09:11 - 05/04/2025

Tội sản xuất hàng giả và Lừa dối khách hàng Điều 193 và Điều 198 Bộ luật Hình sự là gì?

Tội sản xuất hàng giả và Lừa dối khách hàng là gì? Tội sản xuất hàng giả và Lừa dối khách hàng theo Điều 193 và Điều 198 Bộ luật Hình sự là gì?

Nội dung chính

Tội sản xuất hàng giả và Lừa dối khách hàng Điều 193 và Điều 198 Bộ luật Hình sự là gì?

Theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 thì tội sản xuất hàng giả và Lừa dối khách hàng quy định tại Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015, còn đối với Điều 193 Bộ luật Hình sự 2015 là tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm.

Cụ thể tại Điều 193 Bộ luật Hình sự 2015 quy định khung hình phạt tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm như sau:

(1) Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

(2) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

- Có tổ chức;

- Có tính chất chuyên nghiệp;

- Tái phạm nguy hiểm;- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

- Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

- Buôn bán qua biên giới;

- Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

- Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

- Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

(3) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

- Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

- Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

- Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

- Làm chết người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.

(4) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

- Thu lợi bất chính 1.500.000.000 đồng trở lên;

- Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên;

- Làm chết 02 người trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.”;

(5) Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

(6) Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều 193 Bộ luật Hình sự 2015, thì bị phạt như sau:

- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 193 Bộ luật Hình sự 2015, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e, g, h, i và k khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng

- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 193 Bộ luật Hình sự 2015, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;

- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 193 Bộ luật Hình sự 2015, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 18.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 Bộ luật Hình sự 2015, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

- Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Đối với Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về khung hình phạt đối với tội lừa dối khách hành như sau:

(1) Người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

- Thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

(2) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

- Có tổ chức;

- Có tính chất chuyên nghiệp;

- Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

- Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

(3) Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Tội sản xuất hàng giả và Lừa dối khách hàng theo điều 193 và điều 198 Bộ luật Hình sự là gì?

Tội sản xuất hàng giả và Lừa dối khách hàng theo điều 193 và điều 198 Bộ luật Hình sự là gì? (Hình từ Internet)

Tội sản xuất hàng giả và Lừa dối khách hàng là gì?

Trong lĩnh vực kinh doanh và tiêu dùng, các hành vi gian lận không chỉ gây tổn hại trực tiếp đến quyền lợi của người tiêu dùng mà còn đe dọa đến sự minh bạch của thị trường và uy tín của doanh nghiệp. Trong đó, tội sản xuất hàng giả và tội lừa dối khách hàng là hai hành vi bị pháp luật Việt Nam nghiêm cấm và xử lý hình sự với các chế tài nghiêm khắc.

(1) Tội sản xuất, buôn bán hàng giả

Tội sản xuất hàng giả là hành vi cố ý tạo ra, tái chế, gia công hoặc gắn nhãn hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, xuất xứ, chất lượng, công dụng của sản phẩm nhằm mục đích trục lợi hoặc đánh lừa người tiêu dùng.

Hành vi này xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của người tiêu dùng, gây rối loạn thị trường, và trong nhiều trường hợp có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người sử dụng.

Ví dụ minh họa:

Một cơ sở sản xuất mỹ phẩm không có giấy phép, nhưng sử dụng vỏ hộp, logo và tên thương hiệu của một hãng nổi tiếng để đóng gói sản phẩm do mình pha chế thủ công. Sau đó, sản phẩm này được bán ra thị trường với giá thấp hơn giá thị trường, đánh vào tâm lý người tiêu dùng. Đây là hành vi sản xuất và buôn bán hàng giả về thương hiệu và chất lượng, có thể bị xử lý hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

(2) Tội lừa dối khách hàng

Tội lừa dối khách hàng được hiểu là hành vi gian dối trong quá trình giao dịch mua bán, cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ nhằm chiếm đoạt một phần hoặc toàn bộ tài sản của khách hàng. Cách gian dối có thể bao gồm: cân gian, đo gian, tráo đổi hàng hóa, thông tin sai lệch về chất lượng, khối lượng hoặc xuất xứ của sản phẩm.

Ví dụ minh họa:

Một người bán hàng dùng quả cân bị khoét rỗng trong khi bán gạo tại chợ. Với mỗi lần cân, khách hàng bị thiếu khoảng 0.5 kg nhưng không hề hay biết. Nếu bị phát hiện và cơ quan chức năng xác định có đủ yếu tố cấu thành tội phạm, người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa dối khách hàng.

Hệ lụy pháp lý đối với hành vi lừa dối khách hàng trong giao dịch bất động sản?

Trong thị trường bất động sản, minh bạch thông tin là yếu tố cốt lõi đảm bảo niềm tin giữa các bên giao dịch. Tuy nhiên, vì mục đích trục lợi, một số cá nhân, tổ chức vẫn cố tình cung cấp thông tin sai lệch để "dẫn dụ" người mua. Hành vi này không chỉ vi phạm đạo đức kinh doanh mà còn có thể cấu thành tội “lừa dối khách hàng” theo Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

(1) Hành vi lừa dối khách hàng trong bất động sản là gì?

Trong lĩnh vực bất động sản, hành vi lừa dối khách hàng được thể hiện qua các hình thức như:

- Khai sai diện tích: Thực tế căn hộ 60m² nhưng thông báo 70m² (tính cả lô gia, ban công, tường chung… sai quy định).

- Che giấu hoặc làm sai lệch tình trạng pháp lý: Bất động sản chưa có sổ đỏ, đang bị thế chấp, chưa được cấp phép xây dựng, nhưng bên bán lại giới thiệu là “pháp lý hoàn chỉnh”, “sổ riêng từng nền”,…

- Giả danh chủ đầu tư hoặc môi giới lừa đảo: Tự nhận là đại diện dự án để thu tiền đặt cọc khi chưa có quyền.

- Bán đất trong khu quy hoạch treo hoặc đất nông nghiệp chưa chuyển đổi mục đích sử dụng nhưng giới thiệu là đất ở đô thị hoặc “sắp lên thổ cư”.

(2)  Ví dụ minh họa thực tế

Trường hợp 1: Một công ty môi giới bất động sản quảng cáo bán đất nền tại một khu dân cư ở ven đô với thông tin "đã có sổ riêng, pháp lý hoàn chỉnh". Trên thực tế, toàn bộ khu đất vẫn đang là đất trồng cây lâu năm, chưa có quyết định tách thửa và chuyển mục đích sử dụng từ chính quyền. Khi khách hàng ký hợp đồng đặt cọc và thanh toán đợt đầu, công ty chậm trễ giao đất, né tránh trách nhiệm. Trường hợp này có thể bị xem xét là lừa dối khách hàng nhằm thu lợi bất chính, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm.

Trường hợp 2: Một người rao bán căn hộ chung cư với diện tích 68m² nhưng thực tế diện tích sử dụng chỉ 60m², phần còn lại là tường và diện tích chung không được sở hữu riêng. Người mua chỉ phát hiện sự thật khi nhận bàn giao, nhưng đã ký hợp đồng mua bán và thanh toán 90%. Đây là hành vi cung cấp thông tin sai lệch về diện tích, có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự tùy theo hậu quả và mức độ gian dối.

(3) Hệ lụy pháp lý

Nếu hành vi lừa dối khách hàng gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản hoặc được thực hiện có tổ chức, chuyên nghiệp, người thực hiện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015

Phạt tiền từ 10 triệu đến 500 triệu đồng.

Phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm tùy theo mức độ vi phạm.

Ngoài ra, còn có thể bị cấm hành nghề hoặc hoạt động trong lĩnh vực bất động sản trong thời gian nhất định.

(4) Cách phòng tránh khi giao dịch

Yêu cầu cung cấp hồ sơ pháp lý đầy đủ: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng, bản vẽ quy hoạch chi tiết.

Không giao tiền trước khi xác minh rõ thông tin quy hoạch, pháp lý tại văn phòng đăng ký đất đai hoặc cơ quan có thẩm quyền.

Ký hợp đồng mua bán rõ ràng, công chứng đầy đủ, tránh giấy tay, hợp đồng mẫu in sẵn không đúng quy định.

Tham khảo tư vấn pháp lý độc lập nếu giao dịch có giá trị lớn hoặc có dấu hiệu bất thường.

Như vậy, tTrong thời đại thông tin và pháp lý ngày càng minh bạch, người mua bất động sản cần nâng cao cảnh giác trước những chiêu trò “vẽ dự án trên giấy”, “hô biến đất ruộng thành đất ở”, hoặc “nổ diện tích, pháp lý”. Hành vi lừa dối khách hàng trong bất động sản không chỉ vi phạm đạo đức mà còn tiềm ẩn rủi ro hình sự. Do đó, chỉ nên giao dịch với những bên trung thực, có đủ năng lực pháp lý, và tuyệt đối không để lòng tin bị đánh đổi bằng hậu quả pháp lý dài hạn.

Nguyễn Thị Thương Huyền
Từ khóa
Tội sản xuất hàng giả Lừa dối khách hàng Điều 193 và điều 198 Bộ luật Hình sự Giao dịch bất động sản Hành vi lừa dối khách hàng Khung hình phạt tội sản xuất buôn bán hàng giả Điều 193 và điều 198
302