11:25 - 13/01/2025

5 Bộ giữ nguyên tên sau khi tinh gọn bộ máy (Dự kiến)

Theo Báo cáo 219/BC-BNV, Bộ Nội vụ đã tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị để xác định tên gọi mới sau quá trình hợp nhất một số bộ, cụ thể có 5 Bộ giữ nguyên tên.

Nội dung chính

    Đề xuất 5 Bộ giữ nguyên tên sau khi tinh gọn bộ máy

    Dựa trên ý kiến của Bộ Chính trị tại Văn bản số 13038-CV/VPTW của Văn phòng Trung ương Đảng về kết luận phiên họp Bộ Chính trị ngày 10/1/2025 về phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, Bộ Nội vụ (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo) báo cáo Ban Chỉ đạo của Chính phủ về việc bổ sung, hoàn thiện báo cáo tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ.

    Theo đó, Báo cáo 219/BC-BNV của Bộ Nội vụ, về tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ và các cơ quan thuộc Chính phủ, Bộ Nội vụ đã tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị để xác định tên gọi mới sau quá trình hợp nhất một số bộ, cụ thể 5 Bộ giữ nguyên tên như sau.

    - Giữ nguyên tên Bộ Tài chính sau khi hợp nhất Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính.

    - Giữ nguyên tên Bộ Nội vụ sau khi hợp nhất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ.

    - Giữ nguyên tên Bộ Xây dựng sau khi hợp nhất Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng.

    - Giữ nguyên tên Bộ Khoa học và Công nghệ sau khi hợp nhất Bộ Thông tin Truyền thông và Bộ Khoa học Công nghệ.

    - Giữ nguyên tên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sau khi tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về báo chí từ Bộ Thông tin và Truyền thông.

    Các bộ, ngành khác tiếp tục giữ tên gọi như đề xuất tại Báo cáo số 3792-BC/BCSĐCP của Ban cán sự đảng Chính phủ. Các đơn vị khác giữ nguyên tên gọi như hiện nay gồm: Bộ Ngoại giao, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Quốc phòng, Công an, Tư pháp, Công Thương; Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam.

    5 Bộ giữ nguyên tên sau khi tinh gọn bộ máy (Dự kiến)

    5 Bộ giữ nguyên tên sau khi tinh gọn bộ máy (Dự kiến) (Hình từ Internet)

    Điều chuyển một số chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy

    Cũng theo Báo cáo 219/BC-BNV, Bộ Nội vụ đã tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị về việc điều chuyển một số chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy như sau:

    - Chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo chí từ Bộ Thông tin và Truyền thông sang Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

    - Chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về giảm nghèo từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sang Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

    - Điều chỉnh sửa đổi, chức năng, nhiệm vụ của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách kinh tế - tài chính không bao gồm chức năng, nhiệm vụ của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (do Bộ Chính trị đã quyết định chuyển Viện này về Ban Chính sách, chiến lược Trung ương).

    - Kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; chuyển 18 tập đoàn, tổng công ty hiện đang giao cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước quản lý về Bộ Tài chính quản lý; chuyển Tổng công ty Viễn thông Mobifone về Bộ Công an quản lý (tổ chức đảng của Tổng công ty chuyển về trực thuộc Đảng ủy Công an Trung ương).

    Về một số chức năng, nhiệm vụ theo đề xuất của Bộ Công an:

    - Chuyển 03 nhóm chức năng, nhiệm vụ về Bộ Công an quản lý (không làm tăng đầu mối của Bộ Công an), gồm:

    + Chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy và phòng, chống tệ nạn xã hội (đang giao cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý).

    + Nhiệm vụ quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp và thực hiện dịch vụ công cấp Phiếu lý lịch tư pháp (đang giao cho Bộ Tư pháp quản lý).

    + Nhiệm vụ về sát hạch, cấp Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ (đang giao cho Bộ Giao thông vận tải quản lý).

    - Đối với 04 nhiệm vụ còn lại (theo đề xuất của Bộ Công an tại Văn bản số 3838-CV/ĐUCA ngày 18/12/2024), gồm:

    (1) Nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, cửa khẩu;

    (2) Nhiệm vụ quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh;

    (3) Nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng;

    (4) Nhiệm vụ bảo đảm an ninh hàng không): Đề nghị Ban Chỉ đạo của Chính phủ cho ý kiến về nội dung này để làm cơ sở hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công an và các Bộ, ngành có liên quan.

    Chức năng của Bộ Nội vụ là gì?

    Tại Điều 1 Nghị định 63/2022/NĐ-CP quy định về chức năng của Bộ Nội vụ cụ thể như sau:

    Bộ Nội vụ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực: Tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước; chính quyền địa phương, địa giới đơn vị hành chính; cán bộ, công chức, viên chức và công vụ; hội, tổ chức phi chính phủ; thi đua, khen thưởng; tín ngưỡng, tôn giáo; văn thư, lưu trữ nhà nước; thanh niên và quản lý nhà nước đối với các dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực quản lý của bộ theo quy định của pháp luật.

    Theo đó, Bộ Nội vụ có chức năng quản lý nhà nước trong các ngành và lĩnh vực sau: tổ chức hành chính và sự nghiệp nhà nước; chính quyền địa phương và địa giới hành chính; cán bộ, công chức, viên chức cùng các vấn đề liên quan đến công vụ; hội, tổ chức phi chính phủ; công tác thi đua và khen thưởng; tín ngưỡng, tôn giáo; văn thư, lưu trữ nhà nước; thanh niên; và quản lý nhà nước đối với các dịch vụ công thuộc các ngành, lĩnh vực do Bộ phụ trách theo quy định pháp luật.

    58
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ