Vị trí, chức năng của Bảo hiểm xã hội huyện? Nhiệm vụ, quyền hạn của Bảo hiểm xã hội huyện như thế nào?
Nội dung chính
Vị trí, chức năng của Bảo hiểm xã hội huyện?
Tại Điều 5 Quyết định 2355/QĐ-BHXH năm 2022 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2023) có quy định về vị trí, chức năng của Bảo hiểm xã hội huyện như sau:
Vị trí, chức năng của Bảo hiểm xã hội huyện
1. Bảo hiểm xã hội huyện là cơ quan trực thuộc Bảo hiểm xã hội tỉnh đặt tại huyện, có chức năng giúp Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh tổ chức thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; quản lý thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trên địa bàn huyện theo quy định.
2. Bảo hiểm xã hội huyện chịu sự quản lý trực tiếp, toàn diện của Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh và chịu sự quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
3. Bảo hiểm xã hội huyện có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản và trụ sở riêng.
4. Không tổ chức đơn vị Bảo hiểm xã hội huyện tại đơn vị hành chính là thành phố trực thuộc tỉnh, nơi có trụ sở Bảo hiểm xã hội tỉnh đóng trên địa bàn.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Bảo hiểm xã hội huyện như thế nào?
Tại Điều 6 Quyết định 2355/QĐ-BHXH năm 2022 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2023) có quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Bảo hiểm xã hội huyện như sau:
Nhiệm vụ, quyền hạn của Bảo hiểm xã hội huyện
1. Xây dựng trình Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh kế hoạch dài hạn, ngắn hạn về phát triển bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trên địa bàn và chương trình công tác hàng năm; tổ chức thực hiện kế hoạch, chương trình sau khi được phê duyệt.
2. Phối hợp với các phòng, ban liên quan tham mưu cho Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện xây dựng, ban hành nghị quyết, kế hoạch chỉ đạo tổ chức thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trên địa bàn huyện.
3. Thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chế độ, chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
4. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo phân cấp của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bảo hiểm xã hội tỉnh, cụ thể:
a) Cấp, quản lý mã số bảo hiểm xã hội; cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế cho người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; quản lý, sử dụng phôi sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế theo đúng quy định;
b) Xác định, khai thác, phát triển, quản lý người tham gia và hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Tổ chức thu hoặc ký hợp đồng ủy quyền cho tổ chức dịch vụ thu các khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế đối với các tổ chức và cá nhân tham gia. Từ chối việc đóng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế không đúng quy định của pháp luật. Kiểm tra việc đóng nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức sử dụng lao động. Thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo phân cấp của Bảo hiểm xã hội tỉnh;
c) Giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế tại Bảo hiểm xã hội huyện; Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính cấp huyện; theo dõi tăng, giảm số người hưởng chế độ bảo hiểm xã hội;
d) Tiếp nhận hồ sơ giải quyết việc tính thời gian công tác cho người lao động có thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 (bao gồm trường hợp người lao động không còn hồ sơ gốc thể hiện thời gian làm việc trong khu vực nhà nước và điều chỉnh làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm) theo phân cấp của Bảo hiểm xã hội tỉnh;
đ) Chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; từ chối chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế không đúng quy định;
e) Tiếp nhận khoản kinh phí từ ngân sách Nhà nước chuyển sang để đóng, hỗ trợ đóng cho người tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện;
g) Quản lý, sử dụng, hạch toán kế toán các nguồn kinh phí và tài sản của Bảo hiểm xã hội huyện theo phân cấp;
h) Tổ chức ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với các cơ sở khám, chữa bệnh có đủ điều kiện theo quy định hiện hành; thực hiện tạm ứng, giám định chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, thanh quyết toán chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đối với các cơ sở khám, chữa bệnh được phân cấp ký hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; thanh toán trực tiếp chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người có thẻ bảo hiểm y tế; bảo vệ quyền lại của người tham gia bảo hiểm y tế và chống lạm dụng, trục lợi chế độ bảo hiểm y tế;
i) Tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ, giải đáp, tư vấn chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; khảo sát, đo lường sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan bảo hiểm xã hội trên địa bàn huyện.
5. Giải quyết các khiếu nại, kiến nghị, phản ánh về việc thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế đối với các tổ chức, cá nhân tham gia và các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định.
6. Thực hiện chương trình, kế hoạch cải cách hành chính; công tác kiểm soát thủ tục hành chính và công tác pháp chế theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội tỉnh. Tổ chức triển khai hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN vào hoạt động của Bảo hiểm xã hội huyện.
7. Tổ chức thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định.
8. Thực hiện số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính và số hóa hồ sơ, tài liệu hành chính, nghiệp vụ; thực hiện công tác lưu trữ hồ sơ, tài liệu hành chính, nghiệp vụ; hồ sơ của người tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế (gồm cả giấy và điện tử) theo quy định.
9. Hướng dẫn việc thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho các tổ chức, cá nhân tham gia.
10. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn, các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế để giải quyết các vấn đề có liên quan đến việc thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định. Phối hợp với các đơn vị có liên quan trình Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng kế hoạch giao chỉ tiêu phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trên cơ sở kế hoạch được giao.
11. Đề xuất, kiến nghị, phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra do Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh thành lập.
12. Có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trên địa bàn. Gửi văn bản kiến nghị khởi tố kèm theo chứng cứ, tài liệu có liên quan đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tại cấp huyện để xem xét, khởi tố theo quy định của pháp luật khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của Bộ luật Hình sự.
13. Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương thực hiện điều tra lại các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo phân cấp quản lý.
14. Định kỳ cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin về việc đóng, quyền được hưởng các chế độ, thủ tục thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho người lao động, người sử dụng lao động hoặc khi người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức công đoàn yêu cầu; cung cấp đầy đủ và kịp thời tài liệu, thông tin liên quan theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
15. Triển khai thực hiện các quy chế, chương trình, kế hoạch phối hợp với các cơ quan, đơn vị theo ký kết của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và của Bảo hiểm xã hội tỉnh.
16. Quản lý viên chức, người lao động của Bảo hiểm xã hội huyện.
17. Tham gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; khai thác và bảo mật dữ liệu công nghệ thông tin; thực hiện chế độ thông tin, thống kê, báo cáo, thi đua - khen thưởng theo phân cấp của Bảo hiểm xã hội tỉnh.
18. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh giao và theo quy định của pháp luật.
Vị trí, chức năng của Bảo hiểm xã hội huyện? Nhiệm vụ, quyền hạn của Bảo hiểm xã hội huyện như thế nào? (Hình ảnh từ internet)
Cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội huyện như thế nào?
Tại Điều 7 Quyết định 2355/QĐ-BHXH năm 2022 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2023) có quy định về cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội huyện như sau:
Cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội huyện
1. Bảo hiểm xã hội huyện có cơ cấu tổ chức gồm Tổ nghiệp vụ. Tổng Giám đốc ban hành quy định về nguyên tắc thành lập Tổ nghiệp vụ, số lượng Tổ nghiệp vụ, cơ cấu viên chức quản lý Tổ nghiệp vụ.
2. Tổ Nghiệp vụ thuộc Bảo hiểm xã hội huyện do Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh quyết định thành lập sau khi được Tổng Giám đốc phê duyệt.
Tổ Nghiệp vụ có chức năng giúp Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện thực hiện các nhiệm vụ được giao đối với từng lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của Tổng Giám đốc.
Tổ Nghiệp vụ chịu sự quản lý, điều hành trực tiếp của Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện.
Theo đó, Bảo hiểm xã hội huyện bao gồm Tổ nghiệp vụ, do Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh quyết định thành lập với sự phê duyệt của Tổng Giám đốc. Tổ nghiệp vụ có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, đồng thời chịu sự quản lý và điều hành trực tiếp của Giám đốc. Cấu trúc này không chỉ đảm bảo tính hiệu quả trong quản lý mà còn góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ bảo hiểm xã hội tại cấp huyện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân.