11:03 - 26/09/2024

Thời hạn chứng thực chữ ký là bao lâu? Chứng thực chữ ký ở đâu?

Thời hạn chứng thực chữ ký là bao lâu? Chứng thực chữ ký ở đâu?

Nội dung chính


    Thời hạn chứng thực chữ ký là bao lâu?

    Tại Điều 7 Nghị định 23/2015/NĐ-CP có quy định về thời hạn thực hiện yêu cầu chứng thực như sau:

    Thời hạn thực hiện yêu cầu chứng thực

    Thời hạn thực hiện yêu cầu chứng thực phải được bảo đảm ngay trong ngày cơ quan, tổ chức tiếp nhận yêu cầu hoặc trong ngày làm việc tiếp theo, nếu tiếp nhận yêu cầu sau 15 giờ; trừ trường hợp quy định tại các Điều 21, 33 và Điều 37 của Nghị định này.

    Như vậy, thời hạn chứng thực chữ ký là ngay trong ngày tiếp nhận yêu cầu hoặc trong ngày làm việc tiếp theo, nếu tiếp nhận yêu cầu sau 15 giờ;

    Tuy nhiên, đối với trường hợp chứng thực chữ ký người dịch và chứng thực bản sao từ nhiều loại bản chính giấy tờ, văn bản; bản chính có nhiều trang; yêu cầu số lượng nhiều bản sao; nội dung giấy tờ, văn bản phức tạp khó kiểm tra, đối chiếu mà cơ quan, tổ chức thực hiện chứng thực không thể đáp ứng được thời hạn thì có thể kéo dài thời hạn chứng thực.

    Thời hạn chứng thực chữ ký là bao lâu? Chứng thực chữ ký ở đâu? (Hình từ Internet)

    Chứng thực chữ ký ở đâu?

    Tại Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP có quy định thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực như sau:

    Thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực

    1. Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Phòng Tư pháp) có thẩm quyền và trách nhiệm:

    a) Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam liên kết với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chứng nhận;

    b) Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản;

    c) Chứng thực chữ ký của người dịch trong các giấy tờ, văn bản từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài;

    ...

    2. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) có thẩm quyền và trách nhiệm:

    a) Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận;

    b) Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản, trừ việc chứng thực chữ ký người dịch;

    ...

    3. Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự và Cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi chung là Cơ quan đại diện) có thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực các việc quy định tại các Điểm a, b và c Khoản 1 Điều này. Viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự ký chứng thực và đóng dấu của Cơ quan đại diện.

    4. Công chứng viên có thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực các việc quy định tại Điểm a Khoản 1, Điểm b Khoản 2 Điều này, ký chứng thực và đóng dấu của Phòng công chứng, Văn phòng công chứng (sau đây gọi chung là tổ chức hành nghề công chứng).

    ....

    Như vậy, cơ quan có thẩm quyền chứng thực chữ ký bao gồm:

    - Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

    - Uỷ ban nhân dân cấp xã với người có thẩm quyền chứng thực là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã.

    - Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự, cơ quan khác được uỷ quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài với người có thẩm quyền chứng thực là viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự.

    - Công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng (văn phòng công chứng hoặc phòng công chứng).

    Chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền được thực hiện trong trường hợp nào?

    Tại khoản 2 Điều 14 Thông tư 01/2020/TT-BTP có quy định cac trường hợp được chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền như sau:

    Chứng thực chữ ký trên Giấy ủy quyền theo quy định tại khoản 4 Điều 24 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP

    1. Việc ủy quyền theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 24 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP thỏa mãn đầy đủ các điều kiện như không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản thì được thực hiện dưới hình thức chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền.

    2. Phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều này, việc chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

    a) Ủy quyền về việc nộp hộ, nhận hộ hồ sơ, giấy tờ, trừ trường hợp pháp luật quy định không được ủy quyền;

    b) Ủy quyền nhận hộ lương hưu, bưu phẩm, trợ cấp, phụ cấp;

    c) Ủy quyền nhờ trông nom nhà cửa;

    d) Ủy quyền của thành viên hộ gia đình để vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội.

    3. Đối với việc ủy quyền không thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì không được yêu cầu chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền; người yêu cầu chứng thực phải thực hiện các thủ tục theo quy định về chứng thực hợp đồng, giao dịch.

    Như vậy, chứng thực chữ ký trên Giấy ủy quyền được thực hiện trong 04 trường hợp bao gồm:

    - Ủy quyền về việc nộp hộ, nhận hộ hồ sơ, giấy tờ, trừ trường hợp pháp luật quy định không được ủy quyền;

    - Ủy quyền nhận hộ lương hưu, bưu phẩm, trợ cấp, phụ cấp;

    - Ủy quyền nhờ trông nom nhà cửa;

    - Ủy quyền của thành viên hộ gia đình để vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội.

    Lưu ý: Việc ủy quyền nếu không thuộc 04 trường hợp trên thì không được yêu cầu chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền mà phải thực hiện các thủ tục theo quy định về chứng thực hợp đồng, giao dịch.

    1