Công ước thống nhất về chất ma túy năm 1961

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 09/11/1961
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành ***
Người ký ***
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

CÔNG ƯỚC

THỐNG NHẤT VỀ CÁC CHẤT MA TÚY NĂM 1961

Đã sửa đổi theo Nghị định thư 1972

sửa đổi Công ước thống nhất về các chất ma túy năm 1961

PHẦN MỞ ĐẦU

Các bên,

Quan tâm đến sức khỏe và phúc lợi của nhân loại,

Thừa nhận rằng việc dùng các chất ma túy trong y học để giảm đau là điều không thể thiếu được và cần có những điều khoản thích hợp để bảo đảm về việc sử dụng các chất ma túy cho mục đích trên.

Thừa nhận rằng việc nghiện các chất ma túy là một tệ nạn nghiêm trọng đối với cá nhân và là mối nguy hiểm về xã hội và kinh tế cho nhân loại.

Ý thức được nhiệm vụ phải ngăn chặn và đấu tranh chống tệ nạn này.

Xét rằng các biện pháp hữu hiệu chống lạm dụng các chất ma túy đòi hỏi phải hành động phối hợp và toàn cầu.

Hiểu rằng hành động toàn cầu như vậy đòi hỏi phải có sự hợp tác quốc tế được chỉ đạo theo những nguyên tắc chung và hướng về những mục tiêu chung.

Thừa nhận thẩm quyền của Liên hợp quốc trong lĩnh vực kiểm soát ma túy và mong muốn rằng các tổ chức quốc tế hữu quan sẽ hoạt động trong khuôn khổ của Liên hợp quốc.

Với lòng mong muốn kí một Công ước Quốc tế được chấp nhận rộng rãi để thay thế những Điều ước hiện hành về các chất ma túy, giới hạn việc sử dụng các chất ma túy vào mục đích y học và khoa học, tạo điều kiện cho sự hợp tác và kiểm soát quốc tế một cách liên tục nhằm đạt những mục tiêu và mục đích đó.

Đã thỏa thuận như sau[1]

Điều 1. Các định nghĩa

1. Trừ những trường hợp trong quy định có nghĩa khác hoặc nội dung điều văn yêu cầu khác những định nghĩa sau đây được áp dụng trong toàn bộ Công ước

a) “Ban” nghĩa là Ban kiểm soát ma túy quốc tế;

b) “Cần sa” là phần ngọn mang hoa hay quả của cây cần sa (trừ hạt và lá khi không kèm với phần ngọn) mà nhựa chưa được chiết xuất ra, với bất kì tên gọi nào mà nó được gọi;

c) “Cây cần sa” là các loại cây thuộc chi Cannabis;

d) “Nhựa cần sa” là nhựa được tách ra ở dạng thô hoặc đã tinh chế từ cây cần sa;

e) “Cây bụi coca” là cây thuộc bất kì loại nào thuộc chi Erythroxylon;

f) “Lá coca” là lá của cây bụi coca trừ lá đã dùng để triết xuất ecgonin, cocain hay bất kỳ chất alkaloid nhân ecgonon nào;

g) “Ủy ban” nghĩa là Ủy ban về các chất ma túy của Hội đồng;

h) “Hội đồng” nghĩa là Hội đồng kinh tế - xã hội của Liên hợp quốc;

i) “Trồng trọt” nghĩa là việc trồng cây anh túc, bụi côca hay cây cần sa;

j) “Ma túy” nghĩa là bất kỳ chất liệu nào trong bảng I và II, dù dưới dạng tự nhiên hay tổng hợp;

k) “Đại hội đồng” nghĩa là Đại hội đồng Liên hợp quốc;

l) “Buôn bán bất hợp pháp” nghĩa là việc trồng hay buôn bán ma túy trái với các quy định của Công ước này;

m) “Nhập khẩu” hay “xuất khẩu” theo nghĩa từng trù là việc vận chuyển ma túy từ quốc gia này sang quốc gia khác hay từ vùng này qua vùng khác trong cùng một quốc gia;

[...]