Giờ làm việc hành chính của cơ quan nhà nước là mấy giờ? Cơ quan nào là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương?
Nội dung chính
Giờ làm việc hành chính của cơ quan nhà nước là mấy giờ?
Quy định giờ làm việc hành chính nhà nước sẽ căn cứ vào quy định trong Bộ luật Lao động 2019. Cụ thể như sau:
Tại Điều 105 Bộ luật Lao động 2019 quy định về thời giờ làm việc bình thường như sau:
Thời giờ làm việc bình thường
1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
2. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động.
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật có liên quan.
Hiện nay, giờ làm việc hành chính của cơ quan nhà nước sẽ tùy theo quy định riêng của mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tuy nhiên giờ làm việc này phải đảm bảo không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
Chẳng hạn:
Tại TP. Hồ Chí Minh, tại Điều 4 Quyết định 67/2017/QĐ-UBND TP.HCM có quy định khung giờ làm việc hành chính của cơ quan hành chính Nhà nước như sau:
- Buổi sáng từ 07 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút.
- Buổi chiều từ 13 giờ 00 phút đến 17 giờ 00 phút.
Thời giờ làm việc này có thể điều chỉnh phù hợp với đặc thù, yêu cầu công tác của từng cơ quan, đơn vị và theo quy định của Ủy ban nhân dân thành phố nhưng phải đảm bảo đủ 08 giờ làm việc/01 ngày làm việc.
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập căn cứ tình hình thực tế bố trí thời gian làm việc phù hợp, đảm bảo đúng quy định của Bộ Luật Lao động.
Giờ làm việc hành chính của cơ quan nhà nước là mấy giờ? Cơ quan nào là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương?
Cơ quan nào là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất Việt Nam?
Tại Điều 94 Hiến pháp 2013 quy định về cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như sau:
Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội.
Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.
Tại Điều 1 Luật Tổ chức chính phủ 2015 quy định về vị trí, chức năng của Chính phủ như sau:
Vị trí, chức năng của Chính phủ
Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội.
Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.
Như vậy, Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất Việt Nam. Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội.
Cơ quan nào là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương?
Tại Điều 8 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định về Ủy ban nhân dân như sau:
Ủy ban nhân dân
1. Ủy ban nhân dân do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu, là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương, Hội đồng nhân dân cùng cấp và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên.
2. Ủy ban nhân dân gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên, số lượng cụ thể Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp do Chính phủ quy định.
Như vậy, Ủy ban nhân dân là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.
Ủy ban nhân dân do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương, Hội đồng nhân dân cùng cấp và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên.