Nghị định 131-HĐBT năm 1987 về việc nhập khẩu và tái xuất khẩu ô tô và các vật dụng cần thiết cho nhu cầu công tác và sinh hoạt của các cơ quan đại diện nước ngoài tại nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 131-HĐBT
Ngày ban hành 27/08/1987
Ngày có hiệu lực 27/08/1987
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Võ Văn Kiệt
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 131-HĐBT

Hà Nội, ngày 27 tháng 8 năm 1987

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 131-HĐBT NGÀY 27-8-1987 QUY ĐỊNH VIỆC NHẬP KHẨU VÀ TÁI XUẤT KHẨU Ô-TÔ VÀ CÁC VẬT DỤNG CẦN THIẾT CHO NHU CẦU CÔNG TÁC VÀ SINH HOẠT CỦA CÁC CƠ QUAN ĐẠI DIỆN NƯỚC NGOÀI VÀ NGƯỜI NƯỚC NGOÀI TẠI NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;
Căn cứ Điều lệ Hải quan do Hội đồng Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 3-CP ngày 27-2-1960;
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi, đáp ứng nhu cầu công tác và sinh hoạt của các cơ quan đại diện nước ngoài và người nước ngoài tại nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan và ý kiến Bộ Ngoại giao.

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Nay quy định việc nhập khẩu và tái xuất khẩu ô-tô và các vật dụng cần thiết cho nhu cầu công tác sinh hoạt của các cơ quan đại diện nước ngoài và người nước ngoài tại nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Những đối tượng sau đây được nhập khẩu và tái xuất khẩu ô-tô và những vật dụng cần thiết phục vụ cho nhu cầu công tác và sinh hoạt (có danh mục kèm theo):

1. Các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các tổ chức quốc tế có trụ sở thường trực tại Việt Nam được hưởng quy chế ưu đãi miễn trừ ngoại giao theo quy định của Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Những người có thân phận ngoại giao của các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài và những viên chức thuộc các tổ chức quốc tế tại nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được hưởng quy chế ưu đãi miễn trừ ngoại giao theo các văn bản chính thức mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tham gia ký kết (kể cả những thành viên trong gia đình họ cùng đi).

3. Những nhân viên hành chính, kỹ thuật và nhân viên phục vụ của các cơ quan nói ở điểm 1 điều này và những thành viên trong gia đình họ không phải là người Việt Nam , được xác nhận là "người cư trú".

Điều 2. Các vật dụng kể từ số thứ tự thứ 1 đến thứ 5 trong danh mục kèm theo được phép nhập khẩu sử dụng lâu dài cho nhu cầu công tác và sinh hoạt là loại hàng tạm nhập sẽ phải tái xuất.

2. Các vật dụng kể từ số thứ tự thứ 6 đến 8 trong danh mục kèm theo được nhập khẩu ba (3) tháng một (1) lần là loại hàng tiêu dùng, không được chuyển nhượng tại Việt Nam.

3. Số lượng ô-tô và các vật dụng khác cho nhu cầu công tác và sinh hoạt của từng đối tượng nói ở điều 1 được quy định trong danh mục kèm theo.

Điều 3.

1. Những đối tượng nói ở điều 1, khi nhập khẩu các vật dụng cần thiết cho nhu cầu công tác và sinh hoạt (dù là vật dụng có ghi hoặc không ghi trong danh mục), phải xin phép trước Tổng cục Hải quan. Nếu được cấp giấy phép nhập khẩu thì:

a) Những đối tượng nói ở điểm 1 và 2 của điều 1 khi nhập khẩu các vật dụng cần thiết cho nhu cầu công tác và sinh hoạt thì được miễn thuế hàng hoá nhập khẩu phi mậu dịch nhưng phải nộp các lệ phí khác.

b) Những đối tượng nói ở điểm 3, điều 1 trong mười hai (12) tháng đầu khi mới đến nhận nhiệm vụ tại Việt Nam (tính từ ngày nhập cảnh lần đầu) , nếu nhập khẩu các vật dụng cần thiết cho nhu cầu công tác và sinh hoạt thì được miễn thuế hàng hoá nhập khẩu phi mậu dịch, nhưng phải nộp các lệ phí khác. Kể từ tháng thứ mười ba (13) trở đi phải nộp thuế hàng hoá nhập khẩu phi mậu dịch và các lệ phí khác. Riêng đối với ô- tô (dù nhập khẩu trong thời điểm nào) cũng phải nộp thuế hàng hoá nhập khẩu phi mậu dịch và các lệ phí khác.

2. Những vật dụng mang theo người chỉ cần làm thủ tục với hải quan cửa khẩu. Riêng thuốc lá ngoài tiêu chuẩn ghi trong danh mục mỗi người khi nhập cảnh được phép mang theo người 5 tút (loại một tút 10 bao, một bao 20 điếu). Nếu mang quá 5 tút thì số thuốc lá còn lại cũng như những vật dụng cần thiết khác được tính vào tiêu chuẩn ghi trong danh mục.

3. Các vật dụng cần thiết cho nhu cầu công tác và sinh hoạt khác (không thuộc loại hàng cấm nhập bằng đường phi mậu dịch theo danh mục của Tổng cục Hải quan bam hành kèm theo Quyết định số 516-TCHQ/PC ngày 17-4-1987 và không có tên trong danh mục kèm theo Nghị định này) thì phải xin phép Tổng cục Hải quan bằng văn bản (kèm theo bản kê chi tiết) và làm thủ tục hải quan. Nếu được cấp giấy phép, thì phải tuân theo quy định của điểm 1 trên đây.

Điều 4. Khi tái xuất khẩu những vật dụng kể từ số thứ tự thứ 1 đến thứ 5 trong danh mục :

1. Những đối tượng nói ở các điểm 1 và 2 của điều 1 thì được miễn thuế hàng hoá xuất khẩu phi mậu dịch, nhưng phải nộp các lệ phí khác.

2. Những đối tượng nói ở điểm 3 của điều 1;

- Nếu khi nhập đã nộp thuế thì nay được miễn thuế hàng hoá xuất khẩu phi mậu dịch, nhưng phải nộp các lệ phí khác.

- Nếu khi nhập chưa nộp thuế thì nay phải nộp thuế hàng hoá xuất khẩu phi mậu dịch (trừ những vật dụng đã nhập khẩu trong 12 tháng từ khi bắt đầu nhận công tác tại Việt Nam ) và nộp các lệ phí khác.

3. Sau khi tái xuất, các đối tượng nói trên đều được nhập bổ sung đủ số lượng quy định trong danh mục.

Điều 5. Những đối tượng nói ở điều 1, nếu mua các vật dụng từ số tứ tự thứ 1 đến 5 trong danh mục hoặc những vật dụng tương tự khác (tủ lạnh, máy giặt, v.v...) tại các cửa hàng, Nhà nước của Việt Nam bán thu ngoại tệ, nếu có hoá đơn hợp lệ, thì khi xuất khẩu những vật dụng đó được miễn thuế hàng hoá xuất khẩu phi mậu dịch, nhưng phải nộp các lệ phí khác.

Quy định này cũng được áp dụng trong trường hợp vật dụng được mua bằng tiền Việt Nam (như tiền chuyển đổi qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam , tiền lương, phụ cấp v.v...) tại các cửa hàng mậu dịch quốc doanh của Việt Nam.

Điều 6.

[...]