Nghị định thư không bắt buộc bổ sung Công ước tra tấn hoặc các hình thức đối xử hay trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hay hạ nhục, 2002

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 18/12/2002
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Nghị định thư
Cơ quan ban hành ***
Người ký ***
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

NGHỊ ĐỊNH THƯ

KHÔNG BẮT BUỘC BỔ SUNG CÔNG ƯỚC TRA TẤN HOẶC CÁC HÌNH THỨC ĐỐI XỬ HAY TRỪNG PHẠT TÀN ÁC, VÔ NHÂN ĐẠO HAY HẠ NHỤC, 2002

(Được thông qua ngày 18/12/2002 tại khóa họp thứ 57 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc theo Nghị quyết A/RES/57/199. Đề ngỏ cho việc ký kết, phê chuẩn và gia nhập, từ ngày 4/2/2003 (ngày mà bản gốc của Nghị định thư này được xác lập) tại Trụ sở của Liên Hợp Quốc ở New York).

LỜI NÓI ĐẦU

Các Quốc gia thành viên của Nghị định thư này,

Khẳng định lại rằng, tra tấn và sử dụng các hình thức trừng phạt hay đối xử khác tàn bạo, vô nhân đạo hoặc nhục hình bị cấm và cấu thành những vi phạm nghiêm trọng về quyền con người.

Tin tưởng rằng, cần có nhiều biện pháp hơn nữa để đạt được những mục đích của Công ước Chống tra tấn và sử dụng các hình thức trừng phạt hay đối xử khác tàn bạo vô nhân đạo hoặc nhục hình (sau đây gọi là Công ước) và để tăng cường bảo vệ những người bị tước mất tự do chống lại tra tấn và sử dụng các hình thức trừng phạt hay đối xử khác tàn bạo, vô nhân đạo hoặc nhục hình.

Nhắc lại rằng, các Điều 2 và 16 của Công ước yêu cầu mỗi Quốc gia thành viên có nghĩa vụ thực hiện các biện pháp có hiệu quả nhằm ngăn chặn những hành động tra tấn và sử dụng các hình thức trừng phạt hay đối xử khác tàn bạo, vô nhân đạo hoặc nhục hình trên phạm vi bất kỳ lãnh thổ nào thuộc thẩm quyền của quốc gia đó.

Thừa nhận rằng, các quốc gia có trách nhiệm thực hiện những điều khoản trên, rằng tăng cường bảo vệ những người bị tước mất tự do và tôn trọng triệt để các quyền con người của họ là trách nhiệm chung được tất cả mọi người chia sẻ, và rằng các cơ quan thực hiện quốc tế bổ sung và tăng cường các biện pháp quốc gia.

Nhắc lại rằng, ngăn chặn tra tấn và sử dụng các hình thức trừng phạt hay đối xử khác tàn bạo, vô nhân đạo hoặc nhục hình đòi hỏi phải có giáo dục và sự kết hợp của nhiều biện pháp lập pháp, hành chính và tư pháp và các biện kháp khác.

Nhắc lại thêm rằng, Hội nghị Thế giới về Quyền con người đã tuyên bố chắc chắn rằng những nỗ lực nhằm xóa bỏ tra tấn trước hết và trên hết cần được tập trung vào ngăn chặn và kêu gọi thông qua Nghị định thư lựa chọn này của Công ước, với mục đích nhằm thiết lập một cơ chế phòng ngừa bằng các chuyến thăm định kỳ đến những nơi giam giữ.

Tin tưởng rằng, việc bảo vệ những người bị tước mất tự do chống lại tra tấn và sử dụng các hình thức trừng phạt hay đối xử khác tàn bạo, vô nhân đạo hoặc nhục hình có thể được tăng cường bằng những hình thức phi tư pháp có tính phòng ngừa, trên cơ sở những chuyến thăm định kỳ đến những nơi giam giữ.

Đã nhất trí như sau:

PHẦN 1: NHỮNG NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1.

Mục tiêu của Nghị định thư này nhằm thiết lập một cơ chế các chuyến thăm định kỳ của các cơ quan quốc gia và quốc tế độc lập đến những nơi, những người bị tước mất tự do, để ngăn chặn tra tấn và sử dụng các hình thức trừng phạt hay đối xử khác tàn bạo, vô nhân đạo hoặc nhục hình.

Điều 2.

1. Tiểu ban về Phòng chống tra tấn và sử dụng các hình thức trừng phạt hay đối xử khác tàn bạo, vô nhân đạo hoặc nhục hình (sau đây gọi là Tiểu ban Phòng chống) sẽ được thành lập và sẽ tiến hành các chức năng được đề ra trong nghị định thư này.

2. Tiểu ban Phòng chống sẽ tiến hành hoạt động theo khuôn khổ Hiến chương Liên Hợp Quốc và sẽ được chỉ đạo theo những mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc, cũng như những nguyên tắc của Liên Hợp Quốc về đối xử với những người bị tước mất tự do.

3. Tương tự, Tiểu ban Phòng chống sẽ được chỉ đạo bằng những nguyên tắc bảo mật, không thiên vị, không lựa chọn, phổ quát và khách quan.

4. Tiểu ban Phòng chống và các Quốc gia thành viên sẽ hợp tác trong việc thực hiện nghị định thư này.

Điều 3.

Mỗi Quốc gia thành viên sẽ thành lập, chỉ định hoặc duy trì ở cấp quốc gia một hoặc một vài cơ quan thường xuyên tổ chức các chuyến thăm để ngăn chặn tra tấn và sử dụng các hình thức trừng phạt hay đối xử khác tàn bạo, vô nhân đạo hoặc nhục hình (sau đây gọi là cơ chế phòng ngừa quốc gia).

Điều 4.

1. Mỗi Quốc gia thành viên sẽ cho phép các cơ chế được đề cập tại các Điều 2 và 3 ở trên đến thăm bất kỳ nơi nào thuộc thẩm quyền và kiểm soát của quốc gia đó, nơi những người bị hoặc có thể bị tước mất tự do, trên cơ sở hoặc là theo lệnh của một cơ quan công quyền hoặc theo thỏa thuận, hoặc được đồng ý hay chấp nhận (sau đây gọi là những nơi giam giữ), phù hợp với nghị định thư này. Các chuyến thăm viếng này sẽ được thực hiện nhằm tăng cường, nếu cần thiết, bảo vệ những người này chống tra tấn và sử dụng các hình thức trừng phạt hay đối xử khác tàn bạo, vô nhân đạo hoặc nhục hình.

2. Trong phạm vi của Nghị định thư này, “tước mất tự do” có nghĩa là mọi hình thức giam giữ hay tù giam hoặc đặt một người trong môi trường quản giám công hoặc tư mà người này không được phép rời khỏi nơi đó nếu không có lệnh của một cơ quan tư pháp, hành chính hay có thẩm quyền khác.

PHẦN II: TIỂU BAN PHÒNG CHỐNG

Điều 5.

1. Tiểu ban Phòng chống sẽ gồm 10 thành viên. Tiếp theo sau văn kiện phê chuẩn hoặc gia nhập thứ 50 vào Nghị định thư này, số thành viên của Tiểu ban Phòng chống sẽ tăng đến 25.

2. Các thành viên của Tiểu ban Phòng chống sẽ được lựa chọn trong số những người phẩm chất đạo đức cao, chứng minh được có kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực hoạt động tư pháp, đặc biệt về luật hình sự, quản lý nhà lao hoặc cảnh sát, hoặc trong nhiều lĩnh vực liên quan đến đối xử với những người bị tước mất tự do.

[...]