Nghị định 28-HĐBT năm 1991 Hướng dẫn Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 28-HĐBT
Ngày ban hành 06/12/1991
Ngày có hiệu lực 06/12/1991
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Võ Văn Kiệt
Lĩnh vực Đầu tư

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 28-HĐBT

Hà Nội, ngày 06 tháng 12 năm 1991

 

NGHỊ ĐỊNH

CUẢ HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 28-HĐBT NGÀY 6-12-1991 QUY ĐỊNH CHI TIẾT VIỆC THI HÀNH LUẬT ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;
Căn cứ Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày 29 tháng 12 năm 1987;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày 30 tháng 6 năm 1990;
Theo đề nghị của Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG ĐIỀU KHỎAN CHUNG

Điều 1. Nghị định này cụ thể hoá Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (dưới đây gọi là Luật đầu tư), nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện đúng Luật đầu tư.

Điều 2. Nghị định này quy định chi tiết những hoạt động đầu tư trực tiếp của người nước ngoài tại Việt Nam theo các hình thức ghi tại Chương II Luật đầu tư, không quy định những hoạt động đầu tư gián tiếp như tín dụng quốc tế, viện trợ quốc tế...

Điều 3. Những từ ngữ dùng trong Nghị định này phải được hiểu theo những định nghĩa ghi tại Điều 2 Luật đầu tư. Những từ ngữ chưa được định nghĩa trong Luật đầu tư sẽ được định nghĩa tại các điều khoản liên quan của Nghị định này.

Điều 4. Đối tượng điều chỉnh của Luật đầu tư được cụ thể hoá như sau:

1. Các tổ chức kinh tế Việt Nam có tư cách pháp nhân thuộc mọi thành phần kinh tế.

Tổ chức kinh tế tư nhân Việt Nam có tư cách pháp nhân là các Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty cổ phần mà trong đó phần đóng góp của các thành viên là tư nhân chiếm đa số vốn điều lệ.

(Các cơ quan quản lý Nhà nước không có chức năng hợp tác đầu tư với Bên nước ngoài).

2. Các tổ chức kinh tế nước ngoài có tư cách pháp nhân và các cá nhân nước ngoài đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.

3. Các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là pháp nhân Việt Nam.

4. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài không kể thuộc quốc tịch nào, đầu tư trực tiếp về nước có các quyền lợi và nghĩa vụ như người đầu tư nước ngoài. Trong trường hợp họ chung vốn với một hay nhiều tổ chức kinh tế Việt Nam nói ở điểm 1. Điều này thành Bên Việt Nam để hợp tác kinh doanh với Bên nước ngoài, họ có các quyền và nghĩa vụ như tư nhân Việt Nam. Trong cả hai trường hợp nói trên, họ đều được hưởng những điều kiện thuận lợi được quy định riêng.

Điều 5.

1. Tổ chức kinh tế tư nhân Việt Nam được đứng riêng để hợp tác kinh doanh với tổ chức, cá nhân nước ngoài trong các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân, trừ những ngành, nghề không được kinh doanh theo quy định của pháp luật.

2. Đối với những ngành, nghề dưới đây, phải được Chỉ tịch Hội đồng Bộ trưởng cho phép:

- Sản xuất và lưu thông thuốc nổ, thuốc độc;

- Khai thác các loại khoáng sản quý, hiếm;

- Sản xuất và cung ứng điện, nước quy mô lớn;

- Sản xuất các phương tiện phát sóng, dịch vụ bưu điện, viễn thông, truyền thanh, truyền hình, xuất bản;

- Vận tải viễn dương, vận tải hàng không;

- Chuyên doanh xuất, nhập khẩu;

- Du lịch quốc tế.

3. Tổ chức kinh tế tư nhân Việt Nam muốn đứng riêng để hợp tác kinh doanh với tổ chức, cá nhân nước ngoài phải được Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chấp thuận và được Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư chuẩn y cấp giấy phép.

[...]