Tuyên bố Viên và Chương trình hành động, 1993

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 25/06/1993
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành ***
Người ký ***
Lĩnh vực Quyền dân sự

TUYÊN BỐ VIÊN VÀ CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG, 1993

(Được thông qua tại Hội nghị thế giới về quyền con người lần thứ hai, họp tại Viên ngày 25/6/1993)

Hội nghị thế giới về quyền con người,

Xét rằng, việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người là một vấn đề ưu tiên đối với cộng đồng quốc tế, và hội nghị này là một cơ hội đặc biệt để tiến hành phân tích toàn diện cơ chế và bộ máy quốc tế bảo vệ quyền con người, nhằm nâng cao và do đó thúc đẩy việc tuân thủ đầy đủ hơn các quyền, theo nghĩa thực sự và cân xứng với tầm quan trọng của chúng.

Thừa nhận và khẳng định rằng, tất cả các quyền con người đều xuất phát từ nhân phẩm và giá trị vốn có của con người, và bởi con người là chủ thể trung tâm của các quyền và tự do cơ bản nên con người phải là đối tượng được thụ hưởng chính, cũng như phải tham gia tích cực vào việc thực hiện những quyền và tự do này.

Khẳng định lại cam kết đối với các mục tiêu và nguyên tắc nêu trong Hiến chương Liên Hợp Quốc và Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người.

Khẳng định lại cam kết nêu trong Điều 56 của Hiến chương Liên Hợp Quốc về thực hiện các hành động chung và riêng, có nhấn mạnh một cách thích đáng đến việc phát triển quan hệ hợp tác quốc tế hiệu quả nhằm hiện thực hoá những mục tiêu được nêu ở Điều 55 Hiến chương, bao gồm sự tôn trọng và tuân thủ chung các quyền và tự do cơ bản cho tất cả mọi người;

Nhấn mạnh trách nhiệm của tất cả các quốc gia, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc, là phải phát triển và khuyến khích việc tôn trọng các quyền và tự do cơ bản của tất cả mọi người mà không có sự phân biệt nào, chẳng hạn như về chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ hay tôn giáo;

Nhắc lại Lời nói đầu của Hiến chương Liên Hợp Quốc, đặc biệt là quyết tâm khẳng định sự tin tưởng vào các quyền con người cơ bản, vào nhân phẩm và giá trị của con người, và vào quyền bình đẳng giữa nam và nữ cũng như giữa các dân tộc lớn và nhỏ,

Đồng thời nhắc lại quyết tâm nêu trong Lời nói đầu của Hiến chương Liên Hợp Quốc là cứu các thế hệ tương lai khỏi thảm họa chiến tranh, thiết lập những điều kiện để có thể duy trì công lý và sự tôn trọng các nghĩa vụ đặt ra trong các điều ước và các văn kiện luật pháp quốc tế khác, thúc đẩy tiến bộ xã hội và nâng cao tiêu chuẩn sống trong điều kiện tự do hơn, có thái độ khoan dung và quan hệ láng giềng tốt và sử dụng cơ chế quốc tế để thúc đẩy sự tiến bộ về kinh tế và xã hội của tất cả các dân tộc,

Nhấn mạnh rằng, Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người, văn kiện cấu thành chuẩn mực chung cần phải đạt được đối với mọi dân tộc, mọi quốc gia, là nguồn cảm hứng và là cơ sở để Liên Hợp Quốc thúc đẩy việc xây dựng các chuẩn mực được quy định trong các văn kiện quốc tế về quyền con người, đặc biệt là trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá,

Xét những thay đổi lớn đang diễn ra trên trường quốc tế và khát vọng của tất cả các dân tộc về một trật tự quốc tế dựa trên các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc, bao gồm việc thúc đẩy và khuyến khích sự tôn trọng các quyền và tự do cơ bản của mọi người và tôn trọng nguyên tắc bình đẳng về quyền và quyền tự quyết của các dân tộc, hoà bình, dân chủ, công lý, bình đẳng, chế độ pháp quyền, đa nguyên, phát triển, mức sống cao và đoàn kết;

Lo ngại sâu sắc về những hình thức phân biệt đối xử và bạo lực khác nhau mà phụ nữ ở khắp nơi trên thế giới tiếp tục là nạn nhân;

Thừa nhận rằng các hoạt động của Liên Hợp Quốc trên lĩnh vực quyền con người cần phải được hợp lý hoá và nâng cao nhằm tăng cường bộ máy của Liên Hợp Quốc trên lĩnh vực này và thúc đẩy hơn nữa các mục tiêu của sự tôn trọng chung đối với việc tuân thủ các chuẩn mực quốc tế về quyền con người trên phạm vi toàn thế giới,

Sau khi xem xét các Tuyên bố của ba hội nghị khu vực về quyền con người họp tại Tunis, San José và Bangkok và những đóng góp của các chính phủ, ghi nhận những kiến nghị của các tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ, cũng như các nghiên cứu của các chuyên gia độc lập trong quá trình chuẩn bị cho Hội nghị thế giới về quyền con người,

Hoan nghênh Năm quốc tế về Người bản địa trên thế giới 1993, coi đây là sự khẳng định lại cam kết của cộng đồng quốc tế nhằm bảo bảo đảm cho các dân tộc bản địa được hưởng tất cả các quyền và tự do cơ bản của con người, và tôn trọng các giá trị và tính đa dạng của các nền văn hoá và bản sắc của họ,

Đồng thời thừa nhận rằng cộng đồng quốc tế cần phải tìm ra các biện pháp và phương tiện để loại bỏ những trở ngại hiện nay và đối phó với những thách thức đặt ra với việc hiện thực hoá tất cả các quyền con người và ngăn chặn những sự vi phạm các quyền con người đang tiếp tục diễn ra trên thế giới như là kết quả của những trở ngại, thách thức đó,

Viện dẫn tinh thần và thực tiễn của thời đại chúng ta, kêu gọi các dân tộc trên thế giới và mọi quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc một lần nữa tập trung vào nhiệm vụ toàn cầu là thúc đẩy và bảo vệ tất cả các quyền và tự do cơ bản của con người, nhằm bảo đảm sự thụ hưởng các quyền này một cách đầy đủ trên toàn cầu.

Quyết tâm thực hiện những bước đi mới nhằm thực hiện cam kết của cộng đồng quốc tế về đạt được những tiến bộ thực chất trong lĩnh vực quyền con người, thông qua việc tăng cường và không ngừng cố gắng hợp tác và đoàn kết quốc tế;

Chính thức thông qua Tuyên bố Viên và Chương trình hành động.

1. Hội nghị thế giới về quyền con người khẳng định lại cam kết chính thức của tất cả các quốc gia trong việc hoàn thành nghĩa vụ thúc đẩy sự tôn trọng chung cũng như sự tuân thủ và bảo vệ tất cả các quyền và tự do cơ bản cho tất cả mọi người, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc và các văn kiện khác liên quan tới quyền con người và luật pháp quốc tế. Bản chất phổ biến của các quyền và tự do này là không thể tranh cãi.

Trong khuôn khổ đó, việc tăng cường hợp tác quốc tế trên lĩnh vực quyền con người là thiết yếu để đạt được đầy đủ các mục tiêu của Liên Hợp Quốc.

Các quyền và tự do cơ bản của con người là quyền đương nhiên mà tất cả thành viên nhân loại đều được hưởng; trách nhiệm đầu tiên trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền đó thuộc về các chính phủ.

2. Mọi dân tộc đều có quyền tự quyết. Với quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị cũng như tự do theo đuổi con đường phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá của mình.

Xét đến hoàn cảnh đặc biệt của các dân tộc còn đang phải sống dưới chế độ thực dân, hoặc dưới các hình thức thống trị hay dưới sự chiếm đóng của nước ngoài, Hội nghị thế giới về quyền con người công nhận quyền của các dân tộc được tiến hành mọi hành động hợp pháp phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc để thực hiện quyền tự quyết dân tộc không thể tách rời của họ. Hội nghị thế giới về quyền con người coi việc khước từ quyền tự quyết dân tộc là sự vi phạm quyền con người và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện hiệu quả quyền này.

Theo Tuyên bố về các nguyên tắc của luật pháp quốc tế về quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc, việc công nhận trên đây không được coi là cho phép hay khuyến khích bất kỳ hành động nào nhằm chia rẽ hoặc làm tổn hại tới toàn bộ hay một phần sự toàn vẹn lãnh thổ hay thống nhất chính trị của các quốc gia độc lập và có chủ quyền hành động phù hợp với nguyên tắc về các quyền bình đẳng và tự quyết dân tộc, và vì vậy, có một chính phủ đại diện cho toàn thể các dân tộc thuộc lãnh thổ đó, mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào.

3. Cần thực hiện các biện pháp quốc tế hữu hiệu nhằm bảo đảm và giám sát việc thực hiện các chuẩn mực về quyền con người áp dụng cho những người hiện đang sống dưới ách chiếm đóng của nước ngoài, và cần có sự bảo vệ hữu hiệu về mặt pháp luật để chống lại những vi phạm các quyền con người của họ, phù hợp với các quy phạm về quyền con người và luật pháp quốc tế, đặc biệt là với Công ước Giơ-ne-vơ năm 1949 về bảo vệ dân thường trong các cuộc xung đột vũ trang ngày 14/8/1949, và với các nguyên tắc khác của luật nhân đạo quốc tế áp dụng trong hoàn cảnh này.

4. Việc thúc đẩy và bảo vệ tất cả các quyền và tự do cơ bản của con người phải được coi là mục tiêu ưu tiên của Liên Hợp Quốc, phù hợp với các mục đích và nguyên tắc của tổ chức này, đặc biệt là với mục đích hợp tác quốc tế. Trong khuôn khổ các mục đích và nguyên tắc này, việc thúc đẩy và bảo vệ tất cả các quyền con người là mối quan tâm chính đáng của cộng đồng quốc tế. Vì vậy, các cơ quan và tổ chức chuyên môn của Liên Hợp Quốc hoạt động trên lĩnh vực quyền con người cần đẩy mạnh hơn nữa sự phối hợp hoạt động trên cơ sở vận dụng một cách khách quan và nhất quán các văn kiện quốc tế về quyền con người.

5. Tất cả các quyền con người đều mang tính phổ biến, không thể chia cắt, phụ thuộc và liên quan đến nhau. Cộng đồng quốc tế phải đối xử với các quyền con người trên phạm vi toàn cầu một cách công bằng, với cùng một nền tảng và coi trọng như nhau. Trong khi phải luôn ghi nhớ tầm quan trọng của tính đặc thù về dân tộc, khu vực cũng như bối cảnh khác nhau về lịch sử, văn hoá và tôn giáo; các quốc gia, không phân biệt hệ thống chính trị, kinh tế, văn hoá, có nghĩa vụ thúc đẩy và bảo vệ tất cả các quyền và tự do cơ bản của con người.

6. Các nỗ lực của hệ thống Liên Hợp Quốc hướng tới bảo đảm sự tôn trọng chung và tuân thủ các quyền và tự do cơ bản cho tất cả mọi người góp phần vào sự ổn định và phồn vinh cần thiết cho các mối quan hệ hoà bình và hữu nghị giữa các quốc gia, cũng như góp phần cải thiện các điều kiện cho hoà bình, an ninh và sự phát triển kinh tế, xã hội, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc.

[...]