Quyết định 42/2002/QĐ-TTg về quản lý và điều hành các chương trình mục tiêu quốc gia do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 42/2002/QĐ-TTg
Ngày ban hành 19/03/2002
Ngày có hiệu lực 19/03/2002
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phạm Gia Khiêm
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 42/2002/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 19 tháng 3 năm 2002

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 42/2002/QĐ-TTG NGÀY 19 THÁNG 3 NĂM 2002 VỀ QUẢN LÝ VÀ ĐIỀU HÀNH CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Nhằm tăng cường và tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý và điều hành các chương trình mục tiêu quốc gia;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Chương trình mục tiêu quốc gia là một tập hợp các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ về kinh tế, xã hội, khoa học, công nghệ, môi trường, cơ chế, chính sách, tổ chức để thực hiện một hoặc một số mục tiêu đã được xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước trong một thời gian nhất định.

Một chương trình mục tiêu quốc gia gồm nhiều dự án khác nhau để thực hiện các mục tiêu của chương trình. Đối tượng quản lý và kế hoạch hóa được xác định theo chương trình, việc đầu tư được thực hiện theo dự án.

Điều 2. Dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia là một tập hợp các hoạt động để tiến hành một công việc nhất định nhằm đạt được một hay nhiều mục tiêu cụ thể đã được định rõ trong chương trình với nguồn lực và thời hạn thực hiện được xác định.

Điều 3. Tiêu chuẩn lựa chọn chương trình mục tiêu quốc gia.

1. Các vấn đề được chọn để giải quyết bằng chương trình mục tiêu quốc gia phải là những vấn đề có tính cấp bách, liên ngành, liên vùng và có tầm quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước, cần phải được tập trung nguồn lực và sự chỉ đạo của Chính phủ để giải quyết.

2. Mục tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia phải rõ ràng, lượng hóa được và phải nằm trong chiến lược chung của quốc gia.

3. Thời gian thực hiện chương trình phải được quy định giới hạn, thường là 5 năm, hoặc phân kỳ thực hiện cho từng giai đoạn 5 năm.

4. Các vấn đề xã hội mà Chính phủ Việt Nam cam kết với quốc tế thực hiện theo chương trình chung của thế giới hoặc khu vực.

Điều 4. Nội dung chương trình mục tiêu quốc gia:

1. Thực trạng tình hình của lĩnh vực thuộc chương trình mục tiêu quốc gia; những vấn đề cấp bách cần được giải quyết bằng chương trình mục tiêu quốc gia.

2. Phạm vi, quy mô và mục tiêu chung của chương trình; các chỉ tiêu cơ bản phải đạt được trong từng khoảng thời gian cụ thể; các dự án của chương trình.

3. Tổng mức kinh phí của chương trình bao gồm cả kinh phí cho việc xử lý các vấn đề về khoa học, công nghệ (nếu có), mức kinh phí theo từng năm, phương thức huy động các nguồn vốn.

4. Cơ chế, chính sách thực hiện chương trình.

5. Yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực thực hiện chương trình.

6. Những vấn đề về khoa học, công nghệ cần xử lý (nếu có).

7. Hiệu quả kinh tế - xã hội chung của chương trình và của từng dự án.

8. Khả năng lồng ghép với các chương trình khác.

9. Kế hoạch, tiến độ tổ chức thực hiện chương trình, dự án.

10. Hợp tác quốc tế (nếu có).

11. Kế hoạch và thông số kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chương trình.

II. XÂY DỰNG, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT, BÁO CÁO KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Điều 5. Căn cứ vào nội dung, nhiệm vụ của chiến lược 10 năm, kế hoạch 5 năm, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương đề xuất các vấn đề xã hội bức xúc cần được giải quyết bằng chương trình mục tiêu quốc gia.

[...]