Tuyên bố về quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, các nhóm và các tổ chức trong xã hội trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và những tự do cơ bản đã được thừa nhận rộng rãi, 1998

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 09/12/1998
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành ***
Người ký ***
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

TUYÊN BỐ

VỀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÁC CÁ NHÂN, CÁC NHÓM VÀ CÁC TỔ CHỨC TRONG Xà HỘI TRONG VIỆC THÚC ĐẨY VÀ BẢO VỆ CÁC QUYỀN CON NGƯỜI VÀ NHỮNG TỰ DO CƠ BẢN ĐàĐƯỢC THỪA NHẬN RỘNG RÃI, 1998

(Được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua theo Nghị quyết số 53/144 ngày 9/12/1998).

Đại Hội đồng,

Tái khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ những mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người và những tự do cơ bản cho tất cả mọi người ở tất cả các nước trên thế giới,;

Đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng của Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người và Nghị quyết 2200 A (XXI) về Công ước quốc tế về quyền con người, như những yếu tố cơ bản của những nỗ lực quốc tế nhằm thúc đẩy sự tôn trọng và tuân thủ rộng rãi các quyền con người và những tự do cơ bản và tầm quan trọng của các văn kiện quyền con người khác được thông qua trong khuôn khổ hệ thống Liên Hợp Quốc, cũng như những văn kiện ở cấp độ khu vực;

Nhấn mạnh rằng, tất cả thành viên của cộng đồng quốc tế phải thực hiện, cùng nhau hoặc đơn lẻ, trách nhiệm thiêng liêng nhằm thúc đẩy và khuyến khích sự tôn trọng các quyền con người và những tự do cơ bản cho tất cả mọi người mà không có bất kỳ sự phân biệt nào, bao gồm những phân biệt trên cơ sở chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính trị hoặc chính kiến hay nguồn gốc xã hội hoặc quốc gia, của cải, dòng dõi hoặc những vị thế khác, và tái khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của việc đạt được sự hợp tác quốc tế để thực hiện trách nhiệm này theo Hiến chương;

Nhận thức vai trò quan trọng của hợp tác quốc tế, và công việc quý giá của các cá nhân, các nhóm, các tổ chức trong việc đóng góp vào sự loại bỏ có hiệu quả tất cả những vi phạm quyền con người và những tự do cơ bản đối với các dân tộc và các cá nhân, kể cả liên quan đến những vi phạm phổ biến, trắng trợn và có hệ thống, như những vi phạm do chủ nghĩa A-pác-thai, do tất cả những hình thức phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa thực dân, sự đô hộ hoặc chiếm đóng của ngoại bang, sự xâm lược hoặc những đe dọa đối với chủ quyền, thống nhất quốc gia hoặc toàn vẹn lãnh thổ và do sự khước từ thừa nhận quyền tự quyết của các dân tộc và quyền của mọi dân tộc thực hiện chủ quyền đầy đủ đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên và của cải;

Thừa nhận mối quan hệ giữa hòa bình và an ninh quốc tế và sự hưởng thụ quyền con người và những tự do cơ bản, và ghi nhớ rằng sự thiếu vắng hòa bình và an ninh quốc tế không thể thực hiện việc khước từ sự tuân thủ các quyền con người và tự do cơ bản;

Nhắc lại rằng, tất cả các quyền con người và những tự do cơ bản là phổ biến, không thể chia cắt, phụ thuộc lẫn nhau và liên quan lẫn nhau và nên được thúc đẩy và thực hiện bằng một cách thức bình đẳng và công bằng không có thiên vị đối với việc thực hiện từng loại quyền hoặc tự do;

Nhấn mạnh rằng, trách nhiệm và nghĩa vụ hàng đầu để thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người và những tự do cơ bản thuộc về các nhà nước;

Thừa nhận quyền và trách nhiệm của các cá nhân, các nhóm, các tổ chức trong xã hội đối với việc thúc đẩy sự tôn trọng và khuyến khích sự hiểu biết về quyền con người và những tự do cơ bản ở cấp độ quốc gia và quốc tế.

Tuyên bố:

Điều 1.

Mọi người có quyền, một mình hoặc cùng với những người khác, trong việc thúc đẩy và phấn đấu cho việc bảo vệ và hiện thực hóa quyền con người và những tự do cơ bản ở cấp độ quốc tế và quốc gia.

Điều 2.

1. Mọi quốc gia có trách nhiệm và nghĩa vụ hàng đầu về bảo vệ, thúc đẩy và thực hiện tất cả quyền con người và những tự do cơ bản, chưa kể những điều khác, bằng cách thông qua những biện pháp có thể được xem là cần thiết để tạo ra tất cả những điều kiện cần trên các lĩnh vực xã hội, kinh tế, chính trị và những lĩnh vực khác, cũng như sự bảo hộ pháp lý cần có để đảm bảo rằng tất cả mọi người trong thẩm quyền tài phán của mình, một cách cá nhân và cùng với những người khác, có thể hưởng thụ những quyền và tự do đó trong thực tế.

2. Mọi quốc gia phải thông qua những biện pháp lập pháp, hành pháp hoặc những biện pháp khác có thể được xem là cần thiết để đảm bảo rằng những quyền và những tự do được nhắc đến trong Tuyên bố này được bảo hộ một cách có hiệu quả.

Điều 3.

Pháp luật quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc và những trách nhiệm quốc tế khác của quốc gia đó trên lĩnh vực quyền con người và những tự do cơ bản là khuôn khổ pháp lý mà ở đó quyền con người và những tự do cơ bản phải được thực hiện và hưởng thụ, đồng thời, trong khuôn khổ đó, mọi hoạt động được đề cập đến trong Tuyên bố này liên quan đến việc thúc đẩy, bảo vệ và thực hiện hiệu quả những quyền và tự do trên phải được tiến hành.

Điều 4.

Không có điều nào trong Tuyên bố này sẽ được giải thích nhằm làm phương hại đến hoặc làm trái những mục tiêu và nguyên tắc của Liên Hợp Quốc hoặc làm hạn chế hoặc hủy bỏ những điều khoản của Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, cũng như những văn kiện quốc tế và những cam kết có liên quan khác trên lĩnh vực này.

Điều 5.

Vì mục tiêu thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người và những tự do cơ bản, mọi người có quyền, một cách cá nhân hoặc cùng với những người khác, ở cấp độ quốc gia và quốc tế:

1. Gặp gỡ hoặc hội họp một cách hòa bình;

2. Thành lập, gia nhập và tham gia vào các tổ chức, các hội hoặc các nhóm phi chính phủ;

3. Trao đổi thông tin với các tổ chức liên chính phủ hoặc các tổ chức phi chính phủ.

Điều 6.

Mọi người có quyền, một mình hoặc cùng với những người khác:

1. Được biết, tìm kiếm, có được và lưu giữ thông tin về quyền con người và những tự do cơ bản, kể cả có quyền tiếp cận thông tin về việc các quyền và tự do trên đây được thực hiện như thế nào trong hệ thống lập pháp, tư pháp và hành pháp quốc gia;

[...]