Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Nghị định thư bổ sung của Công ước về xóa phân biệt đối xử đối với Phụ nữ, 1999

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 06/10/1999
Ngày có hiệu lực 22/12/2000
Loại văn bản Nghị định thư
Cơ quan ban hành ***
Người ký ***
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

NGHỊ ĐỊNH THƯ

BỔ SUNG CỦA CÔNG ƯỚC VỀ XÓA BỎ PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ VỚI PHỤ NỮ, 1999

(Được thông qua bởi Nghị quyết A/54/4 của Đại Hội đồng ngày 06/10/1999 và để mở cho các Quốc gia ký kết vào ngày 10/12/1999, Ngày Nhân quyền, có hiệu lực ngày 22/12/2000).

Các Quốc gia thành viên Nghị định thư này,

Xét thấy Hiến chương Liên Hợp Quốc tái khẳng định niềm tin vào các quyền cơ bản của con người, vào nhân phẩm và giá trị của con người và vào các quyền bình đẳng của nam giới và phụ nữ,

Cũng lưu ý rằng Tuyên ngôn Toàn thế giới về Nhân quyền tuyên bố rằng tất cả mọi người đều sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm giá và quyền và rằng mọi người đều được hưởng các quyền và tự do được quy định trong Tuyên ngôn, mà không bị phân biệt đối xử dưới bất kỳ hình thức nào, bao gồm cả phân biệt đối xử về giới tính,

Ghi nhớ rằng Nghị quyết 2200 A (XXI) của các Công ước Quốc tế về Nhân quyền và các văn kiện quốc tế khác về nhân quyền nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới tính,

Cũng nhắc lại rằng Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức Phân biệt đối xử đối với Phụ nữ (gọi tắt là "Công ước"), trong đó các Quốc gia thành viên Công ước này lên án sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ dưới mọi hình thức và cam kết theo đuổi chính sách xóa bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ bằng mọi biện pháp thích hợp và không trì hoãn,

Tái khẳng định quyết tâm đảm bảo cho phụ nữ được thụ hưởng đầy đủ và bình đẳng tất cả các quyền và tự do cơ bản của con người và hành động để ngăn chặn các hành vi vi phạm các quyền và tự do nói trên,

Đã thống nhất như sau:

Điều 1.

Quốc gia thành viên Nghị định thư này (gọi tắt là "Quốc gia thành viên") thừa nhận thẩm quyền của Ủy ban về xóa bỏ Phân biệt đối xử với phụ nữ (gọi tắt là "Ủy ban") tiếp nhận và xem xét các đơn thư được trình lên Ủy ban phù hợp với quy định tại Điều 2.

Điều 2.

Đơn thư có thể được gửi bởi/hoặc thay mặt cho các cá nhân hoặc nhóm cá nhân, thuộc thẩm quyền xét xử của Quốc gia thành viên, tuyên bố là nạn nhân của hành vi vi phạm do Quốc gia thành viên gây ra đối với bất kỳ quyền nào được quy định trong Công ước này. Trong trường hợp đơn thư được gửi thay mặt cho cá nhân hoặc nhóm cá nhân thì phải được sự đồng ý của người được đại diện, trừ khi người gửi có thể biện minh cho hành động thay mặt mà không được phép của mình.

Điều 3.

Đơn thư phải được trình bày bằng văn bản và không được nặc danh. Ủy ban sẽ không tiếp nhận đơn thư liên quan đến Quốc gia thành viên Công ước nhưng không phải thành viên Nghị định thư này.

Điều 4.

1. Ủy ban sẽ không xem xét đơn thư, trừ khi nó xác định chắc chắn rằng tất cả các biện pháp giải quyết trong nước đều đã được sử dụng, trừ khi việc áp dụng các biện pháp đó bị kéo dài bất hợp lý hoặc không mang lại sự đền bù thỏa đáng.

2. Ủy ban sẽ tuyên bố không tiếp nhận đơn thư nếu:

a. Vấn đề này đã từng được Ủy ban xác minh hay đã hoặc đang được xác minh theo một trình tự điều tra hoặc giải quyết quốc tế khác;

b. Đơn thư không tương thích với các điều khoản của Công ước;

c. Đơn thư rõ ràng là vô căn cứ hoặc không đủ căn cứ;

d. Việc gửi đơn thư là lạm dụng quyền;

e. Các sự việc là đối tượng khiếu nại xảy ra trước khi Nghị định thư này có hiệu lực đối với Quốc gia thành viên liên quan, trừ khi các sự việc này vẫn tiếp diễn sau ngày Nghị định thư này có hiệu lực với Quốc gia thành viên đó.

Điều 5.

1. Vào bất cứ thời gian nào sau khi nhận được đơn thư và trước khi xác định được tính đúng đắn của đơn thư, Ủy ban có thể yêu cầu Quốc gia thành viên liên quan tiến hành các biện pháp khẩn cấp cần thiết để tránh tổn thất không thể khắc phục được đối với nạn nhân hoặc những nạn nhân của vi phạm chưa được chứng minh nói trên.

2. Trong khi Ủy ban thực hiện quyền hạn của mình theo đoạn 1 của điều này, thì không có nghĩa là đã tiếp nhận hay đã xác định được tính đúng đắn của đơn thư.

Điều 6.

1. Trừ khi Ủy ban xét thấy không thể tiếp nhận đơn thư mà không tham khảo ý kiến của Quốc gia thành viên liên quan, và miễn là cá nhân hoặc các cá nhân đồng ý tiết lộ danh tính cho Quốc gia thành viên đó, Ủy ban sẽ bí mật chuyển bất kỳ đơn thư nào mà nó nhận được theo Nghị định thư này tới Quốc gia thành viên liên quan.

2. Trong vòng sáu tháng, Quốc gia thành viên nhận được đơn thư có trách nhiệm trình Ủy ban bản giải thích hoặc khẳng định bằng văn bản làm rõ vấn đề và biện pháp giải quyết, nếu có, mà Quốc gia thành viên đã áp dụng.

[...]