Thông tư 8-TC/TCT năm 1992 hướng dẫn thi hành Nghị định 110-HĐBT 1992 về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu do Bộ tài chính ban hành

Số hiệu 8-TC/TCT
Ngày ban hành 31/03/1992
Ngày có hiệu lực 31/03/1992
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Hoàng Quy
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu,Thuế - Phí - Lệ Phí

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 8-TC/TCT

Hà Nội, ngày 31 tháng 3 năm 1992

 

THÔNG TƯ

SỐ 8-TC/TCT NGÀY 31-3-1992 HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 110-HĐBT  NGÀY 31-3-1992 CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG VỀ THUẾ XUẤT KHẨU, THUẾ NHẬP KHẨU

Thi hành Nghị định số 110-HĐBT ngày 31-3-1992 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chi tiết thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:

I- HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU KHÔNG THUỘC DIỆN CHỊU THUẾ XUẤT KHẨU, THUẾ NHẬP KHẨU THEO ĐIỀU 3 CỦA NGHỊ ĐỊNH GỒM:

1. Hàng vận chuyển quá cảnh hoặc mượn đường qua Việt Nam hoặc hàng hoá do nước ngoài nhập vào khu chế xuất và hàng hoá từ khu chế xuất xuất khẩu ra nước ngoài, hoặc hàng hoá từ khu chế xuất này đưa sang khu chế xuất khác trong lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị định phải có đủ các điều kiện sau đây:

- Có đầy đủ các hồ sơ từng chuyến hàng theo hướng dẫn của ngành hải quan;

Phải chịu sự giám sát và quản lý theo quy định của ngành Hải quan từ cửa khẩu nhập đến cửa khẩu xuất hoặc từ cửa khẩu đi đến cửa khẩu đến trên lãnh thổ Việt Nam;

- Trong quá trình vận chuyển trên lãnh thổ Việt Nam không được tiêu thụ hàng hoá dưới bất kỳ hình thức nào và không được tự động tháo, dỡ, thay đổi hàng hoá.

2. Hàng chuyển khẩu dưới các hình thức được quy định tại khoản 2 Điều 3 của Nghị định phải có đủ các điều kiện sau đây:

- Có đầy đủ hồ sơ từng chuyến hàng theo hướng dẫn của ngành Hải quan.

- Phải chịu sự giám sát và quản lý theo quy định của ngành Hải quan từ khi hàng vào đến khu vực quản lý Hải quan Việt Nam đến khi hàng ra khỏi khu vực quản lý Hải quan Việt Nam để ra nước ngoài;

- Không được tiêu thụ hàng hoá dưới bất kỳ hình thức nào trong lãnh thổ Việt Nam.

3. Hàng viện trợ nhân đạo được quy định tại khoản 3 Điều 3 của Nghị định phải có đầy đủ các giấy tờ sau đây:

- Giấy phép nhập khẩu hàng viện trợ do Bộ Thương mại và Du lịch cấp;

- Giấy xác nhận hàng viện trợ ghi rõ hàng viện trợ nhân đạo do Ban Quản lý và tiếp nhận viện trợ quốc tế cấp;

- Các giấy tờ khác liên quan đến việc tiếp nhận lô hàng.

Căn cứ vào các điều kiện và chứng từ quy định tại các điểm 1, 2, 3 mục này cơ quan Hải quan cấp tỉnh, thành phố và Hải quan cửa khẩu tiến hành làm thủ tục quản lý hải quan và đóng dấu xác nhận hàng thuộc diện không chịu thuế vào tờ khai hải quan đối với hàng xuất khẩu hoặc nhập khẩu.

II- GIÁ TÍNH THUẾ

1. Trường hợp có hợp đồng mua bán ngoại thương và các chứng từ hợp lệ theo quy định của Bộ Thương mại và Du lịch thì giá tính thuế được xác định theo hợp đồng và được xác định như sau:

a) Đối với hàng xuất khẩu là giá bán cho khách hàng tại cửa khẩu đi theo hợp đồng bán hàng không bao gồm phí vận tải (F), phí bảo hiểm (I) từ cửa khẩu đi tới cửa khẩu đến, phù hợp với các chứng từ khác có liên quan đến việc bán hàng.

b) Đối với hàng nhập khẩu là giá thực tế mua của khách hàng tại cửa khẩu đến theo hợp đồng gồm cả chi phí vận tải và phí bảo hiểm từ cửa khẩu đi đến cửa khẩu đến. Trường hợp nhập hàng nếu trong giá mua chưa có phí bảo hiểm (I) và phí vận tải (F) thì tổ chức cá nhân nộp thuế phải xuất trình các chứng từ hợp lệ về các phí kể trên với cơ quan Hải quan để xác định giá tính thuế. Nếu tổ chức, cá nhân nộp thuế không xuất trình được các chứng từ hợp lệ về phí bảo hiểm (I) và phí vận tải (F) thì cơ quan hải quan tính (I) và (F) theo nguyên tắc quy định của Bộ Thương mại và Du lịch.

c) Trường hợp : hợp đồng mua, bán theo phương thức trả tiền chậm và giá mua, giá bán ghi trên hợp đồng mua, bán gồm cả lãi suất phải trả thì giá tính thuế được xác định bằng giá mua, giá bán trừ (-) đi lãi suất phải trả theo hợp đồng mua, bán.

d) Giá tính thuế xuất khẩu, nhập khẩu với khu chế xuất tại Việt Nam, là giá thực tế đã mua, bán theo hợp đồng tại cửa khẩu khu chế xuất.

2. Trường hợp hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu không đủ điều kiện xác định giá tính thuế theo hợp đồng (quy định tại điểm 1 mục này) hoặc giá ghi trên hợp đồng thấp hơn từ 5% so với giá bán thực tế tối thiểu tại cửa khẩu xuất trong cùng một thời điểm và từ 10% so với giá mua thực tế tối thiểu tại cửa khẩu nhập trong cùng một thời điểm và hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo phương thức khác; mua bán không thanh toán qua ngân hàng, không có hợp đồng thì tính thuế là giá mua, bán tối thiểu tại cửa khẩu theo bảng giá quy định của Bộ Tài chính.

Tổ chức Hải quan khi làm thủ tục tính thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo mức giá tối thiểu, nếu phát hiện mặt hàng chưa có trong bảng giá tối thiểu, thì căn cứ vào giá tính thuế của mặt hàng tương đương để tính thuế cho mặt hàng đó. Đồng thời phải báo cáo xin ý kiến Tổng cục hải quan và Bộ Tài chính trước khi áp dụng giá tính thuế đó lần thứ hai.

3. Tỷ giá dùng để xác định giá tính thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu bằng đồng Việt Nam là tỷ giá mua vào giữa đồng Việt Nam và tiền nước ngoài do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm đăng ký tờ khai hàng hoá xuất, nhập khẩu với cơ quan Hải quan.

Những đồng tiền nước ngoài Ngân hàng chưa công bố tỷ giá trực tiếp với đồng tiền Việt Nam thì căn cứ vào tỷ giá giữa đồng đô-la Mỹ với đồng Việt Nam do Ngân hàng Nhà nước công bố và tỉ giá giữa đồng đô- la Mỹ với đồng tiền nước ngoài đó do Ngân hàng Ngoại thương trung ương công bố để xác định tỷ giá giữa đồng tiền đó với đồng Việt Nam. Trường hợp không có tỷ giá giữa đồng tiền đó với đồng đô-la Mỹ thì căn cứ tỷ giá giữa đồng tiền đó với đồng tiền khác và tỷ giá giữa đồng tiền khác đó với đồng tiền Việt Nam do Ngân hàng Ngoại thương trung ương công bố để xác định tỷ giá giữa đồng tiền đó với đồng Việt Nam. Nếu không có tỷ giá của đồng tiền trung gian như trong các trường hợp trên thì hải quan các tỉnh, thành phố phải báo cáo xin ý kiến của Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính trước khi tính và thu thuế.

Mỗi khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thay đổi tỷ giá thì Tổng cục Hải quan kịp thời thông báo tỷ giá mới cho Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện. Nếu trong thời gian này, có tờ khai tính thuế không tính kịp theo tỷ giá mới, thì trong thời hạn nộp thuế (15 ngày đối với hàng xuất, 30 ngày đối với hàng nhập) Hải quan tỉnh, thành phố điều chỉnh và thông báo lại mức thuế theo tỷ giá mới.

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ