Tuyên bố Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 08/09/2000
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành Liên hợp quốc
Người ký ***
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

TUYÊN BỐ THIÊN NIÊN KỶ CỦA LIÊN HỢP QUỐC

(Được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua theo Nghị quyết số 55/2 ngày 8/9/2000)

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc

Thông qua Tuyên bố sau đây:

Tuyên bố Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc

I. Các giá trị và nguyên tắc

1. Chúng ta, những người đứng đầu các nhà nước và chính phủ, họp tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở Nữu-ước từ ngày 6 đến 9/9/2000, vào buổi bình minh của thiên niên kỷ mới, để tái khẳng định niềm tin của chúng ta với Liên Hợp Quốc và với Hiến chương của tổ chức như là những nền tảng không thể thiếu cho một thế giới hoà bình, thịnh vượng và công bằng hơn;

2. Chúng ta thừa nhận rằng, bên cạnh trách nhiệm riêng với các xã hội của chúng ta, chúng ta còn có một trách nhiệm chung là ủng hộ các nguyên tắc về nhân phẩm con người, về bình đẳng và công bằng ở cấp độ toàn cầu. Bởi vậy, với tư cách là những nhà lãnh đạo, chúng ta có một trách nhiệm với tất cả nhân dân thế giới, đặc biệt là với những người dễ bị tổn thương nhất, mà đặc biệt là với trẻ em của thế giới, đối tượng mà tương lai của chúng ta phụ thuộc vào;

3. Chúng ta tái khẳng định cam kết của chúng ta về các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc, mà tính bền vững và phổ biến của chúng đã được chứng minh. Thực vậy, tính xác đáng và khả năng thuyết phục của các mục đích và nguyên tắc đó ngày càng tăng khi các nhà nước và dân tộc đang trở nên ngày càng gắn bó và phụ thuộc vào nhau;

4. Chúng ta phải quyết tâm xây dựng một nền hoà bình thực sự và bền vững trên toàn thế giới mà phù hợp với các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Chúng ta nguyện tiếp tục cống hiến để hỗ trợ tất cả những nỗ lực nhằm duy trì sự bình đẳng về chủ quyền của mọi quốc gia, tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ và nền độc lập chính trị của họ, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình, phù hợp với các nguyên tắc của công lý và luật pháp quốc tế, với quyền tự quyết của các dân tộc mà hiện vẫn còn nằm trong sự đô hộ và chiếm đóng của nước ngoài, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, tôn trọng các quyền và tự do cơ bản của con người, tôn trọng các quyền bình đẳng của tất cả mọi người, không phân biệt về chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ hoặc tôn giáo, và hợp tác để giải quyết các vấn đề quốc tế về kinh tế, xã hội, văn hoá hoặc các vấn đề nhân đạo;

5. Chúng ta tin tưởng rằng, thách thức chủ yếu mà chúng ta đang phải đối mặt hiện nay là bảo đảm rằng quá trình toàn cầu hoá trở thành một động lực tích cực cho tất cả các dân tộc trên thế giới. Mặc dù toàn cầu hoá hứa hẹn những cơ hội to lớn, hiện tại lợi ích của nó được chia sẻ rất không đều, trong khi cái giá phải trả cho nó cũng rất khác nhau. Chúng ta thừa nhận rằng, các quốc gia đang phát triển và các quốc gia có nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi đang gặp những khó khăn đặc biệt khi đối mặt với thách thức chủ yếu này. Bởi vậy, chỉ bằng những nỗ lực rộng lớn và liên tục mới có thể tạo lập được một tương lai chung, dựa trên tính nhân loại chung trong tất cả sự đa dạng của chúng ta, quá trình toàn cầu hoá mới có thể diễn ra một cách công bằng và toàn vẹn hoàn toàn. Những nỗ lực này phải bao gồm các chính sách và biện pháp ở cấp độ toàn cầu nhằm đáp ứng các nhu cầu của các nước đang phát triển và các nền kinh tế đang chuyển đổi, và phải được hoạch định, thực hiện với sự tham gia tích cực của các nước và nền kinh tế đó;

6. Chúng ta xem các giá trị cơ bản dưới đây là có tính thiết yếu cho các quan hệ quốc tế trong thế kỷ 21:

- Tự do: Đàn ông và phụ nữ có đều có quyền sống cuộc sống của riêng họ cũng như có quyền chăm sóc trẻ em của họ trong nhân phẩm, không bị đe doạ bởi đói nghèo, bạo lực, đàn áp và bất công. Sự quản lý dân chủ và có sự tham gia, dựa trên ý chí của dân chúng, là sự bảo đảm tốt nhất cho việc thực hiện các quyền này.

- Bình đẳng: Không một cá nhân hoặc quốc gia nào có thể bị từ chối các cơ hội được hưởng lợi từ sự phát triển. Các quyền và cơ hội bình đẳng của phụ nữ và đàn ông phải được bảo đảm.

- Đoàn kết: Những thách thức toàn cầu phải được giải quyết theo một cách thức mà các chi phí và gánh nặng phải được phân bổ một cách chính đáng phù hợp với các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng và công bằng xã hội. Những người chịu nhiều thiệt thòi hoặc được hưởng lợi ít nhất cần được nhận sự giúp đỡ từ những người được hưởng lợi nhiều nhất.

- Khoan dung: Nhân loại phải tôn trọng lẫn nhau, trong toàn bộ sự đa dạng của họ về niềm tin, văn hoá và ngôn ngữ. Không nên lo ngại hoặc đàn áp những sự khác biệt trong và giữa các xã hội, tình thương là một thứ tài sản kỳ diệu của nhân loại. Một nền văn hoá hoà bình và đối thoại giữa các nền văn minh cần phải được thúc đẩy một cách tích cực.

- Tôn trọng tự nhiên:Việc quản lý các sinh vật sống và các nguồn tài nguyên thiên nhiên phải được thực hiện một cách khôn ngoan, phù hợp với các quy tắc về sự phát triển bền vững. Chỉ bằng cách này, các nguồn tài nguyên thiên nhiên có giới hạn của chúng ta mới có thể được bảo toàn và để lại cho các thế hệ mai sau. Các mô hình sản xuất và tiêu thụ không bền vững hiện nay cần phải được thay đổi vì lợi ích của sự thịnh vượng của chúng ta trong tương lai cũng như của các thế hệ mai sau.

- Trách nhiệm chung: Trách nhiệm quản lý sự phát triển về kinh tế và xã hội toàn cầu, cũng như với những đe doạ về hoà bình và an ninh quốc tế, phải được chia sẻ giữa các quốc gia trên thế giới và phải được thực hiện một cách phối hợp. Với tư cách là một tổ chức mang tính toàn cầu và tính đại diện nhất trên thế giới, Liên Hợp Quốc phải đóng vai trò trung tâm trong việc đó.

7. Để biến những giá trị chung kể trên thành hành động, chúng ta xác định những mục tiêu chủ yếu mà có tầm quan trọng đặc biệt, như nêu dưới đây:

II. Hoà bình, an ninh và giải trừ quân bị

8. Chúng ta sẽ nỗ lực hết mình để giải phóng các dân tộc của chúng ta khỏi tai hoạ chiến tranh, bất kể là chiến tranh giữa các quốc gia hay nội chiến, tai hoạ mà đã tước đi hơn 5 triệu sinh mạng trong thập kỷ qua. Chúng ta cũng sẽ tìm kiếm giải pháp nhằm xoá bỏ những nguy cơ đe doạ từ các loại vũ khí huỷ diệt.

9. Bởi vậy, chúng ta kiên quyết:

- Thúc đẩy sự tôn trọng các nguyên tắc pháp luật cả trong các vấn đề quốc gia và quốc tế, đặc biệt trong việc bảo đảm sự tuân thủ của các quốc gia thành viên với các quyết định của Toà án Công lý quốc tế, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc, trong trường hợp các quốc gia đã là thành viên của Toà án Công lý quốc tế.

- Làm cho các hoạt động giữ gìn hoà bình và an ninh của Liên Hợp Quốc trở lên hiệu quả hơn bằng cách cung cấp các nguồn lực và phương tiện cần thiết cho tổ chức này để ngăn chặn xung đột, giải quyết hoà bình các tranh chấp, giữ gìn hoà bình, tái thiết và xây dựng hoà bình sau xung đột. Trong các vấn đề này, chúng ta ghi nhớ báo cáo của nhóm chuyên gia về các chiến dịch giữ gìn hoà bình của Liên Hợp Quốc và yêu cầu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nhanh chóng xem xét các khuyến nghị của nhóm.

- Tăng cường sự hợp tác giữa Liên Hợp Quốc và các tổ chức khu vực, phù hợp với các quy định trong Chương VIII của Hiến chương Liên Hợp Quốc.

- Bảo đảm rằng các quốc gia sẽ thực hiện các điều ước quốc tế trên các lĩnh vực kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị, cũng như các điều ước quốc tế về quyền con người và luật nhân đạo; và kêu gọi các quốc gia xem xét việc ký và phê chuẩn Quy chế Rôm về Toà án Hình sự quốc tế.

- Tiến hành những hành động phối hợp nhằm chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế, và để phê chuẩn càng sớm càng tốt tất cả các điều ước quốc tế có liên quan.

- Tăng cường những nỗ lực của chúng ta trong việc thực hiện các cam kết về ngăn chặn vấn nạn ma tuý trên thế giới.

- Tăng cường những nỗ lực của chúng ta trong việc chống lại tội phạm xuyên quốc gia, với tất cả các dạng thức của nó, bao gồm việc buôn bán, vận chuyển lậu người và việc rửa tiền.

- Giảm thiểu những tác động tiêu cực của các lệnh cấm vận về kinh tế của Liên Hợp Quốc với những người dân vô tội, định kỳ xem xét lại các lệnh cấm vận đó và xoá bỏ những tác động tiêu cực của nó đến các bên thứ ba.

[...]