15:01 - 14/01/2025

Phong tục Tết Nguyên đán miền Bắc có những đặc trưng gì?

Phong tục Tết Nguyên đán miền Bắc có những đặc trưng gì? Mâm cỗ Tết Nguyên đán miền Bắc có gì? Người lao động được nghỉ những ngày lễ tết nào trong năm Ất Tỵ 2025?

Nội dung chính

    Phong tục Tết Nguyên đán miền Bắc có những đặc trưng gì?

    Tết Nguyên Đán là dịp lễ lớn nhất trong năm, mang đậm những phong tục truyền thống đặc sắc của người dân Việt Nam. Trong đó, Tết miền Bắc nổi bật với những tập tục, nghi lễ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Mỗi hành động, mỗi nghi lễ vào dịp Tết đều mang ý nghĩa sâu sắc, không chỉ để tỏ lòng thành kính với tổ tiên, mà còn nhằm cầu mong một năm mới an lành, phát đạt.

    Cùng tìm hiểu những phong tục đáng nhớ này để thêm hiểu về không khí Tết đậm đà bản sắc miền Bắc:

    (1) Chưng đào và quất ngày Tết

    Tết miền Bắc luôn gắn liền với những cành đào hồng thắm, mang đến không khí tươi vui và tài lộc. Ngay từ tháng Chạp, hoa đào đã xuất hiện trên khắp các con phố, trở thành biểu tượng không thể thiếu trong mỗi gia đình. Ngoài đào, cây quất với quả chín vàng, sai trĩu cũng được lựa chọn để mang đến may mắn và tài lộc cho năm mới.

    (2) Dựng cây nêu

    Phong tục dựng cây nêu vào dịp Tết có ý nghĩa đặc biệt trong việc xua đuổi tà ma và bảo vệ sự bình yên cho gia đình. Cây nêu, thường được làm từ tre dài, treo lọng tàn và các vật phẩm như cá chép, đèn lồng hay câu đối đỏ để cầu mong một năm mới may mắn và thuận lợi.

    (3) Cúng ông Công, ông Táo và thả cá chép

    Vào ngày 23 tháng Chạp, người dân miền Bắc làm mâm cúng tiễn ông Công, ông Táo chầu trời. Sau khi cúng, họ thả cá chép sống ra sông, tượng trưng cho việc tiễn đưa các vị thần linh và cầu mong một năm mới bình an, thịnh vượng.

    (4) Bày mâm ngũ quả

    Mâm ngũ quả là một phần không thể thiếu trong dịp Tết miền Bắc. Với 5 loại quả, mỗi quả mang ý nghĩa tượng trưng cho ngũ hành. Những loại quả như chuối, bưởi và phật thủ thường xuyên xuất hiện trên mâm ngũ quả, mong muốn đem lại sự sung túc và tài lộc cho gia đình trong năm mới.

    (5) Bày mâm ngũ quả

    Bánh chưng là món ăn đặc trưng trong Tết cổ truyền miền Bắc. Mỗi gia đình sẽ cùng nhau quây quần gói bánh, thể hiện lòng thành kính với đất trời và tổ tiên. Bánh chưng không chỉ là món ăn mà còn là biểu tượng của sự bền vững và đầy đủ.

    (6) Xông đất đầu năm

    Ngày Tết, người đầu tiên bước vào nhà được gọi là "người xông đất". Người này phải hợp tuổi, hợp mệnh với gia chủ để mang đến may mắn và tài lộc cho gia đình trong suốt năm. Vì vậy, nhiều người dân miền Bắc tránh đi chúc Tết vào sáng mùng 1 để tránh trở thành người xông đất không hợp tuổi.

    (7) Lì xì đầu năm

    Lì xì là một phong tục không thể thiếu trong dịp Tết. Các gia đình sẽ dành những phong bao lì xì đỏ tươi để chúc mừng tuổi mới, cầu chúc sức khỏe và may mắn cho ông bà, cha mẹ, người lớn và trẻ em trong gia đình.

    Phong tục Tết Nguyên đán miền Bắc có những đặc trưng gì?

    Phong tục Tết Nguyên đán miền Bắc có những đặc trưng gì? (Hình từ Internet)

    Mâm cỗ Tết Nguyên đán miền Bắc có gì?

    Mâm cỗ Tết Nguyên đán miền Bắc không chỉ chú trọng vào hương vị thơm ngon mà còn thể hiện sự tỉ mỉ trong cách bày biện. Mỗi mâm cỗ thường có ít nhất 4 bát và 4 đĩa, tượng trưng cho tứ trụ, bốn mùa và bốn hướng. Những gia đình có điều kiện thường bày thêm 6 hoặc 8 bát và đĩa. Các món trong mâm cỗ gồm:

    - 4 Bát:

    + Chân giò hầm măng

    + Bóng thả

    + Miến

    + Mọc nấm thả

    - 4 Đĩa:

    + Thịt gà luộc

    + Thịt lợn

    + Giò lụa

    + Chả quế

    Ngoài ra, có thể thêm các món như thịt đông, nộm su hào, nộm rau cần, nem rán, cá kho riềng, giò thủ, xào hạnh nhân. Món tráng miệng thường gồm mứt sen, mứt quất, mứt gừng và chè kho.

    Một số món ăn đặc trưng của mâm cỗ Tết miền Bắc:

    - Gà luộc: Món ăn giản dị nhưng mang đậm nét đặc trưng của miền Bắc, ăn kèm lá chanh và muối chanh ớt.

    - Xôi gấc: Thường xuất hiện trong những dịp Tết với màu sắc rực rỡ, tượng trưng cho may mắn.

    - Giò lụa: Món ăn đơn giản nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ trong chế biến, giò lụa giòn dai, thơm ngon.

    - Nem rán: Cuốn nem vàng óng, hòa quyện giữa thịt, rau củ, thường ăn kèm với nước mắm pha.

    - Miến măng gà: Canh măng gà thanh mát, dễ làm và phù hợp với thời tiết lạnh Tết.

    - Dưa hành: Món ăn kèm giúp giảm độ ngấy của các món dầu mỡ, mang vị chua mặn dễ chịu.

    - Canh bóng thả: Món canh thanh đạm, rất thích hợp để giữ ấm trong những ngày Tết lạnh.

    - Bánh chưng: Món ăn truyền thống, không thể thiếu trong mỗi gia đình, thể hiện lòng thành kính với đất trời.

    Người lao động được nghỉ những ngày lễ tết nào trong năm Ất Tỵ 2025?

    Căn cứ Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 quy định những ngày nghỉ lễ tết của người lao động trong năm Ất Tỵ 2025 bao gồm:

    - Tết Dương lịch: 01 ngày (01/01 dương lịch);

    - Tết Âm lịch: 05 ngày;

    - Ngày Chiến thắng: 01 ngày (30/4 dương lịch);

    - Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (01/5 dương lịch);

    - Quốc khánh: 02 ngày (02/9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);

    - Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (10/3 âm lịch).

    Đối với lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ được nêu trên còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.

    39
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ