Nghị định thư không bắt buộc bổ sung Công ước về quyền trẻ em, về việc lôi cuốn trẻ em tham gia xung đột vũ trang, 2000

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 25/05/2000
Ngày có hiệu lực 12/02/2002
Loại văn bản Nghị định thư
Cơ quan ban hành ***
Người ký ***
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

NGHỊ ĐỊNH THƯ

KHÔNG BẮT BUỘC BỔ SUNG CÔNG ƯỚC VỀ QUYỀN TRẺ EM, VỀ VIỆC LÔI CUỐN TRẺ EM THAM GIA XUNG ĐỘT VŨ TRANG, 2000

(Được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 25/5/2000 theo Nghị quyết A/RES/–54/263. Có hiệu lực từ ngày 12/02/2002. Việt Nam phê chuẩn ngày 20/12/2001).

Các Quốc gia thành viên Nghị định thư này,

Được khuyến khích bởi sự ủng hộ vượt trội của cộng đồng quốc tế với Công ước về quyền trẻ em, chứng tỏ sự cam kết rộng khắp đối với việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền của trẻ em.

Khẳng định một lần nữa rằng, các quyền của trẻ em cần phải được đặc biệt bảo vệ, và kêu gọi cần tiếp tục cải thiện tình hình của trẻ em mà không có bất kỳ sự phân biệt nào, cũng như kêu gọi bảo đảm cho trẻ em được phát triển và giáo dục trong những điều kiện hòa bình và an ninh.

Lo ngại về những tác động rộng khắp và nguy hại của xung đột vũ trang với trẻ em và những hậu quả lâu dài của việc này với sự phát triển, an ninh và hòa bình bền vững.

Lên án các hành động nhằm vào trẻ em trong các tình huống xung đột vũ trang và việc tấn công trực tiếp vào các mục tiêu được bảo vệ theo luật pháp quốc tế, bao gồm những địa điểm thường tập trung nhiều trẻ em như các trường học, bệnh viện.

Ghi nhận việc thông qua Quy chế Rome của Tòa án Hình sự Quốc tế, và đặc biệt là việc Quy chế đưa vào khái niệm tội ác chiến tranh các hành động cưỡng bức hoặc tuyển dụng trẻ em dưới 15 tuổi vào lực lượng vũ trang hoặc sử dụng các em này tham gia tích cực vào chiến sự, cả trong các cuộc xung đột vũ trang quốc tế và không mang tính chất quốc tế.

Xét rằng, để tăng cường hơn nữa việc thực hiện các quyền được quy định trong Công ước quyền trẻ em, bởi vậy, cần đẩy mạnh hơn nữa việc bảo vệ trẻ em khỏi việc bị lôi cuốn vào xung đột vũ trang.

Ghi nhớ Điều 1 Công ước về quyền trẻ em quy định cụ thể rằng, vì những mục đích của Công ước, trẻ em là tất cả những người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp luật pháp áp dụng với trẻ em đó quy định tuổi thành niên sớm hơn.

Tin tưởng rằng, một Nghị định thư không bắt buộc kèm theo Công ước về quyền trẻ em mà nâng độ tuổi có thể tuyển dụng người vào các lực lượng vũ trang và sử dụng họ tham gia chiến sự sẽ góp phần có hiệu quả vào việc thực hiện nguyên tắc các lợi ích tốt nhất dành cho trẻ em cần phải được đặt lên hàng đầu trong tất cả những hoạt động liên quan đến trẻ em.

Ghi nhớ rằng, Hội nghị lần thứ 26 của Hội Chữ thập đỏ và Trăng Lưỡi liềm đỏ quốc tế họp tháng 12/1995 đó khuyến nghị một số điểm, trong đó có điểm nói rằng các bên trong xung đột vũ trang phải thực hiện mọi biện pháp có thể để bảo đảm rằng trẻ em dưới 18 tuổi không phải tham gia chiến sự.

Hoan nghênh việc thông qua Công ước số 182 của Tổ chức Lao động quốc tế về cấm và hành động ngay để xóa bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất vào tháng 7/1999, mà cấm một số hành vi trong đó có việc cưỡng bức hoặc tuyển dụng bắt buộc trẻ em để sử dụng trong xung đột vũ trang.

Lên án với sự lo ngại sâu sắc nhất tình trạng các nhóm vũ trang không thuộc lực lượng vũ trạng của các nhà nước tuyển dụng, huấn luyện và sử dụng trẻ em trong chiến sự ở trong và ngoài biên giới quốc gia, và nhận biết trách nhiệm của những người tuyển mộ, đào tạo và sử dụng trẻ em vào mục đích này.

Nhắc lại nghĩa vụ của các bên tham gia xung đột vũ trang phải tuân thủ những quy định của luật nhân đạo quốc tế.

Nhấn mạnh rằng Nghị định thư này không làm tổn hại đến những mục đích và nguyên tắc được ghi trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, bao gồm Điều 51, và những quy tắc có liên quan của luật nhân đạo quốc tế.

Ghi nhớ rằng, trạng thái hòa bình và an ninh đạt được dựa trên sự tôn trọng đầy đủ những mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc và trên sự tuân thủ các văn kiện quốc tế về quyền con người hiện hành là không thể thiếu được để bảo vệ trẻ em một cách trọn vẹn, đặc biệt trong bối cảnh các cuộc xung đột vũ trang và có sự chiếm đóng của nước ngoài.

Công nhận những nhu cầu đặc biệt xuất phát từ tình trạng kinh tế, xã hội hoặc giới tính của những trẻ em mà đặc biệt dễ bị tuyển mộ hay sử dụng trong chiến sự trái với Nghị định thư này.

Lưu ý về sự cần thiết xem xét các nguyên nhân gốc rễ về chính trị, xã hội và kinh tế của việc lôi cuốn trẻ em vào những cuộc xung đột vũ trang.

Tin tưởng vào nhu cầu tăng cường hợp tác quốc tế trong việc thực hiện Nghị định thư này, cũng như vào việc phục hồi về thể chất, tâm lý và tái hòa nhập xã hội cho những trẻ em là nạn nhân của các cuộc xung đột vũ trang.

Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là của trẻ em và những trẻ em là nạn nhân, vào việc phổ biến những chương trình thông tin và giáo dục liên quan đến việc thực hiện Nghị định thư này.

Đã thỏa thuận như sau:

Điều 1.

Các Quốc gia thành viên phải thực hiện tất cả các biện pháp có thể để bảo đảm rằng những thành viên trong các lực lượng vũ trang nước mình mà chưa đến 18 tuổi sẽ không phải trực tiếp tham gia chiến sự.

Điều 2.

Các Quốc gia thành viên phải đảm bảo rằng những người chưa đến 18 tuổi sẽ không bị bắt buộc tuyển mộ vào các lực lượng vũ trang của nước mình.

Điều 3.

1. Các Quốc gia thành viên phải nâng độ tuổi tối thiểu được phép tuyển mộ những người tự nguyện xin phục vụ lực lượng vũ trang của nước mình đến độ tuổi nêu tại khoản 3 Điều 38 Công ước về quyền trẻ em, có tính đến những nguyên tắc đã ghi trong điều đó, và thừa nhận rằng, theo Công ước, những người dưới 18 tuổi đều được bảo vệ đặc biệt.

2. Mỗi Quốc gia thành viên phải đưa ra một tuyên bố có tính ràng buộc sau khi phê chuẩn hay gia nhập Nghị định thư này, trong tuyên bố đó phải nêu rõ độ tuổi tối thiểu mà có thể chấp nhận cho một người tự nguyện xin phục vụ các lực lượng vũ trang của nước mình và mô tả các biện pháp bảo vệ mà quốc gia đó đưa ra để đảm bảo rằng sự tuyển mộ như vậy không phải là cưỡng bức hoặc ép buộc.

[...]