Nghị quyết số 05/2002/NQ-CP về một số giải pháp để triển khai thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2002 do Chính Phủ ban hành

Số hiệu 05/2002/NQ-CP
Ngày ban hành 24/04/2002
Ngày có hiệu lực 24/04/2002
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 05/2002/NQ-CP

Hà Nội, ngày 24 tháng 4 năm 2002

 

NGHỊ QUYẾT

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 05/2002/NQ-CP NGÀY 24 THÁNG 4 NĂM 2002VỀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐỂ TRIỂN KHAI THỰC HIỆNKẾ HOẠCH KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2002

Qua hơn 3 tháng triển khai thực hiện kế hoạch năm 2002, nền kinh tế nước ta đã gặp phải nhiều khó khăn và thách thức rất lớn cả ở trong nước và ngoài nước, nhưng với sự nỗ lực phấn đấu rất cao của các Bộ, địa phương và các cơ sở sản xuất kinh doanh, cùng với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, nhiều cơ chế chính sách và các biện pháp đưa ra từ đầu năm đã được triển khai thực hiện tốt. Nhờ vậy, tình hình kinh tế - xã hội có chuyển biến tích cực trên một số lĩnh vực: công nghiệp tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng cao; vốn đầu tư toàn xã hội đạt khá, nhất là đầu tư thuộc ngân sách nhà nước và đầu tư khu vực dân cư; dịch vụ có bước phát triển, thu ngân sách nhà nước đạt khá.... Kết quả đạt được trong qúy I năm 2002 tuy thấp hơn so với cùng kỳ năm 2001 và kế hoạch cần phải đạt được cả năm 2002, nhưng đây là một cố gắng rất lớn, cần được phát huy trong thời gian tới.

Bên cạnh những chuyển biến tích cực nêu trên, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn rất khó khăn: kim ngạch xuất khẩu đạt thấp và giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2001; sản xuất nông nghiệp đang đứng trước nhiều thử thách lớn, đặc biệt là hạn hán kéo dài và khốc liệt hơn mọi năm, nạn cháy rừng xảy ra nghiêm trọng; sản xuất công nghiệp ở một số trung tâm công nghiệp lớn tăng trưởng chưa ổn định; một số lĩnh vực xã hội chưa được cải thiện đáng kể, đời sống nhân dân trong vùng thiên tai còn nhiều khó khăn.

Nhiệm vụ còn lại trong các tháng tới là hết sức nặng nề. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên đây, nhằm hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2002 và tạo đà thực hiện kế hoạch 5 năm 2001 - 2005, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, trước hết cần phải quán triệt và triển khai thực hiện tốt các nhóm giải pháp đã được Quốc hội thông qua, đồng thời khẩn trương triển khai một số giải pháp bổ sung điều hành kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2002 như sau:

I. THÚC ĐẨY CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ:

Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế được coi là nhóm giải pháp vừa có tính cấp bách trước mắt, vừa mang tính chiến lược lâu dài. Để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trước mắt, cần tập trung thực hiện các giải pháp sau đây:

1. Công tác quy hoạch để chuyển dịch cơ cấu kinh tế phải xuất phát từ yêu cầu của thị trường trong nước và ngoài nước, thế mạnh và chỗ yếu của sản phẩm nước ta trong từng giai đoạn, từ đó xác định lộ trình nâng cao khả năng cạnh tranh cho từng sản phẩm ở từng vùng khác nhau. Quy hoạch phải theo vùng, không quy hoạch đơn thuần theo địa bàn cấp quản lý hành chính và phải được hiệu chỉnh kịp thời đáp ứng thay đổi nhu cầu của thị trường. Theo quy hoạch đã được xác định, các cơ quan chức năng cần tập trung tổ chức thực hiện quy hoạch, nhanh chóng xây dựng chương trình đầu tư gắn với doanh nghiệp và các hộ sản xuất theo một cơ cấu phù hợp, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế.

2. Tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp đã được quy định trong Nghị quyết số 05/2001/NQ-CP ngày 24 tháng 5 năm 2001 của Chính phủ về bổ sung một số giải pháp điều hành kế hoạch kinh tế năm 2001 và triển khai có điều chỉnh các nội dung quy định tại Nghị quyết số 09/2000/NQ-CP ngày 15 tháng 6 năm 2000 của Chính phủ về một số chủ trương và chính sách về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Đẩy mạnh tiến độ thực hiện dự án trồng 5 triệu ha rừng, kết hợp với chương trình trồng cây nguyên liệu làm 1 triệu tấn bột giấy và giấy trên cơ sở quy hoạch gắn các nhà máy sản xuất giấy, bột giấy với vùng nguyên liệu.

Phát triển chăn nuôi với mức tăng trưởng nhanh hơn trồng trọt, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, kể cả về thịt, sữa, da. Bộ Công nghiệp phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, địa phương có liên quan sớm hoàn chỉnh đề án quy hoạch phát triển các nhà máy chế biến sữa bò gắn với các vùng nguyên liệu theo tinh thần Quyết định số 167/2001/QĐ-TTg ngày 26 tháng 10 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp và chính sách phát triển chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam thời kỳ 2001 - 2010 để trình Thủ tướng Chính phủ.

Thủy sản là một thế mạnh, có thể và cần được tăng trưởng nhanh. Bộ Thủy sản chủ trì, cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát lại quy hoạch, bố trí những vùng đất ven biển thích hợp cho nuôi trồng thủy sản, chuyển diện tích đất trồng lúa bấp bênh, hiệu quả thấp sang nuôi trồng thủy sản. Bộ Thuỷ sản xây dựng chương trình, kế hoạch đầu tư cụ thể hoặc hướng dẫn các địa phương, các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển giống tôm, cá; hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, phòng, chống dịch bệnh.

Cùng với việc rà soát điều chỉnh các chính sách đã ban hành, bổ sung các chính sách mới nhằm khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo đúng quy hoạch, kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo xây dựng và tổng kết các mô hình chuyển đổi cơ cấu đạt hiệu quả cao để nhân ra diện rộng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương xây dựng đề án về trang thiết bị cho công tác phòng hộ rừng, phòng, chống cháy rừng để có đủ khả năng xử lý khi có sự cố.

3. Chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp chế tạo, nhất là các ngành và sản phẩm công nghiệp sử dụng công nghệ cao, công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn, như: dệt may, giày dép, cơ khí chế tạo, chế biến lương thực, thực phẩm và nông sản... khuyến khích phát triển vùng nguyên liệu, tạo nguồn nguyên liệu ổn định và lâu dài để phục vụ cho các ngành công nghiệp chế biến.

Yêu cầu đối với các ngành công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông, công nghiệp cơ khí, công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, đặt biệt là ngành dệt may, da giày là không chỉ tăng nhanh sản lượng mà phải nâng cao phần giá trị do trong nước tạo ra trong tổng giá trị sản phẩm.

Thực hiện các dự án phát triển ngành điện, than, khai thác và chế biến dầu, khí, bảo đảm sự phát triển cân đối, an toàn về năng lượng. Tăng nhanh năng lực chế tạo cơ khí, trước hết là cơ khí phục vụ nông, lâm, ngư nghiệp. Phát triển có lựa chọn các cơ sở khai thác quặng, luyện kim, hoá chất, phân bón, vật liệu xây dựng. Tích cực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp quốc phòng.

Các Bộ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (dưới đây gọi tắt là tỉnh, thành phố) chỉ đạo các cơ sở sản xuất tăng sức cạnh tranh trên cơ sở sắp xếp lại sản xuất, đổi mới công nghệ và nâng cao trình độ quản lý. Các Bộ quản lý ngành phải cùng với các hiệp hội doanh nghiệp, các Tổng công ty tiến hành xây dựng quy hoạch sản xuất đối với từng ngành hàng, có phương án cụ thể để phát triển mạnh những sản phẩm chủ lực, trọng yếu, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, trực tiếp tạo ra giá trị làm tăng trưởng kinh tế, đồng thời có biện pháp thích hợp hỗ trợ những doanh nghiệp và sản phẩm đang thua kém các nước xung quanh về chất lượng, giá cả.

4. Chuyển dịch mạnh các ngành dịch vụ theo hướng tập trung đầu tư phát triển các ngành dịch vụ có khả năng thu hồi vốn nhanh, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước như du lịch, dịch vụ tài chính ngân hàng, vận tải hàng không, dịch vụ bưu chính viễn thông.... Phát huy mọi nguồn lực của Nhà nước và xã hội để phát triển và nâng cao chất lượng các dịch vụ đáp ứng sự phát triển toàn diện con người như giáo dục, y tế và thể thao. Mở rộng các dịch vụ phục vụ đời sống công cộng và sinh hoạt gia đình.

5. Tăng cường sự chỉ đạo, điều hành của các Bộ đối với các vùng kinh tế trọng điểm, nhất là công tác quy hoạch, kế hoạch, đầu tư (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); khoa học, công nghệ, môi trường (Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường); đào tạo nghề (Tổng cục dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội); tăng cường sự phối hợp, liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm với các tỉnh ngoài vùng, hình thành một số tổ chức hiệp hội để phối hợp thúc đẩy phát triển vùng kinh tế trọng điểm.

Chính phủ và toàn xã hội tích cực hỗ trợ những vùng khó khăn, đặc biệt là vùng núi phía Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, gắn với chương trình xoá đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm.

Ưu tiên giải quyết nước sinh hoạt cho nhân dân, nước uống cho gia súc; cố gắng tối đa đảm bảo nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp; thúc đẩy triển khai các dự án xây dựng công trình thuỷ lợi để tăng năng lực dự trữ nước vào mùa mưa, điều tiết nước vào mùa khô. Khắc phục hạn hán phải đi liền với phòng, chống cháy rừng, lũ bão.

Các Bộ cùng với chính quyền địa phương, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung điều chỉnh quy hoạch sản xuất, hệ thống kết cấu hạ tầng và địa bàn dân cư, tập trung chống sạt lở bờ sông, bờ biển để chủ động phòng tránh bão, lũ; tổ chức chỗ an toàn cho ngư dân neo đậu tầu thuyền khi có bão. Tạo điều kiện cho dân ở đồng bằng sông Cửu Long có cuộc sống an toàn, ổn định, ít phải di dời, duy trì được việc đi lại, học tập, khám chữa bệnh khi có lũ lụt xảy ra.

6. Các Bộ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, Tổng công ty 91 khẩn trương xây dựng phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, tập trung chỉ đạo và thực hiện việc sắp xếp lại các Tổng công ty, đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (Khoá IX) và Chương hành động của Chính phủ. Thực hiện tốt các chính sách đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước quy định tại Nghị định số 41/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 4 năm 2002 của Chính phủ để giúp người lao động có việc làm mới. Việc xác định giá trị doanh nghiệp nhà nước cần tiến hành theo hướng cơ quan có thẩm quyền quyết định chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước quyết định thành lập Hội đồng xác định giá trị doanh nghiệp hoặc lựa chọn các công ty kiểm toán, tổ chức kinh tế có chức năng định giá để trực tiếp ký hợp đồng xác định giá trị doanh nghiệp.

Các Bộ, địa phương cần tạo điều kiện về tài chính, đất đai, thị trường, giống, kỹ thuật và đào tạo nghề để kinh tế hợp tác và hợp tác xã có bước tiến mới hỗ trợ, bổ sung cho kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại; để doanh nghiệp vừa và nhỏ, kinh tế tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phát triển đa dạng về loại hình, về ngành nghề, thực sự là lĩnh vực góp phần quan trọng vào việc tạo ra của cải, giải quyết việc làm, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Các Bộ, chính quyền địa phương chủ động, tích cực triển khai Nghị quyết Trung ương 5 (Khoá IX), phấn đấu thực hiện tốt phương châm "Toàn dân thi đua làm kinh tế giỏi, từng nhà làm giàu cho mình, cho cộng đồng cơ sở và cho đất nước".

II. ĐẨY MẠNH ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN VÀ KÍCH CẦU TIÊU DÙNG:

1. Các Bộ và các tỉnh, thành phố rà soát lại các chương trình, dự án đầu tư từ ngân sách nhà nước để bố trí đầu tư tập trung, có trọng điểm, theo mục tiêu kế hoạch. Bố trí đủ vốn đối ứng cho các dự án ODA nhằm bảo đảm tiến độ theo hiệp định đã được ký kết, đặc biệt là các dự án hoàn thành vào năm 2002 và năm 2003. Chỉ bố trí vốn khi các dự án khởi công mới đã có đầy đủ thủ tục đầu tư theo quy định hiện hành. Các Bộ và địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương thực hiện công tác đấu thầu và các bước tiếp theo để các dự án khởi công mới được triển khai đúng tiến độ.

[...]