định mục tiêu và yêu cầu quản lý rủi ro quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 31/2021/TT-BTC, thông tin quản lý rủi ro và ứng dụng công nghệ thông tin để thiết lập, cập nhật các chỉ số tiêu chí, trọng số dùng đánh giá, phân loại mức độ tuân thủ pháp luật thuế, mức độ rủi ro người nộp thuế.
4. Phân tích, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật thuế; xác định mức độ rủi ro người nộp thuế; xác định mức độ rủi ro trong các nghiệp vụ quản lý thuế; quản lý hồ sơ rủi ro đối với các trường hợp giám sát trọng điểm
Người nộp thuế được phân đoạn theo điều kiện xác định phù hợp với yêu cầu quản lý thuế trong từng thời kỳ khi thực hiện việc phân tích, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật thuế và mức độ rủi ro người nộp thuế.
Việc thực hiện phân tích, phân loại mức độ tuân thủ pháp luật thuế và mức độ rủi ro người nộp thuế được thực hiện bằng các phương pháp quy định tại Điều 5 Thông tư 31/2021/TT-BTC.
5. Căn cứ kết quả xác định mức độ rủi ro; đánh giá tuân thủ pháp luật của người nộp thuế để áp dụng biện pháp quản lý thuế và xây dựng kế hoạch nâng cao tuân thủ tổng thể đối với người nộp thuế.
6. Theo dõi, cập nhật, đánh giá thông tin phản hồi về kết quả thực hiện các biện pháp quản lý thuế.
7. Thực hiện thu thập, xử lý, sử dụng, lưu trữ, thông tin; chỉ đạo, hướng dẫn điều chỉnh, bổ sung việc áp dụng quản lý rủi ro phù hợp để đảm bảo hiệu quả quản lý thuế.