Xử lý công trình, nhà ở hiện có trong phạm vi bảo vệ đê điều và ở bãi sông được quy định như thế nào?
Nội dung chính
Xử lý công trình, nhà ở hiện có trong phạm vi bảo vệ đê điều và ở bãi sông được quy định như thế nào?
Việc xử lý công trình, nhà ở hiện có trong phạm vi bảo vệ đê điều và ở bãi sông được thực hiện như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 27 Luật Đê điều 2006 được sửa đổi bởi Khoản 14 Điều 13 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018 thì việc xử lý công trình, nhà ở hiện có trong phạm vi bảo vệ đê điều và ở bãi sông được thực hiện như sau:
1. Căn cứ vào quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch tỉnh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức việc lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, quy hoạch xây dựng có liên quan đến phạm vi bảo vệ đê điều và bãi sông trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc phê duyệt theo thẩm quyền.
2. Căn cứ vào quy hoạch đã được điều chỉnh quy định tại khoản 1 Điều này, việc xử lý công trình, nhà ở hiện có trong phạm vi bảo vệ đê điều và ở bãi sông được quy định như sau:
a) Những công trình, nhà ở hiện có trong khu vực đang bị sạt lở, những công trình, nhà ở hiện có trong phạm vi bảo vệ đê điều thì phải di dời, trừ các công trình phụ trợ và công trình đặc biệt theo quy định của Luật này;
b) Những công trình, nhà ở hiện có không phù hợp với quy hoạch thì phải di dời; trong khi chưa di dời được thì có thể sửa chữa, cải tạo để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân nhưng không được mở rộng diện tích mặt bằng;
c) Những công trình, nhà ở hiện có phù hợp với quy hoạch thì được sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo việc xây dựng dự án di dân tái định cư, kế hoạch di dời và thực hiện việc di dời những công trình, nhà ở không phù hợp với quy hoạch; quy định việc cấp giấy phép xây dựng, nâng cấp, sửa chữa đối với công trình, nhà ở hiện có quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Tổ chức, cá nhân có công trình, nhà ở phải di dời được xem xét bồi thường thiệt hại hoặc hỗ trợ kinh phí theo quy định của pháp luật.
5. Chính phủ quy định cụ thể việc di dời công trình, nhà ở quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 và khoản 4 Điều này.
Trên đây là nội dung quy định về việc xử lý công trình, nhà ở hiện có trong phạm vi bảo vệ đê điều và ở bãi sông. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn nên tham khảo thêm tại Luật Đê điều 2006.
05 căn cứ để lập quy hoạch đê điều?
Tôi hiện nay đang muốn tìm hiểu một số vấn đề liên quan đến hoạt động quy hoạch đê điều. Ban Biên tập cho tôi hỏi: Căn cứ để lập quy hoạch đê điều được quy định như thế nào? Văn bản nào quy định vấn đề này? Mong nhận được câu trả lời của Ban Biên tập. Tôi xin chân thành cảm ơn.
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 14 Luật Đê điều 2006 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 9 Điều 13 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018 thì 05 căn cứ để lập quy hoạch đê điều bao gồm:
- Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh;
- Chiến lược quốc gia về phòng, chống thiên tai;
- Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi; quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê;
- Tình hình thực hiện quy hoạch đê điều kỳ trước và dự báo nhu cầu xây dựng, tu bổ, nâng cấp và kiên cố hóa đê điều;
- Quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác có liên quan.
Trên đây là nội dung quy định về căn cứ để lập quy hoạch đê điều. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn nên tham khảo thêm tại Luật Đê điều 2006.
Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc quản lý nhà nước về đê điều?
Tôi đang tìm hiểu về trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong quản lý đê điều. Vậy Ban biên tập cho tôi hỏi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm gì trong quản lý nhà nước về đê điều? Vấn đề này được quy định cụ thể tại văn bản nào? Mong Ban biên tập giải đáp giúp tôi. Chân thành cảm ơn.
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 43 Luật Đê điều 2006 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 16 Điều 13 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018 thì:
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Tổ chức lập nội dung phương án phát triển hệ thống đê điều, phương án phòng, chống lũ của tuyến sông có đê trong quy hoạch tỉnh; tổ chức xây dựng, tu bổ, nâng cấp và kiên cố hóa đê điều, quản lý và bảo đảm an toàn đê điều trong phạm vi địa phương phù hợp với quy hoạch đê điều, quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch tỉnh; bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống đê trên phạm vi cả nước;
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp, kiên cố hóa, bảo vệ, sử dụng đê điều và hộ đê;
- Tổng hợp, quản lý thông tin, dữ liệu về đê điều trong phạm vi của tỉnh và tổ chức nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ về xây dựng và bảo vệ đê điều;
- Quyết định theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc huy động lực lượng, vật tư, phương tiện để hộ đê, khắc phục hậu quả do lũ, lụt, bão gây ra đối với đê điều;
- Thành lập lực lượng chuyên trách quản lý đê điều và lực lượng quản lý đê nhân dân;
- Quản lý lực lượng chuyên trách quản lý đê điều trên địa bàn tỉnh;
- Chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đê điều trong phạm vi của địa phương;
- Tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về đê điều; xử lý hành vi vi phạm pháp luật về đê điều; giải quyết theo thẩm quyền khiếu nại, tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật về đê điều trong phạm vi địa phương theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Trên đây là nội dung quy định về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc quản lý nhà nước về đê điều. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn nên tham khảo thêm tại Luật Đê điều 2006.