08:01 - 14/11/2024

Khi công chứng hợp đồng, người không biết chữ sẽ dùng ngón tay nào để điểm chỉ?

Khi công chứng hợp đồng, người không biết chữ sẽ dùng ngón tay nào để điểm chỉ? Người yêu cầu công chứng không ký được thì có cần người làm chứng hay không? Chữ viết trong văn bản công chứng được quy định như thế nào?

Nội dung chính

    Khi công chứng hợp đồng, người không biết chữ sẽ dùng ngón tay nào để điểm chỉ?

    Tại Điều 48 Luật Công chứng 2014 có quy định về vấn đề ký, điểm chỉ trong văn bản công chứng như sau:

    1. Người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch phải ký vào hợp đồng, giao dịch trước mặt công chứng viên.

    Trong trường hợp người có thẩm quyền giao kết hợp đồng của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp khác đã đăng ký chữ ký mẫu tại tổ chức hành nghề công chứng thì người đó có thể ký trước vào hợp đồng; công chứng viên phải đối chiếu chữ ký của họ trong hợp đồng với chữ ký mẫu trước khi thực hiện việc công chứng.

    2. Việc điểm chỉ được thay thế việc ký trong trường hợp người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch không ký được do khuyết tật hoặc không biết ký. Khi điểm chỉ, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch sử dụng ngón trỏ phải; nếu không điểm chỉ được bằng ngón trỏ phải thì điểm chỉ bằng ngón trỏ trái; trường hợp không thể điểm chỉ bằng hai ngón trỏ đó thì điểm chỉ bằng ngón khác và phải ghi rõ việc điểm chỉ đó bằng ngón nào, của bàn tay nào.

    3. Việc điểm chỉ cũng có thể thực hiện đồng thời với việc ký trong các trường hợp sau đây:

    a) Công chứng di chúc;

    b) Theo đề nghị của người yêu cầu công chứng;

    c) Công chứng viên thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho người yêu cầu công chứng.

    Căn cứ theo quy định hiện hành, trong trường hợp mẹ bạn không biết ký thì có thể tiến hành điểm chỉ trong hợp đồng. Khi điểm chỉ sẽ dùng ngón trỏ phải để điểm chỉ.

    Người yêu cầu công chứng không ký được thì có cần người làm chứng hay không?

    Tại Điều 47 Luật Công chứng 2014 có quy định về người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch như sau:

    1. Người yêu cầu công chứng là cá nhân phải có năng lực hành vi dân sự.

    Trường hợp người yêu cầu công chứng là tổ chức thì việc yêu cầu công chứng được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của tổ chức đó.

    Người yêu cầu công chứng phải xuất trình đủ giấy tờ cần thiết liên quan đến việc công chứng và chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính hợp pháp của các giấy tờ đó.

    2. Trường hợp người yêu cầu công chứng không đọc được, không nghe được, không ký, điểm chỉ được hoặc trong những trường hợp khác do pháp luật quy định thì việc công chứng phải có người làm chứng.

    Người làm chứng phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và không có quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ liên quan đến việc công chứng.

    Người làm chứng do người yêu cầu công chứng mời, nếu người yêu cầu công chứng không mời được thì công chứng viên chỉ định.

    3. Trường hợp người yêu cầu công chứng không thông thạo tiếng Việt thì họ phải có người phiên dịch.

    Người phiên dịch phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, thông thạo tiếng Việt và ngôn ngữ mà người yêu cầu công chứng sử dụng.

    Người phiên dịch do người yêu cầu công chứng mời và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc phiên dịch của mình.

    Theo đó, khi người yêu cầu công chứng không thể ký được thì cần phải có người làm chứng.

    Chữ viết trong văn bản công chứng được quy định như thế nào?

    Tại Điều 45 Luật Công chứng 2014 có quy định về chữ viết trong văn bản công chứng như sau:

    1. Chữ viết trong văn bản công chứng phải rõ ràng, dễ đọc, không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, không được viết xen dòng, viết đè dòng, không được tẩy xoá, không được để trống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

    2. Thời điểm công chứng phải được ghi cả ngày, tháng, năm; có thể ghi giờ, phút nếu người yêu cầu công chứng đề nghị hoặc công chứng viên thấy cần thiết. Các con số phải được ghi cả bằng số và chữ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

    Theo đó, chữ viết trong văn bản công chứng sẽ được thực hiện theo quy định như trên.

    10