Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp có thể là công ty có vốn điều lệ đã góp trên 100 tỷ đồng hay không?
Nội dung chính
Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp có thể là công ty có vốn điều lệ đã góp trên 100 tỷ đồng hay không?
Căn cứ Khoản 1 Điều 11 Luật Chứng khoán 2019 quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp như sau:
Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp
1. Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là nhà đầu tư có năng lực tài chính hoặc có trình độ chuyên môn về chứng khoán bao gồm:
a) Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính, tổ chức kinh doanh bảo hiểm, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán, tổ chức tài chính quốc tế, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, tổ chức tài chính nhà nước được mua chứng khoán theo quy định của pháp luật có liên quan;
b) Công ty có vốn điều lệ đã góp đạt trên 100 tỷ đồng hoặc tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch;
c) Người có chứng chỉ hành nghề chứng khoán;
d) Cá nhân nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu là 02 tỷ đồng theo xác nhận của công ty chứng khoán tại thời điểm cá nhân đó được xác định tư cách là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp;
đ) Cá nhân có thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu là 01 tỷ đồng tính đến thời điểm cá nhân đó được xác định tư cách là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế hoặc chứng từ khấu trừ thuế của tổ chức, cá nhân chi trả.
...
Như vậy, công ty đã có số vốn điều lệ đã góp là 100 tỷ đồng thì công ty bạn có thể trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp
Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp có thể là công ty có vốn điều lệ đã góp trên 100 tỷ đồng hay không? (Ảnh từ Internet)
Thực hiện bảo lãnh phát hành chứng khoán ra công chúng cần đáp ứng những điều kiện nào?
Theo Điều 17 Luật Chứng khoán 2019 quy định điều kiện để thực hiện bảo lãnh phát hành chứng khoán ra công chúng như sau:
(1) Tổ chức thực hiện bảo lãnh phát hành chứng khoán ra công chúng là công ty chứng khoán, tổ chức đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép thực hiện hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán theo quy định của Luật này;
- Đáp ứng các chỉ tiêu an toàn tài chính theo quy định của pháp luật;
- Không phải là người có liên quan với tổ chức phát hành.
(2) Tổ chức thực hiện bảo lãnh phát hành chứng khoán ra công chúng thực hiện bảo lãnh theo phương thức nhận mua một phần hoặc toàn bộ chứng khoán của tổ chức phát hành chỉ được phép bảo lãnh phát hành tổng giá trị chứng khoán không được lớn hơn vốn chủ sở hữu và không quá 15 lần hiệu số giữa giá trị tài sản ngắn hạn và nợ ngắn hạn tính theo báo cáo tài chính quý gần nhất.
Đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 16 Luật Chứng khoán 2019 thì đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng được quy định như sau:
(1) Tổ chức phát hành, cổ đông công ty đại chúng trước khi chào bán chứng khoán ra công chúng phải đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật Chứng khoán 2019
(2) Các trường hợp sau đây không phải đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng:
- Chào bán công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh do ngân hàng chính sách phát hành, trái phiếu chính quyền địa phương;
- Chào bán trái phiếu của tổ chức tài chính quốc tế được Chính phủ Việt Nam chấp thuận;
- Chào bán cổ phiếu ra công chúng để chuyển doanh nghiệp nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần;
- Việc bán chứng khoán theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của Trọng tài hoặc việc bán chứng khoán của người quản lý hoặc người được nhận tài sản trong trường hợp phá sản hoặc mất khả năng thanh toán.