14:43 - 09/11/2024

Các nguyên tắc xác định trọng yếu về định tính trong kiểm toán Báo cáo tài chính doanh nghiệp

Tôi là nhân viên kế toán tại Thành phố Hồ Chí Minh, tôi đang tìm hiểu các quy định về kiểm toán tại các doanh nghiệp. Anh chị cho tôi hỏi Các nguyên tắc xác định trọng yếu về định tính trong kiểm toán Báo cáo tài chính doanh nghiệp được quy định như thế nào?

Nội dung chính

    Các nguyên tắc xác định trọng yếu về định tính trong kiểm toán Báo cáo tài chính doanh nghiệp

    Theo quy định tại Điều 7 Hướng dẫn tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán báo cáo tài chính doanh nghiệp ban nhề kem theo Quyết định 01/2019/QĐ-KTNN, thì các nguyên tắc xác định trọng yếu về định tính trong kiểm toán Báo cáo tài chính doanh nghiệp như sau:

    1. Trọng yếu trong kiểm toán cần được xem xét cả về mặt định lượng và định tính. Khi xét đoán tính trọng yếu của các sai sót đối với báo cáo tài chính, KTVNN không chỉ dựa vào quy mô sai sót (khía cạnh định lượng) mà còn phải xem xét bản chất của sai sót trong từng hoàn cảnh cụ thể (khía cạnh định tính).

    2. Về mặt định tính, các sai sót, thông tin thiếu hoặc thông tin không chính xác được coi là trọng yếu khi bản chất, tính chất và tầm quan trọng của nó có thể gây ảnh hưởng đến quyết định của các đối tượng sử dụng thông tin tài chính cho dù quy mô sai sót có thể nhỏ.

    3. Khi xem xét trọng yếu về định tính, KTVNN cần lưu ý các trường hợp sau:

    - Đối tượng sử dụng thông tin được kiểm toán cần quan tâm đến một khoản mục nhất định cần được thuyết minh riêng rẽ trên BCTCDN;

    - Các vấn đề được Quốc hội, Chính phủ, dư luận xã hội đang quan tâm ngoài lĩnh vực kinh tế; các nội dung thuộc trọng tâm, định hướng của ngành liên quan đến cuộc kiểm toán;

    - Những thông tin thuyết minh quan trọng liên quan đến các báo cáo hoạt động hoặc đối với việc không tuân thủ.

    - Trong một số trường hợp, mức trọng yếu có thể xác định bằng các giá trị phi tài chính để đánh giá rủi ro đối với các báo cáo hoạt động hoặc đối với việc thiếu tuân thủ. Khi những mức trọng yếu này được xác định, KTVNN sẽ đưa ra các dự kiến cơ bản đối với tính trung thực của báo cáo, hiệu quả về mặt chi phí của hoạt động và tính tuân thủ.

    Ví dụ: Các sai phạm liên quan đến nghĩa vụ thuế với NSNN; các hành vi, sai phạm liên quan đến gian lận, biển thủ công quỹ, tài sản….

    4. Trong một số trường hợp, khi kết hợp việc xem xét trọng yếu về định tính và định lượng, các sai sót, khi xét riêng lẻ hoặc tổng hợp lại vẫn được coi là trọng yếu mặc dù giá trị của các sai sót này có thể thấp hơn mức trọng yếu áp dụng cho tổng thể BCTCND, bao gồm: các sai sót ảnh hưởng đến việc tuân thủ pháp luật (đặc biệt là gây thất thoát tài sản hoặc thiệt hại đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự); việc tuân thủ điều khoản hoặc các yêu cầu khác của hợp đồng kinh tế; thông tin mà KTVNN cho là ảnh hưởng đáng kể đối với người sử dụng BCTCDN; làm tăng pháp lý đối với doanh nghiệp từ các hành vi gian lận, lãng phí.

    Trên đây là quy định về các nguyên tắc xác định trọng yếu về định tính trong kiểm toán Báo cáo tài chính doanh nghiệp.

    5