Tuyên bố toàn cầu về gen người và các quyền con người, 1997

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 11/11/1997
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành ***
Người ký ***
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

        TUYÊN BỐ TOÀN CẦU

VỀ GEN NGƯỜI VÀ CÁC QUYỀN CON NGƯỜI, 1997

(Được Đại Hội đồng của Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hợp Quốc (UNESCO) nhất trí thông qua và tuyên bố tại phiên họp lần thứ 29 ngày 11/11/1997).

Đại Hội đồng,

Nhắc lại rằng, Lời nói đầu của Hiến chương UNESCO đề cập đến “các nguyên tắc có tính dân chủ về nhân phẩm, sự bình đẳng và sự tôn trọng lẫn nhau của con người”, phản đối bất kỳ “học thuyết nào về sự bất bình đẳng của con người và các chủng tộc”, quy định rằng “việc truyền bá rộng rãi văn hóa và giáo dục của nhân loại về công lý tự do và hòa bình là không thể thiếu được đối với nhân phẩm của con người và tạo thành một nghĩa vụ thiêng liêng mà tất cả các quốc gia phải thực hiện đầy đủ theo tinh thần trợ giúp và quan tâm lẫn nhau, tuyên bố rằng "hòa bình phải được tạo lập dựa trên sự đoàn kết về đạo đức và trí tuệ của nhân loại", và ghi nhận rằng Liên Hợp Quốc cố gắng thúc đẩy "thông qua các quan hệ về văn hóa khoa học và giáo dục" giữa các dân tộc trên thế giới, những mục tiêu của hòa bình quốc tế và của sự thịnh vượng chung của nhân loại mà vì thế Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hợp Quốc đã được thành lập và được Hiến chương của nó tuyên bố;

Long trọng khẳng định sự tận tâm đối với các nguyên tắc toàn cầu về nhân quyền, được khẳng định cụ thể trong Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người, ngày 10/12/1948 và hai Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội và về các quyền dân sự và chính trị, ngày 16/12-1966; trong Công ước của Liên Hợp Quốc về ngăn ngừa là trừng phạt tội diệt chủng, ngày 9/12/1948; Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, ngày 21/12/1965; Tuyên bố của Liên Hợp Quốc về quyền của các cá nhân chậm phát triển về trí tuệ, ngày 20/12/1971; Tuyên bố của Liên Hợp Quốc về các quyền của người khuyết tật, ngày 9/12/1975; Công ước về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối với phụ nữ, ngày 18/12/1979; Tuyên bố của Liên Hợp Quốc về các nguyên tắc công lý cơ bản đối với các nạn nhân của tội phạm và lạm dụng quyền lực, ngày 29/11/1985; Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em, ngày 20/11/1989; Các nguyên tắc chuẩn của Liên Hợp Quốc về sự bình đẳng cơ hội đối với những người khuyết tật, ngày 20/12/1993; Công ước về ngăn cấm sự phát triển, sản xuất và tàng trữ vũ khí sinh học và vi trùng và việc phá hủy chúng, ngày 16/12/1971; Công ước của UNESCO về xóa bỏ sự phân biệt đối xử trong giáo dục, ngày 14/12/1960; Tuyên bố của UNESCO về các nguyên tắc hợp tác văn hóa quốc tế, ngày 4/11/1966; Khuyến nghị của UNESCO về địa vị của các nhà nghiên cứu khoa học, ngày 20/11/1974; Tuyên bố của UNESCO về chủng tộc và thành kiến chủng tộc, ngày 27/11/1978; Công ước (số 111) của ILO liên quan đến sự phân biệt đối xử về lao động và việc làm, ngày 25/6/1958; và Công ước (số 169) của ILO liên quan đến quyền của các dân tộc bản địa và bộ lạc trong các quốc gia độc lập, ngày 27/6/1989;

Ghi nhớ và không có sự thành kiến đối với các văn kiện quốc tế mà có thể có sự ghi nhận về việc áp dụng di truyền học trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, trong số này điển hình như Công ước Bern về bảo vệ các tác phẩm văn học và nghệ thuật ngày 9/9/1886; và Công ước về bản quyền thế giới của UNESCO ngày 6/9/1957 đã được sửa đổi lần cuối tại Paris ngày 24/7/1971; Công ước Paris về bảo vệ sở hữu công nghiệp ngày 20/3/1983, đã được sửa đổi lần cuối tại Stockholm ngày 14/7-1967; Hiệp ước Budapest của WIPO về việc công nhận việc lưu giữ các vi mô vì những mục đích của trình tự về bản quyền sáng chế ngày 28/4/1977; và các thỏa thuận về các vấn đề liên quan đến thương mại về các quyền sở hữu trí tuệ (TRIPs) kèm theo Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại thế giới có hiệu lực ngày 11/1/1995;

Cũng ghi nhớ Công ước của Liên Hợp Quốc về đa dạng sinh học ngày 5-6-1992 và nhấn mạnh trong mối liên hệ đó là việc "công nhận sự đa dạng về di truyền của nhân loại phải không tạo ra sự xuất hiện bất kỳ việc giải thích bản chất xã hội hay chính trị mà có thể hoài nghi phẩm giá vốn có và các quyền bình đẳng và không thể chuyển nhượng của tất cả các thành viên của gia đình nhân loại", phù hợp với Lời nói đầu của Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người;

Nhắc lại các Nghị quyết 13.1/22C, Nghị quyết 13.1/23C, Nghị quyết 13.1/24C, các Nghị quyết 5.2 và 7.3/25C, Nghị quyết 5.15/27C và các Nghị quyết 0.12, 2.1 và 2.2/28C, thúc giục UNESCO phải thúc đẩy và phát triển các nghiên cứu mang tính đạo đức và các hành động xuất phát từ đó, về các hậu quả của sự tiến bộ khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực về sinh học và di truyền học, trong khuôn khổ tôn trọng các quyền con người và tự do cơ bản;

Công nhận rằng nghiên cứu về gen người và ứng dụng những kết quả mở ra những triển vọng rộng lớn cho sự tiến bộ trong việc cải thiện sức khỏe cá nhân và nhân loại nói chung, nhưng cũng nhấn mạnh rằng những nghiên cứu như vậy cần tôn trọng đầy đủ nhân phẩm con người, tự do và các quyền con người cũng như nghiêm cấm tất cả các hình thức phân biệt đối xử dựa trên các đặc tính về di truyền,

Công bố các nguyên tắc dưới đây và thông qua Tuyên bố này,

A. NHÂN PHẨM VÀ GEN NGƯỜI

Điều 1.

Gen người nhấn mạnh tính thống nhất căn bản của tất cả các thành viên của gia đình nhân loại cũng như công nhận phẩm giá vốn có và sự đa dạng của họ. Theo một nghĩa mang tính tượng trưng thì đó là di sản của nhân loại.

Điều 2.

1. Mọi người được quyền tôn trọng nhân phẩm và các quyền của họ, bất kể các đặc tính di truyền của họ như thế nào.

2. Giá trị nhân phẩm đó tạo nên yêu cầu tuyệt đối không được hạ thấp giá trị của các cá nhân theo các đặc điểm về gen của họ và phải tôn trọng tính đa dạng và đơn nhất của họ.

Điều 3.

Gen người bởi bản chất tiến hóa của nó, là đối tượng của những sự thay đổi. Nó chứa đựng những tiềm năng mà được thể hiện một cách khác nhau tùy thuộc vào môi trường xã hội và tự nhiên của mỗi cá nhân bao gồm cả tình trạng sức khỏe, các điều kiện sống, nuôi dưỡng và giáo dục cá nhân.

Điều 4.

Gen người ở tình trạng tự nhiên của nó, sẽ không được dùng để thu lợi về tài chính.

B. QUYỀN CỦA NHỮNG NGƯỜI LIÊN QUAN

Điều 5.

1. Nghiên cứu, chữa trị hay những chẩn đoán tác động đến gen của một cá nhân sẽ được thực hiện chỉ sau khi đã có đánh giá trước và nghiêm túc về những rủi ro tiềm tàng và những lợi ích liên quan phát sinh từ đó và phù hợp với bất kỳ đòi hỏi nào khác của pháp luật quốc gia.

2. Trong tất cả các trường hợp cần phải có được sự đồng ý trước, tự nguyện và được thông báo của cá nhân liên quan. Nếu việc nghiên cứu chữa trị hay chẩn đoán chưa có sự đồng ý trước thì phải có sự đồng ý hay sự cho phép đạt được theo cách thức được pháp luật quy định, được thực hiện vì lợi ích tốt nhất của cá nhân.

3. Cần tôn trọng quyền của mỗi cá nhân được quyết định về việc có hay không được thông tin về các kết quả xét nghiệm gen và các hệ quả sau đó cần được tôn trọng.

4. Trong trường hợp nghiên cứu, thêm vào đó, các nghị định thư sẽ được trình để đánh giá trước, căn cứ vào các tiêu chuẩn hay hướng dẫn về nghiên cứu của quốc tế và quốc gia liên quan.

5. Nếu căn cứ theo pháp luật mà một cá nhân không có khả năng nhận thức thì nghiên cứu tác động đến gen của họ chỉ có thể được tiến hành vì lợi ích sức khỏe trực tiếp của họ, phụ thuộc vào sự cho phép và các điều kiện bảo vệ được pháp luật quy định. Nghiên cứu mà không có một lợi ích sức khỏe trực tiếp hy vọng mang lại chỉ có thể được tiến hành bởi cách thức ngoại lệ với sự hạn chế tối đa làm cho các cá nhân chỉ chịu một rủi ro tối thiểu và hậu quả tối thiểu, và nếu nghiên cứu nhằm mục đích góp phần làm lợi cho sức khỏe của những người khác ở cùng một nhóm tuổi hay với điều kiện gen tương tự thì phụ thuộc vào các điều kiện luật định; và nghiên cứu được quy định như vậy là tương thích với sự bảo vệ các quyền con người của cá nhân.

Điều 6.

Không ai bị phân biệt đối xử dựa trên các đặc điểm về di truyền mà được miêu tả với ý định hạn chế hay có tác động làm hạn chế các quyền con người, các tự do cơ bản là nhân phẩm của con người.

[...]
14
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ