Sổ hồng là gì? Sổ hồng mới thể hiện những nội dung gì?
Nội dung chính
Sổ hồng là gì?
Hiện nay, pháp luật không có văn bản nào quy định cụ thể về khái niệm "sổ hồng". Đây là cách gọi quen thuộc của người dân để chỉ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Tên gọi "sổ hồng" bắt nguồn từ màu hồng đặc trưng của loại giấy chứng nhận này, từng được cấp tại khu vực đô thị (như nội thành, thị trấn, nội thị xã) theo mẫu do Bộ Xây dựng ban hành trước đây.
*Trên đây là thông tin "Sổ hồng là gì?"
Sổ hồng mới thể hiện những nội dung gì?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 29 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT sổ hồng mới từ 01/8/2024 sẽ thể hiện những nội dung sau:
- Trang 1: Quốc huy, Quốc hiệu; tên “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất”; mã QR; mã Giấy chứng nhận; Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất:”; Thông tin thửa đất:”; Thông tin tài sản gắn liền với đất; địa danh, ngày tháng năm ký Giấy chứng nhận và cơ quan ký Giấy chứng nhận; số phát hành Giấy chứng nhận (số seri); dòng chữ “Thông tin chi tiết được thể hiện tại mã QR.
- Trang 2: Sơ đồ thửa đất, tài sản gắn liền với đất; Ghi chú; Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận; số vào sổ cấp Giấy chứng nhận; nội dung lưu ý đối với người được cấp Giấy chứng nhận.
Sổ hồng là gì? Sổ hồng mới thể hiện những nội dung gì? (Hình từ Internet)
Phân biệt sổ hồng và sổ đỏ
Dưới đây là bảng phân biệt sổ đỏ và sổ hồng:
| Sổ hồng | Sổ đỏ |
Tên gọi pháp lý | Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (sau này là quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng) | Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất |
Cơ quan ban hành | Bộ Xây dựng | Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Thời gian cấp | - Trước 10/8/2005: GCN quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở - Từ 10/8/2005 đến trước 10/12/2009: GCN quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng | Trước ngày 10/12/2009 |
Đối tượng sử dụng | - Chủ nhà đồng thời là người sử dụng đất ở - Chủ căn hộ chung cư | - Người sử dụng đất (nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản...) |
Khu vực cấp | Khu vực đô thị (nội thành, thị xã, thị trấn) | Khu vực nông thôn, ngoại thành |
Loại đất được cấp | Đất ở đô thị, đất có công trình xây dựng (bao gồm cả chung cư) | Đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, làm muối, đất ở nông thôn |
Đối tượng và điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam
Căn cứ Điều 8 Luật Nhà ở 2023 quy định về đối tượng và điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam như sau:
(1) Đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm:
- Tổ chức, cá nhân trong nước;
- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch;
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài sau đây:
(i) Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật Nhà ở 2023 và quy định khác của pháp luật có liên quan;
(ii) Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (sau đây gọi chung là tổ chức nước ngoài);
(iii) Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.
(2) Điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm:
- Tổ chức, cá nhân trong nước được sở hữu nhà ở thông qua hình thức đầu tư xây dựng, mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở; nhận nhà ở phục vụ tái định cư theo quy định của pháp luật; hình thức khác theo quy định của pháp luật;
- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai;
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở thông qua các hình thức sau đây:
+ Tổ chức quy định tại điểm (i) được sở hữu nhà ở thông qua việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở tại Việt Nam;
+ Tổ chức, cá nhân quy định tại điểm (ii) và điểm (iii) được sở hữu nhà ở thông qua mua, thuê mua nhà ở thương mại của chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở không thuộc khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định tại Điều 16 Luật Nhà ở 2023;
+ Tổ chức, cá nhân quy định tại điểm (ii) và điểm (iii) được sở hữu nhà ở thông qua mua, thuê mua nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài đã sở hữu nhà ở theo quy định.
Thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở
Theo Điều 12 Luật Nhà ở 2023 quy định về thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở như sau:
(1) Trường hợp trực tiếp đầu tư xây dựng nhà ở thì thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở là thời điểm đã hoàn thành việc xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng.
(2) Trường hợp mua bán, thuê mua nhà ở mà không thuộc trường hợp quy định tại (4) thì thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở là thời điểm bên mua, bên thuê mua đã thanh toán đủ tiền mua, tiền thuê mua và đã nhận bàn giao nhà ở, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
(3) Trường hợp góp vốn, tặng cho, đổi nhà ở thì thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở là thời điểm bên nhận góp vốn, bên nhận tặng cho, bên nhận đổi đã nhận bàn giao nhà ở từ bên góp vốn, bên tặng cho, bên đổi nhà ở, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
(4) Trường hợp mua bán, thuê mua nhà ở giữa chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở với người mua, người thuê mua thì thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở được thực hiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.
(5) Trường hợp thừa kế nhà ở thì thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.
(6) Trường hợp khác thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
Lưu ý: Giao dịch về nhà ở quy định tại (2), (3) và (4) phải tuân thủ điều kiện về giao dịch nhà ở và hợp đồng phải có hiệu lực theo quy định của Luật Nhà ở 2023.