Học sinh lái xe khi chưa đủ tuổi: Ai bị phạt, mức phạt bao nhiêu?
Nội dung chính
Quy định về độ tuổi được lái xe
Căn cứ khoản 1 Điều 59 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định về độ tuổi được lái xe như sau:
- Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy;
- Người đủ 18 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng A1, A, B1, B, C1, được cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ để điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ;
- Người đủ 18 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng A1, A, B1, B, C1, được cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ để điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ;
- Người đủ 21 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng C, BE;
- Người đủ 24 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng D1, D2, C1E, CE;
- Người đủ 27 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng D, D1E, D2E, DE.
Học sinh lái xe khi chưa đủ tuổi thì ai là người bị phạt?
Theo điểm a khoản 1 Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 được sửa đổi bởi Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020; khoản 10, điểm i khoản 14 Điều 31 Nghị định 168/2024/NĐ-CP thì học sinh lái xe khi chưa đủ tuổi thì cả học sinh (nếu đã đủ 14 tuổi trở lên) và phụ huynh giao xe đều sẽ bị xử phạt.
Học sinh lái xe khi chưa đủ tuổi: Ai bị phạt, mức phạt bao nhiêu? (Hình từ Internet)
Mức phạt lỗi học sinh lái xe khi chưa đủ tuổi ra sao?
(1) Đối với học sinh
- Đối với xe máy:
+ Trường hợp học sinh từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy thì bị phạt cảnh cáo (khoản 1 Điều 18 Nghị định 168/2024/NĐ-CP);
+ Trường hợp học sinh từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi- lanh từ 50 cm3 trở lên thì bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng (điểm a khoản 4 Điều 18 Nghị định 168/2024/NĐ-CP);
+ Trường hợp học sinh điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh đến 125 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô không có giấy phép lái xe thì bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng (điểm a khoản 5 Điều 18 Nghị định 168/2024/NĐ-CP);
+ Trường hợp học sinh điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh trên 125 cm3 trở lên hoặc có công suất động cơ điện trên 11 kW, xe mô tô ba bánh không có giấy phép lái xe thì bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng (điểm b khoản 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP).
- Đối với xe ô tô:
+ Trường hợp học sinh từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe ô tô, điều khiển xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe ô tô thì bị phạt cảnh cáo (khoản 1 Điều 18 Nghị định 168/2024/NĐ-CP);
+ Trường hợp học sinh từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe ô tô thì bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng (khoản 6 Điều 18 Nghị định 168/2024/NĐ-CP);
+ Trường hợp học sinh điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ không có giấy phép lái xe thì bị phạt tiền từ 18.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (điểm b khoản 9 Điều 18 Nghị định 168/2024/NĐ-CP).
(2) Đối với phụ huynh giao xe
- Trường hợp phụ huynh giao xe máy (xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô, các loại xe tương tự xe gắn máy) cho con lái xe khi chưa đủ tuổi: Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (khoản 10 Điều 31 Nghị định 168/2024/NĐ-CP).
- Trường hợp phụ huynh giao xe ô tô (xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe ô tô) cho con lái xe khi chưa đủ tuổi: Phạt tiền từ 28.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng (điểm i khoản 14 Điều 31 Nghị định 168/2024/NĐ-CP).
Lưu ý: Trên đây chỉ là mức phạt hành chính, trường hợp học sinh lái xe khi chưa đủ tuổi mà gây tai nạn giao thông đủ yếu cấu cấu thành tội phạm thì cả học sinh và phụ huynh giao xe đều có thể bị xử lý hình sự theo quy định.
Học sinh thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính bị xử phạt trong cùng một lần thì xử lý như thế nào?
Căn cứ khoản 2 Điều 5 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định như sau:
Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn
...
2. Trình tự, thủ tục tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Trường hợp một cá nhân thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính mà bị xử phạt trong cùng một lần thì bị phạt tiền đối với từng hành vi vi phạm, nếu có hành vi vi phạm bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe và hành vi vi phạm bị trừ điểm giấy phép lái xe thì chỉ áp dụng hình thức tước quyền sử dụng giấy phép lái xe.
Như vậy, học sinh thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính mà bị xử phạt trong cùng một lần thì bị phạt tiền đối với từng hành vi vi phạm, nếu có hành vi vi phạm bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe và hành vi vi phạm bị trừ điểm giấy phép lái xe thì chỉ áp dụng hình thức tước quyền sử dụng giấy phép lái xe.