Chỉ thị 06/2002/CT-TTg về biện pháp tăng cường quản lý và chống thất thu ngân sách Nhà nước năm 2002 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 06/2002/CT-TTg |
Ngày ban hành | 20/02/2002 |
Ngày có hiệu lực | 07/03/2002 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Tấn Dũng |
Lĩnh vực | Tài chính nhà nước |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/2002/CT-TTg |
Hà Nội, ngày 20 tháng 2 năm 2002 |
CHỈ THỊ
VỀ BIỆN PHÁP TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ VÀ CHỐNG THẤT THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2002
Năm 2001, kết quả thu ngân sách nhà nước đạt 113% so với dự toán năm và tăng 7,4% so với thực hiện năm 2000, đạt được kết quả trên đây trước hết là do sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong cả nước tăng trưởng khá và sự nỗ lực chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2001 của các Bộ, ngành, địa phương; ngành thuế và hải quan có nhiều cố gắng phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, công tác quản lý thu thuế, phí và lệ phí còn có một số hạn chế như : tình hình thất thu, nợ đọng thuế còn lớn; tình trạng chiếm đoạt tiền ngân sách nhà nước qua hoàn thuế chưa có biện pháp khắc phục. Nguyên nhân của tình hình trên là do sự phối hợp, chỉ đạo giữa các cơ quan trong quản lý thu thuế chưa chặt chẽ; một số vướng mắc về cơ chế, chính sách chưa được cơ quan chức năng giải quyết, tháo gỡ kịp thời; công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan còn chậm, chưa theo kịp với tình hình thực tế.
Năm 2002, dự toán ngân sách nhà nước đã được Quốc hội khóa X (kỳ họp thứ 10) phê duyệt và giao tăng cao hơn những năm trước, đòi hỏi các Bộ, ngành và địa phương vừa phải tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời phải có biện pháp tổ chức, chỉ đạo quản lý thu ngân sách nhà nước quyết liệt ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm. Để khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý thu thuế năm 2001 và phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách năm 2002, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành liên quan và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, thực hiện các công việc sau:
1. Căn cứ vào chỉ tiêu dự toán thu ngân sách năm 2002 đã được Quốc hội phê duyệt, ngay trong quý I năm 2002, tiến hành giao dự toán thu ngân sách cho các đơn vị; việc giao dự toán thu ngân sách phải gắn với việc phân tích, đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh trên từng lĩnh vực, ngành, địa bàn để các đơn vị phấn đấu thực hiện.
2. Tổ chức triển khai thực hiện tốt các Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp điều hành kế hoạch kinh tế năm 2002; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc đối với sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2002.
3. Trong công tác quản lý thu và chống thất thu ngân sách, cần tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số việc sau:
a) Thực hiện thu đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách theo đúng luật định, kiên quyết không để tình trạng chiếm dụng hoặc găm giữ nguồn thu phải nộp ngân sách nhà nước.
b) Cải tiến và nâng cao trách nhiệm trong phối hợp giữa các cơ quan Thuế, Hải quan, Địa chính, Quản lý thị trường, Ngân hàng thương mại, cơ quan Quản lý đăng ký kinh doanh ... trong quản lý nhà nước về thuế và cung cấp tài liệu, thông tin có liên quan đến đối tượng nộp thuế nhằm phục vụ cho công tác quản lý thu thuế và điều tra, xử lý vi phạm pháp luật về thuế, qua đó kịp thời ngăn chặn các hành vi trốn thuế, lậu thuế và gian lận thương mại.
c) Tiếp tục đẩy nhanh việc cải cách hành chính trong công tác quản lý thu thuế trên cơ sở đề cao trách nhiệm của các đối tượng nộp thuế trong việc tự tính thuế, tự kê khai và nộp thuế vào Kho bạc Nhà nước theo thông báo của cơ quan thuế; tăng cường chấn chỉnh tổ chức ngành thuế, hải quan; có giải pháp thích hợp để nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, tận tụy phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức thuế, hải quan.
d) Tập trung thanh tra, kiểm tra các đối tượng nộp thuế thường xuyên có vi phạm pháp luật về thuế. Tăng cường kiểm tra sau thông quan đối với hàng hoá xuất nhập khẩu.
Đối với việc thanh tra, kiểm tra hoàn thuế giá trị gia tăng, trước mắt cần hoàn chỉnh nhanh hồ sơ những vụ chiếm đoạt tiền ngân sách nhà nước qua hoàn thuế để chuyển đến các cơ quan điều tra xem xét, xử lý trong 6 tháng đầu năm 2002.
Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan phải phối hợp với cơ quan Quản lý thị trường, Công an và cơ quan Thuế, Hải quan của các nước có chung đường biên giới đất liền với Việt Nam để kiểm tra, xử lý các hành vi gian lận thương mại, trốn, lậu thuế và hành vi chiếm đoạt tiền ngân sách qua hoàn thuế giá trị gia tăng.
đ) Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc phát hành, sử dụng hoá đơn chứng từ và tem hàng hoá; mọi trường hợp vi phạm chế độ quản lý, sử dụng hóa đơn chứng từ, tem hàng hoá đều phải xử lý kịp thời theo đúng quy định. Tích cực triển khai thực hiện chế độ đóng dấu tên, địa chỉ, mã số thuế của cơ sở, cá nhân sản xuất kinh doanh lên hóa đơn trước khi lưu hành, sử dụng; khuyến khích các doanh nghiệp tự in và phát hành hóa đơn bán hàng theo quy định của Bộ Tài chính.
4. Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện các công việc sau:
a) Nghiên cứu, hoàn thiện quy định về thủ tục, quy trình giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng để tránh tình trạng lợi dụng chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng để chiếm đoạt tiền ngân sách nhà nước.
b) Tổ chức đánh giá công tác quản lý thu thuế của cơ quan thuế đối với khu vực công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh để đề xuất hướng hoàn thiện về cơ chế, chính sách, quy trình quản lý và biện pháp chống thất thu ngân sách nhà nước đối với khu vực này.
c) Trong quý II năm 2002 có báo cáo tổng kết 3 năm thực hiện các Luật Thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; qua đó tiến hành rà soát, tập hợp những kiến nghị, vướng mắc trong quá trình thực hiện các luật thuế trên để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện pháp luật thuế hiện hành.
d) Tiến hành nghiên cứu Luật về quản lý thu thuế nhằm xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thu thuế và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, đồng thời quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của các đối tượng nộp thuế, trên cơ sở đó đề ra chương trình, kế hoạch xây dựng Luật này cho phù hợp.
5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị này. Trong quá trình tổ chức, thực hiện nếu gặp khó khăn, vướng mắc về chính sách thuế, yêu cầu các cơ quan, đơn vị báo cáo Bộ Tài chính để có biện pháp xử lý kịp thời; trường hợp vượt quá thẩm quyền, Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết.
|
Nguyễn Tấn Dũng (Đã ký) |