Nghị định thư không bắt buộc bổ sung Công ước về quyền trẻ em về việc buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em, 2000

Số hiệu Khongso01
Ngày ban hành 25/05/2000
Ngày có hiệu lực 18/01/2002
Loại văn bản Nghị định thư
Cơ quan ban hành ***
Người ký ***
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

NGHỊ ĐỊNH THƯ

KHÔNG BẮT BUỘC BỔ SUNG CÔNG ƯỚC VỀ QUYỀN TRẺ EM VỀ VIỆC BUÔN BÁN TRẺ EM, MẠI DÂM TRẺ EM VÀ VĂN HÓA PHẨM KHIÊU DÂM TRẺ EM, 2000

(Được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua và mở cho các nước ký, phê chuẩn, gia nhập theo Nghị quyết A/RES/54/263, ngày 25/5/2000. Có hiệu lực từ ngày 18/01/2002. Việt Nam phê chuẩn ngày 20/12/2001).

Các Quốc gia thành viên Nghị định thư này,

Xét rằng, để thúc đẩy hơn nữa việc đạt được những mục tiêu của Công ước về quyền trẻ em và việc thực hiện những quy định của Công ước, đặc biệt là các Điều 1, 11, 21, 32, 33, 34, 35 và 36, cần thiết phải mở rộng các biện pháp mà các Quốc gia thành viên cần tiến hành để bảo đảm bảo vệ trẻ em khỏi bị rơi vào các hoàn cảnh bị buôn bán, phải làm mại dâm và bị sử dụng vào việc sản xuất văn hóa phẩm khiêu dâm.

Cũng xét rằng, Công ước về quyền trẻ em công nhận trẻ em có quyền được bảo vệ khỏi bị bóc lột về kinh tế và khỏi phải làm bất cứ công việc gì có hại hay cản trở việc giáo dục của trẻ, hoặc nguy hại cho sức khỏe hoặc cho sự phát triển về thể chất, tinh thần, trí tuệ, đạo đức hay xã hội của trẻ.

Hết sức lo ngại trước tình trạng vận chuyển trẻ em diễn ra nghiêm trọng và ngày càng tăng trên phạm vi quốc tế cho các mục đích buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và sử dụng trẻ em vào sản xuất văn hóa phẩm khiêu dâm.

Lo ngại sâu sắc về tình trạng du lịch tình dục tiếp tục diễn ra tràn lan mà trẻ em là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương, vì tình trạng này trực tiếp thúc đẩy việc buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và sử dụng trẻ em trong văn hóa phẩm khiêu dâm.

Công nhận rằng, một số nhóm trẻ em đặc biệt dễ bị tổn thương, trong đó có trẻ em gái, dễ gặp nguy cơ bị bóc lột tình dục hơn, và rằng, trẻ em gái chiếm tỷ lệ cao trong số những người bị bóc lột tình dục.

Lo ngại về việc ngày càng xuất hiện nhiều văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em trên Internet và trên các công nghệ đang phát triển khác, và nhắc lại Hội nghị quốc tế về đấu tranh chống văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em trên Internet tổ chức ở Viên năm 1999, mà cụ thể là kết luận của Hội nghị kêu gọi việc hình sự hóa trên toàn thế giới việc sản xuất, phân phối, xuất khẩu, chuyển giao, nhập khẩu, sở hữu có dụng ý và quảng cáo văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em, và nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác và cộng tác chặt chẽ hơn nữa giữa các chính phủ và nền công nghiệp Internet.

Tin tưởng rằng, việc xóa bỏ nạn buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em sẽ tiến triển thuận lợi nếu có một cách tiếp cận hợp lý, trong đó nhằm giải quyết các yếu tố là nguyên nhân của vấn đề, bao gồm tình trạng kém phát triển, nghèo đói, khoảng cách giầu nghèo, cơ cấu kinh tế - xã hội bất bình đẳng, khủng hoảng gia đình, thất học, tình trạng di dân từ nông thôn ra thành thị, sự phân biệt đối xử về giới, thái độ vô trách nhiệm về tình dục của người lớn, những tập tục truyền thống có hại, xung đột vũ trang và tình trạng buôn bán trẻ em.

Tin tưởng rằng, những cố gắng để nâng cao nhận thức của công chúng về vấn đề này là cần thiết để giảm cầu về buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em, văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em, và tin tưởng vào tầm quan trọng của việc tăng cường sự hợp tác toàn cầu giữa tất cả những chủ thể có liên quan cũng như vào việc thúc đẩy thực thi pháp luật trong vấn đề này ở cấp quốc gia.

Ghi nhận những quy định trong các văn kiện pháp lý quốc tế có liên quan đến bảo vệ trẻ em, bao gồm Công ước La Hay về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong vấn đề cho nhận con nuôi giữa các nước, Công ước La Hay về các khía cạnh dân sự của nạn bắt cóc trẻ em quốc tế, Công ước La Hay về thẩm quyền tài phán, pháp luật áp dụng, việc thừa nhận, thực hiện và hợp tác trong các vấn đề liên quan đến trách nhiệm của cha mẹ và các biện pháp bảo vệ trẻ em, và Công ước số 182 của Tổ chức Lao động quốc tế về cấm và hành động ngay để xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất.

Được khuyến khích bởi sự ủng hộ phổ biến với Công ước về quyền trẻ em, thể hiện sự cam kết rộng khắp đối với việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền của trẻ em.

Công nhận tầm quan trọng của việc thực hiện những quy định của Chương trình hành động về phòng chống buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em, cũng như của Tuyên bố và Chương trình hành động được thông qua tại Hội nghị thế giới về chống bóc lột tình dục trẻ em vì mục đích thương mại được tổ chức tại Stốc-khôm từ ngày 27 đến 3/8/1996 và những quyết định, khuyến nghị có liên quan khác của các cơ quan, tổ chức quốc tế có liên quan.

Cân nhắc thích đáng đến tầm quan trọng của các truyền thống và giá trị văn hóa của mỗi dân tộc đối với việc bảo vệ và sự phát triển hài hòa của trẻ em.

Đã thỏa thuận như sau:

Điều 1.

Các Quốc gia thành viên phải cấm việc buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em như đã được quy định trong Nghị định thư này.

Điều 2.

Trong phạm vi Nghị định thư này:

1. Buôn bán trẻ em có nghĩa là bất kỳ hành động hoặc giao dịch nào mà qua đó trẻ em bị chuyển giao từ bất kỳ một người hay một nhóm người nào cho một người hay một nhóm người khác để lấy tiền hay một giá trị trao đổi gì khác.

2. Mại dâm trẻ em là việc sử dụng trẻ em trong các hoạt động tình dục để lấy tiền hay bất kỳ giá trị trao đổi nào khác.

3. Văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em nghĩa là bất kỳ sự trình bày nào, bằng bất kỳ phương tiện gì, về trẻ em tham gia vào các hoạt động tình dục một cách thực sự hoặc mô phỏng, hay bất cứ sự trình bày nào về các cơ quan sinh dục của trẻ em, mà chủ yếu là nhằm các mục đích tình dục.

Điều 3.

1. Mỗi Quốc gia thành viên phải đảm bảo rằng, tối thiểu những hành vi và hoạt động sau đây phải được coi là cấu thành tội phạm trong pháp luật hình sự nước mình, cho dù các hành vi tội phạm như vậy được thực hiện ở trong nước hay ở nước ngoài, mang tính chất cá nhân hay có tổ chức:

a. Trong khuôn khổ vấn đề buôn bán trẻ em quy định trong Điều 2.

i. Việc cung cấp, chuyển giao hay tiếp nhận trẻ em, bằng bất cứ phương cách nào, nhằm các mục đích:

- Bóc lột các em về tình dục.

- Chuyển giao những bộ phận cơ thể của các em để thu lợi.

[...]